văn hóa ứng xử nơi công cộng

Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là một kỹ năng quan trọng đối với mỗi người. Có thể một người có hình thức thật nổi bật, cá tính thật hay, nhưng thiếu đi những kỹ năng ứng xử đúng mực trước mọi người, họ đã tự làm xấu đi hình ảnh của mình. Trong một cuộc họp bàn về xây dựng nếp sống văn hóa mới đây, một nhà nghiên cứu cũng cho rằng, ứng xử nơi công cộng đang là một vấn đề lớn đặt ra trong cuộc xây dựng người Hà Nội văn minh. Bởi bây giờ, ra đường là gặp những hành vi thiếu văn hóa, thậm chí những hành vi đó đã trở thành thói quen khó sửa của không ít người.

Nhiều người vẫn biết, hút thuốc nơi cộng cộng là không được phép, không lịch sự, biết xả rác ra đường là hành vi xấu… nhưng vẫn làm, đặc biệt là khi không có ai nhìn thấy. Thậm chí ngay chốn đông người như ở ngã tư hay trên xe buýt, một số người vẫn cư xử thiếu văn hóa, như vượt đèn đỏ, tranh chỗ. Có lẽ họ nghĩ sẽ khó có dịp gặp lại lần thứ hai những người cùng ngồi chung xe, hay đứng tại ngã tư với mình, nên không việc gì phải “nhìn trước ngó sau”, giữ ý. Chuyện nói lời xin lỗi khi vô tình đụng phải người khác có lẽ với nhiều người là xa xỉ. Tại một ngã tư trên đường Nguyễn Chí Thanh, mọi người vội dừng lại khi đèn đỏ bật sáng. Vừa chống chân xuống đường, bỗng nghe cô gái kêu thét lên. Nhìn sang thì thấy bánh trước xe máy của người đàn ông phía sau đã chèn lên gót chân cô. Không nói gì, cô vừa xuýt xoa vừa khó chịu quay lại nhìn người đã “quá tay ga”. Ngược lại với suy nghĩ của nhiều người, người chủ của chiếc xe máy ấy không tỏ thái độ gì, anh ta bình thản nhìn đi chỗ khác, coi đó như việc bình thường, tất phải xảy ra khi dừng xe. “Cái ông này đi đứng kiểu gì, làm chảy máu chân người ta mà không thèm xin lỗi”, người phụ nữ đứng cạnh mau miệng nói. “Việc của bà đấy à, làm sao mà tôi phải xin lỗi... chỉ được cái lắm chuyện”, người đàn ông lớn tiếng. Đèn xanh, người đàn ông cũng hòa vào dòng người phóng đi. Vừa bực mình vì bị đau chân, vừa tức thái độ của người đàn ông, cô gái ấm ức: “Nhìn ông ta thì cũng là người có học, nên mình cũng không nói gì. Nhưng sao ông ta nói năng khó nghe vậy, thật là...”. Đúng là “lời nói không mất tiền mua”, nhưng với nhiều người khó thốt ra được câu nói để làm vừa lòng nhau.

Chuyện ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng bây giờ không chỉ dừng lại ở cảnh chen lấn, thậm chí chửi nhau trước quầy vé tàu, xe ngày lễ tết, chuyện ăn mặc chướng mắt của những thanh nữ, chuyện rú ga trước cổng bệnh viện, trường học, chuyện bấm còi ầm ĩ, chuyện mở nhạc to vào giữa đêm khuya… Còn ở cả những hành vi tưởng như là rất văn hóa như ngắm hoa, yêu đương cũng gây phiền hà cho người chung quanh. Trong một quán cà phê rất thơ mộng, mọi người giật mình vì những câu nói với âm lượng lớn và ngôn từ ấn tượng phát ra từ hai thanh nữ ở tuổi mười tám đôi mươi xinh xắn, ăn mặc khá sành điệu: “Này hai thằng kia, chúng mày có đến ngay đây không, các bà đang chết sầu đây này. Đến đây đưa các bà đi uống rượu...”. Người đàn ông trung niên ngồi bàn bên cạnh quay sang nói với vợ mình: “Mấy đứa nó làm sao vậy, có còn biết giữ lịch sự nữa không. Thanh niên bây giờ thật là...”. Nhưng những người trong quán có lẽ còn phải “mắt tròn mắt dẹt” ngạc nhiên hơn nữa khi những người bạn trai mà các cô “triệu tới” đã đến. Một chai rượu được gọi ra, có lẽ để giải “sầu”. Thế là cứ “chén tạc, chén thù”, một chân trên ghế, một chân dưới đất, họ thi nhau nâng ly. Cùng với những ly rượu đổ vào là những ngôn từ không mấy hay ho được các cô tuôn ra, từ bình phẩm “con này, thằng kia” đến cả chuyện ở trường, ở lớp dưới góc nhìn méo mó. Những lời nói không ăn nhập gì với khuôn mặt xinh đẹp của họ. Một số người lớn tuổi ngồi những bàn gần đấy đứng dậy đi về, bởi ngôn từ và thái độ của các cô gái đã làm “đục” cái không khí trong lành của quán.

Nhiều người cho rằng, bây giờ bên cạnh những ưu điểm của người thành phố hiện đại thì nhiều người cũng có thêm những tật xấu như thói quen ứng xử thiếu văn hóa ngay trong các cuộc họp, hay chốn đông người... Trong các cuộc họp hay hội nghị, ta thường thấy những người “vô tư” để kiểu chuông điện thoại mình ưa thích kêu rất to, dù trước đó đã được nghe lời đề nghị lịch sự của ban tổ chức nhắc nhở mọi người tắt điện thoại hoặc để theo chế độ rung. Thậm chí có người còn thản nhiên nói chuyện điện thoại oang oang trong cuộc họp như chốn không người. Thái độ bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người biểu hiện rõ ở việc nhiều người khi xem chương trình ca nhạc, dự cuộc liên hoan, thậm chí hội họp, mặc dù không biết nội dung thế nào nhưng hễ thấy không thích là bỏ ra về...

Trong một cuộc hội thảo về vấn đề ứng xử có văn hóa trong cộng đồng, có ý kiến cho rằng: Ý thức, lương tâm, tinh thần trách nhiệm là ba yếu tố hàng đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và ứng xử có văn hóa, nhưng khi ba yếu tố này không được xem trọng, luật pháp phải can thiệp. Bởi ưng xử văn hóa là một hành vi không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện. Chính vì vậy mà tại các nước tiên tiến, pháp luật quy định những khoản phạt rất nặng cho các hành vi vi phạm văn hóa, xâm hại đến quyền lợi của người khác và cộng đồng. Ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt các vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng. Hơn nữa, giáo dục ý thức phải đi vào cộng đồng bằng các chương trình cụ thể, chứ không chỉ bằng văn bản và truyền thông thông thường.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thanh