văn nghi luận xh

Đề 1: Trong bài thơ “Một khúc ca”, Tố Hữu có viết:
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hãy trình bày ý kiến của anh/chị về quan niệm sống nói trên.


Dàn ý


I.Mở bài:
-Mỗi người có một quan niệm sống riêng, thậm chí đối lập nhau.
-Với Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

II.Thân bài:
1.Giải thích ý nghĩa (nói như vậy có nghĩa là gì?).
-Thế nào là “cho”, “nhận” ? “Cho” là biết hi sinh, cống hiến, biết sống vì người khác. “Nhận” là hưởng thụ, đem phần về cho mình, sống chỉ biết có mình.
-Ý nghĩa của câu nói: Sống không phải chỉ biết hưởng thụ, mà phải biết hi sinh, cống hiến, phải biết quan tâm đến mọi người. (Mối quan hệ giữa trách nhiệm và quyền lợi)
2.Mở rộng, nâng cao: (Lí giải, phân tích, đánh giá tính chất đúng đắn, đồng thời bác bỏ, phê phán những biểu hiện sai lệch liên quan đến vấn đề được bình luận).
*Lí giải tại sao?
-Thành quả của mỗi người đạt được trong cuộc sống không phải tự dưng có được mà phải trải qua một quá trình. Ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân còn là sự hi sinh, giúp đỡ, cống hiến của bao người. 
-Vì vậy, lối sống chỉ vì mình, chỉ biết hưởng thụ mà không biết hi sinh, cống hiến là một lối sống ích kỉ, không thể chấp nhận. Xét về mặt đạo lí: đó là sự vô ơn, bội nghĩa. Xét về qui luật phát triển xã hội: đó là lối sống lạc hậu, trì trệ, kìm hãm sự phát triển…
*Các biểu hiện của quan niệm sống đẹp:
-Cần phải quan tâm, giúp đỡ người khác để cuộc sống của họ ngày càng tố đẹp hơn: những người trong gia đình, người thân, người quen biết và cả những người ta chưa quen biết khi họ có nhu cầu được sẻ chia, giúp đỡ. Giúp đỡ bằng nhiều hình thức: vật chất, tinh thần tuỳ vào điều kiện bản thân mình.
-Xác định trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, dân tộc: thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình; biết đặt quyền lợi của tập thể lên trên lợi ích bản thân; biết cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc nếu cần…
*Nêu gương sống đẹp và phê phán những biểu hiện lệch lạc:
-Thế hệ thanh niên ngày nay đã có nhiều bạn trẻ sống đẹp như vậy, học sẵn sằng cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực của mình cho quê hương, đất nước; họ sẵn sàng san sẻ gánh nặng với người khác mà không chút so đo, tính toán…
-Bên cạnh đó vẫn còn nhiều thanh niên có lối sống nhỏ nhen, ích kỉ, chỉ lo vun vén cho bản thân mình mà không quan tâm đến người khác…
3.Bài học rút ra: Cần phải biết kết hợp hài hoà giữa quền lợi và trách nhiệm, giữa “cho” và “nhận”; nhận thức rõ ý nghĩa cao quý khi mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác; cho cồng đồng, đất nước.

III.Kết bài:

-Quan niệm sống của Tố Hữu là quan niệm sống đúng đắn ở mọi thời đại.
-Hơn ai hết, thanh niên cần phải xác định rõ trách nhiệm, tình thương của mình.





Đề 2: Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến sau:
“Phê phán thái độ thờ ơ ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”.


Gợi ý


I.Mở bài: 

-Trong cuộc sống, việc khen chê có một ý nghĩa vô cùng quan trọng (Tuân Tử: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta; người khen ta mà khen phải là bạn ta; những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù ta vậy”).
-Để lòng vị tha, tình thương yêu con người càng được nhân lên, mỗi người không chỉ biết ca ngợi mặt tốt đẹp, thánh thiện của con người mà cần phải tỏ rõ thái độ phê phán, không đồng tình với lối sống ích kỉ, thiếu tình người trong đời sống, đúng như lời nhận xét: “Phê phán thái độ thờ ơ ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”.


II. Thân bài:

1.Giải thích ý nghĩa: khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết như nhau của việc phê phán thái độ sống ích kỉ, vô cảm trong việc nêu gương, ca ngợi lòng vị tha, tình nhân ái, tinh thần đoàn kết của con người.
2.Mở rộng, nâng cao:
*Lí giải tại sao?
-Theo lẽ thường, con người ta ai cũng thích được khen và từ đó nảy sinh tâm lí chung là chỉ thiên về biểu dương, ca ngợi những mặt tốt đẹp của con người mà ngại phê phán những mặt còn hạn chế, yếu kém của họ. Ý kiến trên muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết của tinh thần đấu tranh, phê phán thái độ thờ ơ ghẻ lạnh đối với con người trước hết là vì thế.
-Sinh ra trong đời không phải ai cũng như ai, có người sống chan hoà, nhân ái, luôn muốn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác, nhưng cũng có người lại sống ghẻ lạnh, thờ ơ, chẳng quan tâm đến người thân, đồng loại. Và ngay trong chính bản thân của mỗi người cũng tồn tại hai mặt tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn, vị tha-ích kỉ,…(Nhân vô thập toàn). Do vậy, trong cuộc sống không thể chỉ có một chiều ca ngợi đức vị tha, lòng yêu thương mà thiếu đi tiếng nói đấu tranh, phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người. Bởi xét đến cùng, bản chất của hai sự việc trên đều cùng chung mục đích: hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn, muốn con người được sống trong biển đời giàu tình yêu thương.
*Những biểu hiện của hai cách sống nói trên và tầm quan trọng của cách ứng xử và phê phán:
-Sống vị tha là sống vì người khác, là biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương con người bằng một tình cảm chân thành. Lòng vị tha sẽ giúp con người vượt lên trên mọi hận thù, mọi ganh ghét cá nhân để cùng sống vì lợi ích chung. Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống chọi với thiên tai, địch hoạ của nhân dân ta là những minh chứng hùng hồn và thuyết phục nhất cho chân lí này.
-Sống thờ ơ, ghẻ lạnh là thái độ sống vô tâm, vô cảm trước nỗi đau của người thân, đồng loại, không biết thông cảm, quan tâm, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh chung quanh mình mà chỉ biết lo nghĩ đến lợi ích của bản thân, chỉ biết đề cao cái tôi riêng mình. Lối sống đó dẫn con người đến sự nhỏ nhen, ích kỉ, nhiêu khi là tàn nhẫn. Vì mình, họ có thể giẫm đạp lên người khác để mà sống. Nếu sống như vậy, đạo đức xã hội sẽ dần bị băng hoại.
-Như vậy, có thể thấy rằng, thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và lòng vị tha, tình đoàn kết là hai mặt trái ngược của đạo đức xã hội; ở đối cực nào nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con người, của cộng đồng, dân tộc. Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và ngợi ca lòng vị tha, tinh thần đoàn kết đều cần thiết quan trọng như nhau vì tất cả đều giúp con người soi vào đó mà thấy rõ những mặt tốt-xấu của mình để có sự điều chỉnh, phấn đấu hoàn thiện bản thân.
*Suy nghĩ về lối sống của thanh niên hiện nay: Hiện nay, bên cạnh những thanh niên hăm hở nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, dành hết “chiếc bánh thời gian” của mình cho công tác từ thiện thì vẫn không ít thanh niên chỉ lo hưởng thụ, thờ ơ, lạnh nhạt với cả gia đình và những người chung quanh.
3.Bài học rút ra:
-Sống có trách nhiệm, biết yêu thương con người, không chỉ có lời ca ngợi một chiều mà cùng với lời ngợi ca, mỗi người cần phải có tiếng nói đấu tranh, phê phán với những biểu hiện còn lệch lạc, cách sống vô trách nhiệm, thiếu tình thương trong cuộc đời.
-Cần phải có thái độ khen chê rõ ràng, đúng mức, đúng lúc, đúng nơi. Tất cả phải xuất phát từ thiện tâm, thiện ý của mình. Không có gì có sức thuyết phục và lay động mạnh mẽ trái tim mọi người hơn là cách sống chan hoà, giàu tình thương của bản thân trong cuộc sống hàng ngày đối với người thân và cộng đồng.

III.Kết bài: 
-Trong cuộc, nếu lời ca ngợi được ví như đường thì lời phê phán được ví như muối. Lẽ nào cuộc sống chỉ cần đến vị ngọt ngào của đường mà không cần đến cái mặn của muối ?
-Bản chất của con người là thánh thiện (Khổng Tử: “Nhân chi sơ tính bản thiện”) và ai ai cũng đều mong muốn có một cuộc sống ngập tràn tình yêu thương. Nhưng để có một cuộc sống “Người yêu người sống để yêu nhau”, mỗi người cần phải sống thành tâm, thành tâm trong cả lời khen và lời chê. Câu nói trên không phải là một tư tưởng mới mẻ nhưng nó có ý nghĩa thực tế vô cùng sâu sắc.



Đề 3: Anh/chị có suy nghĩ gì về hiện tượng học sinh vẫn còn gian lận trong các kì thi?


Gợi ý


I.Mở bài: 
-Giáo giục nướcnhà trong những năm gần đây có những bước tiến đáng kể.
-Tuy nhiên vẫn còn những hiện tượng tiêu cực, trong đó không thể không kể đến việc học sinh vẫn còn gian lận trong các kì thi.

II.Thân bài:
1.Thực trạng gian lận của học sinh trong các kì thi: 
-Ở khắp nơi trong cả nước, ở các cấp học, đặc biệt là những kì thi tuyển, những kì thi mang tầm Quốc gia đều xảy ra hiện tượng này.
-Hình thức gian lận ngày càng tinh vi.
2.Nguyên nhân:
-Bằng cấp trở thành áp lực nặng nề trong đời sống xã hội.
-Nhận thức về thi cử còn sai lệch từ nhiều phía: học sinh, gia đình, nhà trường (Bệnh sỉ, tính hiếu danh, bệnh chạy theo thành tích).
-Nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là do năng lực còn hạn chế của học sinh.
3.Biện pháp khắc phục:
-Mỗi học sinh cần xác định đúng đắn mục đích, động cơ học tập để có thái độ và biện pháp học tập tích cực. (Mục đích của việc học không phải để thi và thi cử không phải là con đường duy nhất để bước vào đời; gian dối trong thi cử sẽ gây tác hại to lớn; bằng cấp chỉ thật sự có ý nghĩa khi gắn liền với thực lực của con người,…).
-Xã hội cần tạo môi trường học tập lành mạnh và nhiều cơ hội học tập để đảm bảo tính công bằng và quyền lợi học tập cho mọi người.
-Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường – xã hội nhằm nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.

III.Kết bài:
-Hưởng ứng tích cực cuộc vận động của ngành giáo dục: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
-Là học sinh, bản thân phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc học.




Đề 4: Hiện nay, khi chọn nghề, nhiều thanh niên, học sinh thường theo hai xu hướng sau: Hoặc chọn nghề làm ra nhiều tiền, hoặc chọn nghề mà bản thân mình yêu thích.
Hãy cho biết quan điểm chọn nghề của anh/chị?



Gợi ý:


I.Mở bài: 
-Khác với đại đa số thanh niên ngày trước, không mấy ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm với cuộc đời vì “ai đã có phận nấy”, thanh niên ngày nay có nhiều cơ hội để lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình, vì vậy ai cũng băn khoăn về con đường phía trước.
-Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, mỗi người đều có một lựa chọn nghề nghiệp riêng, nhưng xu hướng chung mà phần đông thanh niên hiện nay đang hướng đến là họ chọn nghề làm ra nhiều tiền, hoặc chọn nghề mà bản thân họ ưa thích.
-Chọn nghề là quyền của mỗi người, và tất nhiên, tôi cũng có quan điểm lựa chọn riêng của mình.


II.Thân bài:
1.Vai trò của việc chọn nghề đối với sinh viên, học sinh:
-Việc chọn nghề có một tầm quan trọng đặc biệt vì nó không chỉ liên quan đến cuộc đời mỗi người mà còn liên quan đến cả gia đình, cộng đồng, xã hội.
-Chọn nghề cũng thể hiện một phương diện quan trọng của quan điểm sống, lí tưởng của tuổi trẻ.
2.Trao đổi về hai xu hướng chọn nghề của học sinh hiện nay:
*Chọn nghề làm ra nhiều tiền:
-Mặt tích cực:
+Tiền bạc là nhân tố quan trọng để tạo nên hạnh phúc (Hạnh phúc được hiểu theo nghĩa chung nhất là được thoã mãn những nhu cầu của con người). Nó là một phương tiện không thể thiếu để giúp con người thoả mãn những nhu cầu rất thiết thực trong cuộc sống và thực hiện được hoài bão, mơ ước của mình. Chính vì thế, khi cuộc sống còn nhiều gian khó, thiếu thốn thì tiền bạc mang ý nghĩa quyết định hạnh phúc. Chọn nghề theo hướng này sẽ đảm bảo được những yêu cầu về vật chất của bản thân, gia đình.
+Tiền bạc được tạo ra từ bàn tay, khối óc, từ lao động chân chính cuả mình sẽ kiến tạo được một hạnh phúc lâu bền, đích thực.
-Mặt hạn chế:
+Tiền bạc chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để tạo nên hạnh phúc. Nó có vai trò quan trong, thậm chí là quyết định nhưng không phải là điều kiện duy nhất để dệt nên hạnh phúc của con người. Bởi hạnh phúc chỉ thực sự trọn vẹn khi con người được no đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần. Có tiền không phải là có tất cả.
+nếu chọn nghề với mục đích làm ra nhiều tiền mà nghề ấy mình không yêu thích, không phù hợp thì công việc mỗi ngày sẽ trở thành gánh nặng suốt đời.
*Chọn nghề mà mình yêu thích:
-Mặt tích cực:
+Thoả mãn được nhu cầu, sở thích ca nhân mình nên mỗi ngày sẽ là niềm vui, cuộc sống sẽ trở nên đáng yêu hơn khi đáp ứng niềm đam mê ấy của mình.
+Yêu thích công việc bao giờ cũng là một tiền đề dẫn đến niềm mê say. Và một khi đã mê say công việc thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ cao hơn, thu nhập từng bước sẽ được nâng cao…
-Mặt hạn chế:
+Cuộc sống được tạo ra bởi muôn vàn mối quan hệ, không bao giờ cái “tôi” sở thích của mình cũng đáp ứng, hài hoà được với cái “ta” chung của gia đình, cộng đồng, xã hội. (Hạnh phúc không thể trọng vẹn nếu như mình không mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người).
+Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu của xã hội và cá nhân ngày càng cao. Vì vậy nếu chọn nghề theo tiêu chí sở thích của bản thân mà không chú ý đến những mặt khác sẽ khó đáp ứng được những nhu cầu chính đáng do cuộc sống đặt ra.
*Nhận xét chung: Cả hai quan niệm nêu trên đều còn phiến diện vì mới chỉ xuất phát từ ý thức chủ quan chứ chưa quan tâm nhiều đến các phương diện khác trong đời sống.
3.Quan điểm chọn nghề của bản thân:
-Không chỉ quan tâm đến sở thích cá nhân, chú ý đến vấn đề thu nhập mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác: điều kiện kinh tế gia đình, năng lực, năng khiếu của bản thân, những chỉ định của nghề nghịêp, nhu cầu của xã hội, của đất nước.
-Lúc cần thiết, có thể hi sinh quyền lợi, sở thích của mình để chọn lựa nghề theo yêu cầu của gia đình, quê hương, đất nước. (“ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”).


III.Kết bài:
- Chọn nghề không chỉ là chọn một công việc mà còn là chọn cho mình một tiền đồ. Xã hội càng phát triển thì việc lựa chọn nghề nghệp càng có ý nghĩa quan trọng. (Biết lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, đúng đắn thì chẳng khác nào như “tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam để xác định hướng đi”, không thì như “chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va” – như cách nói của Nguyễn Khắc Viện).
-Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại” không hề đơn giản. không ai có thể lựa chọn nghề nghiệp thay cho mình. Muốn chọn lựa nghề nghiệp một cách đúng đắn nhất, thiết nghĩ mỗi người sẽ hướng đến “mẫu số chung” là đảm bảo sự hài hoà giữa nguyện vọng của cá nhân và nhu cầu của quốc gia, dân tộc.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: