🍊Mùa xuân nho nhỏ - Xứ Huế thân thương
Mùa xuân đã trở thành đề tài bất tận trong dòng chảy thi ca Việt. Có biết bao bài thơ và ca khúc đã ca ngợi mùa xuân của đất trời, mùa xuân của tuổi trẻ với niềm lạc quan hy vọng cùng tình yêu rạo rực nồng nàn. Thế nhưng ít ai biết rằng, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” nổi tiếng được nhà thơ Thanh Hải viết vào một ngày mùa đông bên giường bệnh, trước lúc qua đời không lâu.
Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, quê ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nói về Thanh Hải, nhạc sĩ Dân Huyền nhận xét “thơ Thanh Hải bình dị như cuộc đời của ông, một người chiến sĩ kiên trung với cách mạng”. Đối với nền thơ chống Mỹ của miền Nam, Thanh Hải là một trong những cây bút có nhiều đóng góp.
Trong suốt cuộc đời mình, Thanh Hải có tổng 5 tập thơ, trong đó tập “Mùa xuân nho nhỏ” và bài thơ cùng tên chính là tiêu biểu cho sự nghiệp thơ càng về sau càng chín muồi của ông.
Như chính tên gọi của mình,“Mùa xuân nho nhỏ” là bức tranh mùa xuân đang về với xứ Huế thân thương. Bài thơ ra đời vào tháng 11 năm 1980 khi Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh. Mùa xuân lúc này không chỉ là cảnh vật xung quanh mà còn là mùa xuân tràn đầy nhựa sống trong tim Thanh Hải. Bức tranh xuân hoàn toàn được nhà thơ vẽ ra từ những trang ký ức của mình. Dù phải chống chọi với bệnh tật, nhà thơ vẫn dành trọn những giây phút sau cùng của cuộc đời để sống hết mình với nghệ thuật, để gửi gắm niềm thiết tha tận hiến vào trang thơ.
🌿Hình ảnh mùa xuân trong nỗi nhớ
Nằm trên giường bệnh vào một ngày mùa đông nhưng mùa xuân trong Thanh Hải vẫn căng tràn nhựa sống:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”
Mùa xuân về trên quê hương được tác giả cảm nhận không chỉ bằng trái tim bên trong mà còn qua cảm quan đa giác quan bên ngoài. Trên dòng sông ấy chỉ có duy nhất một bông hoa, nhưng bức tranh thiên nhiên ấy không hề tạo cho cho người ta cảm giác cô độc, mà ngược lại, là cảm giác nhựa sống đang chờ được tuôn trào nhờ hai gam màu “xanh” và “tím biếc” tương hỗ cho nhau. Bút pháp chấm phá cùng điểm nhìn vào một bông hoa nhỏ bé đã tạo điểm nhấn cho bức tranh xuân ngời.
Cách dùng chữ “biếc” của tác giả cũng thật sáng tạo làm sao! Bởi, người ta hay nói “xanh biếc” chứ đã ai nói “tím biếc” bao giờ. “Tím biếc” là sắc tím đầm thắm, dịu dàng, tựa hồ là nàng tiên từ đâu đó giáng xuống trần gian. Để làm nên sức sống mãnh liệt ấy, động từ “mọc” đã được đảo lên đầu câu khiến sức sống căng tràn của bông hoa bỗng bật lên trên dòng sông xanh.
Trong cái tĩnh của bức tranh mà xuân, tiếng chim hót đã phá vỡ sự im lặng vốn có, đặc biệt là khi con chim ấy hót “vang trời”. Trước cảnh thiên nhiên đầy sức sống ấy, chính con người cũng chẳng kiềm nổi cảm xúc của mình:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Mùa xuân được Thanh Hải cảm nhận không chỉ qua đường nét mà còn là âm thanh. Hình ảnh “giọt long lanh” thật giàu tính tạo hình. Hai chữ “long lanh” làm người ta liên tưởng đến là điều gì đó trong veo lắm, trân quý lắm. Nhưng “giọt long lanh” lại là giọt gì? “Giọt long lanh” có lẽ là giọt mưa xuân hay giọt sương sớm rơi xuống khe khẽ lên tiếng. Hoặc “giọt long lanh” ấy có lẽ là tiếng “chim chiền chiện” hót “vang trời” kết tinh lại thành giọt trong vắt. Nghĩa là tiếng chim ấy không hề biến mất, mà ngược lại, nó tồn tại trong không gian, tồn tại trong nỗi nhớ chơi vơi.
Nếu quả thật như vậy, nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã được Thanh Hải sử dụng rất tài tình khi tiếng chim từ chỗ được cảm nhận bằng thính giác rồi sang thị giác và cuối cùng là được cảm nhận bằng xúc giác một cách đầy trang trọng “hứng”. Bằng sự kết hợp đa giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác), bức tranh thiên nhiên mùa xuân đã được Thanh Hải khắc họa đầy sức sống, hình ảnh. Qua đó ta thấy được sự say xưa, ngây ngất của tác giả trước thiên nhiên, trước đất trời hay chính là niềm yêu đời tha thiết của Thanh Hải. Bởi nếu không yêu đời, con người ta sẽ khó lòng thấy cuộc đời tươi đẹp, càng không thể nhớ đến mùa xuân trong quá khứ.
🌿Mùa xuân đất nước theo bước chân người
Từ mùa xuân của đất trời, cảm xúc thơ chuyển sang mùa xuân của con người một cách rất tự nhiên:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
Mùa xuân được Thanh Hải cảm nhận qua hai hình ảnh sóng đôi là “người cầm súng” và “người ra đồng”. Họ cũng chính là hai hình tượng đại diện cho công cuộc xây dựng, sản xuất và chiến đấu của đất nước. Cách cảm nhận này rất phù hợp ở vị trí của Thanh Hải, bởi không chỉ là một nhà thơ, mà ông đã từng là một chiến sĩ.
“Lộc” là hình ảnh khởi đầu của mùa xuân, là sự sinh sôi, nảy nở, là sức sống mãnh liệt đang vươn lên. Điệp từ “mùa xuân” và “lộc” kết hợp với động từ “giắt đầy”, “trải dài” thể hiện một mùa xuân bất tận, dài lâu.
Nếu hình ảnh “lộc giắt đầy trên lưng” là sự tả thực đầy cảm xúc với những chồi non đang trên vai các anh bộ đội, cùng các anh trên hành trình bảo vệ Tổ quốc thì hình ảnh “lộc trải dài nương mạ” lại gợi nên những cánh đồng lúa bất tận về một mùa xuân khi đất nước ấm no, đủ đầy. Hai hình ảnh sóng đôi cho ta hiểu rằng hậu phương và tiền tuyến luôn đi cùng với nhau, cùng nhau tạo nên mùa xuân của đất nước, để rồi cuối cùng, ông đưa ra lời kết luận mang tính khái quát hóa sâu sắc:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Nếu ở trên, ta có riêng “người cầm súng” và “người ra đồng” thì giờ đây những vai trò, vị trí ấy đã được khái quát thành “tất cả”, nghĩa là có cả hậu phương, có cả tiền tuyến, khối đoàn kết dân tộc như được dính kết thêm. Nếu “hối hả” gợi trạng thái khẩn trương, gấp gáp thì “xôn xao” lại tạo nên thanh âm náo nhiệt nên có cỏ mùa xuân. Hai cặp từ láy ấy kết hợp với nhau khiến nhịp thơ trở nên nhanh, gấp, gợi một nhịp sống sôi động, vui tươi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trước mùa xuân của lòng người, nhà thơ đã bày tỏ lòng tự hào và niềm tin vào tương lai đất nước:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Điệp từ “đất nước” và hệ thống cấu trúc song hành đã diễn tả sự vận động liên tục của đất nước từ trong lịch sử đến bây giờ. Cặp tính từ “vất vả” và “gian lao” khái quát hóa bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Bởi đất nước nào có ở đâu xa, đất nước hiện hình trong những điều bình dị nhất. Đất nước là lời ầu ơ mẹ ru, là tiếng nói người mình vẫn hay nói. Đất nước còn là những “vất vả và gian lao” mà bốn ngàn lớp người đã nằm xuống để gìn giữ.
Hình ảnh “đất nước như vì sao” là sự so sánh vô cùng đắt giá. Ngôi sao là nguồn sáng lấp lánh, tồn hại vĩnh hằng trong cả hai cõi không thời gian, ngôi sao còn gợi liên tưởng đến lá cờ đỏ sao vàng với biết bao kiêu hãnh và tự hào. Chỉ với một từ “cứ”, Thanh Hải đã thể hiện được niềm tin về một tương lai tươi sáng, khi mà đất nước mình “đi lên phía trước”.
🌿Ước nguyện tận hiến khiêm nhường mà cao cả
Trong cảm xúc ngất ngây của mùa xuân, tác giả đã bày tỏ ước nguyện được cống hiến cho đời:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Bằng cách thay đổi đại từ từ “tôi” sang “ta”, Thanh Hải đã bộc lộ trực tiếp ước nguyện của mình. Bên cạnh đó, việc thay đổi đại từ cũng giúp cái “tôi” riêng hòa vào cái “ta” chung của đất nước.
Điệp cấu trúc ngữ pháp “Ta làm”, “Ta nhập” được đặt ở đầu câu giúp cho nhịp thơ trở nên nhẹ nhàng, giọng thơ thành lời tâm tình thủ thỉ. Hệ thống hình ảnh “con chim hót”, “cành hoa”, “nốt trầm” có sự hô ứng với hình ảnh “bông hoa tím biếc”, “chim chiền chiện”, “hót vang trời” ở khổ thơ mở đầu để khẳng định một lẽ tự nhiên, tất yếu: con chim thì phải hót, bông hoa thì phải khoe sắc và một bản nhạc dù hay cũng không thể thiếu một nốt trầm, đặc biệt là khi nốt trầm đó lại “xao xuyến”, tức là nó đủ để làm động lòng người nghe. Qua đó, ta thấy ước nguyện bình dị nhưng hết sức nhân văn của Thanh Hải: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu).
Tác giả đã nâng khát vọng sống ấy trở thành một lý tưởng:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Những năm tháng cuối đời, tác giả chỉ mong được trở thành một “mùa xuân nho nhỏ”, đó là một mùa xuân cụ thể, nhưng cũng là một mùa xuân bé nhỏ trong bốn ngàn mùa xuân của đất nước. Phép điệp cấu trúc “dù là” kết hợp với hình ảnh “hai mươi”, “tóc bạc” giúp cho lời thơ như một lời hứa, lời tự nhủ, cũng là lời tự dặn dò. Đó cũng chính là sự tự tổng kết của nhà thơ về cuộc đời mình, đã đóng góp cho sự nghiệp thơ ca nước nhà cả một đời. Nhắc đến đây, người ta dễ nhớ đến đoạn trích “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Trong dòng chảy lịch sử bốn ngàn năm dân tộc, những con người đã, đang, và sẽ sống như cha ông đời trước, chúng ta bây giờ, thế hệ mai sau, chúng ta sẽ sống, sẽ chết, nhưng không ai khác, chính chúng ta là người tạo ra đất nước bằng tình yêu, tình thương, bằng sự cống hiến cho cuộc đời, mỗi con người chúng ta đều là “một mùa xuân nho nhỏ / lặng lẽ dâng cho đời” mà tác giả đã nhắc đến. Đây là điều tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước lúc đi xa.
🌿Lời ru cho người an giấc nghìn thu
Cảm xúc chân thành không chỉ dừng lại ở khát vọng sống, khát vọng cống hiến mà còn được tác giả thể hiện qua khúc hát quê hương:
“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Đoạn thơ mở đầu với câu hát ngân nga “Mùa xuân ta xin hát”. Những điệu buồn thương của khúc Nam ai, êm ái của khúc Nam bình, hòa cùng với “nhịp phách tiền” tạo nên một bầu không khí, một âm vang rất Huế – điều đã ăn sâu vào mạch máu Thanh Hải để rồi khơi dòng cảm xúc để ông viết nên bài thơ này.
Mùa xuân trong bài thơ được miêu tả sống động như thật vì đây là bức tranh được vẽ từ nỗi nhớ, từ tình cảm của chính tác giả. “Mùa xuân nho nhỏ” ra đời khi Thanh Hải đang chiến đấu từng ngày trên giường bệnh, sau đó mấy tuần thì ông đã đi xa. Mùa đông xứ Huế năm 1980 vì có bài thơ này nên đã trở thành mùa xuân, xuân trong lòng người. Nghệ sĩ Thanh Tâm, người bạn đời của nhà thơ, trong đám tang chồng đã trình bày tác phẩm “Bài thơ về nỗi nhớ” để tưởng nhớ ông:
“Một giọng ca Nam bình em xin trao gửi
Với tất cả tình riêng em luôn đợi anh về”
Nhắc đến những ngày cuối đời của chồng, bà Thanh Tâm kể, kể cả khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn không quên được thơ. Năm 1981, bài thơ được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc. Bài hát được ra mắt công chúng lần đầu trên sóng phát thanh với sự thể hiện của ca sĩ Kim Ngân. Bài hát ban đầu được nhạc sĩ phổ nhạc với mong muốn hát cho Thanh Hải nghe, nhưng cuối cùng, đây lại trở thành bài nhạc để Trần Hoàn đưa tiễn bạn an giấc ngàn thu.
Xuyên suốt bài thơ là bài ca yêu đời không dứt, là khát vọng được cống hiến không thôi. Nhà thơ Thanh Hải thật sự đã sống một cuộc đời thơ rực rỡ và góp phần làm nên một mùa xuân của thi ca nước nhà.
CRE F: Hơn một bài văn
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top