PHÂN TÍCH
Hồ Xuân Hương chưa rõ năm sinh và năm mất, bà sống từ khoảng cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo nhưng Hồ Xuân Hương không chịu gò bó, sống khép kín trong cái xã hội eo hẹp, tù túng mà bà là một con người rất phóng khoáng, đa tài đa tình. Bà đã đi rất nhiều nơi và gặp được rất nhiều tài tử nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Du. Nữ sĩ còn có tập thơ Lưu hương kí gồm 24 bài chữ Hán và 26 bài chữ Nôm, chính vì thế mà người ta vẫn thường nhắc đến bà với một cái tên quen thuộc là "Bà Chúa Thơ Nôm". Trong tập thơ Lưu hương kí của bà, chùm thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương là một trong những bài thơ tiêu biểu, nổi tiếng nhất. Bà lấy chồng hai lần nhưng cả hai lần ấy bà đều làm lẻ và phải chứng kiến cảnh chồng mất sớm. Điều đó đối với bà là những biểu hiện cụ thể, đầy rẫy nước mắt của nỗi đau người con gái hồng nhan bạc phận. Qua tiểu dẫn trên, có ý kiến cho rằng :" Tự tình (bài II) thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương : vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của "Bà Chúa Thơ Nôm" trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng."
Tự tình (bài II) đã thể hiện tâm trạng, thái độ : vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng lại rơi vào nỗi bi kịch có nghĩa là bài thơ cho ta thấy được sự cô đơn, lẻ loi mang đầy tâm trạng đau buồn của một người phụ nữ hồng nhan bạc phận đang cố gắng phản kháng để vươn lên bi kịch cuộc đời nhưng lại bất thành. Bài thơ còn cho ta thấy được khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của Bà Chúa Thơ Nôm trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng tức là bà đã sử dụng một số nghệ thuật trong bài thơ làm cho mọi thứ trong bài đều trở nên có cảm xúc và bộc lộ được niềm khát khao mãnh liệt về một tình yêu trọn vẹn.
Tự tình (bài II) được Hồ Xuân Hương viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật và trong bài thơ này ta có thể chia bố cục thành bốn phần cơ bản của thể thơ. Mở đầu bài thơ là hai câu đề thể hiện hoàn cảnh và cảm nhận của Hồ Xuân Hương khi bà đang tự tình về cuộc đời bà với tâm trạng cô đơn, lẻ loi:
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non."
Khung cảnh hiện lên lúc bấy giờ là một màn đêm tĩnh lặng, là lúc mà con người đã chìm sâu vào giấc ngủ và đó cũng chính là lúc mà người ta phải đối mặt với chính cảm xúc thật của mình. Không gian vắng lặng, yên tĩnh khiến Hồ Xuân Hương có thể nghe rõ được âm thanh của tiếng "trống canh dồn" Nhưng bà có đang thực sự lắng nghe âm thanh ấy hay bà đang tự lắng nghe âm thanh của tâm trạng bà? Phải, bà đang lắng nghe âm thanh của tiếng lòng bà - một âm thanh rất dồn dập báo hiệu thời gian đang trôi qua một cách rất lặng lẽ và nhanh chóng khiến bà đang dần cảm thấy lo lắng về số phận cuộc đời và sự cô đơn, lẻ loi của mình. Biện pháp đảo ngữ "Trơ cái hồng nhan" cho ta cảm giác được rằng bà đang tự mỉa mai chính nhan sắc của mình. Động từ "Trơ" trước đó có nghĩa là sợ trơ trọi, cô độc, sự chai lì của một nhan sắc bị lãng quên. Đối với những người phụ nữ hồng nhan thì lúc nào họ cũng cảm thấy vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc nhưng đối với Hồ Xuân Hương - bà cũng là một người phụ nữ hồng nhan nhưng bà lại không còn cảm xúc gì về chính nhan sắc của mình. Sự đau buồn của Hồ Xuân Hương đã thể hiện trên khuôn mặt chai lì của bà. Nguyễn Du có nói "Chữ tài đi với chữ tai một vần" và điều đó là hoàn toàn đúng với tâm trạng của Hồ Xuân Hương lúc bấy giờ. Ngoài phép đảo ngữ, nữ sĩ còn sử dụng biện pháp đối lập "với nước non" gợi lên một không gian rộng lớn mênh mông để cho chúng ta thấy được sự nhỏ bé của Hồ Xuân Hương trong cái không gian ấy. Đồng thời gợi lên Xã hội với nhiều định kiến khắt khe làm tăng sự cô độc, lẻ loi của Hồ Xuân Hương. Qua đó, chúng ta thấy được Hồ Xuân Hương đã giải bày tâm trạng của mình một cách rất độc đáo.
Tiếp đến là hai câu thực cho ta thấy được tình yêu đang còn dang dở của bà:
"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn."
Như ở phần tiểu dẫn thì chúng ta cũng phần nào biết được nỗi đau và bi kịch của bà khi làm vợ lẻ của hai đời chồng và phải đau khổ chứng kiến cảnh chồng mất sớm. Chính vì thế mà bà đã tìm đến rượu để giải sầu, nhưng khi bà vừa cầm chén rượu lên thì bà gặp phải một nghịch cảnh. Mùi hương của rượu chỉ vừa mới thoang thoảng qua mũi của bà nhưng lại khiến bà nhanh say và cũng mau tỉnh, gợi lên cho bà một cảm giác đau đớn và thấm thía hơn với bi kịch cuộc đời mình. Rượu không giải quyết được vấn đề nên bà đã đành tìm đến vầng trăng để bầu bạn, tâm sự. Cứ ngỡ trăng sẽ giúp bà quên đi sầu muộn nhưng khi bà nhìn lên trăng thì bà thấy đâu đó hình ảnh của mình. Hình ảnh vầng trăng "khuyết chưa tròn" đã khiến bà thêm một lần nữa rơi vào nghịch cảnh. Vầng trăng chỉ khuyết cũng giống như tình yêu của bà chưa được trọn vẹn. Cụm từ "bóng xế" cũng cho ta thấy được thời gian đang trôi qua rất nhanh chóng khiến cho con người nhỏ bé Hồ Xuân Hương trở nên cô đơn, lẻ loi trong chính tình yêu đang còn dang dở của bà. Qua đây, chúng ta nghĩ rằng với nhiều tâm trạng đau buồn, cô đơn như thế thì Hồ Xuân Hương đã phải rơi vào tuyệt vọng nhưng không, bà vẫn chưa tuyệt vọng mà còn muốn đạp lên cái xã hội eo hẹp để chứng tỏ bản thân mình.
Hai câu luận kế tiếp cho chúng ta thấy được thái độ phản kháng mạnh mẽ của Hồ Xuân Hưong:
"Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn."
Lại một lần nữa chúng ta bắt gặp biện pháp đảo ngữ "Xiên ngang - Đâm toạc" nó nhấn mạnh thái độ không chấp nhận sự an phận mà vẫn muốn vạch trời vạch đất để mà phản kháng vươn lên. Nghệ thuật đối lập "Mặt đất - rêu từng đám ; Chân mây - đá mấy hòn" đã trực tiếp miêu tả hình ảnh thiên nhiên một cách rất độc đáo, từng đám rêu nhỏ bé không chịu được sự mềm yếu mà phải mọc xiêng ngang mặt đất để vươn lên, đá đã rắn chắc thì giờ đây lại càng phải cứng cỏi hơn để đâm toạc được chân mây. Vậy đây đâu phải là cái dữ dội, cái mạnh mẽ của rêu đá mà nó chính là sự phẫn uất của lòng người. Với cách dùng từ, hình ảnh mới mẻ, Hồ Xuân Hương đã làm cho thiên nhiên trở nên sống động, có linh hồn. Tạo nên một trong những nghệ thuật độc đáo của thơ Hồ Xuân Hưong ngay cả trong tình huống bi thảm nhất.
Kết thúc bài thơ là hai câu kết cho ta thấy rõ tâm trạng bế tắc của Hồ Xuân Hương trước số phận:
"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!"
Lẽ ra theo mạch cảm xúc đang dâng trào mảnh liệt của sự phản kháng thách thức ở hai câu luận thì hai câu kết phải có sự chuyển điệu tương đồng nhưng điều đó đã hoàn toàn không xảy ra mà ngược lại. Từ "Ngán" cho ta thấy được giọng thơ bỗng chùn xuống như một tiếng thở dài, chán chườn, chấp nhận số phận xót xa. Vì sao? Là bởi vì "xuân đi xuân lại lại" thời gian của bà đang trôi qua rất nhanh chóng, không phải là đêm đêm ngày ngày mà là xuân xuân. Tuổi đời của bà vô tình trôi qua mà mảnh tình bé mọt lại phải san sẻ tí con con để rồi bà chẳng còn gì ngoài nỗi cô đơn, sầu muộn. Chẳng phải như thế lại càng chán ngán ư? Lại phải khiến chính bản thân bà ngày càng đau khổ ư? Bài thơ đã chính thức khép lại bằng một lời tự than, tự thương sót cho duyên số của Hồ Xuân Hương mà mở ra thì vẫn là nỗi buồn nặng trĩu, là khao khát mảnh liệt về một hạnh phúc trọn vẹn.
Như vậy, bài thơ đã khẳng định đúng ý kiến :" Tự tình (bài II) thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương : vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của "Bà Chúa Thơ Nôm" trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng." Qua bài thơ, chúng ta cảm thấy thương xót cho số phận của Hồ Xuân Hương - người phụ nữ hồng nhan bạc phận, đồng thời chúng ta phải biết lên án và phê phán xã hội phong kiến.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top