Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

Bài làm
Kim Lân là nhà văn của đồng ruộng, một lòng đi về với đất với người. Các tác phẩm của ông luôn mang vẻ đẹp dung dị của làng quê của những người lao động nghèo. Trong đó tiêu biểu là tác phẩm “Làng”, vẻ đẹp của nhân vật ông Hai đã để lại cho em ấn tượng khó quên.
“Làng” ra đời năm 1948,khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc còn đang trong giai đoạn trứng nước, con đường bảo vệ tổ quốc còn gặp nhiều khó khăn gian khổ. Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo dựng niềm tin đối với nhân dân khi trong thời gian này,thực dân Pháp liên tục đưa ra các tin đồn hòng chia rẽ nội bộ quân ta. Tác phẩm ra đời giống như là một lời khẳng định niềm tin của tác giả đối với người nông dân, tầng lớp luôn bị cho là kém hiểu biết và lạc hậu, không có giá trị trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Kim Lân tin rằng ẩn sâu trong những con người ấy là một tấm lòng yêu nước thiết tha và hết lòng vì kháng chiến. Ông Hai chính là hình tượng chuyên chở toàn bộ tư tưởng ấy.trong đoạn trích, nhân vật ông Hai hiện lên với vẻ đẹp của lòng yêu quê hương tha thiết, tự hào về quê hương. Ông hiện lên với vẻ đẹp của lòng tự trọng, coi danh dự của làng là lẽ sống,trên cả gia đình, bản thân. vẻ đẹp của ông Hai còn là vẻ đẹp của con người hết lòng vì kháng chiến, hi sinh tất cả để phục vụ cho kháng chiến và luôn có niềm tin mãnh liệt vào Đảng vào Cụ Hồ.
Đến với tác phẩm “Làng”, ấn tượng đầu tiên của bạn đọc về ông Hai là một người nông dân yêu làng, yêu quê hương hết mực. Cuộc kháng chiến diễn ra, nhà nước có chính sách tản cư. Lúc đầu ông Hai không chịu đi, bởi vì ông yêu làng, xa nơi chôn nhau cắt rốn đối với ông là một cực hình. Ngay trong những trang dòng đầu tiên của truyện, Kim Lân đã cho ta thấy tình yêu làng chất phác nguyên thủy trong tâm hồn ông Hai. Tình yêu ấy càng sáng rõ hơn khi ông thấy rằng:” Đi tản cư âu cũng là kháng chiến”. Chính tình yêu làng trong ông đã giúp ông nhận ra rằng trong thời gian này, việc ông có thể làm để bảo vệ ngôi làng thân yêu là đi tản cư để tiện cho kháng chiến. Ở nơi tản cư, tình yêu làng của ông càng thể hiện một cách rõ nét. Cứ mỗi tối, ông lại sang nhà bác hàng xóm, “sắn quần lên tận bẹn” mà kể chuyện làng Dầu của ông. Ông kể say sưa lắm, nói về làng như là một thú vui, một hoạt động thường ngày của ông. Tình yêu làng đã ăn sâu vào máu, khiến mọi hoạt động của ông đều hướng về làng Dầu. Khi đang làm vườn, ông luôn nhớ về những ngày cùng nhân dân đào hào,đắp lũy. Ông nhớ những buổi đi tập một hai, toàn các cụ già cả, khiến anh hướng dẫn sau mỗi câu mệnh lệnh lại phải thêm một chữ “ạ” rõ dài ở cuối. Ông nhớ những khi hát hò, bông phèng cùng anh em. Mọi kỉ niệm hiện lên trong trí nhớ của ông rõ mồn một và màu sắc rõ ràng cho thấy tình yêu làng luôn chảy trong lòng ông. và tất cả như chốt lại trong câu “Chao ôi! Ông nhớ cái làng, nhớ cái làng quá!”. Câu cảm thán đã trực tiếp bày tỏ nỗi lòng sâu kín của ông, dù biết đi tản cư cũng là để góp phần bảo vệ quê hương nhưng làm sao tránh khỏi nỗi nhung nhớ nhất là với người một đời gắn bó với làng như ông. Tình yêu làng, yêu quê hương của ông càng được thể hiện rõ ràng khi ông ngồi nói chuyện cùng những người tản cư ở dưới xuôi lên. Trong từng câu từng lời của ông đều luôn hướng về làng. Ông hỏi “lúa dưới ta năm nay tốt chứ”, rồi khi nghe một người đáp lời, ông lại tự hào “Thì vưỡn!”. Tình yêu làng trong ông mãnh liệt, nó toát ra thành hành động, lời nói của ông. Và đọng lại trong lòng bạn đọc muôn đời vẫn mãi là hình ảnh của một ông Hai yêu làng tha thiết.
Ông Hai không chỉ hiện lên với vẻ đẹp của tình yêu làng, yêu quê sâu nặng mà còn hiện lên với vẻ đẹp của niềm tin vào kháng chiến, tin vào cụ Hồ. Tình yêu làng quê của ông Hai không chỉ thể hiện bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể người nông dân ấy sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. Tình yêu làng quê đã hòa quyện trong tình yêu nước. Ông Hai có thói quen là đến phòng thông tin niềm vui sướng khi nghe được tin chiến thắng của quân ta dù có nhỏ nhưng với suy nghĩ “tích tiểu thành đại làm gì mà thằng Tây chả bước sớm”. Những suy nghĩ ấy của người nông dân về kẻ thù khi còn rất đơn giản nhưng nó cũng thể hiện niềm tin nhất định thành công của cách mạng. Đó chính là nhận thức tư tưởng mới của ông Hai khi có ánh sáng cách mạng.
Nhà văn đã khéo léo đưa vào tình huống truyện bất ngờ được đẩy lên cao trào khi để nhân vật bộc lộ rõ một chuỗi diễn biến trong tâm lí. Tin làng chợ Dầu theo Tây giồng như “ một gáo nước lạnh” làm tắt ngấm ngọn lửa yêu làng bấy lâu trong lòng ông Hai. Tin đến đột ngột bất ngờ khiến cho ông choáng váng “ tưởng như không thở được” tưởng như tai nghe nhầm. Nhưng rồi nghe rõ tên người tên làng khiến cho ông Hai xấu hổ. Câu nói “ Hà, nắng gớm, về nào!” là cái cớ để ông lảng tránh mọi người ra về. Ngòi bút của nhà văn hướng tới miêu tả hình ảnh của ông Hai đi trên đường với dáng vẻ đi nhanh, mặt cúi gằm vì trong lòng thấy xấu hổ, nhục nhã. Những giọt nước mắt đã rơi xuống khi nhìn thấy con với ý nghĩ: “ Chúng nó cũng bị người ta rẻ rung, hắt hủi đấy ư?”, “Ai người ta chứa. ai người ta buôn bán mấy.” dòng ngôn ngữ độc thoại nội tâm kết hợp với câu hỏi tu từ diễn tả nỗi lo lắng của ông Hai cho con, cho những người dân làng chợ Dầu. Và rồi bao nỗi lo lắng tủi nhục cũng biến thành cơn giận dữ tiếng chửi đổng nhằm vào lũ Việt gian. Hai chữ Việt gian đã trở thành vết nhơ, vết nhục khó gột rửa trong lòng ông Hai mà khiến mọi người đều căm ghét. Chính trong lúc đau đớn ấy ông Hai hướng về những người đang ở lại làng với niềm tin chắc chắn “ họ quyết tâm một sống một chết với giặc” nhưng rồi cái tin làng chợ Dầu theo Tây lại làm cho ông nghi ngờ “ Không có lửa làm sao có khói”. Ông từng có ý định về làng nhưng lại không về “Làng thì yêu thật đấy nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Là một người đã từng yêu làng đến cháy bỏng mãnh liệt mà giờ đây phải nói câu thù làng chắc hẳn trong lòng ông vô cùng đau đớn. Ngòi bút nhà văn tập trung miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, khắc họa một cách sinh động chân dung nhân vật ông Hai nỗi xấu hổ, tủi nhục, đau đớn, lo lắng, tức giận khi nghe được tin làng theo Tây.
Để vơi đi nỗi đau đớn ông lại trò chuyện với con “ Con có muốn về làng chợ Dầu không? Con ủng hộ ai?” Và người cha ấy nhận được câu trả lời “Con có muốn về làng. Con ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm.” Đoạn đối thoại tuy ngắn các câu hỏi và câu trả lời đều xoay quanh làng chợ Dầu. Có thể nói rằng cuộc trò chuyện chỉ là cái cớ để ông Hai giãi bày nỗi lòng mình mặc dù nói thù làng nhưng trong lòng ông vẫn rất nhớ và muốn quay lại làng. Cho dù đã có lúc tình yêu ấy có bị thay đổi nhưng lòng tin vào cụ Hồ vẫn bền chặt thiêng liêng chưa bao giờ thay đổi. Đó chính là sự chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng, tình cảm của ông Hai hay của những người nông dân thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Có thể nói rằng từ khi nghe làng chợ Dầu theo Tây ông Hai như sống trong những ngày tháng tăm tối bế tắc tuyệt vọng. Ngòi bút miêu tả diễn biến tâm lí của nhà văn như làm khơi sâu nhận rõ thế giới nội tâm của nhân vật lúc cảm thấy xấu hổ nhục nhã, lúc lại đau đớn tức giận. Nhưng tựu chung lại, tất cả đều tập trung làm sáng lên niềm tin mãnh liệt của ông vào kháng chiến, vào cụ Hồ.
Vẻ đẹp của ông Hai còn là vẻ đẹp của con người một lòng hướng về kháng chiến, sẵn sàng hi sinh tất cả để phục vụ kháng chiến. Chiều hôm đó, nhá nhem tối ông Hai mới về đến nhà. Ông còn mua quà cho các con, đôi mắt ông hung hung đỏ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Không còn dáng vẻ cúi gằm mặt xuống mà đi, hay gương mặt đau đớn, tủi hổ trước đây. Ông đi hết nhà này đến nhà khác để báo tin làng Dầu trong sạch, làng Dầu không theo Tây. Ông nói đi nói lại “Toàn là sai sự mục đích cả”. Bản chất của người nông dân xính chữ, muốn dùng các câu từ trang trọng đã trở về trong ông Hai. Đặc biệt là tâm trạng vui sướng của ông khi nói rằng nhà mình đã cháy. Một niềm vui thật lạ, đối với người nông dân căn nhà và mảnh vườn là gia sản lớn nhất, quan trọng nhất của cuộc đời họ nhưng khi nghe tin nhà mình đã bị cháy thì trong ông Hai lại không có một chút đau buồn nào cả. Bởi vì nhà của ông cháy là do cuộc kháng chiến, cháy trong cuộc bảo vệ quê hương của quân đội ta. Với ông, nhà cháy là minh chứng cho lang ông vẫn là làng kháng chiến, làng Dầu không theo Tây. Trong sự cháy rụi, tàn lụi của căn nhà lại là sự hồi sinh của làng Dầu, cái mất đi củ ngôi nhà lại là dấu son đánh dấu sự trở lại của danh dự củ làng Dầu. Đó là sự hi sinh hết tất cả của người nông dân dành cho cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả tài sản quý giá nhất đời mình để cuộc kháng chiến diễn ra thuận lợi. Đó là biểu hiện cao độ của tấm lòng yêu kháng chiến, tin vào kháng chiến. Tình yêu làng đã lớn lao tới mức vượt lên khỏi phạm vi lũy tre làng mà bao trùm lên thành tình yêu nước. vẻ đẹp của ông Hai là vẻ đẹp tiêu biểu cho vẻ đẹp của người nông dân thời kì đầu cách mạng.
Và như vậy, tác giả đã xây dựng nhân vật ông Hai thành hình tượng tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam yêu nước. Đó còn là tầm nhìn nhân văn thể hiện niềm tin mãnh liệt của Kim Lân vào người nông dân khi ấy. Và vẻ đẹp của ông Hai đã in mãi trong lòng bạn đọc, nhắc tới Kim Lân, ta không thể không nhắc đến ông Hai.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vân