🌻Văn học nói gì về những chấn thương thời thơ ấu?

✨ VĂN HỌC NÓI GÌ VỀ NHỮNG CHẤN THƯƠNG THỜI THƠ ẤU? ✨
-----///-----
📍"Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”. Liệu rằng có phải là một cái giá đắt đỏ khi đánh đổi cả đời để một đứa trẻ phải cặm cụi khâu vá lại vết thương cho những ký ức tuổi thơ mục nát của mình? Những chấn thương, vỡ vụn, vượt quá sức chịu đựng của một con người chỉ mới ở thời ấu thơ, nó đâm xiên vào ta những cảm giác đau đớn vỡ lòng, nó ghim sâu vào ta tất thảy những xúc cảm ám ảnh tột cùng, trở thành căn nguyên của nỗi khổ đau và những vết sẹo không lành. Văn học, trong quá trình thai nghén và phát triển, đã ghi dấu lại biết bao câu chuyện, về những đứa trẻ chấn thương, về những tuổi thơ bị bóp nghẹt trong tuyệt vọng…

(Nhấn vào ảnh để xem chi tiết)

🔐 Chú bé Hồng ở "Thời thơ ấu" khi đứa trẻ là sản phẩm của tình yêu không hạnh phúc và định kiến

Một đứa trẻ đến với đời bằng nỗi đau người mẹ nhiều hơn niềm sướng vui, Hồng đã bị những dây xích gai quấn chặt trong suốt quãng thời thơ ấu của mình. Đời đã ném cho Hồng cái mặc cảm tội lỗi và mặc cảm về chính bản thân mình: phải ở nhờ trong nhà người thân khi cha mất, không có vòng tay chở che của người mẹ, cô độc và lẻ loi.. Đỉnh điểm ở ngày giỗ cha, cậu như chết nghẹn trước những định kiến đầy cổ hủ và ác độc đến từ bà cô - người họ hàng của cậu, gieo rắc vào đầu: "mợ mày nghèo quá", "phải dùng mũ che chắn",.. Đứa trẻ ấy phải bơi giữa những định kiến và tâm địa độc ác, thứ duy nhất làm phao cứu sinh cho Hồng chính là tình yêu thương mãnh liệt dành cho mẹ, một người mẹ đôn hậu đầy đau khổ, một băng cứu thương gắn lại những vụn vỡ rỉ ra từ kẽ mắt của cậu.. Bi kịch tuổi thơ bóp nghẹt thời thơ ấu, cuốn trong vòng quay vô định của cổ tục và những đắng cay, liệu còn bao nhiêu đứa trẻ giống Hồng không ngừng vừng vẫy ở xã hội ấy, ở thời đại ấy?

🔐 Thằng Phác trong "Chiếc thuyền ngoài xa" - hiện thân cho bi kịch về bạo lực

Đến với văn học sau 1975, nơi mà tâm hồn con người càng được xâu chuỗi và trở thành mối quan tâm hàng đầu, Nguyễn Minh Châu trong "Chiếc thuyền ngoài xa" không chỉ muốn cất lên tuyên ngôn nghệ thuật gắn liền với hiện thực, mà còn hoạ lên một đứa trẻ với những chấn thương sâu thẳm trong nó - thằng Phác. "Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" là câu nêu bật lên những gì Phác phải chứng kiến: cha đánh mẹ, dù trên thuyền hay trên mặt đất. Đối với một đứa trẻ, người mẹ của chúng tựa như tấm khiên che chắn cho chúng khỏi những thương tổn đớn đau. Tấm khiên vỡ, chúng phải chiến đấu. Và thế là, "nó chạy tiếp một quãng ngắn giữa những chiếc xe tăng rồi lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ông”. Tình yêu mẹ đã hoá thành thù hận gắn vào người cha của nó, để rồi một đứa trẻ phải mất đi sự ngây thơ, hồn nhiên vốn có, để rồi một con người bất tuân theo luân thường đạo lí, xuống tay với cha ruột của mình ra đời. Ở đây, chấn thương thời thơ ấu đã hình thành nên tội ác và lòng căm hận, đẩy Phác vào bi kịch và có thể sẽ trở thành người cha thứ hai trên đời...

🔐 Amir "Người đua diều" - thương tổn từ định kiến vô hình và khuôn mẫu sai lệch

Ở "Người đua diều", chúng ta thường nhỏ những giọt nước mắt thương cảm cho số phận của Hassan, một người trung thành bằng tình yêu độc nhất với Amir cho đến chết, nhưng lại ít nhìn ra bi kịch của Amir, căn nguyên của tất cả lòng đố kị và hèn nhát. Người cha mà cậu hết mực tôn kính bằng cảm xúc mãnh liệt gần như tôn giáo, thường không dành tình thương cho cậu. Người cha muốn cậu yêu bóng đá hơn yêu sách, muốn cậu phản kháng bạo lực hơn là nhún nhường, ông tô cho cậu những sắc màu chỉ ông muốn, còn cậu thì không. "Trẻ con đâu phải những quyển sách tập tô màu. Anh không phải bôi đầy chúng bằng những màu anh ưa thích." Chính cách đối xử thiếu cân nhắc ấy đã đẩy Amir thành một đứa trẻ khao khát tình yêu, tìm mọi cách thoát khỏi sự xa cách của cha, dù phải dùng đến những kế hèn hạ nhất. Không ai kéo Amir ra khỏi bóng tối, dần dần chính bóng tối lại chính là điểm cư ngụ cho những tội ác, và sự an toàn bên trong đứa trẻ ấy. Amir đáng thương hay đáng trách? Đáng được rửa tội hay chẳng bao giờ xứng đáng với sự thứ tha? Sau cùng, gấp lại "Người đua diều", chỉ có văng vẳng giọng nói: "Vì người, cả nghìn lần rồi."

-----///-----
🪶Người cầm bút: Cỏ non
🖌 Người cầm cọ: Quýt
-----///-----
Thông tin liên hệ:
☀️ Email: [email protected]
☀️ Instagram: @1ptvanchuong

CRE F: 1% Văn Chương

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #học