Sang thu

   Mùa thu đẹp nhưng đượm buồn, hẳn vì thế mà mùa thu đã không ít lần đi về trong thơ ca. Mùa thu với lá ngô đồng rụng, với rừng phong ngập tràn sắc đỏ trong ý thơ cổ. Mùa thu với bầu trời xanh ngắt, với tiếng ngỗng thê lương giữa thinh không trong câu thơ của Nguyễn Khuyến. Mùa thu với sắc vàng dịu ngọt ánh trăng, với cái nhìn ngơ ngác của con nai trong thơ của Lưu Trọng Lư. Và không thể không nhắc đến một mùa thu thấm đẫm hồn quê bắc bộ trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh.
   Hữu Thỉnh, một nhà thơ ở Vĩnh Phúc từng giữ nhiều chức vụ quan trọng Hội Nhà Văn Việt Nam. Nhà thơ đi nhiều, viết nhiều và có một số bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn. Bài thơ Sang thu được sáng tác vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ. Nội dung thể hiện tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ trước những chuyển biến tinh tế của trời đất và là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của nông thôn đồng bằng Bắc bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu.
   Ngay từ tiêu đề, tác giả đã tự xác định một thời điểm miêu tả: thời điểm giao mùa. Đó không phải là chính thu, khi bầu trời xanh ngắt lơ lửng những tầng cao, không phải cuối thu, khi nắng trời đã nhuộm đỏ lá bàng, hay khi cái rét mùa đông đã lẩn vào trong gió…Sang thu nghĩa là mới chớm thu, cái tứ kết buộc hệ thống hình ảnh trong bài cũng chỉ gói gọn trong chút “chớm” mỏng manh đó. Bằng bút pháp tài hoa cùng những cảm nhận tinh tế trước vẻ đẹp và sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên trong buổi chớm thu, Hữu Thỉnh đã gợi tả một dáng thu thanh sơ dịu nhẹ ở miền Bắc nước ta. Bài thơ có 3 khổ, mỗi khổ là một nét thu đẹp, êm đềm của tạo vật trong buổi đầu thu:
“Bổng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
   Đã có không ít nhà thơ gợi tả mùa thu đất Bắc bằng những đặt trưng khác nhau. Xuân Diệu với sắc mơ phai của nắng dệt lá vàng, Nguyễn Đình Thi với hương cơm mới. Còn đối với Hữu Thỉnh mùa thu gắn với hương ổi thơm ngào ngạt, ngọt ngào, một thức quà quê quá đỗi quen thuộc với mỗi chúng ta. Mùi hương ấy không thoang thoảng mà phả vào trong gió thu se lạnh. “Phả” là động từ mạnh diễn tả sự bốc hơi mạnh, tỏa ra thành luồng, khi thu đến thì cũng là lúc hương ổi ngào ngạt không gian. Cái hay của nhà thơ là ông chỉ nói đến hương không nói đến màu nhưng ta vẫn có thể liên tưởng  đến sắc màu vàng ươm của nắng thu, lá vàng và ổi chín. Ta bắt gặp một dáng thu quen thuộc với sắc vàng dịu nhẹ nhưng nét riêng của Hữu Thỉnh là đã để cái nồng nàn của hương ổi nương theo cơn gió thu se lạnh mà phả vào đất trời và lòng người. Thu chợt đến và người chợt nhận ra, tất cả giao hòa với nhau trong một từ bỗng thật thần tình. Nhưng cái chính là từ bỗng đã ghi lại những cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ trước thời khắc giao mùa và tâm hồn nhà thơ phải thật tinh tế, phải gắn bó với quê hương mới có thể cảm được hương vị của mùa thu đang lặng lẽ lan tỏa trong không gian.
"Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về"
  Từ láy chùng chình thật gợi hình, gợi cảm. Làn sương mỏng nhẹ nhàng trôi qua ngõ tựa chiếc khăn voan hửng hờ trên đôi vai người con gái. Chùng chình  là trạng thái chầm chậm, dùng dằng, nửa đi nửa ở,  nghĩa là chính làn sương cũng phân tâm, vô định. Nó đang lưu luyến đợi chờ ai hay nuối tiếc một cái gì. Chính cái mơ hồ ấy có sức khám phá và gợi khơi một toạ độ thời gian không rõ nét - "Hình như thu đã về". Thành công của khổ thơ không phải là tả cảnh, mà chính là sự rung rinh cảm nhận một cái gì như có như không của đất trời. Ấy là những giờ phút đầu tiên của mùa thu chợt tới, nó chợt tới trong rất nhiêu ngơ ngác, bâng khuâng. Cái hay trong cảm nhận ấy lại kết hợp một cách hồn nhiên với vẻ đẹp làng quê của ngàn năm cổ tích đầy ắp những hương ổi, hương cau, đường làng ngõ xóm,… thân mật và đơn sơ. Nếu Xuân Diệu xưa đã rộn ràng cất thành tiếng gọi thu Đây mùa thu tới, mùa thu tới thì Hữu Thỉnh lại nhẹ nhàng đem tâm hồn mình hòa vào sương thu, mùi hương nồng của ổi. Và chỉ qua vài nét chấm phá, nhà thơ đã gợi lên một nét thu thanh sơ với bao hoài niệm về kí ức tuổi thơ trong mỗi con người. Đến khổ thứ hai thì dường như mùa thu đã hiện rõ với từng đường nét, hình khối trong cảm nhận của nhà thơ.
"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã"
  Khoảnh khắc giao mùa tiếp tục được thể hiện qua sự chuyển biến của thiên nhiên và đất trời, mở ra một khoảng không gian cao rộng và khoáng đạt của đất trời mùa thu. Dòng sông vào thu nhẹ nhàng chảy trôi khác hẳn với cái cuộn trào trong những ngày nắng hạ. Vẻ phẳng lặng, êm đềm ấy đã một lần đi vào ý thơ của Nguyễn Khuyến để rồi vươn mãi trong hồn ta – ao thu lạnh lẽo nước trong veo. Mặt khác, từ láy dềnh dàng còn gợi cả cái dáng vẻ chầm chậm, lười nhát như muốn thu mình trong cái lạnh của gió thu của những dòng sông. Đối lập với sông, với đất là bầu trời với những cánh chim vội vã, hối hả bay về phía Nam tránh rét hay chỉ đơn giản là vội vã đi kiếm ăn, xây tổ để đợi đông về. Hai tốc độ trái chiều nhau giữa chậm và nhanh là quy luật không dồng đều ở vào thời điểm giao thoa của muôn loài, muôn vật. Ở dây, ta nhận ra cái nhìn của nhà thơ không phải dửng dưng của một người ngoài cuộc. Phải gắn bó với cuộc đời, phải sống cùng những buồn vui nhân thế đến đâu mới viết được những câu thơ sâu sắc như thế. Cả hai câu thơ đã gợi được cái hồn của  mùa thu ở vào cái lúc khới đầu rất thật và rất sống động. Cái nhìn vừa đặc trưng vừa hiện đại ấy phải đến hai câu sau mới thật thần tình.
"Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu"
Mùa hạ, mùa thu là hai bờ của thời gian và đám mây là nhịp cầu Ô Thước vắt qua. Nhịp cầu thật duyên dáng nối hai bờ thời gian bằng vẻ đẹp mềm mại, trữ tình. Nguyễn Khuyến trong bài Trừ tịch cũng có viết: Trước đèn nâng chén rốn ngồi – Một câu thơ vịnh kéo đôi năm liền. Một câu thơ vịnh mà chứa bao nỗi niềm của cụ Tam Nguyên giữa hai miền quá khứ và hiện tại, lấy cảm xúc để nối liền thời gian, ấy là lối cảm của thơ xưa. Còn Hữu Thỉnh, một nhà thơ hiện đại đã lấy không gian miêu tả thời gian. Câu thơ do vậy sống động hơn, hình ảnh hơn, cảm xúc thị giác nhiều hơn. Cái hay của tác giả là sử dụng từ vắt để miêu tả đám mây trôi lang thang, bồng bềnh, tạo cảm giác đám mây như kéo dài, vắt lên, đặt ngang trên bầu trời. Câu thơ có sự chảy trôi của không gian và thời gian. Thu về, một chút mùa hạ vẫn còn vương mình trông theo như để nuối tiếc đất trời, như để tiễn biệt.
  Khổ thơ cuối cùng nhà thơ tiếp tục gợi tả mùa thu cùng những suy ngẫm về cuộc đời:
"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"
   Những từ ngữ vơi dần, bớt bất ngờ được sử dụng một cách độc đáo bởi nó vừa miêu tả được sự hiện hữu của nắng, mưa, sấm đồng thời cho người đọc cảm nhận được tính chất của sự tồn tại ấy – chàng hạ đang nhạt dần và nhường hẳn không gian cho nàng thu. Nếu như trong Đây mùa thu tới Xuân Diệu gợi tả không gian buổi đầu thu qua những cảm nhận về sự xâm chiếm dần của mùa thu đối với đất trời:
"Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh"
Thì Hữu Thỉnh lại miêu tả không gian buổi đầu thu như một cuộc chia lìa. Thu đến, hạ trôi qua như vẫn còn lưu luyến, vấn vương không nở rời xa đất trời. Chính các từ “bất ngờ”, “đứng tuổi” khiến ý nghĩa của câu thơ không dừng lại ở nét nghĩa tả thực mà có chiều sâu hơn. Nắng, mưa, sấm chớp… hay là những vang động của cuộc đời? Những hàng cây đứng tuổi khi đã đi qua bao mùa mưa bão thì sẽ bớt bất ngờ khi một lần nữa đối diện với những sấm hay mưa.  Con người cũng vậy! Khi đã ngả mình sang thu tức là đã bước qua dốc bên kia của cuộc đời, đã là “hàng cây đứng tuổi”, thì bấy nhiêu giông bão ấy, bấy nhiêu tiếng sấm vốn đã từng gây bất ngờ, chao đảo thời tuổi trẻ nay lại trở nên bình thường. Bởi một lẽ đương nhiên rằng ai cũng phải trải qua những năm tháng non dại bồng bột, những vấp ngã trong cuộc đời thì mới có thể trưởng thành và con người ta khi có trải nghiệm rồi thì cũng dần trở nên quen thuộc với sự thay đổi của cuộc sống, trở nên vững vàng và nhìn đời bằng đôi mắt bình thản và chậm rãi hơn hẳn.
   Sang thu được viết khi tác giả đã bước vào ngưỡng tuổi 35, tức là hơn một phần ba chặng đường đời, có lẽ khi ấy ngay cái lúc mà Hữu Thỉnh nghe thấy hương ổi chín, ông đã ngạc nhiên, giật mình nhận ra thu về, đồng thời cũng chợt nghĩ đến dải đời đang bước sang thu của mình. Để rồi Hữu Thỉnh, cố viết cái khoảnh khắc chuyển giao ấy thật chậm rãi, thế nhưng cũng không ngăn được cái bước đi vội vã của thời gian, thu đến bất ngờ, thời trai trẻ cũng trôi đi vùn vụt. Bao nhiêu năm tháng rực rỡ huy hoàng như mùa hạ cuối cùng cũng đang lưu luyến rời đi để lại trong lòng tác giả nhiều xúc cảm.

Bằng các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ, cách sử dụng từ ngữ chọn lọc, tinh tế, tả cảnh chỉ qua một vài nét chấm phá. Hữu Thỉnh đã gọi dậy một hồn thu thanh nhẹ, trong sáng êm đềm, mênh mang đầy thi vị. Ẩn trong đó là tiếng lòng của một hồn thơ nồng hậu, đằm thắm, chan chứa tình yêu quê hương đất nước.
Thơ hay cũng giống như rượu quý bởi chúng đều có thể vượt qua những thử thách nghiệt ngã của thời gian, để thể hiện cái chân giá trị của mình. Hữu Thỉnh với những cảm nhận và sáng tạo nghệ thuật độc đáo, đã làm hoàn thiện hơn những nét thu duyên dáng của quê hương xứ sở, thế nên Sang thu là một thi phẩm thắng vượt thời gian.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vân