Chiếc lược ngà (Anh Sáu)
ĐỀ. Suy nghĩ của em về nhân vật anh Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng?
Bàn về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết: Về truyện ngắn, tôi hiểu, tuy ngắn, nhưng nó có sức chứa đựng một thực tế vừa lớn lao, vừa bén nhọn. Điều đó có nghĩa là ở truyện ngắn có một sự tương phản gay gắt giữa dung lượng và tự tưởng – ngôn từ hạn chế nhưng vấn đề phản ánh phải rộng lớn và sâu sắc. Để làm được điều đó đòi hỏi ở người viết một kĩ thuật vô cùng tình vi từ việc xây dựng tình huống, chi tiết đến cách xây dựng nhân vật. Và hình tượng anh Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà là tiêu biểu hơn cả cho hơn cả cho tài năng và tư tưởng của Nguyễn Quang Sáng.
Ai đó đã từng cho rằng nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi qua làng văn bằng một cái dáng thấp đậm, vừa gần gũi chan hòa, vừa nghiêng ngả phóng túng. Thật vậy, là người con của vùng đất An Giang hiền hoà, chất phác, Nguyễn Quang Sáng đã mang tất cả hiện thực và tâm tình của quê hương mình hiện hình trên những trang văn. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ và là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm viết về cuộc sống gian nan mà hào hùng của đồng bào miền Nam trong cuộc đối đầu lịch sử với quân xâm lược Mĩ. Ra đời năm 1966, những năm tháng gian khổ, đau thương nhất của đồng bào Nam bộ trong 30 năm chiến tranh, "Chiếc lược ngà" được kể lại qua sự chứng kiến của bác Ba, người đồng đội của anh Sáu. Người đã lặng lẽ dõi theo từ đầu đến cuối câu chuyện cảm động của cha con anh Sáu- bé Thu. Qua sự quan sát tinh tế, sâu sắc của bác Ba, chúng ta mới thấm thía hết nỗi đau của người dân Nam bộ trong chiến tranh và sức mạnh của tình cha con thiêng liêng, bất tử.
Anh Sáu xa nhà đi kháng chiến lúc đứa con gái đầu lòng mới một tuổi. Mãi đến khi nó lên tám tuổi, anh mới có dịp về thăm nhà. Con bé không nhận anh Sáu là cha vì vết sẹo trên mặt làm anh không giống trong bức ảnh chụp cùng với vợ mà bé Thu đã biết. Đến lúc bé Thu nhận ra cha thì cũng là lúc anh Sáu phải ra đi. Tình cha con thiêng liêng trỗi dậy mãnh liệt trong em khiến cho mọi người xúc động. Ở khu căn cứ, người cha dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương vào việc làm một chiếc lược bằng ngà để tặng cô con gái bé bỏng. Trong một trận càn của giặc, anh Sáu bị thương nặng. Trước lúc nhắm mắt, anh còn kịp trao cây lược cho người bạn, với ý nhờ anh mang về trao tận tay con gái mình.
Anh Sáu là một nông dân Nam bộ giàu lòng yêu nước. Như bao người cùng thời, anh Sáu tập kết ra Bắc từ năm 1946 với mong muốn góp phần mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ của quê hương. Cuộc sống ở chiến trường gian khó, thiếu thốn trăm bề lại thêm nỗi nhớ đối với gia đình, vợ con... thế nhưng đã có lí tưởng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh làm điểm tựa, ông đã vượt qua được những thàng ngày khốc liệt ấy.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, anh Sáu và rất nhiều đồng đội được dịp về lại quê hương sau 8, 9 năm xa cách gia đình. Xúc động, nôn nao là điều không tránh khỏi, nhất là nỗi nhớ, tình yêu thương đối với con gái càng thúc giục anh mãnh liệt hơn bao giờ hết. Vậy nên, khi nhìn thấy "một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà", anh đã không kịp được lòng mình. Xuồng chưa kịp cập bến anh Sáu đã vội vàng " nhảy lên bờ, khom người hai tay đưa về phía trước" và gọi: Thu con. Anh mong chờ điều gì ở đứa trẻ ngây thơ ấy? Một tiếng gọi ba, một cái ôm hay một sự tíu tít vui mừng? Thực tế hoàn toàn ngược lại, "con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng" . Còn gì đau khổ hơn khi đáp lại bao nỗi nhớ thương lại là thái độ lạ lùng và một tiếng thét trong sợ hãi của con gái.
Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng độ căng cần thiết tạo sự dồn nén cho diễn biến của câu chuyện. Ông Sáu càng "vỗ về" bao nhiêu, bé Thu lại càng tỏ ra bướng bỉnh bấy nhiêu. Trong mấy ngày phép, ông không dám đi đâu xa, ông dành hết thời gian để ở bên con. Ông ra sức dỗ dành chỉ để thu dần khoảng cách với con gái, để nghe nó gọi một tiếng ba nhưng nói trổng là cách con bé thể hiện sự chống đối với ba mình. Ngày anh đi Thu còn chưa đầy một tuổi, tám năm sau anh trở về - khoảng thời gian một đứa trẻ cần nhiều hơn nữa tình yêu của cả cha và mẹ nhưng anh lại không ở bên con. Anh hiểu và chỉ còn biết "nhìn con khe khẽ lắc đầu vừa cười". Nụ cười lúc này không phải là vui mà phản ảnh sự khổ tâm của anh, có lẽ vì khổ tâm quá đến nỗi anh không khóc chỉ biết cười cho vơi nỗi đau đi.
Sự căng thẳng được đẩy lên đến cao trào khi cả hai ba con được đặt vào tình huống thử thách mới : mẹ - người "trung gian hoà giải" đi vắng, chỉ còn hai ba con ở nhà cùng với nồi cơm đang sôi. Khi không thể tự tay bắc nồi cơm xuống để chắt nước, không còn ai để cầu cứu, ông Sáu đoán chắc con bé sẽ phải gọi "ba", nhưng dù là nhờ thì Thu vẫn nói trổng : "Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái !". Tác giả tập trung xoáy sâu vào sự thay đổi tâm lí của bé khi nồi cơm sôi sùng sục : "Nó hơi sợ, nó nhìn xuống, vẻ nghĩ ngợi, nhắc không nổi, nó lại nhìn lên. Tiếng cơm sôi như thúc giục nó. Nó nhăn nhó muốn khóc. Nó nhìn nồi cơm rồi lại nhìn lên chúng tôi". Nó loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước... "con bé đáo để thật! Sự hi vọng của anh Sáu cuối cùng lại chỉ là hoài công. Không nản lòng, anh vẫn quan tâm tới con, dù càng quyết tâm thì nó phản ứng càng dữ dội hơn. Đó là trong bữa ăn anh gắp cái trứng cá to vàng để vào chén nó.Tất cả niềm yêu thương của anh đã được đặt vào cái trứng cá đó. Tưởng nó sẽ hiểu được thành ý nhưng ngược lại nó "liền lấy đũa soi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra". Vậy là ông bị con cự tuyệt hoàn toàn. Vì quá thất vọng không kịp suy nghĩ " anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên "sao mày cứng đầu vậy hả". Tình yêu thương con của ông trở nên bất lực.
Ba ngày phép cũng nhanh chóng trôi qua trong sự hi vọng rồi thất vọng của anh. Đến lúc ra đi, anh tha thiết được ôm con hôn con nhưng cuối cùng lại chọn cách đứng từ xa nhìn con với đôi mắt trìu mến và buồn rầu mà nói lời tạm biệt. Nhưng Thu cuối cùng cũng đã chịu nhận cha. "Ba...a...a...ba", tiếng thét vỡ oà sau bao lâu câm lặng, tiếng thét của tình thương và nỗi nhớ cha da diết. Tác giả đi sâu miêu tả thanh âm thiêng liêng, kì diệu đó : "Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa". Tình yêu với người cha sau bao năm xa cách giờ như bùng cháy : "nó vừa kên vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó... Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa". Đoạn văn có nhịp điệu nhanh thể hiện sự mạnh mẽ, dào dạt của suối nguồn tình cảm yêu thương. Trước những biển hiện tình cảm mãnh liệt của con, ông thực sự xúc động khi con bé cất tiếng gọi "ba". Không kìm được xúc động và không muốn cho con nhìn thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên tóc con. Giọt nước mắt của ông lúc này không vì đau khổ mà nó là "giọt châu" rơi trong sự sung sướng hạnh phúc của một người cha yêu thương con sâu sắc.
Tình cảm yêu thương của ông Sáu được thể hiện tập trung và sâu sắc ở phần sau của truyện, khi ông Sáu trở lại chiến trường. Sau khi chia tay với gia đình, ông Sáu vô cùng nhớ con. Những lúc ấy ông lại thấy dằn vặt day dứt vì đã đánh con trong lúc nóng giân, rồi lời dặn của con: " Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe Ba". Đã thôi thúc ông nghĩ đến việc làm một chiếc lược ngà để tặng cho con, khi kiếm được khúc ngà voi ông đã vô cùng vui mừng sung sướng "mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà". Vậy đấy, khi người ta "hóa thành" trẻ con lại chính là lúc người ta đang hiện lên cá tư cách người cha cao quý của mình, rồi ông Sáu dồn hết tâm sức và tình yêu thương vào chiếc lược "những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược thận trọng, tỉ mỉ và cố gắng như một người thợ bạc". Trên sống lưng lược có khắc một chữ nhớ mà ông gò lưng tẩn mẩn khắc từng nét "yêu nhớ tặng Thu con của ba" . Chiếc lược ngà trở thành kỉ vật thiêng liêng của ông Sáu là kết tinh của tình phụ tử mộc mạc đằm thắm sâu lặng. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao tình cảm yêu mến nhớ thương mong đợi của người cha đến với đứa con xa cách "cây lược ấy chưa chải được mái tóc của con nhưng như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh". Những đêm nhớ con, anh mang chiếc lược ngà ra ngắm ngía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Anh luôn đặt cây lược vào túi bên trái của mình như đặt bé Thu trong trái tim của mình. Lòng yêu thương con được kết tinh trong cây lược ngà ấy đã khiến cho người cha – người đã trở thành một nghệ nhân – nghệ nhân chỉ sáng tác ra một tác phẩm duy nhất của cuộc đời.
Nhưng rồi trong tình cảnh ấy, đau thương lại đến với ông Sáu, ông bị trúng đạn của giặc. Trong giờ phút cuối cùng không kịp trăn trối lại điều gì, ông đưa tay lên túi, móc cây lược cho ông Ba- người bạn chiến đấu và nhìn bạn một hồi lâu, cái nhìn như một lời ủy thác thiêng liêng là ước nguyện giữ gìn tình phụ tử muôn đời. Ông Sáu đã hi sinh nhưng tình cha con ở ông thì không thể nào chết được, tình cha con mãi thiêng liêng bất diệt.
Truyện Chiếc lược ngà có những đặc điểm khá tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Cốt truyện hấp dẫn, xoay quanh những tình huống bất ngờ nhưng vẫn tự nhiên, hợp lí. Giọng kể mộc mạc, tự nhiên. Ngôn ngữ gần với khẩu ngữ và đậm màu sắc Nam Bộ. Đặc sắc của truyện ngắn này còn thể hiện ở ngòi bút miêu tả tâm lí. Điều đó thể hiện thành công chân dung của một người cha trong thời chiến – anh sáu.
Tóm lại truyện Chiếc lược ngà đã diễn tả chân thực và cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng. Trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh, tình cảm thiêng liêng ấy càng cao đẹp, ngời sáng. Câu chuyện không chỉ nói lên tình cha con thắm thiết, sâu nặng mà còn gợi cho người đọc suy nghĩ và thấm thía những đau thương, mất mát mà chiến mang đến cho bao con người, bao gia đình. Vì vậy mà ý nghĩa tố cáo, lên án chiến tranh xâm lược của truyện khá sâu sắc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top