🌻Taylor Swift: Người hát bằng thơ
✨ TAYLOR SWIFT: NGƯỜI HÁT BẰNG THƠ ✨
📍 Trong sự hình thành và vận động của mình, nghệ thuật bao giờ cũng có sự "chia tách", "phân mảnh" ra thành những loại hình khác nhau. Những giai điệu réo rắt, những gam màu ấn tượng, những "vẩy chữ thăng hoa"... mang theo trong bản chất nội tại của mình những "dáng hình" rất khác biệt.
📍 Tuy vậy, sự chia tách ấy, cái đường biên đó, chỉ hiện hữu như một tồn tại "mờ nhòe". Những ranh giới được đặt ra là để phá vỡ, nghệ thuật đích thực là một hành trình dài không dứt người nghệ sĩ vượt qua những lằn ranh. Đặc biệt là chất thơ của ngôn từ âm nhạc. Đó là điệu nhạc du dương nhưng da diết đến mức day dứt của những đồi hoa sim tím đã trở thành bất hủ cho nỗi thống khổ trớ trêu: "Nhưng không chết/ người trai khói lửa/ Mà chết/ người gái nhỏ hậu phương/ Mà chết/ người con gái tôi thương"; là Bob Dylan trở thành nhạc sĩ đầu tiên nhận giải Nobel Văn chương, như một lời ca ngợi cho nỗ lực "sáng tạo ra cách diễn đạt đầy chất thơ trong các bản nhạc truyền thống Mỹ"...
📍 Taylor Swift, một trong những nghệ sĩ thành công nhất thế hệ chúng ta, cũng được biết đến với khả năng sáng tác mang đậm dấu ấn văn chương. Từ những "Taylor Swift", "Fearless", "Speak Now", "RED", "1989", "reputation", "Lover",... đến những "folklore", "evermore", "Midnights"; ta thấy được quá trình phát triển, khả năng viết nhạc giàu chất văn chương của nữ nghệ sĩ.
📍 Thơ ca, vốn được biết đến và tiêu biểu ở tính chất gián đoạn, hàm súc trong ngôn từ; cùng khả năng chuyên chở tình cảm một cách trực tiếp của nó. Đến với âm nhạc của Taylor, ta dễ nhận ra rằng nếu chỉ đọc lời bài hát như nó vốn là, ta sẽ thấy trong đó dáng dấp của một bài thơ. Cái cách mà Giáo sư Jonathan Bate "Đây không chỉ là nghệ sĩ giải trí hàng đầu, cô ấy còn là một nhà thơ thực thụ!" cũng chính là bảo chứng cho điều ấy. Những điệu-thơ ấy trải dài từ nỗi đau da diết, khi vết thương rỉ máu đến hai lần trong "cardigan" (folklore):
you drew stars
around my scar
but now i'm bleeding
(anh vẽ vì sao
quanh vết xước
giờ em rỉ máu
ôi vết xước)
đến những phút yêu mãnh liệt, căng tràn cháy bỏng trong "Wildest Dream" (1989):
say you'll remember me
standing in a nice dress
staring at the sunset, babe
(hãy nói với em
anh sẽ nhớ hình bóng em
nhớ tà áo em
cảnh hoàng hôn nhá nhem)
Với chủ đề chính là tình yêu, âm nhạc của Taylor bao giờ cũng là sự tự thể hiện những cảm xúc mãnh liệt của nữ nghệ sĩ.
📍 Sự diễn đạt mang giàu tính văn chương được thể hiện rõ nhất trong đoạn bridge (cầu nối giữ điệp khúc 2 và 3) của "champagne problem" (evermore):
your Midas touch on the Chevy door
november flush and your flannel cure
(...) one for the money, two for the show
I never was ready, so I watch you go
(anh chạm vào cửa xe
cái chạm Midas
tháng 11 lạnh lẽo
chiếc áo anh ấm áp...)
Mượn tích "bàn tay Midas" từ Thần thoại Hy Lạp (cái chạm của vua Midas hóa mọi thứ thành vàng, song vì vậy mà mọi thứ đều trở nên vông dụng), ý thơ đã gợi mở rằng: sau khi chia tay, chàng trai chẳng thể sử dụng chiếc xe được nữa (chiếc xe đã bị hóa "vàng", đã vô dụng rồi), bởi lẽ chiếc xe ấy chất chứa quá nhiều kỷ niệm của cả hai khi yêu nhau. "Vàng" ở đây đã chuyển nghĩa thành "nỗi nhớ". Cái chạm Midas đã bao trùm chiếc xe trong nỗi nhớ, gắn chặt con người vào những kỷ niệm khôn nguôi. Hình ảnh bàn tay Midas ấy còn mang một nét nghĩa khác: điệu-thơ diễn tả một tình yêu đẹp, nhưng buồn. Nó là "vàng" nên đẹp, và cũng vì là "vàng" nên chỉ có thể ngắm nhìn như một món đồ để phô diễn, chứ chẳng đi tới đâu.
📍 Câu "thơ" trên là hiện tại, câu "thơ" dưới lại là quá khứ. "Flush" chỉ da mặt lúc ửng hồng lên, có thể là vì cái lạnh mùa đông, vì tháng 11 "november". "Flannel cure" là một thành ngữ dân gian, thể hiện niềm tin rằng áo vải dạ (flannel) có thể chữa bệnh cảm lạnh (cure). Cả câu thơ mang nghĩa ám chỉ chàng trai chính là hơi ấm, giúp đỡ và an ủi cho cô gái trong những lúc lạnh lẽo nhất (ở nghĩa thực), trong những lúc khó khăn và tuyệt vọng nhất (ở lớp nghĩa hàm ẩn) của cuộc đời. Sự xô đẩy giữa quá khứ và hiện tại, giữa tình yêu thương của chàng trai và sự chia ly đầy đau buồn dường như ám chỉ một điều gì: rằng chính cô gái mới là nguyên nhân của sự chia tay. Điều này cũng trùng hợp với nhan đề bài "thơ" - "champagne problems" (được hiểu là: "những vấn đề quái gở của em"), và cái cách mà "em", nhân vật "I" tự nhận mình "điên": trong lời người khác:
she would've made such a lovely bride
what a shame she's fucked in the head
(cô ấy đã có thể là một cô dâu đáng yêu
nhưng tiếc là
cô ấy tâm thần)
trong lời "tự thừa nhận" của chính mình:
"this dorm was once a madhouse"
I made a joke, "well, it's made for me"
("nơi này từng là nhà thương điên"
em đùa rằng
"nó dành cho em đấy")
📍 Và một lần nữa, điều đó được khẳng định ở phần kế tiếp:
one for the money, two for the show
I never was ready, so I watch you go
("1, 2, chuẩn bị!"
nhưng vì em chưa bao giờ sẵn sàng
nên đành nhìn anh ra đi)
Từ nguyên mẫu là bài đồng dao của trẻ em Mỹ "One for the money, two for the show, three to make ready and four to go", Swift đã tách vế "three to make ready and four to go" ("ba là sẵn sàng và bốn là đi") thành "I never was ready, so I watch you go" (nhưng vì em chưa bao giờ sẵn sàng/ nên đành nhìn anh ra đi). "Money", "show" đã đủ. Lý do là vì "em". Vì em chưa sẵn sàng, chỉ còn em cô độc với "champagne problems" của mình, với những vấn đề quái gở của bản thân. Vẫn "go" (đi), nhưng thay vì "our" (chúng ta), giờ chỉ còn "you" (anh). Có lẽ vì thế, dù một cách không mấy liên quan, nên ở phần trên, chính "em" cũng hát rằng:
how evergreen, our group of friends
don't think we'll say that word again
(tưởng mãi mãi, hội bạn chúng mình
nhưng chữ "chúng mình"
khó mà trở lại)
Ý "thơ" diễn tả một nét nghĩa buồn khi mà cả hai chia tay thì hội bạn chung cũng không còn nữa. Chỉ còn là bạn của anh hoặc em, không thể là của chung của đôi ta nữa. Vì vậy không còn có thể nói chữ "our", "our" chỉ hội bạn. Và từ này, ở một lớp nghĩa nào đó, cũng ám chỉ mối quan hệ của cả hai. Cả bài "thơ" là một lời tự thú của nhân vật trữ tình, tự nhận mình chính là nguyên nhân của mọi sự đổ vỡ.
📍 Note: Tất cả lời dịch nghĩa, lời dịch thơ đều do "đi lang thang về miền đơn độc" dịch. Thuộc về bản quyền của 1% Văn Chương.
📍 Tài liệu tham khảo:
1. Bài báo "Khi lời ca đẹp tựa văn chương", Huyền Trang.
2. Tiểu luận "Tại sao Taylor Swift là một nhà thơ?", Jonathan Bate.
3, Mượn cách hiểu của @huetr309.
-----///-----
🪶 Chắp bút: đi lang thang về miền đơn độc
🖌 Điểm màu: Huyền
-----///-----
Thông tin liên hệ:
☀️ Email: [email protected]
☀️ Instagram: @1ptvanchuong
CRE F: 1% Văn Chương
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top