Túp Lều Bác Tôm - Harriet Beecher Stowe (2)

.: Chương 33: Cátxi :.

Những người nô lệ mỏi mệt, từ từ bước vào trong phòng. Và ngập ngừng đưa giỏ bông của mình ra cân, Logri cầm một cái bảng đen, trên dán một bảng danh sách nô lệ: nó ghi số bông cản được của từng người. Giỏ của bác Tôm đủ cân; bác ái ngại nhìn chị Luyxi. Chị thất thểu bước đi: giỏ bông của chị cân đủ. Nhưng Lơgri làm ra vẻ giận dữ:

- Đồ lười chảy thây, lại thiếu rồi! Đứng chờ kia, chốc nữa mày sẽ biết!

Rồi đến lượt chị Cátxi. Chị đưa giỏ bông ra, vẻ lạnh lùng kiêu hãnh. Thằng Lơgri nhìn thẳng vào mặt chị, con mắt nó vừa xảo quyệt vừa có ý? Cátxi không chớp mắt, khẽ nói với nó máy tiếng Pháp. Ngoài Lơgri, không ai hiểu chị nói gì. Vẻ mặt thằng cha trở nên gớm ghiếc. Nó giơ tay lên định đánh chị, nhưng chị làm như không biết, quay đi và bước ra ngoài. Lơgri gọi bác Tôm:

- Thằng Tôm, lại đây! Tao đã bảo mày, tao cho mày làm việc khác, tao giao cho mày việc trông nom nô lệ; tối nay, mày thử xem sao. Dẫn con mụ này đi, lấy roi quật cho nó. Mày đã được trông thấy rồi đấy, liệu mà quật.

Bác Tôm đáp:

- Thưa ông chủ, tôi xin lỗi ông chủ. Xin ông đừng bắt tôi làm việc ấy. Tôi không quen. Tôi chưa làm bao giờ... Tôi không thể làm được.

Lơgri thét:

- Còn vô khối việc mày chưa làm bao giờ, nhưng ở đây mày phải làm, không thì mày chết!

Nó vớ cái roi gân bò, vụt như mưa xuống khắp người bác Tôm. Nó dừng lại để thở và hỏi:

- Mày còn bảo mày không làm được việc ấy nữa hay thôi?

Bác Tôm chùi máu chảy trên mặt, đáp:

- Thưa ông chủ, tôi không làm được. Tôi sẵn sàng làm đêm, khi tôi còn hơi thở. Nhưng tôi không có quyền làm việc kia: làm như thế là bất công, không bao giờ tôi chịu làm!

Thấy giọng nói từ tốn, cử chỉ lễ độ của bác Tôm, nó tưởng bác là một người nhát gan, không khó gì mà không trị nổi. Nghe bác Tôm nói những lời trên, cả đoàn người nô lệ rùng mình kinh hãi. Chị Luyxi chắp hai tay lại kêu: "Lạy Chúa!" và tất cả mọi người nín thở, chờ đợi một trận sấm sét nổ ra. Lơgri hoảng hốt. Im lặng; một lát sau nó mới nói được.

- Thế nào, thằng chó chết kia? Mày bảo điều tao sai mày là làm bất công à? Đồ súc sinh, chúng mày dám mở mồm nói cái gì là công bằng với bất công à? Hay là mày tự cho mày là một ông lớn muốn cho chủ mày một bài học, thưa ngài? Mày lại đám cho việc đánh con mụ kia là bất công hử?

- Thưa ông chủ, đúng thế. Chị kia rất yếu, chị ấy lại đang ốm. Đánh như thế là độc ác. Tôi không bao giờ chịu làm. Ông có muốn giết tôi thì cứ giết. Nhưng không bao giờ tôi đang tâm đánh một người nào. Thà phải chết còn hơn!

- Úi chà! Cái con chó ngoan đạo này lại lạc vào giữa những kẻ tội lỗi chúng ta! Một ông thánh, một ông quan lớn đến đây để nói về tội lỗi của chúng tay! Này, quân hèn mạt, tưởng mình ngoan đạo lắm, mày hãy nghe lời "Kinh Thánh" đây: Hỡi những kẻ tôi tớ, hãy tuân lệnh chủ! Tao, tao không là chủ mày à? Tao không bỏ ra một ngàn hai trăm đồng đôla vàng để chuốc cái xác đen thui của mày về đây à? Mày không thuộc về tao, cả thể xác lẫn linh hồn à? Kìa, trả lời đi. - Nó vừa quát tháo, vừa đá bác Tôm.

Mặc dù những lời nói độc địa ấy làm tổn thương đến tận cõi lòng, bác Tôm bỗng thấy một nỗi vui tràn ngập. Bác đứng thẳng người dậy, mắt ngước lên trời, nước mắt chảy giàn giụa trên má, lẫn với máu đỏ, bác nói:

- Không! Không! Thưa ông chủ, linh hồn tôi không thuộc về ông! Ông không mua được linh hồn tôi, không thể mua được... Ông không thể làm gì tôi được. Lơgri cười gằn:

- Hử! Tao không làm gì được mày à? Thử xem sao! Xambô, Canhbô, lại đây! Đánh thằng chó chết này cho nó bò lê bò càng một tháng không dậy được.

Hai tên tay sai đắc ý, vồ lấy bác Tôm, nét mặt trông thật khủng khiếp. Chị Luyxi sợ quá thét lên. Tất cả mọi người nô lệ đứng bật dậy. Hai đứa lôi bác Tôm đi, bác không hề chống lại.

.: Chương 34: Cuộc đời chị Cátxi :.

Người bác Tôm đau nhừ, khó nhọc lắm, bác mới lết lên được cái nệm, nhưng nước mát lạnh làm bác đỡ nhức nhối. Chị Cátxi đã nhiều lần săn sóc nô lệ, nên đã trở thành một y tá thành thạo; chị băng bó cho bác; bác Tôm thấy nhẹ hẳn người. Chị nhấc đầu bác, đặt lên một túi bông:

- Tôi chẳng giúp bác Tôm thêm được gì nữa.

Bác Tôm cám ơn. Chị ngồi xuống đất, hai tay vòng lấy đầu gối, nhìn đăm đăm vào quãng không; con mát chị đầy vẻ chua chát. Mũ chị rơi xuống đất; mớ tóc đen và dài rủ xuống khuôn mặt rầu rĩ. Chị nói:

- Bác ạ, những điều bác làm lúc này, chẳng ích lợi gì cả Bác can đảm lắm, bác có công lý; nhưng vô ích, phản kháng như vậy, chẳng lợi gì. Bác đã rơi vào tay một con quỷ sứ, nó có mọi quyền hành và bác sẽ phải khuất phục.

Khuất phục ư? Bác nói:

- Lạy Chúa! Lạy Chúa! Tôi chịu khuất phục sao được?

Chị Cátxi quả quyết:

- Cầu đến Chúa thật vô ích. Chúa không nghe thấy lời bác đâu. Tôi tin là không có Chúa. Nếu có thì Chúa cũng không đứng về phía chúng ta. Mọi vật đều chống lại chúng ta, trời cũng như đất; cái gì cũng xô đẩy chúng ta xuống địa ngục. Tại sao chúng ta cưỡng lại?

Bác Tôm nhắm mắt. Người đàn bà nói tiếp:

- Bác, bác chưa biết gì, còn tôi, tôi hiểu làm. Đã năm năm trời tôi ở đây, phải bò lê dưới chân thẳng quý sử ấy; tôi căm ghét nó. Cái đồn điền này ở giữa một nơi hiu quạnh, chung quanh chỉ có bãi lầy. Dù nó có thiêu sống bác, đâm bác vào vạc nước sôi, hay chặt bác làm trăm mảnh, vứt bác cho chó cắn, treo cổ bác, đánh bác đến chết, cũng không có một người da trắng nào biết. Ở đây, không có luật pháp nào có thể che chở cho bác hay bất cứ kì nô lệ nào. Còn thằng chủ ấy là thế nào? Nó chỉ độc làm điều ác. Tôi có thể kể cho bác nghe những câu chuyện tôi đã biết đã thấy, làm người ta phải dựng tóc gáy, nghiến răng lại. Chống lại nó làm gì? Tôi có muốn sống với nó đâu; tôi đã phải sống với nó năm năm trời: không lúc nào tôi không nguyền rủa cuộc đời mình. Bây giờ, nó lấy một cô gái khác mười lăm tuổi; cô này bảo đã được dạy dỗ trong tôn giáo. Bà chủ cô ta dạy cô đọc kinh Thánh cô có mang theo... Vứt đi!

Người đàn bà cười đau đớn và man rợ, tiếng cười vang lên trong cái kho hoang tàn cũ kỹ, một tiếng vang lạ lùng, rùng rợn.

Bác Tôm chắp hai tay lại. Đêm tối như mực, và khủng khiếp.

- Lạy Chúa! Chúa đã quên những người khốn khổ rồi hay sao? Xin Chúa cứu vớt linh hồn con... hoặc con chết đi cho xong...

Người đàn bà lại nói:

- Thế còn những người nô lệ kia thì sao? Họ đã làm gì để bác phải cứu vớt họ? Họ độc ác, chỉ đợi dịp là chống lại bác.

Bác Tôm đáp:

- Những người khốn khổ ấy, ai đã làm cho họ độc ác? Nếu tôi chịu khuất phục, tôi sẽ trở thành như họ, như hệt họ. Không, không thể được! Tôi đã mất hết cả, nào vợ con, nào gia đình, và một ông chủ tốt nữa, ông ấy giá sống thêm được tám ngày nữa đã giải phóng được cho tôi... Tôi mất sạch. Nhưng tôi sẽ không chịu để mất Thiên đường.

- Thế nhưng khi ta bó buộc phải làm điều ác, Chúa sẽ không buộc tội ta: Chúa bắt kẻ ép buộc ta phải chịu trách nhiệm.

- Nhưng cái đó không ngăn được ta không trở thành tàn nhẫn. Nếu tôi độc ác như Xambô, điều quan trọng không phải là xem vì sao tôi độc ác; nhưng việc chính là con người độc ác: vì vậy mà tôi sợ.

- Trời hỡi Bác nói đúng sự thật!

.: Chương 35: Cái bùa :.

Thấy bác Tôm bị hành hạ dã man, chị hoảng hốt; chị theo Lơgri về nhà, với ý định trách nó cư xử tàn nhẫn quá.

- Cô Cátxi, mong cô từ nay ăn ở tử tế hơn.

- Ông mà dám nói ăn ở tử tế à? Ông vừa đánh gần chết một tay lao động bậc nhất của ông, giữa mùa bông rộ này đây thôi.

- Ừ tôi dại dột quá. Nhưng cái thằng ấy nó nổi loạn, phải làm cho nó khuất phục.

- Đừng hòng làm cho con người ấy chịu khuất phục.

Lơgri cáu:

- Để xem! Nếu vậy, nó là thằng da đen đầu tiên dám chống lại tôi. Tôi sẽ đập tan xương nó; nhưng nó sẽ chịu khuất phục.

Lúc ấy, cửa mở, Xambô bước vào. Nó cúi đầu, đến gần chủ, đưa ra một cái gói giấy con. Lơgri quát:

- Con chó, mang gì vào đây?

- Thưa ông chủ, cái bùa hộ thân của bọn phù thủy làm cho tụi da đen đây ạ. Có bùa này, có bị đánh, chúng nó cũng không đau. Thằng này đeo ở cổ, bằng cái đây màu đen.

Cũng như phần nhiều kẻ độc ác và không tín ngưỡng, thẳng Lơgri là một đứa mê tín dị đoan. Nó ngần ngừ, mở gói ra xem. Một đồng đôla bằng bạc lăn ra, và một món tóc vàng óng cuốn lấy ngón tay nó như một cái gì biết cựa quậy. Lơgri hoảng kinh, nó chửi rủa:

- Đồ quỷ sứ! Ở đâu ra thế này? Mang đất ngay đi, đốt ngay! - Nó gỡ món tóc ra như bị bỏng, vứt vào đống than, thét: - Sao mày mang cái của nợ này vào tao, hử?

Xambô há hốc mồm nhìn chủ; Cátxi định bước ra ngoài, thấy thế dừng lại, khủng khiếp nhìn nó. Nó giơ nắm tay trước mặt Xambô, quát:

- Đừng bao giờ mang cái của ma quái này lên đây nữa!

Xambô lủi mất. Lơgri ném đồng đôla qua cửa sổ, vào đêm tối.

Xambô đi rồi, nó khoan khoái thấy đã thoát nạn, nhưng ngượng ngùng vì quá nhát gan. Nó ngồi xuống ghế, hớp từng hớp rượu.

Tại sao một món tóc vàng lại có thể làm một đứa tàn nhẫn, độc ác như nó hoảng sợ như vậy? Muốn hiểu được điều này, phải quay trở về quá khứ một chút.

Thằng Lơgri bây giờ phũ phàng, ngoan cố như vậy, nhưng ngày bé, nó cũng có một người mẹ nâng niu nó trong lòng: nó đã nghe thấy những lời cầu kinh, những bài thánh ca Ở vùng Nuven Oleăng xa xôi kia, người mẹ tình thương, người mẹ kiên nhẫn đã nuôi nấng đứa con trai độc nhất của mình. Bố nó là một người nóng nảy mà bao nhiêu tình thương của tấm lòng vàng của mẹ nó cũng không lay chuyển nổi. Thằng Lơgri giống bố như đúc. Nó nghịch ngợm, khó dạy, tàn ác, bỏ ngoài tai mọi lời mẹ khuyên bảo. Lúc còn rất trẻ, nó đã đi biển để mong làm giàu, mỗi năm chỉ về qua nhà một lần. Người mẹ có hết sức khuyên nhủ để đứa con khỏi sa vào cuộc đời tội lỗi. Có lần, tấm lòng đấy tình thương và những lời van xin của bà đã lay chuyển được nó. Nhưng sau, sự thèm muốn và cuộc đời tội lỗi lại thắng nó, lương tâm nó không chống nổi những cám dỗ xấu xa lôi cuốn. Nó uống rượu, chửi càn, nó tàn ác hơn bao giờ hết. Một buổi tối, mẹ nó tuyệt vọng, quỳ xuống trước mặt nó: nó đẩy mẹ ngã xuống bất tỉnh; rồi thằng con bất hiếu bất tử ấy chạy ra chiếc tàu thủy đang chờ nó.

Lần cuối cùng nó nhận được tin mẹ nó, là lúc nó đang cùng bè bạn nhậu nhẹt. Người ta đưa cho nó một bức thư, nó mở ra: một mớ tóc vàng óng lăn ra và cuốn lấy ngón tay nó. Bức thư báo tin mẹ nó đã chết. Lúc sắp chết, mẹ nó tha thứ và cầu nguyện cho nó.

Lơgri đốt bức thư, đốt món tóc cháy xèo xèo trong ngọn lửa: nó nhìn mà rùng mình nghĩ đến ngọn lửa vĩnh cửu. Nó tìm quên lãng trong rượu, chè, trụy lạc. Nhiều khi đêm vắng, bắt buộc con người ta phải tự hỏi lương tâm, nó bỗng thấy mẹ nó hiện lên, tái nhợt, đứng trên đầu giường nó; nó cảm thấy món tóc dịu dàng cuốn quanh ngón tay. Trán nó ướt đẫm mồ hôi lạnh toát. Nó khủng khiếp, vùng chạy ra khỏi giường.

.: Chương 37: Tự do :.

Tất cả những ý nghĩ ấy dồn đập đến và nung nấu trái tim Goócgiơ. Tay ôm lấy đầu, anh suy nghĩ, anh nhìn vợ anh dang thử bộ quần áo đàn ông chị sẽ bận để cải trang, hôm đi trên con đường đến tự do. Chị đứng trước gương, xõa mớ tóc đen và dài xuống. Chị cầm mớ tóc lên, nói đùa:

- Giờ đã điểm. Cắt đi, tiếc quá, anh nhỉ.

Goócgiơ mỉm cười buồn bã, không trả lời.

Êlida quay lại chiếc gương; kéo lấp la lấp loáng, từng món tóc đen rơi xuống. Chị nói:

- Thôi, thế là đủ rồi. Đây, túm cuối cùng.

Chị cầm một cái bàn chải, quay lại với chồng vừa cười vừa đỏ mặt hỏi:

- Trông em có điển trai không?

- Em thì lúc nào trông cũng đẹp.

- Tại sao anh buồn thế? - Êlida lo lắng hỏi; chị quỳ xuống bên chồng, đặt tay vào tay chồng: - Họ bảo chỉ hai mươi bốn giờ nữa là đã sang đến Canada. Một ngày, một đêm trên hồ, thế là... thế là...

Goócgiơ kéo vợ lại gần, nói:

- Em Êlida! Số phận anh sắp sửa quyết định. Được gần tự do, như là đã trông thấy tự do rồi... rồi mất tất cả.. không sao sống nổi.

- Anh đừng sợ. Nếu Chúa không định cứu chúng mình thì sao Chúa để cho mình đến được tận đây?

Anh ôm chặt lấy vợ, nói:

- Cầu Chúa phù hộ cho em. Em tin là những năm đau khổ đài đằng đẵng sẽ chấm dứt ư? Chúng ta sẽ được tự do ư?

Êlida nhìn trời, mắt lóng lánh mấy giọt lệ hy vọng và náo nức, đáp:

- Em tin lắm. Em thấy thế. Ngay ngày hôm nay, sẽ chấm dứt cuộc đời nô lệ của chúng mình.

.: Chương 39: Mưu kế :.

Buồng ngủ của Cátxi ở ngay bên dưới vực thóc. Một hôm, không hỏi ý kiến Lơgri gì cả, chị cho người dọn đồ đạc sang một cái phòng rất xa chỗ cũ. Những người nô lệ khuân khuân, vác vác nhộn nhịp, chạy ngả này, đi ngả khác, rất nhiệt tình. Giữa lúc ấy, Lơgri đi chơi ngựa trở về. Nó hỏi:

- Cátxi! Hôm nay có việc gì ghê gớm xảy ra đấy? Cátxi bướng bỉnh đáp:

- Tôi dọn sang buồng khác thế thôi.

- Tại sao vậy.

- Bởi vì thỉnh thoảng tôi muốn ngủ đôi chút.

- Ngủ à? Ai cấm cô ngủ?

- Nếu ông muốn nghe, tôi sẽ nói ông nghe.

- Nói đi, con khỉ!

- Có gì đâu: vả lại chắc ông cũng sẽ chẳng quan tâm gì đến. Có những tiếng rên rỉ, tiếng chân người bước trên vựa thóc, suốt từ nửa đêm đến tờ mờ sáng. Lơgri thấy khó chịu, gượng cười nói:

- Người đi, ở trên vựa thóc ấy à? Người là ai mới được chứ?

Chị ngẩng đầu lên, hai con mát đen đầy ý nghĩa nhìn chằm chằm Lơgri ; nó cảm thấy cái nhìn ấy thấu suốt tận trái tim nó. Chị nói:

- Tôi muốn hỏi ông người ấy là ai. Mong ông cho tôi biết. Hay là ông không biết gì? 

Lơgri gào lên chửi rủa, và giơ roi gân bò lên đánh; nhưng Cátxi đã né sang một bên, nhảy qua bậc cửa buồng, đóng cửa lại, cài chốt và nói:

- Ông cứ việc vào ngủ trong buồng của tôi, rồi ông xem! Thách ông đấy!

Lơgri nổi giận, gào thét, chửi rủa, dọa phá cửa. Rồi nó thay đổi ý kiến, đi về phía phòng khách. Cátxi biết là việc đã thành. Từ đây, chị khéo léo thúc đẩy thêm công việc. Chị đặt một cái cổ chai cũ vào một cái khe nứt ở bức tường trong vựa thóc, sao cho khi gió khẽ thổi là người ta nghe thấy những tiếng kêu thảm đạm giống như tiếng rên rỉ. Khi có bão, những tiếng rên rỉ ấy to dần, rồi trở thành những tiếng gào thét làm cho những kẻ dị đoan phải khủng khiếp. Những tiếng ấy, đôi khi người nô lệ nghe thấy; họ nhớ lại câu chuyện hoang đường cũ. Một không khí kinh sợ bao trùm trong nhà, mặc dù không ai dám hé răng nói với Lơgri, nó đang sống trong hoàn cảnh nặng nề, khó chịu.

Cátxi có một ảnh hưởng lạ lùng đối với Lơgri. Nó là chủ chị, là kẻ áp chế chị, là một tên đao phủ đối với chị. Chị hoàn toàn ở trong tay nó, không nơi nương tựa, không người che chở, sống không hy vọng; thế nhưng một kẻ, dù hung bạo, cục cằn đến đâu, không thể sống bên một người đàn bà có bản lĩnh, mà không chịu ảnh hưởng của người ấy. Khi nó mua chị về, chị còn là một người phụ nữ tế nhị, hiền hòa, như chị đã kể cho bác Tôm nghe. Nhưng thẳng Lơgri đã giày xéo chị dưới gót sắt của nó, không một chút lương tâm. Với thời gian, dưới đời nhơ bẩn, lòng tuyệt vọng làm cho chị cứng rắn lại, thức tỉnh ở chị những tình cảm mãnh liệt. Và chị có khi sai khiến được nó. Thằng Lơgri khi thì ngược đãi chị, khi thì sợ chị.

Một hay hai tối sau khi Cátxi dọn đi ở phòng khác, Lơgri ngồi trong buồng khách, bên ngọn lửa cháy bập bùng hắt một thứ ánh sáng mơ hồ lên tường. Bão rít lên ở bên ngoài; trong ngôi nhà đổ nát, thấy những tiếng lạ lùng, không biết là những thứ tiếng gì. Cửa kính rung chuyển, cửa chớp đập thình thình, gió thổi mạnh trong lò sưởi; khói và tro bụi bị dồn xuống, như thể hàng đoàn quỷ sứ từ ống khói chui xuống. Lơgri ngồi hàng giờ tính toán công việc và đọc báo. Cátxi ngồi bên lò sưởi buồn rầu nhìn ngọn lửa nhảy múa. Lơgri đặt tờ báo xuống, thấy trên bàn một quyển sách cũ mà Cátxi đọc lúc chập tối. Nó cầm lấy và mở ra xem qua. Đó là tập truyện kể các câu chuyện giết người, chuyện hoang đường, chuyện ma, một loại sách có sức hấp dẫn kỳ lạ, người nào đã xem là không dứt ra được; tuy hình thức quyển sách rất xấu xí và tranh ảnh rất tồi.

Lơgri kêu lên một tiếng khinh bỉ, nhưng nó vẫn cứ đọc hết trang này đến trang khác, cho đến khi nó vứt quyển sách xuống và chửi một câu.

- Cô, cô không tin có ma chứ, phải không Cátxi? - Nó hỏi, tay cầm cái cặp than để gắp những thanh củi lại gần nhau. Cô chắc chẳng sợ gì những tiếng động.

Cátxi bực bội đáp:

- Tôi tin thì việc gì đến ông?

- Thời tôi đi biển, bạn bè, chúng nó kể những chuyện huyễn hoặc để dọa tôi, nhưng không bao giờ tôi sợ. Mình dạn dày lắm rồi, sợ gì những chuyện nhảm nhí ấy.

Cátxi ngồi trong bóng tối, quắc mắt nhìn nó. Mỗi lần nó bắt gặp con mắt ấy, nó lại thấy khó chịu. Nó nói:

- Những tiếng động ấy, chỉ là tiếng chuột chạy, với gió thổi. Chuột thì chạy ầm ầm, tôi vẫn nghe thấy ở dưới hầm tàu. Còn gió thì, trời ơi! Cứ tưởng tượng đến cái gì là y như nghe thấy thứ tiếng ấy.

Cátxi thấy rõ Lơgri đã nao núng. Chị không đáp, chỉ chằm chằm nhìn nó bằng đôi mắt khác thường. Lơgri giục:

- Kìa, nói đi! Cô không đồng ý với tôi à?

- Chuột có thể xuống được thang, đi qua buồng, mở một cái cửa đã khóa chặt, và có thể đóng cửa rồi lấy một cái ghế chặn lại không? Thế rồi, nó đi, cứ thế đi, đến tận giường ông, thò tay ra... thế thế này...

Nói vậy, Cátxi đặt bàn tay lạnh buốt của mình lên tay Lơgri. Thằng Lơgri nghe vậy, thấy như đang sống một cơn ác mộng; nó nhảy lùi lại:

- Cô bảo gì? Không ai làm như thế cả.

- Đúng thế, không có ai cả. Tôi đã nói thế à? - Cátxi mỉm cười, giễu cợt.

- Nhưng... có thật cô đã trông thấy thế không? Kìa, cô Cátxi, cô nói đi.

- Muốn biết thì ông cứ việc lên đấy mà ngủ.

- Thế ở trên vực thóc à?

- Cái gì kia?

- Cái cô vừa kể ấy.

- Tôi chẳng kể cái gì cả. - Cátxi đáp.

Lơgri đứng dậy, đi lại trong buồng, càng ngày nó cũng bị kích động.

- Tôi phải xem xét mới được. Ngay đêm nay, chính tự tôi đi xem sao. Tôi sẽ mang theo mấy khẩu súng lục...

- Ông lên đây mà ngủ, ông lên đi. Nhưng lúc nào cũng sẵn sàng bấm cò đấy.

Lơgri giậm chân tức giận, nó lại càng chửi rủa già.

- Ông cứ chửi như thế, có người có thể nghe thấy... Ông nghe mà xem.

- Hử?

Cái đồng hồ Hà-lan nặng nề treo trong góc phòng, từ từ điểm mười hai tiếng.

Lơgri không động đậy, không nói không rằng. Nó cảm thấy một nỗi kinh hoàng lạ lùng. Cátxi vừa đưa con mắt sắc sảo nhìn nó, vừa đếm tiếng chuông đồng hồ. Chị bảo nó.

- Mười hai giờ đêm... Nào, lên xem!

Chị đứng dậy, ra mở cái cửa ở hành lang; chị đứng lại nghe ngóng. Chị giơ ngón tay, chỉ lên gác, hỏi:

- Ông nghe thấy chưa? Cái ấy là cái gì?

- Gió đấy thôi. Cô không thấy đúng là gió thổi à?

Cátxi nói thầm:

- Lại đây.

Chị cắm lấy tay nó, dắt nó đến chân cầu thang, hỏi:

- Ông có biết cái gì ở trên kia không? Ông nghe mà xem.

Đầu gối Lơgri run cầm cập, đập vào nhau. Nó sợ tái xanh tái xám lại, Cátxi nói giễu:

- Ông đi tìm súng lục đi. Nên lên xem xét ngay, ông ạ. Họ đang hoạt động đấy.

Thẳng Lơgri chửi một tiếng rồi nói.

- Tôi không lên.

- Sao lại không lên? Làm gì có ma! Nào, lên đi, Cátxi vừa trèo lên cầu thang vừa cười. Chị gọi nó:

- Lên đây!

- Cô là ma hiện hình đấy à? Xuống đi, đồ quỷ! Cátxi! Đừng lên!

Chị cười một cách man rợ, cứ thế lên cầu thang Lơgri thấy chị mở cửa kho thóc. Một luồng gió thổi hút qua cầu thang, làm cây đèn nó cầm ở tay tắt ngấm. Cùng lúc ấy, nó nghe thấy những tiếng kêu ghê rợn như vang lên ngay bên tai nó. Nó khiếp quá, chạy về phòng khách; một lúc sau, Cátxi cũng trở vào, da xanh lướt, người lạnh toát, hai con mất vẫn ánh lên một thứ ánh sáng ghê sợ. Chị bảo nó:

- Thế là ông bằng lòng rồi chứ?

- Đồ quỷ sứ!

- Sao? Tôi lên đóng cửa kho thóc, có gì đâu! Có gì ở trên ấy, ông có biết không?

- Việc gì đến cô.

- Thật à? Dù sao, từ nay tôi cũng sẽ sung sướng không phải ngủ ở bên dưới nữa.

Sự thật, Cátxi đã dự đoán là có bão. Lúc chập tối, chị lên gác mở cửa số, thành ra khi chỉ leo lên thang gác, mở cửa kho thì một luồng gió mạnh thổi tắt đèn. Đây là một thí dụ để ta biết cách Cátxi làm cho Lơgri bị nhiều vố đau. Cuối cùng nó đành chịu bỏ ý định lên vựa thóc khám xét. Đêm đêm, lúc mọi người ngủ cả, chị lên cất giấu, dành dụm lương thực có thể nuôi sống hai chị em một thời gian. Chị còn mang lên một số quần áo cần thiết của chị và của Êmilin. Việc chuẩn bị đã xong. Cátxi còn đợi thời cơ thuận lợi để thực hiện kế hoạch dự định.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top