1.2

Tôi lắc đầu, ba tôi thật là kỳ quặc, tôi ba tuổi đã biết mẹ sẽ không ở trong bông hoa, vậy mà ba tôi sắp ba mươi rồi vẫn chưa hiểu.

Ba không hiểu thì không hiểu, đối diện với giọt nước mắt của ông bà cố và chú vẫn không thể nói ra, chỉ có thể vừa ăn cà ri vàng vừa vâng dạ "xin lỗi". Cũng không biết là nói với ông cố đã cao tuổi còn phải nhảy xuống nước hay là nói với bà cố phải lục đục nấu bữa tối cho ba.

Trong khoảng thời gian ngắn sau trận đuối nước, ba tôi không gây rối nữa. Khi ấy tôi nghĩ ba như vậy là ổn lắm rồi, ít nhất là không nằm trên giường cả ngày.

Mới đầu ông không chịu để tôi về Bangkok, cứ mãi kể với tôi rằng hồi nhỏ mẹ tôi khao khát được lớn lên ở Chumphon nhường nào.
Bắt đầu từ lúc sáng sớm lừ đừ ngái ngủ tôi phải nghe ông kể đến tận khi trăng qua ngọn cây. Ban đầu tôi rất vui vẻ lắng nghe, sau đó mới nhận ra ông kể lặp đi lặp lại những chuyện mẹ đã viết trong thư, tôi bèn hỏi ông: "Ba không có chuyện nào khác về Pete sao?"

Ba tôi thẫn thờ, ông đứng đó ấm ớ không biết phải nói gì.
Tôi thấy chán, vừa dợm bước thì ba tôi lên tiếng: "Đừng đừng! Có mà có mà! Mẹ con... lúc mang thai con, rất kén ăn. Trước đây em ấy chỉ cần có cơm, có thịt, sau bữa cơm có đồ ăn vặt là đủ rồi. Nhưng từ khi biết mình có thai, em ấy không thích ăn cơm nữa."
"Vậy mẹ ăn gì ạ?"
"Có lúc em ấy muốn ăn bánh mì, có lúc muốn ăn bánh Tako". Ba tôi dần chìm vào hồi ức, gương mặt ánh lên vẻ ấm áp dịu dàng chưa từng thấy: "Có một buổi sáng, ba thức dậy, thấy em ấy đã dậy trước ba, ba hỏi em ấy sao vậy. Lúc đó trông em ấy có vẻ rất tủi thân. Em ấy nói với ba muốn ăn hạt dẻ."
"Rồi sao nữa ạ?"
"Sau đó ba bảo em ấy sau này muốn ăn gì thì cứ kêu ba. Ba ra ngoài tìm hạt dẻ cho em ấy. Nhưng khi đó đang giữa hè làm gì có hạt dẻ, thế là ba ... "

Tôi nghe đến là nhập tâm.
Nhưng cuối cùng, tôi vẫn nói với ba tôi muốn về lại Bangkok bằng không tôi sẽ đi học ở Chumphon. Dù sao thì tôi cũng phải đi học, mẹ tôi đã nói trong thư rằng mong tôi có thể làm quen nhiều bạn ở trường.
Ba tôi ngẫm nghĩ rồi hôm sau vẫn đưa tôi về.

Còn chính ba thì ở lại Chumphon rất lâu, trong suốt thời gian đó ông không hề gọi điện cho tôi, đợi đến gần sinh nhật tôi thì ông mới xuất hiện.

Sau khi tôi biết chữ, sinh nhật mỗi năm của tôi đều như thế này, bác gái đưa thư cho tôi. Tôi sẽ tự đọc trước vài lần, rồi đưa cho ba xem, sau đó hai chúng tôi sẽ đọc cho nhau nghe. Hễ ba thấy tôi không làm bài tập hoặc xem TV, ông ấy sẽ bước sang ngồi xuống cạnh tôi, thế là tôi đi lấy hộp và mở thư ra lần nữa.
Những ngày đó có lẽ là khoảng thời gian mà tôi và ba nói chuyện nhiều nhất, dẫu rằng nội dung câu chuyện cứ lặp đi lặp lại.

Lên cấp hai, tôi bắt đầu học lớp sinh lý. Tôi mới biết sau khi Alpha và Omega góa bụa, mối liên kết giữa họ sẽ biến mất, vì vậy theo lý mà nói thì bố tôi vẫn cần phải vượt qua thời kỳ phát tình.
Nhưng sau khi mẹ tôi mất, ba không hề có Alpha hay Omega nào khác.
Ông cũng không dùng thuốc ức chế, mỗi lần đến kỳ phát tình, ông sẽ tự nhốt mình trong phòng.
Tôi chưa phân hoá nên không ngửi thấy mùi rượu vang đỏ nồng nặc trải khắp hành lang.

Nhưng tốt xấu gì cũng là con của ba nên ít nhiều tôi cũng cảm nhận được điều gì đó. Có lần tôi áp tai lên cửa phòng ba, cách một lớp ván gỗ dày tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng ông khóc.

"Vậy trước và sau khi phân hoá lần hai, mẹ con đều mang mùi cam ạ?" Tôi hỏi bác gái.

Ông ấy ngạc nhiên: "Đúng rồi, mùi không thay đổi. Vegas nói với con à?"
Tôi lắc đầu. Ba tôi còn lâu mới kể tôi nghe điều này, tôi thấy cứ đến kỳ phát tình là dăm ba hôm ấy ông chẳng ăn cơm, chỉ ăn hộp cam đã đem vào phòng từ trước.

Từ đó suy ra, ba tôi quả thật là bệnh không nhẹ, tiếc thay loại thuốc có thể chữa khỏi cho ông sớm đã thối rữa nơi lòng đất từ mười mấy năm trước.

Sau tiết học sinh lý, tôi chặn thầy giáo lại, hỏi thầy về chuyện "phân hóa lần hai".

"Chuyện phân hoá lần hai.... có thể do rất nhiều nguyên nhân, đa số trường hợp là do chịu tổn thương về sinh lý hoặc tâm lý. Tất nhiên có những trường hợp đặc biệt như có người bẩm sinh phân hóa lần hai".
Thầy không nói cụ thể, tôi cũng không hỏi tiếp. Thực ra, trong lòng tôi cũng có linh cảm mơ hồ rằng khi ấy giữa ba mẹ tôi khá nhập nhằng dây dưa.

Mấy chuyện đó ba sẽ không nói với tôi đâu. Bác cả và vợ bác hai cũng không thích kể cho tôi nghe, dĩ nhiên họ không biết nhiều. Tôi gặng hỏi mãi thì mới biết năm xưa khi phát hiện mạng thai tôi, mẹ đã bỏ trốn khỏi ba, quay về chỗ bác cả với cơ thể thương tích.

"Vậy hoá ra ông ấy không muốn có con".
Tôi nhét salad cà rốt vào miệng, đoạn nói với bác gái.

"Không phải, Venice, không phải đâu. Mẹ con rất yêu con, cũng rất yêu ba con. Con thấy đấy, sau này cậu ấy vẫn chọn ba con. Đó là sự lựa chọn của cậu ấy, không ai ép buộc cậu ấy cả."

Nhưng ông ấy chọn Vegas, thì đồng nghĩa là chọn tôi ư? Hay vì có tôi nên ông ấy mới chọn ba tôi?
Tôi không hiểu.

Trong tiết học sinh lý, tôi đã nhìn thấy những bức ảnh Omega mang thai, bụng như bị thổi căng phồng hệt bong bóng càng làm nổi bật tứ chi gầy tong.
Tôi biết lúc Pete mang thai, không thích ăn mà cứ nôn mửa, biết nửa đêm ông ấy sẽ không tài nào ngủ được vì cơn đau đột ngột, biết khi đó vì mặt và hai chân phù thũng mà ông ấy khóc mấy tuần, cuối cùng để dỗ ông ấy mà ba tôi trồng cả vườn hoa và đồng ý hoãn đám cưới.

Thế nhưng, tôi vĩnh viễn không thể chạm vào vết sẹo trên bụng mẹ và hỏi mẹ có đau không, có vui lắm không khi sinh ra con, như các bạn cùng lớp.
Tôi chỉ có thể đọc lại những bức thư mẹ đã viết và liên tục nhắc nhở mình phải tin lời Porsche.

Mùa thu giữa năm đã xảy ra một chuyện không ai ngờ tới:

Tôi bị bắt cóc.

Kẻ bắt cóc và đám người đã bắt mẹ tôi có chút liên quan, tôi vừa xuống xe buýt của trường thì bọn chúng ra tay.
Lúc tỉnh dậy, tôi phát hiện mình bị trói trong một nhà máy bỏ hoang, và phản ứng đầu tiên của tôi là: Rồi xong, ngày đầu tiên đi xe buýt của trường thì gặp chuyện, đời này đừng mơ tới chuyện tôi đi xe của trường nữa. Kế đó, tôi bắt đầu đoán xem liệu chú ba cử người đến trước hay bác gái tìm thấy tôi trước.
Dù sao cũng không thể là ông bô nhà mình, ông tới cũng vô ích, đã nhiều năm rồi ông không làm đại ca nữa, nghĩ vậy tôi thấy hơi buồn cười.
Tôi nghĩ lúc đó hẳn mẹ tôi cũng thế này, bị trói, bị quất roi, bị tra hỏi, cuối cùng bị bắn chết. Nếu tôi có thể chết giống mẹ, hình như cũng được.

Thật tiếc là tôi không chết, thậm chí chưa kịp có ai xuất hiện đánh tôi. Tôi chỉ bị trói với nhịn đói một thời gian.
Trước khi ngất đi, tôi đã nghe thấy rất nhiều giọng nói, tất cả rất quen thuộc, nhưng tôi không thể phân biệt được đó là bác hai hay chú ba, hoặc có thể, là ba tôi.

Trừ cổ tay bị trầy da, tôi không bị thương chỗ nào, nhưng vẫn phải nằm viện một tuần. Bởi vì tôi bị sốt cao ba ngày, tôi đắm trong một giấc mơ, ai gọi cũng không tỉnh.

Nói một cách chính xác, đó là một đoạn ký ức. Hồi tôi còn nói chuyện với hoa hồng, có một lần tôi gặp con chim trong sân, không biết loài gì, cánh trái của nó bị thương.

Tôi vất vả lắm mới tóm được nó, nhưng không tìm thấy lồng nên đành lấy dây buộc chân phải nó lại rồi tìm bác sĩ Top chữa thương cho nó.

Lúc tôi tìm trùng đút nó ăn thì ba tôi - người lẽ ra đang ở công ty không biết tại sao lại đột ngột trở về. Tôi vẫy tay chào ba, kết quả ông không quay vào nhà, mà chỉ đứng sau lưng tôi nhìn con chim.

"Con đang làm gì vậy?" Giọng ba có vẻ lạ lùng, như thể vừa tức giận vừa buồn đau.

"Cứu nó ạ".

"Vậy con buộc nó lại làm gì?" Ba đột nhiên quát lên làm tôi sợ hết hồn.

"Không buộc dây nó sẽ chạy."

"Nó sẽ không chạy. Nó sẽ không chạy đâu!" Ba ngồi thụp xuống định tháo sợi dây ra khỏi chân con chim.

"Ba làm sao vậy!" Tôi cũng lo lắng. "Nó bị thương rồi, nếu bỏ chạy có thể sẽ chết!"
Ba tôi vừa nghe câu này thì buông tay, ngơ ngẩn nhìn tôi đút nó ăn.

"Con không được nuôi nó đâu." Ông bất ngờ lên tiếng.
"Con không muốn nuôi nó."
"Con không được nuôi nó. Nó sẽ chết." Ông gần như rủ rỉ lời nguyền bên tai tôi.
"Nó sẽ không chết! Con cũng sẽ không nuôi nó!" Tôi giận dỗi, đẩy ba ra và quay về phòng.

Kết quả là hôm sau thức dậy, tôi phát hiện con chim đã biến mất nhưng sợi dây vẫn còn đấy.
Tôi ngờ rằng chính ba đã thả con chim đi, nhưng tôi không liên lạc được cho ông, tôi ngửa đầu lên nhìn bầu trời, không thấy bóng dáng con chim nào. Tôi lo vết thương khiến nó không vượt qua nổi, vì vậy tôi bắt đầu kiểm tra từng tấc đất bãi cỏ xem có gồ đất nhỏ nào mới không, nhưng tôi tìm rất lâu mà không gặp.
Tôi không yên tâm, cứ tìm mãi, tìm mãi....

Cuối cùng thì ba cũng đánh thức tôi dậy, ông nói: "Venice, con dậy rồi ba sẽ cho con xem ảnh của Pete."

Tôi tỉnh dậy theo cùng cơn giận ngút trời.

Tôi chỉ thấy hình mẹ khi tôi đến Chumphon, nhìn mẹ từ một thằng nhóc tóc gáo dừa trở thành một thanh niên tóc gáo dừa. Tiếc là album của ông bà cố đã dừng lại khi mẹ tôi đến Bangkok sau khi tốt nghiệp cấp ba.

Khi làm việc ở nhà bác cả, mẹ tôi chỉ chụp một tấm. Vệ sĩ không cần chụp nhiều ảnh, một tấm là đủ để làm giấy tờ, nhận diện khuôn mặt, và cả di ảnh cho đám tang.

Có đợt say xỉn, bác cả vừa khóc lóc vừa nói với tôi bác mua bao nhiêu máy chiếu và tivi màu, ấy thế mà chưa bao giờ nghĩ đến việc mua một chiếc máy ảnh, nhưng bác lại không chịu đưa cho tôi tấm ảnh thẻ của mẹ, ông nói làm vậy xui xẻo.

Bác ấy đâu có biết, hồi chín tuổi, tôi đến trước mộ mẹ chụp bức hình trên bia, sau đó photoshop thành ảnh màu, đem in ra rồi đặt chung với mấy bức thư.
Đó là bức ảnh có một không hai, vì tóc mẹ tôi màu vàng.

Trời đất chứng giám, tôi luôn cảm thấy rằng lúc mẹ mang thai không chịu chụp hình, sinh xong lại bận chụp ảnh tôi, nên việc ba tôi không có ảnh của mẹ là chuyện bình thường.
Nhưng nào ngờ ba tôi có, mà không chỉ một tấm.

Tôi nằm trên giường bệnh, cầm những tấm ảnh ba đưa, khoảng hơn chục tấm.
"Chỉ có nhiêu đây ạ?"
"Chỉ có nhiêu đấy thôi" Ba tôi sờ mũi.

Tôi không còn hơi sức bóc mẽ ông, mà bắt đầu xem ảnh.

Chàng thanh niên đầu gáo dừa màu vàng choé trong trí nhớ tôi đã biến thành một người đàn ông tóc đen với má lúm đồng tiền, ông đứng trước cửa nhà bác cả, tay phải cầm que kem, cười nói chuyện gì đó bác gái, bác gái cau mày nhìn điếu thuốc trên tay trái.

"Ba chụp trộm."Tôi nói.
"Phải". Ba tôi mau chóng thừa nhận.

Hầu hết mấy bức ảnh sau đó đều chụp lén cả, camera bí mật lưu giữ lại hình ảnh mẹ đang ngủ với mái tóc rịn mồ hôi, dáng vẻ mẹ ngắm hoa hồng trong sân và cả khi mẹ ôm tôi bên nôi.

Tôi biết ba đã cắt tấm hình đó, tôi chỉ có thể xem nửa góc nghiêng gương mặt mẹ, bờ vai trần mượt mà và đôi cánh tay duỗi về phía tôi.

Dù sao thì ba cũng sẽ không cho tôi xem toàn bộ nên tôi dứt khoát không hỏi thêm. Tôi chỉ nói: "Con có thể lấy cái này làm thành album ảnh không? Đặt ở phòng khách, con và ba đều có thể xem".

Ba tôi gật đầu và dặn dò: "Nhưng đừng nói với bác cả và người khác biết. "

Hôm sinh nhật năm lớp tám, vào buổi sáng tôi như thường lệ nhận được bức thư và đưa cho ba sau khi đọc xong.

Ba tôi đang nấu món cà ri trong bếp, thấy tôi cầm lá thư bước tới, ông vội lau tay vào tạp dề rồi dựa vào kệ gia vị để đọc.
Thoạt đầu, phản ứng của ông cũng không khác trước đây lắm, vẫn ánh mắt dịu dàng trước sau như một.

Khi đọc đến trang thứ ba, không hiểu sao ông bỗng dưng trở nên kích động, bàn tay run run không kiềm được, khoé mắt đỏ hoe.

"Ba muốn bức thư này". Ông nói.
"Sao cơ?" Tôi không hiểu ý ông.
"Ba muốn bức thư này, ba muốn cất giữ nó."
Tôi đang ngồi bên bàn ăn, nghe xong câu này tôi chậm rãi đứng dậy.
Tôi hiểu, trong bức thư đó, có một câu mẹ viết cho ba.

"...... Ui, mẹ không biết có phải tại dạo này ăn kem nhiều quá hay không mà răng mẹ hơi đau. Venice, chắc bây giờ con thay răng hết rồi nhỉ, phải chú ý chăm sóc răng miệng nhé. Vegas, nếu anh đọc được thì nhớ đưa Venice đi khám răng thường xuyên. Ngay cả anh cũng phải kiểm tra định kỳ...."

Tôi nhìn ba: "Không được." Tôi nói.

"Chỉ bức này, chỉ bức này thôi". Ba tôi gần như van lơn: "Vậy thì chỉ trang này thôi".

"Không." Tôi nói
Tôi vươn tay nắm mảnh giấy, nhưng ba tôi không chịu nới tay.

Cà ri trong nồi đã bắt đầu sôi ùng ục, nhưng nào ai còn quan tâm đến nó.
Tôi hét lên: "Đây là thư mẹ viết cho con!"

Chẳng rõ là tôi hay ba dùng sức trước, tóm lại mảnh giấy đột ngột rách tơi.

Nửa mảnh giấy bay sang bếp, ba tôi vội vã với theo. Tờ giấy thì không sao, nhưng ba tôi bất cẩn làm đổ cái nồi trên bếp, và cà ri nóng hổi giội lên chân ông.

Ông không quan tâm đến vết bỏng trên người mình mà chỉ lo đặt những mảnh giấy vụn lên bàn.

"Ghép lại được ghép lại được, không làm bẩn..." Ông lẩm bẩm như bệnh thần kinh sau đó ngước mắt nhìn tôi, cặp mắt rưng rưng.

Tôi đờ đẫn nhìn ba, không tài nào thốt nổi chữ "vâng".

"Venice, Venice, xin con đấy". Cuối cùng ba tôi bật khóc thành tiếng: "Em ấy viết cho con biết bao nhiêu thư, nhưng trừ câu nói kia thì không để lại gì cho ba hết."

Khi chú tôi bước vào, ba tôi đang ôm đầu quỳ trên bãi cà ri. Ông mặc chiếc tạp dề màu hồng khôi hài, chân đầy những vết phồng rộp và khuôn mặt đầm đìa nước mắt nước mũi.

Lúc chú và vệ sĩ kéo ba đi, tôi vẫn đang đứng đực mặt bên bàn ăn, đây là lần đầu tiên tôi thấy ai đó khóc đau lòng đến thế, điên loạn đến vậy.

Thực ra bây giờ nghĩ lại, lẽ ra ngày ấy tôi nên hậm hực phản bác ba mình.
Mẹ không để lại gì cho ba sao, ông ấy gần như để lại tất cả tình yêu cho ba rồi.

Nhưng khi đó tôi sợ thật. Tôi biết ba mình là kẻ điên, nhưng tôi không ngờ ba lại điên đến nhường ấy.

Tôi đi tìm bảo mẫu lấy cây lau nhà, tự mình dọn sạch đống hỗn độn, sau đó đem những mảnh giấy về phòng và cẩn thận dán chúng lại.

Tôi trăn trở cả đêm, cuối cùng vẫn cho ba trang giấy đó, nhân lúc ông còn chưa tỉnh lại vì tiêm thuốc an thần, tôi đặt nó ở đầu giường, bởi vậy tôi đã không chứng kiến cảnh ông mừng quýnh như điên. Nhưng tôi biết kể từ đó toàn bộ quần áo của ông đều may thêm một chiếc túi trong để đựng bức thư được gói kín trong một chiếc túi nhựa trong suốt.

Cũng từ sau ngày hôm đó, ba tôi dường như quyết tâm sắm vai một người cha tốt, ông dần dần không còn nói những câu khó hiểu nữa, cũng bắt đầu xuống bếp nấu cơm cho tôi ăn mỗi ngày.
Tôi không ngờ bức thư đấy lại hiệu quả đến vậy, nhưng tốt mấy thì tôi cũng không cho nữa đâu.

Tôi mất trọn một năm trời để bắt chước nét chữ của mẹ. Không giờ ngày sinh nhật, tôi đến nhà bác gái để xin lấy lá thư, sau khi đọc xong, tôi đã tự chép lại một bản.

Nếu ba đòi nữa tôi sẽ đưa bức thư giả này cho ông, tôi nghĩ.
Nhưng ba không hề đòi hỏi, như thể một trang giấy kia đã đủ để ông thỏa mãn rất lâu.

Năm mười sáu tuổi, tôi đưa bạn gái về nhà.

Tên cô ấy là Wendy, khi đó cô ấy đã phân hoá thành Omega.

"Khi thích cô ấy, con chỉ biết cô ấy tên Wendy, con không biết cũng không quan tâm cô ấy là Omega". Tôi nói.
Lý do tôi thích cô ấy cũng rất đơn giản, cô ấy là người duy nhất tôi bằng lòng kể và cô ấy cũng bằng lòng lắng nghe những câu chuyện mẹ viết cho tôi.

Bác hai và mấy người khác lần lượt bước qua xoa đầu tôi, bày tỏ Wendy là người rất tốt.

Trái lại ba tôi không nói gì, chỉ là lúc Wendy sắp về, ba cắt mấy nhánh hồng ngoài sân cho cô ấy mang đi.

Có vẻ mọi thứ bắt đầu theo chiều hướng tốt đẹp.
Nhưng trong lòng tôi loáng thoáng một linh cảm, rằng không phải vậy.

Vào đêm trước khi tốt nghiệp cấp ba, nhà trường tổ chức hoạt động cắm trại giữa phụ huynh và con cái, tôi hỏi ba có muốn đi không.
Ba đứng bật dậy khỏi sofa, cắm trại à, ông nói, ba có thể đi sao? Ba chưa đi cắm trại bao giờ cả.
Tại sao không, tôi đáp, chúng ta chỉ cần mua một cái lều và ít trang bị là được. Ông sáp lại xem tôi thêm đồ vào giỏ hàng một cách rất thích thú, vừa nhìn vừa kêu tôi mua thêm mì gói.

Đêm trước khi cắm trại, ông háo hức như một đứa trẻ, nửa đêm tôi thức dậy đi vệ sinh thì thấy ông ngồi xổm trong phòng khách để kiểm lại những thứ cần mang theo. Tôi đuổi ông về phòng ngủ và dặn chiều hôm sau ông đừng đến muộn.

Nhưng ngày hôm sau, tôi đứng ở cổng trường lại không đợi được ba mình.

Các thầy cô và bạn học đã lên xe đi trước. Tôi không gọi được cho ba, tôi gọi mãi, một mình đợi từ trưa đến chạng vạng.

Cuối cùng khi tôi bỏ cuộc định về nhà thì nhận được cuộc gọi nói rằng ba vào đồn rồi.
Nhưng lý do lại vớ vẩn khủng khiếp. Ông cãi nhau với một đứa trẻ trong chùa, sau đó đánh nhau với cha của đứa nhỏ.

Khi tôi và chú đến đón ông thì trời đã tối. Tôi dựa vào ghế phụ không nói một lời, chỉ có ba tôi đang rít lên trong xe: "Hai người có biết thằng nhỏ đó nói gì không? Nó nói người chết rồi sẽ chỉ bị phân hủy, nói mấy câu mà tôi hỏi nhà sư về chuyện vãng sanh là rất ngu!"

Chú tôi nhỏ nhẹ an ủi: "Thằng nhóc đó không hiểu chuyện, đừng so đo với nó làm gì".

Thằng nhóc đó không hiểu chuyện ư, tôi nghĩ thầm, mặc dù nó vẫn phải làm nũng đòi kẹo trong lòng mẹ nó, nhưng cái gì nó cũng hiểu.

Lúc vào nhà, đám người bác cả cũng ở đấy, ba tôi vẫn đang nói sang sảng, thật ồn ào.
Nhác thấy chiếc túi cắm trại trên vai tôi, miệng ông đang mắng mỏ thằng nhỏ nhưng vẫn vô thức vươn tay ra định lấy xuống chiếc ba lô nặng nề.

Nhưng tôi gạt phăng cánh tay ông.

"Thôi đủ rồi, Vegas." Cuối cùng tôi lên tiếng: "Thằng nhỏ đó nói chẳng sai chút nào hết, Pete đã chết rồi, mục rữa rồi!"

Tôi vứt chiếc túi xuống đất, đăm đăm nhìn vào mắt ba mình: "Nếu có thể lựa chọn, con cũng không muốn ông ấy chết. Nếu có thể lựa chọn, con hy vọng người ở bên con là ông ấy, chứ không phải ba."

Thật ra, trong lòng tôi chắc chắc có một giọng nói ngăn cản lại, nhưng tôi không nghe thấy, tôi chỉ vô thức chọn thốt ra những lời tổn thương ba mình nhất: "Có lẽ điều bất hạnh lớn nhất của Pete, chính là quen biết ba. Còn bất hạnh lớn nhất của con, là được sinh ra bởi ông ấy!"

Xung quanh lặng ngắt như tờ, chỉ mỗi tôi đứng đó thở hổn hển.

Ba tôi đứng như trời trồng, qua một lúc lâu sau ông mới cử động được, dường như ông cũng không biết tỏ ra thế nào mới phải, nom có vẻ ngớ ngẩn. Ông gãi đầu, ngồi xổm xuống thu dọn balo cắm trại của tôi.

Thật ra cũng không phải thu dọn, ông chỉ kéo mở khoá kéo rồi đóng lại, lặp lại mấy lần liền rồi bắt đầu móc hết đồ bên trong ra, cuống quýt bưng đống đồ về phòng.

Bác cả tôi bước tới trước, ông ấy đã hơi nghẹn ngào.
"Venice, bác cũng từng cho rằng, nếu Pete không yêu Vegas thì mọi chuyện đã tốt đẹp hơn. Nhưng qua ngần ấy năm, bác nhận ra, ai trong chúng ta cũng không có tư cách để nói thế."

Chú tôi đứng bên cạnh giơ tay che mặt, khóc rấm rứt: "Venice, ngay cả con, cũng không được nói như vậy."

Đợi tâm trạng của mọi người ổn định, chú bảo tôi ngồi xuống sofa.
Chú lấy điện thoại ra, hỏi tôi: "Con có biết, trước lúc lâm chung mẹ con để lại lời nhắn gì cho ba con không?".
Tôi lắc đầu.

Ông ấy ấn mở đoạn ghi âm, để tôi tự nghe.
Điện thoại vang lên một giọng nói xa lạ.
Đã rất rất lâu không nghe người ấy nói chuyện, nhưng kỳ lạ thay, tôi có thể tưởng tượng ra dáng vẻ ông khi nói.
Ông chắc hẳn đã rất cố gắng để hít thở sâu, rõ ràng không có ai nhìn nhưng vẫn phải nặn ra một nụ cười rồi mới mở miệng.

"Vegas," Pete nói: "Em hy vọng, anh có thể cố gắng trở thành một người ba tốt của Venice, cho con những thứ mà cả hai ta đều chưa từng có, được không anh? Vegas ......"

Giọng nói đến đây thì đứt đoạn. Hẳn là mẹ muốn nói thêm điều gì đó, nhưng ông đã không còn thời gian nữa.

Vậy ra đây là đoạn ghi âm mà mỗi khi đêm về ba tôi phải nghe hàng trăm đợt, vẻn vẹn có mười mấy giây.

"Hoá ra ba không điên." Tôi nói.
"Cái gì?" Chú tôi nghe không rõ.

Hóa ra ba tôi không hề điên. Tôi cứ tưởng ông bị điên, nhưng không phải.

Ông chết rồi.

Vào ngày mẹ tôi mất, ông cũng chết rồi.

Chỉ là, giọng nói của mẹ đã trở thành sợi dây điều khiển ông, từng giây từng phút nhắc nhở mỗi sớm mai phải nhớ mở mắt, phải nhớ ăn cơm, phải trải qua vô số đêm ngày thiếu vắng Pete để nuôi dưỡng con trai họ nên người.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: