có một dòng sông đã qua đời;
Tôi chưa bao giờ là một ngòi bút tài năng. Tôi viết, vì khao khát được thì thầm với thế nhân về dấu chấm câu lơ lửng.
Từ em Vỹ
gửi đến An Vân,
1.
Lần đầu tôi gặp An Vân, anh đang nhìn dòng sông. Trời đổ mưa to. Trong áng mịt mù là quầng mưa tầm tã, mặt sông khoác lên tầng xám xịt nhạt nhẽo, tựa một bức họa cổ bị che khuất bởi lớp bụi thời gian. Tôi ngắm An Vân đến khi cơn mưa dứt. Tôi nhớ Vân, và giọt mưa loáng thoáng, và sông chảy màu tro, đến tận khi tuổi xuân chỉ còn lưu vị dĩ vãng.
2.
Chuyện xảy ra vào một chiều thu dìu dịu. Dàn nhạc vừa kết thúc buổi diễn tấu cho nhà trẻ nằm bên rìa ngoại ô. Ngày rời đi, vội vã, chạy trốn màn đêm ngập sương và lạnh giá rượt sát ở đằng sau. Dưới tia nắng cuối cùng xiên buổi tà chiều, mưa đột ngột rơi. Chẳng bao giờ cầm ô – hay một tấm áo mưa, tôi bèn lật đật đậu xe bên quán cà phê ven đường. Có lẽ đây sẽ là chốn yên bình qua trận dông ì ạch lê.
Quán cà phê nhỏ tí xíu tới nỗi hầu hết người đời đều vồn vã lướt ngang mà không buồn để ý. Kẹp giữa mặt đường xa lộ ầm ĩ cùng đoạn sông chảy khúc khuỷu, quanh co, quán dường như chẳng mang gì đặc sắc. Ba cửa sổ. Bàn gỗ nặng và cũ kỹ. Điểm nổi bật duy nhất – đập vào mắt – là bình hoa vân anh nở rực rỡ, màu đỏ lịm thắp sáng khoảng không gian. Một cặp đã lớn tuổi thân thiện mở lời chào. Người phụ nữ - người mai này tôi sẽ gọi bằng hai tiếng quen thuộc, bà ơi – đang bận bịu lau chùi mấy bình rượu vang phủ bụi, nét dịu hiền hiện trong vẻ già nua. Ngồi ở góc quán, chồng bà rủ rỉ đôi lời với một thanh niên trẻ, chừng đâu tầm tuổi tôi.
Không khó để đoán rằng hai vợ chồng già là chủ quán nhỏ, còn anh thanh niên là người cháu sang chơi. Anh làm việc ở thành phố - như tôi, dăm ba bữa chiều ghé qua chỗ nhỏ bé này để hỏi thăm tình hình của họ, để lắng nghe u hoài từ năm xửa của ông, để giúp chút chuyện linh tinh hay nặng nhọc hộ bà. Khi rỗi việc, anh dựa bên khung cửa sổ, tay cầm cuốn sách hay. Khi lệ trời tuôn lâm thâm, anh sẽ bỏ sách xuống, ghi nhớ hình bóng mờ hoặc dọc khúc sông với tất thảy bình yên nơi đôi mắt buồn rầu.
"Con biết chơi vĩ cầm à?"
Cụ ông đặt tách cà phê nóng hổi lên bàn. Tôi ngoảnh xung quanh, chợt nhận ra cụ bà và người cháu trai đã rời đi thực lặng lẽ. Hẳn họ đang ở tầng trên, tôi nghĩ.
"Vâng. Con chơi cho dàn nhạc của thành phố."
"Việc cũng khó khăn, con nhỉ."
"Dạ, luẩn quẩn trong cơm áo gạo tiền mà ông."
"Theo đuổi nghệ thuật vốn đã như đi đèo vượt núi, hiểm hóc lấn gian truân.", Cụ gật gù, "Nhặt mươi đồng lẻ tẻ trên lưng đèo thẳng đứng chẳng thể dễ chịu hơn."
Tôi cứ thoải mái ngồi đây đến khi mưa vơi bớt, cụ nói, còn cụ sẽ lên tầng cùng bà và đứa nhóc An Vân. Tức thì, đèn nhập nhoạng – thứ đèn nhờ nhờ, ngọt rữa màu vàng mật đốt cháy rụi mảnh tối tăm nơi ngóc ngách, biến mưa dằng dặc buồn thành một thế giới xa xôi. Từ máy hát, bản nhạc tình chậm và trầm bổng lấp không trung, nhẹ nhàng tan trong âm thanh du dương của bầu trời.
Tên anh, An Vân.
Lẳng lặng, tôi đưa mắt dõi hàng mưa bay. Buổi ban ngày bất hạnh đã bị bóng đêm nuốt chửng, không còn một tia. Ánh nhìn tôi chuyển hướng về phía hộp vĩ cầm, cái hộp theo sát bước chân tôi qua thăng trầm đại học. Sau vô số lần chuyển việc rồi thôi việc, cuối cùng tôi cũng nếm từ "ổn định" – chơi cho dàn nhạc danh giá bậc nhất quốc gia với vị trí nhạc công violin I. Phải chăng đây là cuộc đời tôi mong muốn? Trình diễn buồn vui của người khác, lục lọi và níu kéo nhịp hẫng nơi con tim kẻ lạ lẫm giữa hai tay? Giấc mơ thời đại học về một mai làm nhạc sĩ, về mỗi nốt nhạc đong đầy rung động gắn tên tôi, sẽ ngủ giấc ngàn thu chốn thẳm sâu tâm hồn. Một hôm mưa sa, mưa đẫm tuổi hai lăm, tôi bỗng thấy tủi thân thay mùa xuân thì mờ nhạt. Giá như thanh xuân tôi dệt nên câu chuyện, không phải mảnh vụn từ đời kẻ nằm dưới nấm mồ, càng không phải nhạc phẩm thần đồng nọ viết "chơi chơi". Dẫu chuyện ấy có hạnh phúc, có buồn thương, có ngờ nghệch lẫn ngu si, có nhận sự ngợi ca từ không-ai.
Và, sẽ may mắn biết bao, nếu như Vân là lời ca đơm ô nhịp.
3.
Lần thứ ba tôi đến, quán chỉ có An Vân. Ông bà đang ở nhà người bạn thân, anh bảo. Trong khi đợi anh pha tách cà phê, tôi chìm đắm nơi màn xám xanh nhoe nhoét vẩn mặt sông, trái tim không kiềm nổi mà nhảy nhanh đôi nhịp. Không gì chặn giữa chúng tôi, hai cái bóng đan lồng trong sự chật chội bít không gian, trong thời gian thấm tình ca với ánh tà dương êm đềm.
Lúc Vân đưa đồ uống, phần cổ tay trắng ớn ẩn sau lớp áo hằn lên tròng mắt tôi. Sao anh gầy, gầy quá, gầy như nhánh hoa dại đã chớm héo hon, phai tàn.
Quán hầu như không thu được lượng ánh sáng vây quanh. Vài hột nắng nhòe cam xuyên qua khuôn cửa, xóa nhòa đường nét tách chân tường với sàn lát bằng gỗ mun. Tôi hỏi về quyển sách lạ trên quầy thu ngân – thứ độc nhất con ngươi còn nhìn rõ, mở đầu cuộc hội thoại yên ả về những nhà văn đương đại yêu thích của giới trẻ hiện nay. Không chỉ là một độc giả thành tâm, anh còn là dịch giả. Anh học tiếng Đức như một niềm vui từ tháng năm trung học. Sau khi tốt nghiệp, anh chủ yếu làm cộng sự với mấy nhà xuất bản nhỏ lẻ chốn phồn hoa.
"Tôi muốn dịch tác phẩm của Hermann – Hermann Hesse – ngày bình thường nào đó. Cậu đã từng nghe đến Hermann chăng?"
Ngượng nghịu, tôi lắc đầu. Vân bật cười, đừng lo, Hermann không phải là tượng đài làng bút gì đó đâu. Không ít nhà phê bình văn học công khai chỉ trích lối viết lãng-mạn-hóa-mọi-thứ của ông, hay của Kawabata, hay Paustovsky. Song, dù qua thể loại nào, thông điệp đan xen ngôn từ của họ đều quá đỗi tinh tế và mỏng manh, vỡ vụn dễ dàng dưới bàn tay vô tri của một dịch giả thô vụng trong nghiệp dịch nghĩa.
"Cậu muốn thử đọc không? Cuốn sách này phù hợp cho người mới tập."
Anh đưa tôi quyển sách từ sau quầy thu ngân. Iris, Hoa Diên Vĩ, nhan đề mạ bạc lấp loáng dưới ngập ngưỡng hoàng hôn. Chưa kịp nói thêm, anh phải tiếp khách – một người phụ nữ tuổi tứ tuần đặt chân. Một nữ tài xế lái xe công, tôi ngẫm, dựa vào chiếc xe tải cồng kềnh choán sạch tầm mắt; kẻ, giống y tôi đêm mưa rú, chỉ coi tình ấm cúng như một chỗ để nghỉ ngơi.
Quán cà phê không bao giờ là điểm tới trong mắt bất cứ ai. Ý nghĩ vụt thoáng qua khiến lòng tôi chùng xuống, còn tấm hồn thì nức nở cùng sóng dồn đằng xa.
4.
Tôi ghé quán lần thứ tư, thứ năm, rồi lần thứ bao-nhiêu-không-rõ-nữa. Tự khi nào, anh thôi việc nơi thành thị, dành phần lớn thời gian loanh quanh bốn bức tường để đỡ đần bà, ông. Chúng tôi nói nhiều về công việc, người thân, cộng năm nghìn lẻ một chuyện vặt vãnh lung tung của cuộc sống. Như căn hộ hẹp y chui lỗ mũi – nhà tôi, luôn bừa tứ tung và cần lắm đôi tay chở che, săn sóc. Công việc ở dàn nhạc nhàm chán của tôi. Nhạc sĩ nhạc cổ điển mà tôi yêu mến. Debussy, khúc tình quá đỗi thân thương, làm đắm say lòng người qua những Clair de Lune, những Reverie, La Mer, những Images pour orchestre lắng trong hồn thổn thức. Diệu kỳ xiết bao, cái cách ông tỏ bày thác cảm xúc thân mật, rất đậm chất cá nhân qua giai điệu tự viết.
"Nhỡ đâu em là một nhạc sĩ bẩm sinh – do chưa từng bước khỏi vùng đất quen, nên em chưa biết?", Chờ tôi kết thúc bài diễn thuyết hùng hồn về nhạc phẩm tương lai còn đương thì manh nha, Vân khúc khích, "Sao em không thử sáng tác ngay lập tức - hôm nay?"
Tôi lắng nghe An Vân. Khoảnh khắc màn đen rủ bóng, thay vì nằm lướt mạng xã hội xuyên đêm trắng, tôi mở nắp cây dương cầm, nhấn bừa vài hợp âm vẩn vương nơi tâm trí. Tôi cố gắng kết nối chúng trong một chủ đề chung, tuy sau cùng, Vân là chủ đề râm ran tim tôi mãi. Nên viết gì cho anh, và về anh? Anh là đóa hoa vân anh tỏa hương lan chốn vắng, hay linh hồn tĩnh mịch của dòng nước chầm chậm trôi? Hóa ra, tôi chẳng biết chi. Hóa ra, tất thảy tôi tưởng về anh đều chẳng hơn ngàn ảo ảnh, vụt biến ngay trong không khí giờ phút gợi từ "Vân".
Vòng vo, tôi hỏi, "Anh có thể nói cho em, ừm, nhiều hơn về anh không?"
Vân cau mày. Môi anh nở thành rừng sáo ngân nga, "Em mưu đồ gì vậy? 'Viết một đoạn văn tả người bạn em yêu quý' à?"
"K-không phải! Ý em là... ước mơ, quan điểm sống, niềm hi vọng về tương lai của anh chẳng hạn?"
Ánh mắt vô định chờn vờn nương khung cửa, Vân chợt tĩnh lặng, trầm tư. Ngày qua ngày, mùa đông sớm chạm ngõ bạt ngàn đất ngoại ô, nhấn chìm mây gió an yên trong sầu bi thừa lạnh lẽo. Từ vị trí của bọn tôi, đến cả khúc sông cũng hóa sợi dây chỉ mảnh mai, loang màu vào bức tranh phong cảnh buồn chán.
"Em có từng mơ về bờ bên kia của dòng sông?"
5.
Phút gót chân thần Mặt trời hạ xuống tấm thảm lông êm ái của bình minh, tôi dẫn Vân đi. Ông luôn miệng dặn anh phải biết đường giữ ấm, phải ngừng trước sấm thét và rừng rên. Bà một tay quàng vào cổ anh chiếc khăn len, tay còn lại nhét chật túi anh mớ thuốc thang cần thiết.
Đột nhiên, Vân vượt trước tôi vài bước. Dấu chân anh vương mùi lá trà thanh thanh, nhàn nhạt chết non giữa mù sương khảm vòm trời. Chúng tôi đi dọc bờ sông rồi băng qua cây cầu. Bờ bên kia dường như xanh um, trù phú hơn. Hai bóng lưng quyến luyến nhau xuyên hoang hoải ruộng lúa, vườn táo mọng quả thơm, xuyên khoảnh đất trồng hành tươi của bác nông dân nọ. Những mái nhà lác đác hẵng ngủ say. Tôi mường tượng cảnh gia đình hạnh phúc: chen chúc trên ga đệm mềm mại, họ sống sót mùa đông lạnh qua mỗi cái ôm, sự thỏa mãn và tình yêu đánh tan cay độc giá rét. Tụt lại đằng sau, tôi không thể nhòm trộm biểu cảm của Vân. Có chăng, anh cũng san sẻ cùng ý nghĩ như tôi, ngơ ngẩn thêu một áng thơ tươi đẹp.
Tới hàng liễu rủ, anh tỏ ý dừng chân. Vân và tôi ngả dưới một gốc cổ thụ, hướng về sông. Làn nước chảy lặng câm và nhàng nhàng – như nó vẫn luôn. Hơn chục chiếc lá kéo nhau trôi, nom chẳng khác nào đoàn thủy quân nhỏ tí hon của toán sinh linh không thực.
"Đám lá: chúng rồi sẽ đi đâu?", Anh thì thầm.
"Biển.", Tôi thì thầm lại, "Xa, xa, qua muôn dặm đường xa. Nếu em nhớ không nhầm thì là năm tiếng lái ô tô - liên tục."
"Năm tiếng ô tô. Đi chân không, vô tận..."
Sau trảng sương dần tan, Vân gầy yếu và lẻ loi khôn cùng. Bỗng dưng, tôi tưởng chừng anh sắp vỡ vụn thành trăm nghìn mảnh nhỏ, bay dập dờn bên con gió quấn mây. Tôi bấu chặt cổ tay anh, vô vọng bịt miệng luồng suy nghĩ như lốc xoáy quật ngã lý trí tôi, mà tâm bão là cái kết xé đôi – chưa trọn. Vân nhìn chằm chằm tay tôi tầm một phút, song chọn làm thinh. Thay cho câu từ, anh tựa đầu lên đôi vai run rẩy của tôi, mắt mỏi cố lang thang giữa cô đơn vô hình. Chúng tôi bình thản nghe tiếng xì xào của lá, róc rách của dòng sông, nghe tới khi không một rung rinh nào của tự nhiên vật vờ bên tai nữa. Chỉ còn tiếng thở rất đều của nhau. Chỉ còn anh, tôi: thế giới này. Vân nói rằng, anh buồn quá. Tôi bảo, ước gì em có thể đáp lời, em cũng buồn y Vân.
Về đến cửa nhà, anh dúi vào tay tôi một đóa vân anh.
"Anh trộm từ bình của ông đấy.", Vân cười toe toét, ngại ngùng, "Bông cuối cùng, nhưng anh nói dối rằng cây đã chết."
Tôi cẩn thận nhấc đóa hoa trong tay, "Em nên làm gì với nó đây?"
"Gì cũng được. Sấy, ép khô, giấu giữa hai trang sách. Vứt phăng vào thùng rác. Anh không quan trọng việc ấy. Anh chỉ cần tặng nó cho em."
6.
Có những đêm tôi dùng dằng ở quá lâu, và bà cương quyết đòi tôi phải ngủ lại. Căn phòng ngủ dành riêng cho khách trở thành chỗ thân quen. Mặc bao nhiêu bận bà nhắc chuyện đóng cửa sổ trước khi chìm vào mộng mơ, tôi vẫn mở tung hai cánh cửa ra, đón gió lùa. Lắm lúc, khoan thủng tầng bảo bọc im ắng của nửa đêm, tiếng còi ré chói tai từ dòng xe dẫm nát tươm giấc ngủ nông choẹt; và khi mắt mở thao láo gặp khoảng không, tôi sẽ choàng dậy, hí hoáy viết thêm cho ô nhạc dang dở. Tôi sẽ nghĩ đến An Vân dựa bên kia bức tường; người, có chăng, không sao ngủ. Mỗi lần sao buông rơi là một lần sắc môi anh tàn phai đi đôi chút.
Bệnh của Vân trở nặng vào một đêm tôi không kề cận anh. Ngay cả bác sĩ tài giỏi nhất cũng thở dài trước An Vân – chừng như phận đã định. Liệt giường, anh rã rượi toàn thân, bất lực và sũng sượi trong mồ hôi tuôn như mưa hòa sông dài lệ rỏ. Cơ thể anh rừng rực hơn lửa cháy; còn chân tay lạnh ngắt chuyển tím đen. Nơi lồng ngực, trái tim anh đập rộn vang, hệt đánh trống báo hiệu cho cuộc tử chiến thảm thương giữa thịt xương và linh hồn.
Chiều hôm sau, khi tôi vội vàng tới, anh đã đỡ hơn. Thuyết phục ông bà ngơi nghỉ sau mộ đêm thức trắng để theo dõi anh xong, tôi chạy xuống lầu. Anh ngồi đó, bóng hình gầy gò như đồng điệu với màu nắng cuối ngày – nhẹ tênh. Tai anh tái bệch, cắt không còn giọt máu, mái đầu bù xù nổi một cục từ chồng áo khoác, khăn len. Trong thanh bình tuyệt đối, anh lại ngắm sông nghiêng, bóng mòn mọc rêu tựa như pho tượng cổ. Tôi chẳng thấu được anh rọi thấy chi từ làn nước. Tôi chỉ ở đó, lãng đãng nghĩ về đóa hoa An Vân gửi trao tôi hôm trước, về sự giác ngộ muộn màng – rằng con người đều úa tàn thế thôi. Chúng ta thật dễ vỡ. Và yếu đuối, yếu đuối lắm thay. Tôi và anh chẳng được tự do như đời mảnh lá, chẳng được trôi theo dòng nước ra đại dương hoang vắng, sâu hơn, xa hơn. Kiếp người trần giống cánh hoa, mắc kẹt trên phần đất nó sinh ra mà chống nắng mưa bão bùng.
Cạnh bên Vân là ghế trống. Tôi ngỡ người đã dành muôn đời đợi tôi.
Nhờ khoảng cách gần kề, tôi dễ dàng nghe từng hơi thở gấp gáp, quan sát từng sợi tóc tơ đi lạc lẫn mắt chớp - nặng nhọc sao. Anh thỏ thẻ, một mai anh khỏe lại, anh sẽ ngồi ngay hàng thứ nhất trong buổi hoà tấu nhạc tôi. Lúc tim đập đều đặn, anh sẽ dồn tâm trên cung đường dịch thuật, đích đến: một cuốn Hermann Hesse. Rồi anh sẽ gọi điện cho tôi mỗi tối, vì anh ưa câu chuyện vặt tôi kể nhiều như môi tôi cười. Anh sẽ lại đưa tôi đi dọc bờ sông, ngày mùa đông phai mờ còn màu nước thoáng xanh lơ, cái sắc xanh ngây dại đẹp như ông thường thủ thỉ. Tôi nắm lấy tay anh. Vai liền đầu vai, chúng tôi chứng kiến hạt nắng tròn hệt dấu chấm câu vỡ tan hoang dưới sóng xô điên cuồng.
Vân ở cùng tôi - tới hôm gia đình anh đến trong một chuyến bay đêm, chực đón anh về phương Nam tránh rét. Thì ra mấy kẻ tự xưng là "người nhà" vẫn còn nhớ dáng anh. Họ tin rằng bầu không khí ấm nóng của miền Nam, với đàn chim di cư và biệt thự vắng tiếng xe, sẽ thổi sức sống lên gò má xanh xao. Ông và bà không phải ông bà ruột của Vân; họ chỉ là hai người tốt bụng đồng ý nuôi dưỡng anh cho một gia đình bận rộn. Định mệnh đưa anh rẽ ngang đời tàn tạ, mở phần hồn cô quạnh đáng lẽ nên vôi, truyền hạt giống yêu thương sang hai người đầu bạc.
Họ yêu anh.
Tôi cũng yêu anh.
Nhưng anh buộc phải rời, bởi nơi đây không bao giờ là điểm đến; rời tình thương của "gia đình" bọn tôi. Ông, bà cùng đứa cháu còn lại chỉ có thể nuốt tiếng Vân ơi, xin đừng ngoảnh đi, âm thầm.
7.
Duy nhất một bận, điện thoại rung: Vân gọi về nhà. Anh trấn an ông bà đương lo âu trước, dặn họ chủ động coi sóc bản thân. Giây phút chỉ độc tôi với anh bên hai đầu điện thoại, tôi thảng thốt nhận ra: giọng anh chốc xa vời và mỏng mảnh từa tựa cái im ru, gần như không nghe thấy. Vân thì thào, anh nhớ em lắm. Em đã nhớ anh chưa?
"Em vĩnh viễn không thể quên anh.", Tôi lạc giọng, cổ họng như tắc nghẹn.
"Vậy thì tốt.", Anh cười rúc rích, nhẹ thênh, "Vỹ - nghe anh - chăm sóc ông bà. Anh nhớ tất cả mọi người, nhiều vô cùng. Nhiều lắm."
Tôi phác họa hình dáng anh ẩn phương xa, đi xe chẳng thể tới. Chắc hẳn anh đang ở bệnh viện, bị bóp nghẹt giữa ga gối trắng lợm như xác chết, máy đo nhịp tim đập buồn bã cộng vô vàn loại ống dẫn chọc vào thân. Tuyệt đẹp biết bao. Ngoan cường biết bao. Nụ hôn từ cái chết càng khiến anh lộng lẫy, tựa cánh hoa đơn độc trên một nhành cây héo úa tự có vẻ đẹp riêng.
"Anh nhớ em.", Trong đêm tối, Vân nói lần thứ hai. Thay vì đáp lại, tôi bật khóc. Yêu chẳng thể cất thành câu. Kể từ đó tới nay, anh không gọi hỏi han thêm lần nào nữa.
Thi thoảng tôi vẫn về thăm ông bà. Vẫn hoài quây quần quanh mâm cơm ngấm tình thân, vẫn ngủ trong căn phòng quen dành riêng cho khách. Quán nhỏ ti hin tới nỗi hầu hết người đời cứ vồn vã lướt ngang, vẫn là góc ngừng chân cho giới tài xế lái xe công theo mưa nắng. Co ro bên quầy thu ngân, tôi lật giở Hoa Diên Vĩ đến mòn giấy, ủ ấp An Vân như điều kỳ diệu chết trẻ của thế gian, như là dấu chấm câu đưa truyện xưa đậu bến bờ kết thúc. Anh bỏ tôi nơi ưu vắng, hay bỏ quên đóa vân anh trái mùa trong bàn tay thèm tình Vân.
Và tôi vẫn bừng tỉnh mỗi đêm, tiếng còi hét inh tai lay tôi trằn trọc thức. Ngửa mặt nhìn trần – trăm mảng tối om, tôi nằm im, nửa chết. Tôi lắng nghe gió múa điệu vi vu, mang theo hớp giá băng từ nguồn nước đổ òng ọc. Tôi nghe Mặt trời mọc soi bất tận lặng thinh, cùng ti tỉ kiếp sống nở rồi lìa qua năm tháng. Giờ khắc mờ mịt đó, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa ồn ã với hư vô, giữa hiện thực lẫn giấc mộng nhạt hương, tôi lắng nghe nỗi buồn dập dìu theo cơn sóng nối đuôi nhau, trôi, trôi mãi.
Khi bật dậy, tôi sẽ đối diện với nụ vân anh trên bình ông vừa cắm. Đem vĩ cầm ra khỏi hộp, tôi chơi bản nhạc hẵng còn đọng vũng mực đen, van lơn nó khóc cho tôi, đau cho tôi, nuôi hi vọng thay tôi.
Tôi nhớ Vân, và từ "chúng ta" bỏ lỡ, và trần gian phủ tàn tro, đến tận khi tuổi xuân chỉ còn lưu vị dĩ vãng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top