VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM

VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM

        Trong quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo dòng Hán và Phật giáo Tây Tạng là hai hệ thống lớn không ngừng được truyền bá ra bên ngoài. Các tông phái Phật giáo thời Tùy - Đường được truyền bá đến Triều Tiên, Nhật Bản ở Đông á, và Việt Nam ở Đông Nam á. Sau đây là những nét khái quát về sự ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc đối với Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Quan hệ mật thiết giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông đối với Phật giáo Việt Nam

        Trung Quốc và Việt Nam đất đai tiếp liền, giao thông thuận tiện. Việt Nam lại là trạm dừng của tuyến đường biển qua lại giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cho nên từ rất sớm Phật giáo đã được du nhập vào Việt Nam.

Cuối thế kỷ II, học giả Trung Quốc thời Đông Hán là Mâu Dung do tránh loạn đã từ Quảng Tây đến Giao Chỉ cư trú. Tại đây ông viết Lý hoặc luận để hiển dương Phật giáo. Từ đó về sau, tăng nhân Trung Quốc không ngừng đến Việt Nam để truyền Phật giáo.

Từ thế kỷ thứ VI, Thiền tông và Tịnh Độ tông của Phật giáo Trung Quốc kế tiếp nhau truyền vào Việt Nam và được lưu truyền rất rộng rãi, hình thành nhiều lưu phái khác nhau. ở Việt Nam, Phật giáo luôn được hai triều đại Lý - Trần coi là Quốc giáo.

Đến thế kỷ XV, do giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam suy tôn Nho học, nên Phật giáo trong một giai đoạn dài bị suy yếu.

Cuối thế kỷ XVII, Phật giáo lại bắt đầu phục hưng, đồng thời hình thành thêm một bước kết hợp giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông.

Thiền phái Diệt Hỉ: Diệt Hỉ là người Nam ấn, sau khi đến Trung Quốc từng làm thầy của tổ thứ 3 phái Thiền tông Trung Quốc là Tăng Xán. Năm 580, ông từ Trung Quốc đến Việt Nam, tại chùa Pháp Vân, Hà Đông, sáng lập ra phái Diệt Hỷ của Thiền tông Việt Nam, phái này lưu truyền chừng đến thế kỷ XIII mới suy yếu.

        Thiền phái Vô ngôn thông: Thiền sư Vô Ngôn Thông là người Quảng Đông, xuất gia ở chùa Song Lâm, Chiết Giang, đời Đường vào niên hiệu Nguyên Hòa 15 (820) thì đến Việt Nam. Tại chùa Kiến Sơ huyện Tiên Du, Bắc Ninh khai sáng thiền phái Vô Ngôn Thông. Đời thứ 4 của phái này là Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu được nhà Đinh phong làm Tăng thống, cho nắm giữ giải quyết chính sự, về sau lại tấn phong làm Thái sư. Vào Triều Lý - một triều đại toàn thịnh - phái này càng nhiều nhân tài xuất hiện. Vô Ngôn Thông là một Thiền phái ở Việt Nam tương truyền đã duy trì và kéo dài được khá lâu không đứt đoạn, cho đến nay vẫn là lưu phái chủ yếu của Thiền tông Việt Nam.

        Thiền phái Thảo Đường: Thiền sư Thảo Đường là người Trung Quốc, đệ tử của Tuyết Đậu Trọng Hiển. Giữa thế kỷ XI đến Việt Nam hành hóa, đề xướng Thiền Tịnh nhất trí, được vua Thánh Tông và các đại thần triều Lý rất sùng kính, trụ trì ở chùa Khai Quốc

         Thiền phái Trúc Lâm: Tiếp theo triều Lý, triều Trần cũng rất tôn sùng Phật giáo. Trần Thái Tông từng thụ giáo bởi thiền sư Thiên Phong từ Trung Quốc đến Việt Nam, lại từng theo thiền sư Đức Thành nhà Tống tham thiền. Tam truyền đến Trần Nhân Tông, vị vua này lại càng dốc chí vào Thiền học, bỏ ngôi xuất gia làm tăng, lấy hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, tham thiền, trước thuật, giáo hóa đệ tử đến hơn ngàn người, mở ra phái Trúc Lâm Yên Tử. Phái này coi việc truyền bá thiền pháp Lâm Tế của Đại Duệ Tông Cảo của thiền tông Trung Quốc là chủ yếu.

         Phái Trúc Lâm liên tông: Cuối thế kỷ XVII, thiền phái Trúc Lâm lại phân hóa thành một phái mới. Hòa thượng Bạch Mai Lân Giác thiền phái Trúc Lâm đã sáng lập ra phái Liên tông tại Thăng Long. Ông ta hấp thu giáo lý Bạch Liên giáo của Từ Chiếu Tử Nguyên Xương Đạo thời Nam Tống, đồng thời kết hợp thiền pháp Lâm Tế với việc niệm A Di Đà Phật. Tuyên dương hai chữ “Thiền giáo”, coi “Giáo” là Phật nhãn, “Thiền” là Phật tâm. Trên thực tế coi việc niệm A Di Đà Phật làm trung tâm. Phái này được lưu truyền rộng rãi trong nông dân vùng Bắc bộ Việt Nam, hình thành lưu phái chủ yếu của Phật giáo vùng Bắc Việt Nam sau này.

Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc Phật giáo Trung Quốc, kiến trúc chùa tháp ở Việt Nam đều bảo lưu mầu sắc kiến trúc Trung Quốc. Kinh điển Phật giáo Việt Nam cũng dùng Hán tự, tăng lữ và các giáo đồ khác vẫn thường sử dụng Kinh Đại Tạng bằng Hán ngữ, nghi thức thụ giới cũng tương đồng với Phật giáo Trung Quốc. Cho đến nay mà nói, Phật giáo Việt Nam chính là sự hỗn hợp giữa Phật giáo Đại thừa của Trung Quốc với Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thể hiện một hình thái độc đáo của tín ngưỡng pha tạp.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top