🍊Thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa

Đề bài: Bàn về thơ Xuân Diệu cho rằng: “Thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Bằng một số bài thơ đã học, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Bài làm:

Trải qua bao thời đại, bao giai đoạn phát triển, thơ ca cùng với văn chương đã quyện hòa vào nhau làm nên giá trị đích thực của văn học đối với đời sống con người. Nhắc đến thơ là nhắc đến món ăn tinh thần vô giá, độc đáo không thể thiếu trong sự tồn tại của con người. Thơ làm đẹp cho đời, nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp tình yêu trong mỗi chúng ta. Không chỉ vậy, thơ còn mang một nét rất riêng, một giá trị vô cùng độc đáo mà chỉ có lời thơ, ý thơ mới toát ra được. Không còn lạ gì khi bàn về thơ, Xuân Diệu đã nhận định: “Thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”.

Khái niệm về thơ vô cùng cụ thể, rõ ràng. Thơ là tác phẩm văn học có thể loại, kết cấu và phong cách khác hẳn so với các thể loại văn chương khác. Nói đến thơ là nói đến tác phẩm nghệ thuật có vần, có nhịp điệu, có âm hưởng, dư vị đánh thức tâm hồn con người; hình ảnh trong thơ phải mang tính nghệ thuật cao, chứa đựng sâu sắc sức gợi hình, gợi cảm, sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ để làm nổi bật lên cái ý, cái tình của thi nhân. Lời thơ thường chứa đựng nhiều ẩn ý, buộc người đọc, người nghe phải tưởng tượng, suy rộng ra mới có thể hiểu hết được nội hàm trong từng con chữ. Nói : “Thơ là hiện thực, là cuộc đời” là nói đến nội dung trong thơ, thông điệp, bài học mà thi sĩ gửi gắm. Nội dung cốt lõi trong tác phẩm thi ca là phản ánh đời sống thực tại, cuộc sống và ẩn sâu hơn nữa là nội tâm, ý nghĩa, tình cảm của con người. Con người là đối tượng trung tâm được thể hiện rõ nét trong thơ. Đã là tác phẩm nghệ thuật thì không thể thoát ly đời sống hay sao chép thực tại một cách nguyên si. Thay vào đó, thơ- dưới vai trò là tác phẩm văn học không thể tách rời đời sống hình thức và nội tâm con người mà phải gắn liền với con người dưới cái nhìn chủ quan và qua quá trình sáng tạo của người cầm bút. Thế nhưng, bên cạnh nội dung mà thơ phản ánh thì yếu tố quan trọng hơn hết vẫn là “thơ còn là thơ nữa”. Thơ đương nhiên là thơ, một khẳng định không ai có thể chối cãi được. Nhưng theo một chiều hướng khác, chữ thơ thứ hai trong lời nhận định của Xuân Diệu “thơ còn là thơ nữa” mang một ý nghĩa mới mẻ khác, không chỉ đơn thuần là thơ, mà qua đó nhà thơ nhấn mạnh: ngoài việc phản ánh thế giới thực tại của con người, thơ còn phải mang một giá trị nghệ thuật riêng, độc đáo, làm tròn nhiệm vụ, chức năng của thơ đối với đời sống con người. Điều đó có nghĩa tác giả đnag nói đến cái hình thức, cái bản chất lãng mạn, tình tứ của thi ca. Câu nhận định của Xuân Diệu “Thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa” mang ý nghĩa sâu sắc về chức năng và nhiệm vụ của thơ; hay nói cách khác, bản chất của thơ là khuynh hướng hiện thực đời sống và chất nghệ thuật trữ tình. Một tác phẩm thơ hay, giàu sức gợi phải bắt nguồn từ cuộc sống nhưng được nghệ thuật hóa về hai mặt nội dung – hình thức.

“Thơ là hiện thực, là cuộc đời” bởi thơ nếu không gắn liền với đời sống thực tại và nội tâm con người thì thơ sẽ trở nên vô giá trị, chỉ là thứ văn chương hão huyền, thực dụng, vô cảm. Thơ chỉ được viết ra khi người thi sĩ mang trong mình những cảm hứng, những rung động trước cuộc đời để đưa vào tác phẩm của mình. Một bài thơ có giá trị đích thực và sống mãi trong lòng độc giả khi từng câu chữ trong lời thơ, ý thơ mang vẻ đẹp “chân-thiện-mĩ” hướng tới cái đẹp, cái hay của con người; hay đơn giản là bộc lộ được tâm tư, tình cảm của con người về cuộc sống, thế sự. Hơn thế nữa, thơ sẽ phát huy được hết chức năng nghệ thuật nếu “thơ còn là thơ nữa”. Chứng tỏ, hình thức, bản chất của thơ ca nếu mang giá trị nghệ thuật và đạt đến giá trị biểu đạt cao chắc chắn sẽ làm nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giá trị. Đóng vai trò quan trọng trong chất trữ tình của thơ chính là sự kết hợp giữa các hình ảnh thơ, ngôn từ, biện pháp tu từ, thể loại thơ,…Hình ảnh thơ sâu sắc, lời thơ gợi hình, gợi cảm, ngôn từ bình dị mà độc đáo cùng với cách khéo léo, tinh tế trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật để làm nổi bật lên chất thơ; tất cả chúng hòa quyện hài hoà trong thể loại thơ phù hợp, ý thơ súc tích thì sẽ lột tả hết được thông điệp mà tác giả gửi gắm. Hình thức thơ đẹp, hoàn chỉnh cùng với đó là nội dung hấp dẫn, lôi cuốn sẽ tạo nên một chỉnh thể văn chương thống nhất, vẹn toàn.

Nếu nói rằng “Thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa” thì Tự tình của Bà chúa Thơ Nôm có lẽ là một điển hình tiêu biểu, độc đáo. Trong tác phẩm của mình, Hồ Xuân Hương, bằng tài năng thơ độc đáo cùng vốn kiến thức văn chương sâu rộng đã lột tả hết được tâm trạng, nỗi lòng trước duyên phận hẩm hiu của mình:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Hai câu thơ tuy không dài, “ít chữ” nhưng lại “nhiều ý”. Cách sử dụng từ láy “văng vẳng” của bà là một chi tiết khá đắt, cả cái không gian mênh mông mà rợn ngợp, bao la mà heo hút ấy được gợi ra trong liên tưởng chỉ qua cụm từ đầy sức gợi trên. Thủ pháp lấy động tả tĩnh thật độc đáo! Cách chọn lựa thời điểm của thi sĩ cũng vô cùng khôn khéo, tài tình. “Đêm khuya” tuy ngắn mà dài, vì đó là khoảng thời gian con người sống thật với lòng mình nhất, bộc bạch những tâm sự cũng như nỗi niềm thầm kín nhất, ấy cũng là lúc mà cái tình, cái cảm của con người ta dễ dàng được thể hiện nhất. Trong thời gian đêm khuya thanh vắng, cùng không gian u ám đến tột cùng, hình ảnh tiếng trống “canh dồn” càng thêm thôi thúc, dồn dập; thể hiện bước đi liên hồi, nhanh chóng trong tâm trạng càng lúc càng rối bời, bế tắc của nữ sĩ. Dòng thơ bảy chữ tuy không nhiều những ý thơ thì dường như vô hạn, mênh mông. Không những thế, từ “trơ” kết hợp với “cái” hồng nhan như thể hiện rõ hơn nỗi bẽ bàng, đau đớn, tủi hổ cho thân phận quá đỗi bé mọn của Hồ Xuân Hương. Đối với bà, vẻ đẹp, nhan sắc làm nên giá trị chân thực của người phụ nữ. Nét đối lập giữa ‘cái” hồng nhan với nước non như rung lên chất trữ tình đậm đà, chất nghệ thuật độc đáo qua tài năng làm thơ tinh tế của Bà chúa thơ Nôm. Hai câu thơ mang đậm chất hiện thực “thơ là hiện thực, là cuộc đời” đồng thời nổi bật hơn cả là chất nghệ thuật trữ tình “thơ còn là thơ nữa”; để thấy được tâm trạng đau đớn, xót xa pha chút dư vị bẽ bàng cho thân phân lẻ loi, tình duyên quá đỗi hẩm hiu, dang dở, “bảy nổi ba chìm” mà người phụ nữ như Xuân Hương phải chịu đựng trong cái xã hội phong kiến tàn độc, bất nhân. Qua cách sử dụng điêu luyện, tinh tế các biện pháp tu từ, các hình ảnh thơ sâu sắc, độc đáo đã thể hiện đậm chất hiện thực trong xã hội cũ cùng với chất trữ tình nghệ thuật trong tác phẩm Tự Tình.

Không chỉ có thơ ca của bà Hồ Xuân Hương, bài “Thương vợ” của Trần Tế Xương cũng đã bộc lộ rõ bản chất và chức năng mà mọi tác phẩm thơ ca đều mang lại cho nhân thế. Ông Tú với tâm hồn ngời sáng và nhân cách cao đẹp của mình đã vẽ nên cuộc đời gian truân, cực khổ và đầy tội nghiệp của người phụ nữ bên cạnh mình- bà Tú. Dưới cái nhìn đầy nhân văn cùa Tú Xương, chất hiện thực, đời sống con người trong xã hội cũ hiện lên rõ nét hơn cả những tác phẩm cùng thời. Xà hội lúc bấy giờ tàn nhẫn và chèn ép, ở đó người phụ nữ phải gánh chiụ tất cả sự bất công, tàn nhẫn, xấu xa trong thân phận “thấp cổ bé họng”, nhỏ bé, đáng tội nghiệp của họ. Quan niệm “trọng nam-khinh nữ” như hằn sâu vào tâm thức người đời, kẻ gieo rắc nhiều hơn nữa những bất hạnh lên đầu người phụ nữ. Chính những quan niệm cổ hũ, sai lệch ấy đã khiến cho bà Tú phải oằn mình cam chịu, kiếm sống, để mà có thể nuôi đủ “năm con với một chồng”; hình tượng của và so sánh với hình ảnh con cò trong ca dao dân ca xưa, ta như tìm thấy nét tương đồng, đồng điệu:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng.”

Hình ảnh con cò từ xưa đã là biểu tượng cho hình ảnh người lao động, người phụ nữ khổ cực, lận đận, gian truân. Giờ đây, con cò ấy đã vỗ cánh, bay vào thi ca ông Tú thật tự nhiên, tinh tế “Lặn lội thân cò”. Thi liệu dân gian gọi “Con cò lặn lội bờ ao” trông đã thật tội nghiệp làm sao, đáng thương đến nhường nào! Vậy mà Tú Xương sáng tạo thành “lặn lội” khi “quãng vắng” âm ú, tối mịt tối mờ kết hợp với “thân cò” như càng tô đậm thêm chất trữ tình trong thơ ca qua hình ảnh bà Tú bì bõm, lặn lội kiếm sống, mưu sinh. Không vì định kiến xã hội, vì những phong tục lạc hậu mà cổ hủ, liệu bà Tú có phải oằn mình mà gánh lấy trọng trách nặng nề ấy không? Để ông Tú phải cất lên tiếng chửi, chửi đời, chửi người, chửi cái xã hội, hay phải chăng là sự tự trách bản thân, tự chửi mình trước những vô tâm hỡ hững của chính mình. Ông Tú không vô tâm cũng chẳng hững hờ trước cuộc đời bà Tú, ông biết ơn, kính yêu, trân trọng bà đến vô hạn. Tiếng chửi của ông chính là tiếng lòng bản thân, phút giây ông tự ý thức ra mọi điều, và cũng từ khi cất lên tiếng chửi “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc” ấy là cả nhân cách, tâm hồn cao đẹp sáng ngời, đáng trân trọng và đáng quý của nhà thơ được hiện lên rõ nét. Nếu hình ảnh “thân cò”- cuộc đời bà Tú là mảng trữ tình nghệ thuật trong thi ca thì tiếng chửi “thói đời” của ông Tú đã bộc lộ bản chất hiện thực, bộ mặt xấu xa, vô nhân đạo của cái xã hội lúc bấy giờ. Phải chăng giữa quan niệm trong phong cách sáng tác thơ có nhiều nét tương đồng như trong lời nhận định của thi sĩ Xuân Diệu:”Thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”.

Nếu thơ ca đơn thuần chỉ là những quá trình sáng tạo của thi nhân và nó không để lại dấu ấn gì trong lòng độc giả thì xem như tác phẩm ấy hoàn toàn vô nghĩa và không có giá trị. Vì thế sự kết hợp giữa chất hiện thực và trữ tình trong thi ca làm nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, có giá trị không thể không kể đến vai trò quan trọng của người cầm bút, nhà văn, nhà thơ. Tác giả phải thật sự là người có nhiều rung động, xúc cảm trước cuộc đời, phải có tính sáng tạo và cái tâm đối với tác phẩm của mình. Tác phẩm nghệ thuật chỉ mang giá trị đích thực khi nó được kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa chất liệu hiện thực và trữ tình lãng mạn. Và nó chỉ để lại dấu ấn lâu dài trong lòng độc giả khi hướng đến đời sống con người với những vẻ đẹp “chân-thiện-mĩ”, bằng con mắt tinh đời và quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà thơ. Không những thế, cái nhìn của độc giả cũng đóng vai trò quan trọng không kém đối với sự phát triển lâu dài của tác phẩm thơ hay. Người đọc phải đánh giá một bài thơ hoàn chỉnh theo chiều hướng tích cực, khách quan, dựa trên hai yếu tố là chất hiện thực và chất nghệ thuật trong thơ thì mới cảm nhận được giá trị sâu sắc của tác phẩm đó.

Tóm lại, lời nhận định về thơ của Xuân Diệu là vô cùng đúng đắn, chí lý, chí tình. Thơ thật sự đã đem lại nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cao cả đến với cuộc đời con người. Cùng với văn học, thơ ca là bộ phận quan trọng không kém góp phần vào sự suy-thịnh của nền văn học nước nhà. Mỗi khi bàn về thơ hay gặp phải một tác phẩm thơ nào đó, chúng ta cần nhớ đến: “Thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa.”

CRE F: Hơn một bài văn

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #học