Về cuộc sống và những thứ đã trải qua...

Chào anh em, thấy anh em cũng có nhiều topic tâm sự, dạo này mình cũng đang stress quá, chuyện công việc, chuyện gia đình, chuyện nọ chuyện kia nên tâm sự cùng anh em chút. Có thể qua đây anh em hiểu thêm về mình, về vungocanh, smod của vOz. Vài dòng tâm sự mong anh em đọc, nếu thích thì có thể động viên để mình tiếp tục kể lể, còn ko coi như nhắm mắt đi qua...

Chuyện đời mình, kể cho các bạn nghe.

Phần 1: Yên vị, hay ko yên vị, cuộc sống quá tẻ nhạt hay đam mê?? 

Tôi sống độc lập từ thủa bé - Một sự ngỗ nghịch đáng ân hận suốt đời.

Ấy từ từ, sao lại giống dế mèn phưu lưu ký vậy. Thì thực ra đôi lúc cũng giống, mượn bác Tô Hoài cái câu mở đầu vậy 

Về cái tuổi thơ thôi ko nhắc lại nữa vì có lẽ những ai không biết thì đã đọc hoặc nghe kể rất nhiều rồi. Thôi khỏi, lần khác kể, giờ để kể cho nghe những gì mình đã làm những năm gần đây nhé, cái mình sắp kể chả có bài học gì cả, chỉ là thời gian này rảnh rỗi, ngồi nhà ko có gì làm thì viết cho qua ngày đoạn tháng thôi, anh em muốn biết thêm về mình thì like và cmt động viên phát.

Mình bắt đầu tự lập và kiếm sống từ năm 18 tuổi. Hết cấp 3 định thi đại học, nhưng với suy nghĩ: Con đường đại học sẽ giúp mình tốt hơn hay là xấu đi? Nên cũng băn khoăn lắm. Suy nghĩ nhiều vđ.

Bất ngờ lớn nhất, có thể là bước ngoặt trong đời mình đó chính là việc mình quyết định không đi học đại học. Thay vào đó mình muốn đi ra ngoài kiếm sống, một phần là ko muốn bố mẹ phải lo cho mình nữa, một phần là muốn xem cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia như thế nào. 

Hồi bé, lúc còn đi học đã ko biết bao nhiêu lần tự xoay sở để kiếm tiền, từ việc thu lại những bài nhạc trên radio rồi chọn ra những bài hay nhất, làm thành 1 album và mang bán, rồi thì đủ thứ có thể kiếm ra tiền với lũ học trò, cả đánh bạc, mua bán dây thun, bi ve.. Anh em đọc truyện 18+ đầu tiên là gì? mình kiếm được khá khá tiền từ vụ đó... lol. Sau này thấy việc phát tán văn hóa phẩm đồi trụy nguy hiểm quá, chuyển sang làm web và freelancer. Một trong những thằng nghịch nhất của lớp và luôn có những trò làm người lớn đau đầu, bù lại học giỏi, nên đc thầy cô cưng . Nhưng sau này, cuộc đời ko đơn giản như trong trường học. Ra đời mình mới thấy nó khác như thế nào với một thằng ngồi trên xe lăn như mình. 

Thời gian đầu mình vật lộn ngoài đời, xin học việc ở 1 cửa hàng sửa chữa điện thoại trên đường Lạch Tray, vừa học vừa làm và dần dần mình bắt đầu nhảy vào mua bán điện thoại. Đầu tiên chỉ là mua đi bán lại, mình nhớ lần đầu ko có tiền nên bán cha nó cái đt đang dùng, sau đó vay thêm để lấy 1 cái của khách, rồi bán lại, có lãi và cứ thế dần dần đi lên. Việc kinh doanh nào cũng có những lúc ko thuận buồm xuôi gió. Nhất là đối với những đứa làm dịch vụ. Đơn cử là việc giao hàng nó ko phải dành cho một đứa có sức khỏe yếu. Lần bị lừa đổi điện thoại là lần bị lừa đau nhất, hồi đó lấy của khách con v3i D&G anh em nào chơi điện thoại thì biết v3i vàng ngày đó rất có giá, và đặc biệt là nó chả khác gì v3i thường cả chỉ khác cái vỏ, và một số thứ chỉ người trong nghề mới rõ, kiểu như đèn báo sạc, nếu đèn báo sạc và bluetooth nó được làm chìm liền với kính mặt trước thì là v3i vàng thật, với cả bàn phím, đệm cao su nữa. Còn lại thì y như hàng thật luôn. 

Hồi đó mang điện thoại qua quán nước chè, gần chỗ Nguyễn Bình, cái ngõ mà ngay cạnh ĐHHH. Mình ko nhớ rõ chỗ nào nhưng đại loại là đi bộ đến đấy ngày đó xa vãi hàng, nắng nôi, 1 thân 1 mình lăn xe đến, (hôm trước về HP chơi, đi bộ thấy gần sao ngày đó xa quá). Đến quán nước thì thấy 1 bạn đẹp trai đang ngồi, cho xem máy một lúc rồi chê nọ chê kia, mình thoải mái cho cầm và xem, lúc nghe điện thoại ko để ý con giời đổi mất cái đt mình lúc nào, về nhà check lại thì mới rõ là bị đổi sang con làm lại vỏ. Phốt đó là phốt đầu tiên mà mình dính khi làm điện thoại. Vụ đó hình như là mất hơn 3tr. Năm 2005-2006 thì phải.

Sau vụ đó thì công việc rất là thuận lợi, vừa làm cho chủ vừa tự mình mở một cửa hàng bé bé, dần dần bắt đầu mình nghỉ hẳn làm thuê để về trông coi cửa hàng của mình be bé kia.

Một thời gian sau thị trường điện thoại bão hòa, về quê và tiếp tục công việc sửa chữa điện thoại, lần này mình thêm cả sửa chữa máy tính. Tất nhiên là công việc có lúc thăng lúc trầm, và cuộc sống cứ thế bình thường trôi qua. 

Bố mẹ lúc đó cũng mừng vì thằng con sức khỏe yếu có được một công việc phù hợp, rồi lại ổn định nữa. Tiếp sau đó mình bắt đầu cắm đầu vào máy tính và nghiên cứu nhiều hơn đến những việc có thể kiếm ra tiền từ cái "kho vàng" internet. 

Và mọi việc nó sẽ dừng lại ở đây, ngay cái mốc này, khi mình có một công việc ổn định, giờ chỉ cần kiếm một cô vợ nữa là xong, cuộc đời sẽ tiếp tục được định sẵn như những gì đã được sắp đặt. Sinh ra, lớn lên, lấy vợ, sinh con, già, chết. Cuộc sống y như một thước phim chiếu chậm và nhạt nhòa. Tất nhiên, ai tiếp xúc với mình thì đều thấy mình ko phải là một thằng dễ dàng dừng chân tại một điểm, dễ dàng chấp nhận cuộc sống quá dễ, quá đơn giản như vậy. Cuộc sống nó phải có gia vị, nếm trải mùi đời là như thế nào? 

Phần 2: Kể qua về công việc sửa điện thoại và máy tính. 

Nói đến việc làm điện thoại ở phần trước tự dưng nghĩ đến những việc hồi xưa đã từng làm, và hơi hổ thẹn với nó, một điều mà mình chắc chắn là không có một thằng sửa điện thoại nào ko luộc đồ của khách, chủ yếu là nó luộc đến đâu thôi, khi thì là rung, khi thì là cục pin, khi là camera… Mình nói thẳng luôn là có luộc, nhưng xét về mặt bằng chung thì hầu như là rất ít, chỉ khi nào máy móc không có khả năng sửa chữa nữa thì mình đề nghị bán lại xác hoặc mua lại linh kiện bên trong. Còn ko đồng ý thì... 

Chủ yếu làm điện thoại ăn ở việc bán linh kiện, và khách hàng hồi đó ko đc thông minh như bây giờ , internet và các phương tiện thông tin đại chúng ko phải là ở mức bình dân phổ cập như hiện tại. Ko phải ai cũng biết phân biệt 1 cái sạc lô và sạc zin, một cục pin xịn và một cục pin cty. Giá 1 chiếc sạc chân kim ngày đó bán ra là 80k, nhập vào chỉ có 20k. Tức là bán ra gấp 4. Còn 1 cái nữa, khi khách mua sẽ được người bán hỏi là “mua sạc thường hay sạc cao cấp” Thường là sao, cao cấp là sao? Sạc thường thì 40k, cao cấp là 80k, cty là 120k. Nhưng thực ra, 3 loại này là 1, đều là loại nhập vào có giá là 20k. Kiểu gì cũng bán được hàng. Pin hay bất cứ cái gì cũng đc chào hàng như vậy.

Tráo cáp, câu dây là điều ko một thằng thợ nào ko làm. Ngày xưa mấy cái máy nắp gập đều một thời gian là hỏng cáp, mua linh kiện mấy cái đó cũng đắt, và đơn giản là có máy của khách tại sao ko ăn? Vậy là tráo cáp bằng cách câu dây đồng làm thành 1 cáp mới, và lấy cáp zin ra để bán. Điều này ảnh hưởng gì tới chất lượng ko? Cơ bản là ko, vì thường câu dây sẽ chọn loại dây đồng tốt, sau đó đc gia cố bằng keo và vuốt lại thành 1 sợi cáp gần như hoàn hảo. Chỉ là ko phải zin và nhanh hỏng hơn thôi. 

Điện thoại ngày xưa bệnh nhiều nhất là ăn nguồn, tức là dùng 1 thời gian nguồn của cái đt đó sẽ ăn dòng lớn -> hao pin và hay bị sụt nguồn. Bệnh thì dễ, do hầu hết máy dùng một thời gian nó bẩn thành ra thi thoảng nó có những bệnh vớ vẩn vậy, nhất là ở miền Bắc, trời hay nồm nên dễ bị hơn. Việc đơn giản nhất là tháo ra vệ sinh máy, hoặc đóng nhẹ lại chân nguồn. Tất nhiên nếu dừng lại ở đó thì ko nói làm gì, khách sẽ bị thợ chăn bằng cách nói “chết nguồn” hoặc “nguồn có vấn đề” thay thôi. Làm 1 con nguồn ko phải là rẻ, khoảng 180k-250k và công với tiền linh kiện bỏ ra chưa đến 10k.

Máy rơi nước là ăn lắm tiền nhất, hầu như 60% các máy rơi nước nếu xử lý kịp thời là tháo pin ra ngay lúc đó sẽ cứu sống. Còn lại nếu như ko ngân nước lâu quá sẽ cứu được hết. Lôi hết nguồn, cpu, sóng lên rồi đóng lại. Giá làm 1 con rơi nước thường là 50% giá trị của cái điện thoại đó. Máy càng cỏ thì tỉ lệ cứu sống càng cao. 

Tiếp theo là sửa máy tính cũng vậy, thợ có tâm thì lỗi win chỉ cài lại win hộ và lấy ít tiền uống nước như mình, hoặc free luôn. Nhưng đối với đa số thợ thì… thay ram thôi, ổ cứng có vấn đề, hay nặng hơn là thay main. Thế mới nói, xã hội càng tân tiến thì mấy thằng thợ kiểu này càng phải dạt đi chỗ khác. 

Nghề sửa điện thoại và máy tính là cái nghề khốn nạn nhất trên thế giới. Không phải thằng thợ nào cũng giữ đc nghề một cách trong sạch. Và ko một thằng thợ nào trong sạch lại giầu đc cả. Công việc kiếm tiền quá dễ dàng làm cho mấy đứa lóa mắt, cứ thế mà ăn thôi. Cũng chính vì thế mà mình chán mấy cái việc như vậy, làm ổn và chất lượng thì ko đủ ăn, mà muốn đủ ăn thì phải lươn lẹo dối trá. Thế nên việc ở cửa hàng mình dần dần lơ là và lảng tránh, sang nhượng lại cho người khác và về tập trung vào web và freelancer như đã nói ở phần trước. 

Một vài điều còn nhớ được ở cái nghề này. Giờ đi ra ngoài đã, tối về kể tiếp chuyện hôm qua còn dở..

Phần 3: Cuộc sống những ngày đầu tiên xa nhà.

Như đã kể với anh em ở phía trên, mình đã nghỉ làm điện thoại để về nhà làm web và freelancer, tất nhiên những thứ ở trên mạng thì thường cái nọ nó kéo theo cái kia. Công việc có thể kiếm ra tiền nhưng phải trả giá rất nhiều đó là suốt ngày cắm mặt vào máy tính. Mình có các đối tác bên kia thế giới nên hay làm đêm để họp team, rồi làm cùng. Chính vì thế giờ giấc cũng rất thất thường, lúc thì ngủ đêm lúc thì ngủ ngày, đây cũng chính là điều mình phải trả giá khi mà đến thời điểm hiện tại, sau hơn 6-7 năm mình không tài nào ngủ sớm được trước 3h sáng. Và nếu có thức dậy thì sẽ thức vào lúc 7-8h sáng. Một cảnh báo cho anh em làm mmo và một số bạn làm việc đêm mà ko biết chú trọng đến sức khỏe. 

Làm được một thời gian, mình thấy cuộc sống như thế này thì tẻ nhạt quá, mình có thể ở nhà và lấy vợ, sinh con và chết. Như vậy cuộc sống nó rất bình thường và không có gì đặc biệt, và tất nhiên nếu thế gì giờ mình cũng không thể ngồi mà viết ra cho các bạn những dòng này, kể về những gì mình đã thấy đã nghe và đã cảm nhận, cũng nói như trên, mình là cái thằng không chấp nhận cuộc sống nó quá dễ dàng và thoải mái, cho nên lại tính đến chuyện đi. Đi đâu giờ? Làm gì giờ? Câu hỏi đó đc mình suy nghĩ trong vòng 1 tuần, và tất nhiên cứ suy nghĩ thì ko bao giờ trả lời được, cuối cùng trong một đêm mưa gió mình quyết định điểm đến đầu tiên xa nhà là Hà Nội. Ra đi với mong muốn mình sẽ đi được thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều cuộc sống đang chạy đua ngoài kia. 

Đến Hà Nội, mình có những khó khăn nhất định như: Ko việc làm, ko quen biết, kiến thức và bằng cấp ko có, những việc đó dẫn đến một hệ lụy rất xấu đó chính là mình không kiếm được tiền để duy trì cuộc sống của mình. Tiền tiết kiệm chỉ để đủ trả tiền nhà trọ. Thời gian đầu rất là khó khăn để đứng lên và làm việc. Bắt đầu phân chia lại thời gian cho mình. Một ngày dành ra 6-12 tiếng để tiếp tục công việc online của mình chủ yếu vào ban đêm. Thời gian còn lại mình dành để tập thể lực cũng như đi khám phá Hà Nội. Con người, lịch sử, và đặc biệt là cuộc sống rất bình yên và nhộn nhịp, nghe thì hơi đối nghịch.

Đọc đến đây các bạn thấy thật khác với một thằng ở hai phần trước? Ko khác lắm đâu có chăng thì mình kể lể nó dưới góc nhìn khác, dưới góc nhìn của một thằng muốn đi nhiều và mong muốn khám phá mọi thứ, chứ ko phải dưới góc nhìn là một thằng làm kinh doanh. 

Thời gian ở HN thì có rất nhiều điều để nói, những ngày đầu rất là khó khăn để bắt kịp được nhịp độ và môi trường tại đây. Công việc của mình là online cho nên ko ảnh hưởng gì đến việc mình có thể thoải mai đi đến đâu mình thích. Ngày đầu tiên ở HN là mình đi tìm nhà trọ, có một cái nhà trọ bên An Dương ấy, xa vãi lại còn đi qua cái nghĩa trang mới tới nữa, mình đến xem nhà và quyết định là.. không ở được vì nguy hiểm quá. Hôm đó dọn tạm về nhà đứa em họ ngủ nhờ. 

Thời gian này ở HN như mình nói là không quen, không thân ai, công việc chỉ trông vào những việc làm đã có sẵn trên mạng. Cái mình mong muốn được đi lại đây đó chính là những trải nghiệm của bản thân, khám phá những vùng đất mà mình chưa từng đặt chân tới. Cũng chính vì đi ra ngoài đường nhiều ở khoảng thời gian này, những gì mình thấy, những gì mình nghe được nó giúp ích rất nhiều cho chuyện sau này mình sẽ sống như thế nào, và đây cũng chính là lúc mình nhận thấy cuộc sống của mình ko bằng phẳng. Thực sự khó khăn để làm một việc gì đó to lớn đối với một đứa ngồi xe lăn. 

Hồ Gươm là nơi mình lượn lờ ở đó nhiều nhất, và công việc thì rất là đơn giản, chụp ảnh nó. Các bạn cứ tưởng tưởng gần giống bác Tấn Vinh (người chuyên chụp ảnh Hồ Gươm) nhưng mình ko dám nhận là bản sao tuổi trẻ của bác, mà chỉ là ghi lại những gì mình đã thấy qua nhiều lớp ống kính máy ảnh. Sau này mình thuê nhà dưới khu Trần Duy Hưng, bác chủ nhà rất tốt bụng (như bao bác chủ nhà khác được nhắc đến trong truyện) đã hỏi han về hoàn cảnh, ước mơ của mình và ủng hộ nhiệt tình bằng cách giảm 500k tiền nhà…  

Có một điều ở HN mà mình đến giờ cũng hay thắc mắc, là mình rất hay được cho tiền, đi ngoài đường mấy bác thấy cũng chạy lại đến cho tiền, đi qua cửa hàng nào đó cũng đến cho tiền, có lần đi xem phim, có hai cô chú cũng đi xem, và cũng cho tiền Tất nhiên mình chả bao giờ nhận cả, như vậy rất là ngại. Giá như cho nhiều nhiều chút thì nhận đấy... 

Ở Hà Nội, những ngày có tiền thì không sao, nhưng những ngày đói thì tất nhiên rất là khốn nạn, mình không thể gọi về nhà để xin bố mẹ gửi tiền lên được, làm thế khác gì mấy thằng loser, trong khi cái mình muốn là đi và trải nghiệm bản thân, bằng những thứ khó khăn nhất, cố gắng tồn tại và sống tốt. Nhớ có đợt trong túi còn vài nghìn lẻ, mà tiền thì chưa về, nhịn ăn mất khoảng 1 tuần và chỉ có rau luộc qua ngày đoạn tháng, sau 1 tuần người xanh như rau luôn. Rau thì mua đc rất rẻ của chị bán rau người Thái Bình, trọ ngay phòng bên cạnh. 

Trong thời gian tiếp theo, những lần gặp gỡ, những người bạn, người anh, những mối quan hệ bắt đầu mở ra, và mình đã có thể tự lập theo đúng nghĩa xa nhà chứ không phải cách nhà vài bước chân như khi ở Hải Phòng nữa. 

Có người đọc xong 2 phần trước của mình thì nói truyện của mình đều đều, thì đúng thôi, mình đang kể lại cuộc sống cách đây vài năm, như là ngồi nói chuyện vậy, nhớ ra cái gì viết cái đó chứ ko phải là viết truyện để câu view nên có lẽ những cảm xúc như này mới gọi là thật nhất.. 

Có rất nhiều thứ ở HN mà mình học được, ví dụ như tình người, tình bạn tình anh em, những điều cho đến bây giờ khi mà mình đang ở một nơi cách HN khá xa, đôi khi các anh vẫn điện đóm hỏi thăm thằng em thế nào, và động viên nó tiếp tục theo đuổi ước mơ và khát vọng...

Phần 4: Chuyện tình người.

Ở HN, như phần trước có đề cập mình gặp được rất nhiều người tốt, học hỏi được rất nhiều những thứ mà trước giờ ko có trên internet hoặc trong trường lớp chính quy. Nhiều khi hết tiền, cái quyết tâm đi chinh phục được thật là nhiều nơi nó lại trùng xuống, cũng đúng mà, phải có ăn rồi mới có chơi, đam mê mà ko có tiền thì đam mê làm sao được. Những lúc đó chỉ muốn chạy về nhà, ăn một bữa cơm thật no, uống một cốc nước chanh mẹ làm. Nhưng là con người ai chả có những cảm xúc yếu đuối nhất thời như vậy. Và đúng theo nghĩa nhất thời, sau đó việc nằm 1 mình và khóc (khóc thật, vì những lúc đó là những lúc yếu đuối nhất) thì nhắm mắt ngủ một giấc, sáng mai lại tiếp tục với những việc còn dang dở.

Những đoạn đường quen thuộc nhất mà mình hay đi là Kim Mã, Thành Công, Nguyên Hồng, và một số tuyến trên phố cổ, loanh quanh khu vực bờ hồ. Nếu muốn biết đặc trưng của vùng nào đó hãy đến chợ. Nơi đây có sẵn hầu hết các đặc trưng của vùng miền nơi bạn đến. Chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối Long Biên… 

Nhưng hôm nay mình không nói về chợ, mà nói đến vài thứ mình thấy được xung quanh cái chợ tạm ở cái ngõ 102 (nhớ ko nhầm, vì cũng quên rồi :v) Trần Duy Hưng. 

Trần Duy Hưng, anh em ở HN cũng biết cái tuyến đường này nó rất là phức tạp, và chứa đựng đủ mọi thành phần, và nhiều nhất là gái bán hoa. Ai hỏi mình là đang ở đâu, nghe nhắc đến TDH cái là tủm tỉm cười “thế phòng trọ cạnh mày có đứa nào ko”. Thực ra là có, và cũng chính vì thế nên mình mới kể tiếp. Tất nhiên không phải chuyện mình ăn ở với một cô gái bán hoa, hay chuyện gì đó 18+ hơn thế, mà chỉ là những cảm nhận của mình về một góc nhỏ, những người “hàng xóm” mà thôi. 

Bên cạnh phòng mình là một chị người Thái Bình, bán rau. Chị ở cùng chồng, và chồng thì hầu như lần nào về cũng đánh đập và cãi nhau. Đến bây giờ mình cũng không hiểu chồng bà này làm gì nữa mà cứ về nhà là lôi vợ con ra chì chiết. Bà chị tốt tính, đôi khi thấy mình cả tuần ăn mì thì ném cho vài chục để mua mì hoặc gạo về nấu cải thiện, có lần thì nhận, có lần thì ko. Có lần thì bà chị đi chợ về mua cái gì đó, vứt sang và nói nấu cơm mà ăn. Cũng chính vì thế nên ông chồng thấy đc hay ghen với mình, và bà chị lại càng lén lút giúp đỡ mình hơn. Có lần đi đâu về đó thì thấy hai người đang cãi nhau, có cả đánh. Nghe loáng thoáng đc câu “mày mang tiền ở nhà đi cho thằng què hả” chả nói gì, hôm sau nhắn chị là đừng làm vậy nữa ko ông ấy lại ghen. Từ đó chị em cũng chỉ hỏi han nhau vài câu khi giáp mặt. 

Phòng đối diện mình là phòng của 3 cô gái, xinh vãi luôn.. bé giờ mới gặp người xinh như vậy  mãi sau này mới biết mấy cô sống bằng nghề mà người ta hay lên án. Bán dâm. 

Phải nói là mình nhận được sự quan tâm và yêu mến của mọi người ở đây rất là nhiều, mặc dù cũng ko nhờ vả họ cái gì, nhưng đôi khi cũng là những cái quan tâm nhau kiểu như “anh Ngọc Anh sang ăn cơm với bọn em”. Hay đôi khi có cô đi làm về muộn, mất chìa khóa và sang phòng mình ngủ . Anh em đừng có nghĩ bậy, khi hai người cùng thức mới có vấn đề, còn cô ta ngủ mình thức thì ko có chuyện gì xảy ra cả. 

Mấy lần khác thì chắc là ko có khách, về sớm lại lui cui rủ mình đi chơi, có đứa con gái tíu tít cũng vui phết anh em ợ, đứa đi trước đứa đi sau đẩy xe lăn rồi nó kể đủ thứ chuyện trên đời, nó kể nên mình cũng mới biết nó làm nghề như thế. Cũng như bao thằng con trai khác thốt lên câu đầu tiên “cũng là nghề mà em, sống và kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt mà”. Rồi nó ôm lấy cổ mình và khóc  sau đó thì quấn tít cả một thời gian, nhưng lúc đó mình chả thiết gì cả, cái mình muốn lúc bấy giờ là phải đi được thật nhiều, khám phá thật nhiều. Một thằng đàn ông có chí lớn thì ko nên để phụ nữ bước vào cuộc đời mình . Chúng ta chỉ là anh em. 

Cái xóm trọ nhỏ bé mà nhiều chuyện phết.

Chuyện tình người nó không chỉ quanh quẩn trong xóm trọ, mà cả trên đường mình gặp nữa. Có lần lang thang trên đoạn ngã Tư Sở, gần Nguyễn Chí Thanh, ngày đấy chưa xây cầu vượt như bây giờ, thấy một anh thanh niên đang cõng một bà lão ngồi nghỉ bên đường, anh thanh niên thì khắc khổ lắm, hai bà cháu hay mẹ con gì đó đến dép cũng không có. Mình đang tìm cách đi sang đường để hỏi thăm thì có vài đứa trẻ con chắc đang học năm nhất năm hai gì đó chạy sang và hỏi chuyện, mình ở bên này đường nên chả biết gì, chỉ thấy anh thanh niên nói và gật đầu, có đứa khác chạy đâu về đưa cho gói bánh và chai nước. Lúc sau mấy đứa quay lại bên đường, mình hỏi chuyện thì thấy bảo cõng bà ra viện mắt chữa mắt, mà nghèo thế thì vào viện làm sao đc, mấy đứa nó chả giúp đc gì nên mua chai nước với gói bánh cho.

Còn nhiều lắm những chuyện tình người ở HN, anh em có thể thấy nhan nhản trên báo chí, nhưng chắc ko nhiều, đôi khi cần phải cảm nhận cuộc sống ở mức trung bình nhất có thể thì ta mới thấy hết được cuộc sống đang cho ta những gì, lấy đi của ta những gì.. Cũng chính từ đây, cách nhìn cuộc sống của mình nó rộng ra một chút, thực tế ra một chút, nhận thấy cuộc sống này nó còn nhiều điều cần phải học hỏi quá, khó khăn quá, vậy phải tìm cách nào để tồn tại, vươn lên và thực hiện ước mơ của mình một cách ổn định và dễ dàng nhất. Sau này, ngay cả đến thời điểm hiện tại mình cũng ko hiểu sao lúc đó lại liều như vậy, lúc đó lại có thể suy nghĩ một cách “nông cạn” như thế để quyết tâm ra đi mà bươn chải với cuộc sống! Thực sự là, đôi khi cũng sợ… 

Phần 5: Hàng xóm 

Thời gian mình sống ở TDH, cũng là thời gian đói khổ nhất, lúc đó đâu có làm gì đc nhiều đâu. Tiền thì mỗi tháng về được chừng 80$ từ những thứ online, hồi đó upload bắt đầu chết dần, uploader nhiều như nấm sau mưa nên ko thể kiếm từ nó một cách ổn định như ngày trước nữa. Dần dần rồi cũng chỉ đc vài đồng lẻ và thi thoảng thêm vài dự án của bên freelancer. Nói chung cũng đủ sống, nhưng ko đến mức dư giả. Với mình thì thấy thế là được rồi, đủ chi trả những thứ cố định như tiền nhà, điện, nước, net là ok, phần còn lại duy trì mức tồn tại được. Vì như mình nói ở những phần trước ấy “đặt mình vào vị trí dưới mức bình thường và cảm nhận nó, thì mới biết được cuộc sống lấy đi của ta những gì, cho ta những gì”.

Đối diện phòng mình là 3 cô hàng xóm xinh tươi, (có nói qua ở phần trước) Mình sẽ ko đề cập đến chuyện làm nghề của các cô mà chỉ nói đến những chuyện mình trải nghiệm được, những thứ mà có lẽ không có ở đâu thực tế và rõ ràng với những hoàn cảnh khác biệt như vậy. 

Chuyện nghề thì anh em tìm kiếm trên mạng đầy rồi, khỏi kể. 3 cô này rất quý mình, cũng kiểu như bà chị người Thái Bình kia vậy, đôi khi nấu cơm ăn thì gọi mình qua ăn, buồn buồn thì lại “anh Ngọc Anh chiều có đi đâu ko, em đi cùng với” thế là cả lũ lại lũi cũi đi theo mình. Trong nhóm có 1 cô, gọi là H. H là người hay gần với mình nhất, rồi thì có chuyện gì cũng kể, chính là cái cô hay sang phòng mình ngủ khi đi về muộn hoặc mất chìa khóa. Ko biết ngày đó kiếm cớ sang hay ko mà cứ mất chìa khóa liên tục . Có lần trời HN nóng, mình ở trong phòng đóng hết cửa vào và ngủ nude, chả hiểu con H nó làm cách nào mở cửa được và vào phòng, ngủ như đúng rồi. Mở mắt thấy nó bên cạnh tưởng mình bị hiếp, giật mình gọi dậy đuổi nó về, nó hề hề cười mà bảo “Đàn ông em còn lạ gì nữa, anh ko bị hiếp đâu, lần sau khóa cửa cẩn thận, cửa ko cài nhé..”

Nói chuyện với nó nhiều, tâm sự kể lể, cũng thấy tội. Bố mẹ nó ko phải là nghèo, giàu là đằng khác, bố làm giám đốc công an một tỉnh, mẹ thì là hiệu trưởng trường cấp 3 cùng tỉnh. Nó kể qua về chuyện đời nó cũng kiểu kiểu như bao đứa làm cái nghề này, nhưng để trả thù ông bà già nó thì chắc là mình mới nghe lần đầu.

“Ngày xưa, em yêu một thằng cùng lớp cấp 3, nhưng sau đó bị ông bà già em cấm vì nhà thằng đó ko môn đăng hộ đối, mà đm, môn đăng hộ đối cái gì anh, ông già em chạy chọt, án iếc linh tinh lên em lạ gì, bà già em thì cũng có hơn gì đâu, lo mãi mới lên đc hiệu trưởng, nhà em thế thôi nhưng nói chung là toàn ở ngoài, bên trong nát lắm” nó kể sơ qua vậy. Nói chuyện thêm thì mới biết là cấm ko được thì nó đi theo thằng người yêu xuống HN. Ở với nhau 1 thời gian như vợ chồng thì ông bà già nó tóm được, cho thằng người yêu kia vào tù, giờ được 5 năm rồi. Án ma túy, 15-20 năm gì đó. 

“Em hận ông bà già em từ đó, thụt két cầm đc mấy chục triệu, em trốn nhà xuống HN. Được một thời gian thì hết tiền, lại về nhà, và thụt két lần 2. Lần tiếp theo em vừa đặt chân xuống HN thì ông già em bắt được, đẩy em vào trại 2 tháng, sau khi về em ngoan ngoãn lắm, một lần đi chợ em trốn luôn xuống HN, xuống HN bằng những mối quan hệ mà 2 lần thụt két của em, em tá túc đc 1 tháng thì bắt đầu vào bar đứng, sau đó quen dần với mấy thằng cha lắm tiền, rồi em dần dần làm cái nghề này lúc nào mà ko hay” Ở đời, mấy đứa như này trước kia đọc báo là mình khinh nhất, có ăn có học, nhà có điều kiện mà lại suy nghĩ như một đứa ấu trĩ, làm mấy cái việc tào lao chỉ mong bản thân trả thù được bố mẹ và những người xung quanh, làm người ta phải hối hận. Nhưng chả phải đâu, càng làm vậy thì bố mẹ càng khinh, và đôi khi vào những gia đình nào đó thì việc ko coi nó là đứa con rất là bình thường. Con bé này cũng vậy, bố mẹ nó ko coi nó là con nữa rồi, nhưng mình nghĩ chắc hai ông bà kia cũng mong muốn đợi nó ngày về.

Ngồi nghe nó kể chuyện mà thấy hay vãi, chuyện cắn thuốc, chuyện phê cần, hít ke, rồi đủ thứ chuyện mà chưa bao giờ mình được nghe, ngồi nghe mồm cứ há hốc ra, xong nó hỏi: “Anh ngủ với đứa con gái nào chưa?”, mình trả lời là rồi, nó há hốc mồm ra ko tin “Anh phang gái rồi á”. Nhưng thôi, chuyện này để khi khác kể cho anh em, bây giờ quay lại tiếp tục chủ để con bé H kia. Nó ngồi kể chuyện về những lần đi khách, thác loạn của nó. 

“Bố mẹ em biết em làm cái nghề này, mẹ thì liên tục kêu em về, còn ông già thì coi như em là cái con làm bẩn bộ cảnh phục ông ấy đang mặc. Em là con một, chuyện em bỏ đi làm gái đã làm cho bà già em mất chức hiệu trưởng rồi. Nhiều lúc nghĩ giờ về, nhưng về cũng chả làm gì nên thôi, em ở lại và tiếp tục, với lại cũng quen rồi. Em thấy chuyện này bình thường, có mua có trả. Em cũng phải lao động mà” Cuối cùng cũng là vì đồng tiền, vì cuộc sống kiểu như tự lập, anh em nào hôm trc nói câu gì mà đời hiếp mình thì mình tận hưởng ấy, đôi khi tận hưởng thì thấy sướng, nhưng ko phải lúc nào cũng sướng cả. Còn những đứa kiểu chống cự lại như mình thì cũng có cái sướng riêng.

Sau nhiều lần tâm sự với nó thì nó cũng quý mình hơn, lúc nào cũng hỏi han và quan tâm. Cái phòng cách nhau có 2 bước chân, mở cửa phòng mình thì nhìn thấy ba đứa nó đang làm gì. Mình thì hay ngủ ngày đêm thức, chủ yếu thức từ 12h trưa đến 3h sáng cho nên giờ giấc của mình cũng y cái phòng bên đó. Anh em sẽ thắc mắc là mình có tình cảm với nó ko, mình nói luôn là ko. Lúc đó là khoảng thời gian mình cần tĩnh tâm về chuyện tình cảm, cũng chả có gì nhưng những chuyện từ cuộc tình đầu tiên làm mình đôi khi không tin vào con gái nữa, nhất là nhiều anh em lại nói “không nghe phò kể chuyện…” Tình cảm yêu đương thì ko, nhưng tình cảm bạn bè anh em thì có, mình cũng ko đến mức quý, chỉ là thân. Mấy lần thấy mình giặt quần áo với nấu ăn, H nó định làm hộ mình cho mình đỡ mệt nhưng kệ, cái gì làm được thì làm, nhờ vả người khác nhiều cuộc sống nó nhàm chán đi. 

Chuyện con H nó cứ loanh quanh luẩn quẩn bên mình nhiều đến nỗi cả xóm trọ ai cũng bảo nó với mình là 1 cặp. Sau này nó đi đêm ngày một nhiều hơn, rồi bỗng một hôm chả thấy đâu cả, hỏi ra mới biết là bị bắt, và ông già nó đã đưa về quê rồi. Thế là từ đó phòng trọ đối diện chỉ còn lại hai đứa, thi thoảng vẫn “anh Ngọc Anh qua ăn cơm với bọn em”.

Giờ post truyện thế này ko biết có ai nằm vùng ko, anh em nào thấy quen quen hay H mà có đọc được thì pm anh nhé…

Phần 6. An cư, lạc nghiệp?

Sống tự lập mới biết có quá nhiều thứ cần phải lo, từ việc nhỏ nhất như mua tăm xỉa răng, giấy vệ sinh cho đến chuyện giặt quần áo. Anh em nào theo dõi cũng biết mình thể trạng yếu, nên việc giặt quần áo trước đó hình như là hơi quá sức, nhất là quần bò. Hôm nào giặt cái quần bò là thôi rồi. Như đánh vật với nhau trong wc. Còn lo cả nấu ăn nữa, một việc mà chưa bao giờ mình phải đụng tay đụng chân khi ở nhà. Giặt quần áo xong là phải phơi quần áo. Ngày đấy nếu phơi thì phải phơi ngoài dây treo cao tít trên mái hiên cửa phòng, mình thì ko đứng cao được như vậy nên nghĩ ra cách là chăng dây vào nhà vệ sinh và phơi trong đó. Hơi lâu khô 1 chút nhưng cuối cùng cũng khô, tranh thủ có 1-2 bộ dơ thì giặt luôn khỏi để lâu nó nhiều quá thì hết chỗ phơi. Nhiều lúc con H nó sang thấy đang lụi cụi giặt quần áo nó vừa đứa vừa trêu kiểu “con trai giặt quần áo như này nay mai vợ sướng lắm”. Lúc đó nhìn nó chống nạnh vừa đứng vừa trêu chỉ muốn xông ra đâm cho nhát 

Chuyện quần áo là chuyện nhỏ, đã xong, coi như những thứ sinh hoạt đời thưởng của mình gọi là tạm ổn, giờ đến nấu ăn. Ngày đó món chủ yếu của mình là rau luộc và tất cả các thể loại luộc. Dần dần học được cách chiên trứng, rang cơm. Tất nhiên là ai cũng có thể làm được nhưng mức độ ngon của nó thì đến đâu. Những thứ mình làm ra để ăn thì nói chung ko đến nỗi lắm. Rang cơm, xào mì, thịt luộc, thịt kho, mấy món đơn giản có thể làm, nói chung là ổn. Quá tuyệt rồi, mọi cố gắng đã đi vào khuôn khổ. Có một số lần thử mấy món mới trong sách và làm xong sao nhìn nó ko giống trong hình. Trong hình người ra còn màu xanh của rau, mình thì nát bét và vàng khè, trong hình người ta nấu canh rau dền ra màu đỏ sao mình nấu ra màu đen  thử thì chỉ muốn đổ đi, sợ phí nên cố gắng nuốt hết. Cái chuyện nấu cơm bao giờ cũng vậy, cứ nấu xong là chả muốn ăn nữa, nên sau này mình cứ để sẵn thùng mì, đói thì ăn, hôm nào cải thiện hay hứng lên thì ra chợ mua đồ về nấu. 

Sau vài tháng sống lại với đất thủ đô thì cũng quen dần với những việc nhỏ nhặt như thế. Trong những mối quan hệ của mình tôi có gặp những người anh người bạn, và có lẽ mình để lại được rất nhiều ấn tượng tốt với các anh, điển hình là đến giờ sống cách HN khá xa, khoảng hơn 1000km nhưng đôi khi các anh nghe tin gì về thằng Ngọc Anh ko hay lắm lại lật đật vác điện thoại lên gọi điện hỏi han và “khó khăn gì thì phải nói anh”. Thằng em vâng dạ và lúc khó khăn thì quên hết các anh, chỉ nhớ đến các anh khi thoải mái.. 

Hồi xưa bố mình nhiều anh em lắm, cũng có chiến đấu, cũng có đổ máu, và hình như cái máu của bố mình nó ngấm vào mình rồi, nên đi đến đâu anh em cũng quý mến..  Bố từng dặn “Làm gì thì làm, sống hết mình là được, đừng vì bản thân mình nhiều quá". Mãi sau này mới hiểu đó là phải nghĩ đến anh em, bạn bè và những người xung quanh.

Thời gian ở HN cũng là thời gian mình có những cuộc gặp gỡ mọi người, nhất là anh em trên vOz, những cuộc gặp với các anh “chi bộ”. 

Mình học hỏi được rất nhiều, mỗi người một tính và cách tốt nhất để học hỏi là tổng hợp và chọn lọc ra những gì phù hợp để áp dụng với bản thân. Cũng chính thời gian này mình bắt đầu làm về shipping và vận chuyển hàng mỹ, đâu biết sau này nó là công việc chính thức, một công việc có thể giúp mình sống tốt. Chuyện tình cờ bằng việc có vài người có nhu cầu đặt mua đồ trên mạng, trước kia mình ko để ý lắm nhưng sau có một vài lần tự tìm cách đặt đồ thì mình nghĩ, tại sao người ta có nhu cầu mình ko làm? và tại sao mình ko tự đặt về cho anh em mà lại phải để anh em sử dụng dịch vụ của người khác? rồi những việc này mình có thể là được tại sao lại phải đi nhờ đến dịch vụ? Cái tính ôm đồm, cái gì cũng muốn làm của mình đôi khi nó cũng có ích nhưng sau này, đến thời điểm hiện tại mới biết đôi khi cũng mang lại những điều không hay, cái việc shipping, đến sau này và hiện tại mình vẫn hay nói đùa với mọi người là: Thế giới thật kì lạ, người điếc sáng tác nhạc, người mù vẽ tranh và người ngồi xe lăn đi làm vận chuyển. 

Thời gian đầu khó khăn nhất là phải tạo được sự tin tưởng của mọi người, với những người quen thì ko nói, nhưng mở rộng ra một thị trường lớn hơn một chút ngoài mức độ thân quen thì phải để cho người ta tin tưởng mình. Tạo lòng tin với khách bằng những gì mình đang có và đang làm kiểu như có thể đặt cọc 30% thôi, hoặc đơn giản hơn là đến đưa tiền mặt gặp trực tiếp và làm giấy tờ. Ban đầu rất khó khăn, nhưng rồi dần dần 1-2 người đặt thấy yên tâm, họ tiếp tục đặt và giới thiệu cho những người khác. Từ đó có thêm một công việc nữa ngoài việc làm web và freelancer, kinh tế cũng khá khẩm hơn chút, đã có những bữa cơm có thịt. Một lúc nào đó mình sẽ kể chi tiết hơn về vụ shipping này.

Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, ngày qua ngày mình vẫn cứ bắt đầu làm việc và khám phá vùng đất này. Những thứ như tình người mình đã nói rồi nhưng còn có một góc khuất nữa đó là những cạm bẫy nguy hiểm, một người bình thường đối mặt với nó đã là cả một vấn đề, một đứa ngồi xe lăn như mình thì thực sự là nguy hiểm. Những chuyện như cướp, trêu đùa, hay đôi khi chỉ là đe dọa của những đứa thanh niên vỉa hè. Ra đường lúc nào mình cũng tối giản nhất những thứ trên người có thể, để một túi bí mật dưới đệm xe lăn và coi đó như là cốp xe. Cất hết những thứ có giá trị vào đó như điện thoại tiền bạc. 

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, và chuyện gặp cướp ko phải là ko gặp. Có lần đi về muộn gặp mấy anh choai choai đứng trong góc là mình hiểu sẽ có chuyện gì xảy ra rồi. Một đứa ko võ vẽ, sức khỏe yếu, nó chỉ cần cầm tay bẻ nhẹ cái là gãy rơi vào trường hợp này lúc đó thì vãi hết các thứ ra ngoài, mất bình tĩnh và nhẩm trong đầu là phải đi thật nhanh. Tất nhiên là đi nhanh ko lại được với 3 đứa nó, ko ngoài dự đoán 3 đứa đến và bảo có gì đưa hết ra. Tiền và đồ vật quan trọng thì đã để hết dưới ngăn bí mật, còn lại hơn 200k trong túi để lát về qua hiệu tạp hóa mua mì với trứng về ăn dần, thêm cái điện thoại 1200. Và tất nhiên, lúc đó suy nghĩ của mình là đưa hết cho chúng nó, rồi muốn làm gì thì làm (ko quên xin lại cái sim vì còn danh bạ). Vậy là lần đầu tiên bị cướp, ở giữa một nơi ko ai quen biết, ko thân thích. Cảm giác xong lúc đó vừa sợ vừa bực mình. Nếu bản thân có sức khỏe hơn 1 chút thì tốt biết mấy, nếu lúc đó mình có cây súng thì ngon, nếu lúc đó mình ko ngồi xe lăn, nếu lúc đó… nếu lúc đó. Hàng vạn câu hỏi vì sao đặt ra để thỏa mãn cho cái lý do: Đập cho bọn nó 1 trận. 

Về nhà mấy đứa phòng đối diện đang còn thức, con H thấy tay vẫn còn run thì hỏi linh tinh, mình kể lại thì 3 đứa nó chửi cho lần sau đi về sớm, “đàn ông con trai đi về muộn chúng nó hiếp đấy”  

Lần đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mình bị cướp, sau lần đó mình luôn giữ trong người 1 bình xịt cay be bé nhỏ nhỏ để tự vệ nhẹ nhàng trong trường hợp khẩn cấp và 1 đèn pin gây choáng đc 1 ông anh tặng khi nghe chuyện. Xã hội nhiều cám dỗ, nhiều cạm bẫy nhưng cũng nhiều điều cần phải học hỏi, học hỏi tự bảo vệ mình trước những tình huống khó khăn như vậy. Cũng sau lần đó đi về muộn mình hay vừa đi vừa thủ hết đồ nghề ra ngoài, đèn pin lúc nào cũng bật và sẵn sàng gây lóa ngay lập tức. 

Hỗ trợ cũng chỉ phần nào, anh em nhớ tránh đc thì tránh, ra đường gặp chuyện bất bình thì bỏ qua =)) chứ đừng có làm anh hùng khi tay ko tấc sắt. Vài chuyện tầm phào ngày hôm nay vậy..

Gì thì gì, mong muốn lớn nhất của mình vẫn là đặt chân được đến thật nhiều nơi để trải nghiệm cuộc sống và con người nơi đó. Từ đó đúc kết cho mình những bài học có giá trị, vẽ thêm tuổi trẻ của mình một bức tranh, ko đẹp lắm nhưng sẽ đầy đủ và trọn vẹn ước mơ. 

Đôi khi những chuyến đi chẳng mang lại cho ta điều gì, nhưng với mình mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khá thú vị về cuộc sống, mọi người chỉ cần để ý nó ở một mức dưới những gì đang có, anh em có xe đạp thì hãy thử đặt mình vào những người đi bộ, anh em có ô tô thì hãy đặt mình vào những người đi xe máy, và cũng có thể anh em đi lại được bình thường thì cứ đặt mình vào địa vị một người ngồi xe lăn, cảm nhận cuộc sống nó sẽ dễ dàng hơn nếu ta đặt mình vào vị trí của những người kém may mắn hơn mình. Đó cũng chính là cái kim chỉ nam, là cái phương châm sống của mình khi mà ra đời để kiếm sống và học hỏi, luôn đặt mình vào vị trí khó khăn nhất, và đến khi qua được rồi thì lúc đó mới hả dạ, mới thực sự thấy bản thân sống, chứ ko phải tồn tại. 

Nhiều anh em cứ than nọ than kia, than chán vì ko có gấu, chán vì nhà thế nọ nhà thế kia, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mình cũng ko dám dạy đời anh em nhưng chỉ khuyên vậy, đặt những bước đi của anh em lên trên lan can, xem có vững ko? Nếu vững và ko rơi xuống dưới thì anh em hơn vô số những người khác đã thử làm theo mình và ngã xuống từ lầu 3 rồi.. =)) 

Phần 7: Tạm thời ổn định

Ở HN, tổng cộng mình chuyển chỗ ở 3 lần, lần 1 ở Trần Duy Hưng, lần 2 ở Đội Cấn và lần 3 ở Kim Mã. Mỗi nơi mình ở đều có những điều đáng ghi nhớ. Và từ từ mình sẽ kể cho các bạn ghe tiếp đến những nơi kia, bây giờ chúng ta vẫn ở Trần Duy Hưng.. ) 

Cái phòng trọ ở TDH khoảng 15m2, bao gồm cả wc trong đó. wc thiết kế khác với các nơi khác đó là nằm hẳn sang 1 bên nhà, nên khi tắm giặt coi như là riêng hẳn chứ ko chung vào trong phòng, diện tích tăng lên 1 chút. Thời điểm những ngày cuối ở TDH cũng đều đều như những lúc mình ở đây, con bé H đã bị lôi về quê, phòng bên cạnh cũng đã đổi người. Lúc đó cũng chả quen ai nữa, bà chị Thái Bình thi thoảng vẫn bị chồng cằn nhằn về việc nấu cơm và con khóc. 

Thời điểm này là thời điểm trước khi mọi người rộ lên chơi bitcoin, lúc đó bitcoin có giá khoảng 20$. Ngày đó nhớ ko nhầm thì con HD 5970 là mạnh nhất, 1 ngày có thể chạy đc 1btc. Nhìn lại tổng số tiền đang có thì tổng cộng có 6tr. HD 5970 rơi vào tầ 15tr 2nd, hàng power color. Mất khoảng vài hôm để cắm đầu vào tiếp tục làm lại upload để kiếm xem được đồng nào nữa ko, sau 1 tuần thì đc thêm... 20$. Bitcoin lúc đó đã lên 25$/1btc. Suy nghĩ đầu tiên hiện lên là “chỉ có đi vay tiền mà làm”. Có thể anh em nghĩ mình ko tính đến chuyện lâu dài, chỉ tính trước mắt, nhưng có 1 cái máy cắm card chạy để đó, 1 ngày ra 20$, 1 tháng đc khoảng 600$ cứ cho xảy ra biến thì cũng đc khoảng 300$ trừ hết nọ kia thì còn dư ra 100$, còn lại thêm cặp từ việc làm web và shipping nữa. Ổn định và khá hơn rất nhiều. Mình bắt đầu đi dò hỏi chỗ vay lãi. Vay 10tr trong vòng 2 tháng. Ko nhớ lãi lúc đó là bao nhiêu nữa. Và để lấy được con card kia thì nguyên 1 tháng đó lại đi vào cảnh ăn rau luộc và mì gói. Đời lại nhục, nhưng ko liều thì làm sao kiếm được tiền, cho nên là chịu đựng 1 chút.

Có tiền, mình lấy card về cắm, chạy thông ngày thông đêm, tiền điện nhà trọ mỗi tháng hết 700k :v trừ tất cả chi phí linh tinh thì mỗi tháng từ btc mang lại cho mình khoảng 2tr. Vậy là dư 2tr để tiêu. Ăn chơi và đập phá. Bữa cơm đã có cả thịt và bia. Sau khoảng 2 tháng thì mình trả hết nợ và lãi. 3 tháng sau thì thu lại đc tiền card.

Lúc mới lấy con card kia về thì nó chỉ chạy có 1 core, lúc đó hốt hoảng luôn, vì nếu chạy 1 core thì card này là card lỗi, và nó là hàng xách tay từ Sing về nên bảo hành sẽ ko có, chấp nhận thôi. 

Loanh hoay mất 2 ngày ko biết lỗi nó là gì, ăn ko ngon ngủ ko yên, lúc đó btc lại đang lên nữa, mỗi ngày chạy chỉ đc 0.5btc, lên đủ thứ diễn đàn từ tây đến ta cũng có, hỏi loạn lên mà ko ai biết tại sao. Mấy cái code để chạy thì điền đúng rồi, thông số ok rồi mà sao nó lại chỉ chạy có 1 core? 

Tiếp tục để nó chạy và kiểm tra lỗi, xem lại user manual thì thấy thiếu 1 cọc cáp nguồn. Nếu thiếu cái đó thì điện nó đủ cấp cho card nhưng nếu chạy fullload thì sẽ chỉ chạy 1 core, phi ngay ra shop mua 1 cọng cap đó về. Cắm vào, chạy phe phé 2 core, cuộc đời lại màu hồng ngay được... ) 

Từ đó mà đi, làm cái gì cũng phải check điện trước, sau đó mới đến những thứ linh tinh sau. Anh em lưu ý nhé. 

Tạm xong chuyện kinh tế. Có thể yên tâm trong vài tháng ko sợ phải ăn rau và mì nữa. Khi có tiền thì con người ta thường thoải mái về tư tưởng, làm những thứ khác hơn, cái máy chạy bitcoin cứ để đó, còn mình vẫn làm những việc đang có để kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày vẫn lượn lờ phố phường HN để thấy được mọi người như thế nào, thấy được dòng chảy ngoài kia ra sao. 

Hà Nội, đến bây giờ nói HN có gì thì mình chả biết có gì, những cái mình nhận thấy ở đây là con người sống chầm chậm, không nhộn nhịp như nơi sau này mình đến là HCM. Những lúc buồn buồn 1 mình lại lên bờ hồ ngồi, anh em vẫn thắc mắc mình đi lại như thế nào nhỉ?. Mình đi xe lăn, và do tình trạng bệnh như vậy nên mỗi khi di chuyển ra khỏi nhà mình rất để ý tránh va chạm với người khác, nhất là khi sang đường và đi ngược chiều. Vỉa vè ở HN thì chỗ nào cũng cao, đôi khi lại có chỗ bán hàng, gửi xe nên hầu như mình ko đi đc trên vỉa hè mà toàn lao xuống lòng đường mà đi. Hồi ở TDH đi lên bờ hồ thì phải đi rất là xa, mình thì ko ngồi đc xe ôm và ko đi đc xe máy, để tiết kiệm tiền vừa là tập thể lực luôn thì mình chọn cách đi bộ, đi bộ ở đây là lăn xe đi, chứ ko phải đứng lên đi bộ như vài bạn đã từng thắc mắc nhé .

Phòng trọ mình ở gần BigC TDH, và từ đó đi lên bờ hồ khoảng 8km. Nhớ có lần lăn xe từ nhà lên bờ hồ, do mình vừa đi vừa nghỉ và nhìn đường xá nên cũng ko mệt lắm, nhưng đến lúc về thì thực sự là thấy xa và dài. Lúc về mình chỉ đi được 1 nửa đường là chân bắt đầu mỏi và căng hết lên. Do chân tay mình yếu nên khi ngồi xe lăn mình ko chỉ sử dụng hai tay, mà cả 2 chân cũng đc sử dụng để ủn cái xe lăn đi, ai gặp mình rồi thì sẽ hình dung ra như thế nào. Và thường những lúc mệt như vậy thì chỉ có gọi taxi thôi. Ngày đó đi taxi 1 lần là bằng cả ngày tiền ăn, nên hạn chế lắm mới leo lên taxi. Về nhà việc đầu tiên là nằm ra, chân tay đau nhức và bắt đầu nghĩ ngợi linh tinh đến chuyện cần phải tập thể lực nhiều hơn nữa để sau này có thể đi được thật nhiều nơi, trải nghiệm được thật nhiều thứ. Có một điều mình nhận ra rất rõ là nếu chúng ta ko khỏe, ko có thể lực thì sẽ chẳng làm được gì cả, nhất là đối với một thằng tuổi thấp sức yếu như mình. 

Về kinh tế, tạm ổn, về sức khỏe, tạm ok, về cuộc sống và những trải nghiệm đang bắt đầu có những thứ mới mẻ. Đây là thời điểm mình nhìn lại quãng thời gian trước đó thấy thoải mái và vui với những gì mình đã đạt được. Hoàn thành được bước đầu tự đứng trên đôi chân yếu ớt của mình, vật lộn và bươn trải với nhiều thứ ngoài cuộc sống. 

Như đã nói, bờ hồ là điểm quen thuộc mình hay đến, để chụp ảnh, hoặc chỉ để nhìn dòng người đi qua, hay một lý do đơn giản hơn rất nhiều đó là ngắm gái… =)). Nhiều lúc ở nhà đi là 4h chiều, lên đến bờ hồ cũng tầ 6h, sau đó là đi dạo 1-2 vòng quanh hồ, kiếm một góc khuất khuất ngồi ở đó và tự kỉ nhìn ra giữa hồ. 

Mình nhớ có lần cũng như vậy, sau khi đi dạo đc 1 vòng hồ thì ngồi lại, suy nghĩ về những gì mình đã làm được và mình sẽ làm gì tiếp theo, kế hoạch là gì, chả nhẽ mình cứ gắn bó với những thứ như vậy sao? Như thế liệu có ổn định, cuộc sống sau này sẽ có ổn, nhỡ may ốm đau, ngã, gãy chân gãy tay thì sao… tất cả những câu hỏi được đưa ra chỉ với mục đích duy nhất là dễ đối phó với nó nếu như nó có thể xảy ra. Đang thả trôi suy nghĩ với những thứ kia thì có hai bạn nữ ở đâu đi đến, vỗ vai mình và nói “ngồi lui vào trong đi bạn, kẻo rơi xuống” vì lúc đó mình ngồi trên xe lăn, sát mép hồ luôn. Mình ngồi lui lại, và cũng chả hiểu sao hai bạn nữ kia đứng lại hỏi han chuyện trò với mình một lúc. 

- Bạn tên gì?

- Dạ, Ngọc Anh. Mình trả lời và đến giờ mình vẫn chưa biết tên hai người đó là gì, hoặc lúc đó có nói mà mình ko nhớ. 

- Mình thấy bạn ngồi trầm tư suy nghĩ, có vẻ hệ trọng. Có thể kể được ko?

Thề với anh em là lúc đó mình chỉ có suy nghĩ là “ơ, dở hơi à”. Nhưng ai lại nói vậy, nghĩ trong đầu thôi.. Mình kể là đang ngôi nghĩ linh tinh về những gì sắp làm, những gì đã qua và đang vẽ lên kế hoạch sắp tới như thế nào. Hai bạn nữ tự dưng nghe xong thì nói “Bọn mình tưởng bạn có ý định tự tử nên mới ngồi sát vậy, chứ thường chả ai ngồi gần hồ vậy đâu” Mồm mình lúc đó há hốc ra như này :-O . Thực sự là chưa bao giờ mình có ý định vậy, thế mà hnay bị hiểu nhầm, chắc là lúc đó đăm chiêu và suy tư quá. 

Hỏi han vài thứ thì mới biết hai bạn nữ đó hơn tuổi mình, một bạn xin số điện thoại mình để khi nào mình lên hồ thì gọi bạn ấy ra ngồi chơi và nói chuyện vì cty cũng gần hồ. Trong list yahoo còn hay sao ấy, mà quên mất nick là gì rồi. Trao đổi số điện thoại xong thì hai bà chị tưởng mình tự tử chào tạm biệt và đi dạo tiếp. Sau này, có rất nhiều mối quan hệ của mình được tạo nên bằng những việc tình cờ như vậy, như có một cô bé ko nhớ được đường đi, cứ đi ra đường là lạc nên lúc nào cũng phải có bạn hoặc người khác đi cùng, nó bảo bị mất phương hướng =)) , gặp mình đi 2 vòng hồ và sau đó nó đến làm quen. 

- Em gặp anh 2 lần đi quanh vòng hồ rồi đấy, và em nghĩ chắc chắn anh và em có duyên. 

Vậy là quen thôi, rất đơn giản…  

Hình như con bé này nó mới deactive fb nên ko tag đc vào để nó kể thêm chuyện cho anh em nghe. 

Có đi nhiều, có gặp gỡ nhiều mới thấy cuộc sống là cả một kho tàng để khám phá, ko chỉ về kiến thức mà cả về cách cư xử và những thứ mà chẳng bao giờ biết gọi bằng gì. Người ta nói cuộc đời như một chuyến đi, mỗi người trên đó điều khiển một chiếc xe của chính cuộc đời mình. Và tất nhiên đường đi thì giống nhau nhưng cách điều khiển cuộc sống của mỗi người là khác nhau, cũng đừng vì như thế mà lái xe xuống vực hoặc gây tai nạn anh em nhé, vì đi được một bước thì sẽ có một bước tiếp nữa hiện ra để anh em đi tiếp. Cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp đang ở phía trước lắm, ko đi, ko tới thì ai biết nó sẽ như thế nào. 

Phần 8. Vài tâm sự vu vơ

Từ đầu đến giờ anh em đọc có lẽ sẽ thắc mắc là tại sao mình yếu như vậy mà lại đi kiểu tha phương như thế? Tại sao mình dễ bị tai nạn vậy bố mẹ lại cho đi? 

Cái này quay trở lại thời gian mình ở Hải Phòng một chút. Cái hồi những ngày đầu mình đi học sửa điện thoại và bắt đầu tách riêng ra làm đấy, hồi đó đi làm nói mãi mẹ mới cho đi, vì mẹ mình chỉ muốn mình ở nhà, làm những công việc đã từng làm hoặc học tiếp đại học để trở thành một giáo viên như mẹ, về trường mẹ công tác và hàng tháng lĩnh lương, lấy vợ sinh con là mẹ vui rồi. Chứ mẹ ko muốn mình bươn chải ra ngoài xã hội. Bố thì ko nói, cũng ko ủng hộ nhưng cũng ko ngăn cấm chuyện mình đi, chỉ nói vài câu kiểu “Có chắc làm đc ko?” Mình quả quyết “Con làm được bố ạ”. Vậy là bố đồng ý cho mình đi học sửa điện thoại. Mẹ lúc đó nghe bố nói vậy ko muốn cũng phải để mình đi để xem mình có làm được ko, sau này hỏi lại mẹ nói là:

- Bố mẹ nào cũng mong muốn con thành công, nhưng con chân yếu tay mềm, đi như vậy bố mẹ lo chứ. Lúc đó tao chỉ mong mày ko làm đc để về nhà thôi.

Đi học sửa điện thoại mãi sau này mình mới biết là những bước chân chập chững đi ra ngoài của mình đều có bước chân theo dõi của bố, từ việc mình đi đâu, làm gì, gặp ai, hay buôn bán như thế nào đều có sự dõi theo đũng nghĩa đen của bố. Bố kể:

- Ngày đó ko phải là bố ko tin con, nhưng để một thằng yếu ớt ra đời như vậy cũng lo, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì làm sao, nên bố tính theo dõi mày vài tháng. 

Nói ra mới biết vậy, càng thương bố mẹ hơn, thằng con 20 tuổi đầu vẫn phải để bố mẹ lo cho từng bước đi như vậy, nhưng những gì mình cố gắng làm đã làm bố mẹ thay đổi suy nghĩ, ngay sau vụ bị lừa điện thoại ấy, bố mình đã tính đến chuyện thu xếp tiền để mình có thể tiếp tục làm ăn, nhưng đâu biết là mình đã xoay hướng khác. Một thời gian theo dõi và mình chứng minh được bản thân, bố cũng giãn ra và ko kèm cặp như trước nữa (tất nhiên dù chỉ là kèm cặp trong bí mật). Mọi thứ để cho mình thoải mái. 

Sau này, mình trình bày ý định được đi thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều bằng cách cố gắng vừa đi vừa làm ở những nơi mình đặt chân đến. Mẹ vẫn là người phản đối đầu tiên, nhưng bố vẫn ôn tồn và hỏi “Có làm đc ko?” Mình lại quả quyết “Con làm được”. Đi xa thì ko thể theo mình mà quản được, cũng chỉ gật đầu đồng ý và mong thằng con làm đúng những gì nó đưa ra. 

Để đi mình phải có một bản kế hoạch chi tiết về những gì dự định làm để bố mẹ yên tâm, rồi thì sẽ cố gắng tránh va chạm như thế nào, đủ thứ… Sau khi thấy ổn ổn thì mới cho mình đi. Tiếp nối những chuyến đi, sau này mình có đi nhiều nơi nữa, mỗi nơi đầu tiên mình đến đều nhắn về cho bố và mẹ một câu “con đang ở đây”. Bố mẹ cũng yên tâm mà đỡ lo phần nào. Suy nghĩ con người phần nào đó được định hình bằng sự tin tưởng. Đến bây giờ nếu ai hỏi có điều gì cảm thấy tự hào về bố mẹ nhất thì mình có thể dõng dạc tuyên bố là Sự tin tưởng. Sau này, trong một vài chuyến đi tiếp theo thì mình cũng phải đắn đo suy nghĩ giữa một bên là thằng con ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ và một bên là thằng con nổi loạn. Cái đó là chuyện của sau này, còn tại thời điểm lúc bấy giờ thì mình cảm thấy những quyết định của mình được bố mẹ ủng hộ và tạo điều kiện là quá tuyệt rồi.

Anh em cũng thắc mắc là mình di chuyển trong nhà như thế nào, sinh hoạt cá nhân ra sao? 

Mình ở trong nhà thì vẫn đi xe lăn thôi, sinh hoạt cá nhân tự làm được một cách bình thường, ko phải nhờ vả ai cả, trừ khi lúc bị tai nạn thì phải cần trợ giúp. Nói chung là có khó hơn anh em một chút nhưng vẫn tự lực được. Anh em làm như nào mình làm như thế ;

Ngày xưa, hồi còn đi học mình cũng chả có khái niệm tự ti gì cả. Hồi đó đi học thấy bọn nó trêu là “thằng què” hay đại loại như thế thì chả có cái gì gọi là bực tức hay thù hận. Mà cười hềnh hệch với chúng nó và hùa theo. Mẹ mình bảo “Con sinh ra đặc biệt, và điều đặc biệt đó làm cho con khác mọi người, ở đây là khác biệt theo một hướng tích cực, chứ con ko được nhìn vào những gì mình ko có mà tự ti” Lúc đó nghe chả hiểu gì đâu, chỉ hiểu duy nhất một điều là: Chúng nó trêu thì bỏ ngoài tai. Và cứ thế bỏ ngoài tai những gì bọn nó trêu, sau này lớn lớn chút, bắt đầu lên cấp 2 thì mới có chút tự ti về bản thân, nhưng tí tẹo thôi, tự ti thì ai chả có. đôi lúc còn tự lấy những cái khiếm khuyết của mình ra đùa nghịch nữa, làm gì có đứa nào đưa xe lăn cho chúng nó đua, làm gì có đứa nào thi drift xe lăn với chúng nó. Yếu người mà nghịch như quỷ, đấy cũng là những câu mắng, câu chửi mà người lớn hay nói mình ngày bé. Và cũng chính vì nghịch nhiều nên ngã nhiều, dẫn đến chân tay biến dạng và hiện tại thì ko đi được.

Mình định viết chuyện tình yêu, nhưng đến giờ mình vẫn chưa đủ bình tĩnh để viết về những chuyện tình yêu của mình, những chuyện rất đẹp và rất nhiều kỉ niệm, nên hẹn anh em vào một ngày nào đó mình có thể ngồi trò chuyện cùng anh em rồi kể cho anh em nghe về những mối tình mình đã trải qua, có hạnh phúc, có đau khổ, có yêu thương và thêm tí thù hận vào cho nó giống với trong phim =)) 

Quay trở lại thời điểm mình ở TDH, như phần trước mình đã nói, đây đang là thời điểm những ngày cuối cùng mở ở TDH, và sau khi ở TDH thì mình chuyển sang Đội Cấn, thời gian ở Đội Cấn và thời gian mãi sau này đến khi ko ở HN nữa mình sống cùng một bà chị. Và có rất nhiều chuyện bi chuyện hài khi ở Đội Cấn. Khi về ở cùng thì có chị có em, cũng đỡ hiu quạnh hơn, cũng nhiều chuyện xảy ra hơn, tình chị em cũng vì thế mà khăng khít hơn đến tận bây giờ…

Phần 9. Nơi ở mới. 

Như đã kể sơ với anh em ở phần trước là sau TDH thì mình chuyển đến Đội Cấn ở, chỗ này thì ko xô bồ như bên TDH, nhà riêng nữa cho nên ko có chuyện phòng bên cạnh hay phòng đối diện như thế nào. Tại sao mình lại chuyển nhà và tại sao lại ko ở TDH nữa. Lý do cũng chỉ là chuyển đến chỗ này rẻ hơn, và đi bộ đến lăng Bác hoặc bờ hồ gần hơn. Cái nhà ngày đó thuê hết 3tr5. Mình cùng thuê với 1 bà chị nữa, bà chị này mình quen trong một lần đi sang chùa Bồ Đề chơi với mấy đứa trẻ. Rất là tình cờ khi đến và gặp, sau đó chị em quen nhau. Hồi đầu bà ấy lưu tên mình trong danh bạ là “phi công” và đến bây giờ trong máy mình tên của bà ấy vẫn là “máy bay ko người lái”. Bà này tính rất là hay, sau này mình có chuyện gì về tình cảm hay như nào đều hỏi ý kiến và kể lể, lại khóc tu tu trước mặt bà ấy được, lần sau mình sẽ kể chi tiết hơn về con người này, người thay đổi rất nhiều cái nhìn của mình về những thứ xung quanh.

Đợt bà ấy xuống TDH thấy mình ăn ở vậy nên nói là chuyển về nhà bà ấy ở cùng, vì cũng còn 1 phòng trống phía trong ko làm gì cả. Ok chuyển về luôn, có chị có em, đôi khi buồn buồn còn có người tâm sự, hoặc ốm lăn quay ra đấy thì cũng có người chở đi viện.. 

Dọn về ở cùng thì bà ấy đi làm, mình ở nhà làm và chiều chiều lại lượn lờ đi ra ngoài. Đây cũng chính là thời gian mình hay đi nhất, thời gian mà sau này có nhớ lại cũng ko thể đoán được đã đi hết bao nhiêu nữa từ nhà lên lăng và lên hồ, cũng vào thời điểm này thì việc di chuyển của mình dễ dàng hơn chút, thể lực đã được tập sẵn và giờ thấy đi bộ tầm 4km thì nó quá là điều bình thường luôn. Hồi đó địa điểm mình có thêm một chỗ để ngồi tự kỉ nữa đó là lăng Bác, mặc dù đến đó rất nhiều, xem cả hạ cờ và kéo cờ nhưng chả bao giờ mình vào, vì thấy nhiều bậc thang quá chắc ko vào đc, anh em nào đi vào rồi thì cho mình biết vào bên trong có đi xe lăn đc ko. Chứ nhìn từ ngoài vào thì có vẻ là hơi bất khả thi nếu ko nhờ giúp đỡ của mấy anh đứng gác. Sau này đi nhiều hơn nữa, có rất nhiều nơi người ta đều ko để lối đi cho người đi xe lăn, nhiều lúc muốn vào chơi, ăn uống hay mua sắm cái gì cũng khó. Chẳng vậy mà mấy chỗ mình đi ăn uống hầu hết toàn lề đường, và tự dưng đâm ra thích cái thú đi quanh quẩn lề đường mà khám phá. 

Kể sơ qua về cái nơi ở mới này, là một ngôi nhà cấp 4, có 1 phòng ngủ và 1 phòng khách, phòng ngủ tầm 9m2 và phòng khách chắc cũng đc tầm 20m2. Mình ở trong phòng ngủ, bà ấy ở phòng khách cùng 1 đứa em học lớp 6 nữa. Nói chung ở chỗ này khá là ổn ngoại trừ cái phòng bên trong mình tường bị thấm, và mỗi lần mưa là nước mưa nó ngấm vào tường, ẩm ướt lắm, nhưng mà ko sao, đối với mình có một chỗ ở là được rồi, mưa ko tới mặt, nắng ko tới đầu là ok rồi, khỏi đòi hỏi gì thêm. 

Lần đầu tiên dọn đến đây, thực sự là mình bị choáng với việc ngõ ngách như thế nào. Và đã có thêm một trải nghiệm đó nữa người ta gọi là “lạc đường” đúng nghĩa là lạc đường luôn. Nhà trong ngõ, trong ngách, mà lại nhỏ nữa, có lẽ chỉ vừa 1 cái xe lăn của mình hay rộng hơn 1 tẹo. Mà vòng và vòng vèo, mất rất nhiều thời gian để mình tìm đường đến cái nhà này. Chắc do đầu tiên mình đến là rẽ nhầm ngách. Việc nó chả có gì nếu như mình ko luẩn quẩn trong cái ngách đó hơn 30p, chỉ bằng việc đi vòng tròn, thử hết ngách này đến ngách khác, và cuối cùng thì lạc. Nếu như có người thì đỡ thì đơn giản quá, nhưng cái ngách bé tí, dài và sâu hun hút chỉ vừa 1 xe máy thì chả có ai ở đó để hỏi đường cả. Mất 30p lọ mọ và định hướng mới thoát ra được. Cảm giác lúc đó thì hơi mệt một chút, vì giữa trưa rồi, mồ hôi thì vã ra như tắm, đi vòng vèo rất là mệt, mệt hơn so với việc đi thẳng nhiều. Lọ mọ mãi ra đc và vào nhà lúc đó mới hoàn hồn và thích thú. Lần đầu tiên trong đời bị lạc đường, một mình giữa trưa nắng và có lẽ mình ko thể biết được cái lần lạc đường đầu tiên ấy nó cho mình nhiều kinh nghiệm như thế nào, khi mà sau này, có những lúc “lạc đường” trong chính những suy nghĩ, chính những bước đi của cuộc đời nó lại giúp ích đến vậy. Đơn giản như mình nói, mỗi người đều có một hướng đi, nếu đi lạc thì ta đứng lại và rẽ sang hướng khác. Cuộc đời mà, mỗi hướng rẽ là cho mình một con đường khác.  

Chuyển đến cái nhà này có một điều bất tiện đó là nhà mình đang ở phải đi qua ngõ của nhà khác, thế nên mỗi tháng phải đóng tiền “đi lại” là 300k. Thành ra giá nhà lên là 3tr8. Cái đó ko phải là vấn đề, vấn đề là hồi mới dọn về thì mới chỉ có 1 mình mình, bà chị có việc về quê 1 tuần mới lên dọn đồ bà ấy từ nhà cũ sang đây. Hôm đầu tiên mình đến, chân ướt chân ráo biết gì đâu, cứ thế phi vào nhà, xong nhà bên kia thấy có người ở trong nhà thì gọi ra, mình ra nói chuyện:

- Cái ngõ này, chúng mày đi phải đóng tiền ko tao chặn lại ko cho đi nữa. 

- Cháu ko biết, cháu mới dọn đến mà. 

- Dọn đến thế con mẹ T ko nói mày biết à? (T là bà chủ nhà)

- Cháu cũng ko biết nữa, chị cháu làm hợp đồng. 

Nói xong mình đi vào nhà và khóa cửa lại, ở ngoài bắt đầu nguyên 1 tràng chửi từ đời nọ đời kia về việc ko đóng tiền, chửi đc 1 lúc thì thấy có tiếng đập cửa, thằng con nhà đó về và sang đập cái cửa sắt nhà mình, mình ngó ra thì thằng con chửi luôn. Rụt đầu lại ngay lập tức vì có hòn đá ném vào, trúng cái gương, vỡ. Lúc đó cũng hoảng lắm, bọn này nhỡ nó điên lên thật nó phá cửa vào nện cho 1 trận thì biết như nào, 1 thân 1 mình, xịt hơi cay với đèn pin thì để trong thùng đồ chưa chuyển sang, giờ làm nào, giờ làm sao? Lúc đó lấy điện thoại gọi hỏi bà chị là sao phải đóng thêm tiền ngõ, bà chị cũng ngớ người ra và nói ko biết để gọi lại hỏi bà chủ nhà, gọi cho bà chủ nhà ko đc, gọi lại cho mình nói mình tìm cách giải quyết xem thế nào. 

Nói thật với anh em là cũng run chứ, ở ngoài bọn nó đã có gậy gộc, hình như thêm cả mấy đứa con trai nữa. Trong ví lúc chiều rút 200k thì đã tiêu hết 100k vào tiền mì rồi. Giờ còn mỗi 100k. Lúc đó nghĩ là đưa 100k chắc nó nện tiếp quá, mà nó đang điên mở cửa ra nó cũng nện chết quá. Chả biết làm sao cả, đưa cũng chết mà ko đưa cũng chết. Ở ngoài thì đang rầm rầm, tự dưng thấy bà lão nhà hàng xóm lại bắt đầu chửi lên sau khi nghỉ lấy hơi đc khoảng 15p, hình như là đã hướng sang đối tượng khác, thấy lục đục ở cửa, cửa mở và bà chủ nhà đi vào. Lúc đó thì đúng là cảm thấy được giải cứu. Bà chủ nhà thương lượng và đưa tiền cho nhà bên kia, bên kia nhận tiền rồi những vẫn chốt cho mấy câu kiểu “ngõ nhà tao mà chúng mày làm qua mắt tao là ko đc” 

Hỏi ra mới biết hai nhà tranh chấp nhau mảnh đất bé tí tẹo để làm ngõ, nhà bà chủ nhà thua nên giờ đi qua nhà người ta. Khổ, ở quê mình miếng đất chiều ngang 80cm và dài 2m như vậy thì cho luôn, khỏi tranh chấp làm gì, đúng kiểu thủ đô, tấc đất tấc vàng. 

Bà chủ nhà hỏi han vài thứ rồi dặn mình đóng cửa cẩn thận lại. Rồi cho số điện thoại có gì gọi cho bà ấy ngay để gọi công an xuống, sau khi tiễn về thì đóng cửa lại, tắt điện và chui vào phòng ngủ, lôi đồ đạc ra và đi nấu mì… Cảm giác lúc bị bao vây thì cũng sờ sợ vì chưa rơi vào tình huống đó bao giờ cả, vừa ăn mì vừa cười và nghĩ, nếu mình ko ra khỏi nhà chắc chả bao giờ bị bao vây như thế này nhỉ. Rồi thì chả bao giờ được ai đó ném một cái gì đó về phía mình..  Đây cũng là những cảm nhận chân thực nhất về cuộc sống khi phải đối mặt một mình với những thứ nguy hiểm, nó ko hẳn là như vụ cướp ở TDH, vụ đó thì ko có nguy cơ nguy hiểm về tính mạng, nhưng vụ này với những cái đầu đang ko bình tĩnh ngoài kia nếu mình chỉ cần mở cửa thôi thì ko biết sẽ xảy ra chuyện gì. 

Đêm đầu tiên ở nhà mới là vậy, sóng gió thế. Và chắc vì thế nên cuộc sống tại đây cũng bắt đầu có những sóng gió về sau này. 

Về đây thì buổi tối hai chị em thường nấu cơm ăn, trưa thì tự túc, bà chị đi làm thì mua đồ ăn về nấu, mình phụ làm những thứ nhẹ nhàng như nhặt rau, rồi sơ chế đồ ăn. Phải học tập rất nhiều vì đôi khi chỉ là gọt củ khoai, cà rốt thôi cũng phải gọt làm sao cho nó tiết kiệm nhất chứ ko gọt 1 nhát mất cả nửa củ như mình, bà ấy gọt ra sợi sợi mỏng mỏng siêu vđ mà mình gọt toàn ra miếng. Rồi đi dao như thế nào, rồi khoai thì có thể chỉ cần cạo thôi ko cần gọt vỏ, thịt thì phải ngâm nước muối cho sạch và rửa lại với bao nhiêu lần nước (trước kia thì mình cứ mua về là nấu thôi, có chết ai đâu) từ ngày về đây có bao nhiêu thứ kiểu kiểu như vậy được học, được chỉ bảo. Nấu nướng thì đã có người phụ nữ của gia đình lo.. Việc cắm cơm thì thằng nhóc học lớp 6 lo. Thằng bé này nếu anh em nào đã từng lấy hàng của mình thì có thể đã gặp nó.

Ở cùng cũng có cái hay và cũng có cái ko hay. Cái hay là mấy chị em quân quần, bao bọc lẫn nhau để sống, bà ấy cũng biết mình sống để thấy thế giới thú vị như thế nào và mong muốn đi được nhiều nơi như thế nào, cũng chỉ khuyên và nói cố gắng thực hiện ước mơ của bản thân. Nhưng cái ko hay là đôi khi ko tự làm theo ý thích hay bản năng được, luôn có một người giữ chân hoặc đưa ra những lý do rất là chính đáng để ngăn mình làm những việc bốc đồng kiểu phi ra ngoài đường lúc trời mưa chỉ để xem đi dưới mưa như thế nào… )

Những điều mình kể đến hiện tại hầu như chỉ là những kỉ niệm những gì mình đã từng làm và nhớ về nó, đơn giản đây chỉ là những câu chuyện mình đã trải qua muốn chia sẻ lại với anh em, qua mỗi câu chuyện mình có những bài học cho riêng bản thân và anh em cũng có thể thấy bản thân quen thuộc trong đó. Và do là những kỉ niệm, những khám phá nhẹ nhàng nên đôi khi nó có phần khá là nhàm chán. Mong anh em cố gắng đọc qua vậy. 

Thời điểm bắt đầu chuyển sang Đội Cấn là đông anh em nhảy vào bitcoin lắm, giá btc lúc đó đã nhảy xuống mức 5-7$/btc, và giá thấp như vậy thì ko có thể kiếm thêm được, đắn đo mãi mình mới quyết định bán card đi để đầu tư vào cái khác. Bán card, thu lại đc 7tr. Thời gian khoảng 1 tháng tiếp theo mình không kiếm thêm được khoản tiền nào cả, lúc này ship hàng cũng ko ổn định nữa. Tiền tiết kiệm đc một ít thì đã thêm vào để đóng tiền cọc nhà 3 tháng với bà chị. Cầm 7tr trong tay và sẽ ko biết làm gì tiếp theo thì cũng hơi hụt hẫng. Hết tháng đó thì đóng tiền ăn và tiền nhà hết một ít còn lại 4tr. 

Mình không biết mình được may mắn hay may mắn luôn tìm đến mình những lúc bế tắc nhất. Trong khi không biết phải làm gì tiếp theo, cảm thấy thực sự “lạc đường” thì mình nghĩ đến việc bán đồ chơi, và thứ đầu tiên mình nghĩ đến là “mèo chii”. Anh em chắc còn nhớ thời gian đó móc khóa mèo chii đang nổi tiếng trên mạng, thịnh hành đến mức là chị em nào được giai tặng một bộ này thì yêu luôn, anh em nào đang tán thì tặng phát yêu luôn, anh em nào đang yêu tặng phát cưới luôn. Mình lấy toàn bộ số tiền ra nhập hết mèo chii về và mang lên vOz và một số diễn đàn khác rao. 

Lúc lấy mèo về thì mới nhận ra lúc đó ko phải đợt lễ lạt gì cả. Lại đang nghỉ hè cho nên học sinh sinh viên về quê hết, đây cũng chính là hệ quả là cho hàng mình tồn đến 3-4 tháng mới đẩy hết được đi. Tất nhiên phải có khó khăn thì nó mới là cuộc sống, nếu cứ trôi đều đều, đều đều, đều đều thì quá tẻ nhạt, lại như câu gì mình đã từng nói “cuộc đời sẽ lại như một cuốn phim trôi chậm và nhạt nhòa”. Cũng chính do hàng đi chậm như vậy nên hoàn vốn chậm và lẻ tẻ, lẻ tẻ như thế nên được đồng nào lại tiêu hết vào những sinh hoạt cá nhân và tiền nhà. Bán mèo chii cũng có cái hay, mình ko biết mình đã bán đc bao nhiêu bộ, nhưng sau này nhắc đến vungocanh ở cái vOz ngoài cái biệt danh “hoa hậu” thì anh em còn điểm mặt chỉ tên “thằng đấy nó bán mèo chii”.

Có một điều mình nhận ra sau khi bán đc 1 năm là có đến 80% số cặp đôi đang yêu mua mèo chi tặng nhau, nếu tặng đủ 9 con thì sẽ chia tay, còn giữ lại 1 con thì sẽ bền đẹp. Chả hiểu vì sao nhưng có cậu đến mua mèo của mình 3-4 lần, đều lý do là tặng bạn gái. Hỏi ra thì bảo là mấy lần trước em mua về tặng, xong tạch, lần này mua tiếp tặng đứa khác. Thanh niên hồi đó nhiệt thật, vào mình tạch thì chắc phải chửi thằng bán rồi. Thế là kể cho cậu ta cái sự tích mèo chi tan nát đó. Chắc về áp dụng là tặng 8 con, sau đó vài tuần thì nhắn tin cảm ơn mình và thông báo là bạn nữ kia đồng ý rồi. Một thời gian lâu ơi là lâu nữa nhận đc tin nhắn từ số lạ là “bọn em cưới nhau rồi, cảm ơn anh về vụ 8 con mèo chii”. Giật mình thì ra là ông nhõi vẫn còn nhớ, nhưng chắc là mình ăn may thôi vì đôi khi mình cũng tặng 8 con cho mấy đứa con gái mà có đứa nào nó đồng ý với mình đâu… :’( 

Hồi đó mình cũng ko muốn anh em vOz biết là mình ngồi xe lăn, ko phải mình tự ti hay ngại ngùng mà là vì mình ko muốn lộ bản thân ra, muốn bí ẩn một tí cho nó huyền bí. Cho nó cool.. ) Rồi anh em đến lấy đồ mình ra đưa thì ai cũng nghĩ đó là em trai của vungocanh. Đã có một thời gian dài là vậy, ai gặp mình vài lần thì mới rõ đc mình như thế nào... 

Lúc ở Đội Cấn chính là khoảng thời gian mình lao đầu ra ngoài nhiều nhất, cũng là thời điểm mình tham gia vào các câu lạc bộ tình nguyện, đi cùng các anh các chị, các bạn đến những nơi mà chưa bao giờ mình đặt chân tới, và cũng chính lúc này mình nhận ra thêm một điều là ở ngoài kia còn nhiều người khổ quá, nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn mình rất là nhiều, có một số trường hợp còn liệt giường, ko nói đc chỉ ú ớ thôi, mình so với họ chỉ là tôm tép, những nỗi đau về tinh thần và vật chất họ phải chịu là quá lớn so với mình. 

Thời gian này mình cũng có những thử thách bản thân bằng cách tự tạo ra những giới hạn, và phải vượt qua được nó, kiểu như mình mình leo núi là như thế nào, biết vượt suối ra sao và băng qua rừng nó gian nguy như thế nào. Có thể anh em thấy những việc đó nó ngoài khả năng của mình, nhưng nếu mình ko thử, ko làm những việc như vậy thì mình sẽ đâu biết bản thân chịu đựng được đến đâu, hoàn thành được những thử thách như thế nào. Ước mơ của mình là đặt chân đến càng nhiều nơi càng tốt, checkin càng nhiều càng tốt. Và mỗi nơi mình đến có thể để lại cho mình những kỉ niệm quý giá, thú vị, những bài học về cuộc sống, con người, niềm tin và tình yêu… Những bài học mà ngồi một chỗ thì ko bao giờ có được.

Phần 10. Tình chị, tình em. 

Như đã kể với anh em về chuyện chuyển nhà đến ở với bà chị. Bà chị này mình quen trong một lần đi chơi với nhóm tình nguyện bên chùa Bồ Đề, anh em nào ở HN thì biết chùa Bồ Đề bên Long Biên rồi đúng ko? Bên clb tình nguyện mình quen thường tổ chức các buổi dạy chữ, rồi đến các ngày lễ cho thiếu nhi thì đều có những chương trình văn nghệ bên đó.

Lần đó mình ko nhớ là 1.6 hay là trung thu gì đó, lúc ấy đi với đứa em, đã được dặn trước là sang hỏi chị Vịt. Ok, lấy số điện thoại và điện thôi. 

- Alo chị Vịt ạ, đang ở đâu đấy em đi vào lối nào giờ?

- Ai vậy? thằng nào dám gọi tao là Vịt đấy?

Thôi bỏ mẹ rồi, ông anh đưa số đt và troll mình, gọi tên bà ấy ko thích hay sao mà gắt thế. 

- Anh Ngọc cho em.

- Đi vào lối này này, lối này này… 

Thế rồi chỉ đường cho mình vào, lúc vào đến nơi mình ko tin được cái bà quát mình khi nãy chính là cái “đứa con gái” này, nhỏ nhỏ người,nhanh nhẹn, có thể anh em hay để ý những chỗ khác khi gặp con gái nhưng mình hay nhìn vào đôi mắt, lại như một câu xưa cũ, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn mà, cái đôi mắt mà sau này mình hay bảo, “mắt chị hay đọc đc suy nghĩ người khác”. Gặp mình chả nói chả rằng, sồn sồn phủ đầu. 

- Ai cho cậu gọi tôi là Vịt?

Mình cười cười ko nói gì, cùng mọi người vào chuẩn bị chương trình cho mấy đứa trẻ con. 

Hôm đó chỉ có vậy, xong việc mọi thì mỗi người một đường, đến vài hôm sau thì ông anh mình đã nói ở trên, anh Ngọc gọi đi trà chanh với cả clb hôm trước. Đến nơi thì cả nhóm ngồi rồi, ngồi vào chém gió và hỏi lại số điện thoại của mọi người. Bà ấy cũng hỏi han mình linh tinh vài thứ, còn nhớ là nói mấy câu như: “mấy đứa thân thân mới đc gọi chị là Vịt thôi, còn người lạ gọi hôm đó chị hơi bất ngờ” thế rồi lưu số điện thoại bà ấy là “máy bay ko người lái” và lưu mình là “pilot” 

Bà này lúc đó chưa có người yêu, về sau thì có, và đến hiện tại thì ko có người yêu nữa rồi.. ) Nhưng cái đó là chuyện sau này để mình kể từ từ, còn giờ là lúc chị em gặp nhau, trò truyện và hỏi han nhau những khó khăn trong cuộc sống. 

Bà ấy biết mình như thế nào thì động viên lắm, kiểu “tuổi trẻ mà em, đi đc thì đi, sợ đến sau này ko đi được nữa thì lúc đó hối tiếc thôi”. Chị em tâm đầu ý hợp là thế và chả bao giờ thấy bà ấy mắng mỏ mình câu nào, chắc tại do đẹp trai quá nên có lợi thế. Nhiều lần sau này mình biết làm trái ý bà ấy rất nhiều nhưng cũng chỉ im im mà nhận lỗi rồi từ từ sửa thôi. 

Chị em ở cùng nhà với nhau, bà ấy như chị gái mình luôn, trước giờ chỉ có em gái, ko có ai để mà làm nũng cả ) nên quý lắm. Những lúc mình nhớ nhà, hay có tâm trạng bà ấy rất tinh ý, kiểu như thấy buồn buồn là lôi ra hỏi và hai chị em dẫn nhau đi dạo lên lăng, ngồi tán phét về cuộc đời và thời tiết rồi đi về. Giải tỏa tâm lý rất nhiều. Nhiều lúc mình đi đưa hàng xa xa, ở tận bên chỗ Đặng Văn Ngữ, mình bà ấy ở nhà nấu cơm, nấu xong cũng ko gọi giục gì cả, đến khoảng 9h hơn mình mới lũi cũi đi về thì thấy đang chờ cơm. Cảm giác lúc đó có cái gì đó thật sự chỉ muốn thầm cảm ơn chị. Coi mình như đứa em trong gia đình và quan tâm chăm sóc lo lắng cho nó. Về nhà thấy cơm canh nguội hết nói bà ấy sao ko ăn trước đi thì bảo:

- Nhà có hai chị em, ăn trước ăn sau nó buồn ra, với lại còn đợi mày về mà rửa bát chứ 

- Thằng Đạt đâu chị? 

- Nó về quê với dì rồi. 

Bữa cơm muộn hai người ăn. Cơm canh nguội nhưng ăn vào đến đâu ấm đến đó. . Rồi dần dần bà ấy kiểu như vừa là quản lý, rồi cả đến tư vấn tâm lý cho thằng em, đôi khi đi làm về mệt mà thấy thằng em đang có tâm sự lại bắt đầu dò hỏi, nhiều lúc chỉ muốn 1 mình, mà hỏi cho ra bằng được mới thôi. Lúc đó cảm giác khó chịu vãi, chỉ muốn phi ra khỏi nhà đi đâu đó 1 mình. Mà thấy bà ấy nhiệt tình như vậy cũng ko nỡ, lại bắt đầu ngồi kể lể. Anh em ạ, nếu chuyện kể được thì tốt nhất nên kể ra, chứ đừng giữ trong lòng, đôi khi như vậy làm những người xung quanh mình khó chịu theo hay đơn giản là tự làm mình xa cách nhau, nếu kể được thì nên kể với những người thân thiết, cũng chính là cách làm cho mọi người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. 

Sau này mới biết bà ấy hay cố tình rủ mình ra ngoài có 2 lý do, 1 là để chị em hiểu nhau hơn khi mà bà ấy đi làm cả ngày về có tí tối ăn cơm xong ai vào việc nấy. 2 là để mình có thời gian tập thể lực để làm những việc to tát sau này. Cũng nhiều lúc mình từng ngồi nghĩ, nếu mình ko có những quyết định điên rồ thì ko biết chị em có gặp nhau được ko, trên đường đời mình có gặp được những người tốt như thế này ko. Và cái quan trọng nhất là những người ta gặp trên đời một phần nào đó tạo lên con đường ta đang đi, ko ít thì nhiều. Nếu con đường của bạn là bằng phẳng, tức là chả gặp ai cả. Còn con đường mà lắm chông gai thì có lẽ mới đúng là một con đường thực sự  

Chuyện về bà này thì còn nhiều để mình kể dần dần cho anh em nghe, có 1 lần mình phải làm vị trí ngược lại đó là tư vấn cho bà ấy về chuyện: ông người yêu (cũng là vozer) đi công tác xong rồi ko nhắn tin gọi điện gì, làm bà ấy lo lắng và… giận nhau, rồi khóc ). Đúng là con gái, con gái thì mãi là con gái, kể cả chuyển giới thì tâm họ vẫn là con gái, họ luôn có những lý do rất chính đáng để làm cho con trai chúng ta xiêu lòng hoặc đơn giản là họ ko bao giờ sai. Lý do ông kia ko gọi điện được là vào SG, sau đó nhậu bị anh em voz SG cho lên thớt và… say. Thành ra gọi điện ko nghe và nhắn tin ko rep. Thế rồi quay qua mình kể lể là đã dặn đi phải thế nọ thế kia rồi mà còn vậy, rồi thì ko quan tâm đến chị, đi ra ngoài là chả coi chị ra gì nữa. Mình ngồi nghe hết xong rồi nói, “bọn đàn ông con trai chúng em đôi khi là vậy, cái gì đã là của mình hoặc nắm chắc là của mình thường hay lơ là như vậy, đôi lúc cũng ko phải là cố ý đâu nhưng nó cứ tự dưng vậy, em cũng chẳng biết lý do gì nữa nhưng.. thường là thế.” Thời gian sau có yêu một bạn nữ, bạn ấy có lúc nói với mình là:

- Anh biết anh đặc biệt như thế nào ko?

- Anh là siêu nhân hả.

- Ko, là do lúc nào anh cũng yêu thương em như ngày đầu tiên, chứ ko phải nhạt dần theo thời gian mà những người khác hay làm.

Lúc đó mới thấy cách yêu của mình hơi khác người. 

Hai chị em nói chuyện 1 lúc xong thì ổn ổn, ông kia tỉnh rượu hay sao ấy lui cui lấy điện thoại ra gọi lại và rồi vừa khóc vừa cười nói chuyện với nhau. Mình vào phòng và vừa đi vừa nghe thấy bà ấy trách móc ông kia thấy nhẹ nhàng và dễ thương quá. Lúc đó chỉ muốn có người yêu ngay lập tức để nhận đc những lời trách móc và yêu thương như thế. 

Rảnh rỗi sẽ sinh nông nổi, và thời điểm này mèo chii bán được ít, cộng với công việc ko thuận lợi cho nên mình hay nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ đứa em gái và cuộc sống yên bình trước kia, chỉ muốn chạy về nhà, ko làm ăn gì nữa, từ bỏ ước mơ, từ bỏ mọi thứ để sống một cuộc sống an nhàn ở quê. Nhưng nếu như vậy thì lại đi ngược lại với những gì mình đã đặt ra và đang kì vọng. Nếu như vậy thì đơn giản quá. Nếu mọi thứ mới gặp trắc trở mà đã có suy nghĩ đầu hàng thì thực sự là ko ổn một tí nào.

Những lúc như thế, cảm thấy bế tắc thì lại nằm một mình và khóc. Đúng thật, anh em có thể nói mình yếu đuối, nhưng mình đúng cái kiểu “hay khóc thầm” khi mọi thứ thực sự ko ổn. Và tất nhiên mình chả ngại gì nói ra việc đó, vì sau khi khóc xong tâm lý mình ổn định hơn rất nhiều, thường những ý tưởng mới của mình đến trong lúc chảy nước mắt và đi tắm. Những lúc vậy xong rồi ngủ, ngủ một mạch đến chiều hoặc sáng hôm sau, sau đó lại phi ra đường để tiếp tục làm những điều giang dở như những phần trước có nói qua.

Cuộc sống mà, mỗi bước anh em đã đặt xuống sẽ tạo ra một bước đi mới, nếu biết trước được những thứ sẽ hiện ra sắp tới kia không phải là màu hồng thì anh em liệu có bước theo hay đợi sau này ngồi trách bản thân? Thế nên, để đắn đo suy nghĩ thì có lẽ cả đời chỉ sống để đắn đo thôi nên mình hay nhắm mắt mà bước tiếp, chúng ta không thể thay đổi được điều bắt đầu, thì hãy thay đổi cái kết thúc.

Như đã nói, thời gian ở đây là thời gian mình đi nhiều nhất và cũng đi xa nhất cùng nhóm tình nguyện trên, mỗi chuyến những thử thách, những yêu thương hay những chuyện rất bình thường đều để lại ấn tượng nhất định. Dần dần rồi mình sẽ kể anh em nghe…

Chap 11. Đi. 

Cuộc đời mình từ nhỏ luôn gắn liền với chiếc xe lăn, ko thể nào thoải mái đến những nơi bản thân mình mong muốn, chỉ biết ngồi 1 chỗ, ai bế đi đâu thì đi, đó là hình ảnh rõ nét nhất của câu nói "Đặt đâu ngồi đấy". Trong những suy nghĩ non dại nhất, mình vẫn có thể tưởng tượng ra niềm vui nếu có thể đi bằng đôi chân một cách bình thường như bao người khác. Dần dần nó trở thành một ước mơ, khi lớn lên sẽ phải đi thật nhiều, sẽ đến bất kỳ chỗ nào mình thích. Cảm giác thất bại nặng nề là khi những người xung quanh luôn phải xem xét tình trạng sức khỏe của mình để đưa ra quyết định rằng có làm việc này, việc kia hay ko? Những điều đó trải qua bao nhiêu năm tháng, đã tạo ra cho mình khát khao chinh phục quá lớn và nhất định phải có một hành động nào đó để bắt đầu cho thử thách số phận này. Và thế là đi thôi.

Mấy phần trước có nói về một nhóm tình nguyện và những chuyến đi sau này của mình, chính thời gian ở Đội Cấn mình mới hiểu được cái câu “con người cứ đứng lại thì sẽ tụt lùi mất” điển hình là mình đứng lại khoảng 1 tháng thôi mà cảm thấy tụt lùi ghê gớm, nhìn thấy những thành quả của mọi người xung quanh nhận được, thấy những điều mà người ta dành cho nhau thì thực sự mình đang tụt lùi nhiều quá. Không còn được năng động như trước và có vẻ như đang hoạt động chậm lại, cảm giác thời gian trôi qua chậm và mọi thứ dừng lại ở mức độ tồn tại. Thực sự là khó giải thích, nhưng nó giống như bạn cứ ăn rồi ngủ suốt ngày và ko làm được gì ra hồn đấy. Thế giới trôi qua mà ta ko biết. 

Nhớ đợt đó bên clb Tháng Năm đang có mấy chương trình đi về các tình xa xa như Thái Nguyên và Hà Giang, Sapa… lon ton đăng kí đi theo, khi đăng kí ai cũng dè chừng bởi vì đây là đi tình nguyện - giúp đỡ các em nhỏ và đồng bào và để làm việc đó thì cần một người có sức khỏe, và mình thì cái sự yếu đuối nó hiện lên hàng đầu rồi. Rõ ràng, với mình thì mong muốn được đi là to nhất, và chắc chắn sẽ ko để mọi người phải để ý nhiều đến mình, nên có nói rõ lý do và cam kết với mấy bạn trong đoàn “nếu em ko theo được đoàn, thì em sẽ tự tìm cách trở lại, sẽ ko phiền gì mọi người cả” 

Còn nhớ chuyến đi Thái Nguyên, nơi mình đến ở Thái Nguyên là xã Thượng Nung, một xã vùng núi nghèo của Thái Nguyên, đêm đó thực sự là 1 đêm ko ngủ, hồi hộp và háo hức với chuyến đi đầu tiên với tư cách là một người đi giúp đỡ những người khác. Lúc ra khỏi nhà là lú 4h sáng đi được khoảng 20m, do trời tối và vấp vào ổ gà, xe lăn mình bị vấp và người mình bắn ra khỏi xe, lúc đó chả hiểu may mắn hay như thế nào mà người ko bị làm sao cả, cũng ngạc nhiên với những gì đang diễn ra, nếu như cách đó 1-2 năm thì việc mình ngã như vậy đã làm gãy xương rồi. Có thể là do tư thế ngã hoặc xương chắc lên hay ko thì ko biết nhưng lúc đó thực sự rất ngỡ ngàng về việc này. Trèo lại xe và đi tiếp ra điểm tập kết ở đoạn đầu Đào Tấn. Ra đến nơi làm quen với mọi người và đợi đông đủ. Gần 6h mọi người mới tập kết đầy đủ, chuyến đi bắt đầu. 

Mất khoảng 4h-5h để xe chạy từ HN đến Thượng Nung bởi đường xấu. Đường vào đến Thượng Nung ngày đó rất là sình lầy vì người ta chuẩn bị làm đường, xe ô tô ko vào được đến điểm tập kết là trường tiểu học Cây Thị. Phải dừng lại cách điểm khoảng 5km. Mọi người bắt đầu xuống đi bộ. Phải đi tầm 2km mới hết đoạn sình lầy đó để vào đến đường đẹp. Tất nhiên mọi người thấy một thằng đi xe lăn như mình thì nhảy vào giúp để đi nhanh hơn, mình hiểu rằng đây là lúc để đặt ra những giới hạn của bản thân để vượt qua nó nên nói mọi người có thể đi trước đi, mình theo sau, ko cần đợi hoặc trợ giúp gì cả. Nói mọi người mãi và phải năn nỉ vì cả đoàn chả ai muốn để mình như vậy cả. Lúc đó rất khó xử anh em ạ, nếu ko để mọi người giúp thì mọi người sẽ đứng lại và nói “để đẩy giúp đi cho nhanh” và như thế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của đoàn rất là nhiều, còn nếu như để mọi người giúp thì mình lại ko thể thử thách bản thân được, những lúc như thế này ta hay cần một người để bảo trợ, người chứng minh được năng lực của bản thân, và ko ai khác đó chính là ông anh vozer nhậu say hôm trước, anh Ngọc. Ông ấy ra nói mọi người mới yên tâm. Anh Ngọc là ông anh người yêu bà Vịt mình đã nói ở phần trước, ông này thân với mình kiểu như hình với bóng ngày xưa, cũng biết mình có thể làm đc những gì. 

Sau khoảng 2km vật lộn với sình lầy, xe mình bê bết bùn và dính đầy đất, chân tay lấm lem, vai và các cơ bắp mỏi nhừ, chân đau nhức vì phải dùng tất cả mọi thứ đẩy cái xe đi, có lúc còn bị lún bánh, phải cố gắng lắm để ko lật và thoát ra khỏi đó. Anh em nào đã từng quen mình hay biết mình thì sẽ rõ mình đi xe lăn làm sao. Do tay và chân mình cũng yếu nên để di chuyển xe lăn thì mình dùng đến cả tay và chân, tay để lăn bánh xe còn chân thêm lực vào ủn cái xe đi. Tiến từng bước một cách chậm rãi và cẩn thận hết mức có thể. 

Qua được đoạn đường đó là đến suối, đối với một đứa sống ở một tỉnh gần biển thì việc được đặt chân lên một con suối khá là thích thú. Cái cảm giác chân chạm vào dòng nước mát lạnh, mọi thứ đau đớn như tiêu tan. Cảm giác đó rất nên có một lần trong đời. Dừng lại một chút để cảm nhận cái dòng nước cũng như rửa qua cái xe lúc đó bám đầy bùn đất. Lúc này mọi người đã đi trước mình rất là nhiều, rất là xa.. Ngồi nghỉ được một lúc thì tiếp tục đi, qua cái suối như khi nãy đã được chỉ đường là cứ đi thẳng thôi, đoạn đường tiếp theo hoàn toàn bình thường, đường chưa trải nhựa nhưng dễ đi gấp vạn lần cái đường sình lầy khi nãy, cố gắng đi nhanh 1 chút để lên với mọi người. 

Trời lúc đó khoảng 11h trưa và ko nóng lắm. Cái cảm giác một mình đi giữa đường, hai bên là ruộng ngô thì cảm giác thật là thích thú. Nó giông giống ở quê mình với đoạn đường hai bên đầy lúa và thuốc lào, nhưng ko đơn giản vậy, ở nơi đây nó có một cái gì đó rất khác, rất lạ. Một cảm giác kiểu làm chủ thiên nhiên, làm chủ thế giới ấy… =)) Con người mà, đặt chân đến những vùng đất mới bao giờ cũng có những cảm xúc mà chả bao giờ nói được lên lời. Với mình những chuyến đi như vậy đơn giản là đi để biết, đi để trải nghiệm và chinh phục bản thân, cho bản thân một cái giới hạn, và vượt qua nó.

Đường đi ở miền núi thật ko bằng phẳng, lúc thì lên cao, lúc thì xuống thấp nhấp nhô. Thế nên mới có cảnh mình è cổ ra nặng lề lăn xe lên dốc và cũng có lúc thả tự do cho nó… đổ đèo. Thú vị phết, nhưng vấp 1 nhát thì đúng nghĩa vỡ mặt luôn. 

Sau khoảng 1 tiếng thì đến địa điểm tập kết. Thấy mình lố nhố đi vào, miệng nhăn nhở mọi người hỏi có sao ko, bà Vịt chạy ra thấy thằng em tay chân vẫn ổn thì đi vào làm tiếp những việc khác. Mọi người lúc đó đã chuẩn bị làm chương trình cho mấy đứa bé rồi, đợi tầm 1h là bắt đầu, chương trình sẽ bắt đầu tại vài điểm ở trên núi. Anh Ngọc ra hỏi:

- Bây giờ mọi người sẽ leo núi, đến một điểm trên kia, các nhóm khác cũng vậy, 1 là mày đi theo bọn anh, 2 là ở lại điểm tập kết làm chương trình nhỏ cho mấy bé.

- Đi theo bọn anh chứ.

- Uhm đc rồi, thế để thu xếp. 

Vậy là mình đi theo nhóm anh Ngọc. Mọi việc nó chẳng là gì nếu như mình ko biết là đường núi nó khó khăn đến vậy… Tuy đã là đường bê tông rồi nhưng chỉ nhỏ khoảng 80cm, đúng vừa chiều ngang của 2 bánh xe lăn. Tất nhiên đối với 1 thằng lăn xe lên núi thì nó ko thể nhanh được như những người bình thường, lại trấn an mọi người bằng cách “anh chị đi trước đi, em theo được đến đâu thì em theo, ko thì em về điểm chính“ và ko quên nở một nụ cười thật tươi như thế này này :”>..

Mọi người đã đi hết, chỉ còn lại 1 mình với dãy núi và cố gắng leo lên, qua chân núi thật dễ dàng, sức còn khỏe và tinh thần còn quyết liệt. Nhưng đôi cánh tay này quá yếu, ko thể nào đẩy bánh xe một cách bình thường nữa mà khi di chuyển mình phải dùng cả chân để truyền thêm lực cho xe lăn bánh. Chính vì thế khi lên dốc núi mình ko thể nào đi hướng đầu lên phía trước mà phải quay ngược lại đi lùi và từng bước từng bước nhích dần. Tất nhiên, đi 1 mình có cái thoải mái riêng, ví đơn giản như ko có ai bên cạnh để “anh hộ, chị hộ”. Lúc đó mới biết được sức của mình là đến đâu, và có thể cố đến mức nào. Nhưng nguy hiểm luôn luôn rình rập, nó có thể lấy đi mạng sống của mình lúc nào ko hay. 

Mình còn nhớ lúc đó đi được 1 nửa đường, dừng lại nghỉ vì mệt quá cộng với chân tay đã mỏi nhừ, căng cơ là điều dễ thấy nhất. Trong lúc nghỉ ngơi chứng kiến những gì bản thân đã làm được, nhìn xa xa xuống dưới thung lũng, cảnh vật thật là tuyệt vời, mọi thứ dường như trôi chậm lại để có thể cảm nhận nó một cách rõ ràng nhất, cảm nhận được mùi cây, mùi cỏ, tiếng chim và tiếng côn trùng một cách trực tiếp và đầy sống động nhất. Lúc đó thấy bình yên lạ, thấy cuộc sống này dường như có ý nghĩa hơn bao giờ hết, tự mình đã làm được một trong những điều mình muốn, thử sức và có một chút thành công nhỏ nhỏ với nó. Cảm giác hạnh phúc và yêu cuộc sống hơn nó nhân lên gấp vạn lần khi mà lần đầu tiên mình có thể thỏa mãn đc việc chinh phục bản thân như vậy.

Lúc đó trong đầu nghĩ “Tiếp tục, phải tiếp tục, như thế này là chưa đủ để dừng lại, nhiệt huyết vẫn còn và quyết tâm vẫn còn thì phải tiếp tục”. Mình lại bắt đầu lăn xe với tư thế ngược, cái đường thì bé nên mỗi khi có xe máy chạy qua là mình phải nép vào 1 bên đường, nép vào bên vách núi thì ko sao, nhưng có lúc chỉ nép được vào 1 bên gần vực thì thực sự là cần lắm một vòng tay. Khoảng cách giữa bánh xe và mép vực chỉ tính bằng 1 gang tay, cảm giác cận kề với cái chết chưa bao giờ gần gũi như vậy, rơi xuống chết phát thì xong phim. Cuộc đời lại như một cuốn phim trôi chậm và nhạt nhòa nhưng đã có hồi kết.. Muốn nép vào cũng không đơn giản, khi nghe tiếng xe máy từ phía xa là bắt đầu quay ngang xe ra để cho đỡ bị trôi (Anh em nào đã từng sử dụng xe lăn có thể biết được việc dừng xe trên dốc thì nên quay ngang xe ra dể có thể đứng được bình thường) rồi từ từ nép vào 1 bên sườn núi, nhưng đôi lúc tiếng cưa máy ở phía xa xa nó cũng giống như tiếng xe máy vậy, nhiều lúc đang đi thì nghe tiếng nổ, dừng lại nép vào vách núi đến 5p sau cũng ko thấy cái xe nào đi qua. Báo động giả. 

Mình tiếp tục đi đc khoảng 20p nữa, đột nhiên có điều gì đó ko ổn đang diễn ra, bàn tay bắt đầu thấy xót và có cảm giác mọng nước, nhìn xuống thì thấy lòng bàn tay rộp lên, da ở đoạn đó đã bị tróc ra rướm máu lúc nào ko biết. Mình dừng lại một chút để kiểm tra cả hai tay, thì tay bên kia cũng bình tình trạng tương tự. Ngay khi dừng lại là toàn thân bắt đầu có dấu hiệu đặc biệt ko ổn, do phải vận động quá sức trong một thời gian dài, các cơ bắt đầu đau và mỏi, có triệu chứng co rút ở các bắp cơ, cảm giác xương sắp bị các bó cơ rút cho gãy là cảm giác rõ ràng nhất, ngay lúc đó với tay ra sau ba lô lấy một ít salonpas để bôi và băng lại những chỗ bị xước. Mình muốn tiếp tục cuộc hành trình, muốn chinh phục được bản thân, nhưng lúc đó mọi thứ hoàn toàn đi ngược lại những gì mình mong muốn. Lúc này, lại rơi về trạng thái cần phải suy nghĩ, một là cứ liều mạng để đi tiếp, cho đến khi nào kiệt sức thì thôi, hai là dừng lại để đi xuống dưới. 

Hai dòng suy nghĩ đan xen nhau, chảy qua ào ào như tiếng suối đang chảy ở đâu đó. Tất nhiên để chọn thì mình chỉ được phép chọn một. Tiếp tục, có chết cũng tiếp tục đó chính là quyết định cuối cùng. Ngồi lại, chỉnh lại xe và bắt đầu lên tiếp cuộc hành trình. Nhích từng bước, từng bước một, trong khi bàn tay đang rướm máu, chân thì căng ra, và hậu quả thì đến bây giờ mình nghĩ lại cũng thực sự sợ. Điều gì tới cũng phải tới, đáp trả lại cái thói cứng đầu và coi thường bản thân thì điều đáng sợ nhất cũng đã đến. Mình trượt tay, tay ko giữ lại được cái bánh xe, và nó trôi xuống dốc, trong lúc hoảng loạn đó chỉ có cố gắng lái cái xe về phía vách núi còn tự để cho nó trôi, đâm vào vách núi và mình bị bắn ra phía trước. Người rơi ra khỏi xe, lúc đó ko nhớ đầu có đập vào đâu ko nhưng cũng có cảm giác choáng, mọi thứ diễn ra nhanh quá, bất động trong vòng 1p để kiểm tra xem tay chân có gãy gì ko, sau khi cử động và thấy ko làm sao mình mới trấn tĩnh được bản thân, lúc đó hầu như không còn một sức lực gì để ngồi dậy nữa, nằm và nhìn lên những tán cây và thiếp đi.. Rất là may mắn đây là lần thứ 2 trong ngày mình bị bắn ra phía trước mà ko bị làm sao.

Đến bây giờ mình vẫn còn nhớ những gì xảy ra lúc đó, trong mơ mình thấy có một vài người đi qua, họ gọi và lay mình dậy, bảo là dậy thôi đi về đi. Nhớ rất rõ dáng người và cách nói, 1 nam và 1 nữ. Gọi mình dậy và nói đi về, họ sẽ giúp mình xuống núi. Lúc đó tự dưng giật mình vì tiếng cưa gỗ từ xa, mở mắt ra thì mình vẫn còn đang nằm bên cạnh vách đá, chiếc xe ko bị trôi xuống vực. Lấy điện thoại ra xem thì mới biết mình mới thiếp đi được có vài phút nhưng cảm giác như ngủ một giấc ngủ dài cả ngày vậy.

Có lẽ giấc ngủ đó đã làm cho tinh thần và sức khỏe thoải mái hơn. Mình ngồi dậy, bò lại gần cái xe và ngồi lên nó. Lần này, mình đi xuống dưới, quyết định đi xuống ko phải là từ bỏ, mà là quyết định giữ lại tính mạng, ko mạo hiểm với bản thân để lần sau làm được tốt hơn. Có lẽ, chỉ có đối mặt với hiểm nguy và trải qua nó bạn mới có thể biết được tính mạng của mình quý giá như thế nào.

Đoạn đường đi xuống lúc nào cũng khó hơn chút, vì có thể sẽ không làm chủ được tốc độ cộng với việc mình đang bị thương như vậy thì đi xuống rất là khó khăn, nhích từng bước một, phải lấy lá cây bên đường xếp lại và quấn vào tay, làm giảm ma xát giữa tay và bánh xe, rồi từ từ nhích xuống. Trên đường xuống mình còn 2 lần nữa bị trượt, nhưng do đã gia cố cái tay bằng lá cây lên phanh xịn hơn 1 tí… Xuống đến nơi đôi tay mình ko cầm được bất cứ cái gì nữa, cứng đơ và sưng phồng. Nghỉ một chút rồi vào chơi với lũ trẻ tại điểm của trường.

Qua chuyện này, mình thấy bản thân hoàn toàn thất bại về khoảng cách, ko đến được đích nhưng chính lúc này cũng nhận ra là đã thành công về mặt đánh giá bản thân đang ở mức nào. Một bài học quý báu về những gì đã xảy ra. Và đôi khi, ta ko đùa giỡn với tử thần được. 

Anh em thấy đấy, nếu chúng ta cứ mãi dừng chân tại một điểm thì sẽ tụt lại so với thế giới rất là nhiều, vì đâu đó mình nghe đc rằng mọi người đang ngày càng đi lên, chỉ có những người đứng lại thôi chứ ko ai đi giật lùi cả. Thế nên được 1/3 quãng đời rồi, nhìn lại những gì đã làm được có thể mình ko giàu, ko bá đạo, ko cứu thế giới, nhưng khi nhìn thấy gương mặt hạnh phúc của người thân mỗi lần đón thằng con trở về, khuôn mặt tự hào về thằng con, thằng anh, thằng em của họ khi nói chuyện với những người khác thì mình thực sự hiểu ra rằng, những thứ đó mới chính là hạnh phúc, là thành công lớn nhất trong cuộc sống của mỗi người.

Đôi lúc, anh em dừng lại một tí tẹo nghĩ thử xem mình đã thực sự ổn chưa? Đang sống để theo đuổi ước mơ hay để ước mơ theo đuổi bản thân? Rồi lại bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn...

Ngoài kia, người ta bắt đầu rồi đấy...

Chap 12. Rung động?

Đi chuyến Thái Nguyên về thì mình phải nghỉ ngơi khoảng 1 tuần tay chân mới ổn định trở lại, sau này mình có đi nhiều nơi, nhiều chỗ nữa nhưng đôi khi lại ko dám mạo hiểm như lần đầu, mà đã biết lượng sức mình, tự kiềm chế và đưa ra những quyết định có phần đúng đắn trong lúc khó khăn. 

Thời gian ở đây mình còn đi tình nguyện vài nơi, anh em chắc thắc mắc tại sao mình lại chọn tình nguyện để đi? lý do rất đơn giản như phương châm sống của mình “luôn đặt bản thân ở dưới mức độ bình thường hiện tại để sống và trải nghiệm những điều quý giá, sẽ hiểu được cuộc sống cho ta gì và lấy đi của ta những gì” mình muốn đến những nơi còn khó khăn, gặp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, thấy họ sống như thế nào, thấy họ ko ổn định ra sao để nhìn vào đó mà cố gắng, mà đối chọi với cuộc sống đầy cám dỗ này. 

Có rất nhiều chuyến đi gặp một số bạn ngồi xe lăn như mình, nhưng đâu đó trong họ vẫn có những mặc cảm hay tự ti nhất định, và điều trăn trở nhất của mình là “tại sao người kt ở VN ko thể tham gia các hoạt động xã hội, hay ít nhất tự tin làm những việc mình thích?” 

Sau này, mình mới giải thích lờ mờ được khi đi nhiều thêm một chút, thứ nhất là giao thông ở VN chưa thực sự ổn để nkt tham gia cộng đồng một cách tự tin và hoàn toàn chủ động, thứ hai là do tâm lý, những người khiếm khuyết một phần trên cơ thể thường hay không tự tin lắm. Họ đôi khi kiếm một góc tối tối nào đó và ngồi than trách bản thân (cái này mình cũng bị nên mình hiểu tâm lý họ như thế nào).

Chính vì thế, đôi lúc mình tự hỏi, hay mình làm cái gì đó cho mọi người, làm cái gì đó cho họ - những nkt nói chung - và những người ngồi xe lăn như mình một chút gì đó tự tin. Phải làm như vậy thôi, vì nkt cũng là người mà, cũng như người béo, người gầy thôi chứ có gì đâu, cứ để mọi người sống trong tự ti mãi thì ko ổn chút nào. Vậy là mình đi theo những nhóm tình nguyện, đến nơi và nói chuyện với các em về ước mơ và những thứ hay ho ngoài cuộc sống. Mong muốn một phần nào đó truyền cho các em cảm hứng sống và học tập tốt, bỏ qua mặc cảm tự ti.

Nói đi thì cũng nói lại, các em cũng dạy cho mình rất nhiều điều, ko phải nkt nào cũng tự ti, có người mình thấy họ còn tự tin gấp vạn lần mình nữa, và chính những điều đó lại truyền ngược lại sức mạnh, niềm tin vào cuộc sống cho mình. 

Thời gian tiếp theo công việc bắt đầu đi vào ổn định, mình vẫn làm về shipping và nhận lác đác vài dự án về web, cuộc sống tạm đủ về kinh tế và tinh thần khi mà mấy chị em vẫn đùm bọc nhau để sống để hoàn thành những ước mơ và dự định của nhau trong cuộc sống. Ở HN mình quen vài người, thi thoảng hàn huyên với nhau bằng bữa nhậu hay chỉ đơn giản là ngồi với nhau uống cốc trà đá. Những cuộc gặp gỡ như thế để lại nhiều thứ phải học hỏi, vì những người mình gặp thường là những người đã trưởng thành trong cuộc sống, họ thành công, và ko có lý do gì để mình ko áp dụng được những cái họ đã thành công vào trong công việc và cuộc sống của mình. 

Anh em đừng nghĩ là không thể áp dụng kinh nghiệm của người này vào người kia được, chính xác là có, nhưng chúng ta phải biết chọn lọc, chọn ra những gì phù hợp với bản thân để áp dụng, chứ ko phải bê nguyên xi một hình mẫu nào đó và áp đặt mình phải được như thế, nó rất là gượng gạo..

Có một ông anh đã dạy mình rất là nhiều, nói là dạy thì cũng ko phải, cũng chỉ là nói chuyện và mình biết mình sẽ phải làm gì. Ông này hồi đầu mình lên HN thì cũng hơi bất ngờ, vì một thằng như mình “bỏ nhà” ra đi để mong muốn được đặt chân đến những nơi mình thích thì ông ấy thấy khá là thú vị, chính thế mà anh em hay gặp gỡ, đôi khi chỉ là cafe hay bia bọt rồi nói dăm ba câu chuyện tầm phào để kể về gia đình, công việc, hay cách cư xử giữa người với người trong xã hội. Có thể anh em cũng có một hoặc nhiều người như vậy, ai cũng có một người để ta nhìn vào mà học tập cách sống, ông anh này là người đầu tiên và cho đến thời điểm hiện tại mình vẫn tôn trọng và cân nhắc những lời khuyên. Giờ, khi mà mình ở xa HN hơn 1000km thì thi thoảng vẫn gọi điện hỏi dạo này thế nào, và có khó khăn gì thì gọi cho anh. Nhưng đôi khi theo cái bản tính của mình thì cứ khi nào vui mới nhớ tới các anh, còn buồn hay khó khăn thì chả thấy mặt mũi đâu. Y như mẹ mình hay nói “mày mà vui hay có tiền thì cả làng biết” 

Rồi có thêm những người khác, càng đi, càng tiếp xúc nhiều thì càng gặp gỡ được với nhiều người mà ta cần phải học hỏi, những người thành công ở mặt này, có những người thành công ở mặt kia, đôi khi chỉ cần 1 tác động nhỏ từ suy nghĩ thôi cũng đã đủ thay đổi bản thân. Anh em ạ, ai ai cũng có thần tượng, ai ai cũng có những người để anh em ngưỡng mộ nhưng đối với mình, thần tượng là bố, là mẹ, là những người như mấy ông anh mình, đôi khi rất đơn giản thôi nhưng có những thứ ta cần học hỏi và giữ mãi đến cuối đời. 

Hồi ở HN, mình hay đi linh tinh ngoài đường, đi nhiều đến nỗi hay “được” cho tiền. Vì thấy mình ngày nào cũng đi như vậy, từ Đội Cấn lên Lăng và ngược lại. Rất nhiều lần người dân bên đường chạy ra dúi cho 50k, 100k, và lần nào cũng bảo “bác cho mua quà ăn cho khỏe” mình cười, gửi lại tiền và nói “cháu xin chén nước thôi” Vậy là ngồi vào quán nước của mấy bác nói chuyện và xin nước. 

Con người lao động, người ta hay đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn, mấy bác bán trà đá vỉa hè này cũng vậy. Ngồi nói chuyện thì thấy bác bảo: 

- Tao để ý, phải đến mấy tháng nay rồi thấy cháu cứ đi suốt ở đây. Mày làm gì thế?

- Cháu đi tập thể dục, với lại lên Lăng ngồi chơi. 

- Lên sớm thế này làm gì, để 4-5h đi cho mát. Mới 1-2h trưa mà đã đi rồi à?

- Cháu đi từ từ mà, với lại ở nhà nhiều cũng ươn người, cháu đi thích đi ra ngoài nhiều.

- Bác để ý lâu lắm rồi, có hôm ko thấy mày đâu tưởng làm sao nữa, hôm nay mới dám hỏi han. 

Rồi mình ngồi kể chuyện, kể qua qua về những thứ đã làm, đã trải qua. Và hầu như có một câu hỏi mà ai cũng sẽ hỏi khi nói chuyện đó là “Đi thế bố mẹ ko cấm à?” câu trả lời đã có ở những phần trước cho anh em. 

Quen bác hàng nước nên từ đó lúc nào đi qua hay đi về cũng ghé vào đó, ngồi trò chuyện rồi thi thoảng bán hộ nữa. Cuộc sống thấy thú vị hơn hẳn. 

Ban ngày là vậy, còn tối thì hay lên hồ, anh em nếu hay lên hồ thì sẽ có cái cảnh mấy em sinh viên đi bán hoa hồng đúng ko? Đợt đó mình lên ngồi chơi, và đơn giản là đi dạo, có một cô bé đến mời mình mua hoa. Lúc đầu tưởng troll nhưng thấy mời thật:

- Anh mua giúp em 1 bông nhé.

- Anh chưa có người yêu em ơi. 

- Thì anh mua về để ở nhà cắm cũng được mà. 

- Thế anh mua tặng em nhé?

- Ơ.

Vậy là mua, rồi tặng lại em nó. Câu truyện sẽ chỉ dừng lại ở đó nếu như hôm sau nó vẫn bán và thấy mình, chạy lại hỏi han làm quen với mình. 

- Anh hay lên hồ nhỉ? Em thấy anh mấy lần rồi. 

- Uh, anh buồn buồn là lại lên đây ngồi.

- Anh hay buồn lắm à?

- Ko hẳn, mà anh thích đi lượn lờ vậy đó, đi đi đi lại cho đỡ bí. Hôm qua bán đc hết ko em?

- Em bán được hết, còn lại đúng 1 bông. 

- Sao lại hết mà còn đúng 1 bông?

- 1 bông anh tặng em đó. 

- Sao ko bán đi, giữ làm gì em.

- Anh tặng mà, em đâu có bán được, với lại hoa hồng em mua có 1-2k, về bán 10k là có lãi rồi. 

- Ăn giầy vậy cơ à - mình vừa nói vừa cười. - Thế hôm nay còn nhiều ko?

- Còn cỡ 20 bông, mà ế quá, anh đi bán với em ko? - nó vừa nói vừa nhìn mình kiểu “theo em đi khắp thế gian” ấy.. 

- Uhm thì đi, anh cũng chả làm gì. 

Đi một vòng quanh hồ, mà bán được nhiều phết, còn có vài bông. Chắc là mình có duyên bán hàng, mời đôi nào là đôi đấy mua, chả phải nói gì nhiều, đến mời phát mua luôn. 

- Em hay bán ở đây thôi có đi đâu bán nữa ko?

- Em bán đây với loanh quanh Hồ Tây nữa, nếu ko bán đc thì tầm 8h em lên Hồ Tây. 

- Vậy là hôm nay ko lên Hồ Tây nữa nhỉ? sắp hết rồi này. 

- Vâng, nhờ có anh đấy. Anh ăn tối chưa, em mời anh đi ăn. - Con bé vừa nói vừa cười. 

- Anh ăn rồi, em chưa ăn à? 

- Chưa, lúc chiều em học về là đi luôn, với lại em cũng ăn linh tinh nên ko đói. 

- Vậy đi kiếm gì ăn đi. 

- Anh cầm hộ em đống hoa - con bé vừa nói vừa đẩy bó hoa cho mình rồi chạy đi. 

Trong lúc nó đi mua đồ ăn thì mình ngồi đó, nhìn ngắm dòng người qua lại và ngắm những bông hoa và thầm nghĩ “Cái gì bây giờ cũng kiếm ra được tiền, chăm chỉ một chút là có cả trăm nghìn 1 ngày mà ko phạm pháp”. Chợt có một đôi đi đến và nói “bán em 1 bông đi anh”.. Ko biết có phải mình có sức hút hay cái đôi hút khách hộ mà bọn nó dừng lại mua thì 3-4 đôi nữa cũng mua theo. Vèo cái hết sạch luôn. Khách giãn ra dần và mình thấy con bé nó đứng từ xa vừa nhìn vừa cười, cái đầu ngó ngó nghiêng nghiêng của nó ngó vào tưởng mình bị làm sao nhìn rất dễ thương, bắt gặp ánh mắt của mình, nó chạy lại nói: 

- Kiểu này mai em phải lấy nhiều nhiều, chia cho anh 1 ít bán mới được. 

- Thôi, anh bán hộ em cho vui, chứ anh bán làm gì mà lấy nhiều.

- Lấy nhiều để anh bán hộ em chứ làm gì nữa. - Con bé cười giòn, đưa cho mình cái bánh mì cũng giòn như nụ cười của nó.

- Sao biết anh thích ăn bánh mì thế?

- Em ko biết, em đoán thế thôi. 

- Chắc anh bán đc nhiều là do ngồi xe lăn đấy, mai anh cho em mượn xe lăn. - mình vừa nói vừa cười. 

- Em thích nhìn anh cười. - Tự dưng con bé nó nói. 

- Sao thế?

- Anh cười nhìn anh vui lắm. Chứ mấy lần trước đi qua nhìn mặt anh đăm chiêu, suy tư thấy sợ sợ và buồn theo. 

- Cười như nào? - Mình hỏi lại với vẻ nghiêm trọng.

- Như này này. - Và con bé cười tít mắt lại. 

- Rồi, để anh thử. - đang định cười thử thì con bé nó ngắt lời

- Anh đừng thử, cười thì phải xuất phát từ trái tim cơ, đôi khi nếu ta cứ gượng cười thì nụ cười đó còn buồn hơn đấy anh. Thế nên là đừng bao giờ gượng cười anh nhé. 

Mặt con bé đăm chiêu nhìn mình, nheo mắt lại và cười. Lúc đó ánh đèn đường vàng vàng chiếu lên cái mái tóc ánh tím của nó, thấy nó cười mà mình cũng cười theo, có gì đó vui vui lạ thường.

- Nhà anh ở đâu? con bé cắt đứt cái khoảnh khắc của mình bằng câu hỏi.

- Đội Cấn. 

- Em ở Thanh Xuân. 

- Thanh Xuân mà ngày nào cũng lên tận đây bán à? 

- Vâng, hoa em lấy từ sáng bên Quảng Bá ấy rồi về nhà để đến tối mới đi bán. 

- Sao em ko để tối lấy? 

- Tối lấy thì làm gì còn hoa đẹp anh, với lại tối lấy đắt hơn lúc sáng, sáng em đi sớm tầm 3h thì lấy được hoa rẻ với lại tươi nữa. - Con bé ngồi kể lể. - Anh có em gái ko? - Nó hỏi tiếp.

- Anh có, 1 đứa em gái, chắc cũng tuổi em, em sinh năm bn?

- 91 ạ. 

- Vậy bằng tuổi nó. 

- Bạn ấy đang học gì thế a. 

- ĐHHP. Em sao? 

- Em đang học cao đẳng … (cao đẳng hay trung cấp gì ấy mình quên mất rồi). Em gái anh chắc xinh lắm nhỉ? 

- Sao em lại hỏi vậy?

- Vì trông anh em cũng đoán đoán ra. 

- Anh đẹp trai quá hả. - mình vừa nói vừa cười, nó cũng cười theo. 

- Vâng, anh đẹp trai. - nó gằn giọng.

- Nói chung là anh giống bố, còn nó giống mẹ, cả bố mẹ anh đều đẹp nên anh với nó đẹp là vậy.. 

Tào lao vài chuyện trên trời dưới đất rồi nó nói phải về, lúc đó cũng 10h rồi. Chia tay, và nó hẹn nếu mai mình lên thì nó sẽ gặp. Hồi đó chả hiểu sao mình lại ko xin số điện thoại.

Từ đó, cứ thi thoảng chiều chiều mình lại lên hồ bán hoa. Và được trả công là 1 bữa tối. Nó còn định chia tiền lãi cho mình, nhưng mình ko nhận, cũng là đi chơi, cảm nhận một chút về công việc làm thêm này xem thế nào. 

Có hôm mình ko lên được hồ, hôm sau lên cũng ko gặp nó, sau đó 1 tuần lên đều đều và ko gặp, hỏi han mấy đứa bán cùng thì nói ko biết. Tự dưng gặp 1 thằng cu cũng thấy bán, ngày trước thấy nó thân thân với con bé, mình lại và hỏi.

- Mấy hôm nay Linh có đi bán ko em?

- Có hôm trước nó đi mà 3-4 hôm nay ko thấy đâu anh, nó có hỏi anh đó. 

- Hỏi gì thế em? Hỏi là nếu có gặp anh thì đưa số điện thoại của nó cho anh. Số đây này anh. - thằng bé đưa điện thoại cho mình lấy số.

- Vậy hả, anh cảm ơn nhé. 

Nhận số điện thoại của thằng cu khi nãy và gọi, 

- Anh Ngọc Anh à?

- Sao em biết là anh?

- Em ko biết, em đoán thôi. 

- Mấy hôm nay nhiều tiền rồi hay sao mà ko đi bán nữa thế. Anh lên mà ko thấy đâu. Định gọi để đòi mấy cái bánh mì, mấy hôm ko có bánh mì ăn, toàn phải đi ăn phở.

- Mấy hnay em mệt, nên ở nhà, để mấy đứa bạn nó đi bán.

- Mệt như nào thế? 

- Mệt kiểu con gái thôi anh. 

- À, thế thì nghỉ ngơi đi, khỏe rồi lên bán lại. 

- Anh Ngọc Anh này! - Nó gọi giật giọng có vẻ ngập ngừng. 

- Em sắp nghỉ bán rồi, chắc ko gặp lại anh được nữa. 

- Em đi đâu à?

- Dạ, nhà em sắp chuyển về nội, ở tít trên Lạng Sơn, nên chắc em đi theo, em cũng sắp học xong rồi. Còn có 1 tháng nữa, nên chắc học xong em về luôn. 

- Vậy hả. - giọng mình có vẻ hơi trùng xuống, tình cảm chưa tới đến mức yêu, đơn giản là quý quý như có một cái gì đó rõ ràng là ko vui cho lắm.

- Thời gian qua, em cảm ơn anh đã tâm sự, đã làm cho em vui mỗi lúc em buồn. Cảm ơn anh nhiều lắm. 

- Ok, nghỉ ngơi đi, mấy hôm nữa lên hồ làm bữa chia tay nhỉ. 

- Chắc chắn rồi anh. Anh này... em quý anh lắm. 

- Anh cũng vậy. 

Và rồi mình cúp máy, trời lúc này lất phất mưa phùn, cái mưa của mùa thu Hà Nội, nó ko quá lạnh nhưng nhẹ nhàng đủ để thấm vào người làm cho bản thân rùng mình buốt lạnh. Tìm 1 chỗ trú gần khu vực Hapro và suy nghĩ ngẩn ngơ một lúc. Hơi buồn 1 tẹo vì sắp phải xa đứa em, mất đứa để đi dạo quanh hồ và thao thao bất tuyệt với mình.

Thế rồi Linh cũng về Lạng Sơn mà ko có buổi gặp mặt “làm bữa chia tay” như đã hứa, sau này mình vẫn liên lạc với nó. Thi thoảng vẫn gọi điện hỏi han xem như thế nào, cách đây khoảng hơn 1 năm thì nó nhắn tin chuẩn bị lấy chồng, cũng ở Lạng Sơn luôn, nó mời có dịp lên đó thì tới nhà nó chơi. Rồi từ đó, mình bận tiếp tục bước trên con đường ko bằng phẳng của bản thân nên cũng ko liên lạc với nó nữa, khi nãy ngồi viết ra cái này, nhấc điện thoại lên gọi thì có ai đó nói nhầm số, chắc đã ko dùng sim đó nữa và người khác đã lấy dùng. Hy vọng một ngày nó nhớ ra mình và gọi lại...

Vậy là cuộc sống của mình lại tiếp tục, tiếp tục khám phá và bước đi những bước tiếp theo trong cuộc đời. Đôi khi, những gì thoáng qua như vậy để lại cho chúng ta chút cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống, về những người mà ta đã gặp trong đời. Chưa đủ yêu, nhưng cũng để lại một chút xao xuyến trong lòng. Tình cảm, đôi khi cũng là một trải nghiệm dễ thương trong cuộc sống.

Chap 13. Hà Giang

Sau khi Linh về Lạng Sơn thì mình cũng ít lên hồ hẳn, một phần là dạo này phải tập trung vào làm để có cái nhét vào mồm, một phần là cũng dành thời gian đi nhiều chỗ khác nữa. Thời gian đó thi thoảng vẫn liên lạc với nhau nhưng rồi mình cũng bận và dần dần quên mất cái thói quen hỏi han nhau như vẫn có, sau rồi ko liên lạc hẳn nữa. 

Lúc này mình bắt đầu lấy nhiều đồ hơn về bán, chủ yếu là mấy đồ lưu niệm với lại đồ chơi nhỏ nhỏ dễ thương mà anh em hay thích. Công việc vẫn tiếp tục như thế, đôi khi mình vẫn ra hàng nước ngồi chơi bán hộ và hóng chuyện, chỗ này sau thành điểm giao dịch luôn của mình lúc đi ra khỏi nhà. 

Trong những chuyến đi tiếp theo, mình may mắn có cơ hội được đặt chân lên mảnh đất Hà Giang. Điểm địa đầu của tổ quốc. 

Hà Giang, địa đầu của tổ quốc. Nơi văn hóa và con người có những đặc thù khác biệt với những người miền xuôi. Đây có lẽ là trải nghiệm đầu tiên về văn hóa và người dân tộc thiểu số của mình. Nơi mình đến là xã Yên Thành, huyện Quang Bình. mình đến Hà Giang cùng một nhóm tình nguyện. Ở Hà Giang mình ko mạo hiểm bản thân cho việc leo núi nữa đơn giản, đó là việc đã làm rồi, và để tốt hơn cho những lần sau thì chúng ta cần phải chuẩn bị thật kĩ. Cái mơ ước lớn nhất của mình vẫn là được tự bản thân chinh phục 4 cực của tổ quốc. Và xa xôi hơn nữa chắc là cái mà ai cũng mong muốn, Fanxipan.

Lần này mình đến Hà Giang bằng một chuyến đi khám phá con người và thiên nhiên. Có rất là điều mới lạ nếu chúng ta đi về phía trước, mình cũng vậy, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, mà những trải nghiệm đó sẽ rất khó để có lần 2. Đến Hà Giang, đặt chiếc xe lăn của mình xuống mặt đường đất đầy bụi bặm, bắt đầu hành trình tiếp theo của cuộc đời, men theo con đường tỉnh lộ để đến với địa điểm tập kết. Sau khi tập kết xong thì mọi người bắt đầu đi thăm các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và học giỏi. Và mình cũng là một trong những người đi cùng. Cái cảm nhận riêng khi đến nơi này là mỗi căn nhà cách xa nhau quá, nhà mình ở quê cũng xa nhưng ở đây thì xa hơn, mỗi nhà cách nhau cả ki-lô-mét và để đi được khoảng 10 em thì chúng mình phải đi một quãng đường là 20km cả đi lẫn về, hoàn toàn bằng đi bộ. 

Mình và đứa bạn nữa đến căn nhà gỗ, chứ ko phải nhà sàn của một em học sinh, bên trong dường như chẳng có gì, 1 chiếc TV đời cổ, 1 chiếc xe đạp, 1 chiếc giường, với những người chưa gặp những cảnh tượng kì lạ trong đời thì sẽ ngạc nhiên một tí, cũng như mình vậy ở đây họ để để trâu bò vào trong nhà cùng với người. Có mấy đứa nhóc đang lũi cũi nấu nướng gì đó.

- Đi học xa có mệt ko em? - Bạn mình hỏi.

- Đi quen rồi. - Con bé lũn cũn trả lời và thoăn thoắt rót nước mời mình và bạn.

- Đi học từ đây đến trường thì ai đưa đi?

- Ko ai đưa cả, tự đi. 

- Tự đi cơ à, giỏi vậy, từ đây tới trường đi mấy bao nhiêu cây?

- Cũng ko biết, nhưng đi mất hơn 1 tiếng. - con bé tiếp tục trả lời.

- Nãy cô đi vào trong đây có cái suối, bình thường lội qua suối hay có đường khác ko? - đứa bạn mình hỏi tiếp

- Lội qua suối thôi, hôm nào nước lên thì mới đi đường khác, mà xa lắm phải đi vòng qua 1 quả núi bên kia kìa. - con bé nó vừa nói vừa kéo tay mình ra chỉ cái quả núi “bên kia kìa” của nó. Xa vãi. 

- Có được học sinh giỏi ko cháu? - mình trả lời. 

- Có, giấy khen kia kìa. 

- Mấy cái hình này cháu vẽ à? những gì thế. 

- Cái này là bố, mẹ, em, con trâu, váy cưới. blah blah blah.. - Nó có cả một gallery tranh ngay tại nhà bằng những bức hình nó nguệch ngoạc trên giấy bằng bút chì màu. 

- Cháu thích vẽ lắm hả? 

- Vầng. 

- Lớn lên thích làm gì?

- Làm cô giáo. 

- Làm cô giáo à, làm cô giáo thì có gì hay?

- Làm cô giáo về dạy mấy em ở đây. Như mấy cô giáo dưới xuôi lên ấy. 

- Ừ, nhưng mà làm cô giáo thì ko đc vẽ đâu. 

- Vậy thì làm cô giáo dạy vẽ. - nó lanh lợi đối đáp và cười khoái trí.

- Sao mấy đứa nhà xa mà lại chăm đi học thế?

- Đi học cho đỡ khổ, bố mẹ bảo đi học sau này sẽ được nhiều tiền. Ko phải đi nhặt củi nữa.

Ở đâu cũng thế áp lực đồng tiền luôn luôn gánh nặng lên những người nghèo. mình chuyển từ xe lăn sang ghế ngồi cho bọn nhóc lấy xe lăn của mình mà chơi, chúng rất háo hức và thích thú, vì đây là lần đầu tiên chúng được ngồi trên một chiếc ghế có bánh xe, và có đứa muốn ngồi trên đó cả đời. 

Đường ở đây thì dễ đi hơn ở Thái Nguyên nhưng do đường núi nên hay có dốc, và mỗi lần dốc như vậy thì lại cắm đầu cắm cổ mà đẩy xe, được cái dốc nó ko xa lắm nên cũng thoải mái hơn nhiều.

Buổi tối hôm đó bọn mình cùng nhóm tình nguyện làm chương trình vui chơi cho các em và bà con trong khu vực đó, từ đuổi hình bắt chữ cho đến nhảy sạp. Bà con và các em tham gia rất vui vẻ, được hỗ trợ từ xã nữa cho nên sân trường đêm hôm đó như có hội, các cô giáo nói lâu lâu rồi mới có đêm vui như vậy. 

Đêm Hà Giang, mình hay có thói quen cảm nhận đêm ở mỗi nơi mình đến, nó rất khác với đêm HN và HP hay bất cứ nơi nào mình đã đi qua, có thể là nhiều sao hơn, ít sao hơn hoặc ko có sao luôn, ở đây mọi người đi ngủ rất sớm, khoảng 8h gì đó ngoài đường đã ko có bóng ai rồi, chỉ còn lác đác hàng quán cho mấy thanh niên thích đi chơi muộn. 

Trời se se lạnh và lượn lờ đêm một mình, do là đi đêm nên cũng để hết đồ đạc có giá trị ở nhà, tiền cũng ko cầm nhiều. Cứ thế, vừa đi vừa suy nghĩ rồi lại vòng về lúc nào ko hay. Nó cũng giống như cuộc sống, đôi khi chúng ta đi mà ko có phương hướng chắc chắn sẽ quay lại điểm xuất phát ban đầu. Về đến cửa chỗ nghỉ ngơi thì gặp một bạn cũng trong đoàn, đang thẩn thơ ngồi ngoài cửa. 

- Ko ngủ được hả em?

- Ko ạ, anh cũng vậy à? - nó hỏi. 

- Uh. Lạ lạ, với lại anh muốn đi dạo quanh quanh đây xem có gì hay ko.

- Anh thấy có gì hay chưa?

- Chưa có gì cả, trên kia đang có chỗ bán ngô nướng, mà anh ko thích ăn nên thôi.

- Ngô nướng á, còn ko a, em cũng đang muốn ăn gì đó. 

- Chắc còn, đi chứ?

Vậy là đi, bạn này là đứa bạn của con bé em cùng đoàn, mới đi lần đầu và đây cũng là lần đầu tiên đi tình nguyện, và cũng là những chuyến đi xa nhất của nó từ trước tới giờ. 

- Anh đi nhiều chưa? - vừa đi nó vừa hỏi - Ý em là đi tình nguyện như này này. 

- Không nhiều, nhưng lần nào bên clb đi anh cũng đi. 

- Vui anh nhỉ, mọi người nhiệt tình. 

- Uh, cũng vui. 

- Lần đầu tiên thấy anh em hơi ngạc nhiên, vì thấy hơi năng nổ với lại đôi khi lạ lạ.

- Lạ? 

- Vâng, em thấy anh nói cái gì là làm cái đấy, như khi nãy. Thấy anh chạy vào thay chân anh gì ở chỗ loa đài ấy.

- À, ông ấy ko cắm đc dây thôi, a vào cắm hộ có gì đâu?

- Thì đấy, em thấy nhiều người đứng đó mà họ có làm đâu.

- Họ ko biết thì sao?

- Ngô rẻ anh nhỉ, có 2k 1 bắp. ở HN cái đống này phải cả trăm. 

- Em mua gì lắm thế? 

- Mua cho cả mấy bà đang chơi bài ở nhà nữa.

Cuộc nói chuyện cũng kết thúc khi mình về đến phòng, rồi cuối cùng cũng vào được giấc ngủ. Đêm Hà Giang trôi qua nhẹ nhàng như vậy.

Sáng hôm sau mình tham gia một phiên chợ, vì là cuối tuần cho nên chợ rất sầm uất, người ta bán đủ thứ từ những thứ nhỏ nhất như kim chỉ, cho đến những thứ như trâu bò, và cả xe máy. Ở đây mình tìm thấy rất là nhiều những thứ mà đã ko thấy từ rất lâu rồi. Cảm giác tham dự một phiên chợ vùng cao nó vừa thân thuộc vừa xa lạ, người dân tộc, người dân tộc "every where", nó lạ lùng như hồi bé hiếu kì khi nhìn thấy một người có văn hóa đặc trưng ko phải thuộc địa phương của bạn. 

Ko thể nhận biết được dân tộc nào với dân tộc nào. Nói chuyện mới biết hoa văn của người Giáy là đơn giản nhất, trang phục của người Mông lòe loẹt, váy xòe, và có tạp dề trước và sau, quấn xà cạp, mình thấy người Mông giống mấy cô công chúa trong hoàn châu cách cách, còn người Pu Péo thì ít hoa văn và hay mặc váy tím than, khăn đỏ và xen kẽ trắng. vân vân... 

Ở đây, như đã nói, có những thứ mà từ ngày xưa mình tưởng tuyệt chủng, ví dụ như cái súng colt mà có băng đạn ấy, bắn tóe lửa ấy ) Ngày bé chơi cái đó suốt tưởng tuyệt chủng rồi mà ở trên này còn bán la liệt. Rồi đủ thứ nhưng nhiều nhất chắc là mấy đồ điện tử của trung quốc kiểu như loa nghe nhạc, đài fm hay điện thoại tàu. 

Người dân tộc thì thấy hay bán mấy đồ nông sản như ngô, khoai sắn, với lại thổ cẩm. Như mình nói, muốn biết đặc trưng nơi nào thì nên đến chợ, ở chợ là thể hiện đặc trưng rõ nhất của từng vùng. Đủ kiểu người và đủ loại mặt hàng, nó khác với lễ hội lễ hội có thể biến tướng nhưng ở chợ thì ko bao giờ biến tướng, nó thay đổi theo người dân ở đó hàng ngày. 

Bọn mình ở đến trưa thì lên xe về HN, mình tạm biệt Hà Giang bằng những luyến tiếc, điều luyến tiếc gây ấn tượng rõ ràng nhất là mình đã bỏ qua cơ hội chinh phục đỉnh Lũng Cú. Nhưng có lẽ, lần sau đến và đi một mình thì sẽ tiện hơn để làm những gì riêng cho bản thân anh em nhỉ. 

Và bằng những thứ nhẹ nhàng như thế, mình từng bước từng bước tiến gần hơn với việc đặt chân đến thật là nhiều nơi và khám phá văn hóa từng vùng..

Chap 14. 

Đi Hà Giang về mình bị ốm, và tất nhiên là ở một mình thì sẽ phải tự chăm sóc mọi thứ cho bản thân. Bà chị thì đi làm và tính mình cũng ít thích nhờ vả. Thế là lọ mọ nấu cháo, uống thuốc, và làm những thứ mà ngày xưa khi ốm mẹ hay làm. Cái chuyện nấu cháo thì nó bi hài thôi rồi, đọc hướng dẫn trên mạng thì rất là ổn, ngon, cháo thôi mà, nấu dễ òm, nhưng đến khi nấu thì nó lại ko thành cháo mà thành ra kiểu cơm nhão, nhìn nồi “cháo” như vậy cũng chẳng đành lòng đổ đi, lại lôi ra ngồi ăn, và thực sự là ăn rất khó, phải đến lần thứ hai, thứ ba thì cháo mới thành cháo thực sự, nó ko là cơm nhão hay là “canh cơm” nữa mà thành đúng chuẩn của cháo. Sau này một khoảng thời gian có người yêu, bạn ấy bị ốm mình nấu cháo cho ăn. Và tất nhiên là được khen nhiệt tình luôn. Cũng may là lúc đó cảm nhẹ, ko đến mức nằm liệt nhưng những lúc cơ thể yếu mới thấy sức khỏe nó quan trọng thế nào. Cảm giác ko làm gì được hoặc ko tập trung vào được cái gì nó vô dụng vãi. 

Những lúc yếu đuối như vậy thì ai cũng có cách vượt qua và mỗi người lại có một cách vượt qua khác nhau, mình thì hay nằm thả trôi nó, suy nghĩ tất cả những gì sẽ có thể xảy ra, tất cả những trường hợp xấu nhất mặc dù ko biết nó sẽ đến hay ko, tất nhiên là khi anh em ko tập trung được vào việc gì thì mọi thứ sẽ tập trung vào những suy nghĩ từ xấu đến rất xấu. Mình hay chọn cách như ở trên là để mặc nó, thả trôi mọi thứ, đến lúc nó sẽ tự động cân bằng lại, vì suy cho cùng, đôi khi nghĩ nhiều cũng chỉ làm đầu óc căng thẳng. 

Ốm mãi thì cũng khỏi, mình lại tiếp tục công việc. Vẫn hay đi ra quán nước ngồi, chỗ này giờ là chỗ giao dịch thường xuyên rồi. Chuyện con người mình cũng đã kể, chuyện tình cảm mình cũng đã kể, chuyện về những con người làm những nghề mà xã hội lên án mình cũng đã kể, và mọi chuyện ở thời điểm này của mình trôi qua một cách bình lặng, có phần hơi đều đều vì chỉ thi thoảng mình mới đi xa, còn lại nếu ở HN thì những điều bình thường nhất nó cũng đã xảy ra. Dần dần cũng vào nhịp và công việc cũng tạm thời ổn định, mình bắt đầu nghĩ đến chuyện vào chỗ nào đó làm để lấy thêm kinh nghiệm về teamwork và giao tiếp, lủi thủi một mình làm cũng ko ổn lắm.

Làm cái cv, đi nộp vào mấy chỗ, nhưng đều ko có hồi âm, hoặc có hồi âm thì cũng chỉ là “xin lỗi em, sức khỏe của em ko thể làm được việc này” lúc đó mình cũng có nói là sẽ làm được hoặc cho thử việc khoảng 1 tuần xem như nào. Nhưng đều bị từ chối, buồn chứ, lúc đó cũng nghĩ là lý do mình ngồi xe lăn nên có thể người ta sợ liên lụy nếu mình có làm sao và ko nhận. Thôi kệ, vào đâu đó cũng chỉ là mình muốn làm trong một môi trường có đồng nghiệp hoặc những người xung quanh, có thể có rất nhiều cái lợi về giao tiếp hoặc kinh nghiệm, nhưng ko được thì thôi vậy, lại quay về buôn bán và làm online. 

Thời gian sau đó mình bắt đầu đẩy mạnh cái ship hàng mỹ. Anh em cũng bắt đầu đặt nhiều hơn, cũng quen nhiều khách hơn, lượng khách ổn định. Khách cũ quay lại rất đều và thường xuyên, mừng vì điều đó. Nhưng một phần mình cũng nhận ra là lượng khách phát triển rất chậm, thế nên việc mình quyết định mở thêm một chi nhánh nữa để hút khách cũng là một quyết định tiếp theo mà cần phải cân nhắc. 

Về việc mở chi nhánh, tất nhiên là mình ko có tiền, và ko thể thuê người để làm cho mình được, nên làm dưới dạng hợp tác. Tức là chia đôi lợi nhuận với người đứng chi nhánh, cách này là ổn nhất vì mình ít vốn, ko có tiền nên chỉ làm được vậy. Thời gian tìm người cho phù hợp và tin tưởng là thời điểm tương đối khó khăn, bởi để tìm được một đối tác như vậy phải là người thực sự muốn làm, chứ nếu làm vài hôm chán vì ko có khách thì thực sự có cái gì đó rất là ko hay lắm… như những gì đã sắp đặt, cuối cùng mình cũng tìm được người tạm gọi là phù hợp để giúp đỡ trong công việc tại HP và HCM.

Sau khi có thêm chi nhánh tại Hải Phòng và HCM thì lượng khách tăng đáng kể, và công việc lại đi vào những bước phát triển tiếp theo. 

Làm shipping cũng mệt, ko hẳn chỉ ngồi đặt order rồi đợi hàng về, mà đôi khi hàng về có trục trặc là lại lọ mọ lên sân bay để khai và làm thủ tục. Lần trước mình có nói mình ko ngồi đi đc xe ôm, ko hẳn là ko đi được, mình ngồi thì ngồi đc nhưng còn dính cái xe lăn nữa, nên nếu đi thì phải thuê 2 cái xe ôm, 1 cái chở xe lăn mình 1 cái chở người. Như vậy thì cũng tương đương taxi rồi, nên chọn giải pháp đi taxi cho an toàn. 

Ngày đó kí hợp đồng tháng với 2 bác xe ôm trước ngõ, do là hợp đồng tháng nên rẻ hơn rất nhiều, cứ đi đâu hoặc đi lấy hàng là gọi. Làm mệt là vậy, nhưng cái chính là nó làm cho bản thân thấy có ích, thấy mình kiếm ra được tiền, từng đồng một, và biết chắt chiu nó như thế nào. Nhớ ngày xưa mẹ cứ nói đến chuyện tiền nong là lòng nặng trĩu lại bao nhiêu thứ phải lo phải nghĩ, đến bấy giờ mới hiểu được suy nghĩ của bố mẹ. 

Thời gian đó mình lao đầu vào làm, muốn dư ra 1 tí để còn có tiền mà đi tiếp nhưng tiền làm ra cũng ko phải là nhiều lắm, đủ chi tiêu và trang trải cuộc sống tại cái thành phố đắt đỏ này, có một điều mình nhận ra là tiêu những đồng tiền đó thì mình cảm thấy đáng. Mỗi tháng gửi về cho bố mẹ một ít để “giữ hộ” và coi như thằng con có một chút gì đó báo cáo là “con vẫn ổn”. Sau này, khi gặp khó khăn mình cũng vẫn luôn luôn cố gắng mỗi tháng gửi về nhà một ít, ko ít thì nhiều nhưng cũng đủ để cho bố mẹ nghĩ thằng con của bố mẹ vẫn ổn, vẫn ngon lành. Anh em đừng nghĩ mình làm vậy là nói dối hay một kiểu “sĩ” nhưng để người thân mình an tâm nhất thì đó chính là một cách trong hàng vạn cách khác, nó chứng minh được bằng hành động chứ không phải lời nói. Và thực sự mình cũng đang rất ổn với bản thân.

Mỗi lần về HP thăm nhà là mỗi lần thấy bố già hơn trước, tóc mẹ bạc hơn xưa, mình cũng buồn lắm chứ, đôi khi về thăm mà mẹ ngồi nhổ tóc bạc cho bố, đứa con gái thì đi học xa nhà, thằng con trai thì ko ở gần. Sau này tóc nhiều quá hai cụ đã chuyển sang nhuộm tóc cho nhau. Nghĩ lại chạnh lòng và muốn vứt bỏ mọi thứ để làm thằng con có hiếu. Những lúc như thế mình thường ở nhà lâu hơn, mặc dù ở nhà cũng chỉ là để mẹ gọi về ăn bữa cơm khi đi đâu đó thăm họ hàng, hoặc đơn giản hơn là để xem thời sự cùng bố, đôi khi chỉ là cần hình bóng mình ở đó, cũng đủ để cho bố mẹ yên tâm rồi. 

- Ở nhà đi con, ở nhà cũng làm được mà, làm có tiền rồi đi du lịch chả tốt hơn sao? - mẹ hay nói.

- Con đâu có muốn đi du lịch, cái con muốn là xem ngoài kia người ta đang chuyển động ra sao mà. 

Bằng tất cả tình thương của đấng sinh thành, khuyên nhủ không được thì đến mắng mỏ. Con người trong mình bị tách ra làm hai kiểu thiên thần và ác quỷ, một là thằng con có hiếu, hai là một thằng tính khí bốc đồng làm những gì bản thân thích. Suy nghĩ luôn hiện hữu trong đầu từ ngày bé, khi bắt đầu có chút nhận thức là làm sao để bố mẹ không phải khổ nữa, và ngay chính lúc này thì lại băn khoăn giữa những lựa chọn ích kỉ của bản thân và những lựa chọn mang tính sống vì người khác... Nhưng sống trên đời này có rất nhiều cách báo hiếu anh em ạ, có rất nhiều cách làm người thân bớt lo lắng về mình đi một chút. Như ở trên mình đã nói, bằng cách này hay cách khác mỗi tháng mình đều báo cáo về nhà là “con vẫn ổn”. Và lúc đó bố mẹ cũng an tâm phần nào về những việc mà thằng con của họ đang làm. Phải mất rất nhiều thời gian để bố mẹ mới dễ dàng để cho mình đi như hiện tại. Đôi khi nghĩ, nếu như mình ở nhà thì ko biết mình có nghị lực để làm tất cả mọi thứ như hiện tại hay ko, như đã từng đọc ở đâu đó “nghèo về nghị lực chính là cái nghèo toàn diện, cái nghèo thực sự”.

Nhiều lúc tâm sự với bố: 

- Con sợ những gì con làm sắp tới ko được ổn lắm, con sợ vấp ngã trên chính bước đi của mình.

- Sợ gì nữa, chả phải con đã từng vấp ngã, từng đứng dậy, và ngã nhiều hơn đi sao?

Rồi từ những ngày đó, những câu nói đó của bố dường như tiếp thêm động lực để mình làm mọi thứ. Trước khi mình biết đi thì mình đã phải học cách ngã, để ngã một cách nhẹ nhàng nhất ko ảnh hưởng tới xương hoặc bản thân, và suốt khoảng thời gian sau này có những lần ngã, rồi lại đứng dậy bước đi, có những lúc đau khóc như một đứa trẻ, nhưng cũng có lúc chịu đựng để đứng dậy như một người đàn ông. Sống như ngày mai là ngày cuối cùng của cuộc đời và bước tiếp trên đoạn đường đầy thử thách và chông gai.

Trở lại HN tiếp tục với những bước đi, lần này mình gặp thêm một số người, những người mà có thể trước kia mình đã quen, trước kia mình đã từng gặp và đặc biệt họ giúp mình có thể là rất nhiều trong cuộc sống.

Chap 15. “Cuộc sống yên ả sẽ làm tê liệt sự tự tin”

Mèo chii, tổng cộng mình bán 3 loại, 1 loại là loại anh em vẫn hay mua (móc khóa), 1 loại là ống tiền tiết kiệm, 1 loại là bộ để trưng bày 10 con. Bộ đầu tiên thì anh em quen mặt rồi, 2 bộ còn lại là hàng đặc biệt nên mình về không nhiều lắm, và sau này cũng không nhập về nữa. Hồi đó lấy tiền để nhập mẫu mới về cũng khó khăn, hầu hết tiền bán mèo chii cũ do đi không nhanh nên đã chi trả vào tiền nhà và tiền ăn hàng tháng, khó khăn lại khó khăn hơn khi mà tiền mình không đủ để nhập nhiều, bán cái điện thoại đi cũng được thêm một tí, số còn lại thì đi vay. Cuối cùng tiền cũng đủ, hàng cũng về trót lọt. Mấy bộ mèo chii này thì ko dính “dớp” như bộ móc khóa. Có nghĩa là thoải mái tặng mà ko bị sao.

Sau đợt hàng đó thì thoải mái hơn về mặt tài chính, cũng như tất cả những lần khác, khi mà chúng ta thoải mái về một mặt nào đó thì sẽ làm được những đam mê của mình. Tất nhiên tiền ko nhiều, nhưng nó đủ chi trả cho những thiết yếu của cuộc sống cho nên cũng thoải mái được phần nào trong tư tưởng.

Ngày xưa, sau đợt thi miss vOz, mình có quen một thằng em, thằng cu này quen cũng rất là tình cờ bởi vì lúc tổ chức off thấy nó cũng năng nổ, khi mình về đến nhà, mở điện thoại lên thì thấy tin nhắn, tưởng mấy bạn miss nhắn tin gì đó nhưng ko phải, số lạ hoắc.

- Anh có mệt ko? ngủ sớm anh nhé. - giật mình.

- Cũng bình thường em ơi, ai vậy?

- Em D. thằng cu khi nãy tìm địa điểm cho anh đấy.

- À, cảm ơn em nhé, a về nhà rồi, ko mệt lắm, đc cái vui.

Rồi từ đó, đêm nào nó cũng nhắn tin chúc mình ngủ ngon, mình thì vẫn rep lại bình thường, rồi đến một hôm nó nhắn.

- Cafe ko anh?

- Ok, ngồi đâu đây?

- Cafe Trang ở Đội Cấn gần nhà anh nhé? Để em chạy qua đón a.

- Thôi, ra đi, nhắn anh cái địa chỉ lát anh đi bộ ra.

Cái quán cafe này nhớ ko nhầm thì nó nằm gần chỗ chung cư 195, chỗ mình ra đó cũng gần, đi xe lăn ra đấy chắc chỉ 5p. Ra đến thì nó đã ngồi đó rồi, và cái ánh mắt nó nhìn mình thì đến bây giờ chắc mình cũng ko quên được, nó nhìn mình một cách ngạc nhiên:

- Anh đi bộ ra thật à. Tưởng taxi. - nó hỏi

- Ko, nhà a ngay gần đây mà.

Sau này nó có nói với mình là ấn tượng vụ đi bộ ra của mình, tưởng mình ko đi lại được, luôn phải có người đẩy nên hôm đó nói đi bộ ra nó hơi ngạc nhiên. Đây cũng là lần đầu tiên hai anh em ngồi nói chuyện với nhau.

Hai anh em nói chuyện về tình yêu, chuyện đời rồi những chuyện mà nó trải qua. Cũng ngạc nhiên khi một thằng nhóc sinh năm 90 mà già hơn tuổi đời rất là nhiều. Và nó kể những việc nó đã trải qua thì mình cũng hiểu được tại sao nó già trước tuổi như vậy.

Một thằng bươn chải với đời quá sớm và nhúng một chút chàm vào trong người như lời kể của nó thì già hơn tuổi cũng là điều đúng đắn.

- Em đang làm gì?

- Trắng thì em làm nhân viên kinh doanh cho 1 công ty nhỏ. Đen thì linh tinh mấy việc xã hội thôi anh.

- Việc xã hội tức là sao em?

- Thì làm bóng, làm số, làm tiền (cho vay lãi, bốc họ), thỉnh thoảng đi đánh bạc gạo.

- Kiếm được không?

- Bóng bánh thì em lấy trang từ tổng về giao cho khách, ăn com (commission, dân gian họ gọi là tiền phế).

- Anh không hiểu lắm, rõ hơn đi? Mà ko nói đc thì thôi, a tò mò thôi.

- Ồi, có mẹ gì phải giấu đâu anh. Thì phụ thuộc vào tổng số tiền khách chơi qua lại mà bên tổng trả tiền cho em. Khách đánh càng nhiều thì em càng được nhiều. Đại khái trung bình mỗi tuần chả làm gì cũng có khoảng 20 củ.

- Nhiều vậy cơ á.

- Vâng, khách bên em được cái cũng chuẩn. Nhưng mà chả biết thế nào anh ơi. Nay sống mai chết. Khách ẩu cái thì mình phải trách nhiệm. Đôi khi em cũng phải thầu vào với tổng, ví dụ đầu bên em lấy là đô 7, tức là 7k/xu, em giao cho khách đô 15 hoặc đô 20. Thầu vào khoảng 5 giá. Khách thắng thì mình cũng mất tiền. Cuộc sống của mình ra sao cũng chẳng phụ thuộc vào mình. Giống như dân lô đề ấy, một ngày kết thúc lúc 7h30, số quay xong thì biết số phận mình "ra đảo" hay "về bờ"...

- Thế em có chơi không ?

- Lúc có lúc không anh ạ. Nhưng mà thường em giữ mình cách xa cái phím Enter, dễ tai nạn lắm. Tiền cờ bạc, nó "bạc" lắm anh, chả có ai giàu được vì nó đâu.

- ...

- Mệt mỏi lắm anh ạ. Tiền cũng có giữ được đâu. Quan hệ, anh em, xã hội, chơi bời...nó cứ cuốn đi. Thật sự em chỉ muốn sống sao cho thoải mái. Mà trót bước vào rồi, giờ rút ra khó lắm anh ạ. Mà đặc biệt cái việc làm tiền, nó thất đức lắm anh. Lãi 1 2k ng ta còn không chịu được, nói gì đến 5k 7k...

Đổi chủ đề qua chuyện yêu đương.

- Người yêu mày đang học gì? thấy trên FB quấn quýt nhỉ.

- Đang học khoa Tiếng Anh ở Nha Trang ấy anh.

- Yêu lâu chưa?

- 4 năm rồi

- Cưới thôi chứ?

- Chưa, em cũng đã ổn định đâu, cái việc em đang làm chỉ là tạm thời thôi, về lâu về dài làm sao được, với lại chẳng có gia đình nào muốn con gái lấy một thằng làm mấy cái nghề xã hội này như em.

- Mày nói vậy thì anh thấy hơi lo cho anh đấy.

- Lo gì anh?

- Thì mày nhìn anh mà xem, đẹp đẽ anh giấu vào bên trong, xấu xa phô hết ra ngoài như này. Ai yêu anh họ cũng ngại và trên hết là gia đình người ta nữa.

- Cũng đúng, mà kệ anh ơi. Ai đủ yêu thương thì sẽ vượt qua được hết thôi. Anh còn có ý chí nghị lực, rồi người ta cũng sẽ nhìn thấy cái tốt của anh, chứ em đc cái vẻ bề ngoài rồi một ngày nó cũng xấu đi.

- Ừ, với lại như vậy nó mới sóng gió em ạ. Chứ cuộc sống yên ả quá sẽ làm tê liệt sự tự tin mà. Em biết tại sao cốc cafe em đang uống nó lại có vị đắng ko?

- Sao anh?

- Để khi cho đường em biết được cảm giác ngọt ngào nó hạnh phúc như thế nào.

Chuyện con gái là cái chuyện muôn thuở của hai thằng đàn ông khi ngồi với nhau, không bình luận em này xấu em kia xinh, bàn đối diện trông “ngon” nhỉ, thì sẽ là chuyện thất tình, mình thời gian đó cũng mới chia tay người yêu vì những điều không mong muốn, thế nên sau đó cũng tự dặn lòng “kiếm được một người đủ yêu thương để đi đến hết cuộc đời bây giờ rất khó.” chính vì cái suy nghĩ đó sau này mình mới biết nó ảnh hưởng đến bản thân như thế nào.. có rất nhiều chuyện liên quan đến chiếc xe lăn làm cho một thằng mang ý chí sắt đá và mạnh mẽ nhất cũng phải ngồi lặng lại nhìn mọi thứ trôi qua.

Sau buổi ngày hôm đó có gì nó cũng gọi mình, khi thì trà đá, khi thì cốc bia. Còn nhớ có những lần mà trong túi hai thằng chỉ đủ tiền bia chứ ko còn tiền mồi vì nó mới chết bóng xong, cái khó ló cái khôn và mình với nó nhậu với rau sống và tương ớt.

Thế rồi nó cũng kể tiếp, kể về những kỉ niệm, khó khăn trong cuộc sống, trong cái công việc “xã hội” của nó như thế nào, khó khăn như thế nào để bố mẹ người yêu chấp nhận, khó khăn như thế nào để cho người yêu một cuộc sống thật hạnh phúc. Nhưng đổi lại tất cả những cái đó là một cái kết thúc không được đẹp và chuyện cô bé kia yêu người khác là điều hiển nhiên như những gì đã sắp đặt. Câu chuyện cuốn hai thằng con trai đi từ cốc bia này đến cốc bia khác, hình như trong lúc say say hoặc có hơi men thì người ta tâm sự được nhiều hơn. Nhiều cái để nói hơn. Và cứ thế, mỗi lần anh em cần tâm sự là lại ngồi với nhau nhâm nhi một ít lạc, một ít men bia để câu chuyện bắt đầu một cách dễ dàng.

Ngoài chuyện yêu đương, thì chuyện đời thằng cu này cũng khá là nhiều thứ để nói, nhưng có lẽ nó ko muốn mình viết nhiều ra đây, có thể sẽ ảnh hưởng tới nó sau này khi có ai đọc được cho nên mình chỉ nói qua qua thôi vậy. Từ việc một ngày nó kiếm ra nhiều tiền như thế nào bằng những việc nó đang làm, rồi đến những chuyện thanh toán lẫn nhau như thế nào.. nhưng con người nên để cho mình một đường lui anh em ạ, thằng cu này “chết” là vì vậy, nó đâm đầu vào làm và dính sâu vào quá, đến lúc gỡ ra thì quá muộn rồi. Mình cũng khuyên nhiều, cũng nói nhiều, và đến mãi sau này thì nó mới dứt ra được một chút với thế giới của những băng đảng kia.

Đến bây giờ, những bước đi của mình đôi khi cũng có nó đồng hành, đơn giản chỉ là như nó nói “em cũng muốn tự do tự tại như anh, đến một vùng đất mới, tồn tại ở đó, làm những gì mình thích” và gặp ai, nó cũng thao thao bất tuyệt về mình với bạn bè nó, đại khái là.. “Tao có một ông anh, ông ấy - vồn - lắm… để tao kể chuyện ông ấy cho mày nghe..”

Hiện tại, nó cũng dứt ra được gần xong với những chuyện ko mong muốn, đang làm một việc mà ngày kiếm ra có 100k nhưng nó cảm thấy hạnh phúc vì điều đó khi mà đồng tiền kiếm được khá là khó khăn, tiêu tiền và làm gì cũng có trách nhiệm hơn.

Phần này, mình dành riêng cho nó vì những thứ đã trải qua, những lúc hai anh em nhìn nhau và khóc vì chuyện tình cảm, những lúc khó khăn về kinh tế hai anh em cũng cùng có nhau. Đôi khi, con người sống chỉ cần những thứ như vậy, hoạn nạn hoặc lúc nào đó trong cuộc sống nhớ đến nhau một khoảnh khắc nào đấy là thấy hạnh phúc và vui rồi, đáng sống hơn bao nhiêu.

- A lô, anh à. Buồn quá bia đê.

- Ok.

Chap 16: Tồ.

Ở HN, ngoài chuyện làm ăn, đi chơi, khám phá thì mình cũng có một đứa con, đúng rồi, anh em đừng ngạc nhiên vì đứa con này là đứa con tinh thần của mình và một người bạn “chưa gặp mặt” ở cách nhau khoảng 10.000km. Cái mình đang nói đến ở đây là vozradio.net

Quen nhau một cách tình cờ bằng việc một lần mình tiến hành chuẩn bị mở kênh radio cho anh em vOz, chủ yếu là để nghe nhạc và chém gió. Ngày đó còn chạy nhờ trên một kênh khác của nước ngoài, biết nhau, quen nhau và hợp tính nhau cho nên hai đứa đi đến việc phát triển một kênh của riêng là điều ko mấy khó hiểu.

Pháp và Việt Nam, 10.000km và 6 tiếng đồng hồ, được cái mình hay ngủ muộn cho nên giờ hai đứa cũng không có khác nhau nhiều cho lắm. Việc phát nhạc cho mọi người hoàn toàn là tự giác và làm không công, không có bất kì lợi nhuận nào được thu về (đến thời điểm hiện tại cũng vậy) những ngày đầu hai đứa thay phiên nhau phát nhạc bằng máy cá nhân, vì thời điểm đó mình đang ở Trần Duy Hưng, không có tiền để mua hosting và cũng tận dụng cái máy chạy bitcoin cắm cả ngày.

- Đi làm về mệt ko Tồ? - câu hỏi bắt đầu của một cuộc nói chuyện.

- Mệt mình ơi, lại được ông sếp dở hơi nữa. - Nó trả lời lại.

- Ừ, hôm nay Paris thế nào?

- Thời tiết đẹp, hơi lạnh lạnh một chút như mùa thu ở nhà đấy, mà hôm qua nghe nói ở VN có gió mùa đông bắc, chân tay mình có đau ko?

- Ko đau lắm, hơi nhức nhức thôi.

Câu chuyện vẫn diễn ra như vậy, bằng những gì nhẹ nhàng nhất và cũng là chân thành nhất. Rồi nó kể về cuộc sống bên đó, kể về thời tiết bên đó, về những gì cảm nhận được từ mọi người bên đó như thế nào. Từ chuyện nhà cửa, việc ăn uống như thế nào khi bà chủ nhà ghét mùi mắm của người Việt, việc phòng trọ bé tí chỉ khoảng 9m2 ra sao, rồi đến cả chuyện bạn cùng phòng như thế nào. Cứ thế mình và nó trao đổi và tâm sự cho nhau những thứ bình dị nhất trong cuộc sống. Có những lúc, thân con gái một mình xa nhà cần những lời động viên, cần một “bờ vai” nào đó ở bên cạnh thì mình đều ở bên. Nói ở bên nhưng như anh em hay nói tâm hồn ở cạnh nhau còn thể xác ở xa nhau ấy. Nhiều lúc nó gặp những chuyện ko hay, khóc và tủi thân, những lúc đấy lại tìm đến mình để xả hết ra. Xong rồi lại cười như chưa từng có những chuyện như thế.

- Mình.

- Hử?

- Hôm nay sao?

- À, hôm nay lên bờ hồ, xong vào quảng trường trước lăng chơi. Gặp 1 em xinh lắm.

- Gớm nhỉ, thế rồi sao nữa?

- Thì ngồi nhìn thôi, gái xinh mà, sao tới tay đc.

- Xinh lắm à, xinh bằng này ko? - nói rồi nó gửi ảnh mới tự sướng cho mình xem

- À, xinh hơn, nhưng mà ko dễ thương bằng.

- Miệng lưỡi.

...

- Hôm nay sao, ông sếp vẫn bị điên chứ?

- Vẫn, nhưng đỡ hơn rồi, tại hôm nay ngta gửi đơn xin thôi việc. Mình nghĩ sao về việc đi làm hay học tiếp?

- Làm thì có lợi gì mà học tiếp thì có lợi gì?

- Đi làm thì có kinh nghiệm có tiền, còn học tiếp thì phải đi làm việc khác và sẽ cực hơn.

- Nhưng mình thích học hay đi làm?

- Học hơn.

- Thế đi học. Mà học đâu nữa?

- Canada.

- Xa vậy.

- Uh, thế nên mới đang phân vân, gửi xin thôi việc để chuyển chỗ khác thôi, ông sếp điên quá.

- Qua đó học đc ko?

- Chắc là được thôi mỗi tội ngu tiếng Anh.

- Sao đâu, Canada cũng nói tiếng Pháp mà. Sang làm cái nông trại, trồng cỏ, tha hồ mà bán kiếm tiền.

- Sao trồng cỏ lại kiếm tiền?

- Trồng cỏ cho trâu bò ăn ấy.

- Thật á.

- Thật.

Và đến mãi sau này, nó mới biết cỏ là cần sa. Ko sai khi người khác gọi là Tồ. Thời gian tiếp theo cũng cứ bằng những thứ nhẹ nhàng như vậy mình với nó cũng nói chuyện thân hơn. Anh em nào hay vào vozradio.net thì chắc khoảng thời gian đó cũng biết mình với con bé này.

- Vụ Canada sao rồi?

- Chắc ở lại đi làm thôi mình à.

- Sao thế?

- Nghĩ đi nghĩ lại qua đó học tốn tiền quá.

- Uh. vậy cũng được. Thế ông sếp kia sao?

- Ko chấp nhận đơn xin nghỉ. Nhưng mà 2 tháng nữa hết hợp đồng rồi, chắc nhảy chỗ khác được. Hôm qua bị ngã.

- Hả, đi đứng sao mà ngã, mông má có sao ko?

- Ko sao, dập mông tí thôi, giờ cũng đỡ đỡ rồi, tại đi trượt vào vũng nước ấy mình, bẩn hết quần áo.

- Hmm..

- Tự dưng muốn mình qua đây chơi.

- Khó phết, giờ còn xoay tiền ăn mỗi ngày.

- Thì muốn thôi.

- Sao muốn?

- Thì muốn mình đi thật nhiều, muốn mình tới chỗ nọ chỗ kia cho biết thật nhiều, ngta ở VN thì sẽ kéo mình đi khắp nơi luôn.

- Thế về đi thôi. Để cho mà kéo.

- Học xong đã, mỗi lần về tốn quá. hic..

- Thôi cố, hehe.

Con bé nhỏ nhỏ người, có răng khểnh rất là dễ thương. Người miền Trung, ngày đó mình cũng có một chút gì đó gọi là nhớ, là quý, nhưng hình như là yêu thương chưa đủ lắm để mọi chuyện tiến xa hơn, có thể trong thời gian đó mình mải làm những việc mà mình gọi là đam mê rồi quên đi mất những yêu thương nhỏ nhẹ ở bên, những yêu thương mà đến giờ nhiều khi nghĩ lại có chút gì đó nhẹ nhàng và mong chờ nó quay trở lại.

- Tồ.

- Ơi mình.

- Sao gửi cái thiệp mà ko nói?

- Ơ, nhận được rồi à, tưởng phải 2-3 tuần mới nhận được cơ. Nhận rồi hả, sao sao?

- Bất ngờ chứ sao, đáng yêu quá.

- Uh, mà chữ xấu, viết nắn nót mãi.

- Oài, chữ đẹp hơn chữ người ta.

Rồi sau đó, mọi người nghĩ hai đứa mình là một đôi, nhưng đôi khi mình không cảm nhận được tình cảm trong mình nó ở mức yêu, hoặc như trên nói, mình không đủ yêu để làm cho mọi thứ đi xa hơn. Hoặc có gì đó trong mình ngăn cản đến với người khác.

Một thời gian nữa trôi qua, vozradio cũng có những bước phát triển nhất định từ việc chỉ 3-4 người nghe đồng thời một lúc bây giờ đã lên tới con số hàng chục, vài chục và có những lúc lên tới hàng trăm.Rồi hai đứa tuyển thêm người, chủ động làm nội dung, phác thảo và lên kế hoạch. Tồ cũng là người giúp mình rất nhiều trong vụ thi Miss vOz, cố vấn rất là nhiều thứ khi mà hầu như một mình mình lên từ ý tưởng cho đến đề thi cho các thí sinh.

Khi bắt đầu tuyển thêm người để làm nội dung và quản lý việc phát nhạc, mình với Tồ cũng bận hơn và ít nói chuyện với nhau, mình thì quay lại việc kinh doanh và buôn bán, với việc phát triển vozradio, còn nó thì làm thêm và học nốt chương trình ở bên đó. Tất nhiên là cũng không đến mức mất liên lạc hẳn, mà cả hai vẫn liên lạc với nhau, thăm hỏi và động viên nhau hàng ngày, nhưng vì nhiều lý do nên không còn dành nhiều thời gian cho nhau nữa.

vozRadio từ việc chỉ có 1 nội dung duy nhất là phát nhạc, sau khi tuyển thêm người, cộng tác viên và các giọng đọc thì đã một phần nào đó tự bước đi và làm được những chương trình đông người nghe và hưởng ứng. “Later show” - Chương trình về đọc truyện tình cảm ướt át, hay chương trình dọa ma “VRO Hidden show”, rồi “gạch yêu thương”, “gạch cho bạn” v..vv. Nhìn thấy những gì nó phát triển như thế, mình cũng vui, mặc dù đứa con tinh thần đứng nhìn bố mẹ nó không đến được với nhau có thể nó sẽ buồn, nhưng cái kết ở đây thì không buồn một chút nào.

- Mình.

- Sao thế?

- Mới quen một đứa, thấy cũng ổn lắm.

- Ngon, ở bên đó luôn hả.

- Uh. ở đây luôn, mà cũng học như người ta ấy.

- Vậy ổn rồi, cô Tồ nhà tôi đã có người yêu, không phải thầm thương trộm nhớ tôi nữa.

- Mình vẫn là người có ảnh hưởng tới tớ nhiều nhất đấy. Hehe.

- Thật chứ?

- Thật.

Thời gian sau, chứng kiến tình yêu của hai đứa nó nảy nở, cũng thấy vui, mỗi khi nhìn thấy nó cười bên cạnh bạn trai cũng thấy mọi thứ thật là tuyệt vời. Hạnh phúc không phải là những điều gì đó xa sỉ, mà chính là nụ cười của những người mà ta yêu mến. Những người mà ta quan tâm theo dõi và có ảnh hưởng tới bản thân trong một khoảng thời gian nhất định.

- Mình.

- Ơi,

- Sắp cưới rồi.

- Có làm ở VN ko? ăn cơm trước kẻng hả?

- Có làm ở VN, chưa ăn cơm đâu.

- Vãi, giờ còn con gái ngoan như vậy sao Tồ.

- Đúng rồi, giờ kiếm một người như người ta khó lắm, tiếc chưa.

- Tiếc thật.

Rồi đám cưới cũng diễn ra, sau đám cưới chúng nó qua lại Pháp tiếp tục học và công tác. Thời gian gần đây mình gặp một vài chuyện không mong muốn nên cũng ít nói chuyện với vợ chồng nó. Nhưng thi thoảng vẫn thấy nó trên FB, nắm tay nhau hạnh phúc thì mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Nhiều lúc nhớ lại chỉ mỉm cười là mình đã có một người bạn tốt, may mắn gặp một người đi qua cuộc đời mình nhẹ nhàng như vậy. Mỉm cười và thầm cảm ơn nó.

Kể sơ qua về đứa con của mình là vậy, ko biết bây giờ khi sắp sinh nhật lần thứ 3, nó thấy bố mẹ nó không ở cạnh nhau thì nó có buồn ko, nhưng bố mẹ nó vẫn hay nhìn về nó với cái ánh mắt tự hào. Mặc dù, giờ bố nó cũng để cho các cô các chú nuôi, nhưng đôi khi vẫn dỗ dành vỗ về để cho cháu nó có thể cống hiến tốt hơn cho đời, cho một cộng đồng mà bố nó đã bước ra từ đó.

Sau này, mình có thêm vài dự án online nữa nhưng một mình làm thì không được thành công cho lắm. Có thể coi là thất bại. Chính những thất bại đó cho mình thêm chút kinh nghiệm, thêm chút bài học để tiếp tục vững tin làm những cái gì đó lớn hơn trong cuộc sống. Anh em cũng đừng sợ thất bại mà ko làm, nếu chúng ta cứ sợ mình ko làm được cái nọ làm được cái kia thì rất khó để tiến xa hơn. Nếu như mình sợ chết, sợ ngã, hay sợ bản thân bị làm sao thì có lẽ giờ đã ko ngồi đây viết những cái này lên cho anh em đọc rồi. Con người mà anh em, phải có chí tiến thủ, đừng ngồi sợ hãi, vì khi trong lúc ta sợ hãi mọi người đã làm xong hết mọi thứ rồi. Thế giới đang chuyển động từng ngày, vậy tại sao chúng ta phải sợ hãi?

Chap 17a. Thanh Hóa

Mong muốn của mình là đi thật nhiều, nhưng có lẽ thời gian ở HN hơi xô bồ nên mình bị cuốn vào cái vòng của cuộc đời là kiếm tiền. Số tiền kiếm ra chỉ đủ ăn và trả tiền nhà. Có lần ngồi nói chuyện với anh Ngọc.

- Em chuẩn bị đi Thanh Hóa.

- Đi làm gì?

- Đi cho biết thôi anh.

- Có người quen ở đó ko Vếu?

- Ko anh, chắc em đi 1 mình.

- Mày đi 1 mình sao được, hay để anh thu xếp đi cùng, a cũng đang muốn đi đâu đó.

- Em đi 1 mình đc mà, chả phải em đang sống 1 mình xa nhà sao?

- Sống nó khác với đi chứ.

Thế rồi khoảng 2 tuần sau, vẫn đi 1 mình vì anh Ngọc bận việc. Do khó khăn về tài chính, cho nên mình chọn phương án là làm việc và kiếm tiền sau đó đi tiếp chứ không đi một lúc liên tục được, đây cũng chính là cái khó và mất thời gian nhất của hành trình chinh phục những giấc mơ của bản thân.

Thanh Hóa. Từ HN - Thanh Hóa cũng bằng khoảng cách từ HN đến nhà mình ở HP cỡ 150km. Di chuyển mất khoảng 3h đồng hồ xe chạy. Chuyến đi này vỏn vẹn mình chỉ có khoảng 800k cho tổng hành trình vì vừa nhận được tiền dịch bài cho mấy báo làm cộng tác. Các chuyến đi mình hay tối giản nhất tất cả mọi thứ để mang vác nhẹ nhàng, quần áo thì chỉ 3 bộ là đủ dùng, còn lại những vật dụng đơn giản nhất như: Điện thoại pin trâu bò, pin dự phòng, thẻ atm để hết tiền thì còn gọi cứu trợ nhờ vả bạn bè được, một chiếc điện thoại khác có chức năng bản đồ, máy ảnh cá nhân, máy nghe nhạc… Tất cả những thứ cồng kềnh và nặng mình đều bỏ lại. Với một người bình thường đi lại đã phải tính toán sao cho đủ nhẹ nhất có thể nữa là đối với một người ngồi xe lăn như mình. Phải nhẹ nhàng nhất như không có gì đi lại cho dễ dàng.

Trên những hành trình của bản thân, ngoài việc sử dụng nhạc để thời gian trôi qua nhanh hơn mình còn hay để ý người bên cạnh nói gì. Có thể là do thói quen, hoặc cũng có thể là tọc mạch hay chỉ đơn giản là xem những người ở nơi mình sắp đến nó như thế nào. Có rất là nhiều chuyện anh em có thể bắt gặp, và cái hay nếu đi dọc chiều dài đất nước thì đơn giản sẽ nhận ra ngữ âm của từng vùng nó thay đổi dần như thế nào. Từ việc HN nói nhẹ nhàng (như người ta vẫn nói) sau đó vào dần đến miền Trung là nói nặng nặng.. kiểu thế, khó diễn tả thành lời nhưng cảm giác đó rất là hay, mới lạ nữa.

Ngồi trên xe tất nhiên là có những khoảng lặng khi mà cả xe chỉ tập trung vào xem phim được chiếu trên màn hình LCD đặt ở đầu xe, với mình thì nhìn tập trung lâu vào một điểm bất kì trên xe là điều ko bao giờ làm được, cũng như ngồi trên xe mà nhắn tin hay đọc báo là sẽ buồn nôn ngay, còn lại thì thoải mái. Thế nên hay ngồi ngắm đường, ngủ hoặc chỉ đơn giản là mở nhạc lên nghe. Mình hay đặt dấu ấn cho bản thân bằng những thứ như thế, kiểu như đi đến đoạn này là bài này, đi đến đoạn kia là bài kia, và dần thành một thói quen khi đến lúc ngồi lại, nghe lại những bài hát cũ thì cảm xúc lại ùa về như sóng biển vỗ cái uỳnh 1 nhát vào người rồi ngã lăn ra đất giãy đành đạch với những cảm xúc đó..

Sau khoảng 3h ngồi trên xe thì mình cũng đến Thanh Hóa. Được sự giúp đỡ của anh phụ xe thì mình yên vị trên xe lăn sau khi em nó nằm 3 tiếng trong cốp đầu bụi bặm.

- Xe ôm ko?

- Dạ ko.

- Taxi ko?

- Dạ ko.

Đó là những câu chào phổ biến nhất anh em có thể thấy ở bất cứ bến xe nào, nắng nóng và bụi bặm cộng với những cái lắc đầu liên tục cũng làm cho con người ta mệt mỏi hơn một chút. Thành phố Thanh Hóa, không có gì đặc biệt hoặc nhiều cái ấn tượng lắm với mình, ngồi quán nước ở bến xe và hỏi chuyện linh tinh vài thứ.

- Mấy giờ có xe đi Tĩnh Gia cô.

- Đến chỗ nào Tĩnh Gia.

- Dạ, Hải Hòa.

- Từ đâu tới?

- HN ạ.

- Hà Nội sao ko bắt xe về Tĩnh Gia luôn, đỡ phải xuống ở đây.

- À, tại bạn cháu nó mới có việc bận nên ko ở lại Tp được, nên cháu đi luôn. - mình nói và cười trừ chả nhẽ lại bảo ở TP ko có gì nên đi luôn.

- Vậy chờ tí tầm 1h có xe chạy, cái này chắc nhảy xe đi Nghệ An đấy, nó có dừng ở Tĩnh Gia, từ đó vào Hải Hòa thì xe ôm.

- Có taxi hay gì ko cô?

- Có, nhưng taxi đắt.

- Vâng, cháu cảm ơn.

Trả tiền nước và ngồi đợi xe, lúc đó khoảng 12h trưa, tức là còn phải đợi 1 tiếng nữa mới có xe.

- Đến Hải Hòa làm gì thế?

- Dạ đi chơi.

- Lần đầu hay là sao?

- Lần đầu ạ.

- Mà sao ko có ai đi cùng, một thân một mình xe lăn ba lô như thế này, nhỡ làm sao thì sao?

- Dạ ko sao, cháu đi cũng quen rồi mà.

- Đi cẩn thận chút.

Đoạn đối thoại tiếp theo với cô bán nước, mình không phải là người hay nói, và cũng ko hay nói khi cảm giác ko cần thiết nên đôi khi thấy nói chuyện với người khác là rất khó. Sau này, phải đi rất nhiều mới sửa được cái tính đó, mới năng động mà nói nhiều được, vì đôi khi nếu cứ im im mà ko dám hỏi thì bạn đã mất đi một mối quan hệ, hay một chút kinh nghiệm nào đó rồi. Đi nhiều mới cho mình biết được rằng ko biết cái gì phải hỏi ngay lập tức, hỏi bất cứ ai có thể hỏi được, có rất nhiều kiến thức mà ta không bao giờ google được.

Chap 17b. Thanh Hóa

Chap 17a: 

https://www.facebook.com/khongthevo/...95141187260689

Chờ thêm một tẹo thì xe đi Nghệ An tới, mình lên xe. Ngồi khoảng 1 tiếng thì đến thị trấn Tĩnh Gia. Phải xuống giữa đường vì đơn giản là xe này đi qua Tĩnh Gia thôi, lúc ngồi trên xe mình còn định đi Nghệ An luôn, nhưng thấy tình hình tiền nong có thể ko ổn nên thôi. Đặt chân xuống đất thì việc đầu tiên mình làm tìm đường đi ra biển, lúc đó cũng ko hiểu sao nữa, chắc đơn giản là nó hoang vu, và mát..

Đường ra biển cách thị trấn Tĩnh Gia tầm 4km, để tiết kiệm tiền thì mình chọn giải pháp là đi bộ đến bãi biển cách thị trấn khoảng 4km. Đường đến bãi biển cũng bằng phẳng, nhưng có những đoạn toàn đá hộc do mới làm nên đi hơi khó khăn, gần 1 tiếng sau thì mình đến được gần biển. Lượn lờ đường ra biển, gần đấy cũng có mấy cái khách sạn, nhưng ra biển đã, tí về tính sau. Đi một mình, nhất là đi kiểu như mình thì chuyện đầu tiên và tốn tiền nhất có lẽ là tiền khách sạn hoặc nhà nghỉ, nó ko giống như một số các bạn đi phượt, bản thân mình ko bao giờ nhận mình là đi phượt hay một cái gì đó kiểu như “du lịch bụi” mặc dù bản chất nó chính là “du lịch bụi”. Cái mình luôn nghĩ, chỉ là đi, đi để thoải mái, đi để đặt chân lên những chỗ mình chưa biết, những vùng đất mình chưa đến, những nơi mà bản thân mong muốn được đi. Đường ra biển hồi đó chỉ có đá dăm, chứ chưa trải nhựa, ko biết dạo này như thế nào nhưng hồi đó là vậy.

Biển Hải Hòa lúc đó còn hoang sơ, không phải hoang sơ về mặt địa lý mà hoang sơ về mặt du lịch, có lẽ bây giờ qua lại đã khác. Nó khác hẳn với Sầm Sơn hay Đồ Sơn ở Hải Phòng, nó có một kiểu gì đó giống cái cửa sông Văn Úc ở quê mình. Nhẹ nhàng và đơn giản, nhưng đẹp hơn biển Hải Phòng nhiều. Hình như càng đi về phía nam thì biển càng đẹp hơn, đánh giá của mình là vậy. Và chắc chắn điều đó là sự thật.

- Cho cháu lon sting với. - mình vào một chòi ngồi nghỉ

Ngồi nghỉ với cái mặn mòi của gió biển, lim dim mắt thì có người đi tới.

- Lạc ko cháu? - một người đàn ông da đen bóng vì rám nắng đi tới hỏi.

- Bán như thế nào ạ.

- 5.000đ một ống này. - cái ống đó mình thấy nó phải bằng ½ hộp sữa anlene 800g. Nhiều phết.

- Cho cháu 1 ống đi.

Người đàn ông da rám nắng vừa xúc lạc vừa hỏi mình.

- Cậu đi với ai à?

- Cháu đi 1 mình.

- Đến chơi hay ở nhà bà con. - người đàn ông da rám nắng vẫn hỏi

- Dạ đến chơi. Nhà nghỉ ở đây giá cả như thế nào hả bác? Cháu mới tới nên cũng chẳng biết nó như thế nào.

- Bình thường thì 250k/ngày.

- Vậy cơ ạ.

- Cậu đi một mình thế này ở cũng hơi phí, mà sao ko rủ bạn đi cùng.

- Cháu đi một mình quen rồi. Bác có biết chỗ nào ở rẻ hơn ko?

- Có, nhưng ko đủ điều kiện như trong nhà nghỉ đâu nhé.

- Dạ, cháu có chỗ ngủ với lại tắm rửa là tốt rồi, đâu cần gì hơn.

- Nhà tôi.

- Nhà bác ạ, nhà bác cũng làm dịch vụ này ạ.

- Thường là ko, nhưng khi có người hỏi thì tôi mới chỉ thôi.

- Giá cả như thế nào bác?

- 80k/ngày với 1 bữa trưa cùng gia đình, bữa tối thì thêm 20k.

- Vậy là 100k. Vâng, cháu đồng ý, nhà bác xa đây ko?

- Cách biển hơn 1km, cậu đi ngược lại cái đường này, sau đó hỏi nhà bác Nam, người ta chỉ cho.

- Dạ vâng, bác cho cháu số điện thoại lát nữa cháu về cháu gọi.

Một thằng không có một chút kiến thức nào về du lịch sau này mới biết đó chính là hình thức ở homestay mà các bạn hay dùng, đến bây giờ mình mới được trải nghiệm và sử dụng. Cũng hơi sợ vì nếu nhảy vào đó gặp đúng cướp hay họ làm gì mình thì sao. Nhưng kệ, đâm lao rồi theo lao thôi, với hơn 600k còn trong tay thì tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Ngồi lại một lúc nhìn những ánh dương cuối cùng sắp tắt. Hoàng hôn, luôn là điều gì đó mình sợ sệt, ko hẳn là sợ nhưng đôi khi có cảm giác gì đó bất an, nó tranh tối tranh sáng, nhiều lúc nó giống như những giấc mơ, những cơn ác mộng mình có.

Ngôi nhà cấp 4 bình thường như những ngôi nhà của các hộ dân vùng biển khác, nó có một hàng rào sắt ở ngoài, bên trong là một vườn rau trồng mấy luống rau theo thời vụ. Mình đi vào, thì thấy nhà chỉ 2 vợ chồng bác Nam. Vợ bác dẫn vào nhà và chỉ chỗ nghỉ ngơi cho mình. Bác gái là một người phụ nữ có thân hình hơi mập mạp, phúc hậu, đối ngược hẳn với bác trai trông khắc khổ và nghiêm khắc. Chỗ mình nằm trong buồng, khá ổn, một chỗ đặt lưng như vậy thì quá là tuyệt vời rồi. Có quạt, có điện, 3g thì luôn cầm theo nên ko lo mất mạng. Thế là có chỗ ăn, chỗ ở trong vài ngày tới.

Nghĩ đến việc sẽ làm gì tiếp theo, chả nhẽ cứ đến đây, đi ra biển rồi lại về? 600k này chắc chỉ đủ tiêu khoảng 4 ngày, còn phải để dành tiền xe về HN nữa. Ko có tiền, đi chơi thực sự là rất khó khăn như thế, phải bỏ qua tất cả những thứ gọi là quà cáp, đồ lưu niệm hay những thứ xa xỉ một chút, một ngày theo chỉ tiêu của mình là tiêu 150k. Nhưng giờ 100k tiền nhà, còn 50k tiền đi lại và ăn linh tinh thì có lẽ chấp nhận được. Khi con người ta ít tiền, tự dưng lại vô tình trở thành những người tính toán. Nhưng thôi, nếu tiêu hết cùng lắm thì lại nhờ mọi người, mình có ở nước ngoài đâu mà sợ chết đói. Cùng lắm là lăn xe đi ăn xin hay khỏa thân kiếm tiền thôi.

Đang suy nghĩ mông lung với chuyện tiền nong thì bác gái gọi ra ăn tối.

- Rượu chứ? - bác trai hỏi và lôi ra chai rượu trắng.

- Dạ, cháu uống 1 chén thôi nhé. - vừa nói xong bác Nam đã rót cho mình chén rượu, mà mình nghĩ đây là cái cốc thì đúng hơn.

Bữa cơm người vùng biển thực sự là rất tươi ngon, một nồi cá kho với canh riêu cá, ngoài cá thì còn có tôm luộc nữa. Loáng cái mình đã chén xong 3 bát với một tốc độ ko thể nhanh hơn vậy. Mình xong trước, hai bác vẫn còn ăn và hỏi chuyện mình.

- Cháu bị sao mà ngồi xe lăn, bác thấy tay chân cũng bé, hình như bị teo hả?

- Cháu bị xương thủy tinh.

- Xương thủy tinh à? chưa nghe bao giờ, bệnh này chắc lạ.

- Nó là một kiểu giòn xương ấy bác, va chạm mạnh là gãy tay hoặc gãy chân - mình từ tốn giải thích.

- Vậy mà cũng đi như thế này à?

- Vâng, cháu thích đi lắm, từ bé cháu ngồi 1 chỗ nhiều rồi, đến bây giờ lớn lên 1 chút cháu mới có động lực để đi, hai bác ở nhà 1 mình ạ.

- Bác có 2 đứa, thằng con trai thì vào nam làm. Còn đứa con gái đang học ngoài HN.

- Em gái học gì thế bác.

- Báo chí, thợ viết. Ko biết sau này có ra hồn ko nhưng nó thích thì cứ để nó học.

- Bình thường bác hay đi bán lạc lúc nào ạ?

- Rỗi thì bác đi, thường là chút chiều và tí buổi trưa. Còn lại thời gian sáng sớm với chiều muộn thì phải phụ bà ấy ngoài chợ cá - vừa nó người đàn ông có làn da rám nắng nhìn sang người vợ có chút phốp pháp của mình, nhìn và cười.

...

- Bác gái bán cá ạ. Bán sáng hay chiều bác?

- Thường là sáng, chiều cũng có nhưng không nhộn nhịp bằng thôi.

- Mà sao hôm nay hình như bác ko đi chợ chiều.

- Bác thấy ông ấy nói nhà có khách, nên về sớm chuẩn bị cơm.

- Mà sáng mai bác có đi ko?

- Có chứ, ngày nào chả đi.

- Vậy sáng mai cho cháu đi ra đấy với nhé.

- Đi được ko?

- Được chứ, cháu ra bán cá hộ bác luôn.

Bác gái và bác trai cười lớn, có vẻ như câu nói của mình làm cho cả nhà cười theo. Mình cũng cười, và cứ như thế, câu chuyện tiếp diễn đến lúc hai con người tần tảo kia ăn xong bữa cơm. Chén rượu cũng vì thế mà đã hết từ lúc nào.

Chap 17c: Thanh Hóa.

Chap 17b. 

https://www.facebook.com/khongthevo/...95967727178035

Chap 17a: 

https://www.facebook.com/khongthevo/...95141187260689

Ăn uống xong thì mình gọi điện về nhà và lượn lờ ra biển 1 tẹo, bác Nam nói đi cẩn thận, chỗ này ko có cướp gì đâu nhưng cứ đề phòng vẫn hơn vì mình ngồi xe lăn và dặn dò thêm là có ai hỏi thì bảo cháu bác Nam ngoài Hà Nội về chơi. Ko quên đưa cho mình cái ô nói là nếu mưa thì có cái mà che. Rồi lượn lờ 1 mình ra biển, khoảng 7h tối, biển tối thui, đen như mực. Xa xa thấy vài ánh đèn của tàu cá. Nói là tối thui, nhưng vẫn thấy được bờ biển vì bên trong cũng có ánh sáng lẻ tẻ của mấy quán ăn, nó ko sầm uất nhưng cũng có một vài khách du lịch. 

Để xuống gần với biển hơn 1 chút thì cái việc lăn xe qua bãi cát là việc mất sức nhất, thế nên là cố gắng lết từng tí 1 và ra xa xa 1 tẹo, tất nhiên là chưa tới mép nước, chỉ là ngồi gần đó, ngửa đầu ra phía sau và nhìn thẳng lên bầu trời đen kịt mà ko có sao kia, nhắm mắt lại. Cảm giác gió lùa vào từng sợi tóc hay lỗ chân lông tự dưng buốt lạnh. Cứ như thế mình ngủ thiếp đi một tí lúc nào ko biết. 

- Con cái nhà ai ra đây ngồi thế này? - giật mình tỉnh với câu hỏi. 

- Dạ, cháu là cháu bác Nam. 

- Ông Nam hay đi bán lạc luộc đó hả? - giọng nữ kia hỏi

- Vâng. - mình trả lời nhưng ko nhìn rõ mặt vì ngược sáng và ngoái đầu lại hơi khó khăn.

- Ông ấy đâu mà để ngồi 1 mình thế này. 

- Cháu ra 1 mình. 

- Muộn rồi đấy, về đi, biển đêm nguy hiểm lắm. 

Thế rồi sau câu đó, người phụ nữ đi mất một cách lạnh lùng và đầy bí ẩn. Cũng ko quan tâm đến nữa, mình ngồi một lúc rồi về. Biển đêm, sóng đêm có một cái gì đó đầy ma mị như những giai điệu mình đang nghe, nó cuốn hút và nhiều cảm xúc lạ lùng lắm. Ngồi hơn 10p nữa thì cũng nhổ neo, nhìn đồng hồ ở cái máy nghe nhạc thì đã gần 10h tối, các quán xá ở đây cũng bắt đầu đóng cửa, chỉ còn le lói 1 chỗ mở đèn với 1-2 người ngồi nhậu nhẹt gì đó. Mình lại lăn xe qua qua bãi cát và vào trong, lên được đường và về nhà bác Nam. 

Về đến nhà, cửa ko đóng, mình đi vào trong nhà thì thấy bác gái dậy đóng cửa, nói mình đi ngủ sớm. Đến lúc này mới thấy hơi đau bụng, giật mình thì ra sáng giờ mình còn chưa đi wc nữa. Do chân mình yếu, không đứng được lên như bình thường nên khi mình đến bất cứ đâu, nghỉ bất cứ chỗ nào thì việc đầu tiên mình quan tâm là nhà vệ sinh có bệ bệt để ngồi không, chứ nếu bệ ngồi xổm thì mình chịu chết. Lúc chiều quên check khoản này, và đôi khi mình cũng phải trả tiền nhà nghỉ cũng chỉ vì chuyện “đưa nỗi buồn vào nơi hoang vắng” như vậy. Hỏi bác gái nhà vệ sinh, mình đi ra thì giật mình. Ở đây người ta vẫn ngồi bệ xổm, và điều gì tới cũng đã tới, như vậy thì mình ko thể ngồi được lúc đó trời tối, ngoài wc thì điện lập lòe của cái bóng 20w ko đủ để soi rõ xem bên trong nó có gì. Mình cũng không phải là thằng công tử quá, nhưng ngay lúc này thì thực sự ko dám đi vào, vì nhỡ may tối tăm như thế này trượt chân 1 cái thì ko biết hậu quả sẽ như thế nào. Vậy là ôm cái bụng ọc ạch đi tắm.

Sau thì đi tắm rồi vào nhà đi ngủ. Giường lạ, chiếu lạ ko bao giờ làm mình mất ngủ cả, chỉ là lúc này chưa đến giờ ngủ, lại lọ mọ lấy điện thoại và cuốn sổ nhỏ nhỏ ra ghi lại những gì đã làm ngày hôm nay, tổng kết lại xem còn bao nhiêu tiền. Xong rồi thì nằm đọc truyện để cơn buồn ngủ đến dễ dàng hơn. Thời tiết gần biển dễ chịu nhưng mang nhiều muối, làm da có cảm giác có 1 lớp gì đó phủ lên, hay bị dầu và khó chịu, thế nên dù có quạt hay ko thì cũng có cảm giác rít rít ở tay hay chân. Nằm nghĩ ngẩn ngơ vu vơ một chút thì anh Ngọc gọi điện. 

- Ngủ chưa? đang đâu đấy?

- Hải Hòa anh. 

- Sao lại ra đấy, anh tưởng trong thành phố mà. 

- Trong tp chán òm, em đi 1 vòng mà chả gì hay cả. 

- Uh, thế ăn ngủ đâu?

- Ở nhờ nhà dân anh, 80k/ngày, bao bữa trưa, tối nữa thì thêm 20k. 

- Vệ sinh sao?

- Hơi khó chút, e đang đau bụng, chắc để mai trời sáng rồi ra xem thế nào. 

- Uh. Lịch trình mai thế nào?

- Chắc sáng mai dậy sớm ra bán cá với bà bác này, sau đó trưa em lượn lờ linh tinh tí rồi về ăn uống, chiều thì chưa biết. 

- Uh rồi, nghỉ ngơi đi sáng mai dậy sớm. Anh vừa về, mệt quá. 

- Rồi, em nằm tí rồi ngủ luôn, có gì em nhắn.

Sau cuộc điện thoại, đọc vài trang truyện rồi thiếp đi ngủ lúc nào ko biết, có thể nói ngày hôm nay là một ngày mệt mỏi. Mọi thứ mới lạ đang nằm phía trước, những thứ mình chưa bao giờ làm những thứ chưa bao giờ thử sức với nó đang đợi ở lúc bình minh. Rồi cứ thế, những suy nghĩ đó đưa mình vào giấc ngủ lúc nào ko hay… 

Sáng hôm sau, lúc trời bắt đầu vừa rạng sáng thì mình ra ngó cái wc đầu tiên, cũng ko đến nỗi bẩn lắm nhưng chỉ hơi khó vào. Suy nghĩ một lúc thật là lâu thì cái khó ló cái khôn, nhưng phải chịu bẩn một chút. Chân mình không đứng được, nhưng quỳ đầu gối thì ổn, vậy là xắn quần quỳ xuống nhà vs và giải quyết, tất nhiên là sẽ ko được bình thường như mọi người nhưng cuối cùng cũng ổn thỏa. Khó khăn rồi cũng qua. Điều này chắc chắn là cả đời mình sẽ ko quên được vì trước giờ chưa bao giờ làm như thế. Sau khi đi wc thì tắm rửa nhát nữa vì cái nền wc hơi bẩn và đêm qua ngủ gió biển mang hơi muối vào da làm cho da bắt đầu thấy khó chịu. 

Vào nhà thì bác gái và bác trai đã chuẩn bị đi chợ sáng:

- Thế nào? có đi theo bác ko? - bác gái vừa nói vừa cười.

- Có chứ bác. Để cháu dọn đồ đã.

Nói rồi mình dọn đồ và đi cùng hai bác, nói là dọn đồ nhưng cũng chỉ gom mấy thứ linh tinh quý giá như tiền bạc và điện thoại máy ảnh mang theo, còn những thứ như quần áo và vài đồ lặt vặt thì để ở nhà. Trong lúc đi có trò chuyện một lúc, hai bác nói để giúp đẩy đi cho nhanh nhưng mình nói thôi, hai bác cứ đi trước mình theo sau. Việc này đơn giản hơn leo núi ở Thái Nguyên hay Hà Giang nhiều nên đi thoải mái. Ra đến biển, có một vấn đề với mình đó là cát. Anh em chạy xe máy ngoài biển hoặc đơn giản hơn là xe đạp sẽ biết đi lại khó khăn như thế nào, xe 2 bánh còn đỡ, đây mình có cả 4 bánh. Nên hơi khó di chuyển một chút. Đến nơi thì bắt đầu thấy sầm uất lắm rồi. 

Chợ cá ở biển, mình lần đầu tiên được tham gia như vậy. Họ bán gì? tất nhiên là cá, và hải sản, có mực, có tôm, có cua.. nhưng nổi bật vẫn là cá và mực. Cả chợ cá, ai ai cũng nhìn mình bằng cái ánh mắt ngạc nhiên, nhiều đứa trẻ con thì chạy lại và đẩy hộ, có đứa thì thấy mới lạ nên chạy theo và chỉ trỏ “ê chúng mày ơi ngồi xe lăn này” đại loại thế. Đúng là rõ ràng bạn khác biệt bạn sẽ là tâm điểm của sự chú ý, ko cần biết khác biệt đó như thế nào, tốt hay xấu, thế nên việc mình ra chợ bán cá cùng bác gái thì xôn xao cả khu chợ luôn. 

- Thường cá này bán thế nào bác?

- Cân ký lên rồi bán thôi. Do chợ này là chợ nhỏ, chủ yếu để cho dân trong vùng mua bán để về ăn nên cũng ít loại, ví dụ như loại cá này gọi là cá nục thì bán là 40k/kg, còn cá này là cá thu, thi thoảng mới về chợ thì đắt hơn khoảng 120k/kg. 

Và cứ thế, bác gái chỉ cho mình các loại cá và giá tiền từng loại, ngoài ra còn có mực ống, mực cơm nữa. Phân biệt cũng dễ, mỗi con có một đặc điểm riêng nên ko khó khăn lắm trong việc phân loại. Ngồi 1 lúc thì bác gái nói chạy đi mua đồ ăn để tí về nhà làm bữa trưa, mình ngạc nhiên hỏi “Sao ko lấy đồ đây về ăn mà phải đi mua?” bác gái trả lời là “Có để ra nhưng bác chạy đi lấy thêm ít tôm và cua, rau cỏ nữa. Mà bán 1 mình bán được ko?” “Cháu bán được mà, bác yên tâm đi đi” Vậy là bác gái đi chợ trong xóm, còn mình ngồi lại với đống cá, nhìn tổng quan thì ko nhiều, có lẽ chủ yếu là cá và mực nên thấy ít. Đến lúc mình ngồi nhìn thì thấy cũng nhiều phết, mấy người bên cạnh cũng ko nhiều đến vậy.

- Cháu ông Nam hả, ở đâu về chơi thế?

- Hà Nội ạ. 

- À, trai thủ đô biết bán cá ko?

- Cháu ở HN thôi, chứ ko phải trai thủ đô. - mình vừa nói vừa cười. - Cô mua cá đi. 

- Này bao nhiêu? - cô đó vừa nói vừa chỉ vào mấy con cá thu. 

- 120k/kg

- Vậy cân cho nửa cân đi. 

Bỏ mẹ, nãy mới được dặn là 1 kg, giờ nửa cân thì phải cắt ra à. Mình đâu biết cắt đâu. Vậy là rồi ngồi kiếm mấy con bé hơn. Vừa kiếm vừa cho vào cân thử, con thì 8 lạng, con thì hơn 1 cân, loay hoay 1 lúc thì có con 7 lạng. Quay lên cười trừ và nói:

- Có 1 con 7 lạng thôi cháu cũng ko biết cắt làm sao cả. Hay cô lấy cả đi, đằng nào về cũng ăn, ăn hôm nay ko hết thì để mai hoặc nấu riêu này, rồi rim nữa, vậy là hết luôn. - vừa nói vừa cười, cũng may mà bà chị hay nấu mấy cái món này mình còn nhớ.

- Trai thành phố dẻo mồm thế, được rồi, cân cả cho cô đi, mà bà Nam đâu ko thấy ở đây. 

- Dạ bác ấy chạy đi mua mấy bó rau rồi ạ. - mình vừa nói vừa đưa con cá cho cô ấy. 

Vậy là bán được gần 100. cũng thú vị phết, trong lúc cái cô mua cá thu đứng ở đó thì có một vài người cũng đứng lại và mua thêm những thứ khác. Như những lần trước mình có kể ko biết là có khiếu buôn bán hay mồm mép có vấn đề mà bán hàng tốt phết, hoặc có thể mình lạ nên người ta đến xem và mua, kệ, bán được là tốt rồi. Có thêm nghề bán cá, nay mai về già mà ko có gì làm chắc về quê lấy cá về bán cũng ổn. 

Chợ vãn dần nhưng vẫn còn một ít, lúc đó cũng khoảng 9h sáng mới thấy bác gái lọc cọc chạy chiếc xe đạp đến hỏi han.

- Bán hết rồi à? 

- Còn một ít này bác. 

- Ờ, để đấy bác mang vào kia gửi, cháu có về trước thì về đi.

Vậy là mình về, người toàn mùi cá nên nhảy vào tắm nhát rồi lại lòng vòng ra biển ngồi. Biển tầm này thấy mấy người xuống tắm, lúc đó mình ko biết bơi và cũng chả dám nghĩ là sẽ mò ra biển tắm làm gì cả. Nhưng mà ma xui quỷ khiến thế nào lại lọ mọ ra biển 1 mình. 

Như mình đã kể ở trên, chân mình ko đứng được bình thường nhưng nếu để quỳ thì mình quỳ được. Và cứ thế mình mon men ra biển, ko dám ra xa nên mình ngồi gần bờ, xâm xấp nước, từ từ rồi ra dần cho đến khi nước lên đến thắt lưng. Đây cũng là lần đầu tiên, chính xác là lần đầu tiên mình tắm biển, những lần bé trước kia đi biển cũng chỉ ngồi trên bờ xây lâu đài cát cho lãng mạn.. chứ ko dám xuống mặc dù có mẹ và mọi người nói. Cũng như nói ở trên, chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà hôm đó liều thật, phi ra biển 1 mình và ra đến chỗ nước lên đến thắt lưng (tất nhiên là mình vẫn quỳ chứ chưa đứng được). 

Phải khó khăn lắm mới trụ đc với từng đợt sóng, và trong lúc sơ xuất, mình bị sóng đánh ngã, nằm vật ra và sặc nước… Cảm giác nước tràn vào phổi nó kiểu khé hết cả cổ, ko khí ko có và mọi thứ như sắp mất dần, mình chỉ kịp vẫy vẫy vài cái rồi chìm nghỉm. Trong lúc hoảng loạn thì nhìn thấy 1 đôi chân nào đó chạy đến gần, và nâng mình lên khỏi mặt nước. Kéo mình lên bờ, cho nằm ngửa và vỗ vào lưng, bao nhiêu nước trong cổ họng trào ra khỏi mũi và miệng. Định hình lại thì thấy người cứu mình là một đứa con gái. Mình ko nói được gì cả, chỉ ho và ho.. 

- Anh liều thật, sóng lớn như thế này, người lại ko bình thường mà dám ra biển 1 mình?

- Uhm.. - mình ko trả lời đc chỉ nói đc mỗi câu và ho sặc sụa.

- Anh cháu bác Nam đúng ko?

Mình gật đầu. Mắt đỏ sọng và nhìn mọi thứ mờ mờ, với tay xuống túi lấy cái kính đeo vào thì mới nhìn rõ cái đứa cứu mình. Một đứa con gái da ngăm ngăm đen, khuôn mặt bầu bĩnh và có vẻ hơi dữ dằn. 

- Có cần em gọi bác Nam ko?

- Ko cần đâu, mình ổn rồi. Mà sao biết mình cháu bác Nam?

- Sáng anh bán cá, cả cái chợ này ai chả biết, chắc tí nữa là cả cái xóm này biết luôn ấy chứ. 

- Cảm ơn bạn nhé. Đúng là liều thật, hehe. 

- Anh ổn rồi đúng ko? Vậy thôi nhé. Chào anh. 

- Ơ, mình cảm ơn nhé, mình chưa biết tên bạn, mình là Ngọc Anh. 

- Em là Phương, em còn bé nên chắc kém tuổi anh, anh cứ xưng anh đi. 

- uh, cảm ơn Phương nhiều nhé, nếu hôm nay không có Phương...

Chưa kịp nói hết câu ngẩng mặt lên nó chạy đi mất. Quay lại thì cái xe lăn ngay đằng sau. Ngồi một lúc cho hoàn hồn và khô người rồi trèo lên xe về nhà. Sau này có nhiều dịp mình đi biển, nhưng với một người khác và chính người đó đã dạy mình nhiều thứ, mình học được rất nhiều về việc đương đầu với biển, từ việc nhảy sóng như thế nào, buông người để sóng nó ko đánh vào như thế nào, và điều đặc biệt nhất là ở dưới nước, mình có thể bước đi được. Cảm giác bước đi mặc dù nó ko trọn vẹn nhưng cũng đủ để mình hạnh phúc tột đỉnh khi mà sau rất nhiều năm không được bước trên đôi chân của bản thân theo đúng nghĩa đen. Rồi còn học được bơi nữa. Những thứ đó chắc chắn là sẽ ko bao giờ quên đến hết cuộc đời này

Chap 17d: Thanh Hóa

Chap 17c: https://www.facebook.com/khongthevo/...96403000467841

Sau việc suýt chết đó thì cái máy ảnh của mình cũng ra đi luôn, bao nhiêu ảnh chụp mấy hôm nay đã ko cánh mà bay, (còn giữ lại được cái thẻ nhớ nhưng sau này về HN cắm vào thì ko nhận) mình kiếm cái điện thoại gọi về nhà, tất nhiên là ko dám thông báo cho bố mẹ rồi, nên chỉ thông báo cho đứa em gái. Cũng có nghe nó nói này nói lọ một chút nhưng việc đầu tiên nếu anh em thoát khỏi nguy hiểm, nếu được hãy thông báo cho người thân. Hoàn hồn rồi mới lọc cọc về nhà.

Về tới nơi bác gái đã đứng ở nhà và hỏi:

- Khi nãy bị sao thế?

- Sao là sao ạ.

- Lúc một mình cháu ngoài biển đó

- À, cháu trượt chân ko trụ đc nên uống tí nước ấy mà. - mà sao bác biết?

- Uống tí nước hay suýt chết, con bé Phương nó mới chạy sang kể rồi.

Mình cười và ko trả lời, đi ra phía sau nhà tắm qua rồi vào nhà ngồi check mail xem công việc như thế nào. Mình vẫn có thói quen check mail trên điện thoại để xem tình hình mấy cái web đang làm có lỗi gì, và xem có jobs mới nào nào không, đôi khi nó thành thói quen, kiểu như thức dậy là xem có gì không ổn để còn lọ mọ sửa lỗi hoặc có job ngon thì bid và nhảy vào làm, nhiều lúc bận quá thì lại đẩy cho đứa bạn làm. Dần nó tạo nên một cái tính cố hữu là không rời được internet quá 1 ngày. Nhưng để đi như mình, thì phải đánh đổi thôi, bỏ tất cả những thứ đó lại ở nhà, và quên hết, cũng là lý do sau này khi đi đâu, mình cố gắng chỉ mang theo một chiếc điện thoại để liên lạc, và một chiếc điện thoại đủ để xem bản đồ.

Check mail 1 lúc thì mình ngủ thiếp đi lúc nào, lúc tỉnh dậy thì bác gái đã chuẩn bị xong cơm, mình ra ăn cùng. Hai bác có hỏi chiều làm gì đi đâu, mình cũng nói là chưa biết làm gì cả, vì đến đây lần đầu cũng ko biết đi đâu. Đi ra biển rồi về thì hơi phí mấy ngày ở đây, bác trai gợi ý là nên vào thị trấn xem như thế nào, hoặc ra Nghi Sơn. Mình hỏi đường đi Nghi Sơn thì bác nói là nên để mai đi, đi 1 ngày thì mới thích, chứ đi 1 lúc buổi chiều rồi về thì hơi cập rập. Mình vâng dạ, nhanh chóng ăn xong bữa trưa và vào tránh nóng. Cái nóng ở biển nó mang nhiều muối, làm cho người mệt hơn bình thường nhiều.

Khoảng 2h chiều nghỉ ngơi dậy thì mình ra ngoài, lọ mọ quay lại cái đường lúc mới vào Hải Hòa để đi về phía thị trấn Tĩnh Gia. Đi được một đoạn thì mình rẽ sang đường vào làng. Vạn chài nhỏ nhỏ, nhà cũng nhỏ làm mình cảm tưởng như đang ở quê mình khoảng 7-8 năm trước. Cũng có những ngôi nhà lá vách đất, cũng có những ngôi nhà mang dáng dấp của bắc bộ, có vài ngôi nhà cao tầng mang kiến trúc hiện đại, nhưng hầu như mình ko để ý lắm, cái mình thích và hay để ý khi đến bất cứ nơi nào đó là những ngôi nhà cũ cũ, hoặc mang kiến trúc cổ một chút, ko hiểu nữa nhưng đại loại nó làm cho mình yên bình.

Trong làng tầm này cũng ít người đi lại, nhưng vách tường bằng đá làm cho mình thấy gần giống như những ngôi làng tại Sapa hoặc Hà Giang. Nhà cũ, đường cũ, thấy những điều đó thật bình dị. Đi thêm một đoạn thì tự dưng có người đến vỗ vào vai và nói:

- Sao lại đi vào đây vậy?

Giọng nói hình như nghe ở đâu rồi. Mình quay lại và lờ mờ nhận ra đây là cái con bé ở ngoài biển.

- Phương hả, mình định vào thị trấn, cũng ko biết sao đi lạc vào đây nữa.

- Lúc đấy suýt chết mà còn nhớ em à.

- Uh, nhớ chứ, ân nhân mà.

- n nhân gì anh ơi, ai cũng cứu đc anh mà. - nó vừa nói vừa cười. - Mà anh đi 1 mình thôi à?

- Mình đi 1 mình thôi. Phương đi đâu đây?

- Nhà em ở kia kìa - nó vừa nói vừa chỉ về phía sau cách đó mấy căn - Em vừa đi học thêm về, về đến nhà thấy anh đi xa xa nên chạy ra xem có phải đi lạc ko.

- Chắc là lạc thật, lạc trong mấy cái bờ tường đá này, đẹp quá.

- Anh cũng thích nó à.

- Uh, a thích mấy cái như này lắm. Em đi học gì thế?

- Em học thêm toán.

- Em học lớp mấy rồi?

- Lớp 11 anh.

- Trong làng có chỗ này hay hay ko? em có rảnh ko dẫn anh đi chơi với.

- Có, đợi em chút em chạy về nhà rồi ra dẫn anh đi.

Nói rồi nó chạy về nhà làm gì đó, 1 lúc sau chạy ra và đi với mình, trên đường đi nó kể về nhà nó như thế nào, chuyện học hành, chuyện trường lớp, bạn bè thầy cô. Nó bảo thấy mình sáng nay ngồi ở ngoài biển từ lúc mình đi khỏi chỗ bán cá rồi. Lúc đó nó cũng có việc gần đó nên cũng để ý đến mình, đến khi mình đi xuống biển thì nó tưởng mình làm điều gì dại dột, rồi thấy mình chìm nghỉm nó mới chạy lại vớt.

- Anh liều thật, người như vậy rồi mà còn ra biển.

- Anh tưởng trụ được nhưng mà sóng mạnh quá.

- Sóng như sáng nay là bình thường mà.

- Em dẫn anh đi đâu vậy?

- Đi loanh quanh làng cho anh đỡ lạc thôi.

Ở đây, có vài cái ngõ là bậc thang, bậc lên từng nhà và vào sâu bên trong, cái đó thì mình chịu ko lên đc, chỉ đứng ở dưới và nhìn thôi. Phương nói những chỗ như vậy ngày xưa thì hay thôi chứ bây giờ hơi bất tiện, ngày xưa ở làng người ta còn nhiều những bậc thang như thế nhưng đến bây giờ hầu như họ đập đi để làm đường bằng vì còn xe máy xe đạp đi lại nữa. Những nhà nào hoài cổ, hoặc ko có xe máy thì mới để như vậy. Mình thấy cũng đúng, để giữ lại được cái gì của ngày xưa thì ko chỉ chủ nhà mà cũng cần phải ko có tác động từ bên ngoài nữa.

- Sáng nay em ko đi học à? - mình hỏi Phương.

- Hôm nay thứ 7 mà anh, thứ 7 bọn em đi học thêm thôi.

- À ừ nhỉ, anh quên mất ngày tháng, em ko cần đẩy đâu, tự anh đi được.

Mình vừa trả lời vừa dặn con bé ko cần đẩy xe cho mình.

Con bé Phương dáng dong dỏng cao, nước da bánh mật rám nắng, người mạnh mẽ, con gái vùng biển chắc vậy, nói chuyện với nó mình cũng biết được bao nhiêu thứ về biển, từ việc ngày nào có cá, ngày nào có mực, ngày nào có sứa, rồi thì khi bắt sứa phải làm sao cho đỡ ngứa. blah blah đủ thứ trên đời nữa. Nó bảo sáng mai chủ nhật, nếu mình thích thì nó sẽ cho ngồi thuyền thúng. Đi lượn lượn trên biển chơi với nó. Đi một lúc nữa thì ra khỏi làng, mình tạm biệt nó vì nó phải về nấu cơm, rồi một mình lại ra biển ngồi.

Vẫn cái hoàng hôn đó, nhưng hôm nay cuối tuần thấy nhiều người hơn, xe Hà Nội xuống nhiều hơn thường ngày, ngày đó có một số người cũng chỉ chọn Hải Hòa bởi vì nó hoang sơ, ko xô bồ, và cũng rẻ hơn các nơi khác nữa. Giờ thì mình ko biết như thế nào đã “du lịch hóa” chưa chứ lúc đó mình đi thì cảm giác thích lắm. Ngồi một lúc ngắm người ta đi qua đi lại, và trời tối dần, nhận được điện thoại của bác Nam hỏi có về ăn cơm ko để nấu cơm, mình nói có. Điện thoại của bác Nam vừa dứt thì bố gọi.

- Cu hả, đang ở đâu đấy con.

- Con ở Thanh Hóa.

- Thanh Hóa à, đi chơi hay sao?

- Vâng.

- Đi với em nào thế?

- Con đi 1 mình thôi. Có ai đâu mà đi với em nào. - mình vừa nói vừa cười.

- Kiếm dần đi là vừa chứ, mai bố với các bác đi Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn để rước hài cốt bác cả về.

- Vậy ạ, hay mai con cũng đi nhỉ?

- Đi làm sao?

- Thì đi thôi, để mai con xem thế nào rồi đến nghĩa trang Trường Sơn luôn nhé?

- Đi được ko? hay tao qua Thanh Hóa đón?

- Đi được, đến nơi con gọi nhé.

Cuộc điện thoại chóng vánh với bố xong và lại có hành trình mới. Lần này, đi xa hơn một tí về phía nam. Leo lại xe và về nhà bác Nam. Về đến nơi cả hai bác đang ngồi xem TV nói là đợi mình về ăn cơm, trong bữa cơm mình có nói về việc sáng mai mình sẽ đi Quảng Trị và nơi đến là nghĩa trang Trường Sơn, bác Nam hỏi bác mình làm gì và nói bác ngày xưa cũng là lính, đã từng tham gia chiến dịch biên giới năm 79, và trong bữa cơm, bác ngồi kể chuyện ngày xưa...

*Hôm nay mình hơi mệt tẹo, nên chắc chỉ viết được đến chỗ này, đi ngủ cái mai dậy viết tiếp cho anh em nhé, còn chuyện đánh trận của bác Nam, chuyện bé Phương nữa trước khi đi Quảng Trị.

Chap 17e: Thanh Hóa

Chap 17d: https://www.facebook.com/khongthevo/...97908883650586

Chap này là chap bác Nam kể về những gì đã chiến đấu tại biên giới Việt - trung năm 1979 qua trí nhớ của mình.

“Hồi đó bác ở Cao Bằng, nó đánh là ngày 17.2.79, trước đó vài hôm thì mọi việc vẫn bình thường, bác với anh em trong đơn vị vẫn còn đánh bóng chuyền với lính bên nó, rồi tối hôm 15 vẫn còn liên hoan vì có đoàn chiếu bóng ở Hà Nội lên chiếu bóng phục vụ anh em, bác nhớ chiều hôm 16 cả đại đội còn giết lợn nữa, thêm lính bọn nó ở biên giới sang chơi, tình cảm rất thắm thiết. Đến khoảng 2h sáng thì nghe đạn pháo ở đâu bắn bùm bùm nong trời lở đất, anh em trong đơn vị vẫn còn ngủ say giật mình bởi tiếng pháo thì ai cũng hốt hoảng và ko biết chuyện gì xảy ra, còi báo động hú lên và mọi người tập trung mới rõ là bọn nó đang đánh mình.

Bác ở Cao Bằng, một trong những trọng điểm của bọn nó, ngoài ra còn trải rộng ở cả Lạng Sơn, Lào Cai nữa. Quân nó đông lắm, phải gấp 10 lần quân mình, do là trọng điểm nên nó huy động lực lượng xe tăng và pháo binh khá là nhiều, cháu cứ tưởng tượng đi ra đường mà toàn thấy lính bên nó, bên ta thì lác nhác mới thấy vài người thì biết số lượng nó đông như thế nào.

Trẻ em, phụ nữ và người già được ưu tiên đưa lên xe đi sơ tán, còn lại ai có thể chiến đấu được đều ở lại, lúc đó huy động rất nhiều người dân địa phương nữa chứ ko phải quân đội vì địch rất nhiều, như bác đã nói khi nãy ấy, địch lố nhố và đông như kiến.

Lúc đó chỉ huy cũng nói rõ về tình hình là bên nó đánh đợt này là chiến tranh hủy diệt, diệt ko còn 1 ngọn cỏ của Cao Bằng để bên mình sợ và suy yếu về lực lượng quân đội, chứ ko phải là đánh chiếm lãnh thổ, thời đó với bây giờ việc đánh chiếm lãnh thổ ko dễ dàng như hồi còn phong kiến nữa rồi. Cháu thấy đấy, ngay cả những năm gần đây bọn nó cũng đánh vào kinh tế mình, bà con nông dân điêu đứng với ốc bươu vàng một thời gian rất lâu, bây giờ thi thoảng vẫn có nơi còn nạn ốc bươu vàng nữa, thiệt hại về kinh tế còn đáng sợ hơn về người nữa, thế nên chỉ huy đã thông báo như vậy anh em trong đơn vị cũng xác định một sống một chết với chúng nó.

Chiến tranh thì ác liệt lắm, bọn nó nã pháo vào tàn phá hết tất cả, trường học, bệnh viện bị phá nát hết, sau vài đợt pháo thì quân nó tiến vào. Bọn lính bên nó đông như kiến, bên mình thì toàn dân quân địa phương với lại các đơn vị làm kinh tế tại đó. Tiếng người gào thét, tiếng trẻ con khóc, tiếng phụ nữ kêu cứu tràn ngập không gian rực lửa đó. Nhiều người bị đạn pháo bắn nát người ra, xác chết nhiều lắm, hầu hết là phụ nữ và trẻ con vì lúc đó giữa đêm, mọi người đều đang ngủ và đạn pháo cứ thế nã trên đầu thôi. Đồng đội của bác cũng chết nhiều, có những đến bây giờ ko tìm thấy mộ hoặc thi hài, vì trong chiến tranh loạn lạc mà, chết thường mất xác hoặc chôn tập thể luôn.

Bọn nó không hiểu ăn gì mà lì đòn lắm, trước kia bình thường bác thấy bọn lính bên nó rất sợ linh mình, nhưng chẳng hiểu hôm đó bọn chúng ăn gan hùm hay sao mà nhiều đứa trúng đạn của quân ta mà vẫn hăng xông lên đánh. Anh em trong đơn vị có người nói bọn này được bùa gì đó, bác sau này nghe lại vậy chứ thực hư cũng ko biết thế nào”

Mình chăm chú lắng nghe, quên cả ăn cơm, bác gái phải giục

- Hai bác cháu ăn đi chứ, cơm canh nguội hết rồi còn gì.

Lúc này bác trai mới sực tỉnh và nhấp một ngụm rượu, mình cũng cầm chén lên và uống với bác.

- Thế bác cháu về nghĩa trang Trường Sơn lâu chưa? - bác Nam quay sang hỏi mình. 

- Hình như năm 98 bác, nhưng đến giờ gia đình cháu mới đưa bác về. - mình trả lời

- Bác cháu là lính gì?

- Cháu cũng ko rõ lắm, nhưng hình như là thông tin, điện đàm gì đó. 

- Cái đó mà giờ còn sống, làm to lắm đấy.

- Bác kể tiếp chuyện đánh nhau với trung quốc đi. - mình nhắc bác. 

- Uh, được rồi, uống chén nữa để nhớ lại nào. - bác vừa nói vừa cười nâng chén rượu lên và nhắc mình cạn.

Bác Nam kể giọng Thanh Hóa đặc trưng, một chất giọng trầm đục tiếp tục với câu chuyện về thời chiến.

“Lúc đó khói lửa liên miên lắm, bên ta trụ được khoảng một tiếng, bác cũng ko biết có phải một tiếng ko nữa nhưng lúc đó thời gian trôi chậm lắm. Mọi thứ diễn ra rất nhanh nhưng thời gian trôi chậm lắm, bác cùng một vài anh em nữa trong đơn vị đưa những người bị thương đến nơi an toàn để một số bác sĩ y tá ở trạm xá băng bó và cấp cứu. Do bệnh viện đã bị đánh sập nên phải lập 1 cái lán, mà lán cũng ko đc lộ quá, bọn bác phải tìm tạm 1 cái hang gần đó để lấy chỗ cho anh em băng bó.

Thiếu thốn lắm, thuốc thang lúc đó chỉ vừa đủ số thuốc trong đơn vị, còn lại trong bệnh viện thì có lẽ mất hết rồi. Bác đưa người vào cấp cứu rồi lại ra tiếp tục chiến đấu. Trẻ con và phụ nữ, người già đã được đưa đi sơ tán sang tỉnh khác, một vài chiếc xe thoát đc ra thì đưa những người đó về Hà Nội, còn lại hầu như là phải chạy bộ. Cái cảnh phải chia xa vợ con mình để ở lại chiến đấu bác chứng kiến mà không cầm được nước mắt. Bác còn nhớ anh bạn đó, trong chiến tranh thì thời gian để hỏi tên nhau có khi cũng không có nữa, anh bạn đó với vợ là dân kĩ thuật hay sao ấy, lên trên này công tác chưa kịp về thì đã dính trận này và tự nguyện ở lại chiến đấu luôn.

Anh bạn đó kiếm đâu được đôi quang gánh và để hai người con vào đó ngồi, còn người mẹ thì gánh con chạy, cảnh tượng đó ai nhìn thấy cũng phải khóc cháu ạ, người phụ nữ tần tảo nuôi con yêu chồng, giờ phải chạy giặc mà không biết đến khi nào mới gặp được nhau. Chạy là một chuyện, sống hay không lại là một chuyện khác. Hai người đó vừa buộc con chặt vào cái thúng vừa khóc, anh chồng nói mãi cô vợ mới chạy đi, sau khi cô vợ đi rồi thì anh này xung phong vào chiến đấu. Còn có rất nhiều cảnh tượng bi thương nữa mà đến giờ nhiều lúc nghĩ lại bác vẫn bị ám ảnh, bác sinh ra trong thời bình ở miền Bắc, nhưng cũng hiểu nỗi đau chiến tranh nó như thế nào khi mà bố bác cũng chiến đấu ở Điện Biên Phủ và ra đi.

Tầm 4h sáng, mọi thứ im lặng ghê rợn lắm, bên địch nó không còn nã pháo nữa, mọi người bên mình bắt đầu kiểm tra quân số, chết nhiều lắm, những anh em hôm qua còn ăn tiết canh, uống rượu với nhau hôm nay đã nằm xuống, những xác người nằm trên đất, những người mất một phần cơ thể, mùi thuốc súng, mùi đất tơi vì đạn pháo xộc vào kèm mùi máu làm bác choáng váng một lúc. Sau khi kiểm tra quân số của đơn vị thì cả đơn bị bác lúc đó còn khoảng 200 người còn tỉnh táo, còn để chiến đấu thì chắc chỉ còn khoảng hơn 100 người. Sau khi kiểm tra quân số và dặn dò mọi người có thể có trận càn lớn. Chỉ huy của bác đã nhận được điện của cấp cao, nói ở Lào Cai lúc đó cũng tan hoang hết rồi, bọn Trung Quốc nó đánh mạnh lắm. Vừa nghe xong báo cáo thì loạt pháo tiếp theo lại nã vào, sau 2 loạt pháo tiếp theo thì quân nó tràn vào thị xã và nổ súng liên tục, quân nó đông lắm, đông đến nỗi cháu nghĩ như kiến cũng được, nhưng nếu mày ở đó, mày cầm súng lên bắn linh tinh cũng trúng. Lúc này hai bên nổ súng liên tục, lính đông, chết cũng đông, bên mình ít người, ngoài đơn vị của bác thì còn cả người dân và anh em đàn ông con trai nữa. Như bác đã nói đấy, bên nó chết nhiều như vậy nhưng mà ko hiểu sao vẫn cứ xông lên một cách ngu ngốc. Sau này bắt đc 1 thằng bên nó có hỏi thì nó nói nó đc lệnh là bằng sống bằng chết cũng phải đánh, ko đánh thì ở nhà bố mẹ với người thân nó sẽ bị coi là phản quốc, thế nên bọn nó mới lỳ và liều như vậy, chứ bình thường bọn nó cũng sợ lính Việt Nam lắm.

Sau đợt càn đó quân ta rút về và cả hai bên tạm nghỉ, đến sáng thì quân nó đã sang nhiều hơn và tập hợp thành các nhóm, đi đến đâu phá tan hoang đến đó. Rồi lại bắn nhau, bắn nhau và nghỉ, cứ thế cho đến chiều, bên mình cũng cố thủ ác lắm, nhưng mọi thứ nó dịu lại chứ không như lúc sáng nữa, bên nó cũng đã rút pháo về và chỉ để lại quân. Quân nó đi đến đâu thì bắt giết tới đó, lính bên mình bị bắt là nó đưa súng lên bắt vào đầu, chết trước mặt động đội, mọi người ai cũng tức nhưng để đảm bảo an toàn cho cả những người khác nên ko ai được manh động.

Đạn dược và vũ khí đủ để cầm cự, nhưng đến ngày 23 quân nó mới chiếm được Cao Bằng, bác và một số anh em nữa phải trốn sâu vào trong núi, nó còn cho quân đi lùng nhưng sau khi chiếm được Cao Bằng thì bọn chúng rút quân. Bọn bác lang thang trong rừng khoảng 2 ngày thì quay trở lại và được lên xe về HN. Sau đó thì có lệnh tổng động viên trên toàn quốc và quân ta kéo lên. Chiến đấu đến đầu tháng 3 thì bọn chúng rút hoàn toàn.

Trong xóm này cũng có mấy người đi cùng đợt đó với bác, có người đi đợt tổng động viên đều về với những thương tích trên mình, bác trông như thế này thôi nhưng mất một đoạn ruột rồi đấy”

Vừa nói bác vừa vén bụng lên để lộ vết khâu dài trên bụng. Mình định hỏi là bị lúc nào nhưng thôi, mình còn thắc mắc nhiều nữa về bác, về gia đình người đàn ông mà bác đã kể, về những chuyện xảy ra sau này khi trong rừng, có lẽ nên để bác nghỉ ngơi với những ký ức không được vui vẻ. Mình và hai bác ăn cơm xong thì cũng đã muộn, cũng kể cho hai bác về chuyến đi ngày mai của mình, hỏi thêm cả việc bắt xe đi như thế nào nữa, đúng là càng đi, càng biết được nhiều, càng có những cảm nhận về cuộc sống, nghe những câu chuyện của mọi người làm bản thân yêu sống hơn, thấy bản thân hoàn thiện hơn về một mặt nào đó.

Anh em thấy đấy, để có được những gì anh em đọc hôm nay, thì đã bao nhiêu người phải nằm xuống, bằng máu bằng xương và cả bằng nước mắt. Những gì theo lời kể của bác Nam mình nhớ có thể không chính xác nhưng cái chính của câu chuyện cho anh em thấy chiến tranh nó đáng sợ như thế nào, ko phải là ngồi nhà chơi game, chết thì hồi sinh, trong trận chiến thì ko có hồi sinh và chỉ cần sơ xuất một chút là phải trả giá đôi khi bằng tính mạng. Cái trả giá này thì chắc mình là người rõ nhất…

Còn Phương nữa, tối hôm đó mình ko gặp được Phương để nói lời cảm ơn em trước khi đi tiếp, mình có dặn bác Nam và tặng Phương một cái vòng đeo tay.

Sau khi nói chuyện và dọn đồ xong, mình nằm nghỉ để sáng mai lại tiếp tục một hành trình mới...

Chap 18. Quảng Trị

Sáng hôm sau mình đi ngược lại thị trấn Tĩnh Gia, do đi về Quảng Trị nên phải bắt xe dọc đường, chứ ở Tĩnh Gia ko có xe đi Quảng Trị. Đứng cạnh quốc lộ đợi xe đi qua là vẫy, nhìn thấy bảng Quảng Trị là phi ra giơ tay lên. Nhưng hình như tài xế ko nhìn thấy hay sao đấy, mất 2 tiếng đứng và vẫy nhưng ko có kết quả, mình đi ngược lên một đoạn chỗ bưu điện Tĩnh Gia, ở đó có mấy hàng nước, lại vào hỏi han. 

- Xe đi Quảng Trị bắt ở đây khó bác nhỉ - mình bắt chuyện với một bác xe ôm ngồi đó. 

- Thường nó vẫn chạy bình thường vẫn bắt được mà - bác xe ôm trả lời. 

- Sáng giờ có mấy xe chạy qua nhưng cháu ko bắt đc. 

- Đi đâu thế?

- Quảng Trị, Đông Hà ạ. 

- Đông Hà thì đợi đây tí đi, tầm 8h có cái xe 30 chỗ chạy trừ trong thành phố về Đông Hà đấy.

Ngồi đợi và gọi điện cho bố xem tình hình thế nào, bố nói mọi người ở nhà đi từ 5h sáng rồi, nói mình tới Đông Hà thì báo lại để đón, mọi người phải vào đó một chút làm thủ tục đón nhận hài cốt rồi mới đi vào nghĩa trang Trường Sơn. Khoảng 8h một chiếc xe 30 chỗ trờ tới ngay gần bưu điện để đón thêm khách, mình lên xe. Và tiếp tục chuyến đi. 

Trong tất cả những chuyến đi của mình, nếu đi một mình thì phải cảm ơn nhà xe rất là nhiều, nhưng cũng có những người thấy mình ngồi xe lăn thì ko nhận và nói xe đầy chỗ rồi. Những lúc như vậy thấy hơi bực, nhưng kệ thôi chứ biết sao giờ, ko đi xe này đi xe khác, số đó ko nhiều và cũng đếm ko quá đầu ngón tay, cuộc sống còn nhiều người tốt lắm, hoặc chí ít họ tốt với một thằng như mình anh em ạ. 

- Từ đây tới Đông Hà lâu ko cô - mình hỏi cô ngồi bên cạnh

- Chắc cũng phải chiều mới tới đấy. 

Nhẩm tính khoảng 7 tiếng ngồi trên xe, là xe 30 chỗ nên ko có chiếu phim như những xe to khác, mình lại lôi nhạc ra nghe và ngủ thiếp đi. Ngồi trên xe, những giấc ngủ cũng chập chờn như những chỗ xóc mà ta đi qua vậy, lúc tỉnh lúc mê khi dồn dập theo từng giai điệu. Xe chạy liên tục, ko nghỉ nên đến tầm 3h-4h chiều mình đã đến nơi. Đặt chân xuống bến xe gọi điện cho bố và mọi người xem đang ở đâu thì được tin là chưa tới vì… lạc đường. 

Đông Hà, thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị, nơi đây giao cắt với quốc lộ 1A là đường 9. Là đường xuyên á thẳng ra cửa khẩu Lao Bảo, là điểm khởi đầu phía Đông của hành lang kinh tế Đông - Tây thông thương với Thái Lan, Lào và Myanmar, chính vì thế nên kinh tế văn hóa, xã hội của Đông Hà cũng có phần nhộn nhịp, nhưng đó ko phải là những thứ mình quan tâm lắm, cái mình kể tiếp theo là chuyến đi đến nghĩa trang Trường Sơn như đã nói sơ qua ở trên.

Khoảng 6h tối bố và mọi người mới tới nơi, thế nên mình còn hơn 3 tiếng để đi lòng vòng thành phố, nơi mình xuống là bến xe khách Đông Hà, như mình đã nói ở các phần trước, muốn biết được văn hóa địa phương của vùng anh em đến như thế nào thì hãy đến chợ, nơi đây là nơi tập trung hầu hết tất cả những gì đang có và đã có của từng địa phương, anh em nếu có dịp đi, mà thời gian hạn hẹp thì nên theo cách của mình.. Vậy là việc đầu tiên mình đến đây là phi ra chợ chơi. 

Từ bến xe ra chợ cũng phải 4km, vừa đi vừa nhìn linh tinh hai bên đường, đến lúc đó mình mới thấy cái nắng nóng của miền Trung nó hầm hập như thế nào. 4h chiều rồi mà mọi thứ còn nóng quá, trời oi và ko có gió. Đi được một lúc thì mồ hôi vã như tắm, đi nhiều, nhất là đi bộ dưới trời nắng thì hay mất nước, và mình thì là một thằng ít uống nước, những ai đã từng đi với mình đều nói như vậy. Nhưng lần này thì khác, cái nắng cái gió hầm hập của miền Trung nó làm mình thấy đau đầu và mệt, nên việc ghé vào đâu đó để kiếm nước uống là điều hiển nhiên sẽ phải làm lúc này, cũng may là trên đường đi có tiệm tạp hóa, làm 1 chai nước lọc và tu hết ngay lập tức cũng làm hồi sức phần nào. 

Tới chợ cũng gần 5h. Chợ Đông Hà, cũng giống như nhiều khu chợ khác, bên trong có các quầy bán nhiều mặt hàng khác nhau từ đồ điện tử cho đến đồ ăn. Cái đặc trưng của mỗi vùng miền mỗi khác và khác biệt nhất khi ta có được cảm giác đó ngay giữa trung tâm văn hóa của mỗi vùng. Nói thật với anh em là mình đi đến đâu mọi người cũng nhìn, cái xe lăn hôm trước ra biển vẫn còn dính cát, mình chưa rửa lại được và cũng hơi sợ nước biển nó làm han rỉ con chiến mã của mình. Bụi bặm và lôi thôi trông giống như cái bang vậy, lại ngồi xe lăn nữa, nên mọi người để ý rất là nhiều. Đi mỗi nơi một tí, ngắm nghía một tí, ngắm thôi, vì có tiền đâu mà mua. Mà cũng ko biết mua và ko có nhu cầu mua cái gì cả. Đi một vòng, thấy ở đây bán cả hàng Thái và Lào nữa, đúng kiểu nơi cửa ngõ của hành lang kinh tê đông tây có khác, thấy bia lào, mình làm 2 lon để tối uống cho dễ ngủ. 

Anh em có nhớ 1 đợt có cái bài báo gạ mua thuốc kích dục ở chợ Đông Hà ko? nếu ai ko biết thì google sẽ có đó, đợt đó mình đi cũng bị, ngay phía ngoài chợ, thấy mình đi vào có 1-2 đối tượng là nữ đến hỏi han và giới thiệu một vài loại. Sợ chứ, lúc đó thấy hùng hục đi đến là đã thấy lo lo rồi, nhưng khi được mời chào thì bật cười và mình bỏ đi. Chợ Đông Hà nằm ngay bên cạnh con sông gì đó, nóng nóng nên sau khi ở chợ ra mình ra bờ sông ngồi. 5h rồi nên cái nắng cũng ko còn oi bức nữa, gió cũng đã mát hơn chứ ko hầm hập như lúc nãy. Ngồi một tẹo thì bố gọi. 

- Đang đâu rồi cu. 

- Con đang ở chợ này, bố với mọi người ở đâu. 

- Tới muộn quá nên ủy ban ko làm việc, nên mọi người đang ở khách sạn bưu điện. 

- Vậy đợi con tí con về đó. 

Châm dứt cuộc trò chuyện cũng chính là lúc mình cảm thấy đau bụng, chắc do khi nãy ăn linh tinh trong chợ một ít đồ ăn có dính hạt ớt. Mình ăn hạt ớt vào là bị đau bụng nên đôi khi đi đâu hoặc ăn gì có ớt là phải xem có hạt ko, nhiều lúc hơi khó chịu vì đến những nơi ẩm thực của họ là cay thì phải ngồi nhìn hoặc chấp nhận đau bụng để thưởng thức, và những lúc đó thường chấp nhận hơn là chịu ko ăn. 

Quay xe lại và đi về phía khách sạn bưu điện, hỏi han một bác xe ôm thì mới biết nó nằm trên đường khi nãy mình ra đây. Lóc cóc đi và chính lúc này mình thấy được Đông Hà khi trời tối nó đẹp và ấn tượng đến vậy. Đẹp một phần là do hệ thống chiếu sáng và đèn trang trí ở nơi đây, rất ít nhưng đủ để tạo nên điểm nhấn. gần 6h thì chưa có nhiều nhưng cũng đủ để gây ấn tượng cho một thằng ít đi như mình.

Về đến khách sạn, chào hỏi mọi người, nghe mọi người hỏi thăm là đi như thế nào, rồi gặp bố, xong xuôi hết tất cả thủ tục thì việc đầu tiên mình phi vào nhà tắm để đi wc và tắm rửa. Gần 1 ngày với mệt mỏi, người khỏe hơn hẳn khi mọi nhớp nhúa được gột bỏ gần như là ngay lập tức, tắm xong mình nằm vật ra giường và ngủ. 

Khoảng 8h tối, mọi người lọ mọ đi ăn mình mới tỉnh và đi theo. Đông Hà về đêm tĩnh lặng, nó khác hẳn với những gì nhộn nhịp vào buổi ban ngày, đi ăn cùng mọi người xong thì bố với các bác về phòng, mình ngồi ngoài hành lang một chút vì trong phòng ko có sóng wifi. Vừa ngồi online và check mail một tẹo thì có tin nhắn, anh em biết vui nhất là nhận được tin nhắn gì ko? Sau này mình mới biết, tin nhắn vui nhất không phải là tin nhắn của người yêu hay người mình thích, đó là tin nhắn báo “có tiền” 

) Tiền nhuận bút nợ tháng trước đã được trả, gần 2 triệu. Vậy là lại đỡ phải lo nghĩ về chuyện tiền nong vài ngày tới rồi. 

Tối đó mình vào đi ngủ sớm, vì nghe nói sáng mai ở nghĩa trang Trường Sơn xong sẽ về Hải Phòng luôn. Vậy là đi ngủ, giấc ngủ như nhẹ nhàng hơn vì ko phải suy nghĩ về chuyện tiền nong nữa. 

Sáng hôm sau, 6h cả nhà đã dậy chuẩn bị vào ủy ban để làm thủ tục nhận hài cốt liệt sĩ, sau đó mới được phép mang từ nghĩa trang về. Đến sớm quá cho nên họ chưa làm việc, ngồi đợi và đi ăn. Mình vẫn nhớ bát bún 15k mà nhiều thứ kinh khủng, bát đó mà ở Hà Nội chắc cũng phải 80k, mà 80k cũng ko nhiều bằng cái bát 15k đó. Bún thịt, mà hình như là thịt bún mới đúng. 

Tầm 10h thì thủ tục xong hết, mọi người lên xe đến nghĩa trang. 

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh. Nằm cách biệt hẳn với khu dân cư, sâu phía bên trong đường Hồ Chí Minh, cách Đông Hà khoảng 35km đi về phía tây, lần đầu tiên mình đi đường Hồ Chí Minh, đường đẹp thật, vừa đẹp lại vừa vắng nữa, anh tài xế nói là đi đường này nguy hiểm vì đôi khi có cướp, mà cướp ở đây thì chả kêu ai cứu đc, chỉ có đi theo đoàn thì thích, đường đẹp, vắng nên chạy sướng. 

Trang nghiêm, vắng vẻ, rộng, là những cảm nhận đầu tiên của mình đến nơi này. Có một người của nghĩa trang dẫn nhà mình đến nơi đặt hài cốt bác cả. Ở đây, hài cốt của các liệt sĩ được tập trung lại theo địa phương, mỗi địa phương được chia ra một khu riêng, và mỗi khu lại chia ra huyện riêng, nên việc tìm kiếm cũng khá là dễ dàng, không khó để tìm đến nơi đặt hài cốt. 

Mình lên tận nơi thắp cho bác nén nhang trước khi đưa hài cốt của bác về nhà, xong rồi thì đi ra ngoài để mọi người làm việc. Lượn lờ xung quanh đấy, thì gặp 3 đứa nhóc đang ngồi chơi, đến hỏi chuyện mấy đứa nó: 

- Sao giữa trưa lại ra đây thế này. 

- Đi chơi thôi ạ.

- Mà nhà các cháu ở gần đây ko?

- Ở bên kia sông, 

- Bên kia sông! - mình ngạc nhiên hỏi vì chỗ này làm gì có sông, mà có thì là cuối nguồn một nhánh sông Thạch Hãn. - Sông ở chỗ nào thế?

- Ở tít đằng xa kia ạ.

- Sao xa vậy lại sang đây chơi, ko đi học à?

- Hôm nay được nghỉ mà. 

- Cháu qua sông làm sao?

- Bơi.

- Bơi qua á, sông to ko?

- To. 

- Ko sợ hả?

- Người Vân Kiều ko sợ đâu. 

Thì ra bọn nhóc này là người dân tộc Vân Kiều, một trong những dân tộc có nguồn gốc từ Lào, sau này di cư sang Việt Nam sống ở núi Vân Kiều nên người ta gọi luôn là dân tộc Vân Kiều. Người Vân Kiều về cơ bản nhìn giống người Lào, da ngăm đen và rám nắng, người Vân Kiều có trang phục gần giống những người ở Tây Nguyên, nhưng lũ trẻ con mình gặp thì ko nhìn cũng ko phân biệt được người Kinh với người Vân Kiều, đơn giản là chúng ko mặc những bộ trang phục truyền thống như một số dân tộc ở vùng núi phía Bắc.

 Chap 18b. Quảng Trị

Chap 18a. Quảng Trị

https://www.facebook.com/khongthevo/...01306213310853

Mấy đứa nhóc người Vân Kiều nó sang đây 1 phần chơi, 1 phần là đợi người đi lấy hài cốt cho đồ ăn hoặc bánh kẹo. 

Nói chuyện qua qua một chút thì bác mình ra, cũng nói chuyện với mấy đứa trẻ con, xong hai bác cháu tìm một bóng râm nào đó ngồi nói chuyện. Mình hỏi, 

- Bác Quỳnh (tên bác cả) ngày xưa làm lính gì ạ? cháu chỉ nghe sơ sơ ngày xưa ông nói là làm lính thông tin gì đó.

- Uh, lính thông tin, nhận tin liên lạc của cấp cao và đưa lệnh đó cho chỉ huy. 

- Bác có biết làm sao bác Quỳnh mất ko?

- Bác cũng nghe kể lại thôi. Hồi đó bác cả làm lính thông tin, tức là ngồi trực điện và gửi điện tín đi cho đơn vị khác hoặc về chỉ huy. Lúc đi là năm 72, lúc đi thì ở nhà bác ấy mới cưới vợ xong, là bác X. đấy, mày biết rồi chứ gì. 

- Vâng, cháu biết, mấy lần vào nhà mình cúng rồi mà. 

- uh, sau khi lấy vợ được mấy tháng thì bác ấy được lệnh tổng động viên, rồi lên đường vào trong kia, năm 72 là năm quân Mỹ đánh trải thảm cũng mạnh, bác ko đi đợt đó nhưng mấy ông bạn bác đi về nói, cứ khoảng 30p nó lại cho đánh bom trải thảm bằng B52 một lần, bác cả thì là lính thông tin, nên lúc nào cũng phải trực ở máy, và ở chỗ an toàn, nhưng hôm đó do máy bay ném bom ác liệt quá nên nơi trú ẩn đã bị sập và bác mất ở đó cùng với hơn 20 người nữa. Sau này, nhiều người kể lại là trước khi bị ném bom đã có điện báo là phải chạy và sơ tán sang chỗ khác, nhưng lúc đó đang nguy cấp và việc giữ liên lạc là quan trọng nên mọi người quyết định ở lại, đảm bảo liên lạc thông suốt, vì nhiều người cũng nghĩ được là thông tin liên lạc là huyết mạch của chiến tranh nên tầm quan trọng của nó đủ để mọi người ở lại. Không chỉ là nối dây khi bị cắt đứt, còn phải gửi và nhận tài liệu liên quan đến trận đánh nữa. Bác cũng không rõ là ngày xưa vừa đánh vừa gửi kiểu gì vì bác ko phải bên thông tin. Rồi như nãy kể, máy bay thả bom rồi nguyên cả đội thông tin hy sinh. Sau trận đánh thì bác cả được đưa về đây, rồi nhà nước giờ mới tạo điều kiện để nhà mình đón bác ấy về nghĩa trang liệt sỹ của xã. 

- Cũng kinh thật, tội bác X. Sau đấy thì lâu ko bác X đi bước nữa. 

- Cũng chục năm sau mới đi bước nữa, khổ thân, con gái mới lớn lấy chồng chưa ấm chăn ấm đệm chồng đã phải đi rồi ko trở về. 

- Phụ nữ Việt Nam cao cả thật. 

- Ồi, tao thấy ngày xưa thì cao cả thật, còn giờ thì ko biết thế nào, ra đường thì 10 đứa con gái thì 8 đứa đéo mẹ, đéo cha rồi, chưa kể đến chúng nó ngoan ngoan như thế nào nhưng chửi thề để người lớn nghe được thì không hay rồi. 

Mình cười..

- Hỏng, hỏng hết. - bác nói thêm vài câu rồi đi ra chỗ khác

Mình vừa nói vừa cười, đúng thật là con gái bây giờ “láo” hơn ngày xưa, nhưng suy cho cùng thì ngoài những đứa ngoan hiền như mình thì con trai cũng đâu có kém, giờ là thời của “bình đẳng” nên chắc con trai làm được thì con gái cũng làm được. Luyên thuyên vài câu với bác, mọi người cũng đã chuẩn bị lễ lạt xong để lấy hài cốt lên. Mình và bác lại gần mộ bác. 

Ngôi mộ nhỏ nhỏ như bao ngôi mộ “đồng phục” khác tại khu này đang được bật nắp và lấy hài cốt ra, đến khi người quản trang đào được lên, thì hài cốt chỉ là một bọc giấy nhỏ bằng một túp thuốc lá, tất cả, chỉ gói gọn trong đó. Lúc đó chả hiểu sao mình thấy nghẹn nghẹn trong cổ họng, con người đơn giản quá, khi chết đi cũng chả còn gì, cũng thầm nghĩ, sau này ko biết chết đi đến khi “bốc mộ” mình sẽ còn những gì, hay lại một nhúm vào, lúc đó chắc chẳng ai quan tâm đến xương xảu mình dễ gãy như thế nào đâu nhỉ, cứ thế cầm lên và đặt vào tiểu sành là xong… Lan man một lúc nhìn lại “nhúm” hài cốt của bác, mọi người cẩn trọng và nâng niu đặt vào tiểu sành, và khiêng ra xe, mình được bố nói là “ngồi cạnh bác, dẫn bác về nhà”.

Vậy là trên cả hành trình từ Quảng Trị về lại Hải Phòng, mình ngồi bên cạnh hài cốt của bác, bình thường mình hay sợ ma, sợ những thứ như thế này nhưng chả hiểu sao lần đó ko có cảm giác sợ sệt một tí nào, trên đường thì cứ đi qua cầu là phải thả tiền vàng, mình quay sang hỏi cô (em gái bố):

- Sao phải thả tiền vào vậy ạ?

- Thả để xin người ta, cho bác mày đi qua cầu. Chứ ko là ko về được nhà. 

Tục lệ thì phải theo, ở đâu cũng vậy, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nhưng đôi khi những thứ như vậy làm mình ko tin lắm, thôi thì kệ, mỗi người có một cái lòng tin khác nhau nên mình cũng không nói gì nữa, lấy một xấp tiền vàng và mỗi khi đến một cái cầu nào đó thì rải ra ngoài.. 

Khoảng 8h tối, cả nhà mình về đến quê, mọi người ở nhà đã chuẩn bị sẵn những việc cho một đám tang, chỉ trừ việc kèn trống là ko có, còn lại mọi thứ đã được hoàn tất. Rước hài cốt ở quê mình người ta làm vậy, ko biết chỗ anh em có thế ko, tổ chức như một đám tang bình thường sau đó rước hài cố lên nghĩa trang liệt sỹ ở xã. 

Mọi người vào đám, còn mình thì phi về nhà tắm rửa và nghỉ ngơi…

Mất hai ngày để xong xuôi hết việc của bác, mình trở lại HN. Lần trở về này mang nhiều suy nghĩ hơn, mang nhiều thứ để kể hơi với mọi người và với cái suy nghĩ phải đi được thật nhiều, phải khám phá thật nhiều đã mang lại nhiều điều bất ngờ khi trở lại, những quyết định khác mang tính táo bạo hơn chút. 

Trở lại Hà Nội, vẫn công việc như thế, vẫn những thứ như vậy, mọi chuyện vẫn diễn ra một cách bình thường như nó vốn có, có lẽ cái câu “HN ko vội được đâu” nó chuẩn đến từng chi tiết là vậy, ở HN ta có thể thấy mọi thứ xô bồ, mọi thứ náo nhiệt nhưng ở một góc nào đó vẫn thấy nó bình dị trôi qua một cách nhẹ nhàng, “nhẹ nhàng như người Hà Nội” 

Vẫn quán nước đó, địa điểm yêu thích để giao dịch mèo chi, vẫn cái nhà ở Đội Cấn mà mỗi tháng chậm tiền ngõ 1 ngày là lại ầm ầm lên chửi, vẫn đoạn đường từ nhà lên hồ, lên lăng, vẫn vậy, bà chị vẫn đi làm, tối tối về chị em vẫn sang sảng chém gió cười đùa, thằng Đạt vẫn học hành ổn, và đang có người yêu. 

Vậy, tiếp tục thì mình sẽ kể cái gì khi mà mọi thứ quá ổn, quá ok rồi? 

Anh em biết đấy, mình luôn là một cái thằng không hài lòng với những gì đang có, và hay đặt mục tiêu là phải có hơn thế, thế nên với việc một mình đi khám phá khắp nơi như vậy không làm bản thân hài lòng, tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới cho bản thân, và phải làm bằng được nó. 

Thời gian lên hồ có gặp hai người mà đến bây giờ mình vẫn còn rất ngưỡng mộ, 1 là bác Tấn Vinh chụp ảnh, 2 là bác Hải, Tạ Trí Hải. Anh em có thể google để hiểu thêm, ở đây mình sẽ kể dần dần về việc gặp hai bác. Bác Vinh thì mình gặp nhiều hơn nên để kể sau, còn bác Hải thì trong một lần rất tình cờ, và có một chút hơi nhạy cảm nên quen bác…

Chap 19: Hà Nội - Tạ Trí Hải.

Cũng là một trong những lần mình lên hồ, gặp bác cũng tình cờ, lúc đó đang ngồi ở khu vực đối diện khu vực ANZ ở bờ hồ. Đi qua đi lại thấy tụ tập thì mình vào xem, cái tính tò mò và hiếu động của người VN chắc anh em nào cũng có  vào xem thì thấy một ông lão râu trắng, đội mũ cao bồi, nước da đồi mồi đang kéo đàn, violong, tiếng đàn ko thực sự hay nhưng nó tạo được sự thu hút của người dân gần đó, có khoảng chục người tập trung xung quanh người đàn ông già đó, còn lại tập hợp lại thành 1 vòng tròn. Mình đến được một lúc thì có quản lý khu vực hồ đến nói là giản tán đám đông, lúc đó người đàn ông già kia lớn tiếng nói kiểu: “đây là giải trí chứ có phải tụ tập phản động đâu mà các chú bắt” lời qua tiếng lại một lúc thì có một chú công an nào đến vỗ vai mình vào bảo lên chốt. wtf. làm cái gì mà phải lên chốt? trong đầu nghĩ vậy, cũng nói ra vậy nhưng bên kia ko nói ko rằng đẩy cái xe của mình lên cái chốt qua Thủy Tạ 1 tí đấy anh em  

- Em có biết sao bọn anh gọi em lên đây ko?

- Dạ tất nhiên ko rồi. 

- Bọn anh để ý em nhiều lần rồi, hôm nay lại thấy em chụp ảnh bọn anh lúc nói ông già kia giải tán nữa. Em định làm gì với những bức ảnh đó, đăng lên mạng, phản động hả?

Đến đây thì mình thực sự bực mình. 

- Các anh muốn quy cho ai thì quy vậy ạ. Em chụp ảnh vì em thích, em ko chụp các anh mà em chụp ông lão kia. 

- Bây giờ em có xóa hết những bức hình đã chụp ngày hôm nay ko?

- Em ko xóa. 

- Đm, ko xóa đưa đây. 

Nói rồi một đứa giằng lấy máy ảnh của mình và xóa ảnh. Khi nãy biết trước gọi lên kiểu gì cũng liên quan đến ảnh ọt, vì lúc ở đó đã thấy mấy đứa nhìn nhìn chỉ chỉ rồi nên trong lúc bọn nó ko để ý mình tháo thẻ ra và gạt chốt lock.

- Máy ko xóa đc à?

- Ko anh ạ, máy này chụp vào là in vào thẻ luôn, ko xóa đc. 

- Vậy thu thẻ.

- Anh ko thu được. 

- Sao ko thu được. 

- Tại thẻ và máy là của tòa soạn, anh muốn thu thì cho em cái giấy và liên lạc với sếp em nhé. 

- Em là nhà báo à? - lúc này ông anh chắc to nhất ở đây dịu giọng. 

- Vâng. 

- Báo nào? Cho bọn anh xem thẻ. 

Mình rút cái thẻ nhà báo của ông anh cho mượn máy ảnh trong túi ra. Cái bóng đèn lờ mờ cộng với cái mặt ông ấy cũng giống mình nên ko nhận ra. 

- Vậy sao ko bỏ ra từ đầu?

- Em bỏ làm gì, em đang đi chơi mà. Các anh thấy em thế này mà phản động được thì vui quá. 

- Thôi đc rồi, xin lỗi chú, thẻ đây… Gần 30/4 rồi nên bọn anh cẩn thận tí.

Vậy là lấy lại đồ và đi, trước khi đi ra khỏi đó mình còn cười và hẹn gặp lại nữa.. ) 

Quay lại chỗ khi nãy, thì ông lão già vẫn ngồi đó, nhưng ko đàn hát, người dân xung quanh vãn đi ít chỉ còn lại một vài người ngồi đó hóng gió và trò chuyện cùng. Thấy mình, ông lão hỏi:

- Có sao ko con.

- Dạ?

- Nãy bác thấy bọn nó dẫn con đi mà, tội chụp ảnh người có quyền hả?

- Dạ ko sao, xong hết rồi. Định xóa ảnh nhưng mà ko xóa đc nên thả cháu về thôi. 

- Uh, thôi xóa đi cháu ạ, cũng để làm gì đâu. 

- Vâng, 

Ngồi một lúc thì ông cụ lôi đàn ra chơi nhẹ nhàng, tiếng đang ko hay, nhưng vui tươi và nhộn nhịp làm mọi người phấn chấn hơn..

Hỏi han một lúc, thì ông lão này nói sinh ra và lớn lên ở HN, nhưng phải vào Nam sinh sống và làm việc, đến giờ cao tuổi rồi mới có cơ hội trở về HN, mang tiếng đàn về với đất mẹ.

- Bác đi ra ngoài này thế nào ạ?

- Đi tàu thôi, vừa đi vừa đàn là đủ tiền vé.

- Lát nữa bác về đâu ngủ?

- Bác về nhà người quen ở ngay chợ Gạo. Chắc khi nãy cháu bị dẫn đi là do chụp ảnh bác, mọi người vẫn hiểu nhầm bác với những đoàn biểu tình chống phá nhà nước. Nhưng ko phải đơn giản bác chỉ đi và mang tiếng đàn của mình thay cho tiếng nói thôi. Ngày xưa biểu tình chống bọng trung quốc là bác tham gia mà, tham gia mạnh lắm nhưng “bên trên” sợ cái gì đó nên ko dám đẩy mạnh và coi mấy người đó là phá hoại. 

Bác kể, nhiều lúc cũng khó khăn, ăn bánh mì uống nước lọc, nhưng cuộc sống của bác quấ nhiều khó khăn và khổ cực rồi, còn sức kéo được đàn là bác còn hạnh phúc, còn vui sống và còn cảm thấy có ích cho cuộc đời. Cũng đúng, mình vừa ngồi vừa nghe bác đàn, đúng là tiếng đàn ko hay, ko thực sự điêu luyện, nhưng da diết và gợi tả một Hà Nội cổ kính, một Hà Nội “lá bàng rơi, sóng Hồ Gươm” hay một Hà Nội với tàu điện lengkeng, kem, những đứa trẻ… 

- Bác hay ra đây ko? 

- Bác ở HN 6 tháng rồi lại về SG 6 tháng, nhưng gần đây bác muốn ở lại HN nhiều hơn, vì già rồi, đi lại nhiều cũng không được nữa. 

- Gia đình bác thì sao? 

Mình thấy im lặng, và chắc bác ko muốn nói đến nên mình cũng ko gắng hỏi thêm nữa. Sau hôm đó hầu như lần nào mình lên cũng gặp bác, ngồi lại một lúc và cùng với mọi người tham gia, lúc thì mua cho bác chai nước lúc thì cái bánh mì, đôi khi mình với con bé Linh cũng hay lại chơi khi đã bán hết hoa. 

Đang viết đến cái này thì mình nhận được điện thoại của một số lạ, tất nhiên là với những số lạ thì mình chắc chắn phải nghe máy, vì còn làm ăn nữa, thế nên như mọi lần nhấc máy lên và..

- Alo,

- Anh Ngọc Anh à?

- uh, Ngọc Anh đây.

- Nhận ra em ko.

- Nghe quen quen nhưng mình ko nhận ra ai cả.

- Anh đoán đi.

Thực sự mà nói, mình ko thể đoán được ra là ai, và trong lúc ngái ngủ thì nghe giọng của ai cũng như ai vậy.

- Chịu rồi, chả đoán được.

- Ai cho anh viết về em mà chưa xin phép, anh có tin là em đến tận SG hiếp anh ko? - bên kia giọng sồn sồn lên.

- Ai thế? H? Linh? - mình hơi hốt hoảng.

- Em H. Mới có 3 năm mà anh quên cả giọng em cơ đấy.

- Ối. Tiên sư, sao lại biết số anh?

- Số anh lù lù trên mạng, vếu express hả. Cty tên lạ thế, ngày xưa anh có thích vếu đâu.

- Mà sao biết anh viết truyện thế?

- Em đọc trên voz, thấy quen quen, mà em ko biết anh là mod trên đó đấy, em cũng mò vào đó đc nửa nẳm rồi. 

- Vãi, giờ ngoan rồi hả, còn đi hoang như ngày xưa ko. 

- Ko anh, ngoan rồi. Mà em add FB anh rồi, chắc anh cũng ko biết em là đứa nào đâu, tìm đi nhé. 

Thế giới thật nhỏ, nhất là khi cái internet này nó làm mọi người dường như ko có khoảng cách, mình có rất nhiều câu hỏi muốn đặt ra về H, về những việc mà nó đã làm trong suốt khoảng thời gian 3 năm qua, gia đình, bạn bè, cuộc sống của nó, và hơn hết là nó ổn định chưa, nhưng lúc đó thì hầu như là quên sạch, nói chuyện một lúc thì mới dần dần hỏi được từng thứ một…

Chap 20. Hà Nội – Nguyễn Tấn Vinh

Ở Hà Nội, ngoài bác Hải thì bác Vinh (Nguyễn Tấn Vinh) cũng là một người mình hay gặp, tất cả những mối quan hệ của mình đều được tạo lên bằng những việc tình cờ, hay những quyết định “nhất thời”. Còn nhớ buổi chiều gặp bác Vinh cũng chính là lúc mình đang có vấn đề về hàng hóa và tiền bạc, vứt bỏ mọi thứ để đỡ tự kỉ, thế nên lại vác máy ảnh lên hồ và ngồi chụp linh tinh. 

Một ông lão, trông qua thì như thợ chụp ảnh trên hồ, nhưng ko có thẻ chụp ảnh, thấy cũng đi chụp linh tinh như mình, bác ấy thấy mình ngồi vậy thì chụp mình, ngẩng lên và chụp lại. Vậy là hai bác cháu quen nhau. Rồi vừa đi vừa nói chuyện, vừa hỏi han về cuộc sống của nhau. Bác có hỏi về chuyện mình ngồi xe lăn, cũng có kể sơ qua cho bác nghe, rồi hai bác cháu tiếp tục đi chụp và trao đổi về máy ảnh, về các góc chụp. 

Người già, chơi máy số, và tất nhiên cũng như bác Hải, ảnh bác Vinh ko thực sự đẹp, nhưng trong ảnh có cái hồn, và có cái khoảnh khắc mà ít ai có được đc, tất nhiên, chụp nhiều vậy cơ mà, bác nói “mỗi buổi chiều bác đi thôi cũng đc cả nghìn cái, về lọc ra còn 100-200 cái rồi up, chủ yếu bác up trên xóm, còn lại gần đây có facebook thì up lên cả đó nữa” Rồi bác thao thao bất tuyệt khoe về vụ được làm VIP trên xomnhiepanh…

Sau này mình mới biết, bác Vinh được gọi là “ông Vua Hồ Gươm” người chuyên đi chụp ảnh hồ gươm, và là người hay chụp được rùa nổi nhất. 

Nói chuyện với bác, mới biết được rằng ngày xưa bác thích nhiếp ảnh lắm, nhưng cuộc đời cứ cuốn bác đi theo những hướng khác nhau mà đam mê và niềm vui nhỏ nhoi không thể thực hiện được. Bác nói “phát minh vĩ đại nhất của con người bác nghĩ là chiếc máy ảnh, nhờ nó mà người ta lưu giữ lại được những khoảnh khắc mà lẽ ra nó sẽ bị lui mờ theo thời gian và trí nhớ…” cũng đúng anh em ạ, sau này có dịp đi nhiều, mình mới thấy việc chụp lại, hay lưu lại những ký ức của nơi mình đến sau đó ngồi xem lại và nó cũng đơn giản như việc mình ghi dấu ấn bằng âm nhạc.. đôi khi xem lại những hình ảnh, khoảnh khắc đó nó như kiểu “sóng đánh uỳnh cái vào người và lăn ra đất dãy đành đạch với những cảm xúc đó”..

- Bác có hay đi ko ạ?

- Ngày nào bác cũng đi, hôm nào ốm thì ở nhà thôi.

- Thế còn mưa nắng thì sao ạ?

- Mưa nắng thì có cái hay của mưa nắng, những bức ảnh mưa cũng đẹp, nhưng lúc đó chỉ sợ hỏng máy móc thôi, chứ để cho những bức ảnh về mưa đẹp thì cũng phải hy sinh. – bác cười.. 

- Giờ bác đi đâu ạ? Cháu đi theo được ko? – Mình hỏi và ngó lên bác. 

- Đi qua đây gặp mấy ông bạn bác, ngồi uống trà chút rồi ta đi tiếp nhỉ?

Vậy là mình đi theo chân bác, một già, một trẻ, chậm rãi bước đi trên những bậc vỉa hè ko bằng phẳng của Hồ Gươm. 

Thì ra, có nguyên một hội những người cao tuổi thích chụp ảnh như thế, mình và bác ngồi noi chuyện với mấy bác còn lại, cũng có một số bạn thanh niên cùng đam mê chung cái đam mê nhiếp ảnh này, ngồi nói chuyện hỏi han nhau về những bức hình chụp hôm nay, mọi người trao nhau máy để xem, khoe từng khoảnh khắc mà bác đã bắt được. Đơn giản vậy, giản dị vậy thôi nhưng nó làm cho con người đến gần nhau hơn, đôi khi tuổi tác ko thực sự đánh đuổi được đam mê đi anh em nhỉ. 

Ngồi thêm một lúc nữa thì giải tán, và mỗi người một hướng, mình tạm biệt bác và về nhà, tất nhiên về nhà thì phải đối mặt với những strees trước khi đi, nhưng cũng đã đỡ hơn nhiều vì tinh thần tạm thời thoải mái. Lại tiếp tục chiến đấu, chiến đấu vì đam mê, chiến đấu với mong muốn một ngày nào đó dấu chân, dấu bánh xe lăn sẽ in trên 63 tỉnh thành trên khắp cả nước. 

Sau đợt đó thì mình và bà chị chuyển nhà thêm một lần nữa, chuyển lên Kim Mã, gần hơn so với bờ hồ. Và thoát được chuyện tiền ngõ, cái nhà mới cũng rộng rãi hơn, sạch sẽ hơn, và giống một cái nhà hơn. 

Ở Hà Nội, như anh em đã biết mình hay đi, hay ra ngoài, và điều mình muốn là ra ngoài gặp gỡ mọi người, muốn đi, muốn xem cuộc sống vận động như thế nào, để đi cùng với nó, chứ ko phải là đứng yên, ngồi một chỗ để nhìn nó trôi qua. Mấy phần trước mình có nói là mình định xin vào đâu đó làm, nhưng hầu hết người ta ko nhận. Đợt chuyển về Kim Mã, bà chị có gợi ý là mình vào cty của bà chị làm. Một công ty nhỏ nhỏ chuyên về du lịch. Công việc chính là quản lý toàn bộ những gì online cho công ty. Mình cũng muốn đi làm, để va chạm nhiều hơn với mọi người, hay đơn giản chỉ là biết được cảm giác làm việc theo team nó như thế nào. Vậy là đi làm. 

Công ty bé bé, nhỏ nhỏ, nhưng vui, do toàn những người mình quen trước rồi, giờ về làm cùng với nhau nên mọi người cũng vui vẻ và hòa đồng. Cái công việc tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng nó ngốn của mình rất nhiều thời gian vào đó, đúng thật với việc, khi mà ta dành thời gian cho việc gì đó thì sẽ không có thời gian cho đam mê, cho bản thân, và trong suốt khoảng thời gian mình làm việc ở cty bà chị, mình đã bỏ lửng những khoảng thời gian riêng mình, ví dụ như lượn lờ ở bờ hồ hoặc đơn giản hơn là đi dọc phố Kim Mã chỉ để nhìn người ta.. 

Dừng lại ở đây một chút, vì khoảng thời gian này khá là trầm lặng với mình, đôi lúc cuộc sống nó bị cuốn qua với những thứ mà anh em gọi là cuộc sống, mỗi lần chuyển nhà lại phải lo một đống tiền đóng tiền nhà nhiều hơn, và phải kiếm đủ mọi cách để lo đc tiền nhà, ít nhất là vậy, còn tiền ăn thì có thể rau cháo thế nào cũng ok. Vậy là tạm gác lại những thứ gọi là đam mê để vật lộn với cuộc sống, thời điểm này là cuối 2011 đầu 2012, khi mà kinh tế bắt đầu đi xuống, mọi người đã phải suy nghĩ hơn về việc tiêu tiền vào một món gì đó. Mèo chi thì bán đủ tiền sinh hoạt hang ngày, ship mỹ thì đi xuống và tiền nong mình kiếm được ngày đó cũng chỉ trông vào tiền lương cộng tác viên với công ty bà chị. 

Khó khăn dồn khó khăn và cứ như thế nó chất thành đống, nhiều đêm nằm suy nghĩ những ngày tiếp theo thấy bế tắc quá lại tủi thân và ngủ thiếp đi. Tất nhiên là qua một giấc mơ dài thì anh em sẽ mạnh mẽ hơn một chút, chí ít là đủ tỉnh táo để biết làm gì tiếp theo. Mình tiếp tục kiếm việc trên mạng, những việc từ đơn giản đến phức tạp, làm banner, logo hay thiết kế web, ko nhiều, nhưng cũng đủ để đỡ phải lo phần nào về những vấn đề tiền nong nữa. Đến bây giờ, mình mới nhận ra là chỉ trong khó khăn thì lúc đó mới có những ý tưởng độc đáo hoặc táo bạo bất ngờ. 

MMO nó có một trò gọi là đầu tư siêu lợi nhuận, tiếng anh là High Yield Investment Programs (HYIP). Nó đơn giản là một trò theo kiểu bạn có tiền gửi vào và nhận lãi hang tháng, anh em nào chơi MMO thì biết rõ, mình chỉ giải thích sơ qua vậy. Lãi có thể lên tới 120%/tháng nhưng sẽ tang dần từ khi anh em gửi tiền vào chứ ko được ngay. Nó tương tự như Forex, nhưng nhẹ nhàng hơn, ko phải suy nghĩ và đắn đo. Cái duy nhất là anh em có máu liều hay ko vì đa số trang HYIP sẽ scam (quỵt tiền) của bạn mà ko trả. Ăn luôn cả tiền gốc, lúc đó chả biết khóc ai. Mình trước ko để ý lắm, nhưng đợt đó có đứa bạn nó chỉ, nên nhảy vào xem sao, đầu tư vào khoảng 200$ tiền tiết kiệm, và mỗi ngày lãi đc 5$, tức là hơn 1 tháng mình sẽ rút được gốc và còn lại nó sẽ tự sinh lời từ lãi. Quá ổn định và đều đều. 3 tháng chạy bắt đầu có lãi thì site nó dở chứng, đầu tiên là giữ tiền lại và sau đó là scam luôn. Mất toi 400$ được cái là gốc rút về rồi nên cũng chỉ thở dài một cái thôi chứ không buồn rầu lắm, làm online đôi khi phải chịu mất tiền như vậy. Ngày trước nữa mình làm uploader cũng hay mất tiền, và số tiền thì lớn hơn 400$ rất nhiều, nên cũng ko có gì là ngạc nhiên cả. 

Mình làm ở công ty của bà chị được vài tháng thì nghỉ, nghỉ vì muốn dành thời gian nhiều cho những đam mê của bản thân, mình không thể như bác Vinh đam mê phải để đến lúc già mới tiếp tục thực hiện, vì đâu ai biết ngày mai sẽ sống như thế nào. Mình đã từng nói, mỗi bước chân anh em bước tiếp sẽ tạo ra một con đường mới, và nếu ta cứ quanh quẩn với những cái cũ, với những thứ mà được tạo sẵn, được sắp đặt thì rất là nhàm chán. Sống vì đam mê cơ mà anh em nhỉ. Thế là nghỉ việc, và đi tiếp thôi. 

Suy nghĩ trong đầu hiện lên ngay lúc đó là đi về phía Nam, và Đà Nẵng là nơi mình nghĩ tới. Mất 2 tuần lên kế hoạch cho nó, 2 tuần để chuẩn bị mọi thứ từ tiền bạc, sức khỏe và lịch trình. Và cuối cùng mọi thứ cũng đã xong, Đà Nẵng thẳng tiến. 

Đêm trước hôm đi ĐN, mình có gọi điện về cho mẹ. 

- Mẹ ạ. Mai con đi Đà Nẵng. 

- Uh, đi với ai.

- Con đi một mình. 

- Vẫn đi một mình à, ko rủ đứa nào đi cùng. 

- Thôi, đi một mình cho thoải mái. 

Vài câu nhắn nhủ tiếp theo của mẹ về chuyện đi đứng, tránh va chạm và lên xuống xe cẩn thận. Biết là đi như vậy ở nhà bố mẹ lo lắm, nhưng thôi, vì cái đam mê, cái quyết tâm phải đặt chân đến ít nhất là hầu hết các tỉnh của VN nên gạt đi những suy nghĩ yếu đuối của thằng con trai mà nghĩ đến ngày mình hoàn thành tâm nguyện. Và cứ thế, những suy nghĩ mông lung đưa mình vào giấc ngủ, với ngày mai là một chuyến đi dài, một hành trình dài nhất từ trước cho tới lúc đó… một hành trình vô định chăng?

Chap 21: Đà Nẵng

Đợt vừa rồi mình bận quá, thế nên ko thể viết liền mạch được cho anh em đọc được, hôm nay rảnh rỗi ra được một chút lại tiếp tục ngồi kể cho anh em nghe về chuyện đời của mình vậy.

Khoảng thời gian 1 năm gần đây trước lúc mình bắt đầu đi Đà Nẵng, mình đi khá là nhiều, thấy khá là nhiều chuyện, thích thú với nó, hạnh phúc với nó kiểu như đã thỏa thích ngắm cánh rừng tre một loại cây mà mình rất thích tại Sapa, Thái Nguyên. Nhìn thấy cảnh đồi núi hùng vĩ của Hà Giang, thấy những số phận không may mắn tại Thụy An, thấy những khung cảnh nên thơ, trữ tình tại mỗi nơi mình đi qua. Nhưng hơn cả hết, chưa có một chuyến đi dài, và Đà Nẵng là điều mong đợi nhất trong lúc đó, vẫn nhớ như in cái cảm giác háo hức trước ngày đi, háo hức đến nỗi không ngủ được và trưa mới dậy, rồi ngủ quên tới chiều.

2h chiều, dậy gọi điện hỏi đặt vé xe thì chỉ còn xe lúc 17h30. Ok, vậy là kịp rồi. Làm xong một vài việc, kiểm tra lại đồ đạc và đi. 

Bến xe Giáp Bát 16h. Bến xe Giáp Bát trong suy nghĩ của mình lúc nào cũng là bến xe hiện đại nhất HN. Lỗi lên xuống cho người khuyết tật rất dễ, không như các bến khác, lên xuống phải nhờ người khác đưa lên đưa xuống rất là mất công, ngoài ra còn có wifi nữa mặc dù chẳng bao giờ mình bắt được wifi ở đây lần nào. 

Mình ra tìm xe đã gọi điện trước, anh phụ xe rất nhiệt tình chỉ chỗ và hỏi mình:

- Có lên được ko để tui đỡ.

- Dạ lên được anh. Anh cất hộ em cái xe lăn vào cốp ạ.

- Rồi, anh lên đi. 

Lên xe xong xuôi, ổn định chỗ ngồi là khoảng 5h chiều. Hơn 1 năm trước vào thời điểm đó, lần đầu tiên mình đi xa 1 mình là hơn 100km, và đến lúc ấy, khoảng cách ấy nó cứ dần dần xa ra, xa ra.. đến những nơi mà mình chưa từng đặt chân tới, đến những nơi mà mình nếu mình ko đi, ko quyết định thì có lẽ chỉ nằm ở nhà và nhìn nó qua màn hình máy tính hoặc TV. Hành lý mình có rất ít, nhưng đi một mình và trong những chuyến đi như thế thì cần cẩn thận, mọi thứ có giá trị đều được để sang bên trong hoặc lấy chân đè lên. Thơ thẩn với những suy nghĩ mông lung, theo dõi xung quanh xem thế nào. Mọi thứ ổn định dần, khách lên ngày một nhiều và xe bắt đầu rời bến. 

Xe chạy đến tầm 7h thì ghé đâu đó ăn tối. Mình ko dám ăn nhiều hay uống nhiều, vì xe sẽ chạy thông đêm, và một thằng như mình đi vệ sinh rất là khó nếu như có chuyện gì xảy ra. Lần đầu tiên đi xe giường nằm, trong đêm, mọi người đi ngủ hết, nhà xe cũng tắt hết đèn, bạn đồng hành cùng mình vẫn là nhạc như mọi khi, vẫn là trance, ngủ trên xe ko quen lắm nên giấc ngủ không được trọn vẹn, cứ một chút lại tỉnh. Và những lúc tỉnh như thế thì nhìn ra màn đêm đen kịt phía ngoài, thi thoảng có xe chạy ngược chiều, san sát và vun vút cảm giác như sắp đâm vào nhau vậy. 

Đang nhìn đường xá ban đêm thì có điện thoại: 

- Alo Vếu hả?

- Uh, ai vậy. 

- Tớ Thành đây. 

- Uh, mỗi lúc một số chả biết dùng số nào.

- Đang ở đâu. 

- Trên xe đi Đà Nẵng này.

- Tớ vừa về nhà, đến ĐN thì qua nhà tớ nhé.

- Về khi nào thế, đang định gọi điện để hỏi nhà nghỉ. 

- Thôi nhà nghỉ làm gì, qua nhà tớ đi. 

Hơn 12 tiếng trên xe, cuối cùng cũng đã đến được với thành phố Đà Nẵng. 

Đà Nẵng, một thành phố thuộc Nam Trung Bộ. Đây là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ít ai biết được rằng cái tên Đà Nẵng xuất phát từ một từ Chăm cổ: DAKNAN đại khái có nghĩa là vùng sông lớn, hoặc vùng cửa sông. Những năm đầu thế kỷ 18, Đà Nẵng là thương cảng lớn nhất miền Trung. 

Vài kiến thức sơ qua là vậy, trong ký ức của mình lúc đó thì ĐN thanh bình, yên bình một cách lạ thường. 

Gọi lại cho thằng Thành và hỏi nó địa chỉ nhà. 

Thành cũng là mod trên vOz (một diễn đàn về phần cứng máy tính mà mình cũng làm mod ở đó) hai thằng chơi với nhau cũng khá là thân, thời gian ở Hà Nội nó cũng là thằng hay bị mình chửi vì cái tính khá là bốc đồng và cứng đầu của nó. Hôm trước viết những cái truyện này, nó có pm và nói “Tớ đang đợi xem cảm giác thất bại của bạn Vếu như thế nào, vì trước giờ tớ thấy Vếu cân bằng được rất tốt những chuyện khó khăn”.. Bạn bè vậy đấy, nó chỉ chăm chăm xem mình chết như thế nào thôi. 

Thành người nhỏ nhỏ, dáng dấp luộm thuộm và ko chú trọng vào hình thức bên ngoài lắm, đơn giản, nhưng nhiệt tình. Nói như mình vẫn hay trêu nó “ngoài nhiệt tình ra thì chả được cái gì cả” Cũng là thằng tâm sự với nó nhiều nhất những chuyện buồn vui trong công việc thời ở Hà Nội, cũng là thằng lang thang với mình thời chưa về ở cùng bà chị. 

Nhà Thành ở phố Hàm Nghi, chỗ này gần một cái hồ mà mình quên mất tên là hồ gì rồi, tẹo nữa sẽ kể tại sao mình lại nhớ cái hồ đó cho anh em nghe. Sau khi nghe nó đọc địa chỉ thì mình đi bộ về đó từ bến xe Đà Nẵng. Lúc đầu tưởng gần vì trên bản đồ có khoảng 5km. Nhưng đi thì mới thấy xa, chắc là đợi lâu quá nên Thành gọi lại và hỏi đến đâu. Sau khi biết mình đang đi bộ thì chạy xe ra đón cùng với đứa em. 

Sau khi về đến nhà Thành, tắm rửa xong hai đứa đi ăn sáng sau khi được giới thiệu “Trước ngõ nhà tớ có quán bánh bèo, rẻ mà ngon lắm” 

Quán bánh bèo, ko hẳn là quán, chỉ là vài bộ bàn ghế kê ra để bán cho dân trong xóm. Lần đầu tiên ăn bánh bèo, nó là loại bánh làm bằng bột gạo đổ khuôn vào một cái bát con miền bắc hay đựng nước mắm (miền trung và miền nam gọi là chén) phần chính của nó là bột gạo, nước chấm và gia vị được đổ trực tiếp vào luôn, ăn có thể nêm thêm nước mắm hoặc nếu ai vừa miệng rồi thì thôi. Cảm giác đầu tiên mình ăn nó giống như bánh cuốn, nhưng ko phải là lát mỏng, mà là cả cục. Gia vị gồm có tôm và mỡ hành, ớt, lạc, tôm băm… vừa ăn vừa hỏi. 

- Bao nhiêu 1 chén này vậy ông.

- 2k. 

- Rẻ vậy, cái này ăn 5 chén là đủ no rồi. 

- Tớ ăn 2 chén là ổn ổn. 

- Mà làm sao lại gọi là bánh bèo?

- Giá nó bèo, thấy ko? Có 2k 1 cái. 

- Thật à?

- Thật. 

Sau này mình mới biết cách giải thích đó ko đúng cho lắm. Cách giải thích mà mình tìm hiểu được là do nó giống lá bèo. @.@

Thời tiết Đà Nẵng theo như mình cảm nhận lúc đó là nóng, gắt hơn miền Nam và dịu hơn miền Bắc một chút. Ăn sáng xong thì hai thằng lượn lờ ngoài đường, tội thằng bé, nó ko quen đi bộ như mình hay sao đó mà đi một tí đã thở rồi. Mệt thì lại ghé vào đâu uống trà đá và ngồi ngắm người ta đi qua. 

- Đà Nẵng có gì hay ko Thành. 

- Cũng ko có gì hay lắm, đại loại tớ ở đây nên thấy mọi thứ bình thường, nhưng đặc trưng thì xem cầu quay này, rồi chợ Hàn, mấy chợ linh tinh, đi biển… 

- Vậy cũng chán nhỉ, tại sao người ta hay đổ về đây vậy?

- Là thành phố du lịch mà, cũng như Hải Phòng ấy.

- Hải Phòng nó còn có Đồ Sơn, đây có khu công nghiệp như Đồ Sơn ko mà đòi so sánh. – Mình vừa nói vừa cười.

- Có hay sao đó, tớ ko rõ lắm. 

- Ngoài mấy cái đó thì hết rồi đúng ko?

- À, còn tương quan âm trên bán đảo Sơn Trà. Lên cho biết. 

- Hay đấy, tí đi luôn đc ko? 

- Thích thì đi thôi, mà cái xe lăn mang sao?

- Chưa biết, hay tớ ngồi đằng sau mang?

Thành nó nghe thấy thế hốt hoảng và nói:

- Mang làm sao đc, cậu cầm xe làm sao đc? Nhỡ va quệt ngã xe thì sao?

- Thử đi, cùng lắm chết ấy mà. Chạy cẩn thận là được. 

- Hơi sợ, cứng đầu quá, có gì tớ ko chịu trách nhiệm đâu nhé – nó vừa nói vừa cười đùa. 

Vậy là hai đứa lòng vòng một lúc qua mấy chỗ trung tâm, qua chợ Hàn nhưng ko vào, lượn phố xem người ta có gì. Trên đường về thì gặp mưa, mình đưa máy ảnh với đồ điện tử cho nó chạy trú mưa trước rồi theo sau. Mưa Đà Nẵng cũng giống Hà Nội, Hải Phòng anh em ạ, nhẹ nhàng và ko quá to. Một mình lăn xe trong mưa, cảm giác lúc đó chỉ đơn giản là sợ cái xe nó rỉ sét ra thôi chứ ko lo lắm đến chuyện ốm đau, đi khoảng 1km thì rẽ vào chỗ sân tennis gì đó, chắc anh em Đà Nẵng đọc đến đây sẽ biết chỗ đó, còn mình thì chịu, ko nhớ được tên đường. 

Ngồi đợi mưa và uống nước dừa. Thành hỏi:

- Thấy Đà Nẵng sao?

- Giông giống Hải Phòng, nhẹ nhàng, yên bình, ít xe. 

- ừ, người dân ở đây cũng hiền, yên bình nữa. 

Vài ba câu chuyện tầm phào tiếp theo đợi tạnh mưa rồi hai đứa về. Nghỉ ngơi đợi chiều đi lên Sơn Trà. Chuyến đi lên Sơn Trà tiếp theo đây cũng có lẽ là chuyến đi mang đến cho mình nhiều nguy hiểm sau chuyến đi Thái Nguyên. Một thằng kém may mắn về sức khỏe nhưng lại thừa độ gan lỳ và cứng đầu đã bất chấp mọi thứ để làm điều mình muốn đến bây giờ nghĩ lại cũng sợ, sợ đến nỗi mà sau này có dịp quay lại Đà Nẵng mình cũng ko đề nghị đi lên Sơn Trà lần nữa. 

Để dần dần mình kể cho nghe trong phần tiếp theo vậy, dạo này bận và cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều thứ xung quanh cho nên lỡ hẹn với anh em nhiều, viết nhiều thì không có thời gian và tâm trạng để viết, viết ít thì anh em lại bảo són, thế nên anh em đã và đang theo dõi thông cảm cho mình nhé. Chuyện đời mình còn nhiều thứ để viết để chia sẻ lắm. Mỗi câu truyện là một bài học hoặc một trải nghiệm cho chính bản thân mình và nếu anh em có đọc được áp dụng vào đâu đó thì mình rất là vui, thực sự vui. 

Chap 22. Đà Nẵng – Sơn Trà và lần tai nạn tiếp theo.

Trưa hôm đó được thưởng thức món Mì Quảng mà mẹ Thành nấu, cái vị rất lạ, đến giờ mình vẫn còn ấn tượng cái vị của món đó. Hơi ngọt, hơi mặn và hơi đậm đà, cái thích nhất là ăn nhiều rau, rau ở Đà Nẵng nức mùi thơm giống như rau trong vườn mẹ vẫn hay trồng vậy, không như rau ăn ở Sài Gòn to nhưng bạn cần phải tống cả mớ rau vào mồm mới có mùi vị, còn ở đây chỉ bé tí thôi và khi ngắt từng lá ra là mùi thơm bay sực lên mũi rồi. Người ta nói Mì Quảng không ai nấu giống ai có lẽ cũng đúng, sau này được ăn nhiều nơi nữa nhưng đúng là chẳng nơi nào giống nơi nào, mỗi nơi có một mùi vị đặc trưng riêng của quán, có lẽ đây là món ăn duy nhất ở Việt Nam ko có vị chung.

Ăn uống xong xuôi thì nghỉ một chút, báo cáo tình hình thằng con như thế nào với bố mẹ và anh chị. Đến khoảng 2h thì tắm táp qua một chút vì thời tiết Đà Nẵng cũng nóng, mình và Thành lấy xe máy đi lên Sơn Trà và thăm tượng quan âm lớn nhất Việt Nam.

- Này, chúng mày đi như thế nào – Mẹ thành thấy vậy nói vọng ra.

- Xe máy ạ.

- Cái xe lăn thì như thế nào?

- Cháu ngồi sau cầm. Chắc được.

- Ôi con ơi, ko đc đâu, như vậy nguy hiểm lắm, lại còn đường đèo nữa.

- Dạ ko sao đâu.

- Hay cô gọi taxi nhé.

- Thôi cô ơi, đi xe máy cho vui.

Mẹ nó lo lắng và nhìn hai đứa nổ máy đi khuất dạng.

Nói sơ qua về tình hình lúc đó. Cái xe lăn của mình thì xếp lại được và mình để ở giữa người mình và Thành, ngồi ôm nó như ôm người yêu vậy. Đây cũng là lần đầu tiên mình làm như thế, cơ bản khi ngồi xe máy phải ngồi vững, và nếu có chòng chành một chút mình ko bám được vào xe là “ăn cứt” ngay như thằng Thành nó nói. Thế nên chả hiểu sao lúc đó lại liều như vậy, chả hiểu sao lúc đó lại sẵn sàng để sự an toàn của mình qua một bên như thế, sau này có cho lại tiền mình cũng không dám làm lại như thế một lần nữa. Rất lâu sau đó, chiếc xe lăn mới được “ngồi” cùng mình trên chiếc xe máy, nhưng những lần sau này nó ở vị trí phía sau, buộc như buộc hàng. 

- Chạy chậm chậm thôi nhé, mà xe này tí leo dốc được ko vậy. Leo ko được vật ra giữa dốc thì vui cả lũ đấy nhé.

- Được yên tâm vào tay lái tớ đi.

Hai thằng phá vỡ sự im lặng bằng những câu chuyện linh tinh về đường phố Đà Nẵng. Đà Nẵng, thành phố của những cây cầu, đi đến đâu cũng thấy cầu, đi 1 tí lại thấy cầu. Qua cầu Thuận Phước hai chút là đến chùa Linh Ứng. Chùa Linh Ứng nằm trên bán đảo Sơn Trà có tượng phật quan âm lớn nhất Việt Nam, và nghe đồn ở đâu là để trấn yểm cái gì đó mình ko nhớ lắm, nhưng hình như thế.

Lên đến nơi, tham quan cảnh chùa. Nếu anh em đến đây hỏi đường đến chùa Linh Ứng thì sẽ được người dân hỏi lại “Linh Ứng nào?” Vì đơn giản cả thành phố Đà Nẵng có đến 3 ngôi chùa tên là Linh Ứng, 1 ở trên đình Bà Nà, 1 ở Ngũ Hành Sơn và một ở bán đảo Sơn Trà, nằm tại Bãi Bụt. Mình đến nơi chỉ đi bên ngoài chứ ko vào trong tượng, nghe nói ở bên trong tượng còn có nhiều tượng nhỏ nằm tại mỗi tầng, có 17 tầng tất cả. Và tất nhiên là chui vào trong bức tượng thì có thể ngắm toàn cảnh biển từ phía đảo Sơn Trà. Lúc đó mình ko lên được nên thôi, đứng ngoài và đi loanh quanh trong chùa.

Không đông như mình tưởng, có lẽ lúc đó là giữa tuần nên lượng khách du lịch đổ về đây cũng ít, thoáng qua chỉ thấy những xe từ Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Ngoài điểm đặc biệt đó thì trong chùa cũng có 18 bức tượng của 18 vị La Hán chạy thẳng ra cổng. Đại loại về cảnh sắc thì chỉ có vậy. Mình và Thành ngồi lại một chỗ uống nước và nghỉ.

Sau khi đi thăm chùa chán chê, hai đứa lên đường về, và đã có kinh nghiệm từ vụ Thái Nguyên mình buột miệng hỏi

- Xuống khó hơn lên đó nhé, giờ xuống sao?

- Thì ngồi lên rồi xuống thôi.

- Thế thì hơi liều nhỉ. Dễ lăn quay ra lắm, thôi để tớ đi bộ xuống. Rồi ra đến đoạn đường bằng lên sau.

- Dốc lắm đấy, phanh đc ko.

- Được.

Vậy là Thành lấy xe xuống trước, còn mình đi từ từ xuống dốc. Dốc ở đây thì tuyệt vời hơn ở Thái Nguyên rất là nhiều, ko gồ ghề, đường nhựa, thả dốc rất là thích anh em ạ. Và thích như thế thì mình cũng phải trả giá cho cái trò mạo hiểm đó.

Là một thằng mang trong mình bệnh xương thủy tinh, va chạm mạnh là gãy tay hoặc chân, nhưng mình chẳng bao giờ ngồi yên và lúc nào cũng mong muốn làm được những việc như bọn bạn, ngày bé lúc nào cũng là thằng hiếu động nhất, lúc nào cũng là thằng đầu têu ra những trò nghịch ngợm nhất trong lớp mà đôi khi người lớn còn dè chừng. Và chính vì cái tính hiếu động và nghịch ngợm đó đâm ra nhiều lần bị đòn và cũng phải trả giá về nó. Nhiều lần gãy tay gãy chân cũng chỉ vì nghịch ngợm, bố mẹ nói ngồi yên mà ko đc, lại chạy đi chạy lại, vấp ngã -> gãy. Buổi trưa cả nhả đang ngủ trốn bố mẹ đi chơi, một chân sụt xuống hố -> gãy. Đi bắt tổ ong, chạy khi ong vỡ tổ, ngã -> gãy 2 chân. 30 Tết đi theo chị xuống chợ tết, nghịch ngợm thế nào chạy lon ton ra giữa đường đứng, xe đạp người ta chạy qua húc vào ngã -> gãy 2 chân. Đến bây giờ ngồi viết lại những cái này cảm giác những vết cũ nó lại nhói lên từng đợt khi nhắc đến từ gãy. Chính vì gãy nhiều như vậy nên đôi khi mình bị ám ảnh, bất cứ ai nói đến gãy xương, hay phải nhìn phim chụp x quang thôi là nổi da gà và sợ, sợ hãi thực sự chứ ko phải là sợ cho vui. Đến bây giờ, đôi khi mẹ vẫn nói “giá như ngày xưa mày biết sợ như giờ thì có phải đỡ hơn nhiều rồi ko” – Với cái tính hiếu động và nghịch ngợm như vậy nó ngấm vào máu rồi thì việc đổ đèo Sơn Trà cũng ko có gì là khó hiểu.

Thành đã đi trước, mình bắt đầu kiếm cái gì đó để quấn vào tay làm phanh. Đầu tiên là kiếm được 1 mảnh vải, ok ngon. Tiếp theo là kiếm được một đoạn xăm xe cũ người ta vứt đi. Quá tuyệt vời, quấn mảnh vải và lốp xe vào tay, có ngay hệ thống phanh tay. Anh em nếu đã từng sử dụng xe lăn thì sẽ biết, phanh của xe lăn là phanh chết, và nếu muốn đi từ từ thì phải phanh bằng tay, nên để đảm bảo tay ko bị trầy xước thì phải có đồ bảo vệ, và để tăng độ nhạy của phanh thì phải có đồ để bám, kiếm được miếng cao xu là điều tuyệt vời ngày hôm đó.

Xuống dốc dần dần, càng xuống mình càng thả để cho nó tự lăn, và đi được khoảng 100m thì xe bắt đầu lao như tên bắn, mọi thứ lúc đó tốc độ phải lên đến 20km/h mình bắt đầu hoảng và giữ bánh xe lại, nhưng quay nhanh quá nên việc giữ lại là điều khó khăn, và phái trước là cái ô tô, đến lúc đó mình đâm rầm vào nó…

Đùa thôi, đấy là cái suy nghĩ đầu tiên khi mình bắt đầu thả dốc, càng xuống thì càng nhanh, đã đến lúc tay ko phanh nổi cái bánh xe đang quay tít nữa, lúc đó thì dùng đến chân. Dùng hết cả chân và tay để phanh lại và đi từ từ, đến đoạn nào thẳng thì thả dốc, như đã nói, mình liều thì liều thật nhưng ko có nghịch ngu nên vẫn suy nghĩ được cái gì an toàn cho bản thân và bản thân làm được tới đâu. Tất nhiên là người tính ko bằng trời tính, trong một giây lơ đãng mình đã ko phanh kịp, và cái xe lăn tự do xuống dốc, cũng nhanh nhưng ko biết bao nhiêu km/h như đoạn tưởng tượng trên cả, chỉ biết cố gắng dừng nó lại, và 2 tay giữ bánh xe, cố gắng cho nó cua ngang ra để dừng, trong lúc cố gắng để nó cua ngang thì mất lái và đâm sầm vào gừa chắn giữa đường và vực. Hơi hốt hoảng vì chỉ cần nhanh hơn và mạnh hơn 1 chút là người bắt xuống dưới rồi.

Thành chạy phía sau nhìn thấy thế cũng hơi hốt hoảng và dừng lại xem có sao ko, sau đó hai đứa cùng đi xuống dưới. Đến đoạn đường bằng thì gấp xe lại và lên xe máy đi. Không nguy hiểm bằng Thái Nguyên nhưng cũng để lại cảm giác mạnh và hồi hộp phết. Trên đường về nhà, trời đã tối, giờ tan tầm của Đà Nẵng cũng không bằng lúc bình thường của HCM hay HN. Đông nhưng mọi người không vội vã lắm. Và mình có cảm tưởng như đang ở Hải Phòng vậy. Chầm chậm và thanh bình.

Về nhà cấp xe lăn xong hai đứa đi dạo 1 vòng Đà Nẵng trên xe máy, và chính lúc này là lúc mình bị taxi đâm.

Và chính lần đâm taxi này mình mới biết được rằng, những tình huống bất ngờ nhất, tưởng chừng như nguy hiểm nhất lại ko làm sao, nhưng những lúc tưởng như ko làm sao nhẹ nhàng thì lại gây ra hậu quả ko đáng có. Trong những chuyến đi của mình, có những lần bị ngã, có những lần tai nạn, có những lần tưởng chừng như vào bệnh viện với 2 tay và 2 chân gãy nát, nhưng thật thần kỳ, bằng một phép màu nào đó những lần như vậy mình chỉ xước xát nhẹ và chỉ bị ê ẩm người. Như trường hợp ở Thái Nguyên, nếu lần đó bị làm sao thì có lẽ mình đã bị gãy 2 chân rồi. Có thể việc học cách ngã trước khi học cách đi nó giúp ích cho bản thân bằng những thứ thiết thực như vậy. Nhưng đôi khi còn có cả may mắn nữa.

Chiếc taxi từ từ tiến tới từ phía sau, khi mình và Thành rẽ phải thì chiếc taxi tăng tốc vượt lên, đâm vào đuôi xe máy và cả hai cùng ngã, người mình bắn ra phía trước khoảng 2m. Cũng như lần ở Thái Nguyên, bất động và 10s sau bắt đầu cử động xem chân tay có gãy hay bị làm sao ko. Mọi việc diễn ra quá nhanh, nhưng trong một giây nào đó anh em cảm giác như hình ảnh đứng lại, y hệt trong phim đấy, có đi, có những lần suýt chết như vậy mới thấy phim nó làm giống thật vãi. Kiểm tra lại tay chân thấy không sao cả, xước đầu gối, một ít ở mắt cá, mũ bảo hiểm vỡ. Túi đựng máy ảnh và cái lens ko sao. Ngó qua thấy Thành cũng đang nằm và 1 lúc sau lồm cồm bò dậy, người dân chạy ra giúp đỡ và chặn chiếc taxi lại. Tài xế cũng chạy xuống xem sao.

Kiểm tra người ko sao cả nên để cho chiếc taxi đi. Nhưng đến hôm sau thì toàn bộ cái vai của mình bị đau, chắc do lúc ngã lấy vai ra đỡ người, chỗ đó cũng nhiều thịt nên chắc đỡ được. Còn Thành thì đau tay, bong gân. Hai đứa hoàn hồn và đi về nhà. Về đến nhà thì bác gái hỏi:

- Chúng mày ngã xe à?

- Đâu ạ?

- Quần áo thằng Anh bẩn kìa. Còn cả vết rách này.

- Đâu ko, nãy đi lên chùa chơi hăng quá nên rách ấy mà bác.

- Đi đứng cho cẩn thận con à.

- Vâng ạ.

Mình cười hì hì và nhận điện thoại của anh em vOz Đà Nẵng.

- Anh ơi ra chưa, bọn em đến chỗ nhậu rồi.

- Uh, đang chuẩn bị ra, chờ a tí nhé.

Trước khi đi chùa Linh Ứng, mình đã nhờ anh em Đà Nẵng setup 1 buổi gặp mặt thân mật để làm quen với mọi người, rút ngắn cái khoảng cách được gọi là Mem – Mod trên diễn đàn, đại loại thế. Vẫn chưa hoàn hồn vì vị taxi đâm nên hai đứa quyết định đi taxi.

Mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần tạo nên một mối quan hệ mới, dù anh em có thể không gặp lại người ta trong bước đi tiếp theo của cuộc đời nữa, nhưng những mối quan hệ đã từng gặp, những người anh em đã từng uống bia, bắt tay hay chỉ là một câu chào cũng làm thay đổi bước đi của anh em rồi. Chính vì thế những chuyến đi của mình luôn mong muốn gặp được nhiều người, càng nhiều càng tốt. Để mỗi người mà chúng ta gặp sẽ học hỏi ở họ một chút gì đó, cách ăn mặc, cách nói chuyện hay chỉ là chia sẻ cuộc sống của nhau cho nhau nghe. Mỗi người mỗi cảnh, và cách mình cảm nhận cuộc sống, cách trải nghiệm của bản thân chính là nghe những câu chuyện của họ. Những câu chuyện để biết được mình còn may mắn như thế nào, để biết được rằng đối với họ thì mình chưa là gì cả. Để biết được, những trải nghiệm đang có đáng trân quý như thế nào.

Những chuyến đi tiếp theo của mình vẫn cứ thế, tiếp tục Hội An, Sài Gòn là những bước tiếp của mình trên cuộc hành trình này. Sẽ tiếp tục kể từ từ cho anh em vào những ngày tới. Hy vọng anh em ko chán nghe mình lảm nhảm. 

Chap 23: Hội An. 

Sau cái hôm bị tai nạn đó, đêm mình về đến nhà thì toàn thân mới bắt đầu ê ẩm. Nằm trằn trọc một lúc không ngủ được và Thành cũng vậy.

- Đi hóng gió ko Vếu?

- Ok, ở đâu?

- Hồ Thạc Gián. Gần đây thôi.

Vậy là hai đứa ra khỏi nhà, mẹ nó thấy vậy không quên hỏi đêm rồi còn đi đâu. 

Như lúc đầu đã nói với anh em đây là cái hồ có lẽ mình ấn tượng, lý do thì là đây, buổi đêm hai thằng ra đó ngồi hóng gió tầm 2h đồng hồ và đếm được khoảng hơn chục người ra đái bậy. Nói vui vậy thôi, chứ buổi hôm đó mình và Thành ngồi nói chuyện rất nhiều về những gì hai thằng đã làm được, trạc tuổi nhau, tính tình cũng khá là hợp nên chuyện gì cũng kể cho nhau được. 

Thành là một thằng cũng đi nhiều, cũng lang thang chỗ này chỗ khác nhiều, cũng trắc trở trong mọi chuyện, từ tình cảm tình yêu cho tớ công việc. Tính khá tốt, nhưng hay bảo thủ và không nghe lời khuyên từ người khác. Chính cái tính này mà đôi khi mình hay mất bình tĩnh khi nói chuyện với nó. Có những lúc hai thằng cãi nhau nảy lửa đến mức mà mình chỉ muốn đánh nhau với nó, nhưng rồi hôm sau hai đứa lại nhìn nhau và cười. Đêm đó cũng vậy, mình với nó nói chuyện về cuộc sống, về tình yêu và những gì hai thằng đã trải qua và làm được. 

Lúc đó, Thành mới bỏ việc ngoài Hà Nội, tạm rời xa thủ đô để về Đà Nẵng “chờ thời – câu mà mình hay nói với nó. Có thể với tính cách của nó thì sẽ ko thành công được đến mức mà nó muốn trong công việc chuyên môn vì đôi khi như mình nói “người tốt không bao giờ hạnh phúc cả”. Lúc đó nó cũng chán nản công việc, và muốn đi đây đó. 

- Vếu có bao giờ nghĩ là sẽ làm được một cái gì đó to lớn ko?

- Có chứ. Tớ lúc nào chả muốn làm được cái gì để lại cho đời. 

Rồi hai thằng ngồi nói về chuyện tình cảm, chuyện công việc của nó sắp tới. Đôi khi trong cuộc sống hiểu được người khác là một điều rất khó, có thể người ta sẽ phải mất cả đời để hiểu được ai đó. Nhưng để hiểu được một phần là chuyện có thể làm được. 

Hai đứa tâm sự một lúc rồi về ngủ, chuẩn bị ngày mai đi Hội An.

Phố cổ Hội nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, ven biển tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 30 km. Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Cuối những thập niên 1980 Hội An bắt đầu được mọi người để ý và dần trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Bắt đầu đi Hội An bằng xe bus, đây là lần đầu tiên mình đi xe bus. Trước giờ cũng định đi nhưng thực sự mà nói đi xe bus chắc là điều kinh hoàng với người ngồi xe lăn ở Hà Nội. Và hôm đó là hôm cảm nhận không khí trên xe bus lần đầu tiên. Giống như đi xe khách cách đây khoảng hơn chục năm, khi mà lúc đó mình vẫn phải đi từ quê ra thành phố để bó bột. 

Hội An trong hình dung của mình nó sẽ na ná phố cổ ở Hà Nội, nhưng không phải vậy, nó nhẹ nhàng hơn nhiều, không sầm uất và xô bồ như Hà Nội. Lượn lờ qua những chỗ có thể coi là địa điểm du lịch ở Hội An, lúc đầu cứ tưởng phố cổ Hội An nó rộng lắm từ chỗ bến xe là phố cổ rồi, nhưng sau này mới nghe Thành nó nói Phố cổ Hội An chỉ có diện tích khoảng 2km vuông. Điểm đặc biệt mình thích nhất ở đây là những con đường, ngắn – hẹp – và dốc có đoạn uốn lượn nữa, nhà của ở đây nhỏ nhỏ, chắc ngày xưa người VN bé tí nên xây nhà không cần cao lắm. Mà nhỏ nhỏ vậy nhìn lại dễ thương. Như mình đã nói ở những phần trước đi đến đâu mình cũng rất là thích những kiến trúc cổ hoặc cũ cũ cho nên lần này tới Hội An cũng không phải ngoại lệ, bắt đầu ngắm nghía từng chút một về những thứ mà mình chỉ thấy trong sách báo hoặc internet, được tận mắt trực diện nhìn thấy nó thì cảm giác thật khó nói. 

Đan xen với khu dân cư là các quầy bán hàng, nhà hàng, nhà nghỉ hoặc quầy bán quà lưu niệm cũng như các ngôi nhà cổ điển hình, một số hội quán do người hoa xây dựng như hội quán Quảng Đông, Trung Hoa, Phúc Kiến… do ngày xưa Hội An là một thương cảng nổi tiếng cho nên người Hoa vào đây buôn bán và lập nghiệp rất đông, nhiều chỗ còn ghi chép là trước cả người Việt. Nơi đây ngày xưa thuộc về vương quốc Chăm Pa. Sau này người Việt thay thế người Chăm thì người Hoa vẫn còn tồn tại và duy trì cuộc sống của mình, đây là lý do chính về việc có nhiều hội quán người Hoa như vậy, và một phần phong cách kiến trúc khu vực này cũng mang hơi hướng trung hoa. Ngoài những kiến trúc cổ của người hoa thì cũng có một phần kiến trúc của người Pháp khi Pháp xâm lược VN, hầu hết những nơi này đều là nhà ở của các công chức pháp ngày đó.

Đến Hội An chỉ có vậy, ngoài ra còn các món ăn đặc trưng của người dân Hội An và Quảng Nam như Cao Lầu, bánh đập, hến, cơm gà… 

Buổi tối ở Hội An lung linh bởi đèn lồng và các chương trình văn nghệ nằm ngay cạnh sông Hoài. Con sông như mình nhận thấy thì nối giữa hai bên kiến trúc tây và trung hoa lại với nhau. Ngoài ra còn có vụ thả hoa đăng và đi thuyền trên sông, mình thì không thử nhưng đại loại vụ hoa đăng sau này có đi cùng một bạn nữa tới Hội An, thấy vài người đứng phía dưới vớt hoa đăng lên và… đem bán tiếp hoặc đem đi chỗ khác thả. Đất du lịch thì có lẽ ở đâu cũng vậy, phải biết nhanh nhạy thì mới kiếm được tiền. 

Kết thúc một ngày ở Hội An, mình và thành chọn một nhà trọ ở kèm nhà người ta, ngủ một giấc đến sáng hôm sau về lại Đà Nẵng để chiều mình trở về Hà Nội. Rời Hội An, cũng chính là lúc mình đi xa hơn nữa với những quyết định táo bạo của mình, muốn định cư và làm việc ở một thành phố xa hơn Hà Nội. 

Anh em thấy đấy, cuộc đời mình có lẽ là “những chuyến đi” khám phá bản thân, khám phá những vùng đất mới mà chưa từng đặt chân đến. Sau này có dịp ngồi lại, nghĩ về nó, nghĩ về những gì mình đã trải qua rồi mỉm cười một cái. Cuộc sống mà, đơn giản lắm khi bạn có thể làm những gì mình thích. 

Đến bây giờ, thời gian mình đang kể đã đang rất gần với thời gian mình ở hiện tại, tức là chỉ còn cách mình vài tháng thôi. Cho nên mình xin tạm dừng phần 1 của câu truyện về cuộc đời ở đây, các bạn sẽ tiếp tục nghe mình kể ở một thời điểm khác, một chuyến đi khác mà mình đang bắt đầu lên kế hoạch. Nhiều người nói mình đừng drop. Tất nhiên, mình sẽ không drop, nhưng sẽ có lúc phải dừng lại bắt đầu một cuộc hành trình mới.

Trọn vẹn 23 phần, là những gì mình đã trải qua, những gì mình đã dừng lại. 10 năm được tóm tắt trong 23 phần của một câu truyện, không biết vô tình hay cố ý nó giống như ngày sinh nhật của mình 23/10. 23 phần, nhiều cảm xúc và cũng không ít lần nói nhảm linh tinh, đôi khi mình đọc lại những câu truyện của mình, thấy đâu đó những ký ức như kiểu mới hôm qua thôi nó còn ngay đó vậy. 

Anh em ạ, mình không mong để lại một bài học nào đó. Nhưng những gì mình đã trải qua trong suốt hơn 10 năm mình chỉ muốn chia sẻ cho anh em bằng một câu duy nhất “nếu không đi, biết bao giờ chúng ta mới bắt đầu?” Cuộc hành trình “không thể vỡ” vẫn tiếp tục, mình sẽ cập nhật tiếp trong các chuyến đi tiếp theo. Giờ thì hẹn gặp lại anh em vào một ngày gần nhất. 

Chúc anh em nhiều sức khỏe và làm được những gì mình mong muốn. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: