vanglalua

Nguyên nhân gây bệnh vàng lá lúa và biện pháp phòng trừ

Mẫu bệnh vàng lá lúa

Hiện nay, trên các trà lúa ở các vùng trong cả nước thường xuyên bị bệnh vàng lá, làm giảm năng suất lúa, loại bệnh này do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Để giúp người nông dân nhận biết và phân biệt được các nguyên nhân gây bệnh, chúng tôi giới thiệu phương pháp nhận biết và biện pháp phòng trừ các tác nhân gây bệnh vàng lá trên cây lúa.

1- Nhóm bệnh vàng lá do virus

*Bệnh vàng lùn: Trên cây bị bệnh màu lá chuyển từ vàng xanh đến vàng lợt. Khi bệnh phát triển những cây bị bệnh chuyển sang màu vàng và rất lùn, đâm nhiều chồi. Cây bị bệnh sớm thường không trỗ bông. Mầm bệnh virus được lan truyền do rầy nâu.

*Bệnh tungo: Cây bị bệnh lùn và ít chồi. Phiến và bẹ lá ngắn hơn bình thường, lá phát triển cong queo hay cuộn tròn. Mầu lá thay đổi từ xanh sang vàng cam, vàng nâu bắt đầu từ chóp lá già. Lá non thường có đốm không đều hay có sọc xanh chạy song song với gân lá. Quá trình chuyển màu vàng của lá thay đổi theo thời gian sinh trưởng của lúa. Cây bị bệnh trỗ bông muộn, bông nhỏ, hạt lép và trỗ không hoàn toàn. Bệnh lan truyền do rầy xanh đuôi đen.

*Bệnh vàng tạm thời: Cây bị bệnh thường lùn, lá biến màu vàng từ chóp của lá dưới. Trên lá vàng có các chấm mầu gỉ sắt. Những lá non thường có mầu vàng lợt. Cây bị bệnh sớm thì không trỗ bông hoặc bông ngắn, hạt lép (triệu chứng này gần giống với bệnh tungo). Nguồn virus lan truyền do rầy xanh đuôi đen.

*Bệnh vàng cam: Cây bệnh hơi lùn và ít chồi, lá mầu xanh vàng đến vàng cam. Triệu trứng ban đầu xuất hiện ở chóp lá, trên lá xuất hiện nhiều sọc chạy song song với gân chính. Bệnh phát triển làm lá lúa cuộn tròn vào trong và khô từ chóp lá xuống. Lúa nhiễm bệnh sớm sẽ bị chết. Cây bị bệnh không có bông hoặc bông ngắn, hạt lép mầu nâu đậm. Nguồn virus lan truyền do rầy bông.

*Bệnh lúa cỏ: Cây bị bệnh rất lùn và có nhiều chồi như bụi cỏ. Lá hẹp, ngắn cứng và biến vàng kèm theo đốm gỉ sắt, cây bệnh sống đến khi trưởng thành nhưng ít bông, bông ngắn, hạt lép. Virus gây bệnh lan truyền do rầy nâu.

Biện pháp phòng trừ nhóm bệnh do vius: Với nhóm bệnh này phòng là chính, hiện nay chưa có thuốc trừ virus trên cây lúa. Cần phòng trừ triệt để môi giới truyền bệnh (rầy nâu, rầy bông, rầy xanh đuôi đen...). Thời vụ gieo cấy cần tránh thời kỳ mẫn cảm của cây lúa trùng với thời điểm vũ hoá rộ của các lứa rầy. Khi phát hiện những bệnh này trên đồng ruộng cần nhổ bỏ, tiêu huỷ kịp thời để tránh lây lan.

2- Nhóm bệnh vàng lá do vi khuẩn

*Bệnh đốm sọc vi khuẩn: Triệu chứng là những vệt hẹp, trong suốt giữa các gân lá. Đầu tiên là chóp lá sau đến mép lá có các sọc mầu nâu chạy song song với gân lá. Ở giống nhiễm bệnh, toàn bộ lá chuyển mầu vàng nâu sau đó lá bị chết. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao, giống nhiễm bệnh thì toàn ruộng lúa biến thành mầu vàng cam. Vi khuẩn được lan truyền qua hạt giống và vết thương cơ giới, vì vậy mưa và gió là tác nhân làm bệnh lây lan nhanh.

*Bệnh bạc lá: Triệu chứng tương tự bệnh đốm sọc vi khuẩn nhưng không có đốm sọc mầu vàng chạy song song với gân lá.

*Bệnh khảm vàng: Cây bị bệnh hơi lùn, ít nhánh, lá có đốm không đều và có các sọc mầu vàng. Cây bị bệnh nặng, toàn ruộng lúa biến thành mầu vàng cam. Bông lúa sẽ bị dị hình, trỗ không thoát và hạt bị lép lửng nhiều. Bệnh thường xuất hiện và gây hại nặng sau khi cấy 3-4 tuần khi cây lúa bước vào đẻ nhánh rộ. Bệnh lan truyền do các côn trùng cánh cứng (sâu gai, bọ lá...).

*Phòng trừ nhóm bệnh do vi khuẩn: Không lấy giống ở những ruộng bị bệnh (đối với lúa thuần), xử lý hạt giống trước khi gieo, ngừng bón thúc đạm khi lúa bị bệnh, giữ nước ruộng không để ruộng bị hạn. Khi có nguy cơ thành dịch trên diện rộng cần phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc trừ vi khuẩn như Starner, Sasa...

3- Nhóm bệnh vàng lá lúa do nấm

*Bệnh vàng lá chín sớm: Khóm lúa có chiều cao bình thường, vết bệnh trên lá là những sọc vàng hình bầu dục kéo dài tới chóp lá. Bệnh xuất hiện trên cả lá non, lá bánh tẻ và lá già. Cây lúa bị bệnh thường trỗ bông và chín sớm nhưng bông ngắn, hạt lép.

*Bệnh thối bẹ lá: Do nấm gây hại ở bẹ lá, nặng nhất là khi lúa bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Nấm gây hại tạo thành các đốm bầu dục dài, làm phá vỡ các mạch dẫn của bẹ lá, dẫn đến lá lúa bị biến vàng. Khi bệnh đã gây hại tới lá đòng thì lúa trỗ không thoát và hạt bị lép hoàn toàn.

Trong nhóm bệnh này còn có bệnh thối thân và bệnh gạch nâu.

*Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ sau thu hoạch, làm sạch cỏ dại vì đây là nguồn ký chủ của nấm. Bón phân cân đối theo từng giống lúa và chân ruộng, tránh bón thừa đạm sẽ làm bệnh thêm trầm trọng. Khi bị hại nặng có thể dùng các thuốc trừ nấm như Fujioan, Kitajin, Ridomil... phun trừ.

4- Bệnh vàng lá lúa do tuyến trùng

Bệnh này còn gọi là bệnh bứu rễ. Tuyến trùng tấn công vào rễ của cây mạ trên những chân ruộng khô hạn. Khi nhiễm tuyến trùng rễ cây lúa tạo thành những hạt bứu không còn khả năng hấp phụ nước và dinh dưỡng. Do đó, lá lúa biến thành mầu vàng rồi sau đó khô chết. Muốn phòng trừ tuyến trùng cần giữ cho ruộng mạ và ruộng lúa không bị khô hạn. Nếu lúa bị bệnh nặng có thể dùng thuốc trừ tuyến trùng như Mocap (lưu ý đây là thuốc rất độc với con người và môi trường).

5- Bệnh vàng lá do các yếu tố bất lợi của môi trường

Bệnh này xảy ra nếu đất thiếu đạm, đất bị ngộ độc (bệnh nghẹt rễ lúa), nước tưới bị ô nhiễm các hoá chất độc hại, ngộ độc không khí như khói lò gạch, khói nhà máy xi măng...

Tóm lại, bệnh vàng lá hại lúa do rất nhiều nguyên nhân gây nên, vì vậy muốn phòng trừ hiệu quả đòi hỏi phải xác định rõ nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #fanzhong