🌻Trong đôi mắt người điên
✨ TRONG ĐÔI MẮT NGƯỜI ĐIÊN ✨
📍 Một người điên bước qua, ta thấy điều gì? Một kẻ đáng thương không biết mình biết đời? Một kẻ ngu dại theo sau bước cộng đồng? Một kẻ chơ vơ lạc loài giữa “một xã hội tỉnh táo”? Hơn cả một chữ “điên”, văn chương còn nói nhiều hơn như thế. Văn học nhìn bằng đôi mắt người điên, như một cách để nhảy múa trên đường ranh thế giới, như một cách để khai mở cuộc đời ở những lăng kính mới.
📍 Trong đôi mắt người điên, ta thấy những uẩn ức và khát vọng còn mắc kẹt trong cổ họng người đời.
Văn chương trước hết là hình thái nghệ thuật lấy cái “chân” làm đầu. Nhưng không phải bao giờ cái “chân” cũng được tự do bộc bạch. Khi đứng giữa những khung lề xã hội, giữa những định kiến cộng đồng, “khi sự thật bị thay thế bằng cái gì đó giống sự thật” (Phùng Cung), người ta chọn những hình tượng điên dại để được nói thật lòng mình. Trong khúc chèo Kim Nham, nhân vật Xúy Vân đã giả dại theo lời của Trần Phương, nhưng chính vì được xem là một người đàn bà điên, những lời “điên dại” của nàng lại được cất lên để bày tỏ nỗi lòng muôn đời của người phụ nữ. Có khi là nỗi bất mãn với cuộc hôn nhân giam cầm hạnh phúc: “Con gà rừng ăn lẫn với công/Đắng cay ai có chịu được, ức!” Có khi là niềm ước ao về tình yêu: “Tôi thương nhân ngãi, tôi nhớ nhân tình/Đêm năm canh tôi thức cả vừa năm!” Có khi là khát vọng bình dị về hạnh phúc: “Chờ cho bông lúa chín vàng/Để anh đi gặt để nàng mang cơm.” Điên như một cái cớ để bày tỏ lòng mình, để bộc bạch niềm đồng cảm của dân gian đối với người phụ nữ - những điều vốn quá xa lạ, quá sai trái với một xã hội đầy rẫy định kiến.
📍 Trong đôi mắt người điên, ta thấy những điều vốn không thể thấy.
Có thể nói, “Nhật ký người điên” của Lỗ Tấn đã trao cho ta hoàn toàn một cách nhìn của người điên. Chủ nhân của cuốn nhật ký, cũng là lăng kính của toàn bộ tác phẩm, mắc chứng “bức hại cuồng”, nhìn đâu cũng thấy kẻ muốn hại mình, nhìn đâu cũng thấy những kẻ “ăn thịt người.” Cả một xã hội “ăn thịt người” trong đôi mắt người điên - thứ mà chưa một kẻ “tỉnh táo” nào ngộ ra giữa lòng xã hội. “Ăn thịt người”, chỉ rặt ba cái chữ ấy cho “nhân nghĩa đạo đức” của xã hội. Chà đạp lên những con người “đáng chết”, rặt một phương thức mà xã hội bốn ngàn năm đã duy trì “ổn định”. Nhìn ra cái tàn bạo của con người, vạch trần con đường đẫm m.áu mà xã hội dẫm lên như một điều mặc nhiên - những điều chỉ xuất hiện trên trang “Nhật ký người điên.” Có chăng, vì dám nhìn xã hội bằng đôi mắt trần như thế nên “tôi” mới là kẻ điên? Vì “điên” nên mới dám gào thét cầu cứu cho cả một xã hội: “… Hãy cứu vớt trẻ con! …” Là “tôi” điên, hay tất cả đều đang điên?
📍 Trong đôi mắt người điên, ta thấy một vũ trụ khác.
Có lúc, có nhà văn cũng viết về cơn điên như một cõi thoát tục, như một thứ vĩnh viễn mơ hồ mà những con người phàm trần chưa từng nắm trọn một lần. Trong “Bồ công anh” của Kawabata, ông viết về một nhà thương điên tọa lạc tại thị trấn Ikuta. Nhưng điểm kỳ lạ là, nhà thương điên ấy lại là một ngôi chùa. Nhà của người điên cũng chính là nhà của Phật. Tiếng chuông chùa của những kẻ được cho là điên vẫn văng vẳng đâu đó trên bước chân, trong tâm trí, và trong cuộc nói chuyện đằng đẵng giữa người mẹ và người yêu của Inako. Họ cố gắng lắng lấy tiếng chuông chùa, họ băn khoăn và tranh cãi rằng ấy có phải là tiếng mà người mình thương gióng hay không, nhưng không có một câu trả lời sau cùng nào cả. Sợi dây mỏng manh giữa nhà thương điên với thế giới, giữa người “điên” với kẻ “tỉnh”, giữa cõi tỉnh với cõi điên,... vẫn giăng mắc trong từng câu chữ, gợi lên một dư ba đằng đẵng khôn nguôi: điên - phải chăng một vũ trụ khác để thoát khỏi nỗi buồn nhân thế này?
📍 Chúng ta, tự tin vỗ ngực là những kẻ “tỉnh táo” hơn bất cứ ai hết trước vòng xoáy cố hữu của cuộc đời. Để rồi, thử một lần nhìn bằng đôi mắt người điên, ta giật mình, thảng thốt và bàng hoàng: Sống cả một đời, ta biết gì về cuộc đời, ta hiểu gì về đồng loại của mình?
-----///-----
🪶 Người cầm bút: Vô lề
🖌 Người cầm cọ: Huyền
-----///-----
Thông tin liên hệ:
☀️ Email: [email protected]
☀️ Instagram: @1ptvanchuong
CRE F: 1% Văn Chương
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top