Vai tro cua ngan sach nha nuoc
Vai trò của NSNN
NSNN có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, vai trò của NSNN bao giờ cũng gắn liền với vai trò của Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định.
Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của NSNN có thể xem xét trên một số mặt sau đây:
3.1. NSNN là công cụ tài chính quan trọng nhất để cung ứng nguồn tài chính cho hoạt động của bộ máy nhà nước.
Sự hoạt động của nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội luôn đòi hỏi phải có các nguồn tài chính để chi tiêu cho những mục đích xác định. Các nhu cầu chi tiêu của nhà nước được thỏa mãn từ các nguồn thu bằng hình thức thuế và thu ngoài thuế. Đây là vai trò lịch sử của NSNN, được xuất phát từ tính nội tại của phạm trù tài chính mà trong bất kỳ chế độ xã hội và cơ chế kinh tế nào, NSNN đều phải thực hiện và phát huy.
Để phát huy vai trò của NSNN trong quá trình phân phối, huy động các nguồn tài chính của xã hội cho nhà nước cần thiết phải xác định:
- Mức động viên các nguồn tài chính từ đơn vị cơ sớ để hình thành nguồn thu của nhà nước.
- Các công cụ kinh tế được sử dụng tạo nguồn thu cho nhà nước và thực hiện các khoản chi của nhà nước.
- Tỷ lệ động viên (tỷ suất thu) của nhà nước trên GDP.
.2. NSNN là công cụ thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.
Thông qua các khoản chi kinh tế và chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, phát triển những ngành mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu..., Chính phủ có thể tạo điều kiện và hướng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào những lĩnh vực, những vùng cần thiết để hình thành cơ cấu kinh tế mới cũng như tạo ra môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Các khoản chi này của NSNN không thu hồi trực tiếp, nhưng hiệu quả của nó lại được tính bằng sự tăng trưởng của GDP, sự phân bố chung hợp lý của nền kinh tế hoặc bằng các chỉ tiêu khác như tạo ra khả năng tăng tốc độ lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ...
Thông qua thu ngân sách mà chủ yếu là thuế cũng góp phần định hướng phát triển sản xuất. Việc đặt ra các loại thuế với thuế suất ưu đãi, các quy định miễn, giảm thuế... có tác dụng kích thích mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp. Một chính sách thuế có lợi sẽ thu hút được doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào nơi cần thiết, ngược lại, một chính sách thuế khắt khe sẽ giảm bớt luồng di chuyển vốn vào nơi cần hạn chế sản xuất kinh doanh.
Rõ ràng là chính sách thu, chính sách chi ngân sách gắn liền với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ trực tiếp cho chính sách này của Nhà nước.
3.3. NSNN là công cụ để điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát
Trong nền kinh tế thị trường, quy luật cung cầu chi phối đến giá cả thị trường rất mạnh mẽ. Mọi sự biến động của giá cả trên thị trường đều có nguyên nhân từ sự mất cân đối giữa cung và cầu. Để ổn định giá cả, chính phủ có thể thông qua công cụ NSNN để tác động vào cung hoặc cầu hàng hoá trên thị trường. Sự tác động này có thể được thực hiện theo hai hướng: thu và chi NSNN. Cụ thể:
(i) Thông qua điều chỉnh chính sách thu NSNN:
Bằng việc điều chỉnh cơ cấu hệ thống thuế, thuế suất, chính sách miễn giảm thuế hợp lý.v.v. Chính phủ cũng có thể tác động vào tổng cung hoặc tổng cầu để góp phần ổn định giá cả trên thị trường.
Ví dụ: khi giá cả hàng hoá lên cao, có nguy cơ trở thành lạm phát, nhà nước có thể điều chỉnh tăng thuế thu nhập cá nhân để giảm cầu, miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất.v.v. để nâng đỡ cung từ đó thúc đẩy cân bằng cung cầu, ổn định giá cả, hạn chế lạm phát xảy ra
(ii) Thông qua chính sách chi tiêu của Nhà nước (chi NSNN).
Bằng nguồn cấp phát của chi tiêu NS hàng năm các quỹ dự trữ của Nhà nước (bằng tiền, bằng ngoại tệ, các loại hàng hoá, vật tư chiến lược...) được hình thành. Thông qua các quỹ này, Chính phủ thực hiện điều tiết thị trường bình ổn giá cả. Một cách tổng quát, cơ chế điều tiết là:
+ Khi giá cả của một loại hàng hoá nào đó lên cao, để kìm hãm và chống đầu cơ, Chính phủ đưa dự trữ hàng hoá đó ra thị trường để tăng cung, trên cơ sở đó sẽ bình ổn được giá cả và hạn chế khả năng tăng giá đồng loạt, gây nguy cơ lạm phát chung cho nền kinh tế.
+ Còn khi giá cả một loại hàng hoá nào đó bị giảm mạnh, có khả năng gây thiệt hại cho người sản xuất và tạo ra xu hướng di chuyển vốn sang lĩnh vực khác, Chính phủ sẽ bỏ tiền để mua các hàng hoá đó theo một giá nhất định đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất.
- Trong trường hợp xảy ra lạm phát, Chính phủ cũng có thể sử dụng NSNN để khống chế và đẩy lùi lạm phát một cách hiệu quả bằng các biện pháp nhằm nâng đỡ cung và giảm bớt cầu, đó là:
+ Thắt chặt chi tiêu của NSNN, nhất là các khoản chi cho tiêu dùng;
+ Tăng thuế tiêu dùng, giảm thuế thu nhập.
3.4. Ngân sách là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để điều chỉnh trong lĩnh vực thu nhập, thực hiện công bằng xã hội
Một mâu thuẫn gay gắt đang nảy sinh trong thời đại hiện nay là mâu thuẫn giữa tính nhân đạo xã hội mà mỗi nhà nước và mỗi cá nhân cần vươn tới và quy luật khắt khe của nền kinh tế thị trường xung quanh vấn đề thu nhập, đó là sự chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Vấn đề đặt ra là phải có một chính sách phân phối hợp lý thu nhập của toàn xã hội. Chính sách đó phải vừa khuyến khích sự tăng trưởng, lại vừa đảm bảo tính công bằng xã hội một cách hợp lý.
Bằng việc sử dụng công cụ NSNN, cụ thể là chính sách thuế và chính sách chi tiêu ngân sách, Chính phủ đã làm giảm bớt sự chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người giàu và người nghèo nhằm ổn định đời sống của các tầng lớp dân cư trong phạm vi cả nước. Hay nói cách khác, vai trò quan trọng của NSNN trong điều chỉnh phân phối thu nhập được thể hiện trên phạm vi rộng lớn ở cả hai mặt hoạt động thu và chi NSNN. Cụ thể:
(i) Sử dụng công cụ thuế
- Thông qua thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước thực hiện việc điều tiết một phần thu nhập của những người giàu, để đảm bảo mức tiêu dùng hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, hạn chế sự phân hoá giàu nghèo và tiến tới đảm bảo công bằng xã hội về thu nhập.
- Với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh thuế giá trị gia tăng với thuế suất cao đối với các mặt hàng xa xỉ, các loại dịch vụ cao cấp, Nhà nước có thể để điều tiết một phần thu nhập của những người giàu có- đối tượng chủ yếu sử dụng các loại hàng hoá cao cấp này.
(ii) Sử dụng chính sách chi tiêu ngân sách
Thông qua các khoản chi an sinh xã hội, chi cho các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, chi trợ cấp trợ giá các mặt hàng thiết yếu (lương thực, điện, nước), chi phí cho việc cung cấp hàng hoá khuyến dụng, hàng hoá công cộng.v.v. thì NSNN như một trung tâm phân phối lại thu nhập, nhằm chuyển bớt một phần thu nhập từ các tầng lớp giàu có sang tầng lớp những người nghèo
Thông thường ở các quốc gia trên thế giới, các khoản chi phí cho mục tiêu phúc lợi xã hội, mục tiêu trợ cấp cho người nghèo được bố trí theo chiều hướng tăng lên theo một tỷ lệ nhất định so với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
* Lưu ý:
- Việc sử dụng công cụ NSNN làm công cụ điều chỉnh đảm bảo công bằng xã hội là một việc không đơn giản. Chẳng hạn:
+ Trong việc sử dụng công cụ thuế, quan điểm cơ bản nhất cần phải quán triệt là: kích thích sản xuất và điều hoà thu nhập. Thuế không thể thu quá cao đến mức làm nhụt khát vọng làm giàu của nhà kinh doanh và làm giảm khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Thuế cũng không thể thu quá thấp, bởi lẽ nó không chỉ làm giảm nguồn thu của NSNN, nguồn cơ bản để giải quyết các vấn đề xã hội, mà ở mức độ nhất định, nó còn hạn chế cạnh tranh để phát triển sản xuất. Vì thế, mức thuế và thuế suất phải được nghiên cứu thận trọng ở cả hai cực: kích thích và hạn chế.
+ Đối với nước ta hiện nay, nhu cầu chi tiêu của Chính phủ ngày càng tăng, nhất là các khoản chi tiêu dùng xã hội, trong khi đó nguồn thu NSNN còn hạn hẹp. Để giải quyết mâu thuẫn nói trên, trong thời điểm hiện nay thì trong việc giải quyết các vấn đề xã hội cần thiết phải quán triệt quan điểm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
- Vấn đề điều chỉnh thu nhập, tái phân phối thu nhập qua NSNN không chỉ hiểu đơn giản là điều tiết phần thu nhập quá cao, mà còn bao hàm cả việc điều chỉnh mức thu nhập quá thấp đến mức thu nhập trung bình, đủ để người lao động thực hiện tái sản xuất giản đơn sức lao động và có thể dự trữ một phần thu nhập để thực hiện các khoản chi khác trong sinh hoạt gia đình.
Thực tế thì theo nghiên cứu của một số nhà kinh tế trên thế giới cho thấy rằng những người nghèo phải chịu nhiều tiền thuế hơn là người giàu bởi họ tiêu dùng nhiều hơn số hàng nhập khẩu như quần, áo, ... Trong khi số người giàu và dân thành thị dùng hàng hoá công nhiều hơn lớp nghèo ở nông thôn do vậy thuế suất thực của nhóm người nghèo phải chịu cao hơn nhóm giàu.
Ở Việt Nam hiện nay đang cải cách thuế theo hướng tăng thuế trực thuế và giảm thuế gián thu nhằm đảm bảo hợp lý hoá công bằng cho người nghèo , tuy nhiên ở một số nước phát triển như Nhật và Canada thì lại ngược lại ( tăng thuế gián thu và giảm thuế trực thu ) tại sao vậy ?
Các doanh nghiệp cũng không thể suốt đời phục vụ cho mục đích tăng trưởng kinh tế nếu thu nhập của họ bị chia xẻ một cách vô lý. Đây là mâu thuẩn cơ bản trong nền kinh tế thị trường mà chính sách thuế của chính phủ phải giải quyết.
Các nhà kinh doanh sẵn sàng đóng góp một phần thu nhập cho xã hội mà không làm suy giảm sự tăng trưởng của họ. Nói cách khác là nhà kinh doanh có thể không quan tâm nhiều tới thuế suất của Việt Nam áp dụng là 28% hay tới đây có thể là 25%, mà họ quan tâm tới tổng số thuế họ phải nộp chiếm bao nhiêu % so với tổng lợi nhuận trước thuế mà họ có được và việc nộp một lượng thuế như vậy có làm cho họ bị hạn chế trong tái sản xuất mở rộng hay không? Việc giảm thuế suất tuy ban đầu có thể giảm thu NSNN nhưng nó sẽ có tác động kích thích sản xuất, và hệ quả trong tương lai gần thu NSNN sẽ tăng lên từ nguồn thu từ doanh nghiệp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top