Phân tích đoạn thơ thứ 5
Đề bài: Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố HữuTa đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa...
(Ngữ văn 12, Tập một, tr.111, NXB Giáo dục - 2009)
GỢI Ý
Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc, thí sinh có thể phân tích đoạn thơ bằng nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
- Nêu được vấn đề cần nghị luận.
- Qua nỗi nhớ những ngày tháng kháng chiến cùng chia sẻ ngọt bùi, người cán bộ về xuôi thể hiện tình cảm chân thành, tha thiết với Việt Bắc.
- Cuộc sống và con người Việt Bắc đơn sơ, dình dị, mộc mạc, gian khổ nhưng lạc quan yêu đời hiện lên qua hoài niệm của người cán bộ chiến sĩ.
- Nghệ thuật: thể thơ lục bát với giọng điệu ngọt ngào, tha thiết, cặp đại từ mình – ta, phép điệp giàu tính truyền thống, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm.
- Đánh giá chung về nôi dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
+ Về nội dung : cả phần thơ là một khúc tình ca tha thiết thể hiện nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi với cảnh vật và con người Việt Bắc. Nó có cội nguồn sâu xa từ tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, truyền thống ân nghĩa, đạo lí thuỷ chung của dân tộc Việt Nam. Phần thơ khắc sâu lời nhắn nhủ của Tố Hữu : Hãy nhớ mãi và phát huy truyền thống yêu nước quý báu, anh hùng, bất khuất, nhân nghĩa thủy chung của cách mạng, của con người Việt Nam.
+ Về nghệ thuật :
Cấu tứ của bài thơ là cấu tứ của ca dao với hai nhân vật trữ tình là ta và mình, người ra đi và người ở lại đối đáp với nhau. Nhưng ở đây, cấu tứ đó được thể hiện một cách gián tiếp qua việc sử dụng từ "mình, ta" trong lời của người cán bộ cách mạng.
Tố Hữu đã phát huy được nhiều thế mạnh của thể lục bát truyền thống. Nhà thơ rất chú ý sử dụng kiểu tiểu đối của ca dao, chẳng những có tác dụng nhấn mạnh ý mà còn tạo ra nhịp điệu uyển chuyển, cân xứng, hài hoà, làm cho lời thơ dễ nhớ, dễ thuộc, thấm sâu vào tâm tư.
Về ngôn ngữ, Tố Hữu chú ý sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân rất giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất sinh động để tái hiện lại một thời cách mạng và kháng chiến đầy gian khổ mà dạt dào tình nghĩa.
Chú ý:
Mở bài: Giới thiệu chung về bài thơ Việt Bắc và đoạn trích.
Thân bài:
- Ý nghĩa khái quát: Nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi với Việt Bắc.
- Biểu hiện cụ thể:
+ Nhớ nghĩa tình sâu đậm của người dân Việt Bắc, kỉ niệm kháng chiến, cảnh chiến khu...
+ Thể thơ lục bát, cách xưng hô mình – ta gợi cảm của ca dao, nghệ thuật đăng đối, điệp từ, hình ảnh chân thật gợi cảm, thơ giàu nhạc điệu...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top