Suy nghĩ câu nói của Helen Keller

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời tâm sự của Helen Keller: "Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày."

Cuộc sống luôn mang tới cho ta những trải nghiệm. Có trải nghiệm giúp ta ý thức thân phận mỏng dòn của kiếp người. Có trải nghiệm để ta suy nghĩ về bản thân. Có trải nghiệm là một bước đệm để ta tiếp tục đi trên đường đời. Có trải nhiệm là cơ hội để ta nhìn lại con người thật của mình. Có trải nghiệm là hành trang để ta mang vào cuộc sống. Có trải nghiệm giúp ta bằng lòng với những gì mình đang có. Trong chiều hướng đó, Helen Keller, nữ văn hào người Mỹ sau quãng thời gian rong ruổi với cuộc đời. Đã cảm thấy một nỗi hoang mang, lo sợ vì không bằng lòng với những gì mình có đang lấp đầy con tim, cho đến khi bà nhìn vào thực tại của cuộc sống do cái "là" làm nên chứ không bởi cái "có" . Vì thế, bà đã ứa lệ thốt lên: "Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày".
Ngay từ lúc chào đời, tiếng khóc đã gắn liền với cuộc sống con người. không loại trừ một ai. Một phụ nữ trẻ khóc lên từng cơn khi hay tin chồng tử trận. Người mẹ già khóc không thành lời khi nghe tin đứa con chết do tai nạn. Một thiếu nữ đang ở tuổi cập kê khóc không thành tiếng khi lần đầu tiên bị tình phụ. Ngoài tiếng khóc của sự đau khổ cũng có dòng nước mắt diễn tả niềm hạnh phúc. Dòng nước mắt lăn lài trên gò má của người mẹ quê khi chứng kiến đứa con nhận được bằng tốt nghiệp hay những giải thưởng danh giá. Dòng lệ tuôn trào trên khuôn mặt người cha già tìm lại được đứa con sau bao năm thất lạc. Có thể nói, dòng nước mắt không chỉ để diễn tả nỗi đớn đau của kiếp người mà còn nói lên niềm hạnh phúc tràn đầy từ trái tim.
Hiểu dòng nước mắt của sự đau khổ thì tiếng khóc của Helen Keller "khi không có giày để đi" diễn tả một sự thiếu thốn vật chất trong cuộc sống hay sự bất lực trước cái nghèo đói của kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, trong dòng nước mắt của sự đau khổ vẫn có sự hiện hữu của dòng nước mắt hạnh phúc. Chúng ẩn náu bằng cách này hay cách khác, dưới nhiều hình thức, được tỏ lộ khi con người biết mở lòng mình ra và để vào đó một sự so sánh, một cái nhìn tinh tế. Đó cũng chính thái độ của Helen Keller khi so sánh cuộc sống hiện tại của mình với người khác, như bà đã nói: "cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày". Vì thế, câu nói của Helen Keller diễn tả một thái độ bằng lòng chấp nhận với những gì mình đang có sẽ tốt hơn ngồi đó than khóc với những gì mình chưa chiếm hữu.
Thực tế trong cuộc sống cho biết, những gì ta đang có đáng quý gấp ngàn lần những gì ta đã mất. Hay dòng đời xuôi ngược, người ta cứ tìm những thứ mình đánh rơi và cố kiếm cho được những gì mình chưa có, ít có ai sống trọn phút giây hiện tại. Vì cứ mãi hồi tưởng về quá khứ đã đi qua, mơ ước ở tương lai chưa tới mà quên mất những giá trị ở hiện tại nó đang hiện hữu. Hiện hữu này mới là chân lý giúp con khám phá ra sự diệu kỳ của cuộc sống, hay có khi đó cũng chính là một bài học để ta có một thái độ lạc quan hơn trong cuộc đời. Còn trong chiều hướng của những người đi tìm chân lý thì đó lại là cơ hội để họ giác ngộ. Trong Phật giáo có kể một giai thoại rằng: có vị tên là Huệ Khả đi đến cầu đạo vời thiền sư Bồ Đề Đạt Ma. Trải qua nhiều ngày mà Huệ Khả vẫn chưa thấy thầy trao truyền những kinh nghiệm tu tập quan trọng như mong đợi, nên lòng ông chợt hoang mang, trí bắt đầu âu lo. Huệ Khả lấy hết can đảm, bước tới chỗ thiền sư và qùy xuống xin thầy ban cho phương pháp giúp tâm yên ổn. Thiền sư bảo: "đưa tâm không yên đây ta giúp cho". Huệ Khả nhìn kỹ lại mình để tìm kiếm tâm không yên, rồi thưa: "con đã tìm nhưng không thấy ạ". Thiền sư cười và đáp: "ta đã yên tâm cho con rồi đấy". Sau khi nghe xong câu nói Huệ Khả liền giác ngộ. Quả thật, sự giác ngộ có ngay ở trong con người Huệ Khả, chỉ có điều ông cứ mải mê đi tìm ở ngoài, cứ để cho cõi lòng nặng trĩu, tâm hồn cứ sầu vương. Nói đúng hơn, khi lòng còn mong cầu hay còn những chống đối thì tâm vẫn không yên, hết những mong cầu hay những chống đối thì tự nhiên tâm sẽ yên.
Mặt khác, con người vẫn thường không bằng lòng với những gì mình đang có. Theo quan niệm Ấn Độ giáo, hiện hữu của mỗi người trong thế giới này có một số phận riêng hay còn gọi là "kiếp", chỉ khi nào sống trọn với kiếp của mình và dùng chính nó để tạo nghiệp thì mới mong được giải thoát ở đời sau. Còn trong nhà đạo lại kể một giai thoại rằng: Có chàng thanh niên kia cứ mãi than phiền với Thượng Đế vì Ngài đã gửi đến cho anh thập giá quá nặng. Vì thế, anh đã xin phép Thượng Đế được đổi lại thập giá khác. Thượng Để mỉm cười và cho phép anh được chọn bất kỳ thập giá nào anh muốn. Sau những tháng ngày rong ruổi trên đường đời, anh đã đổi rất nhiều thập giá, cuối cùng khi anh kiếm được thập giá vừa với mình nhất lại chính là thập giá đầu tiên mà anh đã bỏ. Thực tế của con người cũng vậy, ít khi chịu bằng lòng với những gì mình đang có, cứ mải mê đi tìm những thứ ngoài khả năng của bản thân, hay không muốn sống chậm lại để suy nghĩ, chiêm ngắm những chân lý trong cuộc đời, để hiểu hơn về những cái được, cái mất trong cuộc sống. Hoặc không hiểu được ý nghĩa câu nói mà cổ nhân đã dạy: "nhìn lên mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì nhiều người vẫn không bằng mình". Tuy nhiên, thái độ bằng lòng và chấp nhận những gì mình đang có cũng làm cho những người có cái nhìn tiêu cực không chịu phấn đấu trong cuộc sống. Nhưng đối với những người có cái nhìn lạc quan và bằng lòng chấp nhận để nhìn xuống những người còn thua kém mình nhằm chia sẻ, trao ban những giá trị tinh thần hay vật chất, thì đó cũng chính là niềm hạnh phúc mà bản thân họ thu nhận được từ đối phương. Vì khi cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống, con người dễ thành công trong công việc.
Trong xã hội ngày nay, con người đang có xu hướng chạy theo nhu cầu hưởng thụ. Lòng tham của con người lại vô đáy, không bao giờ thỏa mãn được những mong cầu nơi bản thân. Người khác có những thứ hiện đại, văn minh thì mình cũng muốn sở hữu cho bằng được. Nói đúng hơn, con người ngày nay thường không bằng lòng với những gì mình đang có, nghĩa là trong xã hội hiện đại, con người đang bị lôi kéo vào vòng "tranh chấp". Quả thế, không ngạc nhiên khi con người ngày nay cứ vội vã trong cuộc sống, cứ tranh đấu để hơn người khác. Vòng quay của thời gian từ xưa đến nay vẫn vậy, một ngày được quy ước bằng chu kỳ qua 24 giờ, không ít hay hơn một lần gõ nhịp của kim đồng hồ. Cũng chính thời gian đã qua đi sẽ không bao giờ quay trở lại theo như ý muốn của con người. Vì thế, sống chậm lại để suy nghĩ, cảm nhận những ngang trái trong cuộc sống và bằng lòng chấp nhận những gì mình đang có ta sẽ thấy cuộc đời vẫn đẹp, cũng chính là bài học mà lời tâm sự của Helen Keller muốn gửi đến với mỗi người chúng ta. Nhất là những bạn trẻ, là chủ nhân tương lai của đất nước, cứ mãi sống trong ảo tưởng hay đi tìm những những thực tại chỉ làm cho con người bị tha hóa thì liệu có làm cho cuộc sống được hạnh phúc chăng?
Dẫu biết rằng, bản tính của con người là luôn ước muốn những điều chưa có. Nhưng không vì thế mà ta cho mình được cái quyền than khóc trước sự thiếu thốn rồi người khác sẽ mang tới tận tay. Ngược lại, thái độ chấp nhận những giới hạn nơi con người và bằng lòng với những gì mình chưa có là một điều quan trọng để ta sống lạc quan hơn trong cuộc đời. Vì những thứ ta kiếm hôm nay đến ngày mai người khác sẽ được hưởng, những gì ta mải mê bỏ cả cuộc đời để tìm ta chẳng thể nào mang theo lúc xuống mộ phần. Chỉ có sự vui vẻ, lạc quan trong từng phút giây cuộc sống và bằng lòng chấp nhận những gì đang có là một thái độ rất đáng yêu và đáng quý biết bao, đôi khi đó cũng chính là động lực để giúp chúng ta thành công. (Viết Lan)
Viết Lan

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top