Và họ nói cuộc đời chúng ta là vinh quang (P1)

Không hiểu sao tôi vẫn luôn thích viết về chiến tranh. Phải, đất nước chúng ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nơi nơi người ta vẫn đói tin tức, vẫn muốn hứng lấy từng lời hương vị chiến thắng. Nhưng đó không phải điều tôi muốn viết. Thật gàn dở là tôi lại mong được phản ánh cuộc chiến ở một góc nhìn khác. Ở sự đau thương, tiếc nuối vô hình mà những người anh hùng phải che giấu sau chiếc huy chương lạnh giá. Dĩ nhiên là các điều ấy rồi thì cũng được viết, nhưng chỉ sau khi thiên hạ đã uống cạn men say chiến thắng. Chẳng ai muốn nói chuyện buồn trên bàn tiệc cả.

Ấy vậy mà tôi vẫn muốn viết, và phải viết cho bằng được.

Tổng biên tập phát điên với tôi. Anh kêu lên: "Cậu bị điên hay sao? Ai lại muốn đọc về những chiến sĩ sợ hãi, đau buồn, nhụt chí hay ham muốn tình dục? Thêm nữa, tôi thách cậu tìm được một Omega dám kể chuyện mình đấy."

À đúng, quên không nói rằng mục tiêu của tôi lại còn không phải giới Alpha cơ. Cái giới từ khi sinh ra đã mặc định được hưởng sự ngưỡng mộ và kỳ vọng. Họ là giống loài của chinh phục và đấu tranh, họ có thể không thích chiến tranh nhưng cũng không sợ tranh đấu. Đó là bản năng của Alpha. Vì sự ưu ái của tự nhiên đó mà ngay cả phút giây yếu đuối, Alpha vẫn tỏa ra một hào quang mạnh mẽ khiến người ta phải quy thuận.

Tôi nói thế không phải vì bản thân cũng là Alpha mà tự kiêu. Bởi một phần tôi cũng có tí máu chinh phục đó. Nó thúc đẩy tôi kiên quyết muốn dấn thân vào địa hạt không ai dám bước tới.

Không, thật ra là họ lờ đi, không muốn nhắc tới nó. Đó chính là số phận của những Omega sau chiến tranh.

Tất cả giấu nhẹm đi, như một nỗi hổ thẹn. Cứ như thể chưa từng có một vạn ba trăm chín mươi sáu nghìn Omega đã chết trong chiến tranh và hơn hai vạn Omega khác sống rải rác trên đất nước này vẫn sống nhưng khắc khoải, héo mòn. Họ cũng được huân chương, cũng được tuyên dương đấy. Có điều nó diễn ra vội vã, gấp gáp rồi mau chóng chìm nghỉm đi như bàn tay vô hình đã xếp đời họ vào xó. Như kiểu: Nào, tôi đã khen anh, đã thưởng anh, anh còn muốn gì nữa? Anh hãy an phận đứng gọn vào góc mà nhường chỗ cho ai đó lên.

Sự im lặng này thậm chí còn được sự đồng thuận của chính những cựu chiến binh Omega. Trong quá trình điều tra, phỏng vấn, tôi đã nhận được vô số sự từ chối, ngờ vực, im lặng, thù hằn. Thậm chí đã có người nói thẳng vào mặt tôi: "Đời họ còn chưa đủ khổ hay sao? Anh lại muốn khuấy động cuộc sống yên bình của người ta lên à? Anh có còn tình người nữa không?"

Người ta không hiểu tôi. Người ta nghĩ tôi là kẻ tàn nhẫn moi móc trên nỗi đau khổ của người khác. Cũng không sao, vì đời làm báo, tôi đã quyết định sẽ chứng minh bằng câu chữ chứ vốn chẳng trông đợi người ta hiểu mình. Chỉ cần một phần mười trong số đó chịu mở lòng là tôi đã mừng lắm rồi.

Điều tôi mong mỏi chỉ đơn giản là một cuộc gọi, như thế này thôi: "Tôi đã được nghe về ý tưởng bài phóng sự của anh. Nếu được, tôi mong anh có thể sắp xếp chút thời gian để lắng nghe câu chuyện của tôi."

Còn chờ gì hơn thế nữa? Tôi vội thu dọn mọi tư trang cần thiết, đơn giản nhất có thể và nhảy lên chuyến tàu gần nhất.

Người tôi muốn gặp ở đầu kia của Tổ quốc, trong một thị trấn nhỏ êm đềm. Vì lý do bảo vệ nhân thân, xin phép cho tôi được giấu đi địa chỉ thật cũng như mọi cái tên xuất hiện ở đây cũng đã được cải biên. Còn lại, ngoài những điều đó ra, tất cả đều là sự thật. Trần trụi như chính thực tế tàn khốc của chiến tranh.

Anh tiếp tôi tại nhà riêng, phía sau khuôn viên nhà trẻ xinh xắn. Anh hiện là giáo viên mầm non, năm nay hai mươi sáu tuổi. Hôm nay anh xin nghỉ để đón tôi như đã hẹn. Sở dĩ anh lại chọn ngày trong tuần là vì để có không gian riêng tư, ngại có người nhà bên cạnh sẽ không thoải mái. Nhưng anh cũng hơi ngạc nhiên khi biết tôi là Alpha, nên đã ý nhị mở toang cửa sổ và cổng, tránh điều tiếng dị nghị không nên.

Mới đầu tiếp xúc với anh tôi còn tưởng mình nhầm người. Vì anh rất đẹp trai, dịu dàng, đem lại ấn tượng bình yên, thư thái như thể chưa từng trải qua đau khổ gì. Đôi mắt đẹp và trong sáng, hút hồn người đối diện. Người ta vẫn gọi là đôi mắt biết nói. Chỉ khi anh nghiêm túc, đắm mình vào câu chuyện, tôi mới nhận ra đôi mắt đó chỉ như mặt nước hồ thu êm ả, giấu bên dưới đáy là biết bao mảnh vỡ lấp lánh, sắc nhọn. Mỗi khi chạm vào là cứa nát con tim.

"Tôi tên là Akaso Eiji, anh có thể giữ nguyên tên tôi cũng được. Tôi không sợ, vì khi quyết định nói chuyện với anh tôi cũng chuẩn bị về tinh thần rồi. Phải nói là ban đầu tôi khá dè dặt với ý định của anh. Nên tôi đã phải đi tra cứu, tìm các bài viết mang tên anh để hiểu xem, cái người định đào bới lại những nấm mồ đã ngủ yên trong quá khứ này có mục đích gì, liệu có xứng đáng không,"

Nói đến đây, anh ngừng lại để nhìn tôi bằng ánh mắt sắc lẹm như dò xét, đánh giá. Quả không hổ là một cựu chiến binh, tôi - không hề nói quá - phải thừa nhận là mình có chút sợ trước con người từng trải đó. Nhưng rồi anh dịu lại ngay. Tôi thở phào trong lòng, đoán mình đã vượt qua ải đầu tiên.

"Anh làm tôi rất ấn tượng. Có cảm giác văn phong trưởng thành hơn tuổi thật, lại sâu sắc và giàu tình cảm. Sau khi đọc xong, tôi đã nghĩ: "À, người này có lẽ tốt thật. Có lẽ anh ta sẽ truyền lại được tiếng nói của chúng ta." Vì vậy tôi đã chủ động liên lạc với anh. Câu chuyện tôi sắp tâm sự sau đây hoàn toàn là sự thật, anh có thể yên tâm điều đó. Chiến tranh là một điều khốc liệt nhất với con người, hơn cả cái chết, ta không thể dễ dàng quên nó được. Ta chỉ có thể xếp nó sang một bên và sống với nó thôi. Tôi là con người đơn giản, có gì kể nấy, có lẽ về anh sẽ phải biên tập lại nhưng chỉ xin anh hãy cố gắng giảm thiểu vai trò của tôi càng nhiều càng tốt. Cuộc đời tôi tầm thường lắm, không có gì đâu. Mà hãy tôn lên những người chị em của tôi, trong cuộc chiến này, cả trên chiến trường và ở ngoài đời, họ mới là anh hùng thật sự. Chiến tranh đã lùi xa từ lâu, mà họ vẫn đang vật vã để tồn tại với cuộc đời. Tôi muốn kể với anh cũng chỉ để những con người ấy được lên tiếng, vì nhiều người đã mãi mãi chẳng thể cất lời lên được nữa..."

"Như tôi đã nói, cuộc đời của tôi khá êm đềm. Ít nhất là cho đến tuổi trưởng thành. Cũng chẳng có gì đặc biệt cả. Gia đình tôi là kiểu gia đình cơ bản, bố mẹ đều là giáo viên, nhà có hai con trai, hơn kém nhau ba tuổi. Ông bà tôi xưa kia từng là địa chủ, sau thì bán hết gia sản nhưng vẫn để lại cho con cháu được một khoảnh đất khá rộng ở bìa rừng. Rảnh rỗi thì bố mẹ tôi thích trồng rau, làm vườn, vừa khỏe người, vừa có thêm món ăn cải thiện. Vâng, đời sống lúc ấy nhẹ nhàng, êm dịu lắm, có biết đâu chính mảnh đất ấy lại là tai ương khủng khiếp của cả nhà. Nhưng đó là chuyện sau này.

Tôi hồi ấy thì trẻ con và mơ mộng. Hằng ngày đi học rồi về nhà, sở thích lớn nhất là tụ tập với bạn bè. Vì mặt mũi cũng ở dạng khá, lại học tiếng Anh tốt nên tôi đã nhắm đến sau này làm bên phiên dịch ngoại giao hoặc may mắn thì thi vào trường nghệ thuật. Đấy, ước mơ con trẻ nó bay cao đến tận như thế đó."

Tôi có ý khen vẻ ngoài đẹp trai và phong thái rất đĩnh đạc của anh. Anh chỉ cười nhẹ vài tiếng.

"Cảm ơn anh đã quá khen. Quả thực hồi đấy tôi cũng có vài người theo đuổi. Nhưng bố mẹ tôi quản chặt lắm, ông bà tưởng tượng đủ các viễn cảnh đáng sợ có thể xảy ra với một Omega. Với lại lúc ấy tôi cũng còn trẻ con, nên hầu hết tình cảm đều thoáng qua, chẳng đọng lại gì nhiều.

Tôi may mắn đỗ trường Nghệ thuật nên tiếp tục ra Thủ đô học. Những năm tháng tự do ấy nghĩ lại mới thấy quý giá làm sao. Sinh viên chúng tôi sống cuộc đời vô lo vô nghĩ. Thời điểm đó cũng đã manh nha vài mầm mống xung đột nhưng chẳng ai bận tâm. Hòa bình quá lâu khiến người ta không còn ý thức được sự nguy hiểm cận kề. Chiến tranh ư? Chắc nó chỉ xảy ra ở tận đâu đâu chứ làm gì tới được nơi đây?

Đùng một cái, có chiến sự. Phần lớn vẫn lạc quan. Quân đội, rồi chính phủ sẽ lo được hết thôi. Đã có bắt đầu có vài lời ì xèo về các cuộc chiến ác liệt ngoài biển khơi, nơi biên giới. Trong lúc đó, chúng tôi vẫn vùi đầu vào sách vở, lo ca hát, tập luyện, học nhảy, học múa. Chính phủ thì lấp liếm một số tin tức quan trọng, vẫn cố trấn an nhân dân. Ngay cả những lá thư gia đình gửi ra cho tôi cũng chẳng mảy may có lấy một dòng dò hỏi về tình hình thủ đô. Ai ai cũng đầy tin tưởng mọi chuyện rồi sẽ qua. Thế thì anh bảo chúng tôi lo lắng thế nào được?

Nhưng một tháng, rồi hai tháng... Gần nửa năm trôi qua mà mọi việc vẫn chưa tan. Một bầu không khí âm trầm bắt đầu bao trùm. Bố mẹ tôi phàn nàn về việc gần đây người đổ về thị trấn hơi nhiều. Còn ở trường, các lớp học cứ vắng dần, vắng dần sinh viên. Cho đến khi chúng tôi nhận ra thì cả trường hầu như chỉ còn toàn các Omega, Beta hoặc một vài người không đạt yêu cầu về sức khỏe. Hầu như thanh niên Alpha đều ra chiến trường cả, mà không hẹn ngày trở về. Nhưng lạ thay, ngay cả đến lúc ấy, chúng tôi vẫn không sợ. Tính sinh viên thì anh biết rồi đấy. Ham thích bồng bột, mơ mộng hão huyền. Mà lại còn là Omega, lại trường nghệ thuật nữa, thì còn bay bổng đến mức nào. Chúng tôi bắt đầu truyền tay nhau những lá thư hay tin tức do các thanh niên Alpha từ chiến trận trở về. Toàn lời vui vẻ, hào hứng cả. Tràn ngập một tinh thần tự do, phóng khoáng. Thế là bọn tôi mơ. Mơ về không khí chiến trận hào hùng, mơ về hình ảnh bản thân xung phong hàng đầu, đến cả nỗi đau đớn vĩ đại khi hy sinh vì Tổ quốc... Có những lúc tôi hận vì mình sức dài vai rộng mà lại chỉ là Omega. Hồi đó tôi không mập mạp lắm nhưng cũng thuộc dạng cao lớn, hơn kiểu Omega trung bình. Tôi đã thầm tính toán cách nào để lách luật...

Nào ngờ ông trời đã chấp nhận thỉnh cầu của tôi, hay hại tôi nữa không biết chừng, cuối cùng người ta đã chấp nhận cả Omega và nữ giới nhập ngũ. Chúng tôi ùn ùn đi đăng ký, vất hết sách vở ra sau đầu. Dĩ nhiên là tôi thừa tiêu chuẩn. Lòng hân hoan, phơi phới, mấy ngày trước khi vào quân đội tôi chỉ bận sắp xếp đồ đạc, tạm biệt bạn bè, thấy mừng vì mình sắp lao vào chân trời mới. Được mấy ngày nghỉ để về chào gia đình nhưng tôi định giấu bố mẹ, đợi khi nào lên tàu rồi, đến trạm nghỉ nào đó biên thư báo sau. Vì tôi biết, với tính ông bà, tôi mà hé ra nửa lời về việc nhập ngũ là hai người sẽ trói đứa con này lại ngay. Nên tôi phải tính đường tiền trảm hậu tấu.

Hỡi ôi, giá mà hồi ấy tôi biết được đó sẽ là dịp cuối cùng tôi còn được gặp lại gia đình. Thế thì có đánh chết, có phải bò bằng cả hai đầu gối tôi cũng tìm về nhà cho bằng được. Nếu có thể quay ngược lại giờ phút ấy, tôi nhất định sẽ đấm cho bản thân mình một trận, để thằng nhóc điên khùng ấy sáng mắt ra, cho nó hiểu nó đã phạm sai lầm lớn cỡ nào..."

Giọng anh run run. Đôi mắt long lên một sự bi thương, giận dữ. Quai hàm nghiến chặt đến nổi gân, tôi biết anh đang kìm nén. Tôi định mời anh hút điếu thuốc để nguôi ngoai nhưng anh từ chối.

"Không, cảm ơn anh. Nhà có con trẻ nên đã từ lâu tôi bỏ thứ này. Thực tình chuyện đã qua lâu rồi. Vết thương đã thành sẹo mà tôi cứ ủy mị mãi.

Nào, chúng ta kể đến đâu rồi nhỉ? À, đại khái là tôi đã vào quân ngũ. Các chuyện khác chung quy cũng như anh tưởng tượng thôi, không khác gì nhau cả, chắc anh nghe nhàm cả rồi. Tôi thì cứ bị vỡ mộng dần dần. Cho đáng kiếp cái tội ngây thơ. Đầu tiên là việc tôi không được ra trận ngay như mình tưởng. Bị xếp vào đội bắn tỉa của bộ binh, tôi phải đào tạo mất ba tháng. Hồi đó thì tôi thấy khoảng thời gian ấy sao mà dài thế. Còn bây giờ nghĩ lại, bằng đấy thứ người ta chuẩn bị cho chúng tôi không bao giờ là đủ. Biết bao nhiêu là quy tắc, kỹ năng cần phải học, nói ra sợ anh thấy mệt, tựu chung là họ cố nhồi nhét đủ thứ, càng nhiều càng ít. Ban đầu tôi khá khổ sở để theo kịp vì được chiều chuộng đã quen, tính lại khảnh ăn, kén chọn. Rất hay bị mắng đến uất ức phát khóc, người thì ốm dai ốm nhách như con cá muối. Tôi không bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc nhưng tôi tủi thân. May sao trong lúc u ám ấy thì tôi nhận được thư nhà. Bức thư ấy đã sớm dập nát theo những năm tháng chiến tranh rồi nên tôi chỉ nhớ chung chung. Đại khái là bố tôi trách móc sao không thưa sớm với gia đình, bố hơi giận và buồn vì tôi đã nghĩ ông bà sẽ ngăn cản con cái đóng góp cho đất nước. Ông tự hào vì tôi đã trưởng thành, khuyên tôi cố gắng rèn luyện. Cuối thư ông còn thêm rằng mẹ tôi đã buồn đến phát khóc, bà tiếc vì tôi không chịu về nên không thể gửi cho con lọ mứt dâu mình đã làm.

Trời, tôi nhớ là sau đó mình đã khóc khiếp lắm, khóc tấm tức từ lúc phòng ký túc còn vắng hoe cho đến khi cả lũ bạn đi tập về, tắm rửa xong cũng vẫn khóc.

Nhưng kể từ chuyện ấy thì tôi không khóc lóc một lần nào nữa. Ít nhất là không rơi lệ trước mặt người khác. Bởi ông thầy của chúng tôi là một người khá kỳ quặc. Ông ta dạy giỏi nhưng hình như thấy phải dạy dỗ một đám Omega là một điều nhục nhã thì phải, trong lúc dạy cứ phải nhay đi nhay lại: "Omega mấy cậu thì cũng chỉ đến thế mà thôi... Các cô nữ Omega thì cố đến này là quá lắm rồi... Đâu có như rèn luyện Alpha, họ là họ chỉn chu, nghiêm phăng phắc..." Đấy, cứ phải so sánh như vậy. Đâm ra chúng tôi cay cú lắm. Một lần, bọn tôi được giao nhiệm vụ ngụy trang để ẩn nấp trên một ngọn đồi. Sau khi xong thì ông thầy đi kiểm tra. Ông ta lên một mô đất cao nhất, nhìn xung quanh một hồi rồi lớn tiếng dè bỉu: "Ngụy trang là phải hòa vào cảnh vật, đồng thời còn phải xóa dấu vết nữa. Thế các cô các cậu ẩn nấp mà màu đất mới lù lù một đống thế này thì ai chẳng nhận thấy. Quân địch nó lại chẳng tặng một phát nằm lại luôn cho gọn! Thôi, giải tán. Toàn đội về vị trí!". Đến lúc đó thì ông ta mới nghe "mô đất" dưới chân mình thẽ thọt: "Xin thầy bỏ giúp chân ra ạ, thầy đè lên ngực nặng quá em không thở nổi." Thế mà cũng là người tình cảm phết anh ạ. Ngày chúng tôi kết thúc tập huấn, ông ấy đến bắt tay, vỗ vai từng người, nói thật dịu dàng: "Này, các cô các cậu, nhớ trở về đấy nhé." Đấy, tình người thời chiến nó thô mộc như vậy đấy. Đáng tiếc là sau này tôi quay lại thì nghe đâu ông ấy cũng không còn nữa...

Và rồi tôi được ra trận.

Đến mốc thời gian này thì trí nhớ của tôi vô cùng rời rạc. Mọi thứ cứ mờ mờ như thể pháo sáng trong đêm. Có lúc nó chợt lóe lên, sáng rực, đậm nét như mới xảy ra hôm qua. Có lúc lại nhòe nhoẹt chỉ vang lên âm thanh và những khuôn mặt không rõ ràng. Cho nên những sự việc tôi sẽ kể tiếp đây tôi không dám chắc nó đã từng xảy ra với tôi hay được kể lại, không rõ được cái nào trước cái nào sau. Anh thông cảm vậy.

Đoàn chúng tôi được điều lên tiếp ứng cho chiến trường Tây Bắc. Một địa điểm chiến lược, và bên ta bên địch đang giành nhau từng tấc đất một. Bọn tôi có mặt khi chiến trường đang tạm ngưng. Gọi là trong rừng nhưng không khí thật tĩnh lặng. Tĩnh lặng đến bất bình thường. Ngay cả tiếng lá rì rào, tiếng chim truyền cành, côn trùng đập cánh cũng không có. Như thể cả mặt đất đang nín thở.

Bỗng một cô trong đoàn hét lên. Chúng tôi run bắn người, tự dưng co rúm lại. Trong không gian im lìm tiếng thét nghe thật ma quái. Cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện vị khách đã theo dõi mình từ nãy đến giờ. Anh ấy vắt vẻo trên cây, ngước đôi mắt lờ đờ đã không còn thần khí, nửa người trần truồng còn nửa dưới ở đâu thì chẳng biết. Màu da thịt còn hồng hào, có lẽ anh ấy bị văng lên đó mới gần đây.

Anh chàng trung sĩ tiếp nhận chúng tôi chỉ thờ ơ liếc nửa con mắt:
- Tưởng cái gì... Chuyện bình thường thôi "mấy em", đạn đại bác đấy.

Chiến tranh đã chào đón chúng tôi bằng món quà như thế ấy.

Rồi nhanh chóng, bọn tôi còn nhận ra điều tiếp theo. "Họ" không ưa chúng tôi. Theo con mắt của những người lính, mấy đứa bắn tỉa là bọn lính quý tộc, không bao giờ phải trực tiếp đối đầu với họng súng, đến thì đến sau, rút thì rút trước. Dù cho bọn tôi có phải lăn lê bò toài, vùi mình dưới đất ẩm, muỗi cắn giun bò, kiến đốt ong châm không dám kêu thì vẫn là sướng hơn họ. Không những vậy, là Omega, bọn tôi còn được hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn nữa.

Tôi không hờn trách họ. Nhìn những người lính phải chạy lạch bạch trong chiếc hào ngập đến đầu gối, ngủ đứng giữa quần áo hôi hám, ướt sũng không lúc nào khô, chẳng trách họ ghen tị với chúng tôi. Nhưng tôi chỉ muốn phân trần về lý do đặc quyền đặc lợi được hưởng. Họ chọn Omega vào đội bắn tỉa không phải vì trân trọng giới tôi gì hơn. Quân đội vốn dĩ đã lạnh lùng, tính toán. Theo chiến thuật, các chỉ huy chỉ muốn lợi dụng mùi hương tự nhiên của Omega để dụ dỗ bên Alpha đối địch, khiến họ mất tập trung, lộ sơ hở. Nhưng nếu như thế thì chẳng khác gì chỉ điểm chỗ mình ẩn nấp, anh đang nghĩ thế phải không? Có điều người ta tính hết cả rồi. Bên cạnh việc rèn luyện những điều liên quan đến quân sự, Omega chúng tôi có những bài học và trang bị riêng dành cho giới của mình. Lính Omega được dạy để điều khiển được lượng tiết tố tỏa ra, không được quá nhiều dễ làm lộ vị trí nhưng đủ vừa phải để quấy rối đối phương. Chúng tôi có chế độ cấp phát thuốc ức chế thường xuyên và ở liều cao. Thứ đó hại vô cùng, nhưng bắt buộc phải uống. Lại còn phải đeo vòng cổ để ngăn bị đánh dấu. Mà quân nhu chiến tranh thì anh biết rồi đấy, lấy đâu ra hàng tốt, mà chỉ là loại giả da rẻ tiền. Thế nên đã đeo suốt ngày lại kết hợp vệ sinh thiếu thốn, chúng tôi đến khổ vì bị dị ứng, ăn da, thậm chí là còn cả chấy rận ở mấy chỗ đó nữa. Nói thật với anh, đeo thứ ấy vào, tôi không biết họ muốn bảo vệ chúng tôi hay biến bọn tôi thành mấy con cẩu ngứa ngáy cứ suốt ngày gãi sồn sột nữa. Thật đấy," - Đến đây anh bật cười vui vẻ, - "tuy lính tráng ở bẩn thì không phải chuyện lạ, nhưng hồi đó, anh mà cứ thấy nhóm nào túm tụm chỉ gãi cổ với gãi đầu thì chắc năm ăn mười đấy là lũ Omega chúng tôi! Mà các sếp còn chu đáo đến tận mức này cơ, họ phát cho chúng tôi một viên thuốc đặc biệt. Nó màu đỏ thẫm, bé bằng củ lạc, vỏ thuốc cứng và dày không sợ ngấm nước hay mối mọt ăn được. Người ta gọi đó là viên "thiên đường". Anh biết nó để làm gì không? Để Omega có thể ra đi thanh thản. Chỉ cần cắn vỡ vỏ, thuốc ngấm vào lưỡi, thế là xong! Không mất quá ba phút, nhanh - gọn - nhẹ."

Thấy mặt tôi ngẩn ra, anh nhẹ lắc đầu.

"Không, riêng việc này thì tôi đồng ý với họ. Omega mà bị bắt làm tù binh thì số phận chờ đợi còn khủng khiếp hơn cả cái chết. Tôi đã từng chứng kiến trên đường hành quân những Omega dân thường bị bỏ lại. Dù là cái xác hay còn ở tình trạng thoi thóp thì họ đều ở dạng... Thôi, tốt nhất tôi không nên nói đến thì hơn. Hẳn là anh cũng hiểu nó như thế nào. Vậy nên số lượng Omega bị bắt làm tù binh và được trao trả là rất ít cũng là vì như thế.

Có thể nói hầu như lũ chúng tôi bị chuốc thuốc đến nỗi chẳng khác gì dân Beta bình thường. Nhưng chu kỳ phát tình của Omega vẫn là một thứ gì đó quái ác không thể điều khiển dễ dàng được. Thế khi nó phát tác bất thình lình, thì phải xử trí như thế nào?

Để tôi kể anh nghe chuyện này. Câu chuyện xảy ra vào mốc thời gian nào tôi không nhớ rõ nữa, đại khái là sau khi tôi vào trận địa cũng được tầm vài tháng. Chúng tôi hành quân đến địa điểm đóng quân là một thị trấn đang xảy ra giao tranh. Lúc đến nơi thì đã sẩm tối, bọn tôi hạ lệnh tạm nghỉ ở một chỗ có vẻ từng là quán ăn, nay đã lỗ chỗ vết đạn bom. Thực ra thì khắp xung quanh, đâu cũng thế cả, được thế này là khá lắm rồi. Vì mệt mỏi nên nằm xuống là tôi ngủ ngay. Nửa đêm tôi thức dậy vì tiếng ri rỉ không biết ở đâu, nhưng phần lớn là vì mắc tiểu nữa. Tin tôi đi, khi anh ở chiến trường lâu đến một tầm nào đó, anh sẽ phải quen với những "thứ" mà không khoa học nào giải thích được. Mà mấy thứ ấy, chiến tranh có sẵn lắm.

Quay trở lại câu chuyện, lần theo trí nhớ và dưới ánh sáng lờ mờ của trăng đêm, giữa tiếng làu bàu chửi rủa của những người bị mình dẫm phải thì tôi cuối cùng cũng mò mẫm ra được nhà vệ sinh. Nhưng còn chưa sờ vào được nắm cửa, thì một họng súng đen ngòm đã dí vào:
- Tên gì? Đi đâu?
- Akaso Eiji, lính bộ binh đặc công, thuộc tiểu đoàn 356, Sư đoàn 3. Xin phép được đi vệ sinh.
- Giới tính?
- Nam, Omega.

Bóng đen biết nói thì thào với một bóng đen khác đang dựa lưng vào tường:
- Hàng mới thôi mày ạ. Có cho nó vào không?
- Kệ, cùng loại chắc chẳng sao đâu.

Rồi anh ta hất đầu:
- Chuẩn y yêu cầu. Vào nhanh, ra nhanh!

Tôi len lén đi vào, bụng thắt lại không hiểu sự kiểm duyệt vừa rồi có ý nghĩa gì.

Đến lúc vô hẳn rồi tôi mới hiểu.

Bị trói gô ở góc một bệ xí là một con người đang quấn từ đầu đến chân bằng chiếc chăn dày giữa mùa hè nóng nực. Dù chỉ ánh sáng yếu ớt, vẫn có thể thấy rằng trán anh ta lấm tấm mồ hôi nhỏ thành giọt, miệng cũng bị nhét tấm giẻ mà xem chừng đã bị nhay gần nát. Hóa ra là vậy. Hóa ra tiếng khóc ri rỉ mà tôi nghe thấy trong đêm là từ đây mà ra.

Anh có hiểu không? Người lính ấy là Omega đến kì phát tình. Đồng đội của anh ta đã phải đối phó bằng cách trói lại, phủ chăn có tin tức tố của Alpha để ngăn mùi phát tán và cũng để xoa dịu nạn nhân. Còn tại sao lại là nhà xí ư? Thì còn đâu có thể che giấu mùi tốt bằng một nơi hôi thối nồng nặc chứ! Thật sáng tạo làm sao.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đấy. Lúc đi ra thì tôi không thể ngủ lại được nữa. Tiếng rên rỉ tự nhiên cứ văng vẳng bên tai không tài nào dứt ra khỏi tâm trí. Có lẽ không phải mình tôi cảm thấy vậy, bởi vài phút sau, đã nghe thấy giọng gắt gỏng:
- Đứa nào làm thằng Kanta im miệng hộ cái!
- Chắc cái giẻ lại lỏng ra rồi...
- Thì tọng thêm vào mồm nó. Mẹ nó, rên rên rỉ rỉ mệt cả người!
- Để tao!
Một bóng người dứt khoát đứng lên, có lẽ là cùng đội với anh chàng Kanta xui xẻo.

Trong đêm khuya thanh vắng, một tiếng "Bốp!" chát chúa vọng ra.

Tiếng khóc im bặt.

- Đấy, một báng súng là xong. Mất thời gian vớ vẩn!
- Mày không nặng tay với nó quá đấy chứ?
- Không. Tao có kinh nghiệm mà. Nhà tao làm chăn nuôi lấy thịt, tao đập quen rồi. Cú đấy đủ cho nó ngủ tới sáng...

Tôi không nghe được nữa. Bất giác lấy tay sờ vào tuyến thể sau gáy mà nắm chặt. Sẽ chẳng bao giờ tôi dám quên lần uống thuốc định kì nữa. Họ có cho gấp đôi số thuốc tôi cũng uống. Tôi đã có suy nghĩ nực cười như thế đấy.

Nhưng suy cho cùng, cũng chẳng phải tôi phàn nàn khi là một Omega. Vì nhìn chung, giới chúng tôi vẫn luôn được trân trọng, chiều chuộng. Hễ phải di chuyển bằng xe thì bọn tôi luôn được nhường chỗ ngồi tốt và êm ái, thỉnh thoảng có vài người sẽ tặng hoa hoặc quà để thể hiện tình cảm... Tôi nhớ có một lần, trong khoảng lặng hiếm hoi giữa các đợt đánh, tôi đã thơ thẩn lượn lờ gần giáp ranh giữa hai chiến tuyến. Mà cũng không phải mình tôi liều thế, hình như còn nhiều người khác cũng làm vậy. Họ thậm chí còn trao đổi vài điếu thuốc. À, nhớ ra rồi, đợt đó nhân ngày nghỉ lễ, cả hai bên đều đình chiến. Tôi lững thững né xa đám lính Alpha, chỉ muốn duỗi chân duỗi tay cho giãn gân cốt, sung sướng hứng lấy những tia nắng may mắn không bị che khuất dưới làn khói bom. Rồi vài âm thanh như có vật rơi bên cạnh khiến tôi chú ý. Trên mặt cỏ bỗng đâu xuất hiện vài vỏ kẹo lấp lánh dưới ánh nắng. Giữa màu xanh nhàn nhạt của lớp cỏ, màu sắc sặc sỡ của chúng vừa hấp dẫn vừa lạ lẫm như ở trong mơ. Tôi tò mò nhặt một chiếc lên. Là một thanh kẹo sô-cô-la! Giữa chiến trường, lương khô còn phải tiết kiệm, một mẩu kẹo thôi cũng là quý rồi, đây lại còn là kẹo hàng thật giá thật. Nhìn thôi tôi đã muốn ứa nước miếng. Nhưng sao thứ quý giá này lại có thể đánh rơi ở đây? Nhìn xung quanh, tôi ngạc nhiên thấy còn vài chiếc nữa. Lại một cái nữa tiếp tục rơi ngay bên cạnh. Đến lúc ấy tôi mới để ý thấy vài người bên kia chiến tuyến đang nhìn mình. Họ chỉ trỏ vào đám kẹo, vào tôi rồi cười. Tôi hiểu ra, mặt đỏ ửng. Vội vứt chiếc kẹo xuống đất như phải bỏng, tôi quay đầu chạy biến. Bên tai vẫn văng vẳng tiếng gọi:
- Đừng sợ chàng trai ơi! Người ta có ý tốt đấy!

Lẫn trong tiếng cười đùa, tôi nhận ra cả giọng ông đại úy bên mình. Hồi ấy tôi cứ nghĩ là người ta khinh thường, coi rẻ mình. Chứ tầm bây giờ mà đưa là tôi nhận ngay đấy! Chẳng tội gì, sinh mạng trên chiến trường vốn rẻ mạt. Nhưng cũng nhờ thế mà con người sống thẳng thắn, thật lòng với nhu cầu của mình hơn. Họ đâu còn thời gian mà phí phạm nữa...

Mà tôi lạc đề xa quá. Toàn kể những chuyện lan man, linh tinh. Còn về chuyện chiến đấu thì, anh biết đấy, tôi chỉ là xạ thủ tầm thường. Với chiến tranh chung quy cũng chỉ toàn bắn giết thôi. Nếu anh hỏi các cựu chiến binh khác, chắc họ kể còn hay hơn tôi."

Tôi gợi nhắc về một số huân chương và vài thành tích của anh được đưa lên mặt báo. Akaso chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên:

"Vài danh hiệu cỏn con đấy hả? Xem ra anh cũng tìm hiểu kĩ nhỉ? Có điều chẳng đáng nhắc tới đâu. Còn nói đến cảm xúc lần đầu tiên khi giết người ư? Tôi quên từ lâu rồi. Thật lạ là tôi không hề nhớ. Cứ như thể não bộ tôi đã làm giúp tôi một việc là quét đi những kí ức vô dụng, và tự mặc định những điều tôi không được phép quên.

Không, vùng kí ức của tôi được dành cho việc khác. Tôi không bao giờ quên được nhiệm vụ đầu tiên người ta giao cho chúng tôi. Tiểu đội xạ thủ được điều đến một chiến hào trước giờ tiến công. Lội bì bõm trong vũng nước đặc hôi thối tới tận mắt cá, người ta lặng lẽ để tụi tôi dàn đội hình. Tôi không có thời gian để ý đến mùi cỏ cháy, mùi thịt người bị nướng, mùi mồ hôi quẫn bách trong tù túng, tôi bị đè nén dưới những ánh nhìn oán trách từ những người lính mình đi qua. Bộ quân phục của họ - nhàu nát, đen đủi - đối lập hoàn toàn với sự gọn gàng, tươm tất của chúng tôi. Khuôn mặt lem luốc hầu hết chẳng nhìn rõ, hay do tôi không thể nhớ, trí óc tôi không chắc được. Chỉ biết là mỗi khi mơ lại thời khắc ấy, tôi luôn ám ảnh bởi các cặp mắt đỏ ngầu tuyệt vọng, họ nhìn tôi đầy nhức nhối như tự hỏi: Tại sao lại chọn tôi?

Vị thiếu tá sau khi rít hết một điếu thuốc, vứt toẹt xuống vũng nước ẩm, lạnh lùng hô to:
- Toàn đội chú ý! Nghiêm! Vào vị trí xuất phát! Tiến lên!

Cả đoàn người lặng lẽ rời khỏi hào, trườn bò trên lớp cỏ.

- Tuyệt đối không được quay lại! - Ông ta hét lên.

Rồi lừ mắt nhìn chúng tôi, vị thiếu tá lại quát:
- Tiểu đội xạ thủ vào vị trí! Lên súng! Ngắm bắn!

Chúng tôi răm rắp làm theo.

- Bắn hạ tất cả những ai rời khỏi đội hình đội ngũ!

Tôi lặng người. Vài phút trôi qua trong sự im lặng chết chóc. Mồ hôi lạnh bắt đầu rỉ ra trên trán mà không ai dám quẹt đi...

Đột ngột, không có gì báo trước, một loạt súng máy vang lên. Tiếng người la hét lẫn vào tiếng đạn cứ rã đều đều. Tôi chưa từng nghe thấy tiếng đạn bắn nhiều đến thế, cứ như thể nó không biết mệt mỏi, như thể đám người lao lên phía trước kia chỉ là túi thịt để giã...

Rồi tiếng súng cũng phải ngưng.

Không gian yên lặng như tờ.

Chúng tôi đã tưởng thế là xong.

Bỗng một xác chết chạy ào về phía chúng tôi. Nó đẫm máu, đen ngòm, tơi tả, nó huơ đôi tay rối rít mà gào lên:
- Tôi xin hàng! Tôi xin hàng! Đừng bắn, đừng bắn! Cầu xin các anh! Xin các anh em hãy rủ lòng thương! Xin các anh...

ĐOÀNG!

Chúng tôi choàng tỉnh. Ai bắn? Anh bắn? Tôi bắn? Bên kia bắn? Hay bên này? Là ai? Là ai?

Xác chết đã không còn cựa quậy nữa.

Vị thiếu tá mặt đanh lại, dậm chân như nghiền nát một con vật vô hình:
- Thế là xong! Đi luôn một tiểu đoàn.

- GIẢI TÁN ĐỘI HÌNH!

Lũ chúng tôi ủ dột thu lại đội hình. Mỗi người cảm thấy như một kẻ tội đồ dù chẳng giết được ai mà cũng chẳng bắn lấy một phát súng.

Còn tôi, đôi tay cứ run mãi không ngừng được...

Giờ nghĩ lại, tôi không biết phải cảm ơn trải nghiệm ấy thế nào cho phải. Vì nhờ có nó, tôi đã trưởng thành nhanh chóng trong cái lò lửa khốc liệt ấy. Tôi đã có thể thản nhiên nhắm bắn, bóp cò cho dù đối tượng già hay trẻ, nam hay nữ, Omega hay Alpha mà không trật lấy một nhịp tim. Chúng tôi đã trở thành cỗ máy giết chóc đúng như người ta mong muốn. Chỉ một phát súng, một sinh mạng ra đi. Thật dễ dàng, miễn anh nhắm được đúng trán, kẻ đó còn không kịp nhận ra cái chết của mình. Sẽ không có ai quay lại tìm anh, sẽ không có cái nhìn ám ảnh cầu xin anh rủ lòng thương."

Anh ngừng lại, nhăn mặt bóp trán. Có lẽ đang cố sắp xếp lại những ký ức hỗn độn của mình, cố khơi lại một hình ảnh của quá khứ nay đã quá xa lạ. Rồi anh lại bắt đầu tiếp, giọng quả quyết hơn:

"Nhưng anh phải hiểu, chúng tôi không mất nhân tính. Không! Càng là như thế, tôi lại càng không thể để sự man rợ, thù hằn cuốn trôi mất mình. Tôi không nói kiểu đạo đức giả, mà chỉ đang nhắc đến phần nhân bản sâu thẳm nhất trong con người. Ai cũng có nó. Mà trong chính sự hỗn mang khủng khiếp của chiến tranh lại càng cần phải có nó, nếu không chúng tôi sẽ phát điên.

Có một hình ảnh cứ đọng mãi trong đầu tôi. Nó đẹp và siêu thực đến nỗi tôi không biết là mình nằm mơ hay là chuyện thật nữa. Nhưng cứ mỗi khi tôi tuyệt vọng nhất, nó lại hiện lên, trước cả gia đình, trước cả những điều tôi cho là trân quý nhất. Trong hồi tưởng của tôi, nó luôn là như thế này:

Tôi thấy mình đang men theo một lối mòn quanh co trong khu rừng rậm rạp, đủ kín để không khí dưới chân trở nên mát rượi, nhưng cũng đủ thưa để ánh nắng chiếu tỏa trên đầu. Tôi cứ đi mà chẳng biết mình làm gì, chẳng biết đi đâu, tay đang say sưa quấn điếu thuốc. Rồi đột ngột, không gian rộng lớn xuất hiện trước mắt tôi. Một thảo nguyên xanh ngút ngàn, tươi thắm đang độ xuân thì, như một nơi bí mật không ảnh hưởng bởi chiến tranh. Trên trời hơi xám đục, vài đám mây mỏng đang tụ lại, báo hiệu một cơn mưa nhẹ. Nhưng cũng không làm vơi bớt đi vẻ đẹp thanh bình nơi đây. Đã vậy, lại có cả vài bông hoa dại trăng trắng trổ bông, rung rinh một cách vô tư giữa lớp gió lồng lộng, thật thích mắt làm sao. Trong phút chốc, tôi đã tưởng mình được lạc vào xứ sở thần tiên.

Nhưng, chiến tranh không ngơi một giây nào để nhắc nhở cho tôi sự có mặt của nó. Ở phía xa, nơi bìa rừng mà tôi vừa bước ra, có xác một chiếc máy bay rơi. Chẳng lẽ tôi còn nhìn thiếu xác chết rồi hay sao? Vậy mà tôi vẫn vô thức tiến lại gần. Đây là kiểu máy bay trinh sát một người lái. Đầu máy bay cắm sâu xuống đất và buồng lái mở toang, hẳn là người lính đã mở ra trong giây phút hấp hối. Không biết chiếc máy bay này đã nằm đây bao lâu, nhưng nhìn tình trạng cái xác, có lẽ cũng mới. Thế mà các lớp rêu đã kịp mọc trên nền sắt thép xám lạnh, vài dây leo quấn lấy cánh quạt vỡ nát, và những cành cây như vô tình như hữu ý lòa xòa lên chiếc đuôi máy bay, cố xóa đi sự đau thương. Nhờ sự nỗ lực ấy, mà trông chiếc máy bay lại như một nét điểm xuyết đầy dụng ý giữa bức tranh thiên nhiên. Mẹ tự nhiên vốn thật bao dung, đống rác của chúng ta, bà ấy đón lấy, không một lời oán than, và đưa những đứa con ngạo mạn, dám tách rời gốc rễ, trở về với vòng tay yêu thương của mình.

Giữa sự âu yếm đấy, ngay cả người đã khuất cũng trông thanh thản làm sao. Tôi không biết trước khi chết anh chịu nhiều đau đớn đến mức nào, nhưng mọi thứ giờ đây đã không còn quan trọng nữa. Ngoại trừ vết sẫm loang lổ trước ngực, anh vẫn mang vẻ tươi trẻ như lúc sống. Mái tóc vàng óng gần như màu bạch kim, bay nhẹ nhàng lất phất. Vầng trán non nớt không có lấy một nếp nhăn. Đôi mắt mờ đục không sức sống, khép hờ như say ngủ. Dù vậy vẫn đủ để thấy rằng, khi máu vẫn còn chảy trong từng đường mạch, hẳn chúng đã từng ánh lên màu trời xanh thăm thẳm. Tôi chú ý thấy một bên túi áo của anh bị hở, lộ ra dây thánh giá như sắp tuột và một góc của tấm ảnh nào đó. Sự tò mò thôi thúc tôi không biết sợ mà lấy chúng ra. Đúng như tôi dự đoán, đó là bức ảnh chủ nhân của nó chụp với mẹ mình. Anh ở trong ảnh đẹp trai hơn, và dĩ nhiên, tràn đầy sức sống hơn bây giờ rất nhiều. Người phụ nữ thì phốp pháp, phúc hậu, đang vòng tay ôm ngang lưng con một cách tự hào. Cầu mong trái tim người mẹ đừng vỡ tan...

Tôi cẩn thận đút tất cả gọn gàng vào túi áo, đóng nắp, cài cúc đàng hoàng. Bản thân tôi chưa từng theo đạo, cũng chưa từng đi lễ nhà thờ, nhưng tôi đã thành thục làm dấu thánh cho anh, mồm lẩm bẩm thật khẽ khàng:
- Cầu Chúa phù hộ cho anh... Amen!

Ký ức vỡ vụn ở đấy, tôi không biết sau này mình làm sao để trở về đội ngũ. Tôi cũng không thể nào nhớ được vị trí nơi đó ở đâu để tìm lại. Vì nếu xét những nơi tôi đã đi qua, hầu như chẳng chỗ nào gần thảo nguyên xanh mướt như thế.

Quả là kỳ lạ!

Nhưng những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất, kỷ niệm vừa đau buồn vừa ấm áp đã thôi thúc tôi phải liên lạc với anh để kể lể về cuộc đời đáng chán của mình, đó là khi tôi gia nhập vào tiểu đội 395. Vì ra trận với chức danh hạ sĩ quan dự bị, tôi được phân công làm tiểu đội trưởng. Để một thằng nhóc còn non choẹt, kinh nghiệm chiến trường không có bao nhiêu làm đội trưởng còn chưa đáng sợ, đáng sợ nhất là tiểu đội ấy lại toàn nữ! Alpha có, Beta có, kể cả Omega cũng có luôn, nhưng rặt là phụ nữ độ tuổi trung bình từ 19 đến 25. Thế anh bảo tôi phải làm sao. Đứng trước những ánh mắt tinh nghịch, tò mò của họ, tôi toát hết cả mồ hôi mẹ mồ hôi con. Dĩ nhiên tôi may mắn có dáng người khá cao ráo nhưng dưới tầm mắt soi từ đầu đến chân ấy, tôi tưởng như mình co rúm lại chỉ còn một mẩu. Chẳng biết các sếp ở phía trên đã nghĩ gì khi sắp xếp tréo ngoe như vậy. Dễ chừng các ông ấy cho rằng Omega với nữ giới là đồng dạng thì phải? Nhưng cũng phải tính đến vấn đề sinh lí chứ. Ở quê nhà, tôi không thiếu các chị em thân thiết. Có điều nam là nam, nữ là nữ, chơi cùng là một chuyện, ở chung với nhau lại là chuyện khác. Các chị em cần biết bao nhiêu nhu cầu đặc biệt, những tâm tư thầm kín mà nam giới chúng ta không thể hiểu được. Ngay cả cùng là Alpha, anh hẳn cũng nhận ra nữ vẫn có sự khác biệt so với nam, nữa là thế này?

Đó, nên anh hiểu sự bối rối của tôi lúc ấy như thế nào. Tôi sợ nhất là mình sẽ bị họ dắt mũi, rồi chẳng còn ra ai trưởng ai dưới, rồi nhiệm vụ được giao lại không hoàn thành, vân vân...

Té ra toàn sợ hão cả. Các chị em lúc đùa cợt thì vô cùng táo tợn, nhưng lúc chiến đấu cũng nghiêm túc ra trò. Như thể chính sự nhạy cảm trời phú đã cho họ hiểu thấu những nguy hiểm trong gang tấc. Nhiều khi họ còn dứt khoát, quyết đoán hơn cả tôi. Và nhất là sức chịu đựng, sự dẻo dai của họ. Thật đáng nể. Ở đây tôi không nói sức mạnh cơ bắp, mà là sức mạnh tinh thần của chị em. Đàn ông chúng ta chỉ gồng lên vỏ ngoài chứ bên trong chẳng là gì nếu so với họ. Cái sức mạnh lớn nhất của phụ nữ, nó nằm ở sự mềm dẻo, lạc quan, ở việc có thể tự hồi phục bất kể hoàn cảnh như thế nào. Chúng ta thì hễ có việc gì, ta lại phải viện đến thuốc lá, rượu chè, tình dục để vực lại bản ngã mong manh của mình. Phụ nữ ư? Họ chẳng có thời gian cho ba chuyện tào lao ấy, họ còn lo cho bố mẹ, chồng con, bạn bè, việc nhà, việc nước... Mà tất cả, chỉ bằng ba chữ đơn giản, đó là "lòng yêu thương". Vì vậy nên, mỗi người phụ nữ, theo tôi, từ khi sinh ra đều đã mang trong mình mầm mống của sự vĩ đại rồi.

Chẳng mấy chốc, tập thể phụ nữ nhỏ bé ấy đã xem tôi như người trong nhà. Thậm chí tôi nghi mình bị họ coi như đứa em trai bé bỏng để họ cưng nựng, nuôi dưỡng. Mỗi khi đến nơi nghỉ ngơi, đóng quân, họ dành cho tôi chỗ tốt nhất, còn mình tạo thành vòng tròn bảo vệ bên ngoài; khi cần thay rửa, họ cũng nhường tôi đầu tiên. Tính tôi hơi tham ăn, nhưng lại bị dị ứng một số loại rau củ. Thế là ngay lập tức, tôi thấy chúng nhanh chóng biến khỏi khẩu phần của mình và được thay thế bằng những miếng lương khô, mẩu bánh mì với các lí do rất hợp lí kiểu "Cái đấy chị không thích, ăn hộ chị", hay "Nó trông ngon quá, em ăn mất rồi. Thông cảm cho em nhá!"... Ngay cả các công việc như phân phối nhu yếu phẩm, tình hình nhân sự... không biết bàn bạc thế nào, họ đã ngầm phân công nhau làm hết, tôi chỉ việc báo cáo và truyền đạt mệnh lệnh mà thôi. Xét ra tôi mang tiếng đội trưởng mà nhàn vô cùng, có cái danh là chính. Trước mắt người ngoài thì hô gọi nghiêm chỉnh, còn chỉ riêng cánh chị em với nhau, chúng tôi chẳng còn phân biệt trên dưới nữa.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi bị coi thường. Một việc rắc rối nhỏ xảy ra đã chứng minh cho điều đó. Lần ấy tiểu đội chúng tôi được điều tập kết ở một địa điểm, hợp cùng các cánh quân khác để cùng tiến công. Khi chúng tôi đi gần đến nơi thì bắt gặp toán quân của trung đoàn khác cũng đang đi tới. Mọi chuyện đang rất bình thường. Đột nhiên một anh lính trẻ hét toáng lên: "Ê chúng mày ơi! Bếp lò kìa!" Đám lính đằng sau phá lên cười. Tôi cũng ngơ ngẩn nhìn xung quanh, thắc mắc ở đâu ra cái bếp lò giữa nơi đồng không mông quạnh này. Nhưng không thấy gì, còn lính tráng thường hay tếu táo nên cũng bỏ qua, chẳng để ý nữa. Đến khi nghỉ chân, một chị Alpha trong đội tự nhiên đứng lên xin ra ngoài. Tôi nghĩ chị đi giải quyết vấn đề riêng nên đồng ý. Lạ là chị không rủ thêm ai cả theo như thói thường của phụ nữ. Thay vào đó chị phăm phăm đi sang đoàn quân bên cạnh, nhắm đúng anh chàng to mồm vừa nãy mà nói rành rọt:
- Đề nghị cậu rút ngay câu nói vừa rồi lại và xin lỗi đàng hoàng với thủ trưởng của tôi!

Anh chàng kia vẫn có vẻ ngông nghênh, hất hàm ra vẻ thách thức:
- Thì sao? Bộ đây cấm nói đùa à? Động đến của quý nhà các cô sao?
Rồi lại quay sang cười ha hả với chúng bạn.

- Tôi nhắc lần nữa, rút lại lời nói của anh ngay, không thì...

- Thì cái gì? Người của bọn cô, mình chơi thì được còn người ta nói vào lại nhột à? Của ngon thì phải chia...

BỐP!

Cú đấm siêu quần của chị khiến tất cả đều đứng bật dậy, nháo nhác cả lên.

Không khí bắt đầu căng thẳng.

Bà chị Alpha bên chúng tôi không phải dạng vừa. Chị ấy to lớn và sức vóc chẳng kém gì đàn ông. Cú đó chị còn chưa vận hết sức, nhưng cũng đủ để gã kia choáng váng.

Hắn lồng lên:
- Mày đừng tưởng phụ nữ là tao không dám làm gì! Con mụ cục súc kia!

- Ngon thì mày làm đi! Vì nãy giờ tao chỉ thấy cái mồm thối tha của mày tem tép tem tép như cái nhân cách chó gặm của mày mà thôi!

Rất may là không có thương vong gì xảy ra. Vì hai bên vẫn cố kìm lại. Tuy vậy, đám chị em cũng không chịu lép vế, hùa ra ăn theo bảo vệ bạn. Thế là thành ra một bên nam một bên nữ đấu võ mồm với nhau. Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, chênh vênh giữa hai bên nói không ai nghe. Mãi đến khi ban chỉ huy ra mặt thì mọi chuyện mới êm. Hai kẻ đầu têu bị kỷ luật, khiển trách nặng nề, bản thân tôi bị phê bình vì không quản lý được cấp dưới. Cả đoàn quân cũng bị liên lụy theo, bị bắt hành quân ngay không được nghỉ.

Nhưng đến khi lên đường thì chị Alpha ấy cứ rưng rức khóc. Chả hiểu lúc oang oang cãi lý trước mặt thủ trưởng thì không sao, bị kỷ luật mặt cũng chỉ đanh lại mà giờ lại khóc tu tu. Tôi cũng thương tình chẳng khiển trách nữa, bảo chị:
- Thôi, chuyện xảy ra cũng xảy ra rồi. Không ai trách chị đâu.

- Không, không phải thế. - Chị đưa cánh tay gạt nước mắt một cách vụng về, giọng nghèn nghẹn, - Bị mắng, bị phạt cũng được, tôi không sợ... Nhưng chúng nó dám xúc phạm đội trưởng. Tôi ức không chịu được...

À, ra là thế. Sau này, chị mới thổ lộ với tôi rằng ở địa phương, có những nơi người ta dùng tiếng lóng "cái bếp lò đút củi" để chỉ... Ừm... những người làm nghề bán thân. Còn trong quân ngũ, nó hàm ý cụ thể hơn, là để dành cho các Omega đi thỏa mãn xác thịt cho người khác. Mà kiểu "thiếu thốn" của lính tráng thì anh biết đấy, thực tế là có những Omega làm như vậy thực. Bản thân tôi thì nghĩ chúng ta không có quyền phán xét họ. Ta đứng trên lập trường của những người hòa bình, ta lúc nào chả dư thời gian, nhưng còn họ, họ thì khác. Sinh mạng ở chiến trường ngắn ngủi lắm, có khi người ta làm thế không hẳn vì dục vọng, người ta chỉ muốn được cảm giác mình vẫn đang sống, đang tồn tại mà thôi...

Dẫu sao thì tôi hoàn toàn tha thứ cho anh chàng kia. Chắc hẳn anh ta chỉ đang ghen tị nổ đom đóm mắt với tôi. Khi được vây quanh bởi toàn các chị em đáng yêu như thế.

Mà những cô gái ấy trong bao nhiêu khổ cực, đớn đau, lòng họ vẫn vẹn nguyên một trái tim thiếu nữ đầy trong trắng. Họ yêu cái đẹp, yêu đến xót xa. Vì anh bảo, ở mặt trận thì lấy đâu ra thời gian, vật chất để mà chăm chút, để mà làm đẹp. Không những thế, lại còn đi làm lính bắn tỉa? Chọn một nhiệm vụ mà cả ngày chỉ lo cắm lông lá, trét bùn đất sao cho hòa làm một với phong cảnh thì đòi xinh đẹp với ai? Có những lúc chúng tôi đi phục kích thì ba bốn ngày không tắm rửa là chuyện thường. Cả đám như lũ mọi quỷ, chỉ hở ra những con mắt sáng lấp lóa. Rồi đến ngày kinh nguyệt, xin anh thứ lỗi cho, đến khổ với các chị em. Nhu yếu phẩm không đủ, họ phải tự chế đồ thay cho sạch sẽ. Còn nếu đồ thay không còn thì chỉ có nước cứ để như thế mà đi. Cũng may là quân phục sẫm màu nên còn che giấu được nhưng cũng có chị em ra khủng khiếp, đến nỗi người sau phải kín đáo lấy dấu chân mà xóa đi. Thật buồn là những chị em ấy, họ đã hi sinh rất nhiều, vậy mà phải xấu hổ vì điều mà tạo hóa đã mặc định cho mình.

Nhưng bất chấp tất cả, mong muốn được tươm tất, được xinh đẹp vẫn luôn chảy rần rần trong huyết quản của họ. Tôi đã từng nghe rất nhiều câu chuyện thương tâm các chị em truyền tai nhau trong các giờ nghỉ. Chẳng rõ sự thật được bao nhiêu, nhưng phụ nữ mà, cũng dám lắm. Về việc một cô gái luôn tự hào về đôi chân trắng trẻo, thon thả, mong sau này sẽ theo đoàn múa, rồi bị trúng mìn nát cả đôi bàn chân, cô ấy đã đau đớn vật vã mà chết. Trong những giờ phút cuối cùng chỉ khóc và nhắc đi nhắc lại mãi: "Ôi đôi chân tội nghiệp của tôi! Đôi chân khốn khổ tội nghiệp của tôi!". Rồi một trung đoàn bị mất đi mấy chiến sĩ chỉ vì các cô hành quân lâu ngày quá, đến khi thấy được một con sông thì họ ùa ra, không ai cản được. Họ lao xuống dòng sông không phải để uống cho thỏa cơn khát mà chỉ muốn được sạch sẽ, được gột rửa bản thân khỏi biết bao cáu bẩn khó nói. Với đàn ông thì không quan trọng, nhưng với phụ nữ thì đấy là cả vấn đề sống còn. Chỉ là cuối cùng, ước mơ giản đơn ấy biến họ trở thành mục tiêu sống để địch oanh tạc. Những dòng máu trinh trắng nhuộm đỏ con nước sông vô tình...

Nói đến màu đỏ, ngay trong tiểu đội của tôi cũng vậy. Mizuko, một cái tên mới đẹp làm sao, mà con người cô ấy cũng đẹp như tên vậy. Cô mới hai mươi tuổi lúc hy sinh. Chỉ vì một chiếc khăn màu đỏ. Đó là món quà duyên dáng duy nhất cô dám cầm đi. Mizuko yêu nó lắm, tự hào về nó lắm, cô không chịu cởi chiếc khăn ra kể cả khi đã ngụy trang. Để rồi cô cũng chết vì nó. Kẻ địch đã phát hiện ra Mizuki đáng thương của chúng tôi.

Vậy nên cho đến bây giờ tôi vẫn ghét màu đỏ. Tôi không thể nhìn được thứ màu chói chang đó nữa. Quả là nực cười đúng không? Khi ngay chính họ của tôi cũng gợi nhắc đến màu đỏ ấy. Một màu đỏ ma mị, quyến rũ, khiến ai cũng khao khát, ai cũng muốn nắm giữ nhưng rồi lại đổ máu vì nó. Trong mắt tôi, màu đỏ chỉ còn gợi đến những dòng máu thẫm đặc bị rút ra khỏi cơ thể đồng đội, ngay trước mắt tôi mà tôi chẳng làm gì được.

Phải, tôi thực sự là một chỉ huy vô dụng, tôi không thể bảo vệ nổi đến cả người sát cánh duy nhất của mình.

Với lính bắn tỉa, chúng tôi thường hoạt động theo cặp, một người làm nhiệm vụ quan sát, thám thính và một người bắn. Thông thường vai trò này sẽ đổi cho nhau, để tránh bị mỏi mắt. Trong khoảng thời gian chỉ huy tiểu đội, tôi đã bắt cặp với Nakano, một chị Omega lớn tuổi và dày dạn kinh nghiệm. Chị quê ở vùng Aichi, có chất giọng ồm ồm cùng sự dẻo dai rất đáng nể. Theo lời chị kể thì ở nhà, chị là con cả trong gia đình sáu người con. Bố mẹ làm thuần nông, từ sớm chị đã phải quán xuyến mọi việc. Nên chị ấy tháo vát vô cùng. Ở bất cứ đâu, ở bất cứ chỗ nào, Nakano cũng có thể lo cho chúng tôi một chỗ ở tươm tất. Cho chị năm phút là chị có thể xoay được vài món ăn ngon ngon từ những thứ vô thưởng vô phạt trong tay. Nakano như gà mẹ chăm lũ con nheo nhóc là chúng tôi. Cái gì chị cũng giỏi, cái gì chị cũng tốt, duy chỉ có một điều, là chị ấy hơi... xấu. Nakano trông không khác gì một đàn ông, mà lại là một người đàn ông không được đẹp trai. Cho nên gần hai mươi chín tuổi rồi chị vẫn chưa lập gia đình. Chị bảo chị đi lính vì "ở nhà chắc chẳng ai thèm lấy tao ngoài mấy lão góa vợ", và vì "tao có hy sinh thì các em tao mới lấy được chồng". Chẳng là làng chị vẫn có tục lệ chị em phải lấy chồng lần lượt, không được nhảy cóc. Nghĩ mà thương cho chị. Nhưng Nakano vô tư lắm, chị ấy chẳng ngại đem sự khiếm khuyết của mình ra làm trò đùa. Thỉnh thoảng chúng tôi phải phân nhau ra trinh sát. Thân là nam giới dĩ nhiên tôi phải xông pha đi đầu. Có điều toàn bị chị tranh mất, với lý do chị thông thạo hơn, đóng giả đỡ bị lộ hơn. Biết ý tôi lo ngại chuyện bị bắt, chị gạt phắt đi, nói thẳng thừng: "Tao mong chúng nó đụ tao còn chẳng được, thách chúng nó dám đấy!", rồi tự cười hề hề với câu đùa chẳng vui chút nào.

Nakano không sống được qua mùa hè ấy. Một lần phục kích, tôi bị lộ, chị đã nằm đè lên tôi để đỡ đạn. Máu chảy ròng ròng ở ngực và một bên đùi. "Cầu trời cho đạn đừng vào phổi... Cầu cho chị ấy đừng mất máu", tôi chỉ nghĩ được có thế trong lúc hì hục cõng chị chạy ngược về hậu phương. Hình như tôi đã mải miết chạy lâu lắm, chạy không ngừng nghỉ...

Đến lúc đặt được chị trước mặt viên quân y, anh ta thành thục xem xét người chị, lật qua lật lại, rồi phẩy tay:
- Chết. Người tiếp theo!

Sao có thể như thế được? Tôi những muốn gào lên vào mặt hắn ta như vậy, nhưng bật ra chỉ là tiếng lắp bắp:
- Không... không phải đâu, đồng chí quân y. Rõ ràng vừa nãy chị ấy còn thở mà, tôi còn cảm nhận rõ ràng nhịp tim đập trên lưng...

Gã quân y lườm tôi với ánh mắt bất lực, lật sấp cái xác để chỉ cho tôi thấy:
- Đây, nhìn cho kĩ đi! Đạn xuyên ngay gáy, chết trắng mắt ra chứ thở với thiếc cái gì? Nào thì có lui ra cho người ta làm việc không?

Rồi viên quân y xua tôi ra như xua một con ruồi dở hơi quấy rầy thời gian quý báu của hắn.

Tôi thẫn thờ bước ra khỏi lán, còn không buồn để ý xem cái xác sẽ được đem đi đâu. Thế hóa ra suốt chặng đường chạy miệt mài ấy, tôi đã nói chuyện với một xác chết ư? Không thể nào, rõ ràng tôi cảm nhận được lồng ngực phập phồng của chị, thấy hơi thở nóng hổi phả vào bên gáy tôi. Không lẽ tất cả chỉ là sự tưởng tượng?

Anh có tin được không, ngay bây giờ khi kể với anh câu chuyện này, tôi vẫn có thể cảm thấy hơi nóng bỏng rát sau gáy, từng sợi lông tơ vẫn như tiếp nhận được khuôn miệng khô ráp của chị ấy áp vào tuyến thể của tôi. Anh thử nghĩ mà xem, một sự tưởng tượng có thể chân thực đến mức vậy sao?

Tôi không tin và cũng không muốn tin điều đó.

Sau cái chết của Nakano, tôi bắt cặp cùng đồng đội khác, nhưng không thể ăn ý như trước được nữa. Mà hình như tôi thấy mình cũng liều lĩnh hơn. Nhưng cái chết vẫn từ chối tôi, viên đạn lướt qua tôi như bông đùa, thần chết phả tiếng cười vào mặt mà không chịu nhấc tôi đi. Có lẽ trong chiến tranh, cái chết chỉ được dành cho những con người vĩ đại. Tôi nghĩ như vậy đấy. Vì tôi từng thấy rất nhiều thằng khốn không chịu chết...

Nhưng thôi, quay trở lại vấn đề. Sau bao nhiêu nỗ lực, cuối cùng tôi lại bị thương trong một trận lãng nhách chẳng đáng nhắc tới. Mà thậm chí còn chẳng phải trong chiến đấu. Chúng tôi đang tạm nghỉ ở sau công sự và một quả pháo tình cờ đi lạc... Tôi nghe nói lần đó thương vong rất nhiều người, còn tôi chẳng hiểu sao lại bị hất văng đi.

Tôi hôn mê mấy tháng trời.

Đến khi tỉnh lại, điều đầu tiên tôi thấy là một gương mặt xồm xoàm, râu ria nham nhở:
- Ồ, cậu bé của chúng ta đã tỉnh rồi hở? - Biết vậy mà ông ta vẫn tát cho tôi thêm vài phát nữa, - Tỉnh đúng lúc đấy cậu em. Giá mà nhiều người được may mắn như cậu. Hòa bình rồi, hết chiến tranh rồi. Chúng ta đã thắng. Hiệp ước đã được kí kết. Không đánh nhau nữa đâu... Hở? Cậu nói gì?

- Cho... tôi... xin điếu thuốc...

- Hở? Thuốc ư? Không được, cậu mới ốm dậy mà. Đừng xắng xở quá thế! Nước thì được, để tôi đi lấy nước. Hút thuốc nhiều không tốt lắm đâu...

Người đàn ông kì lạ không rõ là y tá hay bác sĩ ấy vẫn tiếp tục lẩm bẩm trong khi mồm còn phì phèo điếu thuốc cháy dở. Ông ta lật đật chạy đi để mặc tôi nằm đấy với cái miệng nghẹn đắng, và một cơ thể như đang ở nơi nào đó xa lắc xa lơ ngoài tầm với.

Lúc ấy đầu tôi chỉ có ý nghĩ...

Thế là kết thúc.

Kết thúc tất cả mọi thứ rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top