Hồi Ức

                                °°°°°

   Thị xã Thuận Mỹ phồn hoa bởi những ngôi nhà cao tầng xa hoa mỹ lệ, mọc lố nhố san sát nhau như cờ Ngô ngoài đồng. Mới chỉ 5 giờ sáng mà ngoài đường xá bóng người, xe cộ qua lại tấp nập, cửa hàng nhộn nhịp khách hàng vào vào ra ra liên hồi như khung cửi, tiếng người rao bán chào hàng, tiếng khách hàng mặc cả giá hàng rổn rảng hỗn tạp, tạo cho không khí phố thị một vẻ sầm uất đến ngột ngạt hơi thở. Từ khi có vài cái công ty giày da của Đài Loan về đây đầu tư, đã tích cực tạo công ăn việc làm cho người dân Thuận Mỹ và những vùng xã lân cận. Dòng người từ các xã xung quanh, ngày một đổ về Thuận Mỹ sinh sống, khiến cho dân số Thuận Mỹ tăng lên lượng lớn. Dân đông thì mức sống, nhu cầu sinh hoạt tăng theo. Chính vì vậy các cửa hàng, chợ búa, trường học, bệnh viện..., mọc lên chen chút như nấm sau mưa. Các công ty, doanh nghiệp tư nhân khác cũng nhận thấy được tiềm năng ẩn tàng của Thuận Mỹ mà bắt đầu quy tụ về đây định vị. Điều đó khiến cho cơ sở hạ tầng, đường xá ngày càng được mở rộng và có mạng lưới tuyến đường dày đặc phức tạp, nhà cửa mọc lên san sát đủ mọi kiểu loại. Tất cả các nguồn lực trên, vô hình trung đã làm cho Thuận Mỹ từ một thị trấn nhỏ bé vắng vẻ, nhanh chóng lột xác trở thành thị xã sầm uất tấp nập và phồn thịnh.

   Xã Xuân Hòa nằm giáp ranh với thị xã Thuận Mỹ. Nếu nói thị xã Thuận Mỹ phồn hoà đại thịnh bao nhiêu thì ngược lại xã Xuân Hòa lại tiêu điều hoang sơ bấy nhiêu. Cả hai nơi ấy có thể xem như khác nhau một trời một vực.
Xã Xuân Hòa dân cư thưa thớt, nghèo nàn, cảnh vật hoang dại rừng rú, đường đi nhỏ hẹp lầy lội. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, cho nên nơi nơi đều hoàn toàn là nương ngô ruộng lúa xanh ngát, xa tít tắp chân trời.
   Sâu trong những bụi tre già cằn cỗi cao nghêu ngất, ẩn hiện một căn nhà tình thương bằng gạch đỏ, đã nhạt màu theo phong sương. Phía trên nền gạch đỏ nhạt, đã loang lỗ màu xanh mục nát của cỏ rêu, làm cho độ vững chắc của căn nhà ấy càng thêm yếu ớt mỏng manh. Mái tôn phía trên nóc nhà đã lủng thủng vài lỗ do nước mưa ăn mòn. Màu rỉ sét của mái tôn vốn đã đỏ đục, lại kết hợp với màu đỏ ối của ráng chiều đang buông xuống, tạo nên một màu đỏ bầm của sự tiêu điều, thê lương não nề.

" Rửa chén xong chưa Minh, nhanh nhanh còn nấu cơm cho tao ăn nữa coi ! Bà mày đói muốn lả người rồi đây ! ". Tiếng người phụ nữ trung niên từ nhà trên vọng xuống.

" Dạ...con rửa xong liền ạ ! ".

   Minh đang ngồi rửa chén, vừa rửa vừa miên man suy nghĩ chuyện vẩn vơ. Nghe bà Hồng gọi vọng xuống, cậu mới sực tỉnh, vội vàng đáp lại lời.
Minh tráng nhanh lớp bọt nước rửa chén còn xót lại trên mấy cái nồi nhôm đã xỉn màu theo thời gian, rồi cậu nhanh tay bê đống chén bát mới rửa xong,  úp gọn lại trên chiếc rổ nhựa cũ kĩ để cho ráo nước.
Minh cầm cái nồi cơm điện đi lên nhà trên lấy gạo nấu cơm. Cậu thấy bà Hồng bộ dáng lười nhác đang ngồi sóng xoài trên cái võng đong đưa, vừa dũa móng tay vừa xem tivi, miệng cười hô hố đầy bỉ ổi. Cậu khẽ lắc đầu tỏ vẻ ngán ngẩm trong lòng.

" Sung sướng quá đấy ! Bà đói thì sao không biết tự đi nấu mà ăn ! Tôi đây đi bán buôn cả ngày mệt muốn rã người rồi, đã thế còn hành hạ tôi hầu cho bà nữa à ! Mà trời sinh cho bà cái giọng cười sao mà khả ố dã man đến thế ! ".

   Minh trong lòng đang nói thầm, oán trách bà Hồng. Dĩ nhiên cậu làm gì có lá gan đủ lớn mà nói thẳng ra cho bà ta nghe, dù sao cậu đẹp chứ đâu có ngu !

" Cái gì ? Mày dám trừng mắt với bà mày đấy à ! Á... thằng này láo ! Mày có tin là tao quăng cái dép Lào này dính vào cái mặt mày, mà để lại số dép in trên đó không hả ? ".

   Bà Hồng chợt phản pháo khi thấy Minh trừng mắt nhìn mình, tay bà với cái dép Lào dưới chân, ra bộ muốn ném nó vào mặt Minh.

" Dạ...con không dám ạ ! Con đi nấu cơm đây ! ".

   Minh luống cuống trả lời rồi xách cái nồi cơm nhanh biến đến chỗ bao gạo.

" Hứ !!! Con với cái thế đó ! ".

   Bà Hồng nheo mày hứ lớn một tiếng đầy khinh ghét, rồi lại tiếp tục vừa dũa móng tay vừa xem tivi như trước.

   Sau khi nấu cơm và làm một vài công việc nhà cửa xong xuôi thì trời cũng đã tối xẩm, Minh ăn vội vài miếng cơm cho qua loa rồi ngồi ngay vào góc học tập của riêng mình. Cậu lấy sách tập ra, tranh thủ làm cho xong bài tập về nhà của ngày thứ hai, để rồi còn để đi ngủ sớm. Còn bà Hồng sau khi xem tivi chán rồi cũng bò lên giường đi ngủ.

" Mày lo đi ngủ sớm còn để ngày mai đi bán sớm nữa ! Ngày chủ nhật đường xá người đông nên tranh thủ bán nhiều nhiều một chút ! ".

   Bà Hồng ngáp ngắn ngáp dài nói, đôi mắt tí hí biểu hiện buồn ngủ.

" Dạ ! Con biết rồi ! ".

   Minh hờ hững trả lời, tay vẫn không ngừng viết viết trên tập vở.
Bà Hồng cũng không thèm để ý đến Minh nữa, chân lò dò về giường ngủ và cũng không quên với tay tắt cái đèn tuýp giữa nhà. Căn nhà chợt tăm tối sâu thẳm, chỉ còn lại ánh sáng vàng vọt yếu ớt chập chờn phát ra từ cái đèn học bé tí nơi Minh ngồi học.
   Trời về đêm đường xá vắng vẻ tịch mịch, vầng trăng khuyết trên không miễn cưỡng rọi chút ánh sáng nhàn nhạt lờ mờ xuống nhân thế, cảnh vật trở nên mờ mờ ảo ảo khó định. Gió lạnh đêm khuya, từng cơn thổi rào rào ngang qua đám tre già làm chúng oằn ẹo phát ra những tiếng kêu ọt ẹt quái dị, thỉnh thoảng gió lùa qua đám ngô ngoài đồng tạo ra âm thanh xà xà kết hợp với tiếng cú...cú... của loài chim ăn đêm, khiến cho khung cảnh đượm màu liêu trai ma mị đến lạnh gáy. 
Minh vẫn cặm cụi ghi ghi chép chép mặc cho cảnh vật xung quanh tác động, dường như cậu đã quá quen thuộc với cái cảm giác đêm lạnh nơi đây. Giữa đêm khuya thanh vắng, một thân một mình với sách vở, nhiều lúc Minh cũng cảm thấy cô đơn tràn trề. Cậu cảm thấy tui tủi cho bản thân mình. Tại sao những đứa trẻ khác vào giờ này thì giường êm nệm ấm trong vòng tay đầy ắp tình thương của Cha Mẹ, còn cậu thì một mình nơi đây lạnh lẽo với bút tập vô cảm tẻ nhạt. Minh cảm thấy nhớ Cha Mẹ vô cùng, giờ này cậu chỉ muốn rúc đầu vào lòng Mẹ, cảm nhận từng làn hơi ấm nồng nàn từ nơi ấy phát ra, mà đánh một giấc đến sáng. Thế nhưng, có lẽ cậu sẽ không còn cơ hội để được cảm nhận làn hơi ấm linh thiêng đó một lần nào nữa, đúng hơn cậu sẽ không bao giờ được gặp lại người mẹ dịu hiền mến yêu kia nữa! Vì Mẹ đã không còn tồn tại trên thế gian nữa rồi ! Từng giọt nước mắt nóng ấm khẽ khàng  nhỏ xuống trên trang giấy trắng khiến chúng nổi phồng lên, trông giống như nấm mộ tang thương lạnh lẽo của người ấy !.

   Trước đây khi mẹ Minh còn sống, gia đình họ rất hạnh phúc yên ấm, mặc dù hoàn cảnh sống khó khăn túng thiếu hơn bây giờ rất nhiều. Hồi ấy đâu có nhà gạch cao ráo thoáng mát như bây giờ, gia đình Minh phải ở trong căn nhà mái tranh không mấy gì là rộng rãi cho lắm. Mỗi khi trời mưa bão lớn, căn nhà phải gồng mình chống đỡ những đợt gió mạnh bạo, luôn lăm le quật đổ nó bất cứ lúc nào. Mưa kéo dài làm nước thấm ướt qua mái tranh mà nhỏ giọt xuống dưới nền nhà. Cả nhà phải thức trắng cả đêm với nồi và chén để hứng nước mưa. Thế nhưng những giọt nước mưa lạnh lẽo tàn nhẫn ấy nào có thể dập tắt được ngọn lửa tình thương của ba con người nhỏ bé kia !.
   Khi Minh vào lớp 4 thì hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn hơn. Để đủ tiền lo cho Minh ăn học đầy đủ, Ba Mẹ của cậu phải tất bậc lao động. Ngoài 6 xào ruộng ít ỏi, họ phải đi làm thuê cho người ta để kiếm thêm chút đỉnh tiền nong. Còn Minh thì sau mỗi buổi học, cậu ở nhà phụ giúp Ba Mẹ lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, băm rau cho lợn ăn... tất cả các công việc có thể phụ giúp gia đình thì Minh đều làm hết. Cuộc sống gian khó ngày càng bòn rút sức lao động của người Mẹ. Do lao động quá sức, Mẹ cậu bắt đầu sinh ra bệnh tật, mà bất hạnh thay lại là bệnh hiểm nghèo. Và chỉ sau một thời gian ngắn chạy chữa đủ cách, Bà vẫn không thoát khỏi cái chết. Đám tang của Bà diễn ra trong lặng lẽ vắng vẻ, chỉ có một số ít người thân cùng láng giềng đến đưa tiễn. Ngày hôm đó Minh đã đau khổ đến cùng cực và khóc hết cả nước mắt.

   Bà Hiền mất để lại ông Đức, Ba của Minh, một mình cảnh gà trống nuôi con. Cuộc sống hai cha con cũng không tốt hơn lúc trước là bao, tuy nhiên cũng dễ thở hơn đôi phần. Cuộc sống khó khăn trăm bề, nhưng ông Đức vẫn cật lực kiếm tiền nuôi cho Minh ăn học đến nơi đến chốn. Và Minh cũng hiểu được mong muốn của Ba mình, nên cậu càng chăm chỉ học hành hơn. Kết quả mang về là cậu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong trường. Để tưởng thưởng cho tinh thần nghèo hiếu học của Minh, Nhà nước sau nhiều lần xét duyệt, cuối cùng cũng quyết định trao tặng cho gia đình Minh căn nhà tình thương nho nhỏ. Hai cha con niềm vui vỡ òa, vì từ nay họ không còn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ căn nhà sụp đổ trong những ngày mưa bão thét gào, không còn cảnh mất ngủ ngồi hứng nước mưa nhỏ dột trong đêm. Minh thì có ánh đèn sáng sủa để thoải mái học hành hơn, không còn cảnh châm đèn dầu vàng vọt, khói đen khét lẹt như trước nữa !.
Căn nhà mới mang đến đủ mọi niềm vui cho cha con ông Đức. Thế nhưng, sâu thẳm trong thâm tâm ông vẫn luôn ẩn chứa một điều phiền muộn. Ông băn khoăn về tương lai học hành của thằng Minh. Ông lo sợ rằng khi thằng Minh vào cấp 3 thì ông sẽ không còn đủ khả năng lo cho nó ăn học, nếu như ông vẫn còn làm ăn kiếm sống ở cái xã nghèo nàn heo hút này !. Tài sản của ông bây giờ chẳng còn gì ngoài căn nhà tình thương nhỏ bé kia ! Tất cả ruộng đất, tiền tiết kiệm đều đã đổ vào chữa bệnh cho vợ ông, thế nhưng cuối cùng vẫn không thể níu giữ được Bà. Chính vì thế trong đầu ông chợt nảy lên ý định muốn lên thành phố xa xôi để lập nghiệp, mong kiếm được chút vốn liếng để lo cho thằng Minh ăn học mai sau. Thế nhưng ngặt một nỗi khổ là nếu như bây giờ ông đi xa thì thằng bé mới 12 tuổi đầu kia sẽ sinh sống ra sao?, ai sẽ chăm lo cho nó khi mình vắng nhà đây!. Một ý định khác lại thoáng hiện lên trong đầu ông, nhắc nhở ông muốn đạt được mục đích lập nghiệp xa nhà thì cần phải tiến thêm một bước nữa trong quan hệ tình cảm. 

   Sau một năm tần tảo lao động, rút cuộc ông Đức cũng có tình cảm với một người phụ nữ tên Hồng ở xã bên cạnh và cũng trạc tuổi vợ ông. Hai người cũng cảm thấy hợp nhau, nên chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đi đến hôn nhân. Từ khi về nhà ông Đức sống, bà Hồng tỏ ra rất tận tụy đảm đam trong công việc gia đình. Đặc biệt bà Hồng đối xử rất hiền mẫu với Minh, xem cậu như con ruột mình. Điều này khiến ông Đức hết sức hài lòng và cảm thấy yên lòng. Trước đây sau khi vợ mất, ông vẫn luôn cảm thấy buồn phiền cho mất mát tình thương mẹ của thằng Minh. Ông cũng rất muốn bù đắp cho cái sự thiếu hụt đầy bi thương đó nhưng cũng đành bất khả thi. Nay nhìn thấy bà Hồng, vợ kế ông đối xử mẫu mực với thằng Minh như con ruột của mình, làm lòng ông cảm thấy nhẹ nhõm vui sướng biết chừng nào ! 
Ông Đức cảm thấy mọi chuyện trong gia đình đều ổn định, yên bình nên ông bắt đầu bày tỏ ý định công việc làm ăn nơi xa của ông. Bà Hồng cùng thằng Minh cũng không ý kiến cản trở gì mục tiêu đó. Ngược lại bà Hồng trong mắt còn hiện lên tia vui mừng hài lòng, chỉ có thằng Minh là cảm thấy hơi có chút buồn phiền. Dẫu sao thằng Minh cũng đã sống chung với ông Đức từ nhỏ, nay đột nhiên xa cách nên trong lòng nó cảm thấy có chút mất mát cùng trống trải. Ông Đức nào không nhận ra được tâm tư của con nên ông cũng trấn an nó đôi lời. Ông Đức hứa hàng tháng sẽ gửi tiền về trợ giúp bà Hồng và thỉnh thoảng sẽ về thăm hai mẹ con. Và như hiểu được điều đó, vậy nên  thằng Minh cũng cảm thấy yên lòng hơn mà chuyên tâm vào việc học hành.

   Sự đời diễn hóa vô lượng, khó lòng dự đoán, chỉ sau khi ông Đức đi xa làm ăn thì bà Hồng thay đổi tính nết thấy rõ, đúng hơn là bộc lộ bản chất thực sự. Trước đây khi còn sống chung với ông Đức, trước mặt hai cha con họ, bà Hồng luôn là một người vợ hiền dịu, mẫu mực và tận tụy, hết dạ vì chồng con. Thế nhưng từ khi ông Đức đi rồi bà Hồng trở thành một người đàn bà trắc nết biếng nhác. Bà Hồng ngày càng tỏ ra lạnh nhạt và cay nghiệt với thằng Minh. Tất cả mọi công việc trong nhà bà đều dồn đống cho thằng Minh làm, trong khi đó bà chỉ lo công việc sinh nhai của mình, đó là nghề bán xôi dạo. Sau khi đi bán về, bà Hồng lười biếng nằm thù lù một đống trên võng, vừa làm móng vừa xem tivi. Tất cả công việc cơm nước, nhà cửa bà đều bắt thằng Minh làm hết. Thế là khổ cực cho thằng nhỏ, vừa đi học về là phải lo cơm nước, rồi sau đó rửa chén, quét tước, lau nhà... đủ mọi công việc trên đời. Ấy vậy thằng Minh cũng đành phải cắn răng mà chịu đựng, vì dù sao nó cũng chỉ là thằng bé nhỏ nhoi 12 tuổi, nào đủ sức phản kháng mụ đàn bà kia ! Và bây giờ trong mắt cậu, bà Hồng là mụ dì ghẻ đúng nghĩa.
   Ông Đức hứa sẽ đều đặn gửi tiền về trợ giúp mẹ con bà Hồng, thế nhưng không hiểu do việc làm ăn khó khăn ra sao nên tiền ông gửi về cũng đứt quãng không đều, vả lại một năm ông cũng vẻn vẹn hai lần về thăm mẹ con bà Hồng. Việc này tất nhiên làm bà Hồng khó chịu ra mặt, nhưng bà ta không tiện nói ra mà chỉ để trong lòng. Thế rồi bà Hồng quyết định cho thằng Minh đi bán vé số sau mỗi giờ đi học ở trường, còn về phần bà Hồng thì chỉ đi bán xôi dạo buổi sáng và thời gian còn lại sẽ ở nhà lo việc cơm nước, khi thằng Minh đi bán vé số. Việc thằng Minh phải đi bán vé số kiếm thêm tiền thì ông Đức cũng được biết, nhưng ông cũng đành buồn lòng mà chấp nhận chứ không giúp gì được hơn, còn riêng thằng Minh thì mặt mũi hẩm hiu cam chịu số phận. Thế là cuộc đời khó nhọc của nó bắt đầu từ đấy !

                                °°°°°

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #firekuma