PHÂN TÍCH NHÂN VẬT CHÍ PHÈO


“Chí Phèo” là một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nam Cao viết về đề tài nông dân trước Cách mạng. Đó là một truyện ngắn có thể “làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”, đã đưa Nam Cao lên vị trí hàng đầu trong lớp các nhà văn hiện thực phê phán 1930-1945. Tác giả đã xây dựng thành công một nhân vật điển hình, nhân vật Chí Phèo, phản ánh một tấn bi kịch có ý nghĩa sâu sắc vào loại tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam.
Chí vốn là một đứa trẻ bị bỏ hoang trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Khi lớn lên, Chí đi ở hết nhà này nhà khác để nuôi thân. Đến năm hai mươi tuổi, Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến, và tấm bi kịch cuộc đời của anh diễn ra từ đây. Chỉ một chuyện ghen tuông không đâu, Bá Kiến đã ngấm ngầm cấu kết với quan trên bắt Chí giải lên huyện, bỏ tù hắn bảy tám năm trời. Cái nhà tù thực dân đã biến Chí từ một nông dân lương thiện, hiền lành trở thành một tên lưu manh, một con quỷ dữ trong làng Vũ Đại. Chí Phèo vừa là biểu tượng cho bi kịch của người nông dân trước CMT8, vừa là biểu tượng cho khát vọng
Người đẩy Chí Phèo vào tất cả những bi kịch cuộc đời chính là Bá Kiến. Sau khi ra tù, hắn từ một anh canh điền chăm chỉ thành một kẻ tay trắng không nhà không cửa, không nghề không vườn. Hắn trở nên bần cùng hóa, bị dồn vào đường cùng mà chọn cái “nghề” giết người, đốt nhà, ăn vạ la làng. Cũng như biết bao người nông dân làng Vũ Đại, Chí ước mơ có được một cuộc sống bình dị bởi mơ ước của một con người phần nào bộc lộ bản tính của người ấy. Ở đây, Chí Phèo ước mơ có một cuộc sống nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Mơ ước ấy chứng tỏ rằng hắn là một người nông dân thuần hậu, thậm chí làng Vũ Đại còn gọi hắn là người “lành như cục đất”. Ta còn thấy Chí Phèo là một người trong sáng và trọng danh dự. Làm canh điền cho nhà lí Kiến, một lần bị bà ba gọi lên bóp chân, Chí Phèo chỉ thấy nhục, thấy sợ. Trái tim của Chí Phèo hai mươi tuổi đâu còn là gỗ đá, Chí Phèo đã nhận thức được đâu là tình yêu chân chính, đâu là thói dâm ô. Bị gọi đấm bóp cho bà ba “hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì”. Như vậy, rõ ràng, đến đây ta có thẻ khẳng định hắn là một người nông dân thuần hậu, là người trong sáng và trọng danh dự nhưng xã hội ấy không cho Chí Phèo sống yên ổn với bản tính nông dân thuần hậu của hắn. Vì một cơn ghen bóng gió, Chí Phèo đã bị Bá Kiến tống vào ngục tù, con người xảo quyệt này sẵn sàng chà đạp lên cuộc đời người khác không thương tiếc, không ghê tay. Bắt đầu từ đây, Chí Phèo chuyển sang một trạng thái khác, một cuộc sống khác. Nhà tù thực dân đồng loã với lão Bá tha hoá Chí Phèo. Nhà tù này thu nạp tù nhân khi hắn ta còn lành như cục đất, vào nhào nặn, đào tạo đến khi thành con quỷ dữ thì thả họ ra. Sau khi ra tù, Chí Phèo bị méo mó về cả nhân hình lẫn nhân cách “Cái đầu cạo trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm, ngực và tay chạm trổ đầy những hình rồng phượng, có cả một ông tướng cầm chuỳ”, hắn trở thành tay sai cho Bá Kiến, đâm thuê chém mướn, ăn vạ, đốt nhà, la làng, khiến bao người khiếp sợ. Cũng có thể khi vừa ra tù, nếu Chí Phèo được mọi người yêu thương, tôn trọng và tạo điều kiện để hắn kiếm những đồng tiền chân chính và lương thiện thì hắn cũng sẽ không bị khốn khổ, bần cùng hóa, cũng không vì vài đồng tiền mà đi đâm thuê chém mướn, làm việc dưới trướng cụ Bá như vậy. Qua đó ta thấy được bi kịch của Chí Phèo, từ một người nông dân lương thiện, dưới áp bức của giai cấp cầm quyền, đại diện là Bá Kiến, hắn trở nên bần cùng hóa, từ đó trở nên lưu manh tha hóa, xấu xa và đầy rẫy tội ác.
Chí Phèo xuất hiện đầu tiên trước mắt người đọc không phải bằng xương bằng thịt mà là bằng tiếng chửi “Hắn vừa đi vừa chửi”. Đó là một tiếng chửi vật vã, đau đớn của một thân phận con người ít nhiều nhận thức được bi kịch của chính mình. Chí chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Chửi cũng là một cách giao tiếp, và hắn đang muốn giao tiếp, nhưng đớn đau thay, đáp lại tiếng chửi của Chí Phèo là một sự im lặng đến rợn người. Cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ “Chắc nó trừ mình ra!”, và không một ai lên tiếng mặc cho hắn chửi cả những những đứa không chửi với hắn. Chí Phèo đã bị đánh bật ra khỏi xã hội loài người, xã hội mà sống trong nó Chí cũng không được xem là người nữa. Trong cơn say hắn nhận ra được sự cô đơn khủng khiếp của một con người bị xã hội ruồng bỏ. Hắn đã bị từ chối quyền làm người tuyệt đối. Giờ đây, hắn muốn sống trong cái Làng Vũ Đại “đầy bọn ăn thịt người không tanh” thì hắn phải gây gổ, cướp giật, ăn vạ, muốn thế hắn phải có gan, phải mạnh, thế là hắn mượn rượu để say như hủ chìm, như thế hắn sẽ làm “bất cứ điều gì người ta muốn hắn làm”, xã hội đã vằm nát bộ mặt người của hắn để hắn không còn được coi là con người nữa. Kể cả khi hắn la làng, người ta cũng không vội đến ngay, thậm chí còn không quan tâm kể từ khi hắn trở thành tay sai của cụ Bá . Thái độ của làng Vũ Đại không phải là sợ, mà là xa lánh. Tình yêu của Thị Nở làm cho hắn thức tỉnh và mở đường cho hắn trở lại làm người, nhưng thật trớ trêu, bà cô Thị Nở đã đóng sầm cánh cửa lại, bà không cho cháu bà “đi lấy một thằng ăn vạ”. Cách nhìn của bà cũng chính là cách nhìn của Làng Vũ Đại, linh hồn của Chí vừa trở về thì bị cự tuyệt, không ai nhận ra. Ngay cả khi hắn chết, người ta vui và mừng vì hắn đã chết, không có giọt nước mắt nào rơi vì hắn, cảm thấy rằng cái chết của nó là xứng đáng. Có thể nói, bị người làng Vũ Đại, cái làng đã nuôi lớn hắn, cự tuyệt quyền làm người chính là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời của Chí Phèo.
Chí Phèo mang một tính cách rất đáng trân trọng. Hắn khát thiện. Chí vốn là một con người thiện lương, hắn “hiền như đất”, biết tay làm hàm nhai, tự kiếm tiền bằng sức lao động chân chính. Hai mươi tuổi, nó từng có những giấc mơ rất đẹp “hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ”, “Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Ước mơ của hắn rất đơn giản, có thể tự tay kiếm những đồng chân chính. Hai mươi tuổi, hắn biết tự trọng, không vì bà ba cầm quyền trong nhà mà dan díu với bà để được quyền lợi. Nhưng cuộc đời đã đẩy hắn vào cái ác kinh khủng, chìm trong cơn say dài của cuộc đời. Hắn làm mọi thứ trong khi say, hắn gây ra tội lỗi trong những cơn say bép nhèm. Nhưng hắn đã thức tỉnh. Ngay cả trong cơn say, hắn vẫn ý thức được cái thiện trong mình “ cứ rượu xong là hắn chửi” “hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo!”. Từ trong tiềm thức, hắn khao khát cái thiện, nhưng không đủ tỉnh táo để thực hiện mà thôi. Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở như một tia chớp lóe sáng lên trong cuộc đời tăm tối dài dằng dặc của Chí. Buổi sáng sau khi tỉnh dậy, hắn bỗng nhiên nghe thấy cuộc sống “ nắng bên ngoài chắc là rực rỡ”, “chim ríu rít bên ngoài”, tiếng trò chuyện vui vẻ của những người đi chợ về. Bấy nhiêu âm thanh gợi cho Chí một cái gì đó rất xa xôi. Chí nhớ về quá khứ với những khát vọng, ước mơ bình dị. Rồi Chí nghĩ đến hiện tại và tương lai: Chí già rồi mà vẫn còn cô độc. Với hắn, sự cô độc còn đáng sợ hơn cái chết và đớn đau. Dòng độc thoại nội tâm của Chí cho ta thấy sự thức tỉnh nhân tính của Chí Phèo.
Đỉnh cao của sự thức tỉnh nhân tính là sự thức tỉnh lương tâm. Bát cháo hành của Thị Nở đã là nên sự kì diệu đó. Chỉ một chút cháo hoa, vài cọng hành nhưng nó chứa đựng hương vị tình người. Lần đầu tiên Chí được người ta cho ăn, được chăm sóc. Trước kia, để kiếm ăn, Chí đã phải dọa nạt, cướp giật, ăn vạ, chứ người ta chưa bao giờ tự nguyện cho nó cái gì cả. Hắn ăn năn, hối lỗi, hắn “thèm lương thiện quá”, hắn muốn làm hòa với mọi người quá. Chí hi vọng Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối đưa Chí về với mọi người, rồi dần dần người ta sẽ chấp nhận hắn vào thế giới của họ. Sự đổ vỡ trong tâm hồn khi khát vọng lương thiện bị dập tắt. Sự từ chối tình yêu của Thị Nở đã đóng sập cánh cửa hoàn lương của Chí. Khi Thị Nở trút hết lời của bà cô lên hắn, hắn nghe, dường như hắn hiểu, rồi hắn ngẩn ra, và trong đầu hắn thoang thoảng hương bát cháo hành. Hắn nhận ra người ta không chấp nhận hắn, kinh tởm hắn đến vậy. Hắn đã không còn con đường nào nữa rồi. Lúc này hắn đã uống rất nhiều rượu “càng uống càng tỉnh ra” để thấm thía thân phận mình “hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Trong cơn say hắn xách dao ra đi, hắn lảm nhảm đến nhà Thị Nở để đâm chém, nhưng cơn say cũng khiến hắn hiểu rằng kẻ thù của hắn chính là Bá Kiến, kẻ đã trực tiếp biến nó thành con quỷ dữ. Trước mặt Bá Kiến, Chí dõng dạc đòi lương thiện “Tao muốn làm người lương thiện!”. Nhưng nó nhận ra nó không còn có thể lương thiện nữa rồi “Ai cho tao lương thiện”. Chí đâm chết bá Kiến, rồi Chí đâm chết mình. Hắn chấp nhận đánh đổi sinh mạng để được cái thiện, dù người ta không biết đến điều đó. Đó chính là khát khao lương thiện đáng trân trọng của Chí Phèo.
Chí Phèo có một cuộc đời bi kịch, nhưng trong đó vẫn lấp lánh niềm tin về con người, mong muốn được sống lương thiện. Cái chết của Chí chính là lời kết án đanh thép về một xã hội phi nhân đạo, bóp nghẹt nguyện ước bình dị của người lao động và đẩy họ đến đường cùng. Chí Phèo biểu tượng cho người nông dân Việt Nam trước CMT8, dù họ khổ sở, trở nên tha hóa, tuyệt vọng, nhưng ho vẫn có bản chất thiện, họ khao khát được thiện, chỉ cần có cơ hội, họ sẽ đấu tranh đến cùng để có dược cái thiện đó.
Xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật linh hoạt. Ông đã dựng nên nhân vật có tính điển hình, có cá tính riêng, đồng thời nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật vô cùng tinh tế và điêu luyện, diễn tả trọn vẹn những diễn biến tâm lý phức tạp. Cốt truyện hấp dẫn, kịch tính, kết cấu đảo ngược, thời gian đan xen nhau. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ sống động, gần lời ăn tiếng nói, tạo giọng điệu phong phú. Nam Cao có tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Điều đáng quý ở Nam Cao là nhà văn không chỉ cảm thông với nỗi đau của nhân vật, lên án tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến mà còn phát hiện được những phẩm chất tốt đẹp của Chí ngay cả khi Chí đã mất hết nhân hình và nhân tính, trân trọng ước mơ được thiện của Chí Phèo.
Chí Phèo là nhân vật điển hình cho những người nông dân bị tha hóa, biến dạng cả về nhân hình và nhân tính ở làng quê Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, nhưng họ vẫn giữ được ước mơ được lương thiện. “Chí Phèo” là một kiệt tác bất hủ bởi nó chứa đựng trong đó là tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc mà người đọc rút ra được từ những trang sách giàu tính nghệ thuật của Nam Cao. Trong cuộc sống, ta phải biết trân trọng những người xung quanh, phải cố tìm và hiểu họ, đằng sau một người xấu xa là sự lương thiện, tốt đẹp, có thể kịp thời cứu vớt họ khỏi những bi kịch.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #văn11