Vẻ độc đáo và ý nghĩa nhân bản sâu xa của truyện ngắn "Vợ nhặt"
[….] Văn chương xưa viết về chuyện dựng vợ, gả chồng vốn không ít. Êm thấm có, ngang trái trắc trở thì nhiều hơn. Nhưng truyện "Vợ nhặt" của Kim Lân thì độc nhất vô nhị.
Tràng, nhân vật chính của truyện, có vợ như một chuyện thật như đùa. Ấy là vì anh ta lấy vợ trong một tình cảnh thật đặc biệt. Đói kém, chết chóc lan tràn khắp nơi. Xóm chợ, nơi Tràng đi về mỗi ngày, là một trong những điểm tăm tối nhất: "Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm cong queo bên đường". Người nghèo còn sống sót thì đi lại vật vờ "xanh xám như những bóng ma". May mà Tràng có sức khỏe, lại có công có việc nên chỉ bị thiếu , bị đói chứ cái chết thì chưa nhòm ngó tới. Nhưng ai dám bảo đảm tình trạng ấy kéo dài được lâu. Cứ trông cái dáng đi "từng bước mệt mỏi" "cái đầu trọc nhẵn chúi về phía trước" của Tràng cũng xác nhận được một sự thật: Dạo này "hình như những lo lắng vật chất trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn" hơn. Giữa cảnh tăm tối, bi đát ấy, giữ cho mình và người thân (Tràng còn mẹ già) qua khỏi đã là may, ai còn động rồ động dại nghĩ đến chuyện lấy vợ lấy chồng. Tuy nhiên, cuộc đời còn có những ngả đường riêng, tưởng là bất ngờ nhưng lại không thể khác, không thể không xảy ra. Chuyện Tràng có vợ xảy ra thật đường đột, đường đột ngay cả với chính anh ta: "Ra hắn đã có vợ rồi ư? Hà! Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ". Có một câu hỏi cần đặt ra: Từ trong sâu thẳm lòng mình, Tràng có ước ao một cuộc sống gia đình không? Phải nói là có! Lời phân bua đến tội nghiệp của Tràng trước cảnh xống áo, niêu bát bừa bộn trên giường dưới đất lúc đưa thị vào nhà cho ta biết rõ điều đó: "Không có người đàn bà, nhà cửa bề bộn thế đấy!" Chỉ bởi cuộc sống lam lũ, đầu tắt mặt tối vì miếng cơm manh áo đã không cho phép Tràng nghĩ tới, mà có khi nào nghĩ tới chuyện vợ con thì anh ta chỉ dám coi đây là mong muốn xa vời, ước để mà ước vậy thôi. Tràng gặp thị thật tình cờ, "chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận". Mong ước kia được đánh thức dậy, lên tiếng đòi được thỏa mãn. Không phải lí trí đã hoàn toàn câm bặt. Mới đây, khi cái chuyện hệ trọng kia cần đi tới quyết định, Tràng cũng thấy "chờn": "Thóc dạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại đèo bòng". Nhưng sau khi anh ta chặc lưỡi chấp nhận, thì họ nên vợ, nên chồng. Khát vọng tự nhiên đã chiến thắng, dường như bất chấp cái lẽ thông thường. Rõ ràng, mong muốn nương tựa vào nhau giữa cảnh nghèo đói đã gắn bó hai số phận cô đơn lại với nhau. Bà cụ Tư nghĩ rất thật : "Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy con mình. Mà con mình mới có vợ được".
Thành vợ thành chồng trong một hoàn cảnh đặc biệt nên mọi chuyện diễn ra không được bình thường cũng là dễ hiểu. Không lễ dạm ngõ, ăn hỏi, ngay cả dăm ba mâm để trình họ trình làng cũng không có. Nhưng "cũng chẳng ai chấp nhặt chi cái bước này", bà mẹ nghĩ thế là phải. Có điều, vật chất thiếu thốn người ta sẵn lòng bỏ qua, còn luật lệ trong nhà có điều kiện thực hiện thì phải cho nghiêm, cho phải đạo. Con cái lấy nhau phải được sự đồng ý của cha mẹ, đó là luật lệ không thành văn nhưng đòi hỏi mọi người phải tự giác tuân thủ, không được bỏ qua, hoặc coi nhẹ, xem thường. Sau cái cảnh "trình làng" bóng anh đi trước bóng nàng theo sau là cái cảnh cặp tình nhân đợi mẹ về chờ đợi lời phán quyết cuối cùng của thân mẫu. Giây phút thật hệ trọng! Sự chờ đợi thật căng thẳng! Với cô dâu đã đành, cả chàng rể - chủ nhà cũng thế. Hạnh phúc của đời họ không phải tùy thuộc vào lời phán quyết cuối cùng ấy sao? Mà ai dám cả quyết chỉ có thuận chứ không có nghịch? Dưới ngòi bút của tác giả, tâm trạng của bà mẹ hiện lên thật tinh tế. Vừa bước chân tới cổng, bà cụ cảm thấy có gì khang khác đang xảy ra. Đến giữa sân, bà đứng sững lại, ngạc nhiên hơn: "Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?...Lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?" Tuy chưa hiểu thật rõ ràng bà cũng đã bắt đầu ngờ ngợ. Tràng lên tiếng giải thích. Chủ động thế là phải. Đúng, đó là duyên, là kiếp, là số phận. May mắn thay số phận! Mà cũng oái ăm thay số phận! Tình thương trào dâng trong lòng ngươì mẹ. Lấy vợ giữa lúc này ư? Liệu có qua khỏi tao đoạn này không. Rồi còn chuyện sinh con đẻ cái ngẩng mặt nhìn đời? Nghĩ vậy nên bà "vừa ai oán, vừa xót xa". Rồi ý thức về bổn phận và trách nhiệm của người làm cha làm mẹ lại ập tới. Có sự giằng xé giữa tình cảm và lí trí, day dứt và quyết liệt để cuối cùng lí trí đã chiến thắng trong bà: "Ừ...U cũng bằng lòng...". Bà đã chấp nhận, dù bà buộc lòng miễn cưỡng bởi sự ám ảnh nặng nề của tương lai, một tương lai rất gần, ngày mai, ngày mốt thôi. Có lẽ tình thế không cho phép bà chọn lựa. Con bà thở phào nhẹ nhõm. Ý nguyện của Tràng đã trở thành ý nguyện của gia đình. Vợ Tràng có điều kiện sống yên ổn trong sự đùm bọc của lòng mẹ, người yêu thương duy nhất còn sống sót trên đời.
Thế rồi bà hướng tới "con dâu mới". Phải tạo lập những nhịp cầu đầu tiên nối liền tình cảm giữa hai người vốn còn là những người xa lạ. Song, tình cảm còn phải xây dựng trên sự hiểu biết, hiểu biết để thực sự cảm thông, một điều có lẽ cần thiết hơn cả giữa lúc này. Bà giới thiệu gia cảnh: "Nhà ta thì nghèo con ạ!" Bà căn dặn con dâu: "Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn...cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi". Thật giản dị mà chí lí, chí tình. Nhưng đâu có dễ thực hiện nhất là khi cái đói, cái chết đang rình rập ở ngoài kia đe dọa không chỉ niềm vui sống của của cặp vợ chồng mới được nhen lên mà còn đe dọa sự tồn tại ngay chính cặp vợ chồng đó. Con dâu lẫn con trai bà đều chăm chú lắng nghe. Từ thâm tâm, họ coi đây là những điều hệ trọng được nói ra trong giây phút hệ trọng nhất của đời họ.
Kết thúc là cảnh động phòng của đôi uyên ương. Ở đoạn này cũng như trong tòan bộ tác phẩm, tác giả không rơi vào hai thái cực thường thấy trong văn chương đương thời khi viết về đời sống người lao động ở thôn quê: Hoặc thi vị hóa, hoặc trần tục hóa. Ngòi bút của tác giả là chân thực. Có cái mộng bay bổng khi Tràng thức dậy “bên ngoài gió từ mặt sông thổi lên như tiếng người thì thầm trò chuyện”. Cũng như vậy, khi Tràng thức dậy sau đêm tân hôn “trong người êm ái lửng lơ như người trong giấc mơ đi ra”. Đi liền với điều đó là cái thực, khắc nghiệt và chua xót: “Giữa sự im lặng của đôi vợ chồng mới có tiếng ai khóc ngoài xóm lọt vào ti tê lúc to, lúc nhỏ...” Bữa cơm sau ngày cưới cũng thế. Lần đầu tiên cả gia đình sum họp trong một bữa cơm có thể nói là ấm cúng, ngon lành và vui vẻ nữa, tuy không thật trọn vẹn. Bữa ăn ngày đói nên trông “thảm hại” là phải: “Giữa cái mẹt rách có độc một nhúm rau chuối thái rồi và một đĩa muối ăn với cháo”. Thế nhưng, so với nhiều người đang chết dần chết mòn vì đói vì rét ngoài đường xó chợ kia thì vẫn là “sang”. Ngay cả nồi cháo cám cũng vậy. Vì đúng như bà cụ phân trần: “Xóm ta còn khối nhà chẳng có cám mà ăn đấy”.
Những trang viết về cuộc hôn nhân trong truyện thật chân thật và sinh động. Có cái chung như nhiều cuộc hôn nhân khác, nhưng đáng nói hơn là cái riêng, rất riêng như một trường hợp duy nhất ngoài đời. Cám ơn nhà văn đã từ kinh nghiệm sống của bản thân mà phát hiện ra một mảng hiện thực mới của cuộc sống, góp phần tạo dựng toàn diện bức tranh làng quê Việt Nam qua thân phận của người nông dân sống trong giai đoạn lịch sử một đi không trở lại. Thấm vào hiện thực được mô tả là cái nhìn chan chứa tình đời, tình người. “Vợ nhặt” không chỉ sống động mà còn xúc động là vì thế.
Trong chuyện có nhiều số phận và tính cách. Họ đều là những người lao động bình dị và chân thật. Và hầu như mỗi dòng, mỗi chữ của tác phẩm đều thấm đượm tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với những phẩm chất sáng trong của họ, những phẩm chất đặc biệt tỏa sáng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, tối tăm và bi đát nhất. Trước hết là tấm lòng của tác giả đối với nhân vật Tràng. Anh ta là người lao động hiền lành chất phác. Thực đáng yêu tiếng cười "hềnh hệch" của Tràng khi trẻ con trong xóm "đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo" mỗi chiều khi anh ta đi làm về. Đó là niềm vui ít ỏi của xóm chợ nghèo nàn. Tràng làm quần quật suốt ngày, tưởng không cất đầu lên nổi vì miếng cơm manh áo,vậy mà anh ta không hoàn toàn mất đi cái tế nhị, kín đáo đôi khi rất cần thiết trong các quan hệ xã hội. Lúc đưa thị về làng, Tràng vừa trang nghiêm đạo mạo, vừa có vẻ "phởn phơ" dám "chịu trận". Nhưng khi một người bạn hỏi thị là ai thì Tràng chỉ đáp:"Người quen". Thế là đủ và rõ ! Cần gì phải nói trắng ra. Với mẹ, Tràng vừa yêu thương, vừa kính nể. Anh ta có vóc dáng to lớn "vập vạp" của một con gấu không hề biết sợ. Vậy mà trước mẹ, Tràng là con người khác hẳn, nín lặng vâng lời đến không ngờ. Anh ta "thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi" khi lời phán quyết từ miệng mẹ buông ra, chấm dứt sự chờ đợi đến tắc thở của Tràng. Cũng như bao người lao động lương thiện khác, bênh cạnh nhu cầu vật chất, Tràng còn có nhu cầu tinh thần đôi khi cũng không kém phong phú và mãnh liệt. Ai dám bảo là anh không biết yêu. Có thể sự biểu lộ tình yêu ở Tràng còn vụng về. Đúng thôi, làm sao có thể khác được. Bước vào con đường vắng vẻ, Tràng có ý bày tỏ tình cảm với thị, nhưng anh ta lúng ta lúng túng "tay nọ xoa vào vai kia" để rồi không cất nổi nên lời. Ngẫm cho kĩ, chính cái vẻ vụng về bề ngoài ấy mới thật đáng yêu, vì nó biểu lộ của một tấm tình chân thật và trong sáng. Không lấy làm lạ khi có lúc Tràng sống tràn ngập trong một "cái gì mới mẻ, lạ lắm","nó ôm ấp mơn man khắp da thịt Tràng". Đó là cảm giác do tình yêu đem lại, khiến anh ta "hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tối tăm hàng ngày". Trong khi yêu, Tràng còn biết đùa cợt và chấp nhận sự đùa cợt như bao người tình khác. Tới kề sân nhà mình, vậy mà khi thị hỏi:"Vẫn chưa đến à?" Tràng điềm nhiên trả lời: "Còn chán". Chấp nhận hôn nhân, Tràng ý thức rất rõ, rất sâu cái bổn phận làm chồng, làm cha: "Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người... có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này". Đáng ngạc nhiên hơn cả là sự thỏa mãn nhu cầu nhục thể của Tràng. Lấy vợ, ngoài chuyện tình chuyện nghĩa, còn có "chuyện" đó. Đây là sự thử thách. Tác giả đã chấp nhận mà không né tránh. Đáng mừng là ngòi bút của Kim Lân đã tỏ ra rất vững vàng và chính ở đây phẩm chất tốt đẹp ở Tràng ngời ngợi tỏa sáng. Trong lúc biết bao việc phải lo, Tràng đã không quên dành ra hai hào (số tiền đâu phải là nhỏ!) để mua dầu thắp với lí do đáng cảm phục: "Vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ". Con người, cố nhiên có mặt bản năng. Riêng ở mặt đó thì con người chưa hoàn toàn khác con vật. Cái cách thỏa mãn nhu cầu ấy mới thật đáng nói. Vậy là, đôi khi bị đẩy vào tình huống có nguy cơ bị tha hóa, người lao động lương thiện vẫn không mất đi nhân tính. Cái nhìn nhân bản của tác giả sáng chói trong tác phẩm để tỏa sáng, soi sáng trong cuộc đời và trong mỗi người chúng ta.
Tấm lòng ưu ái của tác giả đặc biệt bao trùm lên phẩm chất và số phận của người phụ nữ. Thị, khi còn ở ngoài vòng cương tỏa, luôn tỏ ra là người đàn bà táo tợn và đáo để. Có lẽ đây là cách tự vệ tốt nhất chăng ? Tuy nhiên, khi đã chấp nhận làm vợ, làm dâu thì người đàn bà này hoàn toàn đổi khác, từ dáng vẻ bề ngoài, cách ăn nói tới suy nghĩ, cảm xúc bên trong. Trên đường về làng, thị e thẹn rón rén sau Tràng. Trước sự châm chọc đùa cợt của lũ trẻ, thị có tỏ ra khó chịu nhưng nén lòng, không nhâng nháo phản ứng một cách đáng ghét. Nhất là khi cảm nhận được cái nhìn soi mói tò mò của những người đàn bà xung quanh thì thị ngượng nghịu và lúng túng hơn nhiều, đến nỗi "chân nọ bước díu vào cả chân kia". Ta không hề thấy cử chỉ và lời nói bốp chát ở thị như hai lần gặp trước đó. Ngay trong quan hệ với Tràng cũng thế. Rõ là một người tình khả ái! Thị thường im lặng. Nếu buộc phải nói thì buông ra một cách trống không, bâng quơ tưởng như vô tình, vô nghĩa. Tình yêu có lẽ thế chăng? Nó đem lại bao ý nghĩa cho những cái tưởng là vô vị. Đôi lúc họ nói với nhau chủng chẳng không đâu vào đâu nhưng đó lại là tình yêu. Như bao người tình khác, thị cũng biết trách "yêu": "Hoang nó vừa vừa chứ", biết vặn vẹo người yêu: "Đã có một mình lại còn mấy u. Bé lắm đấy". Lúc Tràng giục đi ngủ , thị dơ tay cụng vào trán anh ta với lời trách cứ nhẹ nhàng mà ý nhị: "Chỉ được có thế là nhanh, dơ!". Cái hay là Tràng như hiểu được mọi chuyện và đáp lại cũng thật khả ái, khi là cử chỉ khi là lời nói. Mọi chi tiết như tự nói được rất nhiều điều về cái nhìn vừa hiện thực vừa nhân đạo của tác giả. Cũng thật chân thực và xúc động cái mối quan hệ giữa dâu mới và mẹ chồng. Thị ăn nói nhỏ nhẹ, mực thước, đi đứng khép nép, ý tứ. Thật khuôn phép! Đúng là một cô dâu hiền không thể chê trách vào đâu được.
Vậy là hạnh phúc gia đình đã thật sự đến với họ. Một ngày mới với bao dự cảm tốt đẹp bắt đầu đối với cuộc đời tưởng triền miên trong đêm tối của họ. Mọi cái đổi thay đến ngỡ ngàng. Những số phận cô đơn lạc loài đã tìm đến với nhau, nương tựa vào nhau, tạo lập nên hạnh phúc gia đình giản dị mà ấm cúng. "Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên". Còn với Tràng, anh ta chỉ biết vâng dạ một cách ngoan ngoãn. "Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế". Song cái mới mẻ hơn cả, cái tạo điều kiện dẫn đến sự chuyển biến đổi thay của hoàn cảnh lại ở phía cô dâu. Ở đây sức mạnh được nhân đôi, bùng lên mãnh liệt. Chính thị, bằng những điều mắt thấy tai nghe chuyện "Việt Minh" về phá kho thóc Nhật đã chỉ cho Tràng thấy một ngả đường khác dẫn tới một chân trời khác. Đó là cuộc sống tươi đẹp ở giữa cõi trần chứ không phải tiên cảnh trong mơ. Tuy nhiên, điều kiện của cuộc sống ấy lại được bắt đầu trong sự chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi người. Trong kí ức mờ tối của Tràng như hiện lên tất cả. Hãy tự cởi trói cho mình! Đã có sự chuyển biến. Bắt đầu là vẻ ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu. Nhưng đó là dấu hiệu tốt lành. Kết thúc tác phẩm là lá cờ đỏ bay phất phới giữa đám người lả đi vì đói khát. Lãng mạn ư ? Đúng vậy! Có điều, thực tế lịch sử hùng hồn diễn ra vào tháng 8 năm 1945 đã cho phép tác giả và bạn đọc cái quyền tin tưởng. Có thể nói, ý nghĩa nhân bản đặc biệt sáng tỏ trong những trang cuối cùng của truyện ngắn.
Gấp tác phẩm lại, tôi cứ miên man suy nghĩ về vẻ độc đáo và ý nghĩa nhân bản sâu xa của truyện ngắn "Vợ nhặt". Trên những phương tiện chung có ý nghĩa phổ biến ấy, ta hoàn toàn có cơ sở để tự hào về di sản văn chương hiện đại của dân tộc ta lắm chứ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top