Phân tích hình ảnh dòng sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà

BÀI LÀMTrong tác phẩm Người lái đò sông Đà, dòng sông Đà hiện lên trong trang tùy bút như một sinh thể độc đáo vừa có hình hài, vừa có cá tính, phong cách có cả số phận. Ngòi bút của Nguyễn Tuân đi sâu miêu tả hai nét tính cách trái ngược của dòng sông Đà hung bạo và trữ tình.

Ngay từ lời đề Nguyễn Tuân đã phát hiện ra cái độc đáo của dòng sông Đà thông qua lời thơ của Nguyễn Quang Bích: "Chúng thủy giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu" (Mọi con sông đều đổ về đông, duy chỉ có sông Đà là chảy theo hướng bắc). Bằng việt đối sánh hướng chảy về dòng sông Đà với mọi dòng sông khác, Nguyễn Tuân đã cho thấy đây là một dòng sông có bản lĩnh, có cá tính. Và dường như nhà văn đã miêu tả dòng sông Đà với những gì nguyên sơ nhất khi con sông chưa có bóng dáng cuộc sống con người.

Cái độc đáo của sông Đà trước hết bộc lộ tính cách hung bạo. Cái hung bạo của con sông Đà hiện lên ở vách đá dựng đứng hai bên bờ sông: "Đá bời sông dựng vách thành", "Vách đá chẹn ngang dòng sông như một cái yết hầu". Nguyễn Tuân mang đến cho người đọc cảm nhận đầu tiên: Sự vững chãi, uy nghiêm, đầy bí ẩn của sông Đà. Bằng biện pháp so sánh kết hợp với liên tưởng, tưởng tượng, nhà văn vẽ ra hình ảnh sông Đà ở thượng nguồn là nơi có độ cao hút của vách đá và độ hẹp của lòng sông, khiến cho "mặt sông phải chính ngọ mới có mặt trời".

Cái hùng vĩ, dữ dội của sông Đà còn ở những cái hút nước trên sông. Âm thanh của những cái hút nước đó thật đáng sợ: "nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc", "những cái giếng sâu nước ặc ặc như vừa rót dầu sôi vào". Nhà văn sử dụng biện pháp so sánh kết hợp với những từ láy để miêu tả sự kinh hoàng của những cái hút xoáy đó. Nguyễn Tuân còn hình dung ra cảnh: một anh bạn quay phim táo tợn ngồi vào chiếc thuyền để hút nước sông Đà, hút xuống dưới tận đáy sông để rồi từ đó lia ngược máy quay phim lên. Nước sông đà như một khối bê tông thủy tinh đúc dày. Khối bê tông này có thể đổ ập xuống cả người, cả máy quay phim. Dòng sông lúc nào cũng ở trong cơn cuồng ngộ muốn hút vào lòng nó tất cả những gì trên bề mặt sông Đà.

Sông Đà hung bạo, dữ dội nhất là ở cảnh thác đá trên sông. Nhà văn cảm nhận con thác ấy qua cái nhìn của người đi thuyền trên sông, đang ngồi một mình tiến dần đến thác. Cảnh thác đá vì vậy được miêu tả từ xa đến gần. Càng đến gần, thác đá hiện lên qua hình ảnh: sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá", "đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông". Nhà văn đã dùng cái nhìn quân sự để miêu tả sự nham hiểm của con sông với những "đá tướng", "đá quân" đông đảo, hiếu chiến mà diện mạo hòn nào cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó, hất hàm, xốc xược, tiêu nghỉu, xanh lè...

Không chỉ là người say mê những phong cảnh tuyệt mĩ, dữ dội, phi thường, Nguyễn Tuân còn là nhà văn của cái đẹp. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà không chỉ hung bạo mà nó còn rất trữ tình. Từ điểm nhìn trên cao, Nguyễn Tuân nhận ra hình ảnh con sông trong dáng hình mềm mại uốn lượn tự nhiên. Nguyễn Tuân đã so sánh dòng sông Đà với sợi dây thừng ngoằn nghèo. Sự so sánh giản đơn nhưng chính xác độc đáo nên tạo được sự bất ngờ thú vị. Sông Đà đẹp thơ mộng trước hết ở vẻ đẹp tự nhiên ấy.

Dòng nước sông Đà cũng mang vẻ đẹp duyên dáng, thi vị: "con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi mèo đốt nương xuân". Dòng sông như áng tóc của người con gái yêu kiều, một mĩ nhân duyên dáng, đài các và đầy thơ mộng. Câu văn rất dài chỉ với duy nhất một dấu ngắt đã giúp người đọc liên tưởng về sự "tuôn dài" tưởng như bất tận của con sông.

Màu sắc: nhà văn đã khéo léo so sánh màu nước của con sông Đà với những con sông khác: Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Xanh ngọc bích là màu xanh vừa có ánh, vừa có sắc, lại gợi lên một sự quý giá. Nó không phải cái màu nhàn nhạt như màu xanh cánh hến của sông Gâm, sông Lô. Nếu màu nước con sông Hương thay đổi theo ngày "sáng xanh, trưa vàng, chiều tím" thì sông Đà lại thay đổi theo mùa. Sự thay đổi đó làm dòng sông giống hệt một thiếu nữ thất tình. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như mang nặng phù sa với cái dáng vẻ nặng nề, chậm chãi được Nguyễn Tuân miêu tả như giận dữ, bực mình, khó chịu. Nghệ thuật so sánh bất ngờtáo bạo rất Nguyễn Tuân đã làm nên một sông Đà thơ mộng, trữ tình, đa tình, đa cảm.

Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn toát lên từ không gian tĩnh lặng. Phải chăng đây là đoạn sông Đà ở hạ nguồn dòng sông hiền lành yên ả: "cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi". Điệp từ "lặng tờ" mở ra cái trầm tích của dòng sông trong lịch sử và có lẽ cái tĩnh lặng ở sông Đà cũng là sự bất biến ngàn đời nay khi chưa có dấu chân con người khai phá.

Tóm lại, hung bạo và trữ tình là hai nét tính cách đối lập nhau tạo nên vẻ đẹp đầy lôi cuốn của sông Đà. Bút pháp lãng mạn với thủ pháp tương phản, hệ thống hình ảnh được tạo ra từ những liên tưởng kỳ thú, sự am hiểu nhiều ngành nghệ thuật (địa lý, lịch sử, quân sự, điện ảnh, thơ ca..), cùng nghệ thuật so sánh đặc sắc đã giúp Nguyễn Tuân miêu tả vẻ đẹp kì thú đặc biệt độc đáo của sông Đà. Qua Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân muốn ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, con người Tây Bắc trong cảm quan cái đẹp của mình. Tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người và lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân đã được thể hiện sâu sắc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: