van hoa tam giao dong nguyen

[email protected]

0979842171

Văn hóa "Tam giáo đồng nguyên": Mở ra kỷ nguyên văn minh Đại Việt

20/11/2009

Các nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa Tam giáo đồng nguyên của vương triều Lý đã mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước - kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Bởi văn hóa này đã bao trùm lên tất cả các thành tố văn hóa trong đời sống xã hội kéo dài suốt 216 năm của nhà Lý.

Trong bước phát triển về mọi mặt nói chung và những giá trị lịch sử văn hóa của triều Lý nói riêng, các nhà nghiên cứu nhìn chung đều thống nhất, đó là nền văn hóa được kết hợp một cách khoan dung, hòa hợp giữa các tín ngưỡng dân gian Nho - Phật - Đạo, hay còn gọi là hiện tượng "Tam giáo đồng nguyên", trong đó Phật giáo được coi là quốc giáo. Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, Gs Phan Huy Lê cho biết: hầu hết các vua thời Lý, Trần đều tôn sùng đạo Phật, bỏ nhiều tiền của xây chùa tháp, cúng ruộng cho chùa, tạc tượng, đúc chuông, dịch kinh, soạn sách Phật... Năm 1031, vua Lý xuống chiếu phát tiền để làm hơn 150 chùa quán ở các hương ấp; có nhiều tôn thất quý tộc đã quy Phật như Hoàng hậu Ỷ Lan... Ngoài ra, nhà Lý còn cho xây dựng hàng loạt ngôi chùa nổi tiếng như chùa Diên Hựu, chùa Phật tích, chùa Long Đọi...

Kỷ niệm 1.000 năm thiết lập vương triều Lý (1009-2009) và hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 21.11, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo khoa học 1.000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long. Hơn 60 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tập trung làm rõ những cống hiến to lớn của Đức vua Lý Thái Tổ, của vương triều Lý (8 vị vua trị vì trong 216 năm) và quân dân Đại Việt, sau khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và đặt nền tảng cho sự phát triển của nền văn minh Đại Việt.

Thời Lý, các đạo sỹ luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Họ thường được triều đình mời vào cung làm các lễ tống trừ ma qủy vào các dịp lễ tết, đi trấn yểm các vùng sông núi, làm phép cầu đạo... Những đạo sỹ nổi tiếng dưới thời kỳ này như Thông Huyền đạo nhân, Giác Hải thiền sư... Ngoài ra Đạo giáo cùng với Phật giáo và Nho giáo còn được đưa vào nội dung của các kỳ thi Tam giáo.

Một nét nổi bật khác trong văn hóa "Tam giáo đồng nguyên" thời Lý là sự tồn tại và phát triển của Nho học. Mặc dù được du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc nhưng đến thời kỳ này vẫn giữ một vị trí khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa và nhu cầu phát triển văn hóa của đất nước thì Nho học ngày dần có vị thế trong đời sống văn hóa triều Lý. Việc xây dựng Văn Miếu năm 1070 làm nơi dạy học cho các Hoàng Thái Tử đã đưa văn hóa Nho gia dần đi vào đời sống. Đặc biệt là việc triều Lý mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên vào năm 1075 đã đặt nền móng cho sự phát triển của Nho giáo tại nước ta. Mặc dù trong suốt cả chiều dài tồn tại 216 năm của vương triều Lý chỉ mở 3 khoa thi, chủ yếu dành cho tầng lớp quý tộc, nhưng có thể thấy Nho giáo đã đóng vai trò quan trọng trong "Tam giáo đồng nguyên". Việc xuất hiện chữ Nôm trên văn bia cho thấy văn hóa Đại Việt đã tiếp nhận một cách có chọn lọc từ các nền văn minh lớn trên thế giới và trong khu vực.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn, dung hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã tạo nên một nền văn minh Đại Việt rực rỡ và tinh hoa. Đó chính là sự kết hợp của gam màu văn hóa dân gian với văn hóa bác học cung đình. Nói về vấn đề này, PGs, Ts Nguyễn Thừa Hỷ cho biết, "Sự kết hợp văn hóa Đại Việt thời Lý được xây dựng trên nền tảng của một tầng văn hóa bản địa, có tiếp xúc giao lưu hai chiều với các nền văn hóa Trung Hoa phương Bắc, văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á hải đảo phương Nam... thông qua chính sách "Tam giáo tịnh tồn" của Nhà nước phong kiến". Sự kết hợp đó đã tạo ra nét riêng biệt của văn hóa Đại Việt triều Lý, tạo tiền đề cho sự phát triển của nền văn hóa Đại Việt các triều đại sau này. Dù đồng hành tồn tại, song trong "Tam giáo đồng nguyên" triều Lý, đạo Phật vẫn đóng vai trò chủ đạo. Lý giải cho vấn đề này, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hà, "Đức vua Lý Thái Tổ chịu sự ảnh hưởng lớn từ thiền sư Vạn Hạnh - người nuôi nấng, dạy dỗ và hết lòng phù giúp cho sự nghiệp của Lý Công Uẩn bằng trí tuệ mẫn tiệp của mình".

Có thể nói, bước phát triển trong văn hóa "Tam giáo đồng nguyên" của vương triều Lý đã tạo nên bản sắc của văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Hiểu rõ về văn hóa "Tam giáo đồng nguyên" sẽ là sợi chỉ đỏ để các thế hệ hôm nay hiểu hơn về hồn cốt, truyền thống văn hóa giàu đẹp của Thăng Long - Hà Nội khi Thủ đô chuẩn bị tròn 1.000 năm tuổi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top