Câu chuyện 2 - Đồ thị hình sin

  Nhân vật và tình tiết trong truyện chỉ là hư cấu. Câu chuyện này không phải của tôi. Tôi cũng đã edit một số đoạn trong câu chuyện - Tác giả #jolieblossom.

  Auburn mùa Thu vốn khô ráo mát mẻ, nhưng hôm nay lại lất phất mưa từ sáng đến tận bây giờ. 

  Tôi ngồi trong một căn phòng ở trung tâm nghệ thuật trình diễn, nơi đặt rất nhiều cây đàn piano. Tôi đã chọn cây đàn gần bậu cửa sổ này vì phát hiện nó có số thứ tự là 220, con số tôi rất thích. Vì sao thì tôi không thể lí giải được, chỉ biết là tôi rất thích nó, đơn giản vậy thôi. 

  Ô cửa sổ lấm tấm những giọt nước, đan lại với nhau, và chảy thành dòng, những dòng nước rất mảnh. Tôi bắt đầu đàn. Những nốt đầu tiên trong bài "Silent Raindrops" chầm chậm vang lên trong căn phòng im ắng buổi chiều.

  Tôi là một gã con trai không-hoàn-chỉnh. Tôi bắt đầu phát hiện mình thuộc giới tính thứ ba từ năm lớp 9, và đã rất mệt mỏi với những dằn vặt của chính bản thân. Một vài người bạn đã tình cờ biết được bí mật của tôi và dần tránh mặt, có đứa nói thẳng, có đưa tế nhị vờ như không biết, mà nhiều người cũng chẳng hay việc này. Nhưng tôi không đủ can đảm để sống trong một xã hội còn quá khắc khe về điều đó, nên đã chọn cách du học. 

  Trong lớp, tôi có rất ít bạn. Phần lớn thời gian tôi dành cho việc tự học, viết báo online, design ảnh và chơi đàn. Cứ quen thêm người nào là tôi càng sợ họ bỏ tôi mà đi.

  Nốt cuối cùng cho bài đàn buồn và trống trải này cũng đã được hoàn thành. Nhiều lúc tôi thấy mình cứ như một con ngựa hoang bị bầy đàn ruồng rẫy, cứ chạy đi và chạy mãi. Bất giác, tôi đưa cả hai bàn tay đập mạnh xuống phím đàn. Thẫn thờ.
– Một kết thúc bất ngờ nhỉ?

  Tôi giật mình nhìn ra cửa. Đó là một cô gái tầm tuổi tôi, khá xinh với mái tóc dài đen nhánh, mặc áo sơ-mi xanh và váy trắng dài. Nhưng cô ấy đang ngồi trên một chiếc xe lăn.

– Tớ xin lỗi đã làm phiền – Bạn ấy mỉm cười – Nhưng bản đàn của bạn rất tuyệt đó.


  Bảo Trâm và tôi quen nhau như thế. Thời gian đầu, tôi đã rất khó khăn để lãng tránh người bạn mới này như đối với nhiều người khác trước đây, nhưng không hiểu sao cả hai người vẫn tình cờ gặp nhau. Lâu dần, chúng tôi trở thành bạn. Tất nhiên tôi vẫn giữ khoảng cách với bạn ấy.

  Trâm theo gia đình sống ở đây năm 7 tuổi. Bị liệt nữa người, hậu quả của trận sốt nặng nhưng bạn ấy có não bộ của một thiên tài. Sở hữu học bạ loại khủng, cô nàng được đặt cách lên thẳng chương trình Đại học dù bằng tuổi tôi. Kiến thức Toán – Lí của tôi chẳng là gì so với Trâm. Có một lần Trâm hỏi tôi:

– Tại sao Tú lại chọn cây đàn này?

– Vì số 220, ở đây này – Tôi chỉ vào miếng đồng nhỏ ở góc phải chiếc đàn – Hơi kì cục há?

  Trâm không đáp, có vẻ đang dừng lại suy nghĩ một điều gi đó rất quan trọng.

– Cậu thích số này à?

– Ừ. Chỉ thích thôi.

-Chà, tớ sinh ngày 28 tháng 4.

  Thế thì có liên quan gì đến nhau? Tôi chau mày ngẩn ra. Trâm không thèm để ý đến vẻ ngạc nhiên của tôi, lôi từ trong balô ra một tờ giấy và dùng bút chì để viết lên đó hai con số, 220 và 284.

– Tuyệt vời – Cô nàng kêu lên – Này, cậu còn nhớ cách tìm ước số chứ?

– Nhớ – Tôi dán mắt vào tờ giấy – Cho hai số này hả?

– Ừ, đầu tiên là 220.

– 220 là số chẵn, chia hết cho 1 và chính nó. Vậy nhẩm ra các ước số đầu tiên là 1, 2, 5, 10 và 220. Nhưng để tìm hết thì ...

– Vậy được rồi – Trâm cười xoe – Xem nhé.

  Cô nàng ghi lên giấy:

  220: 1 2 4 5 10 11 20 22 44 55 110

  284: 1 2 4 71 142

– Đó là các ước của hai số này, giờ cậu cộng lại xem.

  Thế là tôi cộng (dù trong đầu vẫn chưa hết choáng bởi tốc độ tính toán của bạn), và kết quả là:

  1+2+4+5+10+11+20+22+44+55+110=284

  1+2+4+71+142=220

– Tuyệt vời đúng không? – Trâm cười thích thú – Tổng các ước số của 220 bằng 284 và ngược lại. Cặp số của tình bạn.

  Tôi lặng người trước mối liên hệ kì lạ giữa tôi và Bảo Trâm. Con số tôi thích và ngày sinh của bạn ấy lại gắng bó với nhau bằng một chuỗi số kì diệu.


  Vào những lúc rãnh rỗi, tôi thường ở kí túc xá chúi đầu vào máy tính để design ảnh hoặc đọc sách. Thỉnh thoảng tôi cùng Trâm đến trung tâm nghệ thuật để luyện piano. 

  Trâm học toán thì siêu giỏi nhưng hát thì dở tệ, thế là tôi từ bỏ ý định đệm đàn cho cô ấy sau nhiều lần bị tra tấn. Nhưng dường như Trâm không muốn thế giới của tôi chỉ gói gọn trong những nội dung lặp đi lặp lại như thế.

– Hôm nay trời đẹp – Trâm bảo.

– Ừ,

– Hôm nay cũng là ngày nghỉ.

– Ừ.

– Ra ngoài chơi bóng rổ với tụi bạn tớ đi.

– Không.

  Một phút im lặng đáng sợ. Tôi ló mắt ra khỏi quyển sách trước mặt, ngay lặp tức cuốn sách bị lấy đi trơn tuột. Giấu cuốn sách sau lưng, Trâm mỉm cười tinh nghich:

– Không đi không trả.

  Tôi chậc lưỡi cho sự mất cảnh giác của mình, cằn nhằn vài câu rồi uể oải bò ra khỏi giường. Tôi đẩy xe lăn cho Trâm xuống sân bóng rổ, miệng vẫn lẩm bẩm đại loại "Ép người quá đáng" rồi cò kè bớt một thêm hai "Hay là mai nhé?".

  Nhưng hóa ra bạn của Trâm lại nhiều và vui vẻ hơn tôi tưởng. Chúng tôi đã chơi bóng rất ăn ý dù chỉ mới là lần đầu. Các lỗi kỹ thuật nhỏ mà tôi mắc phải đều được mọi người giải thích cặn kẽ và hài hước. Jeff, anh chàng đội trưởng tóc đỏ nháy mắt với Trâm:

– Bạn em khá đấy.

  Tôi lên rổ, và ngoài vệ cỏ Trâm cười thật tươi. Đôi chân tật nguyền nằm yên.

  Lúc về, tôi nhắn tin:"Hôm nay trời đẹp"

  Hồi âm: "Ừ".


. . . Xóa email.

  Tôi ngồi thừ ra trong góc phòng. Đầu óc trống rỗng. Tôi tiến tới cây đàn số 220.

  Người tôi yêu từ năm lớp 9 bây giờ đã có người khác. Rõ ràng tôi biết vì cái gì mà phải rời quê hương sang tận đây, cũng biết rõ mình không thể được cái tình cảm trái tự nhiên này.

  Tôi ấn phím. Chỉ một âm thanh khô khốc vang lên. Ừ thì đó là điều tất nhiên, tôi là con ngựa hoang bị ruồng rẫy cơ mà. Tôi không khóc. Nếu mà khóc được thì tôi đã khóc rồi.


– Ế lạ chưa này.

  Một con sóc bé tí đã nhảy lên tay của Trâm và cố gắng moi mấy hạt dẻ từ nắm tay của cô nàng ra ăn. Tôi nhìn nó.

  Sau khi nhấn một phím của chiếc piano số 220, tôi biết mình hết cách rồi. Không thể dùng âm nhạc để tự lôi mình ra khỏi vũng lầy được nữa, ít nhất là trong lúc này. Vì vậy, tôi đã rủ Trâm đến khu vườn sau của khu học xá, rất nhiều cây và thỉnh thoảng lại có sóc ra đòi ăn. Nhìn cô bạn dịu dàng chơi với con sóc dưới tán cây, tôi chợt ước giá mà lòng tôi cũng được bình yên như vậy.

– Mượn vai một tí được không?

  Cô bạn vờ như không nghe thấy, thả nốt mất hạt cuối cùng xuống đất, con sóc tinh ranh nhanh nhảu bợ đi. Tôi vẫn chờ.

– Ba nhân mười bảy nhân tám – Trâm bỗng nói – Cộng chín phần tư trừ mười hai phần năm bằng bao nhiêu?

  Tôi lúng túng ngay lập tức. Cảm giác cứ như đang trôi giữa dòng nước mà bj mắc kẹt lại trong một mớ rễ cây ven bờ vậy. Cô nàng phì cười:

– Giỡn thôi.

– Vậy là được phải không?

  Tôi gục đầu vào bờ vai nhỏ bé của cô bạn. Không cần phân biệt nam nữ, không cần cái quan niệm mạnh mẽ yếu mềm, không cần gì hết. Bởi tôi biết, trong sâu thẳm, cả hai chúng tôi đều ở đây đang có một con người cần một chỗ dựa, chỉ thế thôi.

– Tú có biết đồ thị hình sin không?

– Biết.

– Đời cũng vậy đó. Hết lên rồi xuống, hết xuống rồi lại lên thôi. Sau nỗi buồn, chắc chắn sẽ có niềm vui.

  Ngọn cỏ dưới chân tôi lay động. Hình như từ lâu lắm rồi, tôi quên mất mình đã vượt qua nhiều niềm vui nỗi buồn mà chính mình cũng không để ý. Mọi thứ trở nên rõ ràng. Đó là quy luật. Đôi khi để mặc cho chuyện gì đó trôi đi cũng là một cách không tồi.

– Cám ơn – Tôi nói.

– Ba nhân mười bảy nhân tám cộng chín phần tư trừ mười hai phần năm bằng bao nhiêu? Lẹ.


  Sau hôm ấy tôi không thấy Trâm lên trường nữa. 

  Tôi tức tốc hỏi thầy trưởng khoa và được biết bạn phải nhập viện để mổ lần cuối. Lúc tôi đến thăm cũng là lúc bạn ấy được đưa vào phòng mổ, tôi chỉ kịp nhìn thấy mái tóc dài bị buột túm lại nằm trên chiếc băng ca trắng. Sau đó cha mẹ Trâm đưa tôi một mẫu giấy. Trong mảnh giấy ấy có vẽ một đồ thị hình sin và con số 220 nằm trên trục tung, 284 nằm ở trục hoành.
  Auburn mùa Hạ nắng chói chang, nhưng hôm nay bỗng mưa tầm tã. Tôi lại ngồi trong căn phòng có cây đàn piano số 220 – kỉ niệm tình bạn giữa tôi và Bảo Trâm. Tôi cô độc vì là gã trai không-hoàn-chỉnh, bạn ấy cô độc vì là một thiên tài không-hoàn-chỉnh. Số phận của cả hai được nối lại với nhau theo cách mà ít ai nghĩ đến, như những giọt nước đan lại ngoài cửa kính kia. Nhưng hơn thảy là chúng tôi đã lắng nghe và thấu hiểu được nhau từ những khoảng trống của riêng mình.
  Thong thả đưa những nốt đầu tiên của bàn "Silent Raindrops" vào chiều muộn, tôi nhớ về nụ cười của Trâm, nhớ đồ thị hình sin, và nhớ cả hai con số kì diệu kia. Cặp số của tình bạn.





Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top