VỀ CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN VÀ BÀNH TRƯỚNG TRUNG-QUỐC

PHẦN MỘT

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC TƯ SẢN VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN, BÀNH TRƯỚNG TRUNG-QUỐC

Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một thời đại mới của lịch sử loài người: thời đại sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

Kể từ đó, xu thế phát triển chung của thế giới là bước quá độ của chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Con đường phát triển tất yếu của các dân tộc trong cuộc đấu tranh chồng chủ nghĩa đế quốc là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vấn đề dân tộc ngày nay chỉ có thể được giải quyết một cách đúng đắn một khi nó được xem như một bộ phận của cách mạng vô sản. Cái mới đó của thời đại đã tạo điều kiện cho sự thắng thế của khuynh hướng dân tộc theo quan điểm của giai cấp vô sản. Khuynh hướng dân tộc theo quan điểm của giai cấp tư sản ngày càng trở nên lỗi thời và phản động.

Trong xu thế chung ấy của thời đại, ngay từ đầu thế kỷ này, cách mạng Trung - quốc phụ thuộc một cách quyết định vào vấn đề dân tộc được giải quyết như thế nào, theo con đường của chủ nghĩa dân tộc tư sản hay con đường của chủ nghĩa quốc tế vô sản, chủ nghĩa Mác-Lê-nin? Cách mạng Trung-quốc sẽ do giai cấp tư sản lãnh đạo hay do giai cấp vô sản lãnh đạo; giai cấp công nhân Trung quốc có xây dựng được đội tiên phong chiến đấu của mình, nắm vững được chủ nghĩa Mác-Lê-nin làm kim chỉ nam của hành động hay không? Cách mạng Trung-quốc sẽ mang tính chất dân chủ tư sản kiểu cũ, cuối cùng dẫn tới việc thiết lập chính quyền tư sản hay mang tính chất dân chủ tư sản kiểm mới, cuối cùng dẫn tới sự thiết lập chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản?

Trung-quốc vốn là một trong những nước có nền văn minh tối cổ

Từ thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, giai cấp thống trị của các cộng đồng dân cư người Hoa-Hạ ở lưu vực Hoàng-Hà đã coi mình là tộc người thượng đẳng, đất nước mình là quốc gia trung tâm. Họ từng đặt cho mình cái tên gọi là Hoa-Hạ chính là tỏ ý tự tôn mình là một tộc người có văn minh và lớn mạnh, một tộc người thượng đẳng. Họ còn gọi các tộc người khác ở các khu vực xung quanh bằng những tên như Nhung, Địch, Man, Di chính là tỏ ý khinh rẻ, miệt thị các tộc người đó là các tộc người dã man và nhỏ yếu, các tộc người hạ đẳng.

Từ chỗ coi tộc người mình là thượng đẳng, các tộc người khác là hạ đẳng, giai cấp thống trị người Hoa-Hạ coi vùng đất cư trú của mình là vương thổ (đất của vua) và ở trung tâm thiên hạ (ở giữa gầm trời), là quốc gia trung tâm, gọi tắt là Trung-quốc (nước ở giữa), là đại quốc (nước lớn); còn vùng đất cư trú của người khác là phiên quốc (nước xung quanh làm rào dậu che chở, bảo vệ cho nước ở giữa), là tiểu quốc (nước nhỏ).

Những nhà tư tưởng của giai cấp thống trị Hoa-Hạ xác định vua của Trung-quốc cũng là thiên tử, hoàng đế của thiên hạ, triều đình Trung-quốc là thiên triều (triều đình của thiên tử); còn vua của phiên quốc là phiên thần (bầy tôi của thiên tử cai trị ở nước xung quanh, nhận tước do thiên tử phong và có bổn phận hằng năm đến kinh đô Trung-quốc chầu cống theo lệnh của thiên tử), phiên quốc là phiên thuộc (nước phụ thuộc do phiên thần cai trị có bổn phận cống nạp hằng năm và sẵn sàng đóng góp quân, lương theo lệnh của thiên tử).

Nhờ vào những ưu thế nhất định ban đầu về tiềm lực, nguồn nhân vật lực của đất nước, giai cấp thống trị Hoa-Hạ liên tục tiến hành chinh phục các tộc người khác ở xung quanh. Qua nhiều thế kỷ đi chinh phục, các nhà tư tưởng của giai cấp thống trị Hoa-Hạ cho rằng chỉ có dùng chiến tranh chinh phạt mới thôn tính, bình định được thiên hạ, áp đặt và duy trì được đặc quyền đặc lợi áp bức bóc lột, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ.

Những kẻ từng phò tá tên bạo chúa Tần - Thuỷ - Hoàng thiết lập nền đế chế Tần, triều đại đế quốc lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, đã biện thuyết về việc dùng binh đao để chế áp thiên hạ như sau: "...ở trong nhà không thể xếp bỏ việc đánh đòn cho con cái; trong nước không thể xếp bỏ việc hình phạt; trong thiên hạ không thể xếp bỏ biệc đánh dẹp; chỉ có khéo hay vụng mà thôi... Vả lại, việc dùng binh đã có từ lâu lắm, chưa từng một lúc nào không dùng cả. Dù sang hèn, lớn nhỏ, hiền ngu, đối với nhau đều thế cả, chỉ có to nhỏ mà thôi. Xét việc binh cho tinh thì: có kín đáo ở trong lòng chưa nói ra, thế là việc binh đấy; căm thù mà phải đánh, thế là việc binh đấy; ra oai cho địch khiếp sợ, thế là việc binh đấy; nói vung lên gây thanh thế, thế là việc binh đấy; hoặc lôi kéo, hoặc gạt ra, thế là việc binh đấy; đánh cho hăng, thế là việc binh đấy; ba quân cùng đánh hăng, thế là việc binh đấy. Tám điều đó đều là việc binh cả, chỉ có to nhỏ khác nhau mà thôi" (Lã-Bất-Vi và môn khách: Lã-Thị-Xuân-Thu).

Sự kết hợp giữa tư tưởng tộc người thượng đẳng - quốc gia trung tâm và tư tưởng dùng chiến tranh chinh phạt để bình định thiên hạ đã đẻ ra chủ nghĩa bành trướng đại tộc và bá quyền nước lớn của giai cấp thống trị Hoa-Hán. Chủ nghĩa đó bắt đầu hình thành từ thế kỷ thứ III trước công nguyên và thịnh hành suốt hai thế kỷ cùng với sự ngự trị kế tiếp nhau của tám vương triều đế quốc Hoa-Hán ở Trung-quốc là Tần, Hán, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Cứ qua mỗi lần thôn tính thêm được nhiều quốc gia xung quanh vào bản đồ đế quốc Trung-hoa, hoặc biến thành quận, huyện thuộc lãnh thổ Trung-quốc, hoặc biến thành đất phiên thuộc của hoàng đế Trung-quốc, chủ nghĩa bành trướng đại tộc và bá quyền nước lớn của giai cấp thống trị Hoa-Hán lại như được tiếp thêm tà khí, càng trỗi dậy và hoành hành dữ dội.

Chủ nghĩa bá quyền và bành trướng nước lớn đó đã trở thành một nội dung tư tưởng quan trọng trong Nho giáo, hệ tư tưởng phong kiến giữ địa vị chủ đạo và ngự trị suốt hơn hai nghìn năm ở Trung-quốc. Đó là tư tưởng về quyền bá chủ thiên hạ của kẻ làm vua Trung-quốc, kẻ đứng đầu đại diện cho giai cấp thống trị Hoa-Hán, mà Kinh thi đã xác định: "Dưới gầm trời, không đâu không phải là đất của vua; trên đất ấy, không ai không phải là dân vua". Đó là tư tưởng về quyền chinh phục và nô dịch thiên hạ của kẻ làm hoàng đế Trung-quốc, kẻ tập trung trong tay mọi quyền lực tối cao của vương triều Hoa-Hán như sách Nho đã xác định: "đạo" của vua là "trị quốc, bình thiên hạ".

Sự hình thành từ rất sớm và thịnh hành mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ của chủ nghĩa bá quyền và bành trướng nước lớn đó là một trong những đặc diểm của hệ tư tưởng của giai cấp thống trị ở Trung-quốc thời đại chiếm hữu nô lệ và thời đại phong kiến.

Năm tháng trôi qua, thời đại đổi thay.

Từ một nước vốn đã góp phần sản sinh ra nền văn minh tối cổ của nhân loại, Trung-quốc bị trì trệ lâu dài trong phương thức sản xuất phong kiến ngày càng trở nên lỗi thời. Trong khi ở hàng loạt nước Tây Âu, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phát triển mạnh mẽ và đã vượt qua biên giới chật hẹp của đất nước mình để du nhập sang các vùng đất mới lạ trên khắp hoàn cầu, thì ở Trung-quốc, nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu dựa trên những cộng đồng làng xã làm nông nghiệp kết hợp với thủ công nghiệp gia đình vẫn chiếm vị trí chủ đạo. Chế độ hết sức tàn bạo và bảo thủ của giai cấp phong kiến thống trị với bộ máy chính quyền quân chủ chuyên chế độc đoán cá nhân cao độ là nguyên nhân cơ bản kìm hãm xã hội Trung-quốc trong sự trì trệ lâu dài.

Mặc dù vậy, theo quy luật vận động tất yếu của kinh tế, những mầm mống của chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện ở Trung-quốc hồi thế kỷ thứ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Nhiều công trường thủ công nghiệp dệt, làm chè, làm đồ sứ, luyện gang,v.v... đã xuất hiện. Sự tàn lụi của triều đại nhà Thanh - vương triều Hoa - Hán cuối cùng - đã diễn ra trong khung cảnh đó của sự biến đổi xã hội Trung-quốc.

Từ sau cuộc chiến tranh Thuốc phiện (cuộc chiến tranh Anh-Trung-quốc năm 1840-1842), trước sự khiếp nhược, ươn hèn và đầu hàng hết bước này đến bước khác của triều Thanh, các nước đế quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga, Đức v.v...thi nhau tràn vào xâu xé Trung-quốc, biến đất nước to lớn ở phía Đông châu Á này thành thị trường tiêu thụ hàng hoá, nguồn cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ mạt, nơi đầu tư tư bản vô cùng béo bở của chúng. Đặc biệt là từ sau cuộc chiến tranh Giáp ngọ (cuộc chiến tranh Nhật-bản - Trung-quốc năm 1894), với chính sách phân chia "phạm vi thế kực" của đế quốc Pháp, Anh, Đức, Nga, Nhật, rồi đến chính sách "mở cửa" của đế quốc Mỹ, Trung-quốc từ một xã hội phong kiến chuyển thành một xã hội nửa thuộc địa và nửa phong kiến. Triều đình nhà Thanh đầu hàng chủ nghĩa đế quốc, dựa vào chúng và làm tay sai cho chúng trong việc đàn áp phong trào đấu tranh, phong trào kháng chiến của quần chúng nhân dân.

Sự xâm phạm ngày càng mạnh của chủ nghĩa tư bản nước ngoài, đã kích thích sự ra đời và phát triển -tuy là hết sức chậm chạp, què quặt-của chủ nghĩa tư bản dân tộc Trung-quốc. Bên cạnh các xí nghiệp công thương nghiệp tư bản ngoại quốc mọc lên ngày càng nhiều, các xí nghiệp cộng thương tư bản dân tộc-chủ yếu là các xí nghiệp công nghiệp nhẹ với quy mô nhỏ và vừa-cũng lần lượt mọc lên. Các thành phố trung tâm công thương nghiệp xuất hiện ở nhiều tỉnh phía Đông và phía Nam.

Hai giai cấp mới, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã hình thành và phát triển tạo điều kiện cho việc thay đổi mới của xã hội Trung-quốc trong xu thế chung của thời đại.

Giai cấp tư sản có nguồn gốc là những thương nhân, những quan liêu và địa chủ, bỏ vốn lập xí nghiệp kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa chuyển thành. Trong giai cấp tư sản có hai bộ phận. Bộ phận đại tư sản mang tính chất mại bản, chủ yếu do bọn quan liêu và địa chủ chuyển thành, đứng ra làm môi giới cho sự kinh doanh của tư bản ngoại quốc, do đó có quyền lợi gắn chặt với quyền lợi đế quốc, phong kiến. Bộ phận tư sản dân tộc chủ yếu do thương nhân, địa chủ nhỏ chuyển thành, một mặt có quyền lợi liên quan đến đế quốc, phong kiến, một mặt lại bị đế quốc, phong kiến chèn ép.

Giai cấp vô sản có nguồn gốc là những nông dân, thợ thủ công, công nhân thủ công nghiệp trong các công trường thủ công phá sản chuyển thành. Cho tới năm 1913 số công nhân cả nước khoảng 65 vạn người, đại bộ phận tập trung ở một số thành phố lớn. Họ phải chịu ba tầng áp bức của đế quốc, phong kiến và tư sản, vừa bị bóc lột hết sức cơ cực về kinh tế vừa bị chèn nén, khủng bố hết sức tàn bạo về chính trị.

Giai cấp vô sản Trung-quốc tuy đã hình thành, bị áp bức bóc lột nặng nề, gắn liền với phương thức sản xuất hiện đại, nhưng còn chưa phát triển đầy đủ vế số lượng và chất lượng để trở thành một lực lượng chính trị độc lập. Lúc này, nó mới chỉ có thể là một lực lượng đấu tranh tự phát, chứ chưa thể đứng ra lãnh đạo, tổ chức một phong trào cách mạng chung của cả dân tộc chống đế quốc và phong kiến được.

Giai cấp tư sản Trung-quốc từng bước đã có vị trí mới trong xã hội Trung-quốc, nhưng tuy thế vẫn còn non yếu. Trong giai cấp tư sản dân tộc dần dần hình thành hai phái với hai xu hướng chính trị khác nhau.

Thứ nhất là phái cải lương-hay phái lập hiến, chủ yếu đại diện cho tư sản lớp trên. Thủ lĩnh của họ là Khang-Hữu-Vi, Lương-Khải-Siêu và Đàm-Tự-Đồng. Phái này chủ trương vận động, xin xỏ những người cầm đầu triều Thanh thực hiện "biện pháp" mở đường cho chủ nghĩa tư bản dân tộc phát triển, thành lập chế độ quân chủ lập hiến trong đó có giai cấp tư sản dân tộc tham gia chính quyền, Một mặt họ tỏ ra ươn hèn, không dám đấu tranh cách mạng chống lại ách áp bức thống trị của chủ nghĩa đế quốc và phong kiến, chỉ dám thỉnh cầu những cải cách nhỏ giọt và thoả hiệp với chúng. Một mặt họ lại ấp ủ tham vọng bá quyền, bành trướng nước lớn, mong mỏi, thôi thúc cho việc phục hưng Trung-quốc không phải nhằm mục đích đem lại độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, mà lại nhằm mục đích chinh phục các quốc gia khác, nô dịch các dân tộc khác, khôi phục lại đế quốc Trung-hoa.

Khang-Hưu-Vi chủ trương phục hưng kinh tế Trung-quốc để vươn bàn tay cướp bóc tới tận Châu Âu và Châu Mỹ, xây dựng bộ máy quân sự khổng lồ để xâm lược khắp năm châu: "Chúng ta hãy nhanh chóng phát triển nền công nghiệp của chúng ta và xây dựng nhà máy hơi nước. Chúng ta có thể khai thác những những nguồn tài nguyên của chúng ta ở Châu Âu và Châu Mỹ. Chúng ta có bốn trăm hoặc năm trăm triệu người, trong đó có thể tuyển được 10 triệu cho quân đội. Chúng ta có nguồn quặng sắt và kim loại vô tận, nhờ đó có thể chế tạo được hàng nghìn tàu chiến. Và khi đó chúng ta có thể đi qua năm châu, ở đó các anh sẽ trông thấy những lá cờ rồng vàng phấp phới tung bay và nhảy múa".

Lương-Khải-Siêu bày tỏ lòng kiêu hãnh, khâm phục đối với "sự nghiệp vĩ đại" - sự nghiệp bành trướng, xâm lược của các vương triều đế quốc Hoa-Hán suốt mấy nghìn năm trước đây: "có một sự nghiệp vĩ đại, vì sự nghiệp đó mà tổ tiên chúng ta đã lao động hàng nghìn năm. Sự nghiệp vĩ đại đó là gì? Tôi gọi sự nghiệp vĩ đại đó là sự "mở rộng dân tộc Trung-quốc". Lúc đầu dân tộc Trung-quốc chúng ta chỉ là một số bộ lạc nhỏ sống ở Sơn-đông và Hà-nam. Trải qua hàng nghìn năm, các bộ lạc ấy lớn lên, lớn lên và trở thành một dân tộc vĩ đại, xây dựng một quốc gia hùng vĩ rộng lớn. Dân tộc chúng ta phát triển theo hai con đường: con đường thứ nhất là đồng hoá vô số những dân tộc trong nước và các nước khác ngoài bờ cõi nước ta, con đường thứ hai là năm này qua năm khác đưa người dân tộc chúng ta đến biên giới và mở rộng bờ cõi... Lịch sử năm nghìn năm đã đi theo con đường ấy".

Trần-Thiên-Hoa từng ra lời kêu gọi "Tiếng chuông báo động" cho quốc dân trong đó có những lời kết thúc sặc mùi chủ nghĩa sô-vanh, chủ nghĩa chủng tộc: "Nòi giống Trung-hoa chúng ta nhất định có thể xây dựng một quốc gia hoàn bị và vượt năm châu. Tôi xin kêu gọi đồng bào: "Chủng tộc Trung-hoa muôn năm! Trung-hoa muôn năm!".

Thứ hai là phái cách mạng -hay phái dân chủ, chủ yếu đại diện cho tư sản lớp dưới, chính Đảng của họ là Hưng trung hội - sau đổi thành Quang phục hội, rồi chuyển lên thành Đồng minh hội. Lãnh tụ của họ là Tôn-Trung-Sơn. Phái này chủ trương làm cách mạng "đánh đuổi rợ Thát (Mãn-Thanh), khôi phục Trung-hoa, thành lập Dân quốc, bình quân địa quyền" và thực hành "chủ nghĩa tam dân" (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc).

Chủ nghĩa dân tộc tư sản là nguyên tắc đầu tiên trong quan điểm chính trị của Tôn-Trung-Sơn và phái dân chủ cách mạng của ông. Những nhà dân chủ cách mạng ấy không những nhìn thấy bộ mặt phản dân hại nước của bọn phong kiến quan liêu "triều đình thì mua quan bán tước, công khai ăn hối lộ, quan phủ thì nạo vét dân, hung bạo hoá hổ lang" (Tuyên ngôn của Hưng trung hội) mà còn thấy nguy cơ mất nước, đời đời bị nô dịch của dân tộc do sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc: "Trung-quốc một mai bị chia cắt thì con cháu đời đời làm nô lệ" (Cương lĩnh của Hưng trung hội). Khẩu hiệu đánh đổ ách thống trị của triều đình phong kiến Thanh - tay sai của chủ nghĩa đế quốc xâm lược - chính đã bao hàm trong đó cả ý nghĩa phản phong và phản đế.

Tuy rằng trong "chủ nghĩa dân tộc" của Tôn-Trung-Sơn trong điều kiện lịch sử Trung-quốc khi ấy, là một quan điểm chính trị tiên tiến và có tác dụng tích cực đối với công cuộc vận động cách mạng Trung-quốc những năm này, nhưng phái dân chủ cách mạng của ông còn nhiều mặt hạn chế (như tư tưởng đại Hán tộc còn ảnh hưởng, chi phối; như chưa nhận thức được rõ ràng kẻ thu hung ác nhất là chủ nghĩa đế quốc,vv...).

Trong việc truyền bá quan điểm tư tưởng của mình trong quần chúng, hai phái dân chủ cách mạng và lập hiến cải lương lại tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt với nhau suốt nhiều năm. Thất bại thảm hại của phái lập hiến trong cuộc "biến pháp" năm 1898 và việc đóng cửa các trụ sở tuyên truyền của họ là "Chính văn xã" năm 1908 do sự đàn áp thẳng tay của triều Thanh càng tạo điều kiện cho phái dân chủ thắng thế và tổ chức được một loạt cuộc khởi nghĩa liên tục ở vài tỉnh phía Nam. Sau hàng loạt cuộc khởi nghĩa không thành công những năm 1906-mùa xuân năm 1911, đến cuối năm 1911, Đồng minh hội đã lãnh đạo lực lượng vũ trang cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền ở Vũ-xương thành công, rồi tiến lên giải phóng Hán-dương và Hán-khẩu. Trong tình hình đó, nhiều tỉnh phía Đông và phía Nam cũng nổi dậy, tuyên bố độc lập, không thuộc về triều Thanh, mà theo về cách mạng. Trên cơ sở thắng lợi của cuộc cách mạng Tân hợi ấy, nước "Trung-hoa dân quốc" mới đã ra đời. Một Tham nghị viện lâm thời và một Chính phủ lâm thời được bầu ra, do Tôn-Trung-Sơn làm Đại tổng thống. Đồng thời một "ước pháp lâm thời" mang tính chất một Hiến pháp cộng hoà dân chủ tư sản được ban hành.

Vì lực lượng tư sản dân tộc yếu ớt, lại không phát động được đông đảo quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, nên Đồng minh hội đã không đẩy được cuộc cách mạng tiếp tục đi lên giành lấy thắng lợi hoàn toàn. Trong khi đó, bọn lập hiến và bọn đại địa chủ, đại quan liêu nhân cơ hội phát triển bồng bột của phong trào đã trưng lên tấm biển cách mạng, giả danh ủng hộ, đi theo cách mạng để chui vào hàng ngũ cách mạng, đoạt lấy thành quả của phong trào và phá hoại phong trào từ trong phá ra.

Trước sự phản công quyết liệt của thế lực quân chủ được bọn đế quốc ủng hộ từ phía Bắc xuống, lại bị sức ép mạnh của bọn lập hiến và bọn địa chủ, quan liêu-những kẻ đang nắm giữ những vị trí kinh tế và chính trị quan trọng ở vùng cách mạng kiểm soát-phái dân chủ cuối cùng phải lùi bước. Chỉ vài tháng sau khi thành lập chính quyền cách mạng, Tôn-Trung-Sơn buộc phải nhường chức Đại tổng thống cho Viêm-Thế-Khải, kẻ đại diện của thế lực quân chủ phản động, tuy rằng bề ngoài thế lực quân chủ tỏ ra cũng nhượng bộ bằng việc buộc vua Thanh thoái vị. Từ đây hình thành hai chính đảng đối lập: Quốc dân đảng, do Đồng minh hội cải tổ thành, là đảng của phái dân chủ tư sản; Đảng tiến bộ, do bọn lập hiến và bọ địa chủ, đại quan liêu giả danh cách mạng cùng với bọn quân chủ tổ chức thành.

Dựa vào sự câu kết với các thế lực đế quốc, nhất là đế quốc Nhật đang ráo riết thực hiện âm mưu thôn tính Trung-quốc, lại được sự ủng hộ của bọn lập hiến, thế lực quân chủ phản động đã thủ tiêu nền cộng hoà, thiết lập nền thống trị độc tài, tổ chức bộ máy chính quyền quan liêu quân phiệt phục vụ cho quyền lợi của đại địa chủ và đại tư sản. Đồng thời giữa bọn quân phiệt phương Bắc với bọn quân phiệt phương Nam, giữa bọn quân phiệt tay sai của tên đế quốc xâm lược này với bọn quân phiệt tay sai của tên đế quốc xâm lược kia, cũng mâu thuẫn gay gắt và xảy ra hỗn chiến quyết liệt. Phái Quốc dân đảng cách mạng ở các tỉnh phía Đông và phía Nam nhiều lần khởi sự chống lại thế lực quân chủ phản động Bắc-dương nhưng đều không thành công.

Giữa lúc cách mạng tư sản Trung-quốc bị thất bại và đang đi xuống thì chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, rồi sau đó Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công.

Việc lực lượng các nước đế quốc châu Âu bị thu hút vào cuộc đại chiến ở châu Âu, tạm thời buông lơi sự xâm nhập Trung-quốc, đã tạo cơ hội cho chủ nghĩa tư bản dân tộc Trung quốc phát triển nhanh chóng; do đó đưa đến những sự thay đổi mạnh hơn trong cơ cấu kinh tế-xã hội, đặt cơ sở khách quan cho sự thay đổi vai trò, vị trí của các giai cấp trong thực tiễn đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại và sự thành lập Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người nói chung, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc toàn thế giới nói riêng, đã lôi cuốn tất cả các dân tộc bị áp bức, trong đó có Trung-quốc, vào trào lưu đấu tranh cách mạng chung chống chủ nghĩa đế quốc thế giới, giành thắng lợi cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Với sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản dân tộc, đội ngũ giai cấp công nhân tăng lên gấp bội về số lượng. Chỉ trong vòng 6 năm (từ năm 1913 đến năm 1919) số công nhân công nghiệp hiện đại tăng lên gấp hơn 3 lần (từ 65 vạn người lên tới hơn 2 triệu người). Công nhân công nghiệp hiện đại chủ yếu thuộc 5 ngành là đường sắt, mỏ, vận tải đường biển, dệt, đóng tàu và tập trung ở mấy trung tâm công nghiệp như Thượng-hải, Thiên-tân, Hán-khẩu, vv... Ngoài ra còn ngót chục triệu công nhân loại khác như công nhân công nghiệp nhỏ, công nhân thủ công nghiệp, công nhân trong các cửa hàng ở thành thị.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác-Lê-nin được truyền bá vào đất nước Trung-quốc đang sục sôi cách mạng nhưng chưa tìm ra con đường đi đúng đắn. Những đại biểu trí thức tiên tiến có tinh thần đấu tranh chống đế quốc và phong kiến như Lý-Đại-Chiêu, Cù-Văn-Bạch vv... đã dần dần từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng cấp tiến chuyển lên tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê-nin, thấy cần phải học tập đi theo con đường của người Nga. Cuộc vận động Ngũ Tứ (4-5-1919) rầm rộ đánh dấu bước chuyển biến mới của phong trào cách mạng. Trong phong trào yêu nước chống đế quốc và phong kiến đó, giai cấp vô sản, bằng các cuộc đấu tranh với quy mô lớn hơn trước với tinh thần bất khuất của mình, đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập và dần bước lên vũ đài chính trị với tư thế một lực lượng tiên phong của cách mạng.

Sự truyền bá của chủ nghĩa Mác-Lê-nin kết hợp với sự phát triển của phong trào công nhân, phong trào yêu nước đó đưa đến sự thành lập hàng loạt tiểu tổ cộng sản ở các nơi. Đến tháng 1-1921, với sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản, các tiểu tổ cộng sản ấy đã thống nhất thành Đảng cộng sản Trung-quốc.

Cũng từ trong lịch sử cách mạng chống đế quốc của nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong lịch sử cách mạng chống đế quốc của nhân dân Trung-quốc, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, việc thành lập Đảng Cộng sản Trung-quốc là mốc mở đầu một thời kỳ mới, là một thời điểm vô cùng quan trọng. Từ đây, xuất hiện điều kiện mới có khả năng thúc đẩy sự phát triển và thắng thế của khuynh hướng dân tộc theo quan điểm của giai cấp vô sản.

Và cũng từ đây bước đường phát triển và tiền đồ của cách mạng Trung-quốc gắn liền với xu hướng và kết cục của cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng vô sản và khuynh hướng tư sản trong vấn đề dân tộc, trong nội bộ phong trào cách mạng trung-quốc và trong việc xây dựng Đảng Cộng sản Trung-quốc. Xu thế tất yếu của thời đại từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga là phong trào giải phóng dân tộc chỉ có thể và phải là một bộ phận của cách mạng vô sản, do đó vấn đề trên phụ thuộc một cách quyết định vào việc Đảng Cộng sản Trung-quốc có thật sự xây sựng được thành bộ tham mưu và đội tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân Trung-quốc, nắm vững ngọn cờ cách mạng vô sản và quan điểm của giai cấp vô sản trong vấn đề dân tộc, đề ra được đường lối đúng đắn cho cách mạng Trung-quốc hay không?

Với xu thế chung bước vào thế kỷ XX, trong phong trào cách mạng của các nước hầu như đã cùng có chung một vấn đề đấu tranh gay gắt trong vấn đề dân tộc.

Trong sự phát triển chung của phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước, giai cấp tư sản các nước đế quốc chủ nghĩa những năm cuối thế kỷ thứ XIX-đầu thế kỷ thứ XX đã gieo rắc, truyền bá mạnh mẽ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa phản động, hệ tư tưởng sô-vanh trong hàng ngũ những người lao động, nhất là những phần tử cơ hội trong phong trào công nhân, hòng lôi kéo những người lao động xa rời cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột, đi lạc vào con đường thù hằn dân tộc và chủng tộc, hòng phá hoại sự đoàn kết chiến đấu của giai cấp công nhân quốc tế và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Những phần tử cơ hội trong phong trào công nhân, điển hình là bọn lãnh tụ đã số các đảng xã hội-dân chủ trong Quốc tế II, đã bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản, chuyển hẳn sang chủ nghĩa dân tộc tư sản phản động. Bọn cơ hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân này có cơ sở xã hội là tầng lớp công nhân quý tộc, tầng lớp được bọn tư sản bố thí cho một phần lợi nhuận cướp bóc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc về. Bọn chúng từ lâu đã từ bỏ cách mạng xã hội chủ nghĩa, thi hành chính sách cải lương, thoả hiệp với giai cấp tư sản, làm tay sai cho giai cấp tư sản phá hoại phong trào công nhân. Đến khi chiến tranh đế quốc bùng nổ chúng đã tán thành, ủng hộ chính sách xâm lược của chính phủ đế quốc nước mình, tuyên truyền đắc lực cho cái gọi là "chủ nghĩa ái quốc", cho cái khẩu hiệu "bảo vệ Tổ quốc" sặc mùi sô-vanh của thế lực cầm quyền. Bọn cơ hội chủ nghĩa ủng hộ chính sách sô-vanh của giai cấp tư sản đó được gọi tên là bọn xã hội sô-vanh.

Sự chuyển biến của chủ nghĩa cơ hội thành chủ nghĩa sô-vanh chính là sự chuyển biến từ liên minh bí mật thành liên minh công khai của bọn cơ hội chủ nghĩa với giai cấp tư sản, sự "chín muồi" của chủ nghĩa cơ hội, sự "hoàn thành sứ mệnh" làm tay sai cho giai cấp tư sản trong phong trào công nhân của chủ nghĩa cơ hội.

Đối lập với chủ nghĩa dân tộc tư sản phản động, chủ nghĩa xã hội sô-vanh trên đây là chủ nghĩa quốc tế vô sản, chủ nghĩa Lê-nin.

Đứng đầu lực lượng cánh tả trong Quốc tế II là Đảng bôn-sê-vích, Đảng của Lê-nin, một đảng mác-xít triệt để nhất đã đấu tranh kiên quyết chống cánh hữu và "phái giữa" trong Quốc tế II là những phe cánh cơ hội chủ nghĩa, sô-vanh chủ nghĩa, những phe cánh thích ứng với chủ nghĩa dân tộc tư sản phản động. Tại các Đại hội Stut-ga (năm 1907) và Ba-lơ (1912), với sự đấu tranh tích cực của những đại biểu quốc tế theo chủ nghĩa Lê-nin, những nghị quyết được thông qua đã dự kiến nguy cơ của cuộc chiến tranh đế quốc sắp xảy ra, nhấn mạnh tính chất đế quốc chủ nghĩa của nó và chỉ rõ nhiệm vụ của những người xã hội chủ nghĩa là phải lợi dụng cuộc khủng hoảng do chiến tranh gây ra để thức tỉnh quần chúng và "thúc đẩy cho sự thống trị tư bản chủ nghĩa mau sụp đổ". Đến khi chiến tranh đế quốc chủ nghĩa bùng nổ, lôi kéo hàng loạt nước châu Âu, rồi cả một số nước nữa ở châu Á, châu Mỹ vào vòng chiến, những người theo chủ nghĩa Quốc tế vô sản, đứng đầu là Đảng bôn-sê-vích, đã vạch trần tính chất ăn cướp, phi nghĩa của cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, đấu tranh chống lại sự phản động của bọn xã hội-sô-vanh trong việc theo đuổi, tiếp tay cho giai cấp tư sản đế quốc trong cuộc chiến ăn cướp, phi nghĩa này. Đối lập với khẩu hiệu "bảo vệ Tổ quốc" của bọn tư bản đế quốc và bọn xã hội-sô-vanh, Lê-nin và Đảng bôn-sê-vích nêu khẩu hiệu: "Biến chiến tranh đế quốc chủ nghĩa thành nội chiến!".

Đồng thời với việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân tộc tư sản phản động, chủ nghĩa xã hội-sô-vanh, Lê-nin và những người Bôn-sê-vích đã đề ra cương lĩnh về vấn đề dân tộc gồm ba nội dung chính: 1) các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; 2) các dân tộc được quyền tự quyết; 3) liên hợp công nhân tất cả các dân tộc lại. Quyền dân tộc bình đẳng là quyền mọi dân tộc, dù đông người hay ít người, dù ở trình độ phát triển cao hay ở trình độ phát triển thấp, đều được tôn trọng, đối xử ngang nhau, không một dân tộc nào được đặc quyền đặc lợi về địa vị kinh tế, chính trị, văn hoá, ngôn ngữ vv... Quyền dân tộc tự quyết là quyền tự quyết về chính trị, sự độc lập về chính trị của mỗi dân tộc, là quyền cơ bản thiêng liêng mà các dân tộc bị áp bức đang tích cực đấu tranh giành lấy và giai cấp vô sản ở các nước đi áp bức phải kiên quyết đấu tranh ủng hộ. Sự liên hợp công nhân tất cả các nước là sự đoàn kết quốc tế của công nhân các nước đi áp bức cũng như các nước bị áp bức, của những người lao động thuộc tất cả các dân tộc đi áp bức cũng như các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, chống chủ nghĩa đế quốc. Chính vì vậy mới có Cách mạng Tháng Mười Nga mở đầu cho một thời đại mới cũng như mở đầu cho con đường phát triển đúng đắn của cách mạng các nước, các dân tộc.

Trong điều kiện ấy, việc thành lập Đảng Cộng sản Trung-quốc ngay từ đầu cũng đã đặt ra vấn đề tất yếu khách quan là phải giữ vững được tính chất giai cấp của Đảng là bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và xây dựng được đường lối cách mạng đúng đắn của Trung-quốc, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc theo quan điểm của giai cấp vô sản.

Nhưng, thực tế lịch sử của phong trào cách mạng Trung-quốc và Đảng Cộng sản Trung-quốc đã trải qua những bước quanh co, phức tạp, trong cuộc đấu tranh gay gắt để xác định đúng đắn khuynh hướng về vấn đề dân tộc như thế.

Trong 28 năm đấu tranh cách mạng, kể từ sau khi Đảng Cộng sản Trung-quốc ra đời tới khi quét sạch bè lũ Quốc dân đảng Tưởng-Giới-Thạch khỏi lục địa Trung-quốc, sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Trung-quốc cũng như bản thân Đảng Cộng sản Trung-quốc đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, gian khổ, sóng gió. Xuyên suốt tất cả các giai đoạn ấy là cuộc đấu tranh quyết liệt và phức tạp về đường lối giữa các khuynh hướng về vấn đề dân tộc trong nội bộ phong trào cách mạng, nội bộ Đảng cộng sản Trung-quốc.

Một bộ phận, đặc biệt là trong những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung-quốc tiêm nhiễm nặng chủ nghĩa dân tộc tư sản với những tàn tích tiêu cực nặng nề của quá khứ xa xưa, xây dựng được uy tín và quyền lực của mình, đã tạo nên những bước phát triển quanh co của phong trào cách mạng Trung-quốc và gây ra những tác hại to lớn đối với Đảng cộng sản và nhân dân Trung-quốc.

Tuy nhiên, với cuộc đấu tranh quyết liệt giữa quan điểm tư sản và vô sản trong vấn đề dân tộc, vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc Trung-quốc, giữa cách mạng và phản cách mạng trong đó có sự xen kẽ của ảnh hưởng tiêu cực và tác hại cụ thể của chủ nghĩa dân tộc tư sản và những yếu tố tích cực của phong trào cách mạng của nhân dân Trung-quốc, với tinh thần và khí thế cách mạng của nhân dân Trung-quốc, với xu thế chung của phong trào cách mạng thế giới sau Cách mạng Tháng Mười, đặc biệt là trong điều kiện thuận lợi do thắng lợi vĩ đại của Liên-xô đánh bại chủ nghĩa phát-xít thế giới tạo ra, cuộc vận động giải phóng dân tộc thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Trung-quốc vẫn phát triển và cuối cùng đã thành công.

Việc thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa (ngày 1-10-1949) là một sự kiện chấn động lớn đối với phong trào cách mạng Trung-quốc nói riêng và phong trào cách mạng thế giới nói chung.

Với ngày lịch sử này, Trung-quốc một lần nữa lại đứng trước ngã ba đường của sự phát triển: hoặc sẽ đi theo con đường của cách mạng vô sản con đường của chủ nghĩa quốc tế vô sản, hoặc sẽ đi theo con đường của chủ nghĩa dân tộc tư sản với những nét tiêu cực nặng nề của quá khứ xa xưa, chống lại sự nghiệp cách mạng của bản thân nhân dân Trung-quốc.

Ba chục năm qua, kể từ sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa ra đời đến nay, cho thấy sự tăng cường lực lượng và thắng thế ngày càng rõ nét ở Trung-quốc của tập đoàn lãnh đạo Bắc-kinh đi theo chủ nghĩa bá quyền, bành trướng nước lớn. Việc giới cầm quyền Bắc-kinh thực hiện chủ nghĩa bá quyền, bành trướng nước lớn mấy chục năm nay đã gây lên những tác hại vô cùng lớn lao cho nhân dân Trung-quốc, phá hoại nghiêm trọng và đẩy lùi sự nghiệp cách mạng của nhân dân Trung-quốc. Với chủ nghĩa bá quyền, bành trướng, nước lớn đó, giới cầm quyền phản động Bắc-kinh đã trở thành kẻ thù nguy hiểm của nhân dân các dân tộc trên thế giới, liên minh với chủ nghĩa đế quốc áp bức, thống trị các dân tộc.

Sự thắng thế của khuynh hướng dân tộc tư sản phản động, của các lực lượng phản cách mạng ở Trung-quốc chính là do giai cấp công nhân Trung-quốc đã không vượt lên được thành lực lượng lãnh đạo toàn bộ xã hội khiến cho biển người rộng lớn là nông dân không được lôi cuốn, hướng dẫn đi đúng theo con đường cách mạng vô sản, mà bị lái theo con đường chủ nghĩa dân tộc tư sản phản động; do Đảng Cộng sản Trung-quốc rốt cuộc đã không trở thành đội tiên phong chiến đấu, bộ tham mưu của giai cấp công nhân được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lê-nin, mà bị biến một cộng cụ chính trị độc tài trong tay các các lực lượng đi theo chủ nghĩa dân tộc tư sản phản động, thực hiện chủ nghĩa bá quyền, bành trướng nước lớn.

Từ một đất nước cách mạng trở thành một đất nước bị thế lực cầm quyền phản cách mạng thống trị, từ một đất nước đấu tranh chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc trở thành một đất nước thực hiện chủ nghĩa bá quyền, bành trướng cùng tiến hành chiến tranh xâm lược với chủ nghĩa đế quốc, đó là một hiểm hoạ to lớn đối với nhân dân Trung-quốc nói riêng và nhân dân các dân tộc trên thế giới nói chung. Nhân dân các dân tộc trên thế giới và nhân dân Trung-quốc phải kiên quyết đấu tranh đánh bại chủ nghĩa bá quyền, bành trướng nước lớn đó của tập đoàn cầm quyền phản động Bắc-kinh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #angel#cute