Đề 2: Phân tích nhân vật Mị.

Trong bài cảm nghĩ về chuyện "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài viết: "Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt"(Tác phẩm văn học 1930- 1975, Tập hai, NXB Khoa học Xã hội, 1990, trang 71)Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn " Vợ chồng A Phủ" (đoạn trích được học) của Tô Hoài để làm sáng tỏ nhận xét trên.

Ý1.Giải thích ý kiến:

- Nêu rõ cuộc sống cực nhục của người dân nghèo miền núi

- Đề cao bản chất tốt đẹp và khẳng định sức sống bất diệt của con người.

Ý2. Phân tích

a. Con người tốt đẹp bị đày đọa :

- Mị có phẩm chất tốt đẹp:

+ Mị là một thiếu nữ xinh đẹp, tài hoa, hồn nhiên, yêu đời. Cô không những chăm chỉ làm ăn mà còn yêu tự do, ý thức được quyền sống của mình.

+ Phẩm chất tốt đẹp nhất của Mị là giàu lòng vị tha, đức hi sinh: Mị thà chết còn hơn sống khổ nhục, nhưng rồi Mị chấp nhận sống khổ nhục còn hơn là bất hiếu, còn hơn thấy cha mình già yếu vẫn phải chịu bao nhục nhã khổ đau.

- Bị đày đọa về thể xác lẫn tinh thần:

+ Mang danh là con dâu thống lí, vợ của con quan nhưng Mị lại bị đối xử như một nô lệ. Mị ở nhà chồng mà như ở địa ngục với công việc triền miên. Mị sống khổ nhục hơn cả súc vật, thường xuyên bị A Sử đánh đập tàn nhẫn. Mị sống như một tù nhân trong căn buồng chật hẹp, tối tăm.

+ Trong cuộc sống tù hãm, Mị vô cùng buồn tủi, uất ức. Muốn sống cũng chẳng được sống cho ra người, muốn chết cũng không xong. " Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi" dường như Mị bắt đầu chấp nhận thân phận khốn khổ, sống như cái bóng, như "con rùa nuôi trong xó cửa".Mị sống mà như chết.

b. Sức sống tiềm tàng mạnh mẽ:

- Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình xuân ở Hồng Ngài:

+ Bên trong hình ảnh " con rùa nuôi trong xó cửa" vẫn đang còn một con người khát khao tự do, khát khao hạnh phúc. Gió rét dữ dội cũng không ngăn được sức xuân tươi trẻ trong thiên nhiên và con người, tất cả đánh thức tâm hồn Mị . Mị uống rượu để quên hiện tại đau khổ . Mị nhớ lại thời con gái, Mị sống lại với niềm say mê yêu đời của tuổi trẻ . Trong khi đó, tiếng sáo( biểu tượng của tình yêu và khát vọng tự do) từ chỗ là hiện tượng ngoại cảnh đã đi sâu vào tâm tư Mị.

+ Mị thắp đèn như thắp lên ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối. Mị chuẩn bị đi chơi nhưng bị A Sử trói lại . Tuy bị trói nhưng Mị vẫn tưởng tượng và hành động như một người tự do, Mị vùng bước đi.

- Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cuối cùng ở nhà Pá Tra :

+ Lúc đầu thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên. Nhưng đêm ấy, Mị thấy dòng nước mắt trên má A Phủ. Nhớ lại cảnh ngộ của mình trong đêm mùa xuân năm trước, Mị đồng cảm, thương xót A Phủ. Phân tích nét tâm lí: Mị thấy cái chết sắp tới với A Phủ là uất ức, phi lí. Mị không sợ hình phạt của Pá Tra , ý thức căm thù và lòng nhân ái giúp Mị thắng nỗi sợ hãi, biến Mị thành con người dũng cảm trong hành động cắt dây trói cứu A Phủ.

+ Ngay sau đó, Mị đứng lặng trong bóng tối với bao giằng xé trong lòng. Nhưng rồi khát vọng sống trỗi dậy thật mãnh liệt, Mị vụt chạy theo A Phủ, đến với tự do.

Ý3 : Đánh giá

- Với bút pháp hiện thực sắc sảo, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị.

- Cuộc đời đau khổ, tủi nhục của Mị có ý nghĩa tiêu biểu cho kiếp sống khốn khổ của người dân miền núi dưới ách thống trị của các thế lực phong kiến và thực dân .

- Nhưng có áp bức có đấu tranh, nhân vật Mị chính là điển hình sinh động cho sức sống tiềm tàng, sức vươn lên mạnh mẽ của con người từ trong hoàn cảnh tăm tối, hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do.

Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong truyện "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài.

I . Mở bài

Tô Hoài là nhà văn lớn của nền văn xuôi hiện đại VN với số lượng tác phẩm đạt kỉ lục .Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công nhất trong ba truyện ngắn viết về đề tài Tây Bắc của ông .Tác phẩm có một giá trị hiện thực và nhân đạo đáng kể . Truyện viết về cuộc sống của người dân lao động vùng núi cao, dưới ách thống trị tàn bạo của bọn thực dân phong kiến miền núi . Đặc biệt truyện đã xây dựng thành công nhân vật Mị , qua đó ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng và khả năng đến với cách mạng của nhân dân Tây Bắc .

II. Thân bài

Vợ chồng A Phủ in trong tập truyện Tây Bắc (1954). Tập truyện được tặng giải nhất- giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954- 1955.Tác phẩm ra đời là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn cùng với bộ đội giải phóng Tây Bắc năm 1952 .

Vợ chồng A Phủ mở đầu bằng cách giới thiệu nhân vật Mị ở trong cảnh tình đầy nghịch lý và cuốn hút độc giả : "Ai ở xa về, có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa . Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi" . Cách giới thiệu tạo ra những đối nghịch về một cô gái âm thầm lẻ loi, âm thầm như lẫn vào các vật vô tri: cái quay sợi, tảng đá, tàu ngựa ; cô gái là con dâu nhà thống lí quyền thế, giàu có nhưng sao mặt lúc nào "buồn rười rượi". Khuôn mặt đó gợi ra một số phận đau khổ , bất hạnh nhưng cũng ngầm ẩn một sức mạnh tiềm tàng .

Mị trước đó vốn là một người con gái đẹp . Mị có nhan sắc, và có khả năng âm nhạc, cô giỏi sáo và giỏi , uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo" . Cô còn một tâm hồn tràn đầy khát khao cuộc sống, khát khao yêu đương . Quả thế, Mị đã được yêu, và đã khát khao yêu, trái tim từng đã bao nhiêu lần hồi hộp trước trước âm thah hò hẹn của người yêu .

Nhưng người con gái tài hoa miền sơn cước đó phải chịu một cuộc đời bạc mệnh . Để cứu nạn cho cha, cuối cùng cô đã chịu bán mình, chịu sống cảnh làm người con dâu gạt nợ trong nhà thống lí .

Tô Hoài đã diễn tả nỗi cực nhọc về thể xác của người con gái ấy, con người với danh nghĩa là con dâu , nhưng thực chất chính là tôi tớ . Thân phận Mị không chỉ là thân trâu ngựa, "Con trâu con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái ở cái nhà ngày thì vùi vào việc làm cả ngày lẫn đêm" .

Song nhà văn còn khắc hoạ đậm nét nỗi đau khổ về tinh thần của Mị . Một cô Mị mới hồi nào còn rạo rực yêu đương, bây giờ lặng câm , "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa" . Và nhất là hình ảnh căn buồng Mị, kín mít với cái cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, Mị ngồi trong đó trông ra lúc nào cũng thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng . Đó quả thực là một thứ địa ngục trần gian giam hãm thể xác Mị, cách li tâm hồn Mị với cuộc đời, cầm cố tuổi xuân và sức sống của cô . Tiếng nói tố cáo chế độ phong kiến miền núi ở đây đã được cất lên nhân danh quyền sống . Cái chế độ ấy đáng lên án, bởi vì nó làm cạn khô nhựa sống, làm tàn lụi đi ngọn lửa của niềm vui sống trong những con người vô cùng đáng sống .

Mị đã từng muốn chết mà không được chết , vì cô vẫn còn đó món nợ của người cha . Nhưng dến lúc có thể chết đi, vì cha Mị không còn nữa thì Mị lại buông trôi , kéo dài mãi sự tồn taịi vật vờ . Chính lúc này cô gái còn đáng thương hơn . Bởi muốn chết nghĩa là vẫn còn muốn chống lại một cuộc sống không ra sống, nghĩa là xét cho cùng, còn thiết sống . Còn khi đã không thiết chết , nghĩa là sự tha thiết với cuộc sống cũng không còn, lúc đó thì lên núi hay đi nương, thái cỏ ngựa hay cõng nước... cũng chỉ là cái xác không hồn của Mị mà thôi .

Sức sống của Mị dường như mất đi . Nhưng bên trong cái hình ảnh con rùa lầm lũi kia dang còn một con người . Khát vọng hnạh phúc có thể bị vùi lấp , bị lãng quyên trong đáy sâu của một tâm hồn đã chai cứng vì đau khổ, nhưng không thể bị tiêu tan . Gặp thời cơ thuận lợi thì nó lại cháy lên. Và khát vọng hạnh phúc đó đã bất chợt cháy lên, thật nồng nàn và xót xa trong một đêm xuân đầy ắp tiếng gọi của tình yêu .

Bức tranh Hồng Ngài mùa xuân năm ấy có sức làm say đắm lòng người tuổi trẻ . Gió rét, sắc vàng ửng của cỏ tranh, sự biến đổi màu sắc kì ảo của các lòai hoa đẹp đã góp phần làm nên cuộc nổi loạn trong một tâm hồn đã bấy nhiêu năm tê dại vì đau khổ . Tác nhân quan trọng là hơi rượu . Ngày tết năm đó Mị cũng uống rượu, Mị lén uống từng bát , "uống ừng ực" rồi say đến lịm người đi . Cái say cùng lúc vừa gây sự lãng quên vừa đem về nỗi nhớ . Mị lãng quên thực tại (nhìn mọi người nhảy đồng , người hát mà không nghe, không thấy và cuộc rượu tan lúc nào cũng không hay) nhưng lại nhớ về ngày trước (ngày trước, Mị thổi sáo cũng giỏi ...), và quan trọng hơn là Mị vẫn nhớ mình là một con người, vẫn có cái quyền sống của một con người : "Mị vẫn còn trẻ . Mị muốn đi chơi . Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết . Huống chi Mị và A Sử, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau" .

Nhưng tác nhân có tác dụng nhiều nhất trong việc dìu hồn Mị bềnh bồng về với những khát khao hạnh phúc yêu đương có lẽ vẫn là tiếng sáo bởi tiếng sáo là tiếng gọi của mùa xuân, của tình yêu và tuổi trẻ . Tiếng sáo rập rờn trong đầu Mị, nó đã trở nên tiếng lòng của người thiếu phụ .

Mị đã thức dậy với sức sống tiềm tàng và cảm thức về thân phận . Cho nên trong thời khắc âý, ta mới thấy Mị đầy rẫy những mâu thuẫn . Lòng phơi phới nhưng Mị vẫn theo quán tính bước vào buồng , ngồi xuống giường, trông ra cái lỗ vuông mờ mờ trăng trắng . Và khi lòng ham sống trỗi dậy thì ý nghĩ đầu tiên là được chết ngay đi .

Nhưng rồi nỗi ám ảnh và sức sống mãnh liệt của tuổi xuân cứ lớn dần , cho tới khi nó lấn chiếm hẳn trọn bộ tâm hồn và suy nghĩ của Mị, cho tới khi Mị hoàn toàn chìm hẳn vào trong ảo giác : "Mị muốn đi chơi . Mị cũng sắp đi chơi" . Phải tới thời điểm đó Mị mới có hành động như một kẻ mộng du : quấn lại tóc , với thêm cái váy hoa, rồi rút thêm cái áo . Tất cả những việc đó , Mị đã làm như trog một giấc mơ, tuyệt nhiên không nhìn thấy A Sử bước vào, không nghe thấy A Sử hỏi ".

Rồi cái gì đến đã đến . A Sử trói Mị vào cột, rồi lẳng lặng khoác thêm vòng bạc đi chơi , bỏ mặc Mị trong trạng thái mộng du đang chìm đắm với những giấc mơ về một thời xuân trẻ, đang bồng bềnh trong cảm giác du xuân . Tâm hồn Mị đang còn sống trong thực tại ảo, sợi dây trói của đời thực chưa thể làm kinh động ngay lập tức giấc mơ của kẻ mộng du . Cái cảm giác về hiện tại tàn khốc, Mị chỉ cảm thấy khi vùng chân bước theo tiếng sáo mà tay chân đau không cựa được . Nhưng nếu cái mơ không đến một lần nữa thì sự tỉnh ra cũng vậy . Lại một giai đoạn chập chờn nữa giữa cái mơ và cái tỉnh, giữa tiếng sáo và nỗi đau nhức của dây trói và tiếng con ngựa đạp vách, nhai cỏ , gãi chân . Nhưng bây giờ thì theo chiều ngược lại, tỉnh dần ra, đau đớn và tê dại dần đi, để sáng hôm sau lại trở về với vị trí của con rùa nuôi trong câm lặng, mà còn câm lặng hơn trước .

Nhưng có lẽ sức sống của Mị bùng lên mạnh mẽ nhất là lúc Mị cởi trói cho A Phủ . Cũng như Mị, A Phủ là nạn nhân của chế độ độc tài phong kiến miền núi . Những va chạm mang đầy tính tự nhiên của lứa tuổi thanh niên trong những đêm tình mùa xuân đã đưa A Phủ trở thành con ở gạt nợ trong nhà thống lí . Và bản năng của một người con vốn sống gắn bó với núi rừng, ham thích săn bắn đã đẩy A Phủ tới hiện thực phũ phàng : bị trói đứng . Và chính hoàn cảnh bi thương đó đã đánh thức lòng thương cảm trong con người Mị . Nhưng tình thương đó không phải tự nhiên bùng phát trong Mị mà là kết quả của một quá trình đấu tranh giằng xé trong thế giới nội tâm của cô . Mấy hôm đầu Mị vô cảm, thờ ơ với hiện thực trước mắt : "A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi" . Câu văn như một minh chứng sự tê dại trong tâm hồn Mị . Bước ngoặt bắt đầu từ những dòng nước mắt :"Đêm ấy A Phủ khóc . Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai lõm má đã xạm đen" . Và giọt nước mắt kia là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy cốc nước . Nó đưa Mị từ cõi quên trở về với cõi nhớ . Mị nhớ mình đã từng bị trói, đã từng đau đớn và bất lực . Mị cũng đã khóc, nước mắt chảy xuống cổ, xuống cằm không biết lau đi được . A Phủ, nói đúng hơn là dòng nước mắt của A Phủ, đã giúp Mị nhớ ra mình, xót thương cho mình .

Và Mị đã nhớ lại mình, biết nhận ra mình cũng từng có những đau khổ, mới có thể thấy có người nào đó cũng khổ giống mình . Từ sự thương mình, Mị dần dần có tình thương với A Phủ, tình thương với một con người cùng cảnh ngộ . Nhưng nó còn vượt lên giới hạn thương mình : "Mình là đàn bà ... chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi còn người kia việc gì mà phải chết " . Mị cởi trói cho A Phủ để rồi bất ngờ chạy theo A Phủ . Lòng ham sống của một con người như được thổi bùng lên trong Mị, kết hợp với nỗi sợ hãi, lo lắng cho mình. Mị như tìm lại được con người thật , một con người còn đầy sức sống và khát vọng thay đổi số phận .
Nhà văn Tô Hoài đã viết về Mị với tất cả lòng yêu thương, thông cảm, và chỉ có lòng yêu thương thông cảm, Tô Hoài mới phát hiện ra vẻ đẹp tiềm tàng trong tâm hồn những con người ham sống như Mị .

III . Kết bài

Vợ chồng A Phủ qua việc khắc hoạ sâu sắc cuộc đời , số phận , tính cách Mị đã tố cáo hùng hồn, đanh thép những thế lực phong kiến , thực dân tàn bạo áp bức bóc lột, đọa đày người dân nghèo miền núi . Đồng thời nó cũng khẳng định khát vọng tự do hạnh phúc , sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của những người lao động . Đặc biệt đề cao sự đồng cảm giai cấp, tình hữu ái của những người lao động nghèo khổ . Chính điều này đem lại sức sống và sự vững vàng trước thời gian của Vợ chồng A Phủ .

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: