Vài nét về Hò đưa linh
Hò đưa linh là một phần trong lễ đàn Giải oan bạt độ, theo lể nhạc Phật giáo Huế. Nhìn ở góc độ nghệ thuật, đó là một loại hình sân khấu có tính tổng hợp, hiện vẫn được lưu truyền.
Theo quan niệm thông thường, lễ Giải oan bạt độ được tổ chức nhằm cởi bỏ oan trái cho những người bị chết bất thường (bất đắc kỳ tử) thời gian lễ bạt độ được tiến hành từ chiều tối đến gần giữa khuya ở không gian gia đình hoặc từ đường dòng tộc. Nghi lễ đầy đủ gồm một vị sám chủ, 4 hoặc 6 kinh sư hộ đàn, công văn, ban cổ nhạc và có nghệ nhân hò đưa linh.
Dưới đây chúng tôi ghi lại bài hò đưa linh do một nghệ nhân, nhạc công cổ nhạc Huế trình bày trong lễ đàn bạt độ nhân ngày tiểu tường (tròn năm kể từ ngày mất) của một cụ bà vào năm 2002.
“- Lời sám chủ: Độ phù ơi! Hôm nay lễ tiểu tường thân mẫu, đại gia đình bổn tộc phát nguyện truy tiến tiên linh, sám hối bạt độ giải oan đoạn nghiệp, huyết thích tiền khiên, báo đáp công ơn cầu siêu quá cố hương hồn . Chư âm linh đã đến cửa Bắc phương, nhờ độ phu đưa hương linh qua cõi Bắc phương, độ phu ơi, thay mặt gia chủ, đa tạ.
“- Độ phu (ông trạo) nói lối: Dạ, dạ…con xin nghe lời Phật dạy, nghe lệnh. Tôn sư truyền. Hôm nay Tôn sư ngài trượng thừa oai thần chư Phật, trượng thừa đại lão hòa thượng chứng minh, thiết lập đàn trường. Xin cung thỉnh Tôn sư an tọa nơi đại tiền, để cho ôn mụ con đây nói lên lòng trung dạ hiếu của con, của cháu trong bổn chi, bổn phái.
“- Nói thơ : Bà con ơi…đông qua rồi lại đông về/ Một năm biền biệt mẹ đã về nơi đâu?
Ôi…còn đâu lời nói tiếng cười/ Còn đâu lời khuyên bảo của mẹ hiền ngày xưa.
“- Nói lối: Nhờ công đức vô lượng vô biên của ơn trên Tam bảo, ngày hôm nay ôn mụ tôi được nghe và thật là đau khổ, có những vong hồn bị bom bị đạn, có những vong hồn mất xác mất thây.
Bà con ơi nói lên chi khổ đoạn trường!
Hỡi…các linh hồn ơi…nhè nhẹ qua đò!
“- Hát văn: Nhớ lại mẹ ngày xưa trai gái sum vầy, nhớ mẹ con thương, nhớ mẹ con thương. Quên sao được hình dáng mẹ hiền.
Hôm nay chúng con đứng trước đàn tiền/ Cầu xin Đức Phật thánh hiền xót thương.
“- Hò (thiết tha): Ơ…ơ…ơ…Đông đi rồi lại Đông về, tội hỡi…mẹ hiền ơi…ơ…ơ…ơ..
Ơ…ơ…ơ…ơ…sông biển hồ lai láng, ngày hôm nay mẹ ra đi…kể tháng kể ngày.
Ơ…ơ…ơ…ơ..tội…lắm mẹ ơi! Một năm mẹ ra đi, nào con trai con gái, nào dâu hiền rể thảo, nào cháu nội cháu ngoại…ngày nhớ đêm trông.
Tội linh hồn mẹ ơi, con trông cháu đợi, một đoạn trường.
“- Nói lối: Bạch Tôn sư, thuyền của con đưa chăng là đưa những người oan gia trái chủ/ Đưa chăng là đưa những người xuất chiến tòng chinh/ Đưa chăng là đưa những người trúng đạn sa trường/ Đưa chăng là đưa những người bị mất thây mất xác. Bạch Tôn sư, hôm nay ôn mụ con đây đưa tất cả.
“- Hát văn: Lạy Phật Thích Ca con cúi đầu/ Cúi đầu con lạy Phật Thích Ca/ Phóng quang tiếp độ linh hồn qua sông.
Ới…tổ tiên muôn đời con nhớ mãi/ Nghĩa sinh thành cha mẹ còn đây.
À ơi…con cúi xin lạy Phật Di Đà/ Ngài phóng quang tiếp độ linh hồn ra đi.
Giáng phước lưu ơn con cầu xin/ Cầu xin giáng phước ban ơn/ Cầu cho con cháu bình an trên đường trần.
“- Nói lối: Dạ…dạ…Bạch Tôn sư, thuyền con đã đưa các hương linh qua khỏi Bắc phương, xin Tôn sư ngài đưa các vong hồn lên trung ương chánh điện.
“- Hát lý: Là thuyền lui thuyền, là thuyền lui thuyền vượt bến Giang tân/ Tà lý tang tình, mà nghe câu hò tà lý tang tình/ Khách qua thuyền khoan hò khoan, tà lý hò khoan , hò khoan..”
Nội dung bài hò đưa linh thường được biến tấu, có cả cảm tác theo hoàn cảnh của nghệ nhân nhưng nói chung phải gồm các phần sau: giới thiệu lý do thiết lễ đàn, nói lên tình cảm của gia đình đối với người đã khuất, nguyện cầu cho tất cả hương linh, oan hồn được siêu thoát về cõi Phật.
Ca từ giản dị, giàu hình ảnh, dễ hiểu, gần gũi cuộc sống đời thường;. tiết điệu trầm lắng, thiết tha thể hiện qua sự xen lẫn các thể loại nói lối, hát văn, hò…trên nền cổ nhạc Huế.
Hò đưa linh trong đàn bạt độ có sức thu hút người xem, người nghe. Những người biên soạn dựa trên yêu cầu có sẳn từ nghi thức lễ đàn xưa, linh hoạt tùy hoàn cảnh, đối tượng mà thêm chi tiết cụ thể để thực hiện chức năng của độ phu (ông trạo) trong lễ đàn. Đây là một loại hình sân khấu đặc biệt, một phần trong nhạc lễ Phật giáo cần được nghiên cứu bảo lưu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top