VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền. Đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc đã hình thành rõ rệt trong nhiều thế kỷ trước. Đã nhiều lần trong lịch sử, nước ta đã cử các sứ bộ sang Trung Quốc họp hoặc hội nghị với Trung Quốc (như hai cuộc Hội nghị Vĩnh Bình giữa nhà Lý và nhà Tống năm 1033 và năm 1084 ) để ấn định biên cương. 
Đến thế kỷ thứ XIX đế quốc Pháp thiết lập chế độ thực dân ở nước ta, Chính phủ Pháp nhân danh Việt Nam và triều đình nhà Thanh ký các Công ước 1887, 1895 giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam và Trung Quốc, chính thức công nhận đường biên giới đó. Đồng thời đường biên giới đó được cụ thể hoá bằng 310 cột mốc quốc giới, trên thực địa đã có phần lợi cho phía Trung Quốc. 
Mặc dù vậy, để xây dựng biên giới hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc vì lợi ích của cả hai dân tộc, tháng 12 năm 1957, Ban Chấp hành trung ương Đảng ta đã đề nghị nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, mọi vấn đề biên giới và lãnh thổ phải do hai Chính phủ quyết định, mọi vấn đề tranh chấp có thể xảy ra về biên giới và lãnh thổ cần được giải quyết bằng thương lượng hoà bình. Tháng 4 năm 1958 phía Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của Đảng ta. 
Nhưng trong thực tế, thái độ của phía Trung Quốc trái ngược hẳn. Thi hành chính sách bành trướng đại dân tộc và học đòi thái độ hống hách đè nén các dân tộc, các nước láng giềng của các triều đại phong kiến trước đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh trong nhiều năm nay đã gây ra bao nhiêu vụ khiêu khích biên giới, lấn chiếm đất đai của Việt Nam, phá hoại hai cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1974 và năm 1977-1978 để giải quyết vấn đề biên giới. Ngày 17 tháng 2 năm 1979 họ lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ồ ạt tiến đánh 6 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc với 60 vạn quân. 
Để giúp bạn đọc hiểu được thực chất của vấn đề biên giới Việt –Trung, thấy rõ thiện chí của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, thái độ phản trắc của những người cầm quyền Trung Quốc, Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản cuốn sách này. Cuốn sách gồm toàn bộ bản “ Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt nam ở vùng biên giới” công bố ngày 15 tháng 3 năm 1979 tại Hà Nội. 
Chúng tôi chú thích thêm một số điểm ở cuối sách để bạn đọc tham khảo.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
 
Tháng 3 năm 1979
NHÀ XUẤT BẢN SỰ THẬT
 

TàHiênhèn:
VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
I-
Sự hình thành biên giới lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc và sự thoả thuận năm 1957-1958 về biên giới giữa hai nước.
1-- Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng giáp giới nhau trên đất liền và trên biển (vịnh Bắc Bộ). Đường biên giới giữa hai nước đã được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài. Trước khi bị Pháp áp đặt chế độ thực dân, Việt Nam đã là một nước độc lập có chủ quyền, có đường biên giới rõ rệt, ổn định với Trung Quốc. 
Cách đây gần 100 năm, Chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh Trung Quốc đã ký kết các Công ước 1887-1895 giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, chính thức công nhận về cơ bản đường biên giới vốn có đó. 
Việc hoạch định biên giới đã được hai bên cùng tiến hành theo từng đoạn từ tháng 1 năm 1886 đến tháng 3 năm 1887; ngày 26 tháng 6 năm 1887 hai Chính phủ nói trên đã ký Công ước hoạch định biên giới tại Bắc Kinh. Điều 1 của Công ước này đã hoạch định đoạn biên giới giữa Việt Nam với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và một phần tỉnh Vân Nam (Trung  Quốc). Điều 2 của Công ước đã hoạch định biên giới trong vịnh Bắc Bộ và đoạn biên giới giữa Việt Nam và phần còn lại của tỉnh Vân Nam cho đến Sông Đà. Chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh lại ký tại Bắc Kinh Công ước ngày 20 tháng 6 năm 1895 bổ sung cho Công ước năm 1887 nói rõ thêm về đoạn biên giới giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) 1. 
Việc cắm mốc đã được tiến hành từ đầu năm 1890 đến tháng 6 năm 1897. Hệ thống mốc giới gồm trên 310 mốc đã cụ thể hoá đường biên giới trên thực địa; nói chung các mốc giới đó còn tồn tại cho đến ngày nay. 
Thực tế, từ ngày ký các Công ước, các chính quyền kế tiếp nhau ở hai bên đều thực hiện chủ quyền trong vùng đất và phần vịnh Bắc Bộ do đường biên giới phân định. Tuy nhiên các chính quyền phản động của Trung Quốc từ 1949 về trước cũng đã lấn chiếm trên 60 điểm của Việt Nam. 
Như vậy, đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chạy suốt trên đất liền và trong vịnh Bắc Bộ đã được hoạch định rõ ràng trong các Công ước ký kết giữa Chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh trong những năm 1887-1895 và đã được chính thức cắm mốc ( trên đất liền). Đó là một đường biên giới hoàn chỉnh cả trên trên đất và trong vịnh Bắc Bộ, có cơ sở lịch sử trong đời sống chính trị lâu đời của hai dân tộc, có giá trị pháp lý quốc tế vững chắc, có đầy đủ yếu tố thực tế để nhìn nhận tại thực địa. 
Qua các văn kiện trao đổi, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần xác nhận đường biên giới lịch sử đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cuộc đàm phán và ký kết Công ước hoạch định biên giới đã được tiến hành song song với việc đàm phán ký kết Công ước về thương mại giữa Pháp và nhà Thanh. Triều đình nhà Thanh ra sức liên kết hai vấn đề này để gây sức ép với Pháp. Trong quá trình thương lượng, vì mục đích sớm mở rộng buôn bán với Trung Quốc, thành lập các lãnh sự quán Pháp trên đất Trung Quốc và nhanh chóng thực hiện kế hoạch bình định Việt Nam, Pháp đã cắt nhượng cho nhà Thanh mũi Bắc Luân, vùng Giang Bình, tổng Tu Long và một số nơi khác, làm thiệt hại cho nhân dân Việt Nam. 
2--Mặc dù vậy, tháng 11 năm 1957, Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao Động Việt Nam ( tức Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) đã nêu với phía Trung Quốc: hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại, vấn đề quốc giới là vấn đề quan trọng nên cần được giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý đang có hoặc được xác định lại và phải do Chính phủ hai nước quyết định, mọi tranh chấp có thể xảy ra về biên giới, lãnh thổ cần được giải quyết bằng thương lượng. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp tình hợp lý, phù hợp với thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế. Tháng 4 năm 1958, Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam. Sự thoả thuận nói trên của hai Đảng có ý nghĩa nguyên tắc và thực tiễn to lớn vì không những để giải quyết các vấn đề bất đồng về biên giới và lãnh thổ mà còn để xây dựng đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa hai nước. Đó là những ý nghĩ chân thành và lòng mong muốn thật sự của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cho nên phía Việt Nam luôn luôn triệt để tôn trọng sự thoả thuận giữa hai Trung ương Đảng. 
Nhưng thái độ của phía Trung Quốc lại trái ngược hẳn, họ vi phạm  ngày càng nghiêm trọng sự thoả thuận đó và không tôn trọng nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại và đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt Trung từ 1949 đến nay.

TàHiênhèn:
II- 
Tình hình Trung quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay.
 
Trong một phần tư thế kỷ vừa qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã lần lượt lấn chiếm hết khu vực này đến khu vực khác của Việt nam, từ khu vực nhỏ hẹp đến khu vực to lớn, từ khu vực quan trọng về quân sự đến khu vực quan trọng về kinh tế. Họ đã dùng đủ mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn xấu xa mà các chế độ phản động của Trung Quốc trước kia không dùng.
1--Từ xâm canh, xâm cư đến xâm chiếm đất.
Lợi dụng đặc điểm là núi sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân dân hai bên biên giới vốn có quan hệ họ hàng, dân tộc, phía Trung Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh thổ Việt Nam để làm ruộng, làm nương rồi định cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng nương, cuối cùng nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược coi những khu vực đó là lãnh thổ Trung Quốc. 
+ Khu vực Trình Tường thuộc tỉnh Quảng Ninh là một thí dụ điển hình cho kiểu lấn chiếm đó. Khu vực này được các văn bản và các bản đồ hoạch định và cắm mốc xác định rõ ràng là thuộc lãnh thổ Việt Nam: đường biên giới lịch sử tại đây đi qua một dãy núi cao, chỉ rõ làng Trình Tường và vùng chung quanh là lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình Tường, những người Trung Quốc sang quá canh ở Trình Tường đều đóng thuế cho nhà đương cục Việt Nam. Nhưng từ năm 1956 phía Trung Quốc tìm cách nắm số dân Trung Quốc sang làm ăn ở Trình Tường bằng cách cung  cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Đồng Tâm thuộc huyện Đông Hưng, khu tự trị Choang-Quảng Tây. Nhà đương cục Trung Quốc nghiễm nhiên biến một vùng lãnh thổ Việt Nam dài 6 km, sâu hơn 1,3 km thành sở hữu tập thể của một công xã Trung Quốc, thành lãnh thổ Trung Quốc. Từ đó, họ đuổi những người Việt Nam đã nhiều đời nay làm ăn sinh sống ở Trình Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện thoại, tự cho phép đi tuần tra khu vực này, đơn phương sửa lại đường biên giới sang đồi Khâu Thúc của Việt Nam. Tiếp đó họ đã gây ra rất nhiều vụ hành hung, bắt cóc công an vũ trang Việt Nam đi tuần tra theo đường biên giới lịch sử và họ phá hoại hoa màu của nhân dân địa phương. Trình Tường không phải là một trường hợp riêng lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung Quốc tranh lấn với thủ đoạn tương tự như xã Thanh Loa, huyện Cao Lộc (mốc 25, 26, 27) ở Lạng Sơn, Khăm Khau (mốc 17-19) ở Cao Bằng, Tà Lùng, Làn Phù Phìn, Minh Tân (mốc 14) ở Hà Tuyên, khu vực xã Nặm Chay (mốc 2-3) ở Hoàng Liên nSơn với chiều dài hơn 4 km, sâu hơn 1 km, diện tích hơn 300 ha. Có thể nói đây là một kiểu chiếm đất một cách êm lặng.
2--Lợi dụng việc xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt nam trên 300 m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đề nghị Chính phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều chỉnh lại điểm nối ray cho phù hợp với đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét. Cho đến nay họ vẫn trắng trợn nguỵ biện rằng khu vực hơn 300 m đường sắt đó là đất Trung Quốc với lập luận rằng “ không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác”. 
Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 m trên đường quốc lộ để xoá vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột kilômét số 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100 m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này. 
Như vậy họ đã lấn chiếm một khu vực liên hoàn từ đường sắt sang đường bộ thuộc xã Bảo Lâm, huyện  Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn của Việt nam dài 3,1 km và vào sâu đất Việt Nam 0,5 km. Năm 1975 tại khu vực mốc 23 (xã  Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) họ định diễn lại thủ đoạn tương tự khi hai bên phối hợp đặt đường ống dẫn dầu chạy qua biên giớ, phía Việt Nam đề nghị đặt điểm nối ống dẫn dầu đúng đường biên giới, họ đã từ chối, do đó bỏ dở công trình này. 
Khi xây dựng các công trình cầu cống trên sông suối biên giới, phía Trung Quốc cũng lợi dụng việc thiết kế kỹ thuật là thay đổi dòng chảy của sông suối về phía Việt nam để nhận đường biên giới có lợi cho phía Trung Quốc. 
Cầu ngầm Hoành Mô thuộc tỉnh Quảng Ninh được Trung Quốc giúp xây dựng vào năm 1968. Một thời gian dài sau khi cầu được xây dựng xong, hai bên vẫn tôn trọng đường biên giới ở giữa cầu, vật liệu dự trữ để sửa chữa cầu sau này cũng được đặt ở mỗi bên với số lượng bằng nhau tính theo đường biên giới giữa cầu. Nhưng do Trung Quốc có sẵn ý đồ chỉ xây một cống nước chảy nằm sát bờ Việt nam nên lưu lượng dòng chảy đã chuyển hẳn sang phía Việt Nam, từ đó phía Trung Quốc dịch đường biên giới trên cầu quá sang đất Việt Nam. Thủ đoạn như vậy cũng được thực hiện đối với cầu Pò Hèn (Quảng Ninh), đập Ái Cảnh (Cao Bằng), cầu Ba Nậm Cúm ( Lai Châu)…

TàHiênhèn:
3--Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam.
Trên đoạn biên giới đất liền cũng như ở các đoạn biên giới đi theo sông suối, tại nhiều nơi, phía Trung Quốc đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình để từng bước xâm lấn đất. 
Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1970 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc. 
Các thị trấn Ái Điểm (đối diện với Chi Ma, Lạng Sơn), Bình Mãng (đối diện Sóc Giang, Cao Bằng) vốn đã nằm sát các mốc giới 43 và 114 lại ngày càng được phía Trung Quốc mở rộng ra lấn sang đất Việt Nam từ hàng chục đến hàng trăm mét với công trình, nhà cửa, trường học, khu phố… 
Bằng cách tổ chức lâm trường, trồng cây gây rừng, làm đường chắn lửa, đặt hệ thống điện cao thế, điện thoại lấn vào lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc đã biến nhiều vùng đất khác của Việt Nam thành đất của Trung Quốc. 
4-- Từ mượn đất của Việt Nam đến biến thành lãnh thổ của Trung Quốc.
Ở một số địa phương do địa hình phức tạp, điều kiện sinh hoạt của dân cư Trung Quốc gặp khó khăn, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Việt Nam đã cho phía Trung Quốc mượn đường đi lại, cho dùng mỏ nước, cho chăn trâu, lấy củi, đặt mồ mả…trên đất Việt Nam. Nhưng lợi dụng thiện chí đó của Việt Nam, họ đã dần dần mặc nhiên coi những vùng đất mượn này là đất Trung Quốc. Khu vực Phia Un (mốc 94-95) thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng là điển hình cho kiểu lấn chiếm này. Tại đây, mới đầu phía Trung Quốc mượn con đường mòn rồi tự ý mở rộng mặt đường để ô tô đi lại được vào khu vực mỏ của Trung Quốc, đặt đường dây điện, đưa dân đến ở ngày càng đông, lập làng bản mới. Dựa vào “ thực tế” đó, từ 1956 họ không thừa nhận đường biên giới lịch sử chạy trên đỉnh núi Phia Un mà đòi biên giới chạy xa về phía nam con đường, sâu vào đất Việt Nam trên 500 mét. Lý lẽ của họ là nếu không phải đất của Trung Quốc sao họ lại có thể làm đường ô tô, đặt đường điện thoại được…Nguyên nhân chủ yếu của việc họ lấn chiếm là vì khu vực Phia Un có mỏ măng gan. 
5--Xê dịch và xuyên tạc pháp lý các mốc quốc giới để sửa đổi đường biên giới.
Ngoài việc lợi dụng một số mốc giới đã bị Trung Quốc xê dịch từ trước sai với nguyên trạng đường biên giới lịch sử để chiếm giữ trái phép đất Việt Nam, nay phía Trung Quốc cũng tự ý di chuyển mốc ở một số nơi hoặc lén lút đập phá, thủ tiêu các mốc không có lợi cho họ như ở khu vực Chi Ma (Lạng Sơn), khu vực mốc 136 ở Cao Bằng…Đối với những trường hợp như vậy, họ đều khước từ đề nghị của phía Việt Nam về việc hai bên cùng điều tra và lập biên bản xác nhận. Ngay tại một số nơi mà vị trí mốc giới đặt đúng với đường biên giới lịch sử, họ cũng tìm cách xuyên tạc đường biên giới đã rõ ràng chạy giữa hai mốc như khu vực Kùm Mu-Kim Ngân-Mẫu Sơn (mốc 41, 42, 43) ở Lạng Sơn dài trên 9 km, sâu vào đất Việt Nam 2,5 km, diện tích gần 1000 ha, khu vực Nà Pảng-Kéo Trình (mốc 29, 30, 31) ở Cao Bằng dài 6,45 km sâu vào đất Việt Nam 1,3 km, diện tích gần 200 ha. 
6-- Làm đường biên giới lấn sang đất Việt Nam
Để chuẩn bị cho các cuộc tấn công xâm lược Việt Nam, liên tiếp trong nhiều năm trước, phía Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch làm đường biên giới quy mô lớn nấp dưới danh nghĩa là để “ cơ giớ hoá nông nghiệp”. Đặc biệt là từ năm 1974 tại đây, họ đã mở ồ ạt những chiến dịch làm đường, có nơi huy động một lúc 8.000 người vào công việc này. Trong khi làm các đường đó, họ đã phá di tích về đường biên giới lịch sử, nhiều nơi họ đã lấn vào lãnh thổ Việt Nam, chỉ tính từ tháng 10 năm 1976 đến năm 1977, bằng việc làm đường biên giới họ đã lấn vào đất Việt Nam hàng chục điểm, có điểm diện tích rộng trên 32 ha, sâu vào đất Việt Nam trên 1 km như khu vực giữa mốc 63-65 thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng hay khu vực giữa mốc 1-2 Cao Ma Pờ thuộc tỉnh Hà Tuyên dài 4 km, sâu vào đất Việt Nam 2 km. 
7-- Lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới.
Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất Trung Quốc. Thí dụ họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong. 

TàHiênhèn:
8-- Dùng lực lượng vũ trang uy hiếp và đóng chốt để chiếm đất.
Trên một số địa bàn quan trọng, phía Trung Quốc trắng trợn dùng lực lượng vũ trang để cố đạt tới mục đích xâm lấn lãnh thổ. Tại khu vực Trà Mần-Suối Lũng (mốc 136-137) thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, năm 1953 Trung Quốc đã cho một số hộ dân Trung Quốc sang xâm cư ở cùng với dân của Việt Nam; sau đó họ tiếp tục đưa dân sang thêm hình thành ba xóm với 16 hộ, 100 khẩu mà họ đặt tên là Si Lũng theo tên một làng của Trung Quốc gần đó. Tuy thế cho đến năm 1957 phía Trung Quốc vẫn thừa nhận khu vực này là đất của Việt Nam. Từ năm 1967 trở đi, họ tiến hành việc dựng trường học, bắc dây truyền thanh, đào hố khai thác than chì rồi ngang nhiên cắm cờ biểu thị chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tháng 6 năm 1976 họ đã trắng trợn đưa lực lượng vũ trang đến đóng chốt để đàn áp quần chúng đấu tranh và ngăn cản việc tuần tra của Việt nam vào khu vực này, chiếm hẳn một vùng đất Việt Nam trên 3,2 km có mỏ than chì. 
Ở khu vực giữa mốc 2-3 thuộc xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng xảy ra tình hình như vậy. Năm 1967-1968, nhiều hộ người Mèo thuộc huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chạy sang định cư ở đây. Phía Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc đưa số dân đó trở về Trung Quốc, nhưng họ đã làm ngơ, lại tiếp tục tăng số dân lên đến 36 hộ gồm 152 người, vào vùng này thu thuế, phát phiếu vải cho dân, đặt tên cho xóm dân Mèo này là “ Sìn Sài Thàng”, tên của một bản Trung Quốc ở bên kia biên giới cách khu vực này 3 km. Mặc dù phía Việt Nam đã nhiều lần kháng nghị, họ vẫn không rút số dân đó đi, trái lại, đầu năm 1976 còn đưa lực lượng vũ trang vào đóng chốt chiếm giữ. Nay họ đã lập thêm đường dây điện thoại, loa phóng thanh, dựng trường học, tổ chức đội sản xuất , coi là lãnh thổ Trung Quốc. 

9-- Đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Quần đảo Hoàng Sa ( mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý về phía đông. Phía Việt Nam có đầy đủ tài liệu để chứng minh rằng quần đảo này cũng như quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) ở phía nam là lãnh thổ Việt nam. Từ lâu, nhân dân Việt nam đã phát hiện và khai thác quần đảo Hoàng Sa, nhà Nguyễn đã chính thức thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó. Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ nước Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, Pháp nhân danh nước Việt Nam đã lập tại quần đảo đó hai đơn vị hành chính, một trạm khí tượng mà các số liệu được cung cấp liên tục trong mấy chục năm cho Tổ chức Khí tượng thế giới (OMM) dưới ký hiệu Hoàng Sa (Pattle). Việt Nam đã lên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo này. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là rõ ràng và không thể chối cãi. 
Nhưng sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam theo các quy định của Hiệp định Pa-ri ngày 27 tháng 1 năm 1973, và nhân lúc nhân dân Việt Nam đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh để giải phóng miền nam Việt Nam và nguỵ quyền miền nam sắp sụp đổ, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã trắng trợn dùng lực lượng vũ trang chiếm quần đảo Hoàng Sa. 
Cách họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vẫn là cách họ đã dùng để lấn chiếm đất đai của các nước láng giềng, nhưng với một sự phản bội hèn hạ vì họ luôn khoe khoang là “hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam anh em”. Đại để sự kiện diễn biến như sau:
- Ngày 26 tháng 12 năm 1973, Bộ Ngoại giao Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông báo cho Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa biết ý định của mình sẽ tiến hành thăm dò dầu lửa trong vịnh Bắc Bộ và đề nghị hai nước tiến hành đàm phán để xác định chính thức biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ.
- Ngày 11 tháng 1 năm 1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (tức là Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Nam Sa ( tức là Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ của Trung Quốc và không cho ai xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc.
- Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Trung Quốc trả lời phía Việt Nam, đại ý nói: đồng ý đề nghị đàm phán về vịnh Bắc Bộ, nhưng không đồng ý cho nước thứ ba vào thăm dò, khai thác vịnh Bắc Bộ, thực tế là họ ngăn cản Việt Nam hợp tác với Nhật Bản, Pháp, Ý trong việc thăm dò, khai thác thềm lục địa Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ.
- Ngày 19 tháng 1 năm 1974, với một lực lượng lớn hải quân và không quân, Trung Quốc tiến đánh quân đội của chính quyền Sài Gòn đóng ở quần đảo Hoàng Sa và họ gọi cuộc hành quân xâm lược quần đảo này là “cuộc phản công tự vệ” 
Từ năm 1973 về trước, phía Trung Quốc đã lấn chiếm, gây khiêu khích ở nhiều nơi trên biên giới Việt-Trung. Từ khi họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, các sự kiện biên giới do họ gây ra, các vụ lấn chiếm đất đai Việt Nam ngày càng tăng:
Năm 1974: 179 vụ
Năm 1975: 294 vụ
Năm 1976: 812 vụ
Năm 1977: 873 vụ
Năm 1978: 2175 vụ.

III-
Hai cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc để giải quyết những vấn đề biên giới giữa hai nước.
 
Năm 1957-1958 hai bên thoả thuận cùng với việc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại sẽ tiến hành các cuộc hội đàm cấp tỉnh để giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc về dân sinh và trật tự trị an ở vùng biên giới hai nước. Từ đó đã có nhiều cuộc họp giữa các địa phương và đã đi đến một số quy định về việc đi lại, buôn bán, thăm hỏi…giữa nhân dân các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề lãnh thổ phải do Chính phủ hai nước tiến hành đàm phán. Vì vậy đã có hai cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1974  và năm 1977-1978.
Cuộc đàm phán lần thứ nhất:
Nhằm phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, ngày 26 tháng 12 năm 1973, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Trung Quốc mở cuộc đàm phán giữa hai Chính phủ để xác định chính thức đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ.
Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Trung Quốc nhận lời đàm phán nhưng đòi không được tiến hành công tác thăm dò trong một khu vực hình chữ nhật giữa vĩ tuyến 18 độ-20 độ, kinh tuyến 107 độ-108 độ và “không để nước thứ ba vào thăm dò vịnh Bắc Bộ” với mục đích ngăn cản Việt Nam khai thác những tài nguyên của mình trong thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 15 tháng 8 năm 1974 cuộc đàm phán được tiến hành ở Bắc Kinh. 
Công ước Pháp-Thanh 1887, Điều 2 đã nói rõ: Kinh tuyến Pa-ri 105 độ 43’ kinh độ đông ( nghĩa là kinh tuyến Grin-uých 108 độ 03’13’’) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ. Phía Việt nam sẵn sàng bàn với phía Trung Quốc để xác định về cửa vịnh Bắc Bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh.
Phía Trung Quốc hoàn toàn phủ nhận Điều 2 của Công ước 1887, không coi đường kinh tuyến nói trên là đường biên giới, một mực nói rằng trong vịnh Bắc Bộ xưa nay chưa hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc để phân chia. Mặc dù phía Việt Nam tuyên bố sẵn sàng nghe ý kiến của phía Trung Quốc, nhưng họ chỉ nói một cách chung chung là nếu theo đường kinh tuyến đó thì họ “được phần nhỏ quá, còn phía Việt Nam được phần lớn quá”, cho nên phải “phân chia công bằng, hợp lý”, nhưng họ cũng không chịu đưa ra một phương án nào cụ thể, cố tình kéo dài cuộc đàm phán. Cuối tháng 11 năm 1974 cuộc đàm phán phải tạm ngừng. 
Cuộc đàm phán lần thứ hai.
Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Chính phủ Trung Quốc đề nghị với Chính phủ Việt Nam mở cuộc đàm phán giữa hai Chính phủ về vấn đề biên giới trên bộ giữa hai nước vào năm 1975. 
Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Chính phủ Việt Nam trả lời đồng ý về nguyên tắc, nhưng vì trước mắt đang bận nhiều việc do sự phát triển của tình hình giải phóng miền nam Việt Nam nên Chính phủ Việt Nam đề nghị lùi cuộc đàm phán vào một thời gian thích hợp. Trong lúc chờ đợi, phía Việt Nam đề nghị hai bên mở lại các cuộc hội đàm giữa các tỉnh biên giới, nhưng những cuộc đàm phán này cũng không đưa lại kết quả gì, trong khi đó phía Trung Quốc ngày càng tăng cường vi phạm và khiêu khích ở biên giới Việt Nam-Trung Quốc. 
Ngày 7 tháng 10 năm 1977, cuộc đàm phán bắt đầu tại Bắc Kinh giữa đại biểu Chính phủ Việt Nam và đại biểu Chính phủ Trung Quốc để giải quyết những vấn đề về biên giới trên bộ và trong vịnh Bắc Bộ. Phía Việt Nam một lần nữa khẳng định hai bên cần triệt để tôn trọng Công ước 1887 và 1895 về đường biên giới trên bộ và trên biển, vì vậy cần bàn về về toàn bộ đường biên giới. Phía Trung Quốc một mực chỉ muốn bàn vấn đề biên giới trên bộ. 
Cuộc đàm phán gặp khó khăn. Để đưa cuộc đàm phán tiến lên, phía Việt Nam đồng ý bàn vấn đề biên giới trên bộ trước, vấn đề biên giới trong vịnh Bắc Bộ sau. Nhưng phía Trung Quốc vẫn không chịu bàn. Họ đòi phía Việt Nam phải từ bỏ quan điểm cho rằng trong vịnh Bắc Bộ đã có đường biên giới thì họ mới bàn vấn đề biên giới trên bộ. 
Để tìm lối thoát, phía Việt Nam lại đề nghị hai bên đi ngay vào bàn vấn đề biên giới trên bộ, còn bất đồng về vịnh Bắc Bộ mỗi bên giữ ý kiến của mình và sẽ bàn sau. Trên cơ sở những đề nghị của Việt Nam và những đề nghị của Trung Quốc, phía Việt Nam đã đưa ra một bản dự thảo Hiệp định về đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước để hai bên cùng bàn bạc. Toàn văn bản dự thảo Hiệp định như sau:

TàHiênhèn:

DỰ THẢO
HIỆP ĐỊNH VỀ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BỘ GIỮA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA
 
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Xuất phát từ lòng mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị vĩ đại truyền thống trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc;
Nhằm mục đích xây dựng đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp với nguyện vọng tha thiết và lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước;
Trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hoàn toàn bình đẳng với nhau và trên nguyên tắc tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại;
Đã thoả thuận những điều sau đây: 
Điều 1
Hai bên chính thức xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hoạch định và cắm mốc theo các văn kiện về biên giới ký kết giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ nhà Thanh Trung Quốc là đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Các văn kiện biên giới đó gồm có:
Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ký ngày 26 tháng 6 năm 1887, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo.
Công ước bổ sung Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26 tháng 6 năm 1887, ký ngày 20 tháng 6 năm 1895 với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo
Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện hai Công ước nói trên ký kết từ ngày 15 tháng 4 năm 1890 đến ngày 13 tháng 6 năm 1897, ngày hoàn thành việc cắm mốc đoạn đường biên giới giữa Bắc Kỳ (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Trong các điều khoản sau đây, các văn kiện về biên giới nói trên được gọi tắt là “ Công ước 1887 và Công ước 1895”
 
Điều 2
Hai bên cam kết tôn trọng đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở điều 1.
Những vùng đất nào do bên này quản lý vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1 thì nay trả lại cho bên kia. 
Điều 3
Đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở Điều 1 nói chung là rõ. Trường hợp có một số ít nơi trên đường biên giới sau khi hai bên đã cùng nhau đối chiếu, nghiên cứu nhiều lần theo đúng các quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 mà vẫn không xác định được là thuộc về bên nào, thì hai bên sẽ qua khảo sát thực địa, hiệp thương hữu nghị giải quyết theo nguyên tắc công bằng hợp lý . 
Điều 4
1-- Đối với những nơi đường biên giới đi trên sông, suối, cũng như đối với các cù lao, bãi nổi trên các sông, suối biên giới đó và trường hợp các sông suối biên giới đổi dòng vì nguyên nhân thiên nhiên, hai bên triệt để tuân theo các quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 liên quan đến đường biên giới trên các sông, suối đó.
2-- Không kể đường biên giới trên sông, suối biên giới theo các  quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 như thế nào, đường biên giới trên các cầu bắc qua các sông, suối đó đều đi qua chính giữa cầu. 
Điều 5
Trong thời hạn một năm, sau khi quyết định của Uỷ ban liên hợp nói ở Điều 7 dưới đây về từng đoạn đường biên giới được hai Chính phủ chuẩn y, dân ở vùng đất mà bên này trả lại cho bên kia sẽ trở về sinh sống ở nước mà mình mang quốc tịch.
Trường hợp có người muốn ở lại thì trong thời hạn đó họ phải đăng ký với chính quyền địa phương để trở thành công dân của bên được trả vùng đất. 
Điều 6
Mỗi bên không để dân của mình vượt đường biên giới sang quá canh và làm ăn trái phép tại những vùng đất thuộc lãnh thổ bên kia.
Ở những vùng đất trả lại cho nhau, sẽ chấm dứt quá canh ngay sau khi quyết định của Uỷ ban liên hợp nói ở Điều 7 dưới đây về từng đoạn đường biên giới được hai Chính phủ chuẩn y.
Người có hoa màu làm trên đất quá canh chưa thu hoạch sẽ được phép sang chăm nom cho đến lúc thu hoạch xong, và phải tuân theo mọi luật lệ của nước sở tại. 
Điều 7
Sau khi Hiệp định này có hiệu lực, hai bên thành lập Uỷ ban liên hợp biên giới Việt nam-Trung Quốc (goị tắt là Uỷ ban liên hợp) gồm số đại biểu hai bên bằng nhau. Uỷ ban liên hợp căn cứ vào các điều khoản của Hiệp định này thực hiện nhiệm vụ sau đây:
1-- Xác định cụ thể trên thực địa toàn bộ  đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước theo Điều 1 của Hiệp định này;
2-- Giải quyết trên thực địa những nơi trên đường biên giới nói trong Điều 2 và Điều 3 của Hiệp định này. Các quyết định của Uỷ ban liên hợp về từng đoạn đường biên giới phải được hai bên chuẩn y;
3-- Giải quyết những vấn đề liên quan đến việc bên này trả lại những vùng đất cho bên kia;
4-- Kiểm tra và xác nhận vị trí của các mốc quốc giới theo Công ước 1887 và Công ước 1895, đặt lại những mốc quốc giới không ở đúng vị trí theo các Công ước nói trên và đặt thêm các mốc quốc giới bổ sung ở những nơi hai bên thấy cần thiết, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tu bổ các mốc quốc giới;

TàHiênhèn:
5-- Soạn thảo Nghị định thư xác định trên thực địa đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước, vẽ bản đồ đường biên giới đó có ghi tỉ mỉ vị trí đường biên giới và vị trí các mốc quốc giới;
Uỷ ban liên hợp bắt đầu hoạt động ngay sau khi được thành lập và kết thúc nhiệm vụ sau khi Nghị định thư nói trên được ký kết. 
Điều 8
Nghị định thư với bản đồ kèm theo nói ở Điều 7, đoạn 5 sẽ do hai Chính phủ ký kết và sẽ là một bộ phận cấu thành của Hiệp định này. 
Điều 9
Hiệp định này sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi văn kiện phê chuẩn.
Sau khi Hiệp định này có hiệu lực và Nghị định thư nói ở Điều 7, đoạn 5 của Hiệp định được ký kết, mọi Công ước, văn kiện có liên quan đến đường biên giới trên bộ giữa hai nước lập tức mất giá trị.
Làm tại……….ngày………tháng………năm……….thành hai bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc, cả hai văn bản Việt Nam và Trung Quốc đều có giá trị như nhau.
 
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM       THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN
TRUNG HOA
 
Phía Trung Quốc đã từ chối xem xét bản dự thảo Hiệp định đó. Họ đưa ra một đề nghị khác, thực chất là đề nghị cũ của họ được sửa đổi. Ý đồ của họ là nhằm duy trì hiện trạng biên giới (không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử) nhằm giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ. 
Cuộc đàm phán kéo dài, dây dưa đến mười tháng không đi đến kết quả. Ngay trong khi phía Trung Quốc tăng cường khiêu khích ở biên giới , gây ra vụ người Hoa, cắt viện trợ cho Việt Nam, phía Việt Nam vẫn kiên trì tiếp tục nói chuyện. Nhưng cuối cùng không đi đến kết quả gì, vì tình hình chứng tỏ là phía Việt Nam càng thiện chí thì phía Trung Quốc càng lấn tới. Họ ngoan cố thực hiện dã tâm bành trướng nước lớn của họ, cho nên họ không chịu đáp ứng một điều kiện nào do phía Việt Nam đưa ra. Cuộc đàm phán về biên giới bị thất bại, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc.

TàHiênhèn:
 IV-
Tình hình Trung Quốc gây khiêu khích, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam từ năm 1978 đến nay
 
Từ đầu năm 1978 đến ngày 17 tháng 2 năm 1979, ngày mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa quân ồ ạt xâm lược Việt Nam, một mặt họ làm bế tắc cuộc đàm phán về biên giới, mặt khác họ công khai thực hiện chính sách điên cuồng chống Việt Nam. 
Nói riêng về khu vực biên giới, nhà cầm quyền Bắc Kinh leo thang dùng vũ lực, tăng cường khiêu khích xâm phạm biên giới, chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.
Từ đầu năm 1978 đến khoảng tháng 8 năm 1978, nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng dụ dỗ, cưỡng ép người Hoa đang làm ăn yên ổn ở Việt Nam, chủ yếu là tại các tỉnh biên giới, chạy về Trung Quốc hòng gây rối loạn về chính trị, xã hội và kinh tế cho Việt Nam khi đó đang phải giải quyết hậu quả nặng nề của những thiên tai chưa từng thấy ở Việt Nam trong vòng 100 năm qua, đồng thời họ chuẩn bị một số tay chân cần thiết cho các cuộc hành quân xâm lược sau này. Với những thủ đoạn thâm độc đó, họ đã lôi kéo khoảng 170.000 người Hoa về Trung Quốc. Thâm độc hơn cả là họ thình lình đóng cửa biên giới trong lúc dòng người  Hoa đang ùn ùn đổ về Trung Quốc, để kiếm cớ xúi giục những người đó chống lại nhà đương cục Việt Nam. Đó là tình hình họ đã gây ra ở cầu biên giới Bắc Luân (thuộc tỉnh Quảng Ninh), ở cửa khẩu Hữu nghị quan (thuộc tỉnh Lạng Sơn), trong lúc người Hoa ùn tắc lại, họ cho bọn tay sai kết hợp với một bọn côn đồ hành hung, gây hỗn loạn ngày 8 tháng 8 năm 1978 ở cầu Bắc Luân, ngày 25 tháng 8 năm 1978 ở Hữu nghị quan, làm chết hai cán bộ và công an biên phòng của Việt Nam và 25 người khác bị thương. 
- Nhà cầm quyền Bắc Kinh ồ ạt đưa quân đội (bộ binh, thiết giáp, không quân, pháo binh) áp sát biên giới, xây dựng công sự, bố trí trận địa trên các điểm cao suốt dọc biên giới, đưa thường dân Trung Quốc ở vùng biên giới vào sâu nội địa. Trong lúc đó, bộ máy tuyên truyền đồ sộ của Bắc Kinh vu cáo Việt Nam “xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc” và Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, bất chấp các nguyên tắc của Liên hợp quốc, lên tiếng đe doạ “dạy cho Việt Nam một bài học”, “trừng phạt Việt Nam”. 
- Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc liên tiếp xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, phá các hàng rào dây thép gai, các bãi mìn và các công trình phòng thủ khác của phía Việt Nam. 
- Đột nhập lãnh thổ Việt Nam để tập kích các trạm gác của dân quân và của công an biên phòng Việt Nam, bắn lén, bắt cóc người của Việt Nam đưa về Trung Quốc. Một vài thí dụ:
            + Ngày 13 tháng 10 năm 1978, lực lượng vũ trang Trung Quốc vào sâu đất Việt Nam tại xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn, phục kích một tổ công tác đang làm nhiệm vụ, bắn chết hai chiến sĩ công an biên phòng, bắt anh Nguyễn Đình Ấm đưa về Trung Quốc,
            + Ngày 1 tháng 11 năm 1978, ở đồi Chông Mu thuộc tỉnh Cao Bằng, hàng trăm lính với hơn 1.000 dân binh Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, nổ súng tiến công một tổ dân quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đất Việt Nam,
+ Ngày 23 tháng 12 năm 1978, lực lượng vũ trang Trung Quốc vượt biên giới sang tập kích một tổ dân quân Việt nam đang làm nhiệm vụ trên đất Việt Nam tại khu vực mốc 2 (thuộc Bình Nhi, tỉnh Lạng Sơn), bắt đưa về Trung Quốc 4 người.
Những vụ khiêu khích tương tự phải tính hàng trăm trên toàn tuyến biên giới. 
Kể từ đầu năm 1979, các cuộc khiêu khích của phía Trung Quốc được tiến hành với một qui mô ngày càng lớn, với những lực lượng vũ trang ngày càng đông hơn:
Dùng súng lớn (từ đại liên, súng cối 82 đến DKZ75 và 85) từ đất Trung Quốc trắng trợn bắn sang đất Việt Nam, có khi bắn từng đợt, có khi bắn liên tiếp nhiều ngày, mục tiêu của họ là người dân thường đang đi trên đường, các làng bản, các khu phố của các thị trấn, các công trường, lâm trường, nông trường v..v..Dưới đây là một vài thí dụ:
            + Ngày 14 tháng 1 năm 1979 bắn vào thôn Phai Lầu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh,
            + Cùng ngày, bắn vào các phố chính của thị xã Lao Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn đang lúc đông người qua lại.
            +Ngày 2 tháng 2 năm 1979 bắn vào nhà máy đường Phục Hoà và xóm Hưng Long, xã Quy Thuận, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng,
            + Từ ngày 10 tháng 1 năm 1979 đến ngày 25 tháng 1 năm 1979, liên tục dùng súng bộ binh các loại và súng cối 82 bắn vào đồn biên phòng Việt Nam ở Trà Lĩnh thuộc tỉnh Cao Bằng,       
- Dùng lực lượng bộ binh lớn có hoả lực mạnh yểm trợ tiến công và lấn chiếm một số vùng đất của Việt Nam. Một vài thí dụ:
            + Ngày 10 tháng 2 năm 1979, hơn một tiểu đoàn quân chính quy Trung Quốc tiến vào đất Việt Nam hơn 2 km đánh chiếm các trạm gác của dân quân xã Thanh Loà, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn,
            + Ngày 11 tháng 2 năm 1979, một đại đội quân chính quy Trung Quốc vào đánh chiếm khu vực Hang Nà-Cốc Pheo thuộc xã Cấn Yên, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng,
            + Ngày 15 tháng 2 năm 1979, một đại đội quân chính quy Trung Quốc vượt biên giới sang đánh chiếm bản Nà Ke, xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, 
Tất cả những hành động khiêu khích ngang ngược ngày càng nghiêm trọng của phía Trung Quốc từ trước đến nay, nhất là từ năm 1978, không nhằm mục đích nào khác là ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược chống nhân dân Việt Nam. Thực tế đã xác minh điều đó: 
Từ rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với 60 vạn quân gồm 11 quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập (trong đó có một số sư đoàn sơn cước chủ yếu gồm những người trước đây đã sang vùng biên giới làm đường giúp Việt Nam và những người Hoa trước đây đã ở Việt Nam), hơn 500 xe tăng và thiết 
giáp, hơn 700 máy bay các loại. Ngay ngày đầu, gần 20 sư đoàn bộ binh Trung Quốc đồng thời tiến đánh sáu tỉnh của Việt Nam giáp với Trung Quốc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu. 
Do bị thất bại trước những đòn giáng trả nặng nề của nhân dân Việt Nam, bị dư luận toàn thế giới lên án mạnh mẽ và nhân dân Trung Quốc phản đối, nhà cầm quyền Bắc Kinh mấy ngày gần đây đang phải rút quân đội của họ về nước. 
Từ khi bắt đầu xâm lược Việt Nam, đi đến đâu, quân xâm lược Trung Quốc cũng bắn bừa bãi, đốt phá, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và giết người không ghê tay bằng những cách cực kỳ dã man. Chúng dùng báng súng đập vỡ sọ, đâm người bằng lưỡi lê, chém đầu chặt người ra thành từng khúc, ném lựu đận vào hầm trú ẩn, tập trung người rồi xả súng bắn. Số đông người bị giết hại là người già, phụ nữ và trẻ em. Ở Cao Lâu, Văn Lãng (Lạng Sơn) chúng xé xác em Vi Việt Lương, học sinh lớp 4 ra làm nhiều mảnh, lôi 7 em bé đang ngủ ra bắn rồi chặt từng khúc vứt ra sân. Ở xã Thanh Loà (Lạng Sơn), bốn tên lính Trung Quốc bắt cô giáo cấp 1 người dân tộc Tày mang lên đồi hãm hiếp rồi xả súng bắn chết. Ở xí nghiệp gạch ngói xã Quang Kíu, huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), chúng xả súng B40 giết hết nam công nhân, còn nữ công nhân thì hãm hiếp rồi đưa về Trung Quốc.  
Đặc biệt nghiêm trọng là ở chợ huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), chúng chặt đầu, mổ bụng gần 100 em nhỏ, vứt xác nằm ngổn ngang. 
Trong quá trình rút về nước một cách chậm chạp, quân Trung Quốc xâm lược vẫn tiếp tục gây nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Chúng bắn pháo, dùng thuốc nổ phá huỷ tất cả những gì còn lại, các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng và thị xã Lao Cai đã bị triệt phá; chúng còn gài lại nhiều mìn ở khắp nơi, thậm chí bỏ thuốc độc xuống giếng nước làm cho một số dân thường bị thương vong hoặc ngộ độc.

TàHiênhèn:
V-
Con đường đúng đắn để giải quyết các vấn đề về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
1-- Thực tế trình bày ở các phần trên đã chỉ rõ ràng:
- Giữa Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã hình thành một biên giới lịch sử và biên giới đó đã được các Công ước năm 1887 và 1895 hoạch định, tiếp đó được cắm mốc rõ ràng trên suốt hơn 1.400 km trên đất liền. 
- Phía Trung Quốc vi phạm sự thoả thuận giữa hai nước về việc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, đã hàng nghìn lần xâm phạm biên giới, chủ quyền, lãnh thổ của nước Việt Nam trong suốt 21 năm qua. 
- Phía Trung Quốc đã cố tình làm bế tắc các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới giữa hai nước, ngày càng tăng cường khiêu khích vũ trang nước Việt Nam và ngày 17 tháng 2 năm 1979 đã đưa quân ồ ạt xâm lược Việt Nam. 
Để che giấu quy mô của cuộc chiến tranh, lừa gạt nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới, nhà cầm quyền Trung Quốc đã nói láo một cách hèn hạ rằng phía Việt Nam đã “khiêu khích”, “xâm lược”, khiến Trung Quốc phải “phản công tự vệ”. Cũng như khi họ xâm lược Ấn Độ năm 1962, lúc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, phía Trung Quốc từng đã nói là “phản công tự vệ”. Khi những nhà cầm quyền Bắc Kinh nói “phản công tự vệ” chính là họ đang hành động như bọn xâm lược. 
Nhà cầm quyền Bắc Kinh còn nói đây chỉ là một cuộc “chiến tranh hạn chế” tiến hành với “những lực lượng biên phòng”. Sự thật rõ ràng là họ tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhằm thôn tính Việt Nam, mở đầu với sự tham gia của hàng chục sư đoàn quân chính quy, bằng số quân Mỹ cao nhất lúc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. 
Nhân dân khắp năm châu, chính phủ nhiều nước kể cả những bạn bè của Đặng Tiểu Bình ở phương Tây đều gọi đây là cuộc xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam. Người dân thường Trung Quốc cũng bắt đầu thức tỉnh về cuộc phiêu lưu mà các nhà cầm quyền Trung Quốc đang đẩy đất nước họ đi tới với những những hậu quả không thể lường hết được. 
Vì sao những người cầm quyền Trung Quốc lại tiến hành xâm lược Việt Nam mặc dù điều đó lột trần bộ mặt thật bành trướng đại dân tộc, bộ mặt xâm lược của họ?
Nguồn gốc của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam hiện nay hiện nay là chính sách của những người cầm quyền Trung Quốc nhằm làm cho Việt nam suy yếu hơn, hòng buộc Việt Nam phải khuất phục và phụ thuộc Trung Quốc, đồng thời nhằm thôn tính Lào và Campuchia để biến bán đảo Đông Dương thành bàn đạp của họ để thực hiện chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc của họ ở Đông Nam Á. Họ đã thất bại liên tiếp trong việc dùng bè lũ PônPốt-Iêng Xary đánh Việt Nam từ phía Tây Nam, gây khiêu khích vũ trang và tăng cường sức ép quân sự từ phía bắc, dùng người Hoa để phá rối và gây bạo loạn bên trong, lợi dụng lúc Việt Nam bị khó khăn về kinh tế và lôi kéo các nước cắt cắt viện trợ hòng bóp nghẹt Việt Nam. Họ còn đóng cửa ba lãnh sự quán của Việt Nam ở Côn Minh, Nam Ninh, Quảng Châu, cắt đường tàu liên vận quốc tế, huỷ bỏ Hiệp định về miễn thị thực cho cán bộ hai nước hòng che dấu việc tiến công quân sự chống nước Việt Nam. Cuối cùng, những người cầm quyền Trung Quốc liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. 
Tiến đánh tất cả sáu tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam, họ còn mưu toan sửa đổi đường biên giới, tức là giữ chặt những chỗ họ đã lấn chiếm trước đây, đồng thời lấn chiếm thêm những chỗ khác. Chính họ đã trắng trợn nói lên điều đó khi họ nói quân Trung Quốc sẽ rút về bên kia “đường biên giới mà Trung Quốc công nhận”. Theo tin đầu tiên, họ đã cho chuyển sâu về phía Việt Nam mốc số 41 và mốc số 45 ở khu vực Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn). Mặc dù vậy, họ thường xuyên tuyên bố: “ Trung Quốc không lấy một tấc đất của ai!”. 
Lập trường của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được nêu rõ trong Công hàm ngày 2 tháng 3 nămm 1979 gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc: những người cầm quyền Trung Quốc đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam thì họ phải vĩnh viễn chấm dứt xâm lược; phải rút ngay, rút hết, rút không điều kiện quân đội của họ về phía bên kia đường biên giới do lịch sử để alị như hai bên đã thoả thuận; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 6 tháng 3 năm 1979, phía Việt Nam đã tuyên bố:
“ Nếu Trung Quốc thật sự rút toàn bộ quân của họ khỏi lãnh thổ Việt Nam như họ đã tuyên bố, thì sau khi quân Trung Quốc rút hết về bên kia đường biên giới lịch sử đã được hai bên thoả thuận tôn trọng, phía Việt nam sẵn sàng đàm phán ngay với phía Trung Quốc ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về việc khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước. Địa điểm và thời gian sẽ do hai bên thoả thuận” 
Nếu những người cầm quyền Trung Quốc tiếp tục chính sách xâm lược chống Việt Nam thì quân và dân Việt Nam sẽ dùng quyền tự vệ thiêng liêng, kiên quyết chiến đấu chống xâm lược để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới. 
Nhân dân Việt Nam quyết tiếp tục làm hết sức mình gìn giữ tình hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên quyết đòi nhà cầm quyền Trung Quốc: 
1-- Vĩnh viễn chấm dứt xâm lược, phải rút ngay, rút không điều kiện quân đội của họ về nước; chấm dứt mọi hành động tội ác đối với nhân dân Việt nam; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại như hai bên đã thoả thuận; phải chấm dứt ngay việc dời cột mốc biên giới và những hành động khác nhằm thay đổi đường biên giới đó. 
2-- Cùng phía Việt Nam sớm mở cuộc thương lượng nêu trong Công hàm ngày 15 tháng 3 năm 1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm đem lại hoà bình và ổn định ở vùng biên giới giữa hai nước, khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước. 
Nhân dân và Chính phủ Việt Nam tin chắc rằng các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước trong Phong trào không liên kết, các nước độc lập dân tộc, các nước bè bạn và nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới sẽ tăng cường đoàn kết, ủng hộ Việt Nam vì độc lập, hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á và thế giới.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vovinam