Căn bệnh đạo đức giả

Trình bày suy nghĩ về sự nguy hại của căn bệnh đạo đức giả trong cuộc sống

Mở bài:

Các sự vật, hiện tương trong cuộc sống này luôn tồn tại hai mặt đối lập của nó. Xã hội con người cũng vậy. Có nhiều người biết sống tốt đẹp, biết tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực. Ngược lại cũng không ít kẻ sống giả trá, lừa lọc, luôn dựa dẫm vào người khác. Có người sống chân thực, đạo cao đức trọng. Ngược lại, cũng có không ít kẻ sống bằng bộ mặt đạo đức giả tạo. Họ lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt của người khác, tư lợi cho riêng mình. Điều đó đem đến không ít nguy hại cho đời sống xã hội. (Căn bệnh đạo đức giả)

Thân bài:

* Đạo đức là gì?

Đạo đức là toàn bộ những tiêu chuẩn, những nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Đạo đức cũng là những phẩm chất tốt đẹp của con người tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đã được thừa nhận. Đạo đức chỉ có được qua quá trình rèn luyện kiên trì và lâu dài.

Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn.

Đạo đức giả là gì?

Đạo đức giả là đạo đức không chân thật. Đạo đức giả biểu hiện ở cách ứng xử giả tạo, dùng vỏ bọc đạo đức bề ngoài để che đậy bản chất xấu xa bên trong nhằm đánh lừa người khác, mưu lợi riêng cho mình.

Đạo đức giả là tình trạng con người bề ngoài tỏ ra đạo đức nhưng trong ý nghĩ và trong lòng chứa nhiều âm mưu, thủ đoạn và sự gian trá.

* Những biểu hiện của bệnh đạo đức giả:

Kẻ đạo đức giả thường xây dựng một vẻ bề ngoài thân thiện và gần gũi. Họ thường dùng những lời nói hay ho, đẹp đẽ bề ngoài để che đậy ý nghĩ đen tối và tình cảm thấp hèn bên trong.

Kẻ đạo đức giả hay dùng những hành động có vẻ tích cực để ngụy trang cho những động cơ xấu xa, đê tiện.

Mục đích của việc che đậy này là nhằm đánh lừa người khác tin vào cái hình thức đàng hoàng ấy. Từ việc chiếm được lòng tin của người khác, kẻ đạo đức giả sẽ thu về cho mình những lợi ích.

Trong cuộc sống hiện nay, thói đạo đức giả có ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, rất khó bị phát giác và là bạn đồng hành với tâm lí cả tin. Nó nguy hại như một căn bệnh chết người nhưng khó nhận biết.

* Nguyên nhân của căn bệnh đạo đức giả:

Sự xuống cấp của nền đạo đức, văn hóa trong xã hội khiến nhiều người sống giả dối. Khi mà cả xã hội bắt đầu quen với việc nói dối, làm giả thì căn bệnh đạo đức giả cũng bùng phát. Con người vì lợi ích riêng tu mà bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng chà đạp lên đạo lí và tình người.

Sự suy đồi đạo đức của con người trong thời đại kinh tế thị trường khiến cho nhiều kẻ đạo đức giả xuất hiện. Họ lợi dụng các quy luật thị trường để trang bị cho mình ngững kĩ năng lừa gạt người khác. Tốc độ tăng trường nhanh chống của nền kinh tế, khiến cho nhiều người vì lòng tham mà dẫm đạp lên tình nghĩa.

Tâm lí xã hội xem trọng và đề cao đời sống vật chất khiến cho tình người hao hụt. Giờ đây, để khẳng định giá trị một con người, xã hội thường lấy vật chất họ đang sở hữu để xếp hạng. Bởi thế mà có nhiều kẻ đồi bại đạo đức, làm ăn bất chính nhưng giàu có được nhiều người biết đến. Thậm chí được tôn vinh là mẫu mực để người khác noi theo. Những bậc đạo cao đức trọng bị chìm khuất trong cuộc sống này, không ai biết đến.

* Sự nguy hại của bệnh đạo đức giả:

Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng để khẳng định nội dung của câu nói đề cập đến sự nguy hại của thói đạo đức giả. Đây là một căn bệnh chết người bởi vì nó góp phần hủy hoại đời sống con người, nó góp phần đẩy những đời người vào tình huống đau đớn và trớ trêu, vào những nghịch cảnh đầy oan khiên....

Đối với chính bản thân họ:

Vì sống giả dối nên tự đánh mất dần nhân cách, đánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. Đạo đức giả hủy hoại phẩm chất tốt đẹp của con người, khiến họ đánh mất lương tri. Bởi thế, kẻ đạo đức giả thường là người độc ác, nham hiểm, giả dối.

- Đối với xã hôi, căn bệnh đạo đức giả lại càng thêm nguy hại. Nó làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân. Nó còn làm suy đồi phong hóa xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác.

Căn bệnh ấy biến kẻ đạo đức giả trở thành là một con người bệnh hoạn, nguy hiểm. Bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo. Thực chất con người bên trong và biểu hiện bề ngoài hoàn toàn khác biệt nhau.

Kẻ đạo đức giả sớm muộn gì cũng bị bóc trần bản chất. Họ luôn bị gia đình và xã hội không còn lòng tin cậy, sự hòa hợp, bình an.

Một xã hội tồn tại đạo đức giả khiến cho mọi người luôn phải dè chừng, cảnh giác và đối phó lẫn nhau. Chính vì vậy, từ xưa đến nay, người ta luôn lên án sự giả dối: miệng nam mô, bụng một bồ dao găm. Bề ngoài phơn phớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao.

* Làm cách nào để tránh được căn bệnh đạo đức giả?

Trước hết là tăng cường giáo dục con người. Bởi trong mọi thời đại, giáo dục luôn là công cụ tốt nhất để cải biến xã hội. Chính sự giáo dục đúng đắn mới có thể hình thành cho mỗi con người lối sống tốt đẹp ngay từ ban đầu. Bởi thói xấu nào cũng do con người mà ra. Khi con người đủ mạnh mẽ loại trù nó thì nó cũng không thể có nơi nào để tồn tại. Chỉ cần con người hướng đến cái cao đẹp thì cái xấu, cái giả dối tự nó sẽ biến mất.

Giáo dục về đạo đức không nên ép buộc một cách khiên cưỡng. Giáo dục đạo đức phải hài hòa, kết hợp giữa nguyên tắc xã hội và sự tôn trọng cá nhân. Cần làm người khác tự giác thực hiện. Bằng các giải pháp giáo dục đánh thức những phẩm chất tốt đẹp vốn bị che lấp trong họ.

Cảm thông, thấu hiểu và giúp đỡ những con người lầm lạc sửa đổi bản tính của mình. Bởi ai cũng có những điểm tốt. Chỉ vì lòng tham mà trở nên sai trái đó thôi. Lấy gia đình làm nền tảng căn bản để giáo dục con người. Bởi nền văn hóa gia đình sẽ quyết định đạo đức của con người.

Tăng cường xây dựng một lối sống xã hội trong sạch vững mạnh. Lấy tập thể để làm gương cho cá nhận. Xây dựng lối sống hòa hợp, đề cao tình nghĩa. Kịch liệt đả kích, lên án và trừng trị đích đáng cái xấu, cái giả dối trong xã hội. Song, trừng phạt chỉ nên là giải pháp cuối cùng khi mà mọi giải pháp khác không hữu dụng.

Tăng cường tuyên truyền, cổ động và làm phổ biến các giá trị đạo đức chuẩn mực trong đời sống. Phát hiện, trân trọng và đề cao những tấm gương đạo đức trong xã hội. Lấy đó làm gương sáng để người khác học tập và làm theo.

* Bài học:

Đạo đức giả là một căn bệnh nguy hại cần phải xóa bỏ.

Thấy rõ sự cần thiết phải tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp những giá trị đạo đức. Cần xây dựng lối sống chân thành, trung thực để tìm thấy được giá trị sống đích thực.

Kiên quyết lên án, vạch trần và ngăn chặn thói đạo đức giả. Một khi con người sống chân thật, xã hội sẽ yên bình, hạnh phúc.

Các bạn có thể đọc bài viết tương tự tại https://thukhoavan.vnNghị luận về lối sống có đạo đức đối với than niên

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top