Văn Học Phật Giáo
GIỚI HẠN CỦA VĂN HỌC PHẬT GIÁO
Ý nghĩ đầu tiên của một người vừa bước đến văn học Phật giáo, tất nhiên sẽ coi đây chỉ là một nền văn học tôn giáo không hơn không kém, trong tính cách "văn dĩ tải đạo" của nó. Đối với ý nghĩ bàng quan này, một nền văn học như vậy chỉ có nội dung là đủ, còn hình thức diễn đạt chỉ là vấn đề phụ thuộc…; rượu ngon không hệ trọng ở bình chứa. Sự kết cấu của văn học không hệ trọng bằng chân lý tôn giáo đã có sẵn: chân lý thành kiến. Bởi vì chỉ có nội dung, hình thức không cần thiết lắm, do đó, chân lý của tôn giáo sẽ tùy nghi được phô diễn bằng cách vay mượn bất cứ thể tài văn học nào đã được thông dụng. Người ta sẽ không đòi hỏi tác giả phải có một phong cách độc đáo trong đường lối phô diễn; y khỏi phải nỗ lực vận dụng mọi khả năng sáng tạo đến mức tuyệt động, vốn là giá trị đặc sắc của một tác giả văn học - thuần túy. Như vậy, một khi nội dung của kinh nghiệm tôn giáo càng được nới rộng, thể tài văn học càng bị thu hẹp lại. Cho đến một lúc nào đó, lúc mà kinh nghiệm tôn giáo được mở rộng đến vô hạn và tận cùng trong tuyệt đối bất khả tri, người ta bị bắt buộc phải khước từ mọi phương tiện diễn đạt qua các thể tài văn học. Đây là một song quan luận của phương tiện (văn học) và cứu cánh (tôn giáo). Khai triển phương tiện đến tận cùng thì cứu cánh sẽ vắng bặt. Ngược lại, nếu tiến đến chỗ tuyệt đối cứu cánh, phương tiện sẽ hết còn là phương tiện. Nói cách khác, hình như cứu cánh tôn giáo, với những chân lý thành kiến của nó, lúc nào cũng sẵn sàng phản bội mọi tính cách sáng tạo của văn học. Văn học không phải là phương tiện của bất cứ một chân lý cứu cánh nào, thành kiến hay không thành kiến, dù là chân lý về sự sống và cuộc đời; vấn đề sẽ mở sang một chiều hướng khác: đâu là phương tiện, và đâu là cứu cánh của văn học?
Ở đây, chúng ta có hai lãnh vực mà sự diễn đạt của văn học có thể vươn tới. Trước hết, là hai trích dẫn điển hình, thường được nhắc nhở rất nhiều:
Thứ nhất, kinh Tương ưng bộ (Samyutta – Nikàya): "Thánh nhân không tranh luận với thế gian. Những gì kẻ trí trong thế gian nói là không, ngài cũng nói là không. Những gì kẻ trí trong thế gian nói là có, ngài cũng nói là có".
Trong trích dẫn này, mọi diễn tả của ngôn ngữ không được phép vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm. Chân lý chỉ tuyệt đối ở tự thân của nó, nhưng là tương đối ở lãnh vực diễn đạt của ngôn ngữ. Vì vậy, các tác giả của Phật học có thói quen mở đầu tác phẩm của mình bằng một thái độ khiêm tốn: những gì họ sẽ trình bày không liên hệ đến tự thân của chân lý mà họ muốn hướng đến. người ta không thể nhầm lẫn giữa ngón tay và mặt trăng. Dĩ nhiên, ngôn ngữ ở đây tác động trong những tâm trí bình thường. Hậu quả của nó sẽ là khuôn mẫu để phân tích và phân loại các sự thực của kinh nghiệm. Tức là ngôn ngữ của triết lý.
Thứ hai, kinh Bát nhã (Prajnàpàmità-sùtra): "Bất hoại giả danh nhi thuyết thật nghĩa". Giả danh, tức biểu tượng và danh ngôn trong tính cách ước lệ của chúng. Những thứ này không liên hệ đến chân lý tuyệt đối, tức thật nghĩa. Do đó, muốn đạt đến chân lý tuyệt đối này, phải vượt qua mọi khả năng của ngôn ngữ và biểu tượng, như người ta cần lìa bỏ tầm mắt khỏi ngón tay để nhìn thẳng vào mặt trăng. Tuy nhiên, trích dẫn của chúng ta nói: ngay nơi biểu tượng và ngôn ngữ mà thể nhận chính bản thân của sự thật. Và đây chính là lý tưởng của văn học Đại thừa. Bởi vì, theo lý tưởng này, vắn tắt, không phải do người nói đã nói ra như vậy, rồi người nghe theo đó mà nghe như vậy và sự thực được phô diễn như vậy nên có ý nghĩa như vậy; nhưng, chính sự thật là như vậy. Những vị đã từng làm quen với văn học Bát nhã sẽ không lấy làm thắc mắc quá đáng về lề lối diễn tả như vậy. Theo tinh thần này mà nói, cái cảm hứng đưa đến sự thành hình của một tác phẩm, bất kể dưới cách thức phô diễn nào, phải là một cảm hứng toàn diện, trong đó không có giới hạn phân biệt giữa một nhãn quan - một ý tưởng - cần được phô diễn và hình thức phô diễn. Tất cả, từ tác giả cho đến độc giả, phải được đặt trong mối tương quan vô phân biệt, như sự phản chiếu giữa các mặt kính đối diện nhau, phản chiếu trong một thế giới trùng trùng vô tận.
Vì vậy, kinh điển Bát nhã thường chọn những vị chưa chứng ngộ chân lý về tánh Không mà lại có tư cách giảng thuyết về tánh Không. Tất nhiên, trong trường hợp này người ta phải hiểu rằng tánh Không tự phô diễn lấy chính nó, mà người giảng thuyết, sự thực được giảng thuyết, cho đến người nghe, tất cả chỉ như là ráng nắng, mộng ảo, huyễn hóa… Từ đây gợi lên cho chúng ta ý tưởng rằng, một tác phẩm, dù là luận thuật tư tưởng hay văn học thuần túy, không thể nào vượt qua khỏi giới hạn của ngôn ngữ. Nhưng, chính cái cảm hứng bàng bạc từ đầu đến cuối tác phẩm mới tạo cho nó một kích thước rộng rãi, một sức hàm chứa vô biên. Lẽ cố nhiên, cảm hứng thì không thể bị điều động bởi bất cứ ý tưởng nào, mà bộc phát với một thế giới kỳ diệu đột nhiên xuất hiện. Một cách khác, chúng ta nói rằng, tất cả các tác phẩm của văn học Phật giáo đều cố gắng cắm sâu gốc rễ vào tánh Không. Rồi sau đó, vươn mình khỏi lòng đất với tàn lá sầm uất của một thế giới trong trùng trùng vô tận.
Trong ý nghĩa vừa nói, một tác phẩm xứng đáng với một kích thước rộng lớn, nó phải khởi lên từ cảm hứng của thực tại; vì rằng, ngay qua đó, người ta sẽ thấy một cách như thực đâu là tiếng nói của thực tại và đâu là tiếng nói của lòng người: thực tại tức là lòng người. Và cũng từ đó, người ta sẽ tìm thấy đâu là khát vọng sâu xa đang ẩn kín trong lòng người. Một tác phẩm mà không đủ sức chấn động lòng người để mở ra một thế giới như vậy không thể xứng danh là một tác phẩm văn học. Bởi vì, một tác phẩm tường thuật, về triết lý v.v…, chỉ cần ý tưởng, cần nội dung súc tích là đủ; những gì đáng nói đã được nói hết. Hình thức phô diễn chỉ là phương tiện tùy cơ duyên mà thôi. Nhưng một tác phẩm văn học phải đặt hết tâm tình và cảm xúc ngay ở hình thức phô diễn; và đây không phải là tâm tình và xúc cảm được khơi dậy bởi một chân lý thành kiến nào đó. Như vậy ngay nơi tác phẩm văn học, không phân biệt giữa nội dung và hình thức, mà ngay nơi tính cách phô diễn đương trường của nó, là cả một thế giới sống thực triền miên. Y như Phật quả Viên Ngộ Thiền sư (Bích nham lục); "Ẩn mật toàn chân, đương đầu thủ chứng". Đấy chính là khởi điểm và cũng chính là đích điểm của văn học Đại thừa Phật giáo.
Quan điểm của chúng ta sẽ được tóm tắt như sau:
1. Sơ khởi văn học Phật giáo không từ chối vai trò "truyền đạo" của nó. Tức là, chân lý của tôn giáo này, tùy trường hợp, được phô diễn tự do trong mọi thể tài văn học, và coi văn học chỉ như một phương tiện, thứ yếu, không quan trọng cho bằng nội dung.
2. Nhưng, chân lý ở đây mang tính cách nội tại và cá biệt nơi mỗi người, do đó, sự phô diễn của nó cũng bắt đầu như sự bắt đầu của một tác phẩm văn học, nghĩa là, khởi đi từ cảm hứng bột phát trước một thế giới của kinh nghiệm tâm linh.
3. Trên khía cạnh tôn giáo, chân lý được chứng ngộ là phản ảnh của một thế giới sống động. Trên phương diện diễn đạt của văn học là cảm hứng tự phát của một tình tự cá biệt. Do đó, lấy tánh Không làm chất, lấy thế giới trùng trùng vô tận làm văn. Văn và chất phản chiếu lẫn nhau tạo thành thề giới toàn diện của văn học Phật giáo.
Như vậy, chúng ta có thể nhớ lại phát ngôn của Tăng Triệu (Tựa kinh Duy ma cật)
Thánh trí vô tri nhi vạn phẩm cu chiếu
Pháp thân vô tượng nhi thù hình tịnh ứng
Chi vận vô ngôn nhi huyền tịch di bố
Minh quyền vô mưu nhi động dữ sự hội
Hoặc giả, của Ngạn Hòa Thích Huệ Địa: (Văn tâm điêu long).
Tịch nhiên ngưng lụ, tứ tiếp thiên tải
Tiểu yên động dung, thị thông vạn lý
Vân… vân…
II. KHỞI ĐIỂM CỦA VĂN HỌC PHẬT GIÁO: CẢM HỨNG TỪ ĐỜI SỐNG CÁ BIỆT:
Đời sống cá biệt là hình ảnh nổi bật nhất trong các kinh điển của Nguyên thủy Phật giáo. Đó là hình ảnh lẻ loi của tăng lữ tại các núi rừng, bởi vì, luôn luôn, "một vị tỳ khưu hãy đi cô đơn như con tê giác". Chế độ tăng lữ nguyên thủy không cho phép một thầy tỳ khưu sống giữa đám đông, giữa các thành phố rộn rịp, và chứa đựng tư hữu. Họ không sống quá xa làng mạc, nhưng cũng không quá gần gũi. Tư hữu chỉ gồm một ít vật dụng cần thiết: ba chiếc y, một bình bát, một đảy lọc nước, một khăn ngồi, một dao cạo, và kim chỉ. Trừ những trường hợp khẩn thiết, họ không định cư ở đâu hết; và hình ảnh của đức Phật được mô tả là: Một bình bát với cơm ăn của thiên hạ. Một mình lẻ bóng lang thang trên khắp mọi nẻo đường. Một mục đích duy nhất của đời sống là giải quyết vấn đề sống chết. Một sứ mệnh duy nhất là cởi bỏ mọi ràng buộc cho chúng sinh:
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sinh tử sự
Giải thoát độ quần mê.
Hình ảnh này là nguồn cảm hứng bất tận của văn học Phật giáo nguyên thủy. Và cả nơi Đại thừa, nhưng với cường độ khốc liệt và cực đoan hơn: "Nhất thiết vô úy nhân, nhất đạo xuất sinh tử"; tất cả các bậc Vô úy, không còn sợ hãi, chỉ có một con đường độc nhất phải đi là qua bên kia bờ của sự sống và sự chết. Qua bên kia bờ là chứng ngộ tính tịch diệt của Niết bàn, nơi đây chính là thế giới của cô liêu tuyệt đối. Thực sự, lối diễn tả rầm rộ của văn học Đại thừa sau này, với thế giới quan trùng trùng vô tận, với khả năng được nói là biện tài vô ngại, tất cả chỉ làm cho hình ảnh cô liêu của đức Phật càng tuyệt đối khốc liệt. Kinh Pháp hoa (Saddharma – Pundarika), một tác phẩm quan trọng của Đại thừa, là một thí dụ điển hình cho chúng ta. Đức Phật xuất hiện giữa thế gian như sư tử giữa đám thú rừng, không sợ hãi gì hết. Nhưng cũng cô đơn như người cha già cả sống giữa đám tùy tùng, chỉ mong đợi duy nhất ngày trở về của đứa con hoang. Khi hội diện, lại còn phải dùng bao nhiêu phương tiện, phải chờ đợi biết bao nhiêu cơ duyên, đứa con hoang mới nhận ra đây quả thực là cha già của nó.
Theo hình ảnh lý tưởng đó, một vị tỳ khưu, trước khi thể hiện được chân lý tuyệt đối của sự sống, đã phải nỗ lực cho một cuộc đời "lẻ bóng": "Người ngồi một mình, nằm một mình, đi đứng một mình không buồn chán; người ấy ưa tìm sự vui thú trong chốn rừng sâu". (Dhammapada, 306). Đây là một lối diễn tả, về đời sống cô liêu, độc đáo nhất trong văn học Phật giáo nguyên thủy.
Rồi ra, hương vị của chánh pháp là gì? Chính là sự cô liêu ấy. Chánh pháp là dòng suối mát và ngọt của sự sống, rửa sạch tất cả những uế trược của cuộc đời. Bởi vậy, một tâm hồn khi đã chứng nhập chánh pháp, cũng trong và mát như dòng suối ngọt ấy. Kinh Pháp cú (Dhammapada) có câu: "Ai đã từng nếm mùi vị cô liêu, người ấy càng ưa nếm hương vị của chánh pháp." Bởi vì, Chánh pháp là Niết bàn tịch tĩnh. Trong nguồn cảm hứng này, mọi luận biện về Niết bàn, rằng đây là hư vô, đây là bất tử, đây là vân vân, thảy đều không quan hệ. Mà vắn tắt, có thể nói, Niết bàn là gì? Là cõi miền trầm lặng sâu xa, nơi đó vắng bặt mọi uế trược và mọi náo động tạp loạn, mọi tranh chấp thế tục của sự sống. Cố nhiên, đây là hình ảnh Niết bàn tịch tĩnh hay tịch diệt trong nguồn cảm hứng văn học chứ không thể trong suy tư triết lý. Và như vậy, cùng một đoạn trong kinh Pháp cú: "Như một hồ nước sâu, trong suốt và yên lặng; kẻ có trí sau khi nghe Pháp thì cũng trầm lặng sâu xa như vậy." Sự trầm lặng này, nếu không phải là khí vị hiu hắt của cô liêu, thì là gì? Thế là, cô đơn trong hành đạo, những người theo đạo Phật trước kia, như một con tê giác, một mình lẻ bóng giữa cuộc đời trên một con đường cô đơn từ đầu đến cuối. Bàng Uẩn, một tục gia đệ tử của Thiền tông Trung hoa, thời nhà Đường, đặt câu hỏi: "Ai là kẻ trơ trọi không cùng Vạn Pháp làm bạn lữ?"
Trong cuộc đời ấy, cô đơn là người bạn. Nhưng, đồng thời nó lại là một kẻ thù sinh tử. Làm thế nào để chịu đựng đời sống cô liêu giữa núi rừng hoang dại? Câu hỏi này được đặt ra bởi một người Bà la môn tên Janussoni. Phật trả lời rằng: "Tất cả những ẩn sĩ, với những hành vi của thân, miệng và ý mà không trong sạch, khi họ sống trong sự cô liêu của núi rừng, vì các hành vi bất tịnh của họ, khiến họ nổi lên sợ hãi, run rẩy khôn cùng. Còn Tôi, mà các hành vi thảy đều trong sạch, tôi sống trong sự cô liêu của núi rừng. Nếu có những bậc Thánh mà các hành vi thảy đều trong sạch, sống trong sự cô liêu của núi rừng, Tôi là một trong những vị đó. Này, Bà la môn, khi tôi sống đời sống trong sạch của các hành vi của tôi thì hương vị của đời sống cô liêu thâm nhập trong tôi."
Vậy ra, đời sống cô liêu không chỉ là con đường hành đạo, mà còn là kết quả của những hành vi đã rủ sạch mọi bất tịnh.
Chúng ta thấy rõ, phần lớn của nền văn học Phật giáo nguyên thủy bàng bạc những hình ảnh của đời sống cô liêu. Tuy nhiên, chủ đích không phải là trình bày một thứ cá nhân chủ nghĩa nào đó, mà đời sống của Tăng lữ phải rút lui khỏi thế gian, đắm mình trong hư vô chủ nghĩa. Nhưng vì chân lý được nhắc nhở trong các kinh điển nguyên thủy vốn được coi là sở đắc nội tại và cá biệt. "Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là nơi nương tựa cho chính mình", đây là lời dạy cuối cùng của đức Phật, được ghi lại trong kinh Đại bát Niết bàn. Chúng ta có thể trích dẫn dài hơn một chút: kinh chép, khi A nan xin Phật để lại những lời dạy dỗ cuối cùng, Phật trả lời: "Này A nan da, Như lai không nghĩ rằng: "Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo", hay "chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta", thời, này A nan da, làm sao Như lai có lời di giáo cho chúng Tì kheo… Vậy nên này A nan da, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác."
Văn học nguyên thủy hay Tiểu thừa không chỉ dừng lại nơi đây. Mặc dù, đây là thời kỳ mà đời sống của Phật giáo duy nhất là đời sống hành đạo của tăng lữ; tất cả mọi nỗ lực đều cốt chinh phục khổ não và hệ lụy nhân sinh; giải thoát và Niết bàn là mục đích tối thượng; và đời sống của tục gia đệ tử không liên hệ gì đến Phật pháp, ngoại trừ công việc hộ đạo. Nhưng ở vài nơi, kinh điển nguyên thủy cũng đã dành chỗ cho các sinh hoạt mang tính cách thế tục. Về điểm này, chúng ta phải kể đến trước tiên là văn học Jataka và kế đến là văn học Avadana.
Jataka hay Bản sinh truyện là những mẫu chuyện tiền thân của đức Thích tôn, trải qua nhiều kiếp với những hành vi như một anh hùng hiệp sĩ vĩ đại xuất hiện giữa thế gian, luôn luôn đem cả thân mạng làm lợi ích cho mọi người. Những mẫu chuyện này, ngoài ước vọng giải thoát để làm lợi ích toàn diện cho thế gian của đức Thích tôn, không chứa đựng giáo lý cốt yếu nào hết. Vì ở đây, Bồ tát (Bodhisattva) – một danh hiệu trước khi Thích tôn thành đạo, sống giữa thế gian, làm tất cả những gì mà thế gian cần có không phải vì giải thoát tối thượng, mà vì sự an lành trong cuộc sống bình nhật. Ngài là một mẫu hiệp sĩ cứu khổ phò nguy, giữa quần chúng bình dân, yếu đuối, bất lực dưới mọi bất công.
Đằng khác, văn học Avadana hay Thí dụ, vốn là những mẫu chuyện ngắn mô tả những xấu xa, ngu muội của mọi người trong đời sống bình nhật; cũng không liên hệ nhiều với giáo pháp cốt yếu của đạo Phật.
Đấy là hai nền văn học đặc trưng của Phật giáo trong sinh hoạt nhân gian. Chúng có cùng tính chất với loại văn chương bình dân. Vai trò của chúng không phải là không quan trọng. Bởi vì, trong nguyên thủy, đời sống tăng lữ vốn ở giữa nhân gian, không quá xa, cũng không quá gần; không mang tính chất của sinh hoạt thị thành. Tùy cơ duyên, các tăng lữ sáng tác những mẫu chuyện vừa tầm để nhắc nhở mọi người đời sống hướng thiện.
Đối với những hạng người ít bị sinh kế quẫn bách, kinh điển dành cho họ vai trò hộ đạo tích cực hơn. Đời sống của họ, ngoài bổn phận của một người cha trong gia đình, công dân trong một nước, họ còn có bổn phận hộ trì Chánh pháp, và tìm những cơ duyên thuận tiện để học hỏi Chánh pháp, gieo hạt giống tốt trong Chánh pháp để một khi thời cơ đến họ sẽ hiến mình trọn vẹn cho mục đích tối thượng là giải thoát và Niết bàn.
Đoạn kinh trích dẫn dưới đây cho thấy điều đó. Kinh mô tả cơ duyên theo đạo Phật của ông Cấp Cô Độc (Anathapindika), một phú hộ đương thời Thích tôn tại thế.
Trưởng giả Anathapindika, ở thành Rajagaha (Vương xá), nước Magadha (Ma kiệt đà), một hôm, vào lúc tản sáng, đến thăm một thân nhân. Vị này, thức dậy từ sáng sớm đang bận rộn với các tôi tớ, hình như đang sửa soạn một bữa tiệc gì đó. Anathapindika tự nghĩ: "Trước kia, khi ta thường đến đây, vị gia chủ này gác lại mọi công việc, không làm gì hết, trao đổi những lời chào hỏi với ta. Nhưng nay ông có vẻ bận rộn, đang vui vẻ với các tôi tớ, học thức dậy từ sáng sớm và nấu nướng rất nhiều món. Họ đang làm tiệc cưới chăng? Hay đang sửa soạn một cuộc tế lễ lớn lao gì đây, hay sáng mai họ mời vua Tần-bà-sa-la (Seniya Bimbisara) của nước Magadha, cùng với đoàn tùy tùng của vua?" Rồi ông hỏi vị gia chủ. Vị này đáp
"Không có tiệc cưới, cũng không phải mời vua Seniya Bimbisara và đoàn tùy tùng. Nhưng tôi đang sửa soạn một cuộc lễ lớn để cúng dường chúng tì khưu và Phật"
"Ông nói đức Phật phải không?"
"Đúng thế, tôi nói đức Phật."
Ba lần hỏi, và ba lần trả lời như vậy. Anathapindika muốn gặp đức Phật. Vị gia chủ nói:
"Không phải hôm nay, mà sáng mai."
Rồi Anathapindika tâm niệm đức Phật đến độ ông thức dậy ba lần trong đêm vì tưởng rằng trời tản sáng. Khi ông tới cổng thành để đi đến động Thanh lương, có hàng phi nhân mở cho. Nhưng khi ông ra khỏi thành phố, ánh sáng biến mất và bóng tối hiện ra, thế rồi trong lòng ông nổi lên mối kinh sợ, hãi hùng, khiến ông muốn quay trở lại. Nhưng thần dạ xoa (yakkha) tên là Sivaka, vị thần vô hình, thốt lên lời này:
"Một trăm voi, ngựa hay xe với những con la cái,
Một trăm nghìn thiếu nữ trang sức những hoa tai,
Thảy không bằng phần mười sáu của một bước dài.
Này trưởng giả, hãy bước tới, hãy bước tới.
Hãy nên bước tới, đừng thối lui."
Tức thì, bóng tối biến mất, ánh sáng hiện ra, và nỗi kinh sợ hãi hùng của Anathapindika cũng tiêu tan.
Rồi ông đi tới động Thanh lương và khi đức Thế tôn đang đi lên đi xuống trong hư không, ngài thấy ông, liền bước xuống khỏi nơi ngài đang đi lến đi xuống, ngài gọi Anathapindika:
"Lại đây, Sudatta".
Sudatta là tên riêng của Anathapindika. Ông nghĩ: "Đức Thế tôn gọi chính tên ta", bèn cúi đầu dưới chân đức Thế tôn mong ngài sống an lạc. Đức Thế tôn đáp:
"Đúng vậy, bậc Tịnh hạnh đã đạt đến Niết bàn luôn luôn sống trong an lạc. Ngài không bị nhiểm ô bởi khát ái, không còn sợ hãi, không còn tái sinh. Đã cởi bỏ mọi ràng buộc, xa lìa tâm ái dục,
Ngài sống tịch tĩnh trong an lạc, đã đạt được sự thanh bình của tâm trí".
Rồi đức Thế tôn giảng giải nhiều điều cho trưởng giả Anathapindika; về Thí, về giới, về thiền; ngài cắt nghĩa sự nguy hiểm, sự phù phiếm, sự bại hoại của những vật dục, sự ích lợi khi trừ bỏ chúng. Khi đức Thế tôn biết rằng tâm trí của trưởng giả Anathapindika đã thành thục, nhu nhuận, dứt khỏi những ngăn che, cao diệu, hòa duyệt, ngài mới giảng thuyết cho ông về Pháp (Dharma) mà chư Phật đã tự mình tỏ ngộ: khổ, tập, diệt và đạo. Và cũng như một chiếc áo sạch không có những vết đen, thì sẽ dễ nhuộm, cũng vậy, ngay từ chỗ ngồi này, với Pháp nhãn, không nhiểm ô, đã trổi dậy trong trưởng giả Anathapindika, rằng "Những gì có sinh tất có diệt," Rồi thì, sau khi đã thấy Pháp, chứng Pháp, biết Pháp, thâm nhập Chánh pháp, sau khi đã vượt lên nghi ngờ, dứt trừ sự bất định, tự mình tín thuận giáo huấn của đấng Đạo sư, Anathapindika bạch đức Thế tôn rằng:
"Hay thay, bạch đức Thế tôn. Cũng như một người dựng dậy những gì bị ngả xuống, vén mở những gì bị che đậy, chỉ đường cho kẻ lạc lối, rọi đèn vào chỗ tối tăm để những ai có mắt thì có thể thấy; cũng vậy, Chánh pháp được đức Thế tôn giảng dạy bằng nhiều thí dụ. Bạch đức Thế tôn, nay con xin nương mình theo Thế tôn, nương mình theo Chánh pháp và chúng tỳ kheo. Xin đức Thế tôn nhận con làm đệ tử tại gia từ đây cho đến trọn đời. Và, bạch đức Thế tôn, xin ngài nhận thọ trai tại nhà con vào sáng mai cùng với Chúng Tì khưu." Đức Thế tôn nhận lời im lặng.
Sau đó, Anathapindika mua khu rừng của Thái tử Jeta, thiết lập tinh xá để Phật dừng chân giảng pháp. Đây là một trong những tinh xá lớn nhất và nổi tiếng trong thời đức Thích tôn tại thế, gọi là Kỳ viên hay Kỳ hoàn (Jetavana).
Những hạng người như Anathapindika, tâm trí đủ mở rộng để lãnh hội Chánh pháp. Nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó. Đời sống của họ không được coi là ở giữa lòng Chánh pháp. Thực sự, văn học nguyên thủy phần lớn chỉ dành cho hạng người xuất gia, với lý tưởng khước từ tuyệt đối. Vì Chánh pháp chỉ có thể thực hiện ở những nơi tịch tĩnh của núi rừng. Nhân cách lý tưởng mà nền văn học này mô tả chính là các vị A la hán (Arhat), là đức Như lai. Và chúng ta đã biết, đó là nhân cách của đời sống cô liêu tuyệt đối:
Ta hành đạo không thầy dạy dỗ
Chỉ hành đạo một mình, không bè bạn
Tích chứa một hạnh mà thành Phật
Tự nhiên thấu suốt nẻo thành đạo.
Theo gương đó, ước vọng của những người theo đạo Phật bấy giờ là:
"Như giữa lòng biển sâu không gợn sóng, mà hoàn toàn yên lặng tịch mịch; thầy Tì khưu cũng vậy, hãy trầm lặng, không buông lung dù ở bất cứ đâu."
Như vậy, đủ để chúng ta tóm tắt rằng, từ nguồn suối của đời sống cá biệt vì những gì sở đắc đều cá biệt và nội tại, cảm hứng của văn học Phật giáo nguyên thủy bộc phát:
- Từ nhân cách với đời sống của đức Phật;
- Từ Chánh pháp, tức chân lý cao cả về khổ đau của sự sống và về lẽ tịch tĩnh của Niết bàn.
Trên tất cả là hương vị cô liêu tuyệt đối. Bởi vì, hương vị của Chánh pháp chính là hương vị cô kiêu của sự sống.
III. CẢM HỨNG TRONG VĂN HỌC ĐẠI THỪA
Tư tưởng Đại thừa bắt đầu xuất hiện với nền văn học bát nhã. Nội dung của các kinh điển thuộc văn học Bát nhã đều thuyết minh về ý nghĩa tánh Không. Tư tưởng này là triết lý hành động của lý tưởng Bồ tát đạo.
Trong lý tưởng Bồ tát đạo, có hai ý niệm quan hệ: Đại Trí và Đại Bi (hay Đại Hạnh). Đại Trí chỉ cho khả năng siêu việt soi thấu bản tính của vạn hữu. Đại bi hay Đại hạnh là tác dụng của Trí tuệ siêu việt ấy trong một thế giới quan được mô tả là trùng trùng vô tận. Như vậy, cỗ xe của Bồ tát (Bồ tát thừa) có hai bánh, Trí và Bi, cùng song song vận chuyển (Bi Trí song vận) để đạt đến giải thoát tối thượng.
Bởi vì tác dụng của Trí tuệ là khả năng soi thấu bản tính của hiện hữu, do đó, lấy tánh Không làm nền tảng. Tuy nhiên, trên phương diện luận thuyết triết lý, chúng ta biết rằng tánh Không có hai tác dụng: phá hủy và kiến thiết. Cả hai tác dụng đều qui tâm trên một mối: tương quan hiện hữu hay lý duyên khởi. Hiện hữu do tương quan, do đó hiện hữu không thực tính. Đây là tác dụng phá hủy. Và do không thực tính, nên hiện hữu mới có thể có tương quan để hiện khởi. Đây là tác dụng kiến thiết.
Kinh Lăng già mô tả sự vận dụng Đại Trí và Đại Bi của bậc giác ngộ rằng:
Thế gian ly sinh diệt
Do như hư không hoa
Tri bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm
Nhất thiết pháp như huyễn
Viễn ly ư tâm thức
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm
Viễn ly ư đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm.
Hiện hữu của thế gian như hoa đốm giữa trời, không từng có sinh khởi, không hề có hủy diệt. Tất cả các pháp như huyễn hóa, vượt ngoài mọi tác động của tâm thức; vượt ngoài mọi ý nghĩa thường tồn và gián đoạn, vì rằng như một giấc mộng. Do đó, trong sở đắc của Trí tuệ chân thật, không có ý nghĩa hữu hay vô. Từ Trí tuệ không còn bị ràng buộc ở hữu hay vô đó mà các bậc đã giác ngộ, hay những vị đang đi trên con đường tiến đến sự giác ngộ, phát khởi tâm nguyện Đại bi.
Tri nhân pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô tướng
Nhi hưng Đại bi tâm.
Các ngài thấy và biết rõ rằng mọi hiện hữu đều không có tự tánh, tự thể hay bản thể. Phiền não chướng và sở tri chướng vốn thanh tịnh, vô tướng. Từ bi kiến đó mà các ngài khởi lên tâm nguyện Đại bi.
Nhất thiết vô Niết bàn
Vô hữu Niết bàn Phật
Vô hữu Phật Niết bàn
Viễn ly giác sở giác
Nhược hữu nhược vô hữu
Thị nhị tất câu ly.
Hoàn toàn không có cái gì mệnh danh là Niết bàn. Không có một vị Phật nào chứng nhập Niết bàn, cũng không có Niết bàn mà Phật chứng nhập. Vượt ra ngoài nhân cách giác ngộ và chân lý được giác ngộ. Hữu hay vô hữu, cả hai đều bị vượt qua.
Nói cách khác, trong lý tưởng hành động, trước tiên Bồ tát phải quan sát để thể chứng tánh Không. Tức là, sự xuất hiện của thế gian như hoa đốm giữa trời, bản chất của nó không bị ràng buộc bởi ý nghĩa xuất hiện hay biến mất. Từ sở chứng đó, Trí tuệ không bị ràng buộc giữa hữu hay vô, và chính nơi đây là cứ điểm để Bồ tát thể hiện tâm nguyện Đại bi của mình. Nếu vậy, phải chăng Bồ tát hành đạo giữa thế giới của hư vô, của mộng tưởng? Thế giới này là hư vô, và mộng tưởng, hầu như là một nhãn quan không thể chối cãi, vì đấy là hình ảnh bàng bạc trong các tác phẩm Đại thừa, Kinh Kim cang nói:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điện
Ứng tác như thị quán.
Tất cả mọi hiện hữu do tương quan đều y như là mộng, huyễn, bọt nước, bóng trong sương; như sương mai, như điện chớp.
Làm thế nào để thể hiện tâm nguyện Đại bi trong cái thế giới dẫy đầy tính cách mộng tưởng, không hư như vậy? Nạn vấn này không thể không biết tới. Lối diễn tả trong các kinh điển Bát nhã không nói theo thông lệ. Do đó, sơ khởi, người ta chấp nhận mọi mâu thuẫn nội tại như là lý lẽ đương nhiên. Thí dụ, sinh tức vô sinh, vân vân. Lý luận của tánh Không ban đầu còn theo thông lệ, nhưng đến một lúc, nó trở thành cực đoan không thể tả. Nghĩa là, trước hết, người ta còn có thể vay mượn những gì đã được chứng kiến trong kinh nghiệm thông tục để diễn tả: như ráng nắng, như mộng tưởng, như sao xẹt, như hoa đốm giữa trời... đến kỳ cùng, là Pháp nhĩ như thi: Như vậy là như vậy. Một trong danh hiệu của Phật, Như lai, vốn chỉ cho ý nghĩa này. Luận Đại trí độ nói: "Như pháp tướng mà hiểu. Như pháp tướng mà giảng thuyết. Như con đường an ổn của chư Phật mà đến... nên gọi là Như lai." Nói gọn hơn, Như lai tức là đến như vậy và đi như vậy. Đây mới thiệt là lý tưởng hành động của Bồ tát đạo. Công nghiệp đó sẽ được mô tả như là những dấu chân của con chim trong bầu trời. Bồ tát đến với thế gian cũng vậy. Tất cả mọi công trình đã từng thực hiện và đã để lại cho thế gian chẳng khác nào như sự tích lũy của bao nhiêu dấu chân của cánh chim bay giữa bầu trời. Lối diễn tả này quả thực mang một khí vị văn chương đặc biệt. Theo thuật ngữ, hành động này được mệnh danh là Vô công dụng hạnh: hành động không cần dụng công, ví như hư không. Đây là ý nghĩa: "Như pháp tướng mà hiểu, như pháp tướng mà giảng thuyết".
Ý nghĩa sáng tác (văn học) của Đại thừa cũng theo đó. Kinh Bát nhã nói: "Các đệ tử của Phật làm gì có chuyện giảng thuyết. Tất cả đều do năng lực của Phật. Bởi vì họ y theo những gì Phật đã dạy mà học tập, nhờ đó mà chứng được các pháp tướng. Sau khi đã chứng, tất cả những gì được họ nói ra đều không trái với pháp tướng. Vì chính năng lực của pháp tướng vậy." Đại ý đoạn kinh này nói là sự giảng thuyết của đệ tử Phật không phải do họ muốn bày tỏ một quan điểm nào đó của mình, nhưng đấy là sự bộc phát tự nhiên của những gì mà họ đã chứng đắc.
Bình thường mà nói, đây há không phải là lý tưởng sáng tác của bất cứ một tác giả nào, kể riêng gì các nhà Đại thừa? Một tác phẩm văn học phải xuất hiện từ nguồn cảm hứng chân thành và bộc phát tự nhiên.
Trên đây, chúng ta lấy Tánh Không làm khởi điểm của cảm hứng văn học trong Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, cảm hứng này phần lớn đi vào đường hướng minh giải triết lý, hơn là cảm thức văn chương. Rồi từ nền tảng tánh Không ấy mà mở tầm mắt vào thế giới trùng trùng vô tận, đây mới thật là phong cách văn chương, theo nghĩa thông tục của chữ này.
Trong bất cứ nền văn học nào của Phật giáo, chúng ta có thể thấy rằng, dù khởi sự từ đâu, tất cả mọi nguồn cảm hứng đều qui về nhân cách và đời sống của đức Phật. Đây là điều mà chúng ta không thể quên, khi bước vào thế giới văn học Phật giáo. Nếu ở nguyên thủy, nhân cách của Thích tôn là hình ảnh của một con người, thì tất cả cảm hứng văn học đều khơi nguồn từ lẽ vô thường, từ tính chất mong manh của cuộc sống. Còn ở Đại thừa, đức Phật là một nhân cách siêu việt, do đó cảm hứng văn học cũng được khơi nguồn từ thế giới siêu việt. Tất cả tùy thuộc quan niệm về Phật thân.
Có hai quan niệm chủ yếu về Phật thân: Sanh thân và Pháp thân. Sanh thân chỉ cho thân thể thụ bẩm của cha mẹ. Pháp thân vốn là hiện thân của chân lý. Nơi nguyên thủy, hay cả Tiểu thừa, Pháp bao gồm lý Tứ đế và Niết Bàn. Đích thực, đây là Pháp duyên khởi. Pháp duyên khởi này được đức Phật giảng dạy để đưa đến chỗ chứng nghiệm về những chân lý cao cả của Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cuối cùng là đạt đến giải thoát và Niết bàn. Các nhà Đại thừa sau này mang đến cho Pháp duyên khởi nhiều giải thích mới mẻ. Đặc biệt là triết học về tánh Không của Long Thọ (Nàgàrjuna). Đại khái, nguyên thủy, pháp Duyên khởi có nhiệm vụ giải thích nguồn gốc của sự khổ, để bộc lộ những đặc tính vô thường và vô ngã của sự sống, và từ đó quyết định đường hướng diệt khổ. Nhưng các nhà Đại thừa y cứ trên pháp Duyên khởi để chứng tỏ rằng tự tính của vạn hữu là Không. Tức là, do duyên khởi nên không tự tính. Như vậy, sơ bộ, pháp Duyên khởi chứng tỏ rằng tất cả hiện hữu – nhất thiết pháp – đều là giả ảo, không có bản tính chân thực. Rồi kỳ cùng, không có sự thực nào ngoài giả ảo đó. Do kết quả này, các nhà Đại thừa quả quyết rằng những gì đức Phật nói thảy là chân lý ước lệ, tạm bợ, bởi vì chân lý cứu cánh siêu việt tri kiến và siêu việt ngôn thuyết. Điều đó bắt buộc chúng ta không thể quên thắc mắc này: với danh hiệu Như lai, mà Đại thừa giải thích rằng Pháp Như vậy thì Phật giảng thuyết Như vậy, tại sao sự thực lại không được bao hàm ngay trong tính cách Như vậy đó? Chúng ta có thể tìm thấy một vài giải thích, trực tiếp trong các kinh điển Đại thừa. Thứ nhất, kinh Pháp hoa tuyên bố: "Bản tính của các pháp là vắng bặt mọi dấu vết của tri kiến và ngôn thuyết. Nhưng chính do phương tiện, phát xuất từ Đại bi tâm vô lượng mà đức Phật giảng thuyết những pháp gọi là chân lý cao cả như Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Kỳ thực, chân lý cứu cánh không nằm ở trong đó". Kinh Bát nhã (tiểu phẩm), quyết liệt hơn: Dù có Pháp nào cao cả hơn Niết bàn cũng là Không nốt. Đây là nói về mối tương quan giữa những gì được nói và những gì không thể nói. Tăng Duệ, trong bài tựa viết cho bản dịch Trung quán luận (tác phẩm của Long Thọ), giải thích ý nghĩa tương quan này: "Thật phi danh bất ngộ, cố ký Trung dĩ tuyên chi. Ngôn phi thích bất tận cố giả luận dĩ minh chi, kỳ thật ký tuyên, kỳ ngôn ký minh, ư Bồ tát tọa đạo tràng chi chiếu lãng nhiên huyền giải hỉ". Theo đó, Thật hay Thật tướng, chân lý cứu cánh, nếu không có Ngôn thuyết thì không thể có con đường dẫn đến tỏ ngộ. Do đó, mới tựa vào con đường giữa để công bố. Con đường giữa tức là con đường không bị ràng buộc bởi những siêu việt và nội tại, giữa khả thuyết và bất khả thuyết. Đó chính là con đường im lặng trong nói năng và nói năng trong im lặng. Và rồi, như vậy, ngôn thuyết phải cần được minh giải để có thể lãnh hội thấu đáo. Do đó, mượn hình thức một tác phẩm luận thuyết để tỏ bày. Sau cùng, một khi sự Thật đã được công bố nơi Ngôn thuyết, và Ngôn thuyết đã được tỏ bày thấu đáo trong cõi miền trầm lặng, thì bấy giờ, trong giây phút chứng ngộ tuyệt đối, Bồ tát soi tỏ thấu suốt tất cả tương quan giữa Danh và Thật.
Giải thích trên có thể biện hộ cho công trình của một tác giả Phật học. Biết rằng những gì mình nói đến không liên hệ đến sự Thật tuyệt đối, dù vậy, vẫn có thể nói và không trái ngược với sự thật. Nghĩa là, mọi tác giả đều có khả năng nói láo, nhưng trong cái láo đó lại có thể phản ảnh cái Thật. Không có giới hạn phân biệt giữa cái Thật và cái Láo.
Từ quan niệm vừa kể, chúng ta có một hệ luận vô cùng quan trọng để thấy phong độ các tác giả Đại thừa. Ngôn ngữ không phải là chân lý tuyệt đối, nhưng cũng chính ngôn ngữ vốn là biểu tượng của chân lý tuyệt đối. Nếu vậy, không chỉ riêng ngôn ngữ, mà bất cứ một sự thể nào cũng là biểu tượng của chân lý tuyệt đối. Tức là, theo một khẩu quyết của Đại thừa: sinh tử tức niết bàn. Theo hệ luận này, chúng ta sẽ bắt gặp trong các tác phẩm Đại thừa hai phong cách diễn đạt. Hoặc bằng ngôn ngữ, hoặc bằng ảnh tượng. Và chúng ta được gán cho hai lối thuyết pháp của Phật. Hoặc thuyết trong khi ngài nhập định. Hoặc thuyết trong khi ngài ra khỏi thiền định. Khi nhập định, ánh sáng từ thân thể đức Phật tỏa ra. Ngang qua ánh sáng này, những bậc thượng trí trực ngộ ngay pháp sâu xa mà Phật muốn giảng thuyết. Khi ra khỏi cơn thiền định, ngài sẽ dùng ngôn ngữ, với lời lẽ khúc chiết, với thí dụ điển hình, với âm thanh dịu ngọt, Phật sẽ phân trần, giải thuyết những gì cần phải nghe, phải hiểu cho hạng người căn tính thấp hơn.
Hai cách thuyết pháp phù hợp với quan niệm về Phật. Ứng thân (một danh hiệu khác của sanh thân) xuất hiện giữa thế gian, chịu theo mọi qui ước của thế gian, nên sự thuyết pháp phải chọn con đường ngôn ngữ: phải nói theo thứ tự khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, vân vân. Pháp thân, vốn là bản thân của chân lý siêu việt, do đó sự giảng thuyết cũng siêu việt. Bởi vì chân lý siêu việt là thực tại toàn diện, nên người nói và người nghe cũng tương ứng trong toàn diện. Ở đây, Pháp không được bộc lộ theo một tình tự có qui ước, mà là đốn khởi, hay trực khởi toàn diện. Do đó, chúng ta thường bắt gặp những diễn tả điển hình như: trên đầu mỗi sợi lông của đức Phật, khi ngài nhập chánh định, xuất hiện tất cả mười phương thế giới, không chỉ những thế giới đang hiện hữu, mà cả trong quá khứ và vị lai. Nghĩa là, tất cả mọi thế giới trong thời gian vô cùng và không gian vô tận. Rồi mỗi thế giới, của vô số thế giới như cát sông Hằng này, trong mỗi thế giới đều có đức Phật đang ngồi nhập Chánh định, và trên đầu mỗi sợi lông đó lại cũng xuất hiện tất cả muời phương thế giới trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Đó là cái toàn diện cực đại bao la hiện diện ngay trong cái cá biệt vi tiểu cực hạn: Một là Tất cả và Tất cả là Một. Sự diễn tả này là trọng tâm của Pháp giới duyên khởi.
Trong tư tưởng Đại thừa, có hai quan niệm đặc trưng về duyên khởi. Quan niệm thứ nhất, y theo duyên khởi để đạt đến Pháp Không, thể hiện khả năng siêu việt hữu vô đối đãi, như đã thấy. Quan niệm khác, y trên pháp duyên khởi để chứng nhập thế giới tương giao trong trùng trùng vô tận, tức là Pháp giới duyên khởi. Ở đây, cũng giải thích về tương quan hiện hữu. Nhưng mỗi hiện hữu được quan niệm là một thực tại toàn diện - vì sinh tử tức Niết bàn - do đó, mối tương quan hiện hữu cũng toàn diện. Thí dụ, tương quan giữa hai tấm kính đối diện. Một mặt kính không phải chỉ duy là một mặt kính; nó bao hàm tất cả những gì không phải nó nhưng có quan hệ với nó. Như vậy, hai mặt kính phản chiếu nhau không chỉ là hai, mà là Tất cả, và Tất cả. Danh từ Pháp giới muốn nói rằng tất cả giới hạn vô biên và toàn diện của sự thực đều ở ngay nơi sự thực cá biệt đó. Vậy, Pháp tức là Pháp giới, và như vậy, Pháp thân tức là Pháp giới thân.
Phật giáo Mật tông gọi Pháp thân hay Pháp với Thân là pháp giới thể tánh trí và biểu tượng là Mặt trời: Đại nhật như lai. Ánh sáng mặt trời vốn bình đẳng và phổ biến. Pháp thân cũng vậy. Chỉ cần có mắt là có thể thấy. Hễ thấy được mặt trời là thấy được tất cả vạn vật. Các Thiền sư thường nói:
Thanh thanh túy túc
Tận thị Pháp thân
Uất uất hoàng hoa
Vô phi Bát nhã.
Trúc biếc xanh xanh, đâu cũng là pháp thân. Hoa vàng rậm rạp, đâu cũng là Bát nhã. Như vậy, lý tưởng của các nhà Đại thừa là không chỉ học hỏi Chánh Pháp từ kinh điển. Họ học bất cứ ở đâu, từ những sự thể vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày. Để có thể được như vậy, phải trải qua những thời đào luyện tâm linh, sao cho tâm trí sẵn sàng mở rộng để đón nhận những chân lý cao cả được giảng thuyết nơi từng hạt bụi. Họ nói: Phá vi trần xuất kinh quyển. Chẻ hai hạt bụi ra thì sẽ thấy kho tàng bất tận của chân lý. Tâm hồn của chúng ta có thể chỉ là đá cuội, nhưng phải đào luyện nó cho đến khi một ngọn gió nhẹ thoảng qua, như một bài thuyết pháp bất tận, là đá cuội ấy gật đầu. Rồi sau đó, đến lượt ta: gia lai thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu, đến lượt ta khi ta lên tiếng thì (những) đá cuội (khác) cũng gật đầu đáp lại. Đây mới chính là lý tưởng của văn học Đại thừa. Nó có thể là không tưởng, nhưng chỉ với một khát vọng bao la như vậy cũng đủ lần hồi trải rộng tấm lòng của chúng ta khắp cả đại thiên thế giới. Kinh Phổ hiền Hạnh nguyện nhắc nhở lý tưởng ấy rằng: "Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng". Hư không còn có thể có chỗ tận cùng, nhưng tâm nguyện (Đại bi) của ta thì không bao giờ có thể cùng tận.
Nếu chúng ta không hay biết tí gì về tâm nguyện đại bi ấy mà mong bước vào thế giới văn học Đại thừa, đây mới thật là một không tưởng trên mọi không tưởng. Không tưởng này được bộc lộ quá lộ liễu và thô thiển khi nguời ta đánh giá một tác phẩm Đại thừa qua cái gọi là sự khám phá về những thế giới bên ngoài thế giới này, Thế giới vô cùng, vô tận, mà các tác phẩm Đại thừa thường mô tả, có thực như vậy hay không chẳng có gì quan hệ phải bận tâm. Nếu tâm trí của chúng ta không mở rộng kịp với thế giới vô tận được mô tả ấy, thì dù đó có là sự thực, cũng chỉ là sự thực của bóng vẽ. Nghĩa là, nói tóm lại, hương vị của Chánh pháp vẫn là hương vị cô liêu của sự sống. Và đây mới đích thực là tinh chất của toàn thể văn học Phật giáo, bao trùm tất cả mọi khuynh hướng, mọi tông phái của nó.
TUỆ SỸ
THUYỀN NGƯỢC BẾN KHÔNG
Dưới hiên mưa vắng hồn khua nước
Thả chiếc thuyền con ngược bến không
Thơ Viên Linh, Thủy mộ quan
Tôi sinh ra thì thế chiến II đang hồi kết thúc. Lớn lên chút nữa, khi biết nghe và hiểu, những chuyện vãn người lớn về việc đánh nhau đâu đó, lúc nào đó, bao giờ cũng hấp dẫn như chuyện cổ tích. Mà hình như đó lại là những chuyện mà tuổi con nít của tôi được nghe nhiều hơn là chuyện cổ tích. Trong gia đình tôi, thỉnh thoảng thấy vắng đi một người lớn. Rồi lại nghe những câu chuyện thì thầm. Mấy chú, mấy anh lớn, đã từng ẳm bồng tôi, bỗng chốc họ trở thành nhân vật trong truyện cổ tích. Cách mà người lớn kể chuyện, lại làm cho không khí của chuyện cổ tích ấy càng trở thành huyền bí.
Cho đến khi lai rai đọc được tiếng nước ngoài, chuyện kể về chiến tranh bỗng thành hoài niệm; hay chỉ hình như là hoài niệm thôi, vì đấy là quá khứ mà mình không thấy, không nghe. Có điều, hoài niệm ấy không làm sao mờ đi được. Vì nó đã trộn lẫn quá khứ với hiện tại. Quá khứ ấy, khi chợt biết, nó đã có quá nhiều mất mát. Vì những người đã đi, chưa thấy ai trở lại. Rồi cả những người cùng trang lứa cũng lần lượt ra đi. Mình thì may mắn được ở lại. Nhìn quanh, bảng đen, lớp học, sân trường. Sự sống vẫn băng băng lôi người đi tới, với những cạnh tranh vất vả.
Chiến tranh, thù hận, và đâu đó, từ sâu thẳm của khát khao, tình yêu và sự chết là nỗi ám ảnh, và như chất liệu cho ý thức sinh tồn. Có một cõi thi ca riêng biệt như vậy. Dành cho những tâm hồn nhạy cảm. Nhìn con chim giãy chết trong tranh mà ngơ ngẩn, bàng hoàng. Nhưng ngôn ngữ của nó cũng biến hình. Tình yêu, thất vọng, đam mê, như những con sóng nồng nhiệt trên mặt nước, mà dưới đáy sâu ai biết ẩn chứa những gì.
Nước xa cuồn cuộn ra khơi
Sâu trong tâm thể có đôi giọt gần
(Dư tập, Thủy mộ quan)
Những câu thơ như vậy thật hiếm hoi cho một đời bận rộn. Không bận rộn sao được, khi quanh mình những bạn bèn trang lứa lần lượt ra đi. Một số người vượt suối, vô rừng. Đi theo tiếng gọi của hận thù, máu lửa, trong trái tim đang bốc cháy bởi chủ nghĩa anh hùng. Để lại cho thành phố khúc hát “Người đã đi, đi trên non cao…” Một số khác ra đi, để lại tiếng khóc nghẹn ngào, điên loạn: “Ngày mai đi nhận xác chồng. Say đi để thấy mình không là mình.” Tình yêu, thù hận, bỗng trở thành mâu thuẫn biện chứng.
Mấy chục năm sau, một thế hệ đang lớn, như nắng trưa xích đạo che lu ánh đuốc quá khứ lập lòe của mình; thỉnh thoảng tôi đi tìm lại một vài câu thơ đâu đó, mà cũng không dễ gì tìm được, để cho hoài niệm quay lại một thời, trong đó mình đã sống, đã suy nghĩ, ưu phiền, và cả đến những dại dột ngông cuồng của tuổi trẻ. Trong tình trạng mà người cũ lánh xa, vì hiểm nguy rình rập mơ hồ, thì chuyện biển rộng sông dài chỉ có trong tranh, và trong trí nhớ. Lại vẫn điệp khúc hoài niệm bâng quơ.
Tôi không đoán được bạn trẻ yêu thơ ngày nay, nếu tình cờ đọc được bốn câu thơ dưới đây sẽ gợi lên ấn tượng gì. Nhưng người đã sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, mà tình yêu và thù hận là những xung đột, khắc khoải trong lòng, những câu thơ ấy gợi nhớ một thời, hay đúng hơn là một ấn tượng, có thể thoáng qua chốc lát:
Chiều về trên một nhánh sông
Bên tôi con nước đỏ lòng quanh co
Nước loang dưới đáy trời dò
Buồn tôi thánh thót trên lò nhân sinh
(Một Nhánh Sông, Dư Tập, Thủy Mộ Quan)
Đó là một chút hơi thở tàn sinh, như bóng nắng là đà trên mặt nước, không có những trầm mặc thăm thẳm trong lòng đại dương. Một nhúm cỏ xanh nhởn nhơ trên cánh đồng khô cháy. Nhưng ai có thể phê bình nhúm cỏ vô tình? Ấn tượng của một người đọc thơ từ trong hủy diệt bạo tàn của chiến tranh là như thế.
Rồi đất nước hòa bình, dân tộc đang trở mình từ trong khói lửa, để cho hận thù hóa thân thành tình yêu. Và cũng là lúc bắt đầu một thế hệ cầm bút bị khước từ. Vì đã không thể nhận thức tình yêu theo định nghĩa của biện chứng. Trong đó, tình yêu chỉ có thể trưởng thành bằng hận thù và hủy diệt. “Máu của người đem lại tình thương.”
Ngồi trên đỉnh đồi Trại thủy, giữa thành phố Nha trang, nhìn xuống bên dưới, từ trong làng kéo ra một đoàn thiếu nhi Tiểu học, hô vang khẩu hiệu chào mừng cách mạng, đả đảo văn hóa giáo dục phản động, đồi trụy. Tôi biết mình đang bị chối bỏ. Và bị chối bỏ thật. Từ chỗ là thành phần ăn bám, rồi trở thành phần tử nguy hiểm, và được liệt xuống hàng cặn bã xã hội, tạm tha tội chết để được ân huệ khoan hồng sống hết kiếp sống thừa. Lại một lần nữa, những người cũ của tôi theo nhau lần lượt ra đi. Thời chiến tranh, một lớp bạn lên rừng. Thời hòa bình, một lớp bạn xuống biển. Dân tộc chợt quay trở lại với huyền thoại mở nước. Những người con theo Mẹ, đã có lúc khinh ghét anh em mình, bỏ lên rừng. Một thời gian sau, những người con theo Mẹ lên rừng nay quay trở về đô thị. Lại những người anh em khác sợ hãi, vội bỏ trốn theo, tìm về biển:
Vua gặp Âu Cơ lúc thủy du
Cùng nàng rung động nước thiên thu
Duyên tan nàng bắt con về núi
Những đứa theo cha khổ đến giờ
(Thủy Mộ Quan)
Ba chục năm, một nửa theo Cha, một nữa theo Mẹ. Nhưng huyền thoại của nhà thơ này vẫn còn quên một số anh em trở thành côi cút. Cha thì ở đâu không thấy, mà tự thân thì bị ruồng rẫy bởi chính anh em mình ngay trên đất Mẹ. Không Cha, cũng không Mẹ, ta đi tìm dấu tích Trường sơn, “Quê người trên đỉnh Trường sơn. Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu.” (Thơ Tuệ Sỹ).
Tôi không nói đến hận thù. Nhưng một nỗi oan khiên nào đó, khiến cho lời nói của mình như trong cơn mê sảng. Bạn cũ ở quanh đây thôi, vẫn gần như những ngày nào, một thời buồn vui. Có lẽ bạn cũ ngại ngùng, ngại nghe những điều được giả thiết là tôi sẽ nói. Thật sự, tôi chẳng được phép nói gì cả. Vẫn được chỉ định phải đứng bên lề xã hội đang hội nhập văn minh. Còn những bạn khác, hãy gọi là cố nhân, bấy giờ mỗi kẻ một phương trời. Tôi chẳng biết họ đang làm gì, đang nghĩ gì. Mỗi người một phong cách, trong một thế giới mở rộng, đa văn hóa. Tôi nghe nói như vậy.
Dù ở phương này hay phương kia, dù có hay không có hai trận tuyến văn chương cùng chung loại hình ngôn ngữ của Mẹ, vẫn còn hàng vạn nắm xương dưới lòng biển:
Lưu vực điêu tàn ở Biển Đông
Xương bầy như thú cháy rừng hoang
Nhưng rừng không cháy nào đâu thú
Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan.
Viên Linh, Thủy mộ quan
Hận thù có thể xóa được dễ dàng thôi, nhưng u uẩn của những hồn oan đáy biển vẫn ám ảnh tâm tư. Người sỗng vẫn mang mãi ân tình của người đã chết, dù trên rừng hay dưới biển, vì oan nghiệt riêng tư hay vì tình chung dân tộc. Xưa Nguyễn Du đã làm “Văn tế thập loại chúng sinh”; không chỉ là món nợ văn chương cho người đã chết, mà đó còn là tình tự thiết tha từ cõi chết vọng về. Tôi đọc bài “Gọi hồn” trong Thủy mộ quan cũng với tâm trạng tương tợ:
Trên Huyết Hải thuyền trồi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương.
(…)
Trong rêu xanh ngân ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc.
(…)
Bài thơ không mang tiết nhịp gây cảm xúc bàng hoàng tức khắc, nhưng những ấn tượng rải rác trong cả tập Thủy mộ quan làm cho bài thơ phảng phất nỗi kinh sợ, rùng mình:
Trinh nữ trầm oan nổi giữa dòng
Thân băng ngàn hải lý về sông
Xung quanh không một người than khóc
Chỉ cá trùng dương theo hộ tang.
Dù sao thì đất nước cũng đang hồi sinh. Những người ra đi, lần lượt kéo nhau về. Ấy thế, hờn giận giữa anh em vẫn còn là vết thương nhức nhối. Văn chương bây giờ vẫn là một lựa chọn, hoặc một nhân cách. Thi ngôn chí. Thiên cổ văn chương thiên địa tâm. Trong tận đáy sâu tâm khảm, mỗi nhà thơ vẫn chung một tình tự nghìn đời, dù biểu hiện có hận thù cay nghiệt. Tôi mong được như lời Viên Linh nói:
Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.
Tuệ Sỹ,
Lời mở
Như giấc mộng, bụi hồng cứ rong chơi mà chưa từng biết mình là thật hay là hư, chỉ biết mình đang hiện hữu như là giấc mộng từ nguồn vô thỉ đến đời vô chung và, chỉ biết nỗi buồn vui qua đi như một giấc mộng.
Những chứng tích buồn vui được ghi lại từ những nét chấm phá trong cuộc rong chơi này, qua đó ngôn ngữ được sử dụng như là một vay mượn tạm thời cho những rung động từ trái tim mộng mị, mà thời gian đang giết chết chính nó, từ những đổi thay này qua những thay đổi khác. Ngôn ngữ chính là thời gian và, như vậy ngôn ngữ trở thành một mớ thi ca mâu thuẫn với chính nó. Thi ca là mẹ đẻ của ngôn ngữ, chính vì vậy cho nên tự ngôn ngữ đã mang mần mống mâu thuẫn với thi ca và, thi ca đã mang mần mống mâu thuẫn với chính nó trong cái vô thường, thường xuyên hiện hữu. Mọi vật sẽ trở nên duyên khởi hanh thông từ sự mâu thuẫn nền tảng này, nếu không có nó thì mọi vật sẽ trở nên xơ cứng và bất động.
Và như vậy bụi hồng có cơ hội để rong chơi mà không cần biết sự hiện hữu của chính mình là hư hay thật trong cuộc rong chơi này!
Việt Nam 2004
Phổ Đồng
02. Bụi hồng
Bụi hồng
mang hạt vô biên
Từ cha yêu mẹ
nỗi niềm gởi trao
Nắng vàng
nâng cánh phượng chao
Hai mươi năm ấy
biết bao đổi dời
Cha từ
cửa khép trang đời
Mang đi bụi đỏ
nửa đời mẹ đau
Hạt buồn
héo sắc duyên mau
Sầu lên phong kín
sắc màu thu sang
Cha còn
thử chuyện đá vàng
Bâng khuâng đời mẹ
ngỡ ngàng con đau!
03. Không thời
Gió mơn ru giấc ngủ
Mây trời vương nắng mai
Mộng nào không mộng thật
Mây nào không mưa bay?
Hiện tại làm sao bắt
Quá khứ vô thường không
Tương lai huyễn tưởng mộng
Bây giờ mới từng giây
Ai vượt qua thói quen
Ai thoát nhanh tập quán
Người nắm giữ hiện tiền
Từng sát-na hợp biến
Từng hơi thở nhiệm màu
An lành đang hiện hữu
Tủng tiểm miệng cười tươi
Xuân đến trong khóe mắt
Xuân đi trong nụ cười
Mặc cho việc lui tới .
04. Chưa lìa bước chân
Mưa giăng
rợp bóng chân thường
Chiều nghiêng nắng sớm
vô thường cánh chim
Mình về
nghe máu về tim
Cưu mang huyễn tượng
đắm chìm hồng hoang
Ra đi
tái hẹn bồi hoàn
Phía sau mất dấu
bàn hoàn bước chân
Người về
cho gởi bước chân
Bước lui bước tới
bước chân chưa rời.
05. Quên lối về !?
Ta từ
hạt bụi rong chơi
Lang thang khắp chốn
luân hồi bước chân
Ra đi
sớm nắng phù vân
Tối về hạt nặng
sương ngàn trùng khơi
Mỏi mòn
hạt bụi bên trời
Nhịp chân giong ruổi
gót bời dặm xa
Bóng đời
mấy dạo sương sa
Buồn vui mắt gợn
bóng tà huy rung
Ra đi
là biết nghìn trùng
Lối về bỏ ngõ
như chừng mất tăm
Quê nhà
giở một nấc chân
Vì ham chơi quá
nên quên lối về!?
06. Một vòng tay
Tự tại hỡi!
hãy chờ ta một chút
Vội vàng chi
ta dọn dẹp tự do
Đã đến lúc
chuyện đời rơi hun hút
Nắng vàng hong
sương nặng hạt nào ngờ
Ta hít thở
với hương ngàn gió mới
Chạm từng giây
như chợt sống bây giờ
Sông chia cách
một lần thôi nắng đợi
Nước xa nguồn
như vĩnh viễn cội mơ
Ta tự hỏi
thời gian thành con rối
Ngày qua rồi
sao cắt nghĩa hôm nay
Mai mốt đó
chưa bao giờ lầm lỗi
Có hay không
như giấc mộng đêm ngày
Ta tự nhủ
cuộc sống giờ bằng phẳng
Từ bắt đầu
và chung cuộc nơi đây
Bờ cõi đó
nghìn thu rơi lẳng lặng
Ta trần truồng
ôm trọn một vòng tay.
07. Chấp nhận
Ta hít thở,
cõi thiên thu phía trước
Và phía sau,
nhịp đập tới hồng hoang
Com bướm nhỏ,
quạt cánh mền từng bước
Dội hư vô,
nghe sóng dậy trong lòng
Ngày mới mở,
đang từng giây phút sáng
Tháng năm rồi,
thôi có nghĩa gì đâu
Người huyễn tưởng,
đôi mép bờ xa cuối
Nào ngờ đâu,
chỉ chớp nhoáng ban đầu
Điếm từng phút,
qua từng giây mới lạ
Ngạc nhiên đầu,
cũng là ngạc nhiên sau
Vì biến dịch,
nên vô thường sắc lá
Cho tim ta,
luôn mới nhận sắc màu
Sống hay chết,
không có gì phải bận
Khổ hay vui,
một thoáng hiện qua thôi
Vì duyên sống,
không gì không chấp nhận
Nên rốt cùng,
tự tại hiện trong ta.
08. Giấc mộng
Khi sắc lá,
đang cuốn tròn thơ ấu
Là bắt đầu,
nắng giã biệt trên cây
Đất khẻ gọi,
bốn mùa sương xuống đậu
Trắng đôi tay,
đang thể hiện từng ngày
Còn ôm giữ,
là đất trời dội ngược
Cách ngăn nhau,
chỉ tại một đường tơ
Thôi mặc kệ,
cho cuộc đời xuôi ngược
Lá vẫn xanh,
là thể hiện giấc mơ
Sáng hôm nay,
hoa nở tròn cánh mộng
Một bông hoa,
rơi rụng nhựa về mau
Cho đất khô,
đâm mấy chồi nhú mộng
Cả nghìn thu,
về phối hợp ngàn sau
Ta hiện hữu,
như con tằm ươm kén
Đủ sắc màu,
là thành hoại trong nhau
Giây phút đó,
chợt hiện về ca múa
Ồ đây rồi,
giấc mộng với nghìn năm.
09. Mấy lần đau?
Từ âm vọng,
của nguồn xưa muôn thuở
Hạt bụi này,
lăn lóc mấy lần đau?
Đi và đến,
chưa một lần thấy cũ
Môi hồng loan,
ánh hiện bóng chiều xiêu
Ta tan rã,
như tuyết mùa bão nỗi,
Lại biến thành,
làn khói mỏng mong manh
Lưu lạc mãi,
tuổi đời đau canh cánh
Chuyện qua đi,
chuyện ngày cũ đâu rồi?
Hoàng hôn xuống,
bình minh nào níu được
Bến trăng ngàn
không chở nổi sao băng
Lời hẹn ước,
ta đành mang rao bán
Đổi tóc màu,
kéo lại bước thời gian?
Đời lỡ hẹn,
nay thôi đành câm nín
Ở nơi này,
và tất cả mai sau
Giờ chấp nhận
như trái sầu bọng chín
Đủ sắc màu
và đủ cả vui đau!
10. Vô tận thường không
Chia xa
lá động mơ hồ
Thuyền thôi neo bến
cột trơ dáng buồn
Trăm năm
thành bại vui buồn
Nghìn năm mưa gió
xô nguồn tịch liêu
Ngày tàn
bóng hiện đìu hiu
Thoảng trong nỗi nhớ
thiên thu phận mình.
Ra đi
gợi nhớ tự tình
Thuyền không bến đậu
lênh đênh nẻo về
Bơ vơ
bến mộng
bờ mê
Chơi vơi ẩn hiện
bốn bề mênh mông
Nẻo về
vô tận thường không
Ta yêu
giọt sống vô thường
mong manh.
11. Ráng hồng
Ta đến từ giấc mộng
Mây buồn bay bơ vơ
Giọt sương cười nắng vỡ
Ra đi về chiêm bao.
Ráng mai hồng viễn tượng
Vỡ tràn bờ suơng tan
Đầu sào trăm thước tiến
Bước đầu tiên cuối cùng.
Ta quên hắt tư duy
Đọng lại giọt sương mờ
Trăng nghiêng thềm nắng đổ
Chuyện hư thiệt một đời.
Rêu xanh mờ nắng đợi
Chim trời cắm hạt sương
Uống tràn hư không mộng
Xa mãi giòng sông xưa.
Mây trắng dạt phương nào
Giòng sông, sâu biển cả
Trôi thây về xứ lạ
Mưa tràn kiếp phù sinh?
Thắp lên ngọn nến hồng
Xua tan bờ ảo vọng
Bờ trăng chìm đáy mộng
Nắng xế, chiều mông lung.
Nhịp cầu sanh qua tử
Giòng sông nước cuốn trôi
Hai bờ quên nắng vội
Thỉ chung mất cội nguồn.
Nắng chiều vương nghiêng đổ
Bên thềm tóc hong sương
Gió lùa từng sợi nhỏ
Ráng chiều ánh rừng phong.
12. Nhặt ánh trăng
Từ kiếp nào hạt bụi
Hoá làm kiếp phong trần
Bước đi vương nắng hiện
Bụi hồng vướng trăm năm.
Nến gầy trang kinh mở
Nhạt nhoà chữ run run
Bóng Người về lãng đãng
Nghìn năm vẫn ung dung.
Dưới trăng ngồi đọc kệ
Tụng nghìn trang kinh hoa
Vọng âm hải triều dậy
Biển trầm bọt nước qua.
Lữ hành xuôi quán trọ
Trăm năm mỏi gót hồng
Tàn canh lay đáy mộng
Tay dài nhặt ánh trăng.
13. Giọt nước
Chiềm sâu trong đáy huyệt
Cô liêu một kiếp người
Quán trọ cười triêu nguyệt
Mùa xuân, sẩy bước chân.
Lênh đênh đầu bọt sóng
Ta giọt nước mong manh
Nghìn năm xưa lấp lánh
Vị mặn nào đổi thay.
Biển trầm giọt nắng đợi
Mưa tràn lũng trời xa
Triều dâng chờ nguyệt hạ
Đáy lòng biển lặng căm.
Bọt sóng phù tang hoá
Nước lạnh bờ bến xưa
Muôn đời hạt cát mịn
Giọt nước cười buồn chưa?
14. Một nụ cười
Ngày xưa buồn hiển hiện
Kiếp người quá mong manh
Nỗi đau lòng canh cánh
Thương cho một nụ cười.
Hôm nay buồn đi vắng
Không nỗi buồn, mênh mông
Tràn đầy tâm ảnh hiện
Thế giới ngập hoa không.
Mai kia buồn lắng đọng
Soi rõ bản mặt xưa
Một cục thịt au đỏ
Máu trào nối đường qua.
Thoảng qua từng hơi thở
Vào ra một kiếp người
Êm đềm như lắng đọng
Nhặt hoa miệng mỉm cười.
15. Giọt nắng
Ta mang một giọt nắng
Nghìn năm đọng hai bờ
Sương tan cười mây vỡ
Ảnh hiện trăng đáy soi.
Dòng sông ánh mây hiện
Bồng bềnh lạc xứ xa
Ráng chiều nghiêng đổ hạt
Rừng sâu mờ núi xa.
Chừng ngủ quên giọt nắng
Mở mắt gió đông về
Mùa xuân hoa chao động
Nắng loan rụng bóng chiều.
Tường rêu xanh năm cũ
Sáng lên một chút buồn
Ngày qua lay đầu mộng
Mốt mai cuốn xa nguồn.
Tàn xuân nghiêng sợi nhớ
Nắng ngủ bờ ráng pha
Sợi tóc mềm bến đỗ
Luân lưu tháng năm gầy.
16. Sang trang
Đưa người
qua cuộc tử-sanh
Biển dâu thành bại
hư danh một đời
Buông tay
giọt nắng bồi hồi
Vô thường lay động
chơi vơi phận buồn
Trăm năm
bóng ngã hao mòn
Nghìn năm bụi đỏ
cuốn nguồn tịch liêu
Chim trời
cánh mỏi đìu hiu
Đường qua mất dấu
ảnh chiều hư vô
Ráng hồng
níu hạt chơ vơ
Nằm nghe trăng đổ
bên bờ thời gian
Mây buồn
gió đuổi lang thang
Cho ta hỏi thử
không gian mấy bờ?
Đâu rồi
giọt lệ bơ vơ
Đâu rồi tiếng nói
nguyên sơ nụ cười!?
Từ cuối kiếp
đến đầu đời
Bỗng dưng phút chốc
đổi dời sang trang!?
17. Chiều quê
Lúa xanh reo nắng đậu
Cánh cò mỏi đường qua
Lặng lội bờ sương cũ
In hình điểm đồng xa.
Luỹ tre thềm gió lộng
Bóng ngã chiều mông lung
Chiều quê êm đềm xuống
Mùi lúa thoảng đưa hương.
Đất thơm mùi cỏ dại
Tanh nồng nước phèn cay
Quyện thêm mùi rơm rạ
Bức tranh quê hiện bày.
Mục đồng lưng trâu cỡi
Trâu thong thả đường về
Tiếng sáo diều thoang thoảng
Gió hiu thổi bốn bề.
Chuông chùa buông nhẹ tiếng
Lay động bóng chiều qua
Đèn nhà ai mới tỏ
Giọt nắng vắng bờ xa.
18. Một chút hương
Sáng nay sunset nở
Hương thầm lay bóng đêm
Đọng mãi hương trời cũ
Lửng lơ giọt trăng tàn.
Người đi mang sợi nắng
Làm vỡ cõi hư vô
Vầng trăng thương nỗi nhớ
Trăng nay lạc nơi nào?
Duyên đâu từng nhánh nhỏ
Khởi động vô thường lay
Ra đi còn đọng lại
Chút gì sót trăm năm.
Vầng trăng nghìn năm tỏ
Ráng gầy qua gió bay
Lảng đãng bờ sương đậu
Hương lan đọng bên ngày.
19. Làn gió
Từ kiếp nào làn gió
Lang thang lạc bước chân
Ta làm duyên hạt bụi
Hai bờ vọng, phù vân.
Sát-na từng giây chuyển
Vô thường chạm hư không
Càn khôn đầu ngọn gió
Nhật nguyệt điểm từng không.
Nghìn năm thương làn gió
Vào ra cõi có không
Từ sinh qua tử lại
Thở ra vào cộng thông.
Gió đông lay tuyết rụng
Hoa khai động xuân phong
Gió hè du sen nở
Lá vàng ánh thu phong.
Phù vân hạt bụi nhỏ
Giọt nắng gió cỏn con
Duyên nhau hiện sinh diệt
Nâng niu cuộc sinh tồn.
20. Đến và đi
Người mở mắt
với hai bàn tay trắng
Mồi lợi danh
Khêu gợi đến vô cùng
Và từ đó
những mong cầu tranh thắng
Tự biến mình
làm con vật thiêu thân.
Mùi danh lợi
thoảng đưa mời hấp dẫn
Tự đốt mình
qua vinh nhục buồn vui
Cho đến khi
người buông xuôi cát bụi
Vinh nhục
bại thành
bỗng hóa hư không!
Và tay trắng
vẫn hoàn bàn tay trắng
Còn lại gì
sau đôi mắt khép kia!?
Niềm hối tiếc
đọc qua bờ thất vọng
Ôm nghiệp đời
tham đắm hận cuồng đi!
Và như thế
bao giờ dừng lại được
Kiếp luân hồi
đan trói khổ đeo theo?!
21. Đơn Hà đốt tượng
Tuyết lạnh căm căm phủ đầy trời
Chùa sao ngăn nổi suốt một đêm
Giờ không phương tiện nào kỳ đặc
Phật gỗ trên chùa đốt ấm lên!?
(Cổ tự hàn thiên độ nhất tiêu
bất cấm phong lãnh tuyết phiêu phiêu
hiện vô thiện lợi hà kỳ đặc
Đản thủ đường trung mộc Phật thiêu.)
22. Đức Sơn đốt kinh
Suốt nửa bình sanh từng cưu mang
San định giảng bày lý Kim cang
Hừng hực lửa lòng thôi thúc mãi
Phương nam hối hả dẹp tà man
Đường vô xa vắng Lão bà tiếp
Nghẹn họng lối về tâm mất tâm
Chợt tỉnh Long Đàm đêm thăm thẳm
Kinh xưa còn lại khói phù vân.
23. Đức Sơn vung gậy
Chờn vờn phía trước lại phía sau
Bên phải chợt vung bên trái đau
Ra vào lui tới đều tuyệt lối
Nói được hay không cũng như nhau
Mục đích dồn người vào hố thẳm
Tự do giải quyết vận mệnh mau
Vì thương con cháu nên phương tiện
Gậy chửa vung ra đã nhiệm màu.
24. Tiếng hét của Lâm Tế
Giật mình
mộng vỡ tràn lan
Khối nghi triền kiếp
cưu mang bao giờ?
Ô hay
sự thể nào ngờ
Xưa nay đây đó
bây giờ ở đâu?
25. Bùng vỡ
Mưa rơi ngoài song cửa
Từng hạt rơi tí tách
Từng hạt rơi rõ ràng
Đập tan trời đất cũ
Bùng vỡ tâm hữu vô
Mưa rơi từng hạt nhỏ
Từng hạt rơi tí tách
Từng hạt rơi rõ ràng.
26. Mây bay
Chân em trong bước nhỏ
Tung tăng rất nhiệm mầu
Lên chùa hỏi thăm Phật
Chiều nay mây đi đâu?
Cuối tường con chim ngủ
Giật mình chuông âm vang
Ngước lên nhìn sư cụ
Bát Nhã chuyển sang ngang
“… Thị chư pháp không tướng”
bất sanh và bất diệt
bất cấu và bất tịnh
bất tăng và bất giảm…”
Gió lùa tung vạt áo
Hương quyện nếp cà sa
Sen tàn rơi trong gió
Động với chuông ngân nga
Sư cụ dừng tay lại
Bồ Đề Tát bà ha
Đường về tâm vắng lặng
Mây trời bay xa xa.
27. Tịch liêu
1.1.98 thăm lại Long Tuờng chùa xưa, sau 35 năm xa cách.
Chiều qua
bóng rụng xiêu người
Nắng reo đồng vọng
cợt cười gió mây
Nếp xưa
ủ bước chân này
Rêu phong xanh ngát
phủ dày lối qua
Chim mừng
đồng vẳng hương xưa
Ngất ngây lối bước
ập lùa về dâng
Chùa nghiêng
nắng lửng ngập ngừng
Tháp xiêu bóng đổ
nghe chừng gió lay
Bờ tre
lá động bay bay
Nhớ xưa chuyện cũ
những ngày còn thơ
Gió đông
se cắt sương mờ
Chăn không đủ ấm
giấc mơ nửa chừng
(…)
Giờ đây
bước động ngập ngừng
Người xưa xa vắng
như chừng tịch liêu!
28. Lời đầu tiên
Tưởng nhớ về Thầy, Người đầu tiên mớn sữa nuôi lớn tuệ mạng cho con.
Tre làng
rợp bóng bước chân
Chùa xưa ấp ủ
tâm hồn tuổi thơ
Ngày qua
ươm hạt mộng chờ
Người xưa mớm sữa
ấu thơ no lòng
( ...)
Dại ghê
bứt trộm đòng đòng
Ngất say mùi lúa
trưa hừng hực tuông
Ham vui
Theo cánh chuồn chuồn
Nắng vang giữa bóng
chập chờn hoa rơi
Bướm màu
sắc đẹp trêu ngươi
Phấn hồng vương lại
trên đồi búp măng
Dế buồn
buông tiếng nỉ non
Gợi khêu hấp dẫn
trận đòn mua vui
Vì ham
theo bóng nào nguôi
Sáo diều lồng lộng
bùi ngùi trang kinh!
Trận đòn
nào khỏi thất kinh?
Rồi đâu vào đấy
cũng thành khói mây
Qua ngày
tháng lại thu bay
Vong thân đánh mất
những ngày nguyên sơ
Bây giờ
nhìn lại như mơ
Hiện tiền đối diện
nào ngờ chính tôi
Người xưa
nay đã đi rồi
Như còn hiển hiện
trong lời đầu tiên.
29. Tái sinh
Trăng xưa
rũ bóng hai nghìn
Ngữ ngôn rơi rụng
bao lần đơm hoa?
Trang kinh
dưới nguyệt ta đà
Ngàn năm vang bóng
Người qua trong đời
Còn chăng
tuế nguyệt đổi dời
Tồn sinh hóa diệt
bên trời thiên thâu
Hắc hiu
bờ mộng pha màu
Có-không huyễn tưởng
bên cầu nguyệt trôi
Duyên đầy
duyên thiếu hợp vơi
Hiện tiền hiện khởi
tuyệt vời tính không
Giờ còn hiển hiện
trang không
Đầu tiên ngôn ngữ
cuối cùng tái sinh.
30. Vòng tròn Mã Tổ*
Lão già
nói mộng ra mơ
Vòng tròn oan nghiệt
chực hờ duyên không
Bước vào
nỗi hiểm bên trong
Không vào sức nặng
lại công bên ngoài
Ba hèo
cửa mở chia hai
Vào, không cũng bị
tuyệt hai đầu đường
Chỉ mành
trước gió treo chuông
Bên bờ vực thẳm
hết đường phân vân!
Giờ còn
tí tắc lần khân
Thì ôi nghìn kiếp
xoay vần tử sinh
Mau mau
giải quyết vận mình
Té ra vòng nọ
hiệu linh mất rồi
Ba hèo
gậy đã gãy đôi
Hai đường tự tại
tuyệt vời lối đi.
* Mỗi khi Ngài Mã Tổ Đạo Nhất muốn dạy người thì thường vẽ một vòng tròn, và bảo: “Vào, không vào cũng bị ba hèo.”
31.Trước sau đâu rồi
Ngày qua cây hỏi lửa rằng
Anh sau tôi trước, sao bằng được anh
Khói rằng: nói chuyện vô minh
Không tôi hiện hữu sao thành trước sau
Cả ba ôm lấy cười nhau
Cộng thành đệ nhất trước sau đâu rồi?
32. Dụng tâm
Vô thường
gió thoảng chao cánh bướm
Động cả
chân thường cõi tịch không
Người ơi!
Cảnh động hay tâm động
Mà cả trời thơ
chợt vỡ tung?
33. Trở về
Tay em mười ngón ngọc ngà
Em bưng mặt khóc tìm cha nơi nào?
Thôi em thế sự ra vào
Tìm em không được làm sao tìm người?
34. Hỏi đáp
Có hỏi thì có đáp
Đáp sao không vướng lời
Được mất không vướng ý
Cùng Phật tổ dạo chơi
Hành tung ba nghìn cõi
Không lưu lại dấu giày
Âm ba phổ nhiếp mãi
Vô ngại tâm đại bi.
35.Trò đùa
Hoa giơ trượng quất cùng tiếng la
Mộng vỡ tan tành mộng hiện ra
Ngàn thánh giở trò đùa lém lỉnh
Mửa ra nuốt lại khác chi xa?
36. Niêm hoa 1
Hoa giơ tâm chuyển thái hư không
Ấn dấu truyền trao suốt một dòng
Mộng thật muôn đời chưa hề biết
Viên như trào lộng một dòng không.
37. Niêm hoa 2
Từ hoa
kết mọc đá vàng
Nở tâm rạng mặt
ngỡ ngàng chiêm bao
Suốt từ
mộng mị lao xao
Đến nay vân mộng
truyền trao bao lần?
Thong dong
rất mực vô ngần
Hố sâu không đáy
lại gần đỉnh xưa
Suối nguồn
sự thể đong đưa
Lòng như gái đá
tắm mưa giữa trời
Mốt mai
lòng chảy qua đời
Nước xuôi mặc nước
mưa trời dính ai?
Bình sanh lịch kiếp
nào phai
Sắc không hóa hiện
Như lai hiện tiền.
38. Chưa quen
Lần đầu
lần một
cuối cùng
Gặp nhau như thể
chưa từng quen nhau
Bên người
đối diện gần nhau
Đã từng thưa hỏi
nhưng nào biết tên
Rất mừng
xưa đã quên nhau
Bây giờ muôn sự
hiện tiền mới toanh
Sát na
sinh diệt tinh thành
Nghìn lần nghìn mới
mới thành chưa quen!
39.Hiện sinh
Cha già
bốn đại chia tư
Thiếu duyên năm ấm
chu du biến dời
Ngữ ngôn
hiện giữa nụ cười
Theo duyên bụi lửa
gió vời mây bay
Trùng dương
sóng bủa bên ngày
Ngàn năm bụi đỏ
hiển bày sắc chơn
Tơ hào
ý ngó từng cơn
Ra đi là mất
là còn hiện sinh.
40. Để lại luân hồi
Kính dâng Giác Linh cố Đại lão Hòa Thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN
cố vấn Viện Hóa Đạo GHPHVNTN.
Cơn vô thường
cuốn trôi bờ huyễn-thật
Thạch trụ rừng thiền
xiêu quẹo đổ nghiêng
Hạt bụi đỏ
chợt thấy mình rạn nứt
Vỡ tan tành
như bóng vỡ hư không
Người ra đi
giữa những ngày pháp nhược
Cho ma cường
thêm lộng thế đảo điên!
Bờ tử sinh
niết-bàn nay từ biệt
Nhẹ gót chân
nhàn tản giữa vô phiền.
Nhớ bụi đỏ
cựa mình nghe sương xuống
Ráng mai hồng
cài lại nửa vầng trăng
Bờ bến cũ
lối về trăng sao sáng
Còn nửa kia
Người để lại luân hồi.
41. Nhớ Hà Nội
Sau ba tuần lễ rong chơi tại Hà Nội, giờ chỉ còn lại trong trí nhớ.
Hà nội giờ này
có gì để nhớ?
Cảnh mưa phùn gió bấc
lạnh căm căm
Nhớ gối chăn
qua làn hơi thở ấm
Cho thịt da
hâm nóng mộng nghìn năm.
Nhớ Thăng long
ngày đầu xây dựng nước
Thịnh trị một thời
oanh liệt một phương
Còn gì ngoài
văn bia-quốc tử giám
Khiêm tốn trở thành
di tích quê hương!
Nhớ tháp rùa
đứng nghiêng chờ nắng đổ
Mặt hồ gươm phẳng lặng
bóng chiều xiêu
Hàng cây xanh
mấy lần thay lá cũ
Cho nhựa về
nhú mộng hạt đâm mơ?
Nhớ hồ tây
mưa phùn bay giăng phủ
Bụi sương mờ
lảng đảng bến bờ xa
Từ Thiên phúc,
Kim liên về Tảo sách
Bước lãng du
bến đỗ gót đường qua.
Nhớ gánh hàng hoa
bên bờ yên phụ
Đôi vai gầy
ướt đẫm bụi sương mai
Rảo bước chân
qua phố phường sau trước
Đem cho đời
cái đẹp tưởng chừng phai!
Nhớ những hàng cây
xanh mờ nâu tím
Bóng chiều nghiêng
che phủ ánh trời xa
Bụi mưa phùn
tung gió bay trút lá
Cho đâm chồi nẩy lộc
với nghìn sau.
Nhớ ba mươi sáu
phố phường xưa cũ
Cửa đóng then cài
phong kín tường rêu
Của một thời
chỉ còn qua tên gọi
Ký ức nhạt nhoà
hiện thực còn đâu!
Nhớ tách chè xanh
vỉa hè hôm sớm
Ấm lòng người
hơi toả bóng mù sương
Nhớ tách cafe
bên hồ hoàn kiếm
Đường qua đi
lơ đễnh bước chân về.
Nhớ một cột
chùa xưa sau giấc mộng
Nét hương mù
sen toả ngát nghìn năm
Còn hiện tại
qua rêu mờ năm tháng
Chút tình xưa
dư ảnh mộng vì dân.
Nhớ mái chùa
cong cong chờ nắng đậu
Bụi mưa buồn
loan lổ vách tường sa
Vẫn hiên ngang
chở che hồn dân tộc
Nghiệp sống muôn đời
của tổ tiên ta .
Tháng 03-2003
(1) Theo ý thơ của Huyền Không: “Mái chùa che chở hồn dân tộc …”
42. Nhớ cố hương
Chuông khuya
lay bóng
trăng tàn
Lạnh giòng nước chảy
ngân tràn cuối sông
Đò ngang
nay đã xa nguồn
Thì nay thôi cũng
nghe buồn cố hương.
Chốn về
đau nỗi nhớ thương
Chỉ còn ký ức
vô thường giòng trôi
Phù du
thương một cõi đời
Gió lay ngọn sóng
vàng soi bọt tàn.
Nguồn xuôi
cuối bãi điêu tàn
Biển dâu hiêu hắt
vọng vang bóng chiều
Mơ về
chốn cũ đìu hiu
Tường rêu vách đổ
thành xiêu xa dòng.
Trăng buồn
rủ gió về sông
Soi vùng tâm sự
đau lòng nước qua
Thả buồn
trôi ngược dòng ca
Vọng triều sương khói
âm ba la đà.
Giờ còn
âm vọng xa xa
Khắc sâu dư ảnh
quê nhà cõi không
Chỉ vì
chút nhớ
chút thương
Thời-không xa cách
mà vương thành sầu!
43. Sư về muộn
Đêm nghiêng
ngõ gác trăng vàng
Mấy tầng chuông điểm
đổ tràn thái hư
Sư về
gõ cửa phù hư
Tam sinh đế mộng
trầm hư vỡ bờ
Uống tàn sương,
giọt xuân mơ
Điểm trang hồng nguyệt
kinh thơ vô phiền
Trăng lay
bóng chếch giường thiền
Tụng âm núi dựng
tiếng rền thu không.
Mùa xuân
én trải nắng hồng
Nụ xanh say gió
vàng hong hiên chùa
Gió về
mở mắt nghìn hoa
Gốc mai năm trước
rụng vài đóa hoa!
Trà xanh
Thềm thoảng hương mùa
Gió hây hây thổi
ngày đưa qua ngày
Niềm vui
còn một chút này
Dâng người ở lại
từ rày về sau.
Chùa Bảo Lâm 09.2003
44. Sương ứa lệ
Đôi cánh mộng
lưng trời nay xếp lại
Người ra đi
bụi đỏ chợt hao mòn
Nhớ vầng trăng
nửa cài song cửa mộng
Nửa giật mình
sương ứa lệ tàn canh.
Cầu sinh tử
gãy đôi bờ huyễn hoặc
Bụi mây mờ
xin để lại phía sau
Đêm mộng mị
lững lơ mờ sương đậu
Ráng hồng phai
nghe khóc vỡ ngày tàn.
Hoa sóng cả
bạc đầu vương nắng sớm
Bụi tro tàn
theo gió nước lang thang
Bờ bến cũ
Người về sao chợt sáng
Để ngậm ngùi
nhớ tiếc lại sau lưng !
45. Theo dấu chim bay
Xưa nếu biết
cuộc đời là cõi tạm
Thì lối về
đã theo dấu chân nai
Người cứ tưởng
ta bà là cõi thật
Nên nghìn đời
vẫn theo dấu chim bay.
Sầu hiu hắt
hai bờ loan nắng vỡ
Mộng trần gian
và hiện thật đâu rồi?
Giờ ngoảnh lại
bóng nhoà quên mất dấu
Bước tiếp theo
nghe quờ quạn bồi hồi!
Việc quá khứ
chỉ bày qua ký ức
Nuối tiếc nhiều
và ray rức khôn nguôi
Hiện tại
hạnh phúc đan xen ít ỏi
Khổ đau nhiều,
hận tủi lại càng tăng.
Tương lai chưa đến
mù mờ nào biết
Thả đường dài
quanh quẩn mỏi gót chân
Một trăm năm
bay vèo theo giọt nắng
Chờ trăng già
mơ hỏi tuổi trăng non!
Sỏi lăng mòn
tuổi buồn lên lá thắm
Rừng vẫn xanh
đá dựng bóng trăng qua
Suối róc rách
chở trăng về bến cũ
Nước xa nguồn
về cội lạnh dòng ca.
Mây bóng lay
gió về mưa chớm động
Tàn thu, đông
nghe lạnh tủi đá buồn
Sầu ly biệt
hắt hiu bờ nắng vọng
Én cựa mình
ngơ ngác động xuân phong.
Rồi một sớm
tàn xuân qua lửa hạ
Đào mai buồn
ủ rũ bóng chiều dâng
Nụ có biếc
tuổi xanh, vàng chuyển dịch
Lại một đời xê dịch
nỗi bâng khuâng.
Vì vô thường
luôn luôn là biến dịch
Nên vô thường
luôn hiện hữu như Không
Bờ quá khứ
tương lai thành không tưởng
Niềm bâng khuâng
chợt sáng dõi chân đi.
46. Thở dài đều hơi
Lên non
uống ánh trăng ngàn
Về xuôi
uống suối hoa vàng
cuối sông
Mốt mai
nguyệt hạ mờ sương
Áo trăng ai giũ
bên dòng bụi bay?
Ngày tàn
lá đỏ bóng lay
Nghìn thu lãng đãng
chiều ngây giấc nồng
Sư về
nhặt lá tàn đông
Phía sau mất dấu
rêu rong biển đời.
Chiều buông
vó ngựa chơi vơi
Dặm trường sương khói
vàng rơi cuối đường
Đìu hiu
quán trọ câu vương
Nghìn năm mây trắng
mù sương gót hài.
Đêm tàn
ráng đỏ ban mai
Giật mình ngỡ bóng
chiều phai bên thềm
Hoa cau
nở trắng im đềm
Gió ngây lảng đảng
bờ hiên hương thầm.
Tóc xanh
dài trắng ngày tàn
Chút hương cho gió
nghìn năm sau này?
Trăm năm
dồn lại một ngày
Mỗi giây mỗi phút
thở dài điều hơi.
47. Không đề
1.
Trên đầu sào trăm thước
Con bướm vàng ngủ say
Thiền sư buông tay gậy
Không hư bỗng hiện về.
2.
Ôm mây đầu gối mộng
Ngủ khì vọng trăm năm
Nghìn năm mây lãng đãng
Bước đầu tiên sau cùng.
3.
Đá cười duyên hoa nở
Phật về quên dấu chân
Người đi thiên thu mất
Giọt nắng buồn bân khuân!
4.
Thạch nhơn vẫy cờ múa
Trâu bùn lội qua sông
Sinh tử cầu huyễn mộng
Chợt gãy giữa lòng tay.
5.
Nắng phơi dòng nước lạnh
Mây trời đọng trên mi
Vầng trăng xưa trên đỉnh
Hố thẳm không đáy lay.
6.
Gió lay bông bưởi rụng
Hương thừa sót trăm năm
Đọng mãi vùng ký ức
Thoảng động bờ xa xăm.
7.
Một chút hương cho gió
Một chút lửa cho mây
Một chút tình cho mộng
Một chút si cho ngày.
8.
Xưa kia Người lay mộng
Nay Người về đối không
Mốt mai Người để lại
Biển không hoá mộng vàng.
9.
Chân đi không chạm đất
Mọi nhà ghé lại thăm
Sát-na vô lượng dặm
Chân không giở gót hài.
10.
Qua mơ hiện bươm bướm
Tỉnh ra chủ nhơn ông
Mộng-thật nào biết được
Chân giả có và không?
11.
Tụng kinh hoa lá rụng
Phật quên mất đường về
Buông tay kinh lay động
Phật về từng chữ hoa.
12.
Tự dưng cầu giải thoát
Ai trói buột mà cầu?
Nếu việc không lưu dấu
Xiềng xích có làm gì?
13.
Không nghĩ thiện và ác
Nghĩ gì không vướng tên
Nghĩ về không nơi chốn
Đương niệm về cố hương.
14.
Chuồn chuồn vờn gợn nước
Ảnh chìm mây cuốn bay
Bờ tre trưa gà gáy
Nghìn năm vọng chân mây.
15.
Cu cườm trưa chợt gáy
Nhớ quê nhà ấu thơ
Ngày qua ngày thật vội
Tay trắng tóc bạc phơ!
16.
Hương xoài thơm ngây ngấy
Lay động ký ức xưa
Một khúc đời cơ cực
Tuổi thơ đọng hương thừa.
17.
Rạ rơm mùi nhẫn nại
Mẹ đi cấy trên đồng
Nắng lay da nám đọng
Suốt đời khó vì con.
18.
Sông quê chiều nắng đỗ
Lúa nhẹ thoảng đưa hương
Đò ngang chờ khách vắng
Đèn đỏ lay bóng đêm.
19.
Sinh ra thời ly loạn
Mẹ cha lại nhà nghèo
Tuổi lên năm theo mẹ
Mót lúa cánh đồng xa.
20.
Mùa đông không đủ áo
Trời lạnh đến thấu xương
Co ro trong ổ rạ
Giấc mơ đẹp nửa chừng.
21.
Tối ba mươi mười bốn
Hay theo mẹ lên chùa
Cầu xin trên ân Phật
Cho cả nhà bình an.
22.
Vào chùa năm lên bảy
Làm chú tiểu đuổi chim
Thức khuya và dậy sớm
Tương lai mộng từng giờ.
23.
Năm mươi năm hành đạo
Đến giờ vẫn trắng tay
Từ đầu đến bước cuối
Tay không mộng về nhà.
24.
Dọc đường hoa dại nở
Bướm đậu bờ ngát hương
Vô tình cơn gió thoảng
Lay động giọt nắng xa.
25.
Chú tiểu quỳ đọc tụng
Gật gù tiếng mõ ru
Tiếng chuông choàng tỉnh mộng
Giật mình thời đã qua.
26.
Gối đầu dùi kình ngủ
Âm ba lắng giấc nồng
Chợt tỉnh dùi chuông dộng
Mặt nhật điểm từng không.
27.
Tìm lũng sâu rơi mãi
Như viên bi lăn tròn
Không nơi nào dừng lại
Cuộc sống đã hình thành.
28.
Một viên sỏi liệng xuống
Nước lặng vòng tròn loan
Tâm duyên thế giới hiện
Ba nghìn, hạt bụi lay.
29.
Con dế mèn thấp thỏm
Mơ gối nằm cỏ non
Thay trẻ trò kiêu hãnh
Hơn thua một trận đòn.
30.
Nắng qua còn để lại
Vết hằn nám mặt cha
Suốt đời người xa lạ
Bên cạnh mẹ vì con!
31.
Mỗi trưa hè nắng gắt
Ôi! dòng sông tuổi thơ
Trần truồng duyên vô sự
Còn chút gì mộng mơ.
32.
Lũ chuồn chuồn nhá nước
Đôi cánh trong thật xa
Hình như không biết lạ
Sao lại đậu nơi này?
33.
Trang kinh còn bỏ ngõ
Chú tiểu chạy đâu rồi
Thầy kêu dò kinh đó
Chắc lại tìm mo cau!
34.
“Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhứt thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhứt thiết duy tâm tạo.”
Nếu ai muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Nên quán tánh pháp giới
Đều do tâm tạo ra.
Có tạo để tâm tạo đi
Đại thiên sa giới không ngoài tâm ni
Vọng chân phàm thánh khác gì
Cốt đừng chấp nhứt làm gì được tâm?
Thầy tôi lúc đó dạy tâm
Ba nghìn thế giới ngọng câm lời thầy
Mơ màng từ đó đến nay
Chiêm bao lúc tỏ lúc say chưa rành
Thôi thì để mặc đã đành
Nhưng còn giải quyết tử sanh thế nào?
..........
Giờ thì tỏ mặt ra vào
Đến đi qua lại phương nào cũng thông
Mặc cho tâm tạo vô thường
Đói ăn khát uống lạnh nồng đầy vơi
Tuỳ phương tuỳ cảnh tuỳ thời
Nghĩ suy không vướng đổi dời nào can.
35.
Bờ tre ngồi đứng bóng
Gió thoảng đồng lúa xa
Hương nghìn năm còn đọng
Chút tình vọng cố hương.
36.
Ngư ông còn để lại
Nước gợn bóng chân mây
Động chút bờ lau sậy
Trả lại nước lặng sâu.
37.
Đường quê xa nỗi nhớ
Gập ghềnh dấu chân trâu
Ký ức còn ghi lại
Cánh diều ảnh lưng trâu.
38.
Cánh cò nghiêng nắng xế
Thanh bình chiều đồng quê
Mục đồng nghiêu ngao hát
Trâu tự động đường về.
39.
Đu đưa dưới giàn mướp
Bông vàng rụng hương thơm
Cha đồng xa về muộn
Mẹ ngồi chờ trăng lên.
40.
Cớm rang từ hạt nếp
Nghe thơm lửng mía đường
Món cớm hương đồng nội
Nhớ quê mùa gặt xong.
41.
Rặng núi Bà tiếp giáp
Chân trời biển quê tôi
Vị muối mặn nghìn năm
Kết tinh nguồn đá cội.
42.
Lạc điền qua An lợi
An lợi lên Phổ đồng
Mẹ cha khốn khổ sống
Ôi nước lợ phèn chua!
43.
Một chút thương đồng loại
Một chút thương mẹ cha
Một chút thương nơi ở
Cộng nghiệp xứ nạn ta.
44.
Quê cha vùng Nước mặn
Quê mẹ nước xà hai
Gặp nhau cùng nghiệp sống
Quê nào cũng khó khăn.
45.
Năm lên sáu cắm trại
Lần đầu biết biển khơi
Rừng dương biển Cách thử
Nay ký ức mù khơi!
46.
Thương, cha thường dú kín
Mẹ hiện rõ chăm nom
Tính hiện thực thể hiện
Dù sao, mẹ gần hơn!
47.
Con quê nghèo thường đợi
Ngày giỗ chạp ông bà
Tôi tuổi thơ kỳ lạ
Nước mắn dầm cá rô.
48.
Phần thưởng dành toàn xã
Lớp năm mới vào đời
Cuối năm học trò giỏi
Thầy Tô Bường, Thầy tôi.
Sang lớp tư bết bát
Học hành chẳng ra chi
Cha mẹ thầy phiền trách
Không biết lý do gì?
49.
Ham chơi làm theo ý
Những trận đòn nên thân
Mẹ cha vì con trẻ
Không chỉ lo áo cơm!
50.
Mù sương biển đá lạnh
Hạt cát mòn sóng ca
Nghìn năm ru biển cả
Lắng trong vị trăm sông.
51.
Hàng rào hoa dâm bụt
Cha trồng cạnh mái hiên
Gió lay hoa bướm đậu
Nắng xanh trời ấu niên.
52.
Bông bí vàng ong đậu
Trời xanh thấp xuống dần
Trái non vừa tượng nụ
Tương lai một góc trời.
48. Xin chào tất cả
Ngày qua ta đã chết
Tuổi ấu thơ vô phiền
Ngày nay ta đang chết
Tuổi tráng niên vui phiền.
Ngày mai ta sẽ chết
Biết khi nao hiện về
Phát sinh duyên không đủ
Hơi thở thôi ra về!
Chuyện đời xin để lại
Lợi danh cùng xác thân
Thầy tổ cha cùng mẹ
Bạn bè và người thân.
Cỗ áo quan nến thắp
Hai hàng khóc rưng rưng
Tiếng mõ chuông đồng vọng
Muôn năm mộng giấc nồng.
Huyệt sâu ba tấc đất
Hay thiêu thân cuối cùng
Muôn đời nơi an nghỉ
Ngày qua, chợt ngàn trùng.
Ta xin chào tất cả
Hạt bụi của ta ơi
Nghìn năm bay lãng đãng
Trăm năm hết một đời.
Vô thường lay bóng xế
Cô đơn lay phận buồn
Nay ta lay giấc mộng
Mộng-thật trả về không.
Lầu đầu như lần cuối
Bước lãng du không cùng
Thiên thu mơ còn đọng
Bên thềm hạt bụi rơi.
49. Nguyên xuân
Quê người ở
tận nơi đâu?
Hỏi trăng rằng
tận bước đầu phù du
Hằng sa hạt,
đỉnh phù hư
Lạnh dòng nước chảy
sa mù tử sinh.
Hỏi hoa rằng
bướm tự tình
Sắc khoe bóng lệch
lịch kinh thương ngày
Nhụy vàng
nắng đọng màu phai
Vết loan hoen lổ
thời phai từ nguồn.
Hỏi mây rằng
cũng một giòng
Mưa tuôn cuối bãi
đầu truông chân trời
Ngược xuôi
mấy nẻo luân hồi
Nghìn năm mây vẫn
một đời lênh đênh.
Hỏi sông
nước bỗng buồn tênh
Cầu xưa bắt nhịp
tử sinh bao đời?
Nước xuôi
chảy một dòng thôi
Đến đi nào biết
bóng đời hằng đang.
Hỏi sương,
lá cỏ mơ màng
Giọt vang cuối lối
muộn màng chiêm bao
Buồn trông
mắt lá sương mờ
Ảnh trầm gương cũ
bóng mờ nhạt phai.
Hỏi cây
gió động trăng cài
Đong đưa liễu phấn
hồng phai trước thềm
Mai vàng
chớm nụ hoa đơm
Mấy mùa xuân lại
dưới thềm bước qua.
Hỏi sao,
trăng sáng một màu
Ngày qua ráng nhạt
bên cầu cuối sông
Tường rêu
xanh ngắt một dòng
Mưa qua còn để
dội trong sương mù.
Hỏi ngày
đêm vọng thâm u
Bóng đen quá khứ
trầm u bước dài
Tưởng người dưới nguyệt
một mai
Soi trăng lệ nhỏ
ảnh cài lung linh.
Hỏi người
im lặng làm thinh
Buân quơ tóc xỏa
vô tình gió say
Hương trời
gió nội my cay
Một thân phận nhỏ
chiều ngây ngất lòng.
Hỏi da
thịt trả lòng vòng
Đất thưa hạt bụi
một lòng mà ra
Trăm năm
trên cõi ta bà
Thiên thu trong cõi
hằng sa đất trời.
Hỏi trời
đất trả rằng ơi!
Tận nguồn vô thỉ
cuối đời vô chung
Quê nhà
chỉ một bước chung
Đến đi mất dấu,
nghìn trùng nguyên xuân!
50.Hồi đầu
Nước từ
mây quyện hằng sa
Nghìn trùng cát bụi
vào ra cho dù
Mênh mông
khói đọng bờ hư
Khí phân sắc nét
nguyên như vui phiền
Già lam
bóng rợp hai miền
Thượng thừa một cõi
phước điền vọng đưa
Nhớ ngày
giọt nắng chiều mưa
Đọng qua ký ức
đong đưa phận người
Tử sinh
bước một
hai đời
Đầu truông cuối nẻo
gọi mời lãng du
Thì thôi
cũng mặc phù hư
Nhìn mây lãng đãng
sa mù vây quanh
Hồi đầu
bóng hiện tinh anh
Một lần nhận diện
để thành thiên thu.
51. Trăng lên
Bờ trăng
đáy nước đôi đường
Nửa pha màu sắc
nửa nhường thu không
Có-không
huyễn tưởng vô thường
Xem ra hư-thật
sao lường được đây?
Triều dâng
sương đợi nguyệt đầy
Dấu chân du mục
nhớ ngày nguyên sơ
Bước đầu
cuối dặm bơ vơ
Còn nguyên sơ mộng
bên bờ trăng lên.
52. Đi về
Rỗng rang
một cõi đi về
Đến đi mất lối
đường về chân không
Ngược dòng
sóng vỗ đầu non
Chim non bỏ tổ
ngọn nguồn bay xa
Đường về
nào biết gần xa
Hiện thân một cõi
quê nhà mây bay
Hôm qua
mộng vỡ trời tây
Sáng ra chim hót
vườn đầy ráng vân
Đưa ta
huyệt hạ phù vân
Để cho lệ nhỏ
một lần rồi thôi
Thiên thu
đọng lại một đời
Một lần thôi cũng
ngậm ngùi nghìn năm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top