về vấn đề phim và đời

Landscape in the Mist (1988)

Có những người ngoài kia hiểu rằng thế giới là một bãi tha ma và loài người chúng ta vĩnh viễn mang kiếp những kẻ phiêu bạt dạo bước qua biết bao cảnh điêu tàn "bãi bể nương dâu". Chính vì thế mà nhà thơ Basho lúc cuối đời viết: "Lữ thứ thân nằm bệnh/Mộng hồn còn luẩn quẩn/Trên cánh đồng hoang vu".

George Seferis, thi sĩ đoạt giải Nobel xuất thân Hy Lạp, thì tự hỏi: "Hồn ta tìm gì trên chuyến viễn du qua các boong tàu mục nát?"

Đa số chúng ta không chịu nổi ý nghĩ rằng ta đến thế giới này một mình và sẽ biến mất nhanh chóng như nắm cát chuội qua kẽ tay, nên luôn cố gắng tìm những mối liên kết, những cột mốc nhằm neo giữ ta lại với cuộc đời. Sự ổn định luôn được ưu tiên. Công việc ổn định, mái nhà ổn định, gia đình ổn định. Tất cả chỉ để tạo ra một ảo tưởng êm ái giúp ta tránh nhìn vào sự thật sau cùng. Lời nguyền phiêu bạt mãi giữa những đụn cát, như trong Wanderers of the Desert hay Woman in the Dunes, thật ra dành cho những kẻ hiểu điều này. Những người "bị" chọn, chứ không phải "được" chọn.

Nếu không phải tự nguyện chọn đời lữ khách, thì con người chỉ có thể bị đẩy vào tình cảnh đó do xung đột xã hội. Sự kiện tiêu biểu nhất là hai cuộc Thế chiến trong thế kỷ XX đã đẩy hàng triệu người vào tình cảnh không thể trở về quê hương, không có quê hương để về, hoặc tệ hơn là trở thành một kẻ phiêu bạt ngay trên chính quê hương của mình. Rất sớm con người nhận ra cõi đời này là tạm bợ và không có một điểm mốc để nương tựa vào. Trilogy of Silence của Theo Angelopoulos, lấy bối cảnh hậu nội chiến Hy Lạp, phơi bày cho ta tình cảnh như vậy.

Nhưng trong số ba bộ phim đó, đặc sắc nhất lại là Landscape in the Mist, kể về những đứa trẻ đã lỡ mang kiếp phiêu bạt vĩnh viễn. Vì thế chúng chọn cách theo đuổi những bóng ma.

Lũ trẻ trẻ dắt tay nhau đi qua một thế giới mà chúng không tài nào hiểu nổi. Những bãi biển vắng người, những khu chế xuất hoang vu, và cảnh đoàn tàu chạy chưa bao giờ dày vò lòng người đến thế. Bằng cách bỏ nhà ra đi, chúng cố tình rút ngắn thời gian để đến với nghi thức trưởng thành bước từ thế giới ngây thơ con trẻ sang thế giới đa đoan người lớn. Nhưng quá trình đốt cháy giai đoạn ấy không bao giờ lành mạnh. Cái chúng phải đối mặt là sự hoang vu của cả một đất nước, cả một kiếp người. Hy Lạp sớm trở thành bóng ma nơi quá khứ lặng im. Trẻ em không đáng phải chịu phận lữ khách, chịu định mệnh của kẻ không nhà và sống với hiểu biết rằng linh hồn ta đến chết cũng vẫn là kẻ lang bạt--điều mà Basho hay Seferis đã hiểu.

Và cảnh cô bé Voula bật khóc tức tưởi trước mặt anh chàng Orestis làm tôi nhớ đến một câu như thế này:

"....và cuộc đời chúng ta phải chăng cũng đã tan nhanh trong chiều tối như nỗi buồn trẻ thơ đó?" (Phố những cửa hiệu u tối, Patrick Modiano)

---

Phụ đề tiếng Việt do page thực hiện: https://goo.gl/PqSMyJ

Tham khảo từ: https://gerryco23.wordpress.com/2012/02/17/angelopoulos-the-trilogy-of-silence/

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top