Con người cá nhân trong văn học thời đại Lý - Trần


Nói đến con người trong văn học Lý - Trần người ta có thể nhìn từ nhiều bình diện và có nhiều cách tiếp cận. Có thể nói tới con người yêu nước, trung nghĩa (như trong thơ Lý Thường Kiệt (1019 - 1105), Trần Quang Khải (1241 - 1294), Trần Quốc Tuấn (1226 - 1300), Đặng Dung (thế kỷ XV),... ; con người chưa chịu sự ràng buộc chặt chẽ của Nho giáo, còn đầy tinh thần tự chủ, tiến thủ, tích cực kiểu Thiền tông, hoặc con người vô ngôn, vô ngã, tự do, phá chấp theo giáo lý nhà Phật. Lý tưởng độc lập, chủ quyền là cái đích của các cá nhân anh hùng thời đại.

Trần Quốc Tuấn đã trình bày một cách khá trần trụi mối quan hệ giữa "ta" và "các ngươi" như là các cá nhân, dòng họ trong cộng đồng "quốc gia" về mặt lợi quyền, danh dự, vinh nhục, kích thích ở họ lý tưởng phải biết sống với người "tri kỷ" của mình. Quan hệ giữa chủ tướng và tỳ tướng nổi bật trong quan hệ quốc gia. ý thức cá nhân hưởng lạc trong đám tỳ tướng là một thực tế mà chủ tướng không thể phủ nhận, mà đã bàn đến lợi ích cá nhân, dòng họ thì chưa phải tư tưởng thuần là Nho giáo. ý thức về kẻ thù dân tộc cũng không rõ nét khi nhắc tên các gương trung nghĩa của tỳ tướng nhà Nguyên đi đánh quân Nam Chiếu, là đội quân đang xâm lấn ta ! Con người cá nhân được ý thức rõ hơn khi thất bại, vì thông thường sự thất bại, lầm lỡ đều có tính chất số phận cá nhân, buộc con người phải ôm hận, nuốt hận ("Vận khứ anh hùng ẩm hận đa" - Đặng Dung).

Lý tưởng Phật giáo thời kỳ này đã đáp ứng nhu cầu gì của cá nhân ? Lý tưởng chung của Phật giáo là diệt khổ. Nhưng phải xét đến tình hình lịch sử cụ thể của thời kỳ này để giải thích vì sao, đến thời khác, lý tưởng đó có thể không đáp ứng được phổ biến như vậy. Việc tiếp nhận một lý tưởng không giản đơn chỉ phụ thuộc vào nội dung lý tưởng của lý thuyết đó, mà trước hết phụ thuộc vào tâm lý xã hội. Người Việt Nam tiếp xúc với Nho, Phật, Lão từ đầu Công nguyên. Nhưng trong nghìn năm Bắc thuộc ấy, Nho giáo đã là công cụ thống trị của ngoại bang. Những người Nho học có thể tham gia vào bộ máy thống trị của người Hán. Nho học từ đời Hán đã kết hợp với tư tưởng Pháp gia, nên đã khá tàn bạo, chứ không thuầnnhân nghĩa như nho giáo nguyên sơ. Do đó theo Nho là con đường tự nguyện đồng hoá. Phật giáo ngược lại, một mặt là công cụ chống bạo lực, bạo tàn, kêu gọi từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn, vạch rõ quy luật "ác giả ác báo", đòi hỏi chăm lo thiện căn ; mặt khác đó cũng là một con đường giải thoát cho những kiếp người đang chìm đắm. Quá trình xây nền độc lập lúc đầu đầy hy sinh và thành công thường ngắn ngủi. Những năm thuộc Đường, chính sự càng hà khắc. Nhà Đinh, Lê đã bước đầu xây dựng nhà nước độc lập nhưng không lâu dài, bởi có nhiều trở lực từ phía dục vọng, tham ác. Thực tế lịch sử đó đã củng cố tâm lý thiên về Phật giáo cả trong dân gian lẫn giới quý tộc. Đối với dân gian, Phật giáo là ngôn ngữ biểu đạt niềm tha thiết được cứu khổ cứu nạn, khát vọng được bình yên, hạnh phúc ; đối với giới quý tộc, Phật giáo là phương tiện để đạt đến sự thanh thản trong tâm hồn trước mọi biến động đột ngột. Dù có khác nhau, Phật giáo đúng là ngôn ngữ chung của thời đại. Về sau, do nhu cầu xây dựng quốc gia độc lập, Nho học ngày càng được trọng dụng, tạo thành dạng kết hợp Nho - Phật và phần nào cả Lão - Trang nữa. Con người trong văn học Lý - Trần vừa có mặt yêu nước, thượng võ, vừa có cảm nhận sâu sắc về tính chất hư huyễn của cuộc đời, trước hết là của cái thân con người :

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

(Thân như ánh chớp có rồi không,

Muôn cây xuân tốt, thu não nùng)

(Vạn Hạnh - Thị đệ tử)

Thân như tường bích dĩ đồi thì,

Cử thế thông thông thục bất bi ?

(Thân xác con người ta thường như tường vách lúc hư nát,

Tất cả người đời đều vội vàng, ai mà không buồn ?)

(Viên Chiếu - Tâm không)

 Thân thị sinh diệt pháp,

Pháp tính vị tằng diệt.

(Sinh diệt bởi thân mình,

Chẳng hề diệt pháp tính)

(Đào Thuần Chân - Thị tịch)

Thân cá biệt là huyễn ảo, hoa bướm là huyễn ảo (Giác Hải). Sống là chết, chết là sống (Giới Không). Người ta tìm đến chân thân, diệu thể ; chân thân trong vạn tượng, vô thân mới là chân thân. Phủ nhận kinh nghiệm biến ảo để đạt tới cái siêu nghiệm vững bền là quan niệm của con người Thiền học lúc này. Hành vi tiêu biểu thường thấy của họ là coi biến đổi như không, không sợ hãi, không kinh ngạc, đặc biệt là điềm nhiên, bình thản trước cái chết của chúng sinh và của chính mình.

Cùng với sự "vô uý" (không sợ hãi) trước biến động và cái chết, con người Thiền học còn khao khát được tiêu dao tự tại, giải thoát mọi hữu hạn trần tục để đạt được cái tuyệt đối của thế giới. Văn học Thiền đời Trần còn nói nhiều tới sự hoà đồng với tự nhiên.

Thiền tông Trung Hoa bắt đầu từ Huệ Năng (638 - 713) mở hướng tìm tòi hướng nội, không hướng ngoại cầu huyền, khám phá chân tính trong bản thân để tự khẳng định mình trong cái ta bất diệt, có tác dụng giải phóng cá tính theo kiểu riêng. Họ cầu Tây phương cực lạc ngay trước mắt, rất phù hợp với tâm lý sống siêu thoát của giới trí thức từ thời Vãn Đường trở về sau. Cách tu hành giới luật nghiêm ngặt tầm chương trích điển khổ hạnh đã nhường chỗ cho đời sống tự nhiên đầy sinh thú, đói thì ăn, buồn ngủ thì nằm ngủ, tuỳ duyên, tuỳ ngộ, thuận ứng nhẹ nhàng, làm cho con người được khoan khoái.

Cái cảnh "Thú quê nào chán suốt ngày vui", "Ngư ông say ngủ không ai gọi" (Không Lộ -Ngư nhàn), cảnh "Gió đập cành thông trăng lấp loáng - Thanh u cảnh hợp với tâm trạng - Biết bao thú vị mấy ai hay - Để kệ cho sư vui đến sáng" (Trần Thái Tông - Gửi nhà sư Đức Sơn ở am Thanh Phong), hoặc hoà nhập con người vào thiên nhiên :

Người ở trên lầu hoa dưới sân,

Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông.

Hồn nhiên người với hoa vô biệt,

Một đóa hoa vừa mới nở tung.

(Huyền Quang - Hoa cúc)

hay : "Muốn biết thế nào chân diện mục - Giữa trưa ngủ tít đến canh ba" (Tuệ Trung Thượng Sĩ - Tâm vương) đều nói tới sự tùy duyên, hạnh nguyện, một sự hoà hợp với thiên nhiên có tính cách cá nhân, bằng thể nghiệm cá nhân của mỗi người mà người ngoài khó bề biết được, mặc dù nội dung của nó là quên cá nhân trần thế.

Hướng nội cầu tâm, kiến tính, thì phải phát huy cao độ tính năng động chủ quan cá nhân, làm cho nhà sư Thiền tông thoát tục, thoát sáo, xử thế nhiều khi như cuồng, đời gọi là "cuồng thiền". Tu thiền là cách để mỗi người tự cứu. Huệ Năng từng giễu những ai vọng ngoại sang Tây Trúc : "Nếu ai cũng sang đấy cả thì chỗ đâu mà ở ?". Đó chính là tinh thần mà nhà sư Quảng Nghiêm (1122 - 1190) sẽ nói sau này : "Nam nhi tự có chí xung thiên - Chớ bước theo vết Như Lai đã bước". Điều này có nghĩa là mỗi cái tôi tự tìm đường đi của riêng mình, tự trở thành Phật tổ của mình. Trong Chính Đại Tạng, truyện Huệ Chiếu thiền sư ở Lâm Tế có chi tiết : khi Phật tử hỏi : "Nếu kinh không xem, thiền không học, thì tu như thế nào ?", Huệ Chiếu đáp : "Hãy tự làm Phật tổ !". Tuyên Giám thiền sư (trong Ngũ đăng hội nguyên) thậm chí nói : "ở đây vô tổ, vô Phật, Đạt Ma là lão càn quấy, Thích Ca là chày giã cứt khô, Văn Thù là gã gánh phân. (Các khái niệm) đẳng giác, diệu giác là bọn phàm phu phá chấp ; bồ đề, Niết Bàn là cọc buộc lừa, tất cả đều là sách của quỷ thần, là giấy lau mụn nhọt, tứ quả tam hiền, sơ tâm thập địa đều là quỷ giữ mồ, không tự cứu được"(TĐS nhấn mạnh). Những lời báng bổ điên khùng này quả đã kích thích sự vứt bỏ giáo điều, tự tạo lập trường phái, tạo thành các vị tổ sư của Thiền phái Việt Nam. Trần Tung (1230 - 1291) khi trả lời em gái là hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm hỏi tại sao ông lại ăn thịt, đã nói : "Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh" (Trần Nhân Tông - Hành trạng của Thượng Sĩ Tuệ Trung). Đó chính là tinh thần giải phóng cá tính sáng tạo khỏi các giáo điều của Thiền tông mà học giới gọi là "tự tính luận". Trong bài Ngẫu tác, Trần Tung viết :

Giữa nhà không khói chỉ ngồi yên,

Nhàn ngắm Côn Lôn sợi khói lên.

Lúc mệt mỏi thời tâm tự tắt,

Cần chi niệm Phật với cầu Thiền.

Trong bài Phật tâm ca (Bài ca Phật và tâm), ông lại viết :

Tỉnh, tỉnh, thức thức, tỉnh tỉnh,

Bàn chân giẫm đất đứng chống chếnh.

Ai người tin tưởng ở nơi đây,

Bước lên đầu Phật, trèo lên đỉnh.

Hét !

Trần Tung theo dõi một sự giác ngộ thật sự, tuyệt đối, tự thân, không môi giới :

Từng phen nối gót Tứ Minh cuồng,

Nào phục Y vương với Quỷ vương.

Chưa giác ngộ là chân giác ngộ,

Khó suy lường ấy diệu suy lường.

Thấp căn mới hỏi thuốc sống mãi,

Cao trí cần chi "bất tử phương".

Cá chẳng tìm ăn khi nước lạnh,

Bỗng không nơm lưới cũng quên luôn.

(Hoạ thơ Huyện lệnh)

Bài Phóng cuồng ngâm của Trần Tung (có lúc coi là của Trần Quốc Tảng, 1252 - 1313) cũng có đoạn miêu tả một thế giới giống mà khác hẳn hiện hữu :

Đói thì ăn chừ, cơm tuỳ ý,

Mệt thì ngủ chừ, làng không làng !

Hứng lên chừ, thổi sáo không lỗ,

Lắng xuống chừ, đốt giải thoát hương !

Mỏi nghỉ tạm chừ, đất hoan hỷ,

Khát uống no chừ, nước thênh thang...

Đó là con người "dĩ bất biến ứng vạn biến", làm chủ trong mọi biến ảo. Có thể nói đó là con người tự do, nhưng tự do hướng nội, tự do vứt bỏ tất cả để tạo lập một thế giới riêng và cũng không kém phần hư huyễn, mặc dù là thanh cao, cho riêng mình. Lý tưởng tha thiết của Thiền tông là "nở đoá sen vàng trong lò lửa". Đời đối với họ chỉ là cái lò lửa thiêu đốt con người, là địa ngục trần gian của con người. Nếu giác ngộ thì sẽ là đoá hoa tươi trong cái lò ấy và là đoá hoa bằng vàng, lửa không làm hỏng được.

Giải phóng con người khỏi ngã chấp, khỏi vọng niệm, khẳng định thú vui tự nhiên của cá nhân, vứt bỏ giáo điều, quyền uy, ngẫu tượng, chỉ đứng vững trên sự thể nghiệm cá nhân của mình, tôn trọng hoài nghi, tự ngộ, không áp đặt, như vậy có thể nói là con người "vô ngã" không ? Có thể coi một con người là "vô ngã" khi họ xem ý chí cá nhân, thể nghiệm cá nhân, kinh nghiệm cá nhân là cao nhất ? Thiền học nêu nguyên tắc "Hữu nghi thì hữu ngộ, tiểu nghi thì tiểu ngộ, đại nghi mới đại ngộ", buộc con người tu thiền ở vào cái thế bắt đầu từ chỗ bắt đầu. "Tôi nghi ngờ tức là tôi giác ngộ", đạt được kiến tính, chân như.

Nhiều cuộc giảng đạo, thầy trò hỏi đáp như Nhất nhật hội chứng của Ngô Tịnh Không ( ? - 1170), Tham đồ hiển quyết của Mai Trực (999 - 1090), Sư đệ vấn đáp của Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Thượng Sĩ ngữ lục của Trần Tung,... đều có vẻ như mô phỏng các ngữ lục của thiền sư Trung Hoa, nhưng đó cũng là những cuộc thể thao trí tuệ trên con đường phá chấp, bài trừ vọng niệm, bài trừ ngôn ngữ. Nội dung các cuộc hỏi đáp xoay quanh các khái niệm Vô, Hữu, Sắc, Tâm, Chân, Giả,... hoàn toàn xa lạ với vấn đề cơm áo hằng ngày. Nhưng dù thế nào, hình thức này cũng là hình thức đầu tiên mà người trí thức Việt Nam đương thời đã tự trở thành con người tư duy triết học. Lần đầu tiên trong thời kỳ xây dựng quốc gia độc lập tự chủ, con người Việt Nam xuất hiện trong tư thế tư duy trí tuệ, tự xác lập môn phái, mà không phải mê tín dị đoan, thật là một sự kiện lớn, xứng đáng với con người của một quốc gia độc lập. Thiền tông Việt Nam đã đem lại cho văn học Việt Nam một gương mặt trí tuệ ngời sáng, độc đáo, có lẽ đến nay người ta chưa nhận thức hết ý nghĩa của nó.

Trái với con người "vô uý" trong Thiền phái, con người chịu ảnh hưởng Nho gia bộc lộ phương diện con người kính sợ. Một mặt, con người Lý - Trần là con nhà thượng võ. Trần Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Cảnh (Trần Thái Tông, 1218 - 1277), Trần Tung, Trần Thánh Tông (1240 - 1290),... có thể coi là những điển hình thực tế, rất coi trọng võ công. Đó là điều dễ hiểu. Thiếu võ công thì làm sao bảo vệ được nền độc lập dân tộc ? Lộ bố phạt Tống, Hịch tướng sĩ văn (tức Dụ chư tỳ tướng hịch văn), thơ Trần Quang Khải (1241 - 1294), Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) đều là sự thể hiện con người yêu nước, tự hào dân tộc, tự chủ, tự cường, tinh luyện võ công.

Nhưng mặt khác, những con người ấy lại rất tin mệnh trời, tin thổ thần. Biết bao bài sấm ký, sấm ngôn lưu truyền trong dân gian được coi như thông điệp dự báo của thiên mệnh, một hiện tượng nổi bật của thời này. Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (1121) ở chùa Long Đội (Duy Tiên) hàng chục lần nhắc đến điềm lạ, biểu hiện sự cảm ứng giữa người và trời : "Trời hiện điềm thiêng, rừng phô vật lạ ; cỏ thơm mọc hai lượt, hươu trắng đến sáu lần. Nai tuyết một con, hoẵng đen về một cặp. Một cây cau tía nảy lắm mầm thiêng, chuột sinh lông trắng, thông biến lọng nghiêng. Sẻ trắng cưu vàng tụ tập, rồng xanh cò trắng dâng trình"... Những điềm lành và tai dị được coi như sự kiện lịch sử và được ghi nhiều ở Đại Việt sử ký toàn thư (1479) của Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV). Điều này chứng tỏ niềm tin trời, tin thượng đế, thổ thần rất sâu sắc, song song với tin Phật, tin Lão, tin Nho. Có thể nói Nho - Phật - Đạo trên tâm thức dân gian đã kết hợp với niềm tin trời, tin quỷ thần. Trần Duệ Tông (1336 - 1369) từng hiến tế dâng nàng Bích Châu trên đường Nam chinh cho thần biển, biển mới yên (Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, 1705 - 1748). Đặc điểm này còn thể hiện dài lâu trong lịch sử và văn học Việt Nam suốt thời trung đại.

Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lê, còn chép vua Thái Tông đi thuyền vào sông Thiên Đức qua đền Bạch Sư không thể đi được, sau phải tế một con nghé con mới được yên. Khổng Tử nêu việc nhân để hướng sự chú ý vào con người, còn đối với trời đất quỷ thần thì "kính nhi viễn chi", mặc dù có nói "tế như tại" nhưng chủ yếu vẫn là "viễn chi". Con người Việt Nam hoà đồng thành một thế giới đất trời, con người, trong đó ý thức tôn giáo, tín ngưỡng còn rất đậm nét. Vua Lê Nhân Tông (ở ngôi 1443 - 1459) khi mới lên ngôi đã gặp nhiều tai dị, bèn xuống chiếu như sau : "Mới rồi trời giáng điềm tai biến, sao sa đất động, trẫm rất lo sợ. Nghĩ cơ sinh tai biến, không biết bởi đâu. Hoặc là vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khoá, có việc không tiện cho dân chăng ? Hoặc là phụ quốc đại thần điều hoà trái lẽ, nên khí âm dương không hoà mà đến thế chăng ? Hoặc là việc ngục tụng không công bằng, công nhiên hối lộ, hình nhiều oan uổng mà đến thế chăng ? Hoặc là chức thú lệnh chưa có được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân gian mà đến thế chăng ? Hoặc là bọn oán nữ trong cung chưa cho ra nên hại hoà khí mà nên thế chăng ? Hoặc là kẻ gièm pha gian giảo, công thần bị khuất chưa thấu được oan mà đến thế chăng ? Hoặc vì bày việc thổ mộc chuộng cung điện cao đẹp chăng ? Kẻ tiểu nhân tiếm mà người quân tử lui chăng ? Đường ăn nói bị bịt mà ơn trên bị lấp chăng ? Chuộng bọn hầu gái mà thành lỗi tư túi chăng ? Hạ lệnh cho hữu ty cùng bọn quân nhân đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể hồi được lòng trời, hết được tai biến, cứ việc nói thẳng, chớ nên ẩn giấu, để giúp chỗ thiếu sót của trẫm".

Chúng tôi không nhầm lẫn khi dẫn tác phẩm thời Lê (Hồng Đức, 1470 - 1497), bởi ví dụ này cho ta hiểu cụ thể mối quan hệ con người và trời - vũ trụ, bởi trời là bậc phán quyết tối cao và cuối cùng đối với con người. Nhà sư Viên Thông Nguyễn Nguyên ức (1080 - 1151) đời Lý đã viết về nguồn gốc hưng vong, trị loạn của thiên hạ : "Các bậc thánh vương đời trước đều bắt chước trời, không ngừng trau đức để sửa mình ; bắt chước đất, không ngừng trau đức để yên dân...".

Mặt khác, con người cũng được coi là kết tinh đặc biệt của tú khí, của đất trời. Như Lý Thường Kiệt là bậc hiền tài do "Chung đúc khí thiêng sông núi năm trăm năm mà nảy sinh" (Văn bia Thái uý Lý công nước Đại Việt). Còn Bia mộ phu nhân phụng thánh họ Lê thì ca ngợi : "Rồng cuộn hổ chầu mang tú khí - Đất trên sông sinh người hào quý - Phu nhân đức hạnh rạng đương thời - Thân bà yểu điệu thật linh dị...".

Xét về tâm hồn, đó là con người luôn luôn xúc động, vui sướng trong sự hoà hợp của thiên nhiên, với thiên nhiên, từ trong thiên nhiên tìm thấy bản tính của mình. Phương diện này được thể hiện tập trung trong thơ Trần Nguyên Đán (1325 - 1390)...

Tóm lại, con người trong văn học Lý - Trần được thể hiện ở nhiều bình diện, nhưng con người cá nhân được ý thức dưới các hình thái sau : Khi phải đem sức mình để tự khẳng định mình trong lý tưởng chung, người quý tộc nói tới ý chí, quyết tâm, quyền được hưởng lạc, hoặc tự cảm thấy sự tồn tại của cá nhân khi hết vận, hết thời, khi bị đe doạ trừng phạt trước trời, hoặc là sự kết tinh đặc biệt của đất trời. Trong văn học Thiền, ý thức cá nhân được thức tỉnh trong vai trò tự cứu, tự tìm đường giải thoát, tự tìm thấy yên tĩnh, hoà nhập với thiên nhiên trước lẽ sinh diệt, huyễn ảo. Đó là một ý thức cá nhân thuần tuý tinh thần, hoà hợp với thiên nhiên một cách siêu tự nhiên, siêu kinh nghiệm.

.............

(Trần Đình Sử viết - Nội san nghiên cứu Phật học, số 3,1995)


Đại Việt sử ký toàn thư, tập I (Cao Huy Giu dịch), NXB Khoa học xã hội, H., 1972, tr. 133 - 134.



Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vhvn