Thuyết minh về áo dài Việt Nam
Mỗi đất nước đều có niềm tự hào về trang phục đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Nếu người Nhật tự hào về kimono, người Trung Quốc tự hào về xườn xám, người Hàn Quốc tự hào về hanbok thì nói đến Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến tà áo dài thướt tha, duyên dáng. Đó là tà áo dài truyền thống tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam mà bất kì người con xa quê hương nào cũng nhớ.
Vậy nguồn gốc của chiếc áo dài Việt Nam bắt đầu từ đâu? Không ai biết rõ áo dài ra đời khi nào, không có tài liệu nào ghi chép về xuất xứ của nó. Nhưng áo dài vốn được mọi người biết đến nhiều nhất ở phương Bắc. Có người nói, trước kia, chúa Nguyễn Phúc Khoát khi xưng vương đã ra lệnh cho quan và dân phải mặc lễ phục lấy mẫu từ nhà Minh - Trung Quốc.
Trước đây, áo dài được thiết kế 4 thân với 2 vạt trước và 2 vạt sau giản dị và mộc mạc. Cho đến đầu thế kỉ XX, áo dài được cách tân thành áo ngũ thân, có thêm 1 vạt nhỏ trong 4 thân áo để làm tăng thêm sự trang trọng và lịch sự. Có lẽ vì để tạo dấu ấn trong những ngày lễ hội sang trọng và cần sự quý phái thì người ta thêm vào 1 vạt áo để khác với áo dài thời trước. Khoảng những năm 1930 - 1940, phụ nữ thành thị bắt đầu may áo 2 tà, 1 tà ở trước và 1 tà ở sau. Áo được chiết eo may sát ôm lấy thân người mặc để tạo những đường cong duyên dáng, gợi cảm và càng tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ. Chính vì lợi thế của áo dài 2 thân nên đến tận ngày nay, đặc điểm của chiếc áo dài 2 thân vẫn được duy trì và được ưa chuộng sử dụng. Nhưng tại sao áo dài lại có sự thay đổi như vậy? Trước hết vì sự thay đổi xu thế, thời thế của xã hội về trang phục. Về mặt thẩm mĩ, thay đổi để đẹp hơn, để tôn thêm dáng vẻ người mặc và cách tân cho duyên dáng, thướt tha hơn và phù hợp với công việc hơn. Thử hỏi ở công sở, ở trường học, các nhân viên và các giáo viên có còn mặc áo tứ thân, ngũ thân liệu có phù hợp không? Vì thế, áo dài 2 thân ngày càng được chị em phụ nữ ưa chuộng.
Có thể nói chất liệu của áo dài vô cùng phong phú và đa dạng, phù hợp với các mùa trong năm. Mùa đông, áo dài được may bằng vải nhung mặc vào cho ấm. Mùa hè thì may bằng vải lụa tơ tằm hay vải satanh để mặc cho thoáng mát lại mềm mại và thướt tha. Chất liệu bao giờ cũng giúp người sử dụng dễ chịu hơn. Với sắc màu đa dạng, áo dài rất dễ lựa chọn cho phù hợp với từng lứa tuổi. Họa tiết cũng phong phú cho người sử dụng dễ dàng lựa chọn theo sở thích, nước da, dáng dấp, mục đích công việc. Nếu muốn phong cách trẻ trung, nữ tính ta nên chọn kiểu cách tân cổ tròn với tay lửng. Còn nếu ở độ tuổi trung niên thì nên chọn áo dài màu đậm, tối, nhẹ nhàng với kiểu dáng hoa văn cổ xưa cho lịch sự và thêm phần sang trọng. Áo dài bao giờ cũng đi liền với quần dài ống rộng thường có màu cùng màu với áo hay màu có thể phối được với màu áo cho phù hợp.
Áo dài không chỉ dành riêng cho người lớn mà còn có loại dành cho các em bé thiếu nhi trong các dịp lễ cưới hỏi, tết,... làm không khí trở nên trang trọng và lịch sự hơn. Phổ biến, áo dài được dùng trong các lễ hội truyền thống như Tết âm lịch hay những lễ hội ở từng vùng miền. Điều đó thể hiện góp phần thể hiện ý nghĩa của lễ hội đồng thời làm tăng thêm nét đẹp vì mọi người cho rằng áo dài mang nét đẹp của con người Việt Nam nên rất thiêng liêng và không phân biệt giới tính, độ tuổi sử dụng. Ngày nay, áo dài có mặt ở những ngày thường như ngày tựu trường, ngày thứ 2 chào cờ,... hằng ngày, trong đời sống, áo dài xuất hiện trong trường Trung học Phổ thông những ngày đầu tuần, văn nghệ hay lễ hội. Hình ảnh nữ sinh Việt Nam với tà áo dài trắng thướt tha, duyên dáng đã làm tăng thêm vẻ đẹp, vẻ quyến rũ và trang trọng. ngoài ra, áo dài còn được cách tân để dùng cho nam giới hay còn gọi là áo the. Thường thường đàn ông mặc áo the ít hơn phụ nữ và chỉ mặc trong lễ hội như hát quan họ và đội khăn xếp trên đầu. Nói tóm lại, dù xã hội càng hiện đại thì hình ảnh áo dì cẫn không bị mai một và ngược lại còn được sử dụng rộng rãi hơn nữa với cách tân đa dạng.
Với giá trị thiêng liêng như thế, áo dài luôn được nâng niu, trân trọng, gìn giữ bởi nó tượng trưng cho nét đẹp của con người Việt Nam. Dù đi đâu về đâu, người Việt Nam cũng mang theo áo dài với vẻ đẹp riêng và đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Dù bạn đang đứng ở đâu trên thế giới mà mặc áo dài thì bạn cũng sẽ cảm thấy tự hào về bộ trang phục truyền thống của Việt Nam. Trong các cuộc thi hoa hậu thế giới, người con gái Việt Nam đã mang áo dài cùng những giá trị và vẻ đẹp riêng ra khoe với bạn bè khắp 5 châu...
Ngày nay, trang phục Việt Nam đã có nhiều sự du nhập của các nước phương Tây. Thế nhưng vẫn không thể thiếu bóng của áo dài. Áo dài không chỉ là giá trị vật chất mà còn là giá trị tinh thần của mỗi con người Việt Nam.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top