Lý luận dắt mũi đầu tiên

Chào các bạn mị đã trở lại rồi đây, xin lỗi vì đã để mọi người chờ lâu nhé. Như đã hứa thì hôm nay mị sẽ nói về lý luận dắt mũi đầu tiên: Thứ mà văn học đại chúng đã dùng để khống chế tư duy của chúng ta, khiến chúng ta trở nên tự ti và sợ hãi - Mỗi ngày.

Thế, lý luận đáng sợ đó là gì?

Chỉ hai từ thôi:

Thiên tài.

Chà có lẽ các bạn khó mà hiểu được mối liên kết trong các từ khóa này, vậy nên mị sẽ lý giải một chút. Như chúng ta đã biết, văn học dùng nhân vật để thiết lập nên một thế giới trong tâm trí người đọc, khiến người đọc mơ về thế giới đó, vui buồn yêu giận theo từng sự kiện diễn ra trong thế giới đó.

Nhân vật là công cụ tiên quyết để dẫn dắt và lôi cuốn người đọc. Nhưng người đọc sẽ bị thu hút bởi nhân vật như thế nào chứ?

Nếu nhân vật quá nhàm chán thì không đủ sức câu kéo độc giả, nhân vật tốt nhất phải thật nổi bật, à và phải thật siêu việt nữa. Phải có cái gì đấy khác người thường, là người đạt được tất cả các lý tưởng trong cuộc sống.

Và thế, những nhân vật thiên tài ra đời, được ban cho tất cả khả năng ưu việt, tách biệt hoàn toàn với thực tế.

Độc giả yêu thích thậm chí cuồng tưởng về nhân vật. Cảm giác nhân vật đó thật phi thường, thật giỏi giang, việc gì cũng có thể làm được và thế là tôn nhân vật lên trên mây, quên mất rằng nhân vật đó sau cùng cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi.

Nhưng chưa dừng ở đó, đừng quên rằng văn học có tính hình tượng. Rằng những gì văn học tạo ra trên trang sách có thể trở thành khuôn mẫu để định hình lại thế giới hiện thực. Và chuyện gì đến cũng phải đến, người ta bắt đầu lấy những tiêu chí của nhân vật trong truyện để đánh giá con người trong thực tế.

Bạn không nghe nhầm đâu, người ta làm vậy thật đấy.

Xã hội gọi kiểu áp đặt như thế bằng hai từ đơn giản 'tấm gương'. Và rồi, xã hội bắt đầu khiến mọi người phải noi theo tấm gương đó.

Nhưng liệu tấm gương này có quá cao vời so với con người trong thực tế hay không? Liệu con người trong thực tế có thể noi được một tấm gương quá khổ với tầm vóc của mình? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta không thể noi được?

Chỉ trích là tất yếu. Chúng ta bị chỉ trích vì không giống như tấm gương đó, thậm chí bị bắt nạt tinh thần. Và rồi chúng ta sợ hãi, tự ti và hoài nghi chính mình. Tự nghĩ mình là kẻ tồi tệ mà đâu biết rằng những tiêu chí xã hội bắt chúng ta phải tuân theo kia chỉ xuất phát từ một nhân vật tưởng tượng.

Cuộc sống là muôn màu, con người cũng vậy, không ai giống ai, ai cũng được thượng đế ban cho những ưu điểm và khuyết điểm nhất định, chúng tổng hòa và tạo nên hình thái hoàn chỉnh của mỗi người. Đừng cố ép buộc bất kì ai phải trở thành người khác với lý do người đó tốt, là tấm gương đáng noi theo. Hãy để họ tự nguyện và tự do phát triển, để họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ chứ không phải ai khác.

So sánh giữa người với người đã là xấu tính, so sánh giữa người và nhân vật tưởng tượng càng bệnh hoạn hơn.

Đừng để bản thân rơi vào cái bẫy so sánh để rồi đánh mất chính mình.

Xong phần đầu, mị đã làm rõ cái cách mà văn học đại chúng dùng để thao túng tâm lý chúng ta, đó là thông qua nhân vật, tạo một hình tượng nhân vật lộng lẫy và ép chúng ta phải dần tôn thờ những tiêu chuẩn dựa theo nhân vật đó. Ở bài sau mị sẽ đi vào chi tiết hơn, sẽ nói về những hình mẫu vô thực điển hình mà văn học đại chúng đã sử dụng để định hình tư duy đám đông.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #rank