Về di sản dùng vào việc thờ cúng

Về di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định trong BLDS năm 2005 – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.

PHỤ LỤC

MỞ BÀI

I. Một số vấn đề lý luận về di sản dùng vào việc thờ cúng.

1. Cơ sở ghi nhận quyền để lại di sản thờ cúng qua các bộ luật.

2. Tính chất pháp lý của di sản dùng vào việc thờ cúng.

    2.1. Di sản dùng vào việc thờ cúng không thể được chuyển nhượng.

    2.2. Di sản thờ cúng không thể bị kê biên

3. Việc quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng.

    3.1. Chỉ định người quản lý di sản thờ cúng.

    3.2. Quyền và nghĩa vụ quản trị di sản thờ cúng

    3.3  Giám sát việc quản trị di sản thờ cúng.

4. Tỷ lệ phần di sản thờ cúng.

    4.1. Viêc ấn định phần di sản thờ cúng về số lượng.

    4.1.1. Ấn định giới hạn tối đa cho giá trị di sản thờ cúng so với toàn bộ di sản.

    4.1.2. Xác định người có quyền khởi kiện yêu cầu cắt giảm phần di sản thờ cúng vượt mức

    4.2. Di sản thờ cúng và người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

5. Chấm dứt việc dùng một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

II. Thực tiễn về vấn đề di sản thờ cúng hiện nay.

KẾT LUẬN

      Con người Việt Nam vốn coi trọng việc thờ cúng tổ tiên là bổn phận hết sức thiêng liêng và hệ trọng của con cháu. Việc thờ cúng tổ tiên được thực hiện trên hai cơ sở của quan niệm mang tính chất đạo đức và văn hóa: tôn trọng và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục; con người có cội nguồn, tổ tông cho nên các con cháu phải biết ơn những thế hệ đi trước mình.

      Vì vây, khi một gia đình có kinh tế khá giả thì bao giờ cũng quan tâm thi hành bổn phận ấy bằng cách dành một số tài sản để lo việc phụng tự. Các tài sản này có thể bao gồm nhiều loại với tên gọi khác nhau nhưng chung quy đó là các “di sản dùng vào việc thờ cúng” mà các bộ luật cũ gọi là hương hỏa.

      Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, cho nên, trong pháp lệnh thừa kế trước đây và nay Điều 670 BLDS đã quy định người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế thực hiện việc thờ cúng. Tuy nhiên, xoay quanh quy định này, có rất nhiều vấn đề nảy sinh trên thực tế, vì vậy việc quan tâm nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định về việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng là rất cần thiết.

I. Một số vấn đề lý luận về di sản dùng vào việc thờ cúng.

1. Cơ sở ghi nhận quyền để lại di sản thờ cúng qua các bộ luật.

      Di sản thờ cúng là một vấn đề lâu đời trong tục lệ và pháp luật Việt Nam. Việc dành ra một số tài sản thuộc gia đình để lo cho việc thờ cúng ông bà tổ tiên là một tập quán đã ăn sâu vào nếp sống cổ truyền của dân tộc ta, cho nên từ các bộ cổ luật xa xưa đến các Bộ Dân luật Bắc kỳ 1931, Bộ Dân luật Trung kỳ 1936 đều có sự quy định thể hiện sự quan tâm của các nhà làm luật đối với vần đề này.

     Bộ Quốc triều hình luật quy định 13 Điều luật về vấn đề ruộng đất hương hỏa chứng tỏ nhà làm luật thời kỳ này đã có sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề về di sản thờ cúng. Luật hương hỏa triều Lê thể hiện sâu sắc phong tục tập quán của người Việt, có nhiều điểm khác với pháp luật Trung hoa.

        Theo quy định của Quốc triều hình luật, số điền sản dùng làm hương hỏa là 1/20 di sản. Theo nguyên tắc chung thì người con trưởng giữ hương hỏa, trong trường hợp người con trưởng chết thì phần hương hỏa được gộp vào điền sản của người con trưởng và tiếp tục dành 1/20 điền sản làm hương hỏa giao cho con trưởng của người đó và kế tiếp như vậy. Hương hỏa bao giờ cũng giao cho con cháu của người vợ cả. 

      Bộ Hoàng việt luật lệ có quy định về thừa kế tự sản tức là thừa kế tài sản dùng để thờ tự, thờ cúng tổ tiên. Trong Bộ Hoàng việt luật lệ, việc chỉ định người thừa kế tự sản cũng được pháp luật quy định (giống Bộ Quốc triều hình luật) chứ không theo ý chí của người để lại di chúc. Việc quy định người thừa thừa kế tự sản được pháp luật quy định theo trình tự ưu tiên: trưởng tử là dòng đích, nếu trưởng tử chết thì cháu đích tôn thay cha thừa trọng để thờ cúng tổ tiên; con kế dòng đích; con dòng nhánh; lập đích tử trong “chiêu mục tương đương” nếu không có con trai; nếu trong thân thuộc không có người đáng được thừa kế tự sản thì con gái được thừa kế.

     Việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng tiếp tục được quy định trong các bộ luật của Việt Nam thời kỳ cận đại, đặc biệt, các Bộ Dân luật Bắc kỳ 1931, Bộ Dân luật Trung kỳ 1936 đều quy định hết sức tỉ mỉ và chặt chẽ về “của thừa kế phụng - tự” trong đó có vấn đề “hương hỏa”.

2. Tính chất pháp lý của di sản dùng vào việc thờ cúng.

2.1. Di sản dùng vào việc thờ cúng không thể được chuyển nhượng.

      Nếu căn cứ vào điều luật thì sẽ không thấy có quy định rằng di sản thờ cúng không thể chuyển nhượng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, là một khối tài sản không có chủ sở hữu theo nghĩa thông thường sẽ không thể bán, chuyển nhượng được bởi vì không có người nào có năng lực làm việc đó. Hay nói cách khác, hợp đồng mua bán di sản thờ cúng là vô hiệu toàn bộ.

      Cho nên, có một vấn đề đặt ra đó là: chẳng lẽ không bao giờ chuyển nhượng được di sản dùng vào việc thờ cúng?

     Trước đây, tục lệ thừa nhận rằng trong những trường hợp cần thiết, đại hội đồng gia đình cũng có thể cho phép chuyển nhượng, cầm cố một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Mặt khác, luật viết cận đại lấy lại quy tắc tục lệ và nói thêm rằng khi truyền đến đời thứ sáu thì tính chất không thể chuyển nhượng của di sản dùng vào việc thờ cúng sẽ tự động biến mất.

      Hiện nay, luật thực định chưa có giải pháp cho vấn đề này. BLDS năm 2005 chỉ quy định rằng: “nếu người quản lý di sản thờ cúng không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dung vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng (khoản 1 Điều 670).

      Để giải quyết vấn đề này, luật viết cần được hiểu qua lăng kính của của tục lệ trong quá trình áp dụng. Do đó, cần hiểu theo nghĩa rộng về thuật ngữ “quản lý”, thuật ngữ “quản lý” theo đó được hiểu là: quản trị và định đoạt. Thêm cách hiểu đó sẽ cho phép di sản dùng vào viêc thờ cúng có thể được chuyển nhượng trong những trường hợp cần thiết. Ví dụ, người lập di chúc vẫn có thể nói trong di chúc rằng người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì phải xin phép cộng đồng thừa kế. Ngoài ra, những người thừa kế cũng có thể thỏa thuận rằng di sản thờ cúng có thể được bán với sự đồng ý của họ. Trong những trường hợp này, người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng được thụ hưởng một quy chế đặc biệt khi giao kết chuyển nhượng: họ mặc dù không phải là chủ sở hữu, không phải người được ủy quyền nhưng vẫn có quyền định đoạt tài sản. Còn nếu không hiểu như vậy, thì theo luật thực định hiện tại, di sản thờ cúng chỉ có thể được bán nếu nó không còn được dùng vào việc thờ cúng và do đó rơi lại vào khối di sản thường.

2.2. Di sản thờ cúng không thể bị kê biên.

      Khoản 2 Điều 670 BLDS quy định rằng trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dùng vào việc thờ cúng. Ta rút ra từ đó ý muốn của người làm luật đó là bảo vệ quyền lợi cho những chủ nợ, tránh tình trường hợp một người vì không muốn thanh toán các khoản nợ cho nên lập toàn bộ di sản dùng vào việc thờ cúng.

      Tuy nhiên, một khi được lập trong phạm vi cho phép, các tài sản thuộc di sản dùng vào việc thờ cúng không thể bị kê biên theo yêu cầu của các chủ nợ của người chết hay chủ nợ các chi phí mai táng và các chi phí khác phát sinh gắn liền với cái chết của người đó. Tất nhiên, quy tắc này không được áp dụng trước khi thừa kế được mở, vì lúc đó di chúc chưa có hiệu lực, cũng không áp dụng cho các tài sản dùng vào việc thờ cúng đồng thời là vật bảo đảm ngĩa vụ dân sự trước ngày mở thừa kế.

      Di sản dùng vào việc thờ cúng cũng không thể bị kê biên theo yêu cầu của các chủ nợ của người thừa kế hoặc của người quản ký di sản bởi vì họ không phải là chủ sở hữu của những tài sản đó.

      Một vấn đề được đặt ra, đó là trong trường hợp các khoản nợ phát sinh từ các giao dịch liên quan đến bản thân di sản thờ cúng. Ví dụ: nợ sửa chữa nhà thờ họ, nợ vay để xây dựng các công trình hạ tầng…

      Thông thường, hoa lợi của di sản thờ cúng không dủ để trả các món nợ lớn mà chủ nợ lại không thể yêu cầu kê biên di sản dùng vào việc thờ cúng thì yêu cầu trả nợ bằng cách nào? Có thể người quản lý di sản thờ cúng và người thừa kế sẽ thỏa thuận về việc vay nợ để bảo quản và tu bổ di sản thờ cúng.

      Thế nhưng, trong trường hợp những người thừa kế và người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng không có thỏa thuận rõ ràng việc trả nợ là trách nhiệm của ai? Người thừa kế hay người quản lý di sản thờ cúng? Ở điểm này, luật thực định vẫn chưa có quy định riêng. Để giải quyết vấn đề này, cần quy định nguyên tắc đóng góp vào việc trả nợ liên quan đến di sản thờ cúng áp dụng đối với những người thừa kế. Tức là, người quản lý di sản thờ cúng sẽ thực hiện nghĩa vụ đứng ra thanh toán các khoản nợ phát sinh từ việc sửa chữa, tu bổ di sản dùng vào việc thờ cúng, sau đó có quyền yêu cầu những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với mình.

3. Việc quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng.

3.1. Chỉ định người quản lý di sản thờ cúng.

      Do khoản 1 Điều 670 BLDS quy định: người quản lý di sản thờ cúng do người lập di sản thờ cúng chỉ định trong di chúc, nếu người lập di chúc không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế sẽ làm việc đó.

      Theo khung cảnh của luật hiện tại, vấn đề chỉ định người quản lý di sản thờ cúng chỉ được đặt ra trong hai trường hợp:

Ø     Người quản lý di sản thờ cúng do người lập di chúc chỉ định trong di chúc tuy nhiên không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế.

Ø     Người lập di chúc có dành một phần di sản vào việc thờ cúng nhưng lại không chỉ định người quản lý phần di sản đó.

      Trong trường hợp chỉ định người quản lý di sản thờ cúng, luật quy định rằng những người thừa kế có quyền chỉ định người quản lý di sản thờ cúng nhưng không xác định các điều kiện cụ thể mà người thừa kế phải thỏa mãn để có thể thực hiện quyền đó. Thông thường, một số đối tượng cần xem xét tư cách chỉ định người quản lý di sản thờ cúng đó là: người không có quyền hưởng di sản, người từ chối nhận di sản và người bị truất quyền hưởng di sản.

v     Trường hợp người không có quyền hưởng di sản:

     Có thể thừa nhận rằng người không có quyền hưởng di sản do rơi vào một trong các trường hợp dự liệu tại khoản 1 Điều 643 BLDS không có quyền tham gia vào việc chỉ định người quản lý di sản thờ cúng. Thật vậy, người không có quyền hưởng di sản không chỉ mất các quyền lợi vật chất mà còn mất cả tư cách người thừa kế theo pháp luật. Do không phải là người thừa kế cho nên họ không có danh nghĩa để tham gia vào việc chỉ định người quản lý di sản thờ cúng. Giải pháp tuy nhiên không chắc chắn trong trường hợp người có di sản biết rõ hành vi của đương sự nhưng vẫn công nhận cho người này tư cách thừa kế theo di chúc.

v    Người từ chối nhận di sản:

      Luật thực định không định nghĩa vị trí của người từ chối nhận di sản trong mối quan hệ với người có di sản, mà chỉ quan tâm đến hệ quả vật chất của việc từ chối. Trong khung cảnh pháp lý hiện tại, người từ chối nhận di sản mất các quyền lợi về tài sản gắn với danh hiệu người thừa kế. Tuy nhiên, họ không hẳn mất luôn danh hiệu đó. Vả lại có khi người thừa kế theo pháp luật lại đồng thời được lập thành người thừa kế theo di chúc và họ từ chối hưởng di sản theo pháp luật nhưng lại nhận di sản theo di chúc và ngược lại. Nói chung, việc từ chối nhận di sản chỉ nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục thanh toán di sản, chứ không phải biểu hiện sự mâu thuẫn giữa những người liên quan. Trong điều kiện ấy, người từ chối nhận di sản vẫn có quyền tham gia vào việc chỉ định người quản lý di sản thờ cúng.

v    Người bị truất quyền hưởng di sản:

      Khó khăn lớn nhất là trường hợp liên quan đến người bị truất quyền hưởng di sản. Mặc dù không mất tư cách người thừa kế nhưng những người này vẫn bị loại khỏi cuộc di chuyển di sản do ý chí của người để lại di sản. Tuy nhiên, nếu nói rằng di sản dùng vào việc thờ cúng khác với di sản thường thì người bị truất quyền thừa kế không tự nhiên mất quyền tham gia vào việc chỉ định người quản lý di sản thờ cúng.

      Vì vậy, vấn đề chỉ được giải quyết tùy theo từng trường hợp. Nếu người lập di chúc chỉ truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo pháp luật bằng cách lập một hay nhiều người thừa kế theo di chúc và cho những người đó hưởng toàn bộ di sản thường, thì trong trường hợp này người thừa kế vẫn có quyền tham gia chỉ định người quản lý di sản thờ cúng. Trái lại, nếu người lập di chúc nói rõ ràng người thừa kế theo pháp luật bị truất quyền hưởng di sản không có quyền hạn gì về di sản dùng vào việc thờ cúng thì chỉ định người quản lý di sản thờ cúng là việc của người khác chứ không phải người bị truất quyền.

3.2. Quyền và nghĩa vụ quản trị di sản thờ cúng.

3.2.a. Quyền của người quản trị di sản thờ cúng.

      Người quản lý di sản thờ cúng có quyền chiếm hữu và sử dụng các tài sản thuộc di sản thờ cúng, có quyền cư trú trong nhà, canh tác đất đai, thu các hoa lợi và lợi tức của các tài sản liên quan, có quyền khởi kiện đòi lại tài sản bị chiếm giữ bất hợp pháp.

     Trong nội dung về quyền của người quản lý di sản thờ cúng, có hai vấn đề cần quan tâm đó là: người quản lý di sản thờ cúng có quyền cho thuê tài sản là di sản thờ cúng hay không, và các hoa lợi của di sản thờ cúng được sử dụng như thế nào?

v     Vấn đề thứ nhất, người quản lý di sản thờ cúng có quyền cho thuê tài sản là di sản thờ cúng hay không?    

      Nếu người lập di chúc có quyết định rằng người quản lý di sản thờ cúng có quyền cho thuê tài sản thuộc di sản thờ cúng khi cần thiết. Khó khăn chỉ xảy ra khi người lập di chúc không có quyết định rõ ràng về vấn đề này.

       Trong tục lệ, di sản thờ cúng có thể được đem cho thuê, cả nhà thờ họ cũng có thể được cho thuê với điều kiện để dành lại một chỗ đủ cho việc tổ chức cúng viếng. Giải pháp này được chấp nhận trong các BLDS Bắc, Trung và cả trong án lệ Nam kỳ trước đây. Nó phù hợp với lợi ích của các địa chủ, những người sống bằng lao động của người trực tiếp khai thác đất đai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng người quản lý di sản thờ cúng trước đây có thể cho thuê tài sản thuộc di sản thờ cúng mà không cần sự cho phép của đại hội đồng gia đình, thời hạn cho thuê không quá ba năm, nhưng hợp đồng có thể được giao kết lại.

      Trong pháp luật hiện đại, cho thuê tài sản là một hành vi pháp lý quan trọng và phải tuân thủ các điều kiện khắt khe về hình thức như: lập văn bản, chứng thực (nếu tài sản cho thuê là nhà và thời hạn cho thuê là từ sáu tháng trở lên)… Trong trường hợp tài sản cho thuê là quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản thì hợp đồng còn phải tuân thủ một số điều kiện về: năng lực bên giao kết, thời hạn cho thuê… Nói chung, trong suy nghĩ của của nhà làm luật hiện đại thì đây là một hành vi vượt quá giới hạn của người quản trị di sản. Do đó muốn thực hiện nó trong điều kiện không được sự cho phép của người để lại di sản, người quản lý phải được sự cho phép của những người thừa kế. Ngoài ra, sự đồng ý này phải được thực hiện trên một số quy tắc nhất định. Khoản 2 điều 681 BLDS nói rằng mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản. Sự đồng ý của những người này về việc cho thuê tài sản thuộc di sản thờ cúng cũng phải tuân theo điều kiện ấy. Ngoài ra, văn bản thỏa thuận phải độc lập với văn bản cho thuê, bởi vì nội dung của hai văn bản này hoàn toàn độc lập với nhau, hơn nữa những người thừa kế cũng hoàn toàn không có quan hệ gì với người thuê tài sản trong việc thực hiện hợp đồng thuê tài sản.

v    Vấn đề thứ hai, các hoa lợi, lợi tức của di sản dùng vào việc thờ cúng được sử dụng như thế nào?

      Mặc dù chưa có quy định chi tiết trong luật viết, tuy nhiên theo cách hiểu thông thường, cần phải xác định rằng hoa lợi, lợi tức của di sản thờ cúng được ưu tiên sử dụng để chi phí cho việc cúng giỗ và chăm sóc mồ mả. Phần còn lại của hoa lợi,lợi tức sau khi cúng giỗ và tu bổ mồ mả được dùng vào việc sửa chữa, bảo quản các tài sản dùng vào việc thờ cúng. Cuối cùng, người quản lý di sản thờ cúng có quyền tự do sử dụng và định đoạt hoa lợi, lợi tức sau khi đã đảm bảo các khoản chi nêu trên.

3.2.b. Nghĩa vụ của người quản trị di sản thờ cúng.

      Người quản lý di sản thờ cúng phải thực hiện việc thờ cúng theo đúng di chúc hoặc theo đúng thỏa thuận của những người thừa kế. Ở đây, có thể hiểu, người quản lý di sản thờ cúng có hai nghĩa vụ chính: nghĩa vụ thực hiện việc thờ cúng và nghĩa vụ quản trị tốt các tài sản thuộc di sản thờ cúng.

v    Về nghĩa vụ thực hiện việc thờ cúng:

      Tất nhiên, người quản lý di sản thờ cúng phải tổ chức các lễ giỗ đủ và đúng ngày. Có trường hợp di chúc hoặc thỏa thuận của người thừa kế còn quy định chi tiết về nội dung của lễ giỗ cũng như các nghi thức tiến hành lễ giỗ thì người quản lý di sản thờ cúng cũng phải thực hiện những quy định này.

      Khó khăn sẽ xảy ra nếu di chúc hoặc thỏa thuận của những người thừa kế không chỉ định rõ người được thờ cúng. Trên thực tế, không ít di sản thờ cúng chỉ để thờ phụng chung chung. Vì vậy, đối với những trường hợp này, cần phải hiểu người quản lý chỉ cần bảo đảm việc tổ chức lễ giỗ của người lập di sản thờ cúng và vợ (chồng) của người đó (nếu có). Việc cúng giỗ những người khác hoàn toàn tùy nghi. Người quản lý di sản thờ cúng phải chịu các chi phí cần thiết của các lễ giỗ.

v    Về nghĩa vụ quản trị tốt các tài sản thuộc di sản dùng vào việc thờ cúng.

      Dù không có quyền sở hữu đối với di sản thờ cúng, người quản lý di sản thờ cúng vẫn phải quản trị nó như là tài sản của mình: gìn giữ, chăm sóc, sửa chữa. Người quản lý tham gia vào việc thực hiện các thủ tục hành chính hoặc tư pháp để bảo vệ sự toàn vẹn của các tài sản liên quan.

      Người quản lý tự mình thực hiện việc quản trị di sản thờ cúng chứ không được đùn đẩy việc đó cho người khác. Nếu vì nguyên nhân nào đó, bất khả kháng mà không thể trực tiếp đảm đương công việc quản trị thì vợ, con hoặc một người thân thuộc khác sẽ tạm thay thế. Tuy nhiên những người sau này chỉ thay thế người quản lý làm công việc quản trị tài sản với tư cách là người được ủy quyền và việc tạm thay thế người quản lý phải được sự đồng ý của những người thừa kế. 

3.3 Giám sát việc quản trị di sản thờ cúng.

*  Người có quyền giám sát: Là bất kỳ người nào trong số những người thừa kế. Tuy nhiên, thờ cúng là chuyện riêng của mỗi gia đình cho nên những người thừa kế mà không có quan hệ huyết thống hoặc không có mối liên hệ đạo đức với người đẻ lại di sản thì không có quyền đó.

      Những người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có năng lực hành vi thực hiện quyền giám sát thông qua vai trò của cha, mẹ hoặc của người giám hộ.

*  Căn cứ của hoạt động giám sát.

Ø     Các quyết định của di chúc.

Ø     Thỏa thuận của những người thừa kế.

Ø     Luật.

Ø     Phong tục tập quán.

      Luật hiện đại cho ban hành cho các cá nhân quyền tự do rất rộng rãi trong việc quyết định hoặc thỏa thuận về việc quản lý di sản thờ cúng. Các quyết định và thỏa thuận ấy lại dựa vào tập quán của dân cư. Vì vậy, suy cho cùng thì chính tập quán chi phối hoạt động giám sát việc quản trị di sản thờ cúng trong hầu hết các trường hợp.

*  Quyền của người giám sát.

      Luật không nói rõ các quyền hạn của người thừa kế trong việc giám sát việc quản trị di sản di sản thờ cúng. Trên thực tế, người quản lý di sản thờ cúng thực hiện công việc của mình trong những điều kiện không bó buộc, người thừa kế không can thiệp vào đó. Riêng việc trùng tu mồ mả, nhà thờ chỉ thì chỉ được quyết định trên cơ sở cuộc bình nghị của đại gia đình. Những người thừa kế có quyền tham gia bình nghị và yêu cầu triệu tập hội nghị của những người thừa kế để giải quyết những việc ấy cũng như các như các vấn đề khác liên quan đến di sản thờ cúng, kể cả vấn đề truất quyền người quản lý.

4. Tỷ lệ phần di sản thờ cúng.

      Đã từng có thời kỳ di sản thờ cúng chỉ có thể được lập đến một giai đoạn nào đó. Ngày nay, chỉ cần tôn trọng các quyền lợi của chủ nợ di sản, người lập di chúc được quyền tự do ấn định tỷ lệ phần di sản thờ cúng so với toàn khối di sản để lại sau khi chết. Việc quy định cho các cá nhân quyền tự do rất rộng rãi trong việc để lại di sản thờ cúng có thể dẫn đến nhiều vấn đề xảy ra trên thực tế.

4.1. Viêc ấn định phần di sản thờ cúng về số lượng.

      Theo khoản 1 BLDS Điều 670, người lập di chúc có thể để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Khoản 2 Điều 670 nói rằng nếu toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dùng một phần di sản vào việc thờ cúng. Do vậy rút ra kết luận rằng di sản dùng vào việc thờ cúng có thể lập bằng hiệu số của tổng tài sản hiện có và tổng các khoản nợ của người để lại di sản. Kết luận cho phép mở ra khả năng theo đó trường hợp người thừa kế theo pháp luật mất năng lực thanh toán thì người đó có thể cứu lấy di sản khỏi sự kê biên của các chủ nợ của người thừa kế bằng cách lập gần như toàn bộ khối tài sản của mình thành di sản thờ cúng. Việc làm có thể hiếm nhưng hoàn toàn hợp pháp.

      Ngoài ra có một vấn đề là: ví di sản thờ cúng không thể được chuyển nhượng và kê biên cho nên nếu quá nhiều người có di sản tận dụng giải pháp nêu trên của luật thực định, thì sẽ có một khối tài sản, của cải lớn của xã hội không nằm trong lưu thông dân sự và do đó gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc dân. Do vậy, nảy sinh hai vấn đề cần xem xét:

4.1.1. Ấn định giới hạn tối đa cho giá trị di sản thờ cúng so với toàn bộ di sản.

      Ngay từ thời các vua Lê, người làm luật đã thấy sự cần thiết của việc thiết lập một giới hạn, mức cao nhất cho giá trị của di sản thờ cúng nhằm tránh tình trạng có quá nhiều ruộng đất bị đặt ra ngoài lưu thông. Tại Điều 388 bộ Quốc triều hình luật, di sản thờ cúng lập trong trường hợp người có di sản chết không để lại di chúc được ấn định là 1/20 giá trị toàn bộ khối di sản của người chết. Quy tắc này được nhắc lại tại Điều 390 cho trường hợp di chuyển di sản theo di chúc. Điều 390 còn quy định thêm rằng mỗi khi di sản được thanh toán và phân chia thì tỷ lệ 1/20 được tính dựa trên giá trị của tất cả các tài sản của thuộc về những người thừa kế được gọi bao gồm di sản thường, tài sản riêng của người thừa kế và di sản thờ cúng. Vả lại, nếu gia đình không còn nhiều ruộng đất thì di sản thờ cúng có thể được trích ra theo một tỷ lệ thấp hơn với điều kiện có sự nhất trí của những người liên quan.

      Luật thời Nguyễn chỉ quy định mức tối đa về giá trị của di sản thờ cúng trong trường hợp di sản không có người thừa hưởng. Tại lệnh năm thứ 4 đời Thiệu trị, mức này là 3/10 di sản, đôi khung ở 3000 quan tiền hoặc 30 mẫu ruộng. Nhưng nếu di sản có giá trị không đáng kể thì có thể được dành trọn vào việc thờ cúng. Các thẩm phán thời kỳ thuộc địa còn thừa nhận rằng nếu có con thì di sản thờ cúng không thể vượt quá phần thừa kế của một con, trừ trường hợp người lập di chúc có quyết định khác.

      Tóm lại, ấn định một giới hạn tối đa cho giá trị của di sản thờ cúng so với giá trị của toàn bộ di sản của người để lại di sản đã là mối bận tâm của những người làm luật Việt Nam ở nhiều thời đại. Bởi vậy, mặc dù luật hiện hành không ấn định giới hạn tối đa giữa giá trị di sản thờ cúng có thể được lập so với giá trị của di sản, người áp dụng luật cũng cần tính đến khả năng người có tài sản lạm dụng quyền của mình trong việc lập di sản thờ cúng, gây thiệt hại cho những người khác, từ đó vận dụng những quy tắc, tục lệ cần thiết mà bảo vệ quyền lợi của những người có tài sản liên quan nếu có kiện cáo.

4.1.2. Xác định người có quyền khởi kiện yêu cầu cắt giảm phần di sản thờ cúng vượt mức.

      Một điều chắc chắn, chủ nợ của người thừa kế có quyền yêu cầu cắt giảm phần di sản thờ cúng vượt mức. Giải pháp này giúp bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ. Bởi vì có thể nhận thấy rằng, di sản thờ cúng không được chia, và không thuộc người thừa kế nào cho nên các chủ nợ không có quyền kê biên tài sản thuộc di sản thờ cúng. Do vậy, việc quy định chủ nợ có quyền khởi kiện trong trường hợp giá trị di sản thờ cúng vượt quá giới hạn hợp lý giúp ngăn ngừa sự thỏa thuận gian lận giữa người có di sản thờ cúng và người thừa kế trong việc cắt giảm đến mức tối đa quy mô khối tài sản cần cho việc trả nợ của người thừa kế.

      Vả lại, cũng chỉ nên công nhận quyền khởi kiện của các chủ nợ chứ không nên thiết lập quyền khởi kiện của người thừa kế. Bởi vì, các chủ nợ cần được bảo vệ về quyền lợi đối với tài sản trong trường hợp có sự thiết lập di sản thờ cúng quá giới hạn hợp lý. Còn đối với những người thừa kế, việc quy định giá trị phần di sản thờ cúng chỉ dẫn tới việc người thừa kế được hưởng ít hay nhiều mà thôi, chứ họ không bị mất gì cả. Hơn nữa, nếu quy định những người thừa kế cũng có quyền khởi kiện thì sẽ dẫn tới việc không tôn trọng quyền tự do định đoạt tài sản của người có di sản.

4.2. Di sản thờ cúng và người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

      Nếu di sản thờ cúng không được lập, thì các tài sản liên quan sẽ được giao cho người thừa kế theo chế độ di chuyển di sản thường. Còn khi có di sản thờ cúng, các quyền lợi của người thừa kế sẽ bị cắt giảm về số lượng.  Trong trường hợp không ai trong số họ là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thì sự cắt giảm này được lý giải dễ dàng nhờ nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản. Tuy nhiên, sự việc lại trở nên rất phức tạp nếu xuất hiện trong những người thừa kế là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

      Vấn đề được đặt ra ở đây là: nếu người có di sản quyết định dành một phần di sản của mình vào việc thờ cúng thì phần di sản được hưởng không phụ thuộc vào nội dung di chúc sẽ được tính trên cơ sở nào? Toàn bộ di sản hay toàn bộ di sản trừ đi giá trị các tài sản dùng vào việc thờ cúng?

      Vấn đề sẽ được giải quyết theo trường hợp: người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc tham gia vào việc lập di sản thờ cúng hay không tham gia vào việc lập di sản thờ cúng.

v    Trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc  tham gia vào việc lập di sản thờ cúng.

      Luật thục định công nhận tính chất cá nhân của người lập di chúc nhưng lại không cấm người thừa kế của người lập di chúc tham dự vào việc lập di chúc (trừ trường hợp tham dự với tư cách người làm chứng).

      Nếu có cơ sở cho thấy người thừa kế biết rõ ý chí của người lập di chúc dành một phần tài sản vào mục đích thờ cúng, thì lúc thanh toán, di sản sẽ được tách ra khỏi di sản thường và di chuyển theo một chế độ riêng. Cho nên, nếu phải tính đến việc chia di sản cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, kỷ phần bắt buộc sẽ được tính trên cơ sở giá trị của di sản trừ đi giá trị phần di sản thờ cúng.

      Điều này có lẽ cũng áp dụng trong trường hợp người thừa kế không tham gia vào việc lập di chúc tuy nhiên không phản đối quyết định của người lập di chúc về việc dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

v    Trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc không tham gia hoặc tham gia nhưng không đồng ý việc lập di sản thờ cúng.

      Khi lập di chúc cá nhân, người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, pháp luật vẫn bảo vệ và tôn trọng quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Cho nên, việc lập di chúc không được làm hại đến lợi ích của những người này. Vì vậy,  nếu các quy định của di chúc có tác dụng truất quyền hưởng di sản hoặc làm giảm sút nghiêm trọng quyền lợi của họ về số lượng, thì quyền hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc sẽ được tính trên cơ sở giả định toàn bộ di sản không trừ đi di sản thờ cúng.

5. Chấm dứt việc dùng một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

v    Các trường hợp chấm dứt việc dùng một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

      Theo khoản 1 Điều 670 BLDS: “trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết, thì phần tài sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện người thừa kế theo pháp luật”. Đây là trường hợp dự liệu duy nhất của luật hiện đại về việc chấm dứt tính chất của di sản thờ cúng. Lúc này, người đang quản lý di sản thờ cúng hợp pháp được hưởng một quy chế đặc biệt và trở thành chủ sở hữu của di sản thờ cúng, đồng thời di sản thờ cúng quay trở về trạng thái là một tài sản thường.  

      Riêng trong luật cổ, tục lệ và luật cận đại, việc dùng một phần di sản dùng vào việc thờ cúng còn có thể chấm dứt theo quyết định của đại hội đồng gia đình hoặc do sự tiêu hủy hoàn toàn của tài sản thuộc di sản thờ cúng. Tài sản thuộc di sản thờ cúng còn có thể chấm dứt trong trường hợp bất khả kháng hoặc do không còn người thân thuộc theo huyết thống đủ điều kiện để đảm nhiệm việc thờ cúng tổ tiên.

v    Số phận của các tài sản liên quan.

      Khoản 1 Điều 670 BLDS quy định rằng tài sản dùng vào việc thờ cúng thì thuộc về người đang quản lý nó một cách hợp pháp trong số những người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, cụm từ “người thuộc diện thừa kế theo luật” cần được hiểu như thế nào thì pháp luật không nói tới. Trong trường hợp di sản thờ cúng mới chỉ xác lập trong một vài đời kể từ khi người để lại di sản chết, thì có thể hiểu rằng “người thừa kế theo pháp luật” là người thừa kế của người để lại di sản. Nhưng nếu trong trường hợp di sản đã được để lại từ rất lâu, thì việc xác định người thừa kế của người để lại di sản là rất khó khăn. Do vậy, phải chăng cũng có thể hiểu “người thừa kế theo pháp luật” là người thuộc diện thừa kế của người quản lý áp chót di sản thờ cúng.

      Hơn nữa, các cách giải quyết ấy chỉ được áp dụng nếu người đang quản lý di sản thờ cúng hợp pháp đó là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Còn trong trường hợp người đang quản lý di sản thờ cúng là người không có mối quan hệ nào với người để lại di sản thờ cúng thì tài sản thuộc di sản thờ cúng đó sẽ được giải quyết như thế nào?

      Đối với trường hợp này, cũng có thể vận dụng quy định tại Điều 247 về việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu để công nhận tư cách chủ sử hữu đối với tài sản liên quan. Song, đây chỉ là giải pháp để tham khảo, bởi vì trong khung cảnh của khoản 1 Điều 247, tài sản trở thành đối tượng của quyền sở hữu đươc xác lập theo thời hiệu phải là tài sản có chủ sở hữu theo nghĩa luật chung. Mặt khác, ngay nếu như áp dụng điều luật này, thì thời hiệu chỉ áp dụng kể từ ngày di sản thờ cúng không còn dung vào việc thờ cúng nữa, chứ không phải từ ngày người quản lý tiếp nhận di sản thờ cúng đó.

II. Thực tiễn về vấn đề di sản thờ cúng hiện nay.

      Ngày nay, việc để lại di sản thờ cúng không còn được phổ biến như trước đây, do đó các tranh chấp liên quan đến di sản thờ cúng là không nhiều so với các tranh chấp liên quan dến di sản thường. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có vấn đề gì trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến di sản thờ cúng. Mặt khác, các vụ việc liên quan đến di sản thờ cúng có tính chất và mức độ ngày càng đa dạng, phức tạp, tranh chấp ngày càng gay gắt. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì ngày nay, khi xã hội phát triển, giá trị của các vật chất cũng ngày càng tăng cao, cho nên người ta luôn muốn tranh giành quyền lợi về vật chất cho mình bất chấp cả những giá trị đạo đức. Trước đây, có những trường hợp người chết để lại hàng ngàn mét vuông đất mà chỉ cho một người thừa kế quản lý và sử dụng nhưng những người khác không hề tranh chấp, đòi hỏi gì vì khi đấy giá trị không đáng kể. Tuy nhiên, khi mỗi mét vuông đất trị giá hàng chục triệu đồng thì xuất hiện tranh chấp giữa những người thừa kế với người đang quản lý và sử dụng diện tích đất đó là điều tất yếu.

     * Các trường hợp tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng:

v    Người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng chiếm hữu trái phép di sản đó.

      Trên thực tế đã có nhiều trường hợp người thừa kế đâm đơn khởi kiện về việc người quản lý di sản thờ cúng có ý đồ chiếm đoạt, tìm mọi cách để có được giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản thuộc di sản thờ cúng.

      Nhận xét, Điều 670 BLDS quy định: trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều chết hết thì phần di sản thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Như vậy, có thể thấy rằng người quản lý di sản thờ cúng chỉ có thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thuộc di sản thờ cúng khi thỏa mãn các điều kiện:

-         Tất cả những người thừa kế theo di chúc phải đều đã chết hết.

-         Người đang quản lý di sản thờ cúng đó phải nằm trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

      Như vậy, xét về mặt pháp lý, một người đang quản lý di sản thờ cúng có thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó nếu thỏa mãn hai điều kiện như vừa nêu, còn nếu chưa đáp ứng được hai điều kiện đó thì cho dù người đó có tìm mọi cách để có được chứng nhận quyền sở hữu thì việc chứng nhận đó là hoàn toàn bất hợp pháp và những người có quyền lợi liên quan đều có quyền khởi kiện yêu cầu tuyên bố vô hiệu.

v    Di sản thờ cúng bị đem thế chấp, cầm cố.

      Có thể nhận thấy ngay rằng di sản thờ cúng không thể đem thế chấp, cầm cố. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể do không hiểu biết hoặc là do bên cho vay không biết có sự khuất tất bên trong tài sản đem thế chấp, cầm cố. Có thể kể ra một ví dụ như sau:

      A là con một của B. B chết có để lại di chúc đó là A được hưởng toàn bộ số tài sản của ông, còn ngôi nhà giao cho A quản lý và dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, tại thời điểm mở thừa kế, A đã giấu đi tờ di chúc có nội dung bất lợi cho mình và do là con một của B cho nên A đương nhiên được hưởng toàn bộ tài sản của B, và tất nhiên là cả ngôi nhà kia nữa. Không lâu sau đó, A dùng căn nhà để thế chấp và vay một khoản tiền của một ngân hàng. Tất nhiên là ngân hàng không thể nhận ra sự khuất tât bên trong tài sản đem thế chấp này và đã đồng ý cho A vay tiền. Khi vụ việc bị phát giác, ngân hàng đã đâm đơn khởi kiện A.

      Mặc dù những vụ việc như trên trên thực tế là không nhiều, tuy nhiên khi phát sinh thì lại gây không ít khó khăn cho cơ quan thụ lý giải quyết.

     Nhận thấy trong tình huống này, việc A dùng tài sản thuộc di sản thờ cúng để thế chấp vay tiền của ngân hàng là hoàn toàn trái pháp luật, đương nhiên tòa án sẽ tuyên bố hợp đồng vay giữa ngân hàng và là vô hiệu. Hậu quả pháp lý trong trường hợp này sẽ là: ngân hàng phải trả nhà, đất đã nhận thế chấp còn A phải hoàn lại số tiền đã vay của ngân hàng. Tuy nhiên, khó khăn lại ở chỗ số tiến A vay ngân hàng đã được dùng hết cho nên không thể thi hành án được. Do vậy, trong trường hợp này, người chịu thiệt là ngân hàng.

v    Việc thỏa thuận để lại di sản dùng vào việc thờ cúng không đáp ứng được yêu cầu về hình thức.

      Pháp luật đã quy định cụ thể quyền của người để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 670 BLDS. Tuy nhiên, pháp luật chỉ công nhận ý chí của họ trong trường hợp người đó để lại di chúc và nói rõ việc để lại một phần di sản của mình vào việc thờ cúng. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp người để lại di chúc chỉ quy định việc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng nhưng dưới hình thức dặn dò. Chính sự thiếu chặt chẽ này nên đã dẫn tới việc những người thừa kế tranh giành nhau quyền sở hữu đối vời khối tài sản đó.

     * Dưới đây là một số tình huống tranh chấp liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng. Mặc dù chưa có được thống kê về số vụ việc dân sự liên quan đến di sản thờ cúng, tuy nhiên cũng có thể nhận thấy rằng số vụ việc liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng ngày càng đa dạng, tính chất phức tạp và gay gắt của các tranh chấp không ngừng tăng, do vậy, đòi hỏi cơ quan thụ lý giả quyết phải hết sức linh động, vận dụng khéo léo các quy định của pháp luật nhằm giải quyết hợp lý các vụ việc. Ngoài ra, cần có những sự sửa đổi, bổ sung về các quy định liên quan đến di sản thờ cúng để tạo một hành lang pháp lý tốt hơn cho người chủ thể tham gia cũng như chủ thể thực hiện trong lĩnh vực này.

KẾT LUẬN:

      Việc thờ phụng tổ tiên được xem là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, nó được xem như một nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người qua đó thể hiện sự biết ơn, lòng kính trọng đối với thế hệ đi trước. Như đã nói ở trên, pháp luật của nhà nước ta cho dù ở thời kỳ nào cũng luôn dành sự quan tâm đến việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng của công dân. Cho nên, pháp luật hiện đại cũng cần có sự quan tâm hơn nữa bằng việc đưa ra các quy định phù hợp với điều kiện thục tế nhằm giúp nhân dân thực hiện được tốt hơn quyền lợi này.

      Trong phạm vi bài luận chưa tới hai mươi trang này, mặc dù còn trên cơ sở tham khảo, chắt lọc ý kiến của nhiều cá nhân trong ngành, em cũng mong rằng qua đó thể hiện được phần nào suy nghĩ của mình về vấn đề này. Bài viết chắc chắn còn nhiều thiếu sót, vì vậy rất mong được các thầy cô góp ý và sửa chữa để em có thể cải thiện vốn kiến thức của mình trong vấn đề này.

     

      

     

     

      

TÀI LIỆU THAM KHẢO

*  Sách & Giáo trình:

1.     Trường Đại học Luật Hà nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. CAND, Hà nội, 2007.

2.     Khoa luật – Đại học quốc gia Hà nội, giáo trình luật dân sự, Phần chung, Nxb. ĐHQG Hà nội, 2002.

3.     Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà nội, 2009.

4.     Phạm Văn Tuyết, Thừa kế - Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, Nxb. CTQG, Hà nội, 2007.

5.     Phùng Trung Tập, Luậ thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà nội, 2008.

* Văn bản quy phạm pháp luật:

      1. Bộ luật dân sự 2005 và các văn bản hướng dẫn.

      2. Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn.

*. Các báo và tạp chi:

     1.  Tạp chí luật học.

     2.  Tạp chí dân chủ và pháp luật.

     3.  Tạp chí nghiên cứu lập pháp.

*. Các website:

     1.  http.//www.vnchannel.net.

     2.  http.//www.na.gov.vn.

     3.  http.//www.laodong.com.vn.

     4.  http.//dbnd.hochiminhcity.gov.vn.

     5.  http.//www.vietbao.vn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: