Bạch mã hay hoàng tử?
Truyện cổ tích, người ta thường bỏ quên một nhân vật, bạch mã của hoàng tử - con ngựa trắng không có lựa chọn. Bởi vì, một chàng hoàng tử mà không cưỡi ngựa thì thật buồn cười.
Sao lại là ngựa trắng mà không phải ngựa ô? Nếu vậy thì ô mã hoàng tử hay hắc mã hoàng tử?
Hoàng tử thì luôn là hình mẫu lý tưởng của mọi cô gái. Sẽ ra sao khi đặt chàng lên bàn cân cùng với chú bạch mã của chàng?
Thật ra, nàng công chúa nên chọn con ngựa trắng thay vì hoàng tử bởi nó là người hiểu cô hơn.
Hoàng tử, đơn thuần chỉ là người giải thoát cho công chúa khỏi giấc mơ nhưng nếu không có bạch mã chàng có chịu đi bộ để tìm nàng công chúa của mình? Chàng có sẵn sàng bỏ lại hết vinh hoa phú quý, một thân một mình bước vào hiểm nguy để đương đầu với phù thủy? Hoàng tử sẽ đi hàng vạn dặm tới lâu đài, dùng thanh kiếm đâm chết con quái thú, rồi đặt môi lên môi nàng công chúa?
Bạch mã thì khác, nó không có sự lựa chọn. Nhưng nó chấp nhận lao thân mình qua mọi ngóc ngách, mọi thử thách của mụ phù thủy để cứu sống công chúa. Con ngựa trắng là một nhân vật phụ nhưng lại vô cùng quan trọng. Nó không kiêu hãnh ngẩng cao đầu như hoàng tử mà lặng lẽ cúi xuống thấu hiểu và cảm nhận những nỗi đau hạnh phúc của nàng công chúa.
Nếu lỡ mai này khi hôn, chàng hoàng tử có chịu cúi mình như lần đầu hay để nàng công chúa phải kiễng gót? Một nàng công chúa hôn bạch mã thì kỳ thật ấy nhưng bạch mã sẽ chịu cúi xuống, nó sẽ nếm trọn những nỗi buồn đau của nàng công chúa.
Công chúa cũng chỉ là một cô gái khao khát mãnh liệt tình yêu chân thành. Nếu được quyền lựa chọn nàng sẽ chọn người hiểu nàng hơn, yêu thương nàng hơn. Có phải hoàng tử chỉ đẹp trai, giàu có và hôn giỏi? Vậy thì ai đảm bảo nàng sẽ chọn chàng, sẽ kết hôn và sống trọn đời? Nhưng suy cho cùng công chúa với hoàng tử vẫn sánh bước bên nhau đấy thôi. Vì bạch mã không phải nhân vật chính. Và vì nó chỉ là một con ngựa.
*Ý tưởng trong truyện ngắn "Em sẽ không nhón gót khi hôn".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top