ĐỒNG CHÍ

❄CẢM NHẬN VỀ HÌNH ẢNH NGƯỜI ĐỒNG CHÍ TRONG TÁC PHẨM CÙNG TÊN CỦA CHÍNH HỮU❄
Ngày bé tôi được nghe kể về câu chuyện những cựu chiến sĩ mải miết đi tìm toạ độ người đồng đội đã vùi chôn tuổi xuân chốn hoang tàn trận mạc, người cựu chiến binh rơm rớm nước mắt giữa bao la mù mịt mà tha thiết gào tên đồng đội đến chua xót tâm can-lúc ấy tôi đã ngây ngốc rằng tại sao chỉ là người bạn cùng chiến đấu thôi mà họ lại có vẻ day dứt quá thế?! và rồi khi được tận mắt chiêm ngưỡng sự đẹp đẽ mà dung dị ấy qua những lời thơ "đồng chí" của Chính Hữu, tôi mới vỡ lẽ ra tình cảm giữa những người anh em trên trận mạc lại là mối kết giao gắn bó thiêng liêng đến nhường nào.
Có lẽ cố thi sĩ Chính Hữu là một cái tên không quá xa lạ đối với những kẻ yêu con chữ chảy tràn từ những thước phim chiến tranh và câu chuyện về người nông dân mặc áo lính. Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Tĩnh, tuy gập ghềnh đá sỏi nhưng lại nuôi dưỡng nên những cái tên vàng son trên lịch sử khoa bảng Việt Nam. Âu vì tuổi thơ cơ cực cộng hưởng với dòng máu uyên bác của cố nhân sục sôi trong huyết quản nên những lời thơ của Chính Hữu đều nảy mầm từ những hình ảnh bình dị mà lại đẹp đẽ và vô cùng sâu lắng. Dù khoác lên mình bộ quân phục nghiêm cẩn song trái tim nhà thơ thì vẫn rung ngân những nhịp đập trữ tình, nếu không có những tháng năm lăn lộn chốn bom đạn khói lửa và những ngày phờ phạc vì bệnh tật cùng đồng đội cuối đông 1947 thì có lẽ thi phẩm “đồng chí” đã không được hoài thai rồi đến với trái tim độc giả một cách bình lặng như thế này. Bài thơ là lời tâm tình chân thành với tình cảm tri kỉ gắn bó giữa những người đồng đội nơi tiền tuyến ác liệt đã cùng vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần.
Hòa bình là thứ biết bao người khao khát, nó như hòn ngọc quý mà số người mân mê nâng niu có kẻ lại nhẫn tâm giẫm đạp vì cái lòng tham nhơ nhuốc đến tột cùng. Những nông dân chất phác có lẽ là người khát cầu sự bình yên hơn cả nhưng một ngày các anh lại phải đứng lên cầm súng để đấu tranh giành lại hòa bình, đi theo tiếng gọi Tổ Quốc –những thanh niên như Chính Hữu từ mọi miền tụ họp vào hàng ngũ quân nhân rồi chợt nhận ra nơi ấy tồn tại những người sắp trở thành tâm giao tri kỉ:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Tôi với anh đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
“Tôi” và “anh” đều xuất thân từ cái chốn mà mẹ thiên nhiên chẳng mảy may quan hoài đến: chỗ anh thì chiêm trũng chua với mặn làm cây cối không đủ chất dinh dưỡng để sinh trưởng sinh lời, nơi tôi cũng chẳng sung sướng gì cho cam khi mà đất đai khô cằn chỉ cứng ngắc toàn sỏi đá-cái vùng mà nổi tiếng là “dân cá gỗ” ấy mỗi năm lại còn hứng chịu cơn thịnh nộ của đất trời, hai anh đều đến từ chỗ mà những “đứa con của tạo hóa” còn phờ phạc thế thì âu chăng người nông dân ở đấy phải sống dè sẻn chắt chiu đến 7 phần. Đôi lời bộc bạch thốt lên đầy giản dị dễ làm ta liên tưởng tới những thành ngữ trong dân gian là“đồng chua nước mặn” và “chó ăn đá gà ăn sỏi” đều ám chỉ nơi khó phát triển nông nghiệp khiến cuộc sống nhân dân càng cơ cực bần hàn. Có lẽ vì cùng hoàn cảnh vất vả nên họ dễ dàng đồng cảm với khó khăn và nỗi niềm của đối phương rồi nhanh chóng trở nên thân thiết, đúng là “chẳng hẹn quen nhau” thật nhưng dần dà đôi cậu lính trẻ đã có một mắc xích chắp nối hai kẻ lại với nhau bởi không chỉ cùng xuất thân mà còn chung chí hướng:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
Đây quả thật là một câu thơ đầy ý vị đắt giá của thi phẩm về cả nội dung lẫn nghệ thuật dụng ngôn. “súng bên súng” ý nói hai anh luôn song hành gắn bó cùng nhau trong các nhiệm vụ gian lao trên chiến trường khói lửa, “đầu sát bên đầu” làm độc giả nhận ra rằng những người lính đều đồng lòng một lý tưởng hướng về tình yêu Tổ quốc về khát vọng giải phóng đất nước được độc lập tự do-như Tố Hữu, nhà thơ Chính Hữu cũng được “mặt trời chân lý chói qua tim” nên khấp khởi lại càng thêm khấp khởi khi gặp được những con người có cùng chí hướng với mình, nhờ vậy mà mối quan hệ giữa những đồng đội trở nên vô cùng thân thiết . Hình ảnh “đầu sát bên đầu” còn gợi ta liên tưởng đến hai anh luôn khăng khít trong cả đời sống sinh hoạt thường ngày, họ đi đâu làm gì cũng cùng nhau như những anh em ruột thịt. Cả câu thơ là kết tinh của tình cảm gắn bó sâu sắc, thứ tình cảm ấy rơi vào ngòi bút của Chính Hữu lại đẹp đẽ hơn bao giờ hết qua một loạt nghệ thuật hoán dụ, điệp ngữ, điệp cấu trúc được khéo léo đan cài làm nổi bật lên sự khăng khít giữa những người chiến sĩ. Tình đồng chí không chỉ manh nha trên những bình diện điểm chung về xuất thân và lý tưởng mà nó còn được hun đúc trong suốt trường kì kháng chiến mà các anh đã đồng cam cộng khổ cùng nhau. Những đêm đông lạnh lẽo cô tịch ở tiền tuyến- lúc bấy giờ quân ta luôn phải chịu khổ cực vì thời tiết khắc nghiệt và quân đội còn nghèo không đủ trang bị nên mỗi đợt gió mùa phả tới lại làm các chiến sĩ lạnh buốt xương, lúc ấy họ chỉ có thể chia nhau chiếc chăn mỏng rồi cùng vượt qua những thiếu thốn vật chất vì tương lai Tổ quốc như Chính Hữu và người đồng chí của ông trong “đêm rét chung chăn” rồi “thành đôi tri kỉ”. Đây chính là sự sẻ chia gian lao vô cùng cao đẹp nhưng có lẽ với các anh thì nó đã trở thành một niềm vui, một điều tất lẽ dĩ ngẫu mà cả hai dành cho nhau, họ đều quan tâm và lo nghĩ đến đối phương mà cho rằng nó là việc quá đỗi bình thường rồi khi đến tay người đọc như là thước phim chạy dài phục hiện lên những hình ảnh ấy một cách giản dị song lại rất đỗi gợi cảm chân phương. Đoạn thơ hạ màn bằng 2 từ cô đọng nhưng để lại dư âm ngân vang thật dài:
“Đồng chí!”
ý trên mặt chữ mà ý cũng lắng ở bề sâu, đây có lẽ là tiếng gọi thân thương gần gũi phát ra khi Chính Hữu vô tình nhìn thấy đồng đội hoặc âu chăng nó cũng chính là lời dõng dạc khẳng định tình cảm tri kỉ gắn bó bền chặt của hai người, nó như một bản lề khép lại kín đáo của đoạn thơ đầu rồi e lệ mở ra cái biểu hiện tình đồng chí ở đoạn thơ sau. đồng chí là thứ tình cảm thiêng liêng giữa những người cùng chí hướng, gắn kết bao trái tim xa lạ nên chính vì có tiếng gọi ấm áp ấy họ sẵn sàng chia sẻ với nhau. Tuy rất cô đọng song thứ tình cảm được nêm vào lại sâu lắng đến mức chảy tràn ra khỏi lề chữ rồi len lỏi đến con tim của độc giả-những kẻ tri âm tri kỉ với nhà thơ làm ta cũng thấy ấm lòng như đang được nghe bên tai tiếng gọi thân thương ấy.
có kẻ nào đi xa lại có thể chẳng mảy may tha thiết về mảnh đất mình được chôn nhau cắt rốn? nếu Tế Hạnh khi đi lính xa quê lại nhớ nhung cái mùi nồng mặn, màu nước xanh, cá bạc và chiếc buồm chốn Quảng Ngãi nắng gió thì Chính Hữu cùng người đồng đội lại thổn thức về những“ruộng nương”,” gian nhà không” với “giếng nước gốc đa”. Từng hình ảnh bình dị chân thực hiện lên trong tâm thức các anh-những người thanh niên áo nâu nhuộm bùn, ước mơ chỉ quẩn quanh với đồng ruộng rồi có một mái ấm chở che nhưng khi Tổ Quốc gọi tên họ sẵn sàng gác lại sau lưng tất cả. Gian nhà mà những đứa con ấy từng trưởng thành cũng vô tâm để nó bị gió vờn nắng phai. từ “mặc kệ” như một quyết định cứng rắn để các anh cáo biệt mọi thứ rồi lên đường thể hiện sự sẵn sàng buông bỏ những vấn vương ở làng quê, song cái cách nói mộc mạc không kém phần lạnh lùng ấy cũng chẳng che khuất một cỗ ngột ngạt day dứt đang đè nặng trên khối đỏ phập phồng bên ngực trái của chàng lính trẻ, giọng điệu vẫn man mác đôi chút tiếc nuối đượm buồn. Những “giếng nước gốc đa” đã gắn bó với cả tuổi thơ tưởng chừng như vô tri vô giác nay lại biết cất lên chữ “hoài” đầy da diết với người thanh niên dứt áo hành quân, câu thơ còn có một lớp nghĩa ngôn từ được niêm phong đẹp đẽ là hình ảnh hoán dụ hai tiếng “hậu phương” được giấu kín đáo qua những gốc đa giếng nước. Thực là thế, đến những thứ vô cảm còn biết nhung nhớ khôn nguôi thì nỗi lòng của bậc phụ mẫu hay người trong lòng chàng tân binh lại là một tấn não nề, khắc khoải về cái thân ảnh vốn đã thân thuộc trong mắt mình từ lâu nay phải khuất xa chốn chiến trường truân kiển, phép nhân hóa hài hòa với cái gợi cảm của hoán dụ đã tô đậm lên tình cảm quan hoài miên man từ đấy khép kín mở ra nỗi mong ngóng hai chiều hậu phương và tiền tuyến. Nỗi nhớ nhung ấy được các anh giãi bày với nhau có lẽ cũng khiến họ thấy nhẹ lòng phần nào, sẽ thật tuyệt khi có người cùng đồng cảm và thấu hiểu với những cảm xúc của mình đúng không? Chính sự có cùng xuất thân và hoàn cảnh lớn lên đã làm nền tảng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa họ.
Bàn về những tháng ngày cùng đồng cam cộng khổ, Chính Hữu từng tâm sự: “Không có đồng đội tôi không thể nào làm tròn được trách nhiệm, không có đồng đội tôi cũng đã chết lâu rồi.” -giữa Chính Hữu và những người anh em trên trận mạc của ông, họ là mối kết giao thiêng liêng gắn bó như anh em ruột thịt, trong những tình cảnh chênh vênh giữa tử huyệt và sinh đạo họ vẫn dựa vào nhau mà cam chịu từ cái làn gió rừng Việt Bắc lạnh thấu thịt xuyên xương đến từng trận sốt rét khiến tứ chi mềm nhũn, cộng thêm sự thiếu thốn về quân phục thì những người lính trong chiến dịch đều khiến thế hệ sau phải thảng thốt 2 tiếng “phi thường’’. Có lẽ ngoài tình yêu nồng nàn với Tổ Quốc thì một nguồn động lực to lớn khiến các anh có thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần chính là sức mạnh đoàn kết giữa những người đồng đội: trong trận rét rừng như vắt kiệt sức con người những chàng lính trẻ vẫn lạc quan giữ nụ cười trên môi để động viên nhau, cùng chia sẻ gian khổ qua cái nắm tay thân tình truyền đi hơi ấm và nghị lực tiếp sức chịu đựng đớn đau bệnh tật, sức mạnh tinh thần lớn lao ấy đã lấn át cả cái lạnh lẽo của thể xác bởi không có gì quý báu hơn tình cảm ấm áp trong con tim những tâm hồn đồng điệu có cùng cảnh ngộ, cùng niềm tin và cùng chí hướng. Cử chỉ nắm tay tuy giản dị nhưng lại là biểu tượng của tình thương sâu sắc không thể diễn đạt bằng lời và chính vì thế những người đồng chí đã thực sự vượt qua trận thập tử nhất sinh. Cuối bài, thi phẩm hạ màn bằng 3 câu thơ hòa loãng trong trữ tình lẫn pha đôi chút sắc thái u tịch:
“đêm nay rừng hoang sương muối
đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
đầu súng trăng treo.”
Khung cảnh chuyển dời, thanh bình hơn ảm đạm hơn, không còn trận sốt rét đau buốt cũng chẳng có nỗi nhung nhớ da diết quê hương. Chỉ còn các anh cùng đất trời đã bị gã màn đêm nuốt chửng vào lòng sâu thăm thẳm, vất vưởng một con trăng treo lấp lửng trên đầu tỏa ra cái ánh sáng ngà ngà xuyên qua những tầng cây rừng loang lổ lớp sương muối. Không gian chợt rơi lặng lẽ như những nốt trầm thật trầm trên bản đàn của tạo hóa, có lẽ, những chàng lính trẻ cũng đã se se lạnh nhưng vẫn nghiêm cẩn giữ mình trong tư thế chủ động, hiên ngang sẵn sàng để chiến đấu với kẻ địch bởi họ biết khi mình buông súng xuống một giây cũng có thể quyết định sinh tử của cả một đất nước. Theo dõi xuyên suốt theo chiều dài con chữ, âu chăng hình ảnh giàu chất thơ nhất của toàn bài chính là dòng “đầu súng trăng treo”-đầu súng gợi liên tưởng tới mục đích chiến đấu, ánh trăng lãng mạn lại tượng trưng cho sự tự do yên bình, cả hai yếu tố quyện lại tôn thêm vẻ đẹp cho nhau. Về mặt nghĩa biểu tượng cả câu như muốn bộc bạch một lời rằng ý chí cầm súng của các anh là hướng tới sự độc lập giành lại hòa bình cho Tổ quốc, lớp nghĩa tượng trưng là quang cảnh la đà ở vòm trời một áng nguyệt nhỏ nhắn như đang được treo khi mõm súng hướng lên trên. Đọc đến đây nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì hai hình ảnh thoạt nghe đối lập nhau nhưng khi cộng hưởng vào khuôn thơ thì nó trữ tình đến lạ, đây là hình ảnh kết hợp hài hòa giữa cái gần kề của ống súng và xa tắp của ánh trăng, giữa hành động chiến đấu và lý tưởng hòa bình, giữa không gian rất thực mà cũng vương ảo mộng, giữa chất chiến đấu và chất trữ tình, giữa cuộc đời người lính nhưng mang tâm hồn của thi nhân. Chính tình đồng chí đã giúp Chính Hữu có thêm niềm tin về những vọng tưởng cao đẹp và mơ mộng nuôi dưỡng nên một hồn thơ rất đỗi lãng mạn, kết tinh nên thi phẩm “đồng chí’’ vừa sắc sảo về mặt nghệ thuật dụng ngôn lại ấm áp nghĩa tình những người anh em trong ý thơ được gieo khéo léo.
“Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vẫn thơ”đúng như lời của thi hào Jorge Luis Borges đã nhận định. Bài thơ “đồng chí” đã ra đời tự nửa thế kỉ trước song đến nay những giá trị cao đẹp thiêng liêng từ mối gắn kết của các chiến sĩ rừng Việt Bắc vẫn ung dung đứng bên lề quy luật băng hoại của thời gian khiến nó càng sống lâu thì càng khẳng định được vị thế của mình trên thi đàn dân tộc, trở thành một mảnh tàn rơi ứ đọng dịu dàng nơi tâm thức độc giả chỉ trong lần đầu chiêm ngưỡng qua. Và tôi cũng như thế, đến khi ra khỏi chốn thi uyển của Chính Hữu những vang vọng từ con chữ ông vẫn còn ngân dài làm bản thân tôi không khỏi cảm thán tình nghĩa ở những chàng trai có cùng xuất thân ,chung lý tưởng bình dị mà bền chặt với những xuyến xao phập phồng trong lồng ngực. Những thứ ấy như giục giã trong lòng mỗi độc giả một sự biết ơn sâu sắc đến những đồng chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã được phục hiện qua ngòi bút tài hoa của cố nhà thơ, chiến sĩ Chính Hữu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vn