vande6

Vấn đề 6 :

Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Phát triển nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của nước ta hiện nay. Văn kiện Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân"

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phát triển nông nghiệp nông thôn bao hàm những nội dung chủ yếu sau:

1. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nhiệm vụ trung tâm trong suốt cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một trong ba nội dung cơ bản của công nghiệp hoá là xây dựng cơ cấu ngành kinh tế hợp lý. Kinh tế nông thôn là một bộ phận của nền kinh tế, vì vậy, xây dựng cơ cấu các ngành kinh tế nông thôn theo yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tất yếu khách quan.

Cơ cấu ngành kinh tế là cơ cấu của nền kinh tế xét về phương diện kinh tế - kỹ thuật. Cơ cấu các ngành kinh tế nông thôn có những đặc điểm riêng, do tính chất của kinh tế nông thôn quy định. Những đặc điểm đó là: nông nghiệp chiếm tỷ trọng tuyệt đối; tiểu, thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ; nông nghiệp mang tính độc canh, manh mún, phân tán; quan hệ thị trường ở trình độ rất thấp...

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá có nghĩa là cơ cấu các ngành kinh tế nông thôn phải thay đổi theo hướng:

- Giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng tiểu, thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, năng suất lao động và hiệu quả rất thấp. Trong khi đó, phát triển tiểu, thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ vừa có ý nghĩa to lớn trong việc tạo việc làm cho người lao động, vừa làm tăng hiệu quả cho kinh tế nông thôn, nâng cao mức thu nhập, mức sống cho cư dân nông thôn. Phát triển các làng nghề truyền thống góp phần đáng kể khai thác các tiềm năng kinh tế của các địa phương và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đầu tư xây dựng công nghiệp nông thôn, phát triển các ngành dịch vụ cũng xuất phát từ yêu cầu của xu thế chuyển dịch này. Như vậy, giảm dần tỷ trọng của sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng của tiểu, thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn trực tiếp góp phần phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh" ở nông thôn.

- Phá thế độc canh trong nông nghiệp, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ và xuất khẩu. Đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp vừa tạo điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, đáp ứng nhu cầu về nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của dân cư, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguyên liệu của công nghiệp nhẹ và nhu cầu xuất khẩu. Sự hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn cho phép ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông phẩm.

Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế nông thôn phải đặt trong điều kiện cơ chế thị trường. Trong cơ chế này, mọi hoạt động kinh tế đều chịu sự chi phối của các quy luật thị trường. Do đó, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế nông thôn không được chủ quan duy ý chí, mà phải hết sức chú ý những nhân tố khách quan như: khả năng về vốn, về tổ chức quản lý, về công nghệ... và đặc biệt là điều kiện thị trường.

2. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi phải trang bị kỹ thuật cho các ngành của nền kinh tế theo hướng hiện đại. Do đó, phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá có nội dung rất quan trọng là phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thể hiện tập trung ở những lĩnh vực sau:

- Cơ giới hoá. Các hoạt động sản xuất ở nông thôn chủ yếu dựa vào lao động thủ công, kỹ thuật lạc hậu, do đó, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm rất thấp. Cơ giới hoá, trước hết là cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp vừa giảm nhẹ lao động của con người, vừa nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả. Tuy nhiên, cơ giới hoá phải đặc biệt chú ý những đặc điểm riêng của sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Cơ giới hoá nông nghiệp phải tập trung vào những khâu lao động nặng nhọc (chẳng hạn như làm đất) và những khâu trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh (chế biến).

- Thuỷ lợi hoá. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới, nắng lắm, mưa nhiều, do đó, hạn hán và úng lụt thường xuyên xảy ra. Để hạn chế tác động tiêu cực của thiên nhiên, việc xây dựng hệ thống thuỷ lợi để chủ động tưới tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

- Điện khí hoá. Điện khí hoá vừa nâng cao khả năng của con người trong việc chế ngự tự nhiên, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, vừa tạo điều kiện cho cư dân nông thôn tiếp cận với văn minh nhân loại, phát triển văn hoá - xã hội ở nông thôn. Do đó, điện khí hoá là điều kiện không thể thiếu để phát triển nông thôn.

- Phát triển công nghệ sinh học. Đây là lĩnh vực khoa học và công nghệ mới bao gồm nhiều ngành khoa học và kỹ thuật mà trước hết là vi sinh học, di truyền học, hoá sinh học ... Công nghệ sinh học là "mọi kỹ thuật sử dụng những cơ chế hay quá trình sống để tạo ra hay thay đổi sản phẩm, để tăng chất lượng cây hay con, hay phát triển những vi sinh vật cho những ứng dụng đặc biệt"1. Trong những năm gần đây, công nghệ sinh học đã đạt được những thành tựu to lớn: những nông phẩm biến đổi gien có năng suất và chất lượng rất cao; lai tạo được những cây trồng có khả năng kháng virút, sâu bệnh, tự tổng hợp nitơ tự nhiên thành phân đạm, sinh sản vô tính... Những thành tựu của công nghệ sinh học đã đem lại những lợi ích to lớn, không chỉ tạo ra những sản phẩm mới, làm cho sản xuất có năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn, mà còn tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển công nghệ sinh học là đòi hỏi tất yếu của một nền nông nghiệp hiện đại.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn chịu sự tác động mạnh mẽ của các nhân tố thị trường: giá cả các yếu tố đầu vào, đầu ra; vốn, thông tin... Do vậy, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

3. Quy hoạch phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới

- Để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần có quy hoạch đồng bộ, hình thành các khu dân cư đô thị hóa, xây dựng các xã, làng, thôn, ấp, bản, gắn chặt phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn bao gồm: hệ thống đường sá, hệ thống thông tin, hệ thống thủy lợi, trạm biến thế, đường dây, các trạm giống; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, câu lạc bộ v.v.. Đó là những điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh, môi trường lành mạnh ở nông thôn.

-Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là cơ sở hình thành quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất cũng như đặc điểm riêng của nông nghiệp, nông thôn ở từng vùng khác nhau. Vì vậy, xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn không thể nóng vội, duy ý chí, cũng không thể rập khuôn máy móc.

Do đặc điểm của nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần của khu vực này có mặt chủ yếu của các thành phần sau:

- Kinh tế tư nhân mà chủ yếu là kinh tế cá thể, tiểu chủ và hoạt động phổ biến dưới hình thức kinh tế hộ gia đình.

Đó là hình thức kinh tế phổ biến ở nông thôn trong các làng nghề, trong các hoạt động dịch vụ và trong sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do lực lượng sản xuất còn thấp kém, kinh tế hộ nông dân có vai trò to lớn trong việc khai thác các tiềm năng đất đai, vốn, sức lao động, kinh nghiệm sản xuất của dân cư... Do đó, kinh tế hộ nông dân có vai trò to lớn trong việc phát triển lực lượng sản xuất và tồn tại lâu dài trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển sản xuất hàng hoá với quy mô ngày càng lớn.

- Kinh tế nhà nước.

Kinh tế nhà nước trong khu vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dưới các hình thức: công ty bảo vệ thực vật; công ty giống cây trồng, vật nuôi; công ty thủy lợi, các trạm cấp điện, công ty thương mại... là rất cần thiết đối với nông nghiệp, nông thôn. Hơn nữa, đây là những vị trí then chốt trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn, do đó, nếu kinh tế nhà nước nắm giữ những vị trí này sẽ giữ vai trò chủ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn lên chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, phát triển kinh tế nhà nước ở nông nghiệp, nông thôn là hết sức cần thiết nhưng cũng cần cân nhắc trong từng khâu, từng lĩnh vực cụ thể.

-Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế.

Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của các thành viên, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng.

Hoạt động của kinh tế tập thể theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển, gắn với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

4. Đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn

Nguồn nhân lực ở nông thôn có đặc điểm là trình độ học vấn rất thấp và phần lớn người lao động không qua đào tạo. Trình độ dân trí thấp là trở ngại không nhỏ đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, trước hết là đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Bởi vậy, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn trở thành nội dung quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Do khả năng kinh tế và nhận thức của cư dân nông thôn có hạn, việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn phải có sự trợ giúp của Nhà nước. Nhà nước phải có chính sách giáo dục, đào tạo riêng cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Chính sách giáo dục, đào tạo không chỉ phải tính đến trình độ đầu vào, ưu đãi về tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn... mà còn phải tính tới nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động được đào tạo trong hiện tại và tương lai...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tuan