van de co ban cua triet hoc
VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC là vấn đề về mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, giữa vật chất và ý thức. Nó là vấn đề cơ bản vì việc giải quyết nó sẽ quyết định cơ sở để giải quyết những vấn đề khác của triết học, điều đó đã được chứng minh trong lịch sử phát triển lâu dài và phức tạp của triết học, VĐCBCTH có hai mặt: 1) Giữa vật chất và ý thức, cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào? 2) Con người có khả năng nhận thức được thế giới không? Có khả năng phản ánh đúng đắn hiện thực không? Về mặt thứ nhất, có ba cách trả lời: a) Những người theo chủ nghĩa duy vật thì cho rằng vật chất có trước và vật chất quyết định ý thức. Chủ nghĩa duy vật có ba hình thức cơ bản tương ứng với ba trình độ phát triển của nhận thức: một là, chủ nghĩa duy vật ngây thơ (hay tự phát) của các nhà triết học cổ Hi Lạp và La Mã; hai là, chủ nghĩa duy vật siêu hình thế kỉ 17 - 18; ba là, chủ nghĩa duy vật biện chứng do Mac, Enghen xây dựng nên và Lênin phát triển. b) Những người theo chủ nghĩa duy tâm lại quả quyết rằng, ý thức có trước vật chất, quyết định vật chất, suy đến cùng là thừa nhận sự sáng tạo ra thế giới bằng cách này hay cách khác. Chủ nghĩa duy tâm có hai phái: một là, chủ nghĩa duy tâm chủ quan, thừa nhận cảm giác, "cái tôi" có trước; hai là, chủ nghĩa duy tâm khách quan thừa nhận sự sáng tạo ra thế giới bởi một "ý niệm tuyệt đối" nào đó. Về vấn đề này, cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm đều được xem là nhất nguyên luận. c) Ngoài hai trường phái chủ yếu trên, trong lịch sử triết học còn tồn tại một trường phái thứ ba, những người theo trường phái này thừa nhận cả hai nguyên thể vật chất và tinh thần xuất hiện cùng một lúc và tồn tại độc lập với nhau. Những người này được gọi là những nhà nhị nguyên luận. Thực chất nhị nguyên luận không phải là con đường thứ ba trong triết học, mà đó chỉ là biểu hiện tính chất không triệt để, muốn điều hoà giữa chủ nghĩa duy vật và duy tâm.
Về mặt thứ hai, con người có khả năng nhận thức được thế giới không? Có khả năng phản ánh đúng đắn hiện thực không? Enghen gọi đó là vấn đề tính đồng nhất giữa tư duy và tồn tại theo ngôn ngữ triết học. Có hai cách trả lời: a) Tuyệt đại đa số các nhà triết học (cả các nhà duy vật lẫn các nhà duy tâm) đều khẳng định là có, song ở đây có sự khác nhau căn bản giữa các nhà duy vật và các nhà duy tâm, đó là: thế giới là thế giới nào? Thế giới vật chất, hiện thực hay thế giới tinh thần. b) Một số nhà triết học mà tiêu biểu là Hium (D. Hume) và Kantơ (E. Kant) không thừa nhận là có thể nhận thức được thế giới một cách đầy đủ. Những người này được gọi là những người theo thuyết bất khả tri. Sự phát triển của thực tiễn đã bác bỏ quan điểm sai lầm của họ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top