VDTTHCM để củng cố, xây dựng Nhà nước Việt Nam XHCN

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để củng cố, xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; là người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - một nhà nước pháp quyền hoàn toàn mới. Ngay từ những ngày đầu khi mới thành lập nhà nước, để đảm bảo cho hoạt động của nhà nước có hiệu quả, ngày 17- 10 -1945, trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người nhắc nhở “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(1)

      Tháng 10- 1947, tại Việt Bắc, với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” nhằm mục đích giáo dục và nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng. Trong tác phẩm này, Hồ Chí Minh đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân vì nó là một thứ vi trùng rất độc sinh ra các khuyết điểm nghiêm trọng như bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, ham địa vị, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh hữu danh vô thực, kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị, không biết nhìn xa trông rộng... Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng vạch ra nguyên nhân và phương hướng khắc phục những căn bệnh đó là người cán bộ phảithường xuyên phê bình và tự phê bình, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

     Quan niệm về nhà nước của Hồ Chí Minh luôn gắn liền với dân chủ, Người nói: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đầy tớ chung của nhân dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ.

Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đầy tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”(2).

   Theo Hồ Chí Minh, nhà nước ta phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thế nào là nhà nước của dân? Khi Người làm Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp 1946 đã khẳng định: “ Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo”(3). Cũng theo điều 32 - Hiến pháp 1946 quy định“Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết”(4)

      Thực chất đó là chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ trực tiếp đã được Bác quan tâm và đề ra rất sớm ở nước ta. Theo Người, trong nhà nước của dân thì dân phải là chủ, người dân phải được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Còn người đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là công bộc của dân. Về đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công chức, Người phê phán mạnh mẽ thái độ cửa quyền, sách nhiễu của một số người “ Cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải cậy thế với dân”(5)

      Quan điểm về nhà nước do dân, trước hết nhà nước phải do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình, nhà nước do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước chi tiêu, hoạt động, nhà nước phải gắn liền với nhân dân : “Nếu không có dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ và dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(6)

     Đã là nhà nước của dân, do dân, theo Hồ Chí Minh, lẽ tất yếu nhà nước đó phải là nhà nước vì dân, mọi hoạt động của nhà nước đều phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính “ Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”(7). Để có được đội ngũ cán bộ công chức thực sự trung thành, tận tụy với nhân dân, Người nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác cán bộ. Mục vấn đề cán bộ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc , Bác đã phân tích sâu sắc 5 vấn đề cơ bản có thể tóm tắt như sau:

1. Cần phải : Huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận cho cán bộ.

2. Biết dạy cán bộ và dùng cán bộ: Phải biết rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ, phân phối cán bộ cho hợp lý, giúp cán bộ cho đúng, giữ  gìn cán bộ.

3. Lựa chọn cán bộ: Phải chọn những người rất trung thành và hăng hái trong công việc, luôn quan hệ mật thiết với dân chúng, có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn, luôn giữ kỷ luật.

4. Có 5 cách đối với cán bộ: Chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo và giúp đỡ cán bộ.

5. Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ: Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cấn bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ”(8).

Năm vấn đề trên đã thể hiện được tầm nhìn bao quát của Bác về công tác cán bộ: Trước hết, để có được đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn thì cần phải thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về cả chính trị, văn hoá và lý luận; Công việc tiếp theo là phải lựa chọn cán bộ cho đúng với năng lực chuyên môn và khéo dùng cán bộ. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ mà Người còn nhấn mạnh trong quá trình sử dụng cán bộ công việc cần thiết là phải thường xuyên chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo và giúp đỡ cán bộ. Điều này có thể rất đúng khi nhận định rằng trong nhiều năm qua, công việc này không được coi trọng dẫn đến sự sa sút nghiêm trọng về phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức, làm suy yếu bộ máy nhà nước và làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với nhà nước.

     Tuy nhiên, những thiếu sót đó đã được Đảng và nhà nước ta nhận ra và đã có nhiều giải pháp khắc phục, điều này đã thể hiện rất rõ trong đường lối và chính sách của Đảng và nhà nước ta trong những năm gần đây. Để phát triển các quan điểm và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, Đảng và nhà nước ta đã đề ra những mục tiêu cụ thể để củng cố, xây dựng và hoàn thiện nhà nước ta như sau:

   - Hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, cơ chế, chính sách phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết là các thể chế về  kinh tế, về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính.

   - Xóa bỏ về cơ bản các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho nhân dân; hoàn thiện các thủ tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho dân.

   - Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, tránh chồng chéo về chức năng, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả.

   - Cải cách hành chính theo hướng chuyển một số dịch vụ vốn trước đây do nhà nước đảm nhiệm cho các thành phần kinh tế khác và thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, coi trọng hành chính địa phương.

   - Nền hành chính nhà nước phải được tổ chức thành một hệ thống ổn định, hoạt động thông suốt, có kỷ cương nghiêm ngặt, cơ quan hành chính và cán bộ, công chức nhà nước chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, áp dụng các cơ chế, biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa các hành vi mất dân chủ, tự do, tùy tiện, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân.

   - Đến năm 2010 đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, công chức có phẩm chất tốt và đủ năng lực thực thi công vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và phục vụ nhân dân.

       Tóm lại, trong không khí Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ X, kỷ niệm 116 năm sinh nhật Bác, việc suy ngẫm lại những quan điểm, tư tưởng của Bác và đối chiếu với những vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay như: công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; làm trong sạch bộ máy nhà nước; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng… là việc làm có ý nghĩa. Chỉ có thể lấy lại được lòng tin trong nhân dân khi chúng ta kiên quyết đấu tranh để loại bỏ tư tưởng bóc lột, ăn bám; đầu óc tham lam, vụ lợi; chủ nghĩa ích kỷ, cá nhân trong bộ máy nhà nước.

       Trong 61 năm qua, quá trình không ngừng đổi mới và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nhất là khoảng thời gian 20 năm trở lại đây chính là sự vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước Việt Nam XHCN để dần dần từng bước chúng ta sẽ có một nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân./.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: