Chương 3: Bạn cùng phòng mới

Ăn bánh kẹo chán chê, được bố mẹ vỗ béo đến độ bụng lên hằng sa số ngấn, cuối cùng tôi cũng phải ngậm ngùi trở lại "ổ lợn" ở Sài Gòn để tiếp tục việc học dở dang. Đợt này xuống, tôi và con Quế hân hoan khi vừa tìm được bạn trọ mới, cũng đồng nghĩa với việc không cần ăn dè sẻn tiết kiệm như trước, lâu lâu làm tí chầu cà phê cũng không sợ cuối tháng ăn mì tôm dài hạn.

Ấy thế mà hôm bạn cùng phòng mới dọn đồ sang thì tôi với Quế, xui rủi, lại chưa đi học về. May sao, Nguyên Ân vừa xuống trọ, tôi nhanh miệng nhờ vả ai đó luôn. Lúc hai đứa tôi từ trường về, Trang Đài - tên bạn cùng phòng mới - đang ngồi chồm hổm bên chân cầu thang, cách đó không xa là Nguyên Ân đang mải mê... bấm điện thoại.

Bình thường Nguyên Ân không phải người mê game (tại không biết chơi), mà hiện tại không bận rộn đến mức phải cắm mặt vào màn hình như thế. Không hiểu sao tôi đã có lời nhờ cậy nhưng ai đó không những không bưng đồ lên tầng giúp cô bạn, mà mặt còn hằm hằm như chó giẫm phải phân thế kia.

Thế là trong lúc Quế đi ra làm quen với cô tiểu thư Đài "các", thì tôi lại gần nhéo tay Nguyên Ân.

- Hôm nay đằng ấy bị làm sao đấy? Trông mặt khó ở chưa kìa?

- Tại em chứ ai. Em về muộn quá, anh đói.

Trong đầu tôi in hằn chữ "Hả?" to tướng.

- Ơ cái người này, đói thì đi ăn đi?!

- Không, anh đợi Ân về ăn. - Đến đây, Nguyên Ân cũng phải bỏ ngay bộ mặt cau có để xuống nước, bắt đầu quá trình "làm nũng" thường niên. Song, tôi đủ cao tay để giải quyết triệt để vấn đề này.

- Bây giờ... đằng ấy phụ Trang Đài bưng đồ đi rồi đây gọi đồ về năm đứa mình ăn nhá. Kim Điền đang ở nhà phải không?

Nghe thế, người vừa bị tôi phũ chỉ gật đầu đầy dỗi hờn rồi tiến lại gần chỗ Trang Đài đang đứng. Trang Đài cũng học chung khóa nhưng lại khác ngành, nghe đâu là bên Tài chính. Lần này chuyển nhà, cô bạn không có gì nhiều, cái thùng to cồng kềnh cũng được Nguyên Ân xử xong rồi. Tôi, Quế với Trang Đài, mỗi đứa cầm theo ít đồ đạc nữa cho hết rồi cùng hành quân lên phòng. Đến nơi, chỉ có Trang Đài thở hồng hộc, mặt mũi đỏ bừng lên. Còn tôi với Quế thì đã quen với cữ leo bốn tầng lầu rồi nên chẳng lấy gì làm vất vả, cứ cười nói như không.

- Đây, chào mừng đến với căn phòng mới của mày. - Con Quế đưa tay sang ngang một vòng tư vòng, tự hào giới thiệu. Sở dĩ con Quế có cái "tự hào" ấy là vì hôm qua tôi với nó đã thức đến ba giờ sáng để dọn dẹp phòng ốc gọn gàng, tinh tươm rồi. Ít ra cũng phải để lại trong lòng người bạn mới chút ấn tượng tốt đẹp chứ.

Trước khi chốt kèo thuê, Trang Đài chỉ mới xem phòng qua ảnh. Kể ra cô bạn cũng dạn, chưa đi xem người thật việc thật thế nào, chỉ mới nghe tôi và Quế cùng học Ngoại thương là đã chốt kèo. Hai đứa tôi tuy không phải mẫu người sạch sẽ gọn ghẽ nhất, nhưng chắc chắn sẽ là những đứa bạn cùng phòng mặn mòi nhất Trang Đài có thể có trong đời (mong vậy).

- Cảm ơn tụi mày nhá. - Trang Đài nhìn chúng tôi cảm kích. Lúc thấy Nguyên Ân đẩy thùng đồ lỉnh kỉnh vào nhà đến vã mồ hôi hột, Trang Đài ngẫm nghĩ một lúc rồi nói nhỏ bên tai tôi - Nhìn cậu này quen lắm, trường mình hả?

Tôi cũng thuận miệng thì thầm theo:

- Ừ, Manhunt Thanh lịch đấy. Nhưng mà đang rút hồ sơ chuẩn bị du học.

Thật ra ai đó còn là bạn trai tôi nữa, nhưng mà tôi ý nhị giấu sự thật ấy đi.

- À vậy hả? - Trang Đài hỏi một câu cho có lệ rồi im bặt.

Trưa ấy, năm đứa tụ tập trong phòng tôi gọi năm suất cơm về ăn.

- Ơ hôm nay Quế Quế không nấu à? - Kim Điền vừa dậy, uể oải khoác tay lên vai Quế. Tôi tưởng mình và Nguyên Ân đã "sến" lắm rồi, nhưng hai đứa này phải gọi là ông tổ bà tổ "thồn" cơm, không lúc nào tôi thấy bụng mình được nghỉ ngơi.

- Vâng, bổn tiểu thư đi học về trễ. Đáng lẽ bạn Kim Điền ở nhà phải rã đông đồ ăn, đặt cơm trước. Vậy mà mười một giờ mới dậy! - Con Quế hẳn đang tức lắm, nhưng sao cái hành động thụi cùi chỏ vào eo Kim Điền trông cứ... tình tứ kiểu gì ấy nhỉ?

Lúc ổn định chỗ ngồi, không hiểu phân chia kiểu gì mà Trang Đài lại kẹt giữa tôi với Nguyên Ân. Sợ bạn mới gượng gạo nên tôi đành ngồi xuống không phản ứng gì. Dù sao tôi cũng chẳng quan trọng chuyện chỗ ngồi là mấy. Ấy thế mà con Quế miệng nhanh hơn não đã kịp nói:

- Con Ân đổi chỗ cho Trang Đài đi kìa.

Trang Đài ngây ngô hỏi lại:

- Ủa sao vậy?

Quế nửa ngạc nhiên nửa kì thị đáp lại:

- Thì... Hai đứa nó bồ nhau? Mày chưa biết hả?

Hệt như những gì tôi dự đoán, Trang Đài "ồ" một tiếng rất sượng rồi tự động đổi lại chỗ cho tôi.

Bữa ăn cơm cũng chẳng có gì đáng chú ý, chủ yếu chỉ có tôi và Quế, kẻ tung người hứng, kể dăm ba chuyện về nhà trọ cho bạn mới nghe.

Thời điểm mà Trang Đài dọn vào ở chung cũng là lúc Nguyên Ân dọn phòng chuẩn bị đi. Quế biết chuyện liền bảo:

- Thôi mày sang phụ anh Manhunt dọn dẹp đi, tao ở đây với Trang Đài được rồi.

Tôi cười như được mùa, rối rít lay tay đứa bạn thân:

- Yêu lắm anh Quế.

Nguyên Ân dự định sẽ ở lại Sài Gòn thêm hai tuần nữa để đóng đồ và hoàn tất các thủ tục, sau đó sẽ về lại Đắk Lắk một thời gian trước khi có thông báo nhập học chính thức. Thế là tôi chỉ còn một nửa tháng nữa ở bên ai đó. Mừng vì cậu bạn từng chở mình ngày nào đã hoàn thành được ước mơ du học trời Tây, nhưng cũng buồn vì mới bên nhau chưa lâu đã phải xa cách nghìn trùng.

Đồ của Nguyên Ân chẳng có gì nhiều nhặn: Vài ba bộ quần áo, một túi đồ nhỏ nhặt linh tinh và ba chồng sách cao ngút trời.

- Anh chỉ đem quần áo với túi đồ kia về thôi. Em ở lại chăm giúp anh mấy chồng sách.

Tôi trưng cái biểu cảm hơi lố trước mặt mập mờ cũ:

- Hả? Thật á? Đây muốn lắm, nhưng mà... - Tôi vờ mếu máo - Nhà chật rồi, còn phải cất sách trong tủ quần áo nữa. Quế mà biết thì đây tiêu đời...

- Tưởng chuyện gì chứ việc Quế để anh lo. - Ai đó tự tin đáp. Không hiểu sao tôi nghe cũng thấy xuôi xuôi nên chẳng thèm đôi co nữa. Nói gì thì nói, sách vẫn là chân ái. Được kế thừa gia sản sách của Nguyên Ân vốn là ước mơ giấu kín của tôi bao lâu nay.

Lâu lâu rảnh tay, tôi lại bỏ sang phòng hỏi xem Trang Đài có cần phụ giúp gì không. Ấy thế mà người ở phòng kế bên cứ không thấy tôi lại:

- Ân, anh không tháo được cái dây này, giúp anh với.

- Ân, anh nhét chật quá vali muốn bật khóa rồi.

- Ân...

Thật ra mấy chuyện vặt vãnh ấy ai đó dư sức làm được, nhưng mà cứ phải một câu "Ân", hai câu "Ân" mới thấy sướng bụng.

Thế rồi trong lúc quét dọn, tôi vô tình phát hiện nửa vỏ bao tai nghe nhìn rất giống cái tôi được Dylan tặng, nhưng mà lại chỉ có phần thân dưới. Khỏi cần nghĩ ngợi cũng biết chuyện gì đã diễn ra. Tóm gọn lại thì là: Dylan tặng tôi vỏ bao tai nghe; Tôi đến studio chụp ảnh cùng Nguyên Ân và đánh mất cái nắp; Nguyên Ân nhận lời tìm giúp nhưng không thấy nên anh đặt luôn một cái y chang trên mạng và vờ như đã tìm thấy cho tôi khỏi nghĩ ngợi. Tôi vừa buồn cười vừa thấy thương nên nhét ngay nửa vỏ bao lạc loài vào túi áo, nhanh nhảu bảo:

- Tịch thu. Lỡ sau này có mất cái thân nữa.

Nguyên Ân nghe vậy cũng mỉm cười, yên tâm gấp đồ tiếp. Thấy mập mờ cũ làm một việc mãi chưa xong, tôi mủi lòng buông chổi rồi ngồi bệt xuống cạnh ai đó.

- Cảm ơn... Nguyên Ân. - Vừa xếp lại vali tôi vừa lí nhí. Cũng may Nguyên Ân đã nghe thấy, không bắt tôi phải nói thêm cái câu ngượng ngùng ấy thêm lần nào nữa.

- Hôn tặng anh đi. - Ai đó biết tôi cảm động nên được nước làm tới, còn chạm chạm vào má với vẻ rất vô tư. Tất nhiên, Cát Ân hồi mới hai mươi còn trẻ con lắm, không cả dám hôn má người mình thích. Nhưng đổi lại, tôi có một cách khác hay ho hơn. Tôi đặt tay lên môi như đón lấy nụ hôn, rồi áp lại tay lên má mập mờ cũ. Thế là xong, hai bên đều hoàn thành nghĩa vụ.

Nguyên Ân tức lắm nhưng rồi cũng phải phì cười:

- Rồi sẽ có ngày em phải đền cho anh mười lần hôn má.

Tôi bĩu môi lắc đầu, ra cái vẻ tự cao:

- Để xem đằng ấy làm cách nào.

***

Buổi đi học thứ hai của học kì hai năm thứ hai, tôi lủi thủi ôm cặp đi bộ đến trường. Hôm nay con Quế lại cúp học rồi, bỏ mặc tôi dậy sớm đi học một mình. Thế rồi đang mải mê nghĩ ngợi, tôi nghe thấy âm thanh gì đó rất quen nhưng nhất thời chưa thể nghĩ ra ngay. Chỉ khi có bóng ai đó vụt lên rồi dừng lại trước tầm mắt, tôi mới hay ấy là Nguyên Ân cùng con xe đã cõng tôi cả năm rưỡi trời.

- Lên xe đi, anh chở đi học.

Tôi tủm tà tủm tỉm trèo lên, vui như mở cờ trong bụng.

- Ơ, tưởng đằng ấy đi thể dục chưa về?

- Thì anh cũng định thế, nhưng mà thiết nghĩ em cứ đi học còn anh cứ ở nhà mãi cũng chán. Nên anh định hai tuần tới sẽ đi học với em, cho vui.

Tôi nghe cái cụm "cho vui" mà chẳng thấy vui tí nào. Đi học thì có gì thú vị cho cam? Tôi còn ăn Tết chưa đã đây này.

- Chắc chưa? Đây muốn nghỉ chẳng được, đằng ấy lại đòi đi học.

Tôi nói thế là bởi chưa bao giờ từng trải qua cảm giác được đi học với mập mờ cũ bao giờ. Mãi sau này ngẫm nghĩ lại, tôi phải thừa công nhận hai tuần ấy là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong những năm cắp sách đến trường của tôi trên khía cạnh tình cảm. Bởi vì...

Khi học có người xách cặp cho, khi đói có người đi ăn cùng, lúc nào ngủ gật cũng có người ân cần gọi dậy điểm danh. Thậm chí có bị thầy cô gọi phát biểu bất ngờ vẫn còn có khiên chắn an toàn.

Vừa đỗ xe, Nguyên Ân đã chìa tay ra bảo:

- Đưa cặp anh xách.

Tôi ngớ người ra một lúc thật lâu. Chà, đây là năm thứ mười bốn tôi đi học không kể mẫu giáo nhưng chưa bao giờ được ai đó tự nguyện cầm cặp giúp. Hóa ra có người yêu học cùng trường cũng là một đặc quyền.

Tôi đúng kiểu người "nghiện còn ngại". Dù trong lòng vui tưởng sắp đến Tết lần hai nhưng miệng thì vẫn:

- Thôi cặp nặng lắm, có cả máy tính lẫn sách vở.

- Anh là con trai, nặng đến đâu cũng cầm được hết. - Ai đó rất tự tin với thể lực của mình.

Sợ ai đó đi ngang qua thấy cảnh tượng hai đứa kì kèo nên tôi đành phải làm theo. Thế là tôi cứ rụt rè đi trước, ai đó từ từ theo sau, trông như thân chủ vừa tại ngoại và tay vệ sĩ trung thành.

Hôm nay tôi có lớp học ở tầng năm, ngoài việc phải chờ hàng thang máy dài ơi là dài thì tôi còn một nỗi lo khác: Đó là phải đi chung thang máy với rất, rất, rất nhiều người lạ. Thang máy trường tôi có một đặc điểm, một lượt đi chỉ chứa tối đa mười một người, nhưng cũng phải chen chúc ghê lắm chứ không thoáng đãng gì. Đi học vào cái thời điểm chỉ còn một phút nữa là vào tiết nên lượt nào cũng nghịt người. Lượt của tôi cũng không phải ngoại lệ.

Xui rủi thay, tôi bị dồn đến một góc thang máy. Cùng với tạng người nhỏ con, tôi như lọt thỏm giữa đám đông đầy vội vã. Nguyên Ân sợ tôi bị đè bẹp đến không còn gì bèn dùng tay chống vào bờ tường, cố chừa cho tôi một khoảng để thở. Nhưng ai mà có ngờ, thang máy không đi một mạch năm tầng mà lại dừng ở tầng thứ nhất, nhường chỗ thêm cho một giảng viên đang mang thai. Thang máy đã chật lại càng thêm ngột ngạt, người chèn ép người đến mức khoảng cách một gang tay giữa tôi và Nguyên Ân giờ trở về không. Nói một cách dễ hiểu hơn, tôi gần như áp mặt vào ngực ai kia. Không biết nên vui hay nên buồn nhưng ít ra tôi cảm thấy may mắn vì người trước mặt không phải là cậu bạn lạ hoắc nào đó.

Hai mươi giây trong thang máy là hai mươi giây... nghẹt thở nhất cuộc đời tôi, theo nghĩa đen. Thoát khỏi đám đông, hai đứa chúng tôi chạy ùa vào lớp, suýt nữa thì không kịp giờ điểm danh. Vì đi vào khoảng cũng chẳng được sớm sủa lắm nên chỉ còn vị trí đầu bàn dành cho hai đứa. Chưa gì tôi đã cảm thấy đau đầu chóng mặt mất ngủ ù tai rồi. Ngồi ở đây mà lỡ gà gật thôi thì bị thầy "ghim" chết.

Đợt này tôi học đến bốn học phần, một tuần đi học năm buổi, ca nào cũng vào lúc sáu giờ bốn lăm phút sáng. Mới nghe thầy giảng được ba câu là tôi đã mắt nhắm mắt mở.

Không được! Tôi mà gục ngã là tới công chuyện với thầy. Ai trong lớp cũng biết thầy có tiếng "sát thủ". Hôm nay thầy chưa chốt cửa điểm danh cũng là phúc ngàn đời của tôi rồi.

Không biết có phải thấy được biểu hiện "dở người" của tôi như chớp mắt liên tục, tay bấm bấm đầu ngón hay không mà Nguyên Ân cứ khúc khích. Ừ thì cứ cười đi. Chỉ vì đằng ấy không cần phải đi học nữa nên mới cười cợt trên nỗi đau của người khác đúng không?

Nói đúng ra, vì sắp du học nên Nguyên Ân không đăng kí học phần tại trường nữa. Hôm nay ai đó lên trường cũng là để làm thủ tục rút học bạ. Song, vì vẫn còn cầm thẻ sinh viên nên mới ngang nhiên chở tôi đến trường, còn bước vào lớp như thể bản thân vẫn còn đi học.

Nhưng tôi không ngờ, Nguyên Ân đã học qua lớp này rồi, thậm chí còn là trò cưng của thầy nữa. Dù mập mờ cũ đã ý nhị đeo khẩu trang, nhưng bằng năng lực vô biên, thầy vẫn nhận ra ai đó, còn vui vẻ trêu chọc:

- Ai đi học thầy không nhớ, chứ trò thầy chắc chắn nhớ. Từ lúc trò thi Manhunt xong, thầy đi đâu cũng nhìn thấy mặt.

Trong tình huống này, đáng ra tôi nên cảm thấy tự hào vì "sự ưu ái" này của thầy, nhưng làm ơn đi, thầy cứ để ý Nguyên Ân thế này thì tôi ngàn lần không được ngủ gật. Hôm nay là thế, sau này càng phải chú tâm hơn.

Nghe thầy nói vậy, Nguyên Ân cũng đành tháo khẩu trang:

- Học xong học phần rồi nhưng em vẫn muốn được nghe lại bài thầy giảng.

Hóa ra mập mờ cũ của tôi có thừa khả năng nịnh nọt, bảo sao mới nói vài câu đã thuyết phục được tôi bỏ chặn.

- Trò hiếu học vậy thì thầy không cản đâu. Bao giờ bên Anh gọi đi nhập học vậy?

Trời ơi, không ngờ thầy còn biết cả việc Nguyên Ân sắp du học Anh. Mạng lưới của các thầy cô đúng là không thể coi thường được.

- Dạ chắc tầm tháng 5 em bắt đầu học.

- Bây giờ làm thủ tục là vừa rồi. - Thầy bảo rồi tranh thủ dặn dò đôi ba câu trước khi thật sự bắt đầu tiết học - Trước đây thầy không học bên Anh mà lại ở Pháp. Nhưng nếu cần cẩm nang đi đây đó bên Pháp thì nhắn thầy nhé.

Tôi ngồi bên hết tròn mắt rồi lại âm thầm gào thét trong lòng. Thầy - người được mệnh danh "sát thủ" ngành Quản trị - vừa cười với Nguyên Ân đến hai lần trong vòng năm phút, đã vậy còn tư vấn rất nhiệt tình. Có lẽ phần vì Nguyên Ân là trò cưng, phần vì "sát thủ" có lẽ chỉ là một cách gọi dành cho thầy của chúng tôi khi đứng lớp, còn lúc rời khỏi bục giảng, thầy cũng chỉ là người bình thường, cũng có đời sống nội tâm rất phong phú.

Thầy vừa quay đi, mấy bàn bên dưới đã xì xào nhỏ to. Tôi tưởng người ta được lúc tám chuyện nên không để tâm lắm, mãi khi ra chơi mới biết họ đang bàn tán về Nguyên Ân.

Giờ giải lao, tôi đói cồn cào ruột gan, vòi vĩnh Nguyên Ân đi mua đồ ăn sáng cùng. Ai đó chỉ mới nghe nửa câu đã vội tắt máy, thủ sẵn ví trong tay đáp:

- Đi. Ăn xúp không?

- Xời. - Tôi bĩu môi - Món tủ.

Ngày xưa, trong những buổi con Quế cúp học, tôi thường lủi thủi một mình ở Circle K chọn đồ ăn sáng. Kể ra không có nhiều bạn cũng là cái bất lợi, mà đâu phải lúc nào Nguyên Ân cũng học chung học phần với ngành Quản trị. Cho nên chỉ cần con Quế vắng mặt thôi thì tất cả những hoạt động khác tôi đều làm một mình. Ăn một mình, ngồi một mình trong lớp, làm nhóm nhưng chỉ có một thành viên.

Lần đầu tiên có người chờ tôi ăn sáng xong rồi lại cùng tôi mua nước, tôi cảm thấy phấn khích đến quên cả giờ học. Mới sáng ra mà người cứ bay bay như trên mây. Đã vậy, Nguyên Ân còn chiều đến mức, tôi nói đi đâu, mua gì cũng duyệt tất.

Sau ca đầu tiên, Nguyên Ân xách cặp cho tôi đến phòng học bộ môn tiếp theo rồi bảo:

- Giờ anh xuống Ban Công tác Chính trị một lát, em vào trước đi.

Tôi ừ ừ ào ào rồi vào chọn chỗ, tự hứa với lòng sẽ không ngồi bàn đầu nữa, tránh trường hợp bị thầy cô "tia". Vừa ổn định vị trí, tôi đã thấy Hạ Cúc, Ánh Hồng, Nhã Đoan mon men lại gần.

- Trời, Ân. Chúc mừng bà nhe. - Ánh Hồng toe toét lay tay tôi. Tôi còn chưa biết mình có thành tựu gì để được chúc thì Hạ Cúc đã vội chen vào:

- Quen được Manhunt Thanh lịch ngầu đét luôn á.

- Công nhận. - Nhã Đoan gật đầu lia lịa.

Nghe xong, tôi phẩy tay phân bua:

- Hơ hơ, có gì đâu. Cảm ơn mấy bà.

- Hồi đó Đoan còn tưởng Nguyên Ân quen Hương Tràm cơ. - Nói xong, Nhã Đoan cũng thấy câu vừa rồi có vẻ không được hay nên lại bổ sung thêm - À, nhưng mà trông Cát Ân với Nguyên Ân dễ thương lắm.

Tôi cười ngượng không đáp. Nhắc mới nhớ, hôm nay tôi chưa thấy Hương Tràm đâu. Có khi cô nàng cũng giống Nguyên Ân, chuẩn bị du học rồi nên chẳng cần đến trường nữa. Chỉ có Nguyên Ân rảnh rỗi, tình nguyện đi học cùng tôi thôi.

Bộ ba người bạn còn định hỏi han thêm nhiều điều nữa nhưng Nguyên Ân đã về lại chỗ.

- Trời, chào Manhunt nha. - Ánh Hồng mạnh dạn vẫy vẫy.

Nguyên Ân, chiến thần ngoại giao phiên bản nam, cũng vui vẻ đáp lại:

- Chào nha. Mấy cậu cũng trong đội bóng nữ với Ân năm ngoái mà nhỉ?

Phải công nhận, mập mờ cũ quả là lịch thiệp, ga lăng. Bảo sao mỗi lần ở gần ai đó, đến một từ "vãi" thường nhật thôi tôi cũng không dám nói. Giờ thì cũng phải tròn vài ba tuần tôi tu được cái miệng "hỗn" rồi. Thôi cũng coi như là một bước tiến.

Trải qua ba tiếng học uể oải, cuối cùng cũng đến lúc tôi được về nhà. Rút kinh nghiệm từ trải nghiệm đi thang máy, hai đứa thống nhất cùng đi xuống bằng lối thang bộ. Chúng tôi chọn lối bên dãy A, tuy hơi hẹp nhưng lại thoáng người. Thấy tay Nguyên Ân đung đưa theo từng nhịp bước chân, tôi mạnh dạn chìa tay ra, chờ ai đó nắm lấy. Cũng may mập mờ cũ của tôi rất tinh tế, không bao giờ bắt tôi phải chờ lâu. Tay trong tay, chúng tôi nhìn nhau rồi chầm chậm cất bước. Và kể từ đó, bất cứ khi nào có cơ hội lên xuống thang bộ, chúng tôi đều duy trì một thói quen nhỏ nhặt như thế.

"Sướng nhất bà Ân rồi :) Nói cho bà biết, những năm tui đi học tui chỉ có nắm... túi rác đi đổ thôi, hoặc nắm sổ đầu bài :)"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top