Ngày trở về

Quả là một chuyến bay dài, tôi ngáp một cái thật dài, uể oải lấy tay đủn tấm màn chắn của cửa sổ, đón lấy tầm mắt tôi là toanf mây là mây nhưng được pha trộn màu sắc trông thật kì ảo, có đám mây nhô nhô lên trông nó bồng bồng như kẹo bông mới đánh nhưng được nhuộm màu cam hơi pha pha dần, có đám khác vẫn khoác trên mình cả một khung trời đêm và có đám mang màu của cái chăn tôi đang đắp nhưng dĩ nhiên trông nó kì diệu hơn nhiều. Khung cảnh trước mặt cũng phần nào đánh thức tôi, tôi dụi dụi mắt và vươn vai một cái cho thật thoải mái, bên tai vẫn nghe tiếng ù ù của máy bay. Tôi không bao giờ thích những chuyến máy bay dài và luôn tìm cách tránh loại phương tiện này vì những chuyến bay như thế này đều vắt kiệt sức của tôi và không có gì thú vị để ngắm cả ngoài mây và trời dù nhìn có huyền diệu đến đâu đi chăng nữa. Nhưng lần này không thể thoái thác được nữa, tôi đã xa nhà quá lâu và quá say mê với hương vị cuộc sống của các nước bạn mà dần dần quên đi hương cơm của nước nhà thơm thế nào hay cái mùi thơm thơm đượm vào nhau của siêu nước gội đầu bồ kết, xả của mẹ. Tôi nhớ mái tóc đen của quê hương mình quá. Và tôi nhớ người ấy nữa, mái tóc dài, đen, mượt, buôn thõng trên đôi vai, cùng bay bay với tà áo dài trắng khiến tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn mỗi buổi tan trường về. Người ta thường nói khi nhớ về một người là khắc từng chi tiết của người đó vào trong tâm và trí, tôi cũng vậy nhưng những đường nét cứ phai mờ dần và cứ trôi đi như dòng nước và chỉ đọng lại là mái tóc đó cùng thêm với đôi bàn tay với những ngón thon, nhỏ và dài. Đã tám năm rồi tôi chưa trở lại nhưng có lẽ đối với người ấy là chín năm có lẻ rồi đó nhỉ, tôi thở dài khi nghĩ lại quãng thời gian đó và bên ngoài kia, vùng mây sáng dần biểu hiện cho mặt trời lên.

___________________________________________________________________________________

Hà Nội, 8h30 sáng:

Chào đón tôi trở về quê hương là một làn gió bắc bay bạt khăn và những bụi mưa quất nhẹ. Bầu trời mùa đông thường đục đục, giờ lại có thêm những đám mây nặng nước, miền Bắc đang trải qua đợt rét và ngày tôi về là ngày giữa đông của Hà Nội. Những chiếc bánh xe của chiếc vali của tôi lăn tròn trên sàn nhà bóng nhẫy của sân bay, tôi bước ra khỏi cánh cửa, bao nhiêu ánh mắt dồn về phía tôi, đầy ngóng chờ nhưng rồi lại tản đi chỗ khác. Lần này tôi về không báo cho ai biết một tiếng nào, chẳng qua là vì một phút nỗi nhớ trào dâng mà tôi đã xách vali lên và về chứ không phải là đi. Quê hương là để về chứ chả ai bảo là đi quê hương cả, ngay cả khi dính chữ đi với quê hương thì từ về vẫn được gắn kèm sau từ đi. Bắt một chiếc taxi, bảo bác tài xế địa điểm của mình, tôi thả mình trong chiếc ghê da của chiếc xe và mơ màng mặc dù trên máy bay tôi đã ngủ nhiều. Chắc lại lệch múi giờ đây mà, tôi chép miệng và tiếng nhạc từ đài của xe một bài hát mới của giới trẻ, những ca từ gì đó nghe thật xa lạ văng vẳng bên tai nhưng rồi cũng chìm xuống. Giấc ngủ trên xe thật chập chờn, lúc não cũng sẵn sàng tỉnh, tiếng xe cộ bên ngoài, tôi mở mắt và ngồi thẳng dậy, nhìn ra ngoài xe này nối tiếp xe kia, vì trời lạnh nên ai cũng trang bị quần áo dày cộp, bịt mặt kín chỉ hở mỗi đôi mắt. Hà Nội vẫn thật nhiều xe máy, mà đâu phải chỉ riêng Hà Nội mà Việt Nam chứ, tôi rời bỏ dòng người xe tấp nập, nhìn thấy đồng hồ báo trên xe giờ là 9h, tiếng nhạc lạ vẫn cứ nhí nhéo bên tai, bác tài xế vẫn lái xe nhìn đường thật cẩn thận và ánh mắt bác gặp tôi trong gương chiếu hậu. Bác cất tiếng xóa bỏ sự im lặng:

- Ngủ có ngon không, tôi đã chạy xe êm ru cho anh đánh một giấc thật tốt đấy!

Tôi mỉm cười, nụ cười đầu tiên trong ngày trở về quê hương và dáp lại bác:

- Vâng, sau giấc ngủ này, cháu cảm thấy tốt hơn nhiều, chuyến bay lúc nào cũng thật quá dài.

- Tôi còn chưa bao giờ đặt chân lên máy bay cơ. Nhìn cháu trẻ ghê, cậu là du học sinh hả? Đi nước nào vậy?

Tôi vươn vai một cái rồi trả lời bác:

-Là du học sinh cũng không hẳn ạ, phải nói đã từng là du học sinh thì hơn ạ, cháu đi du học mấy năm tại Thụy Sĩ và giờ cháu đang làm tại Anh bác à. Bác lái xe được bao lâu rồi ạ?

- Chà chà, cháu giỏi thật đấy, ra nước ngoài làm việc, nước ta mà có những người như cậu thì phát triển lắm đây, tôi lái xe năm nay là năm thứ ba rồi, quê tôi ở Thái Bình, gạo quê tôi ngon lắm đấy, tôi cũng có một thằng con trai học lớp 12 năm nay, nó cũng có trí lắm, nó đang ôn thi đại học để vào được đại học Y Hà Nội đó. Vào đó khó lắm đó, tôi có bảo nó là sao không chọn nghành khác như công nghệ thông tin ấy cho dễ kiếm việc mà tiền kiếm được cũng nhiều nhưng cậu biết nó bảo tôi thế nào không: "Con sẽ vào được đại học Y, rồi làm bác sĩ thật giỏi và con sẽ chữa lưng đau của bố và phổi của mẹ". Vợ chồng tôi tự hào về nó ghê lắm.

Tôi mỉm cười trước sự thân thiện của bác tài xế, rồi bác lại hỏi tiếp:

- Cháu về nước lần này là để cưới vợ hả? Những thanh niên trai tráng xông pha bên ngoài, nếm hết của ngon vật lạ, nông nổi đủ rồi sẽ chín chắn trưởng thành mà để lập gia đình. Lập gia đình rồi cháu sẽ trưởng thành hơn nhiều đấy. Một vợ một chồng thêm một đứa con nữa thì nhà vui đáo để đấy!

Nói rồi bác cười ha hả, tôi cười cùng bác thành những tiếng bật lên:

- Chắc chuyện đó phải để thêm vài năm nữa bác ạ, cháu về lần này là để thăm gia đình vì lâu rồi cháu chưa gặp, về tìm lại không khí quen thuộc thôi ạ!

-Thôi cũng chẳng sao! Nói vậy chứ, lấy vợ rồi như cái xích cùm vào chân, cuồng chân đến mấy cũng chả đi được ấy! Cứ thoải mái tận hưởng tự do đi chàng trai trẻ!

- Dạ!

-Cô nào lấy được cháu thì số sướng lắm đấy, có chồng làm việc bên nước ngoài, mà lại nhìn điển trai thế kia! Coi như lấy về chả phải lo gì

-Bác cứ nói quá rồi, cháu đâu có điều kiện như vậy!

Bác lại cười to hơn:

-Cháu cứ khiêm tốn ấy chứ, chà chà đến nơi rồi chàng trai!

Bác dừng xe kịch một cái, cuộc nói chuyện vui vẻ vì thế mà dừng, tôi mở cửa xuống xe nhìn căn nhà quen thuộc và dãy phố quen thuộc, cây hoa ti-gôn nhìn đến là yêu. Sau mấy năm không về mà sao nhìn mọi vật hơi lạ nhưng những thứ thân quen tưởng bẵng như không nhớ mà giờ đây dội lại sao mà nhìn yêu thế. Tôi vẫn đang ngẩn ngơ ngắm nhìn xung quanh thì bác tài đã mang hành lí của tôi xuống từ lúc nào, đủn nhẹ vào tay tôi. Bác hất mái tóc hoa râm rồi cười nói:

-Thật tốt khi được trở về quê hương nhỉ? Hành lí của cháu đây! Đợi bác để xem bao nhiêu tiền đã!

Tôi cầm hành lí vô thức mắt vẫn dạo quanh khung quảnh trước mặt, cũ và mới đang đấu tranh nhau. Rồi tiếng bác tài xế gọi làm tôi giật mình, tôi thanh toán và cảm ơn bác rồi xách vali gõ cửa. Ngôi nhà của tôi vẫn thế, không thay đổi gì, vẫn sạch sẽ, gọn gàng và tỏ ra vẻ đáng yêu thầm kín. Những chậu hoa mười giờ nho nhỏ thì giờ đã nhân lên số lượng thật nhiều, chìa ra bên ngoài hàng rào, còn mấy cây xương rồng với những chiếc gai nhọn nhọn xinh xinh thì giờ đang ra những bông hoa tím biếc đẹp tựa như một câu thơ. Nhìn vào trong hàng rào, tôi thấy những chậu lan được tỉa tót thật cẩn thận đang xòe ra những chiếc lá và những bông hoa nào tím nào đó đẹp một cách kiêu kì. Có vẻ như mọi thứ vẫn đẹp theo cách riêng của nó dưới bàn tay của mẹ tôi. Tôi thò tay qua ô cổng để mở vào nhưng cổng khóa mất rồi vậy là đành phải bấm chuông. Một tiếng chuông lanh lảnh được cất lên, tôi không biết mẹ có ở nhà không nhưng ấn chuông rồi thì ngồi đợi vậy. Tôi càng có thời gian nhìn ngắm xung quanh hơn, tựa lưng vào cánh cổng màu vàng nhìn ngắm khu phố buổi sáng. Vẫn những hàng rào đó, những cây đại thụ vẫn lớn và cao như trong trí nhớ của tôi, bên cạnh những dãy nhà cũ quen thuộc theo tôi nhớ giờ đã mọc thêm vài quán cà phê thời thượng và những quán cà phê đó đông chật toàn những người trẻ thêm mấy con chó đang ngáp dài ở chân họ. Những tiếng nói tiếng cười từ những người trẻ ở những quán cà phê làm khu phố sôi động hơn, trẻ ra. Họ những con người trẻ trung, đủ mọi loại quần áo, đủ loại nghề nghiệp đang thưởng thức cái nhịp điệu nhanh của cuộc sống cũng như chính những lời nói của họ. Những tia sáng hiếm hoi của một ngày đông xuyên qua hàng cây cổ thụ thành tấm dệt sáng mờ mờ. Nếu một bên là giới trẻ thì tôi vẫn nhận thấy có những điều sẽ không bao giờ biến mất dù thế nào đi chăng nữa. Hàng phở tấp nập khách, khói nghi ngút từ những bát phở lan tỏa khắp nơi, người ăn thưởng thức xì xúp vừa ăn vừa suýt xoa phở nóng mà ngon thanh. Quán phở đó vẫn vậy từ hồi tôi rời đất nước đến vùng đất mới, lúc trước khi đi sau khi ăn bữa cơm của mẹ thì thôi có đánh một bát phở ở quán đó. Bỗng có tiếng kịch một cái, tôi ngoảnh ra, mẹ tôi đã dừng xe, ngỡ ngàng nhìn tôi:

-Ô, Tú, con về nước từ bao giờ đấy? Mày về mà không bảo gì với ai hả thằng này? Mày về thế nào? Đã đến Tết đâu!

Tôi cười cười hiền hiền, nhìn mẹ tôi, mẹ tôi dáng người nhỏ nhỏ và mẹ vẫn vậy nhưng thời gian đã để lại trên mặt mẹ tôi thêm vài dấu mới dù vậy mẹ vẫn đẹp đoan trang và tinh tế. Mẹ tôi vẫn có thói quen xách làn đi chợ, cái làn nhựa màu đỏ từ bao giờ để đi chợ cuối phố. Tôi tiến lại gần mẹ tôi, ôm mẹ một cái thật chặt, chưa nói năng gì, mẹ cũng xoa xoa lưng tôi. Người mẹ thật ấm và thơm y như trong trí nhớ của tôi.

-Ơ hay cái thằng này, về chả báo với ai giờ lại im lặng thế này hả? Mày gầy đi đấy hả?

Tôi không ôm mẹ nữa, nắm hai vai mẹ, rồi nhìn mẹ từ đầu đến chân, mẹ nhìn tôi ánh mắt khó hiểu, rồi tôi nở một nụ cười tươi nhất trong ngày:

-Con về rồi đây mẹ, thằng Tú của mẹ về rồi đây!

Mẹ tôi bật cười:

-Mày vẫn luôn gây bất ngờ cho mẹ đấy! Nhưng lần này không phải là dẫn một cô tóc vàng hoe với cái bụng vượt mặt về là mẹ không lo rồi. Mày về mẹ vui lắm!

Tôi cầm giỏ cho mẹ, trong giỏ có một chục trứng, hai mớ rau và thêm hai túi thịt, thêm một ít hành tỏi.

Mẹ tôi mở khóa cổng và rồi mở khóa cửa để vào nhà còn tôi lững thững đi đằng sau. Vào trong mới thấy khung cảnh thân thương ùa về. Bên trong nhà vẫn như cũ, không thay đổi gì, mấy bức tranh tứ bình được đóng khung cẩn thận không một hạt bụi, tờ lịch hiện rõ ngày tháng hôm nay được đặt ở cạnh cửa sổ, trên bàn uống nước có một bình chè nhài thơm ngát. Tôi theo mẹ vào trong bếp, rồi đặt giỏ xuống ở bàn bếp. Mẹ tôi rửa tay sau rót nước chè xanh, đẩy về phía tôi. Mẹ tôi vẫn có thói quen uống chè xanh, thơm sảng khoái. Mẹ nhấp một ngụm rồi bắt đầu nói:

-Mày về phải báo trước cho mẹ một tiếng để mẹ còn ra đón mày chứ, cái thằng này! Mày về đây bằng gì?

-Con đón taxi về đây mẹ, khu phố thay đổi nhiều ghê mẹ nhỉ?

-8 năm rồi còn gì, mày còn mong gì không đổi, mà nhìn mày gầy quá, ở bên đó làm vất quá hay sao mà không ăn uống hẳn hoi?

Mẹ nhìn tôi với ánh nhìn của những bà mẹ hay nhìn con mình sau khoảng thời gian dài:

-Con ăn uống đầy đủ, ngày nào cũng ăn một quả táo nha mẹ, công việc con cũng ổn định, hơi bận nhưng cũng sắp xếp được mẹ ạ!

-Nói thế chứ, nhưng mày về không báo trước làm mẹ chả chuẩn bị được món nào ngon cho mày ăn, hay giờ mày ngồi trông nhà để mẹ ra chợ mua gà về hầm nhá!

Một cuộc hội ngộ trực tiếp 8 năm diễn ra trong 15 phút và mẹ tôi muốn ra chợ mua gà để tôi lại nhà, tôi vội xua xua tay:

-Thôi mẹ, mẹ nấu gì con ăn đó, có cơm nhà là ngon lắm rồi, mẹ nấu gì mà chả ngon.

-Mồm mép mày vẫn thế nhỉ cái thằng này, vẫn dẻo quẹo như ngày xưa, mày có mua gì về không?

-Con đi vội quá nên không kịp mua gì về, nhớ cơm mẹ quá nên xách vali lên mà lên máy bay thôi mẹ! Lần sau con về con sẽ mua quà cho cả nhà! Cơ mà bố đâu mẹ?

-Cái thằng này, mày biết dẫn xác về là mẹ thấy vui rồi! Lần sau mày về chẳng biết bao giờ, bố mày đi công tác ở Sơn La 10 ngày, 5 ngày nữa bố mày mới về, có gì thì lên dỡ đồ ra đi!

-Vâng mẹ!

Tôi đứng dậy qua xách cái vali lên cầu thang, quẹo bên phải đến phòng tôi.

Phòng tôi vẫn y như lúc tôi đi du học, rất sạch sẽ, thậm chí còn sạch hơn cả lúc tôi là chủ nhân thường trực của nó. Có vẻ mẹ tôi đã lau dọn thật cẩn thận. Tôi bỏ cái vali ra và thả mình xuống giường, nhìn lên trần nhà, hít thở vào phổi không khí quen thuộc. Tôi cười khúc khích một mình:

-Thật tốt khi về nhà!

Tôi cứ nằm đó một lúc rồi bật dậy đi xuống tầng luẩn quẩn quanh chân mẹ. Mẹ tôi đang thái rau, bên cạnh bà là nồi đang tỏa khói nghi ngút hương thơm ngọt ngọt ngậy ngậy và nồi nước đang đun. Hương cơm thơm quá, tôi yêu mùi hương này, thật yên bình. Tôi nhìn bóng lưng mẹ, nhớ lại hồi mình còn nhỏ, chỉ cao đến hông mẹ, cứ đi học về là lại hỏi mẹ hôm nay ăn món gì. Tôi cất tiếng:

-Có cần con giúp gì không mẹ?

-Mày đàn ông con trai vào bếp làm vướng chân, mày sắp bát đũa ra đi, mẹ nấu canh xong thì ăn, đói chưa hả? mẹ làm thịt kho tàu, món mày thích đấy!

Tôi cười hạnh phúc, hí hửng dọn bát đũa và một lúc sau mâm cơm ngon lành nóng hổi đã hoàn thành. Tôi với mẹ ăn cơm, mẹ hỏi tôi thật nhiều, tôi chỉ có nhiệm vụ trả lời câu hỏi của mẹ thỉnh thoảng có thêm vào đôi câu hỏi vu vơ.

Sau khi dùng bữa xong, tôi tranh rửa bát với mẹ, mẹ tôi huých tôi một cái rồi ngồi ngoài phòng khách. Tôi rửa bát xong, rửa tay rồi lau khô sạch sẽ và bước ra ngoài phòng khách đã thấy mẹ ngồi đó, bên cạnh là đĩa cam với những tép cam bóng trông thật ngon. Tôi quay lại bếp cầm theo bình trà xanh thêm hai cái cốc ra rót cho mẹ và cho tôi. Không có gì thoải mái hơn là ăn cơm xong là làm một cốc trà xanh, đó là điều bố mẹ tôi thường nói và điều đó cũng lây sang tôi. Tôi ngồi đối diện mẹ, mẹ tôi đưa tôi miếng cam cho rồi bảo ăn cam tốt rồi mẹ lại bắt đầu nói về chuyện cô hàng xóm, ông lão đầu ngõ hay bác bán phở cái quán mà tôi có nhắc tới. Vừa thưởng thức vị cam trong miệng, vừa gật gù nghe mẹ nói, tôi luôn khâm phục mạng lười buôn dưa lê của các bà mẹ. Tâm trí tôi đi rong ruổi, nhớ lại những ngày xưa cũ, và rồi ý nghĩ chợt đến. Tôi bỗng ngẩng lên, hỏi mẹ:

-Mẹ, cô ấy thế nào rồi mẹ?

Bên ngoài gió bắc vẫn thổi, và câu nói của tôi tựa làn gió ấy, thổi lạnh cái không khí ấm áp trong căn nhà và niềm vui vừa có của mẹ. Tôi nhìn mẹ rồi tiếp tục ăn miếng cam của mình.

-Mẹ không rõ lắm.

Câu trả lời của mẹ ngắn gọn, rồi mẹ đứng dậy, một tay đặt lên vai tôi:

-Mẹ thấy mệt rồi, mẹ đi ngủ đây, mày ăn xong nhớ dọn.

Bàn tay mẹ siết nhẹ vào vai tôi thật ấm, tôi gật đầu, và nhấp ngụm trà. Vị cam pha với vị trà thật lạ, tôi ngồi thẳng người, nhìn ra ngoài hiên, một chiếc lá khô từ đâu bay tới rụng ở hiên nhà tôi.

Phải rồi ngày đó, cái ngày mà tôi còn đang bận rộn với những hoài bão ước mơ theo vùng đất mới, cô ấy tựa cơn mưa rào mùa hạ đi qua, mà không thể nói là chỉ như cơn mưa rào mùa hạ được, phải là một hiện tượng thời tiết nào đó, diễn ra cả năm ấy chứ. Tôi thả tâm trí mình theo ngày xưa.

P/s: :))) một câu truyện mới. Diễn biến sẽ còn tiếp :))


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top