Đọc Tiểu Thanh Kí
Nguyễn Du là bậc đại thi hào dân tộc, là nhà thơ hiện thực, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của nền văn học Việt Nam. Nhắc đến Nguyễn Du trước hết người ta sẽ nghĩ ngay đến Truyện Kiều. Nhưng ngoài áng "thiên cổ tình thư", Nguyễn Du còn có nhiều tác phẩm tuyệt bút, chứa chan tinh thần nhân đạo. Sê khốp từng khẳng định "Một nhà nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tủy". Nguyễn Du và "Đọc Tiểu Thanh kí" của ông là một nhà thơ, một thi phẩm như thế. Tên tuổi của Nguyễn Du và bài thơ đã vượt qua thời gian và biên giới Việt Nam để thể hiện tình thương ái vô biên và những triết lí, suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời và con người.
"Đọc Tiểu Thanh kí" là bài thơ về đề tài người phụ nữ, một đề tài ít được các nhà thơ trung đại đề cập đến. Nguyễn Du viết nhiều về người phụ nữ với tất cả tấm lòng trân trọng, thương yêu, đồng cảm và chia sẻ. Hầu như những tác phẩm xuất sắc nhất của ông đều là những tác phẩm viết về người phụ nữ, bên cạnh kiệt tác "Truyện Kiều" còn có "Long thành cầm giả ca", "Độc Tiểu Thanh kí"... Dường như đại thi hào có một mối "đồng cảm tương liên" sâu nặng với những người phụ nữ tài hoa, nhan sắc nhưng phải chịu số phận bi thương. Có lẽ vì số phận của họ khá tương đồng với thân phận của những nhà nho thất sủng trong xã hội loạn lạc, suy thoái. Nguyễn Du từng đau đớn mà thốt lên rằng:
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Mở đầu bài thơ tác giả nhắc đến Tây Hồ, một danh lam thắng cảnh của đất nước Trung Quốc:
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Tây Hồ nằm cạnh núi Cô Sơn, nơi Tiểu Thanh phải sống một mình trước khi chết. Từ "hoa uyển" trong nguyên tác cho thấy trước đây Tây Hồ là một cảnh đẹp với vườn hoa rực rỡ, lộng lẫy, là một nét tô điểm diệu kì của thiên nhiên, tạo hóa. Nhưng bây giờ nó đã thành "khư" là một gò hoang lạnh lẽo, tiêu điều, hoang phế. Nguyễn Du đã sử dụng một chữ "tẫn" tài tình để thể hiện sự thay đổi triệt để và khốc liệt của cảnh vật. Nghệ thuật đối lập càng làm nổi bật sự khác biệt ghê gớm giữa quá khứ huy hoàng và hiện tại thảm khốc. Có thể sự thay đổi của cảnh vật Hồ Tây thực ra là chỉ diễn ra trong tâm tưởng của nhà thơ. Nhà thơ muốn mượn sự thay đổi ấy để nói đến sự thay đổi khốc liệt của cuộc đời nàng Tiểu Thanh. Từ một người con gái xinh đẹp, tài hoa, thanh xuân phơi phới mà bỗng đâu đã "thoắt gãy cành thiên hương". Đau xót và thương tiếc nên cái chết của Tiểu Thanh khiến cảnh đẹp Tây Hồ trong mắt nhà thơ chỉ còn là một nấm mộ hoang tàn. Sự thay đổi khốc liệt của thiên nhiên, tạo vật cũng như sự biến đổi khôn lường của cuộc đời con người đã khiến nhà thơ không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối, xót xa. Sự biến thiên của tạo vật, cuộc đời có thể làm biển cả hóa nương dâu, khiến cuộc đời người con gái tài sắc trở thành ngắn ngủi, bi thương. Có thể nói, hai câu thơ mở đầu là tiếng thở dài, một tiếng khóc trước lẽ biến thiên của cuộc đời dâu bể và niềm thổn thức, xót thương của một tâm hồn nhân đạo lớn trước số phận con người.
Hai câu thực trong bài thơ thất ngôn bát cú thường để tả thực và trong hai câu thực của bài thơ này, nhà thơ đã sử dụng các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng để tái hiện lại một cách chân thực vẻ đẹp và số phận của nàng Tiểu Thanh:
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Son phấn vốn là để điểm tô nhan sắc cho người phụ nữ và ở đây nó tượng trưng cho nhan sắc của Tiểu Thanh. Văn chương là ẩn dụ cho tài năng thơ phú, tài năng nói chung của Tiểu Thanh. Thông qua ngôn từ của Nguyễn Du, nàng Tiểu Thanh hiện lên là hiện thân của cái đẹp hoàn mĩ, vẻ đẹp mà người đời ai cũng khao khát. Nhưng cũng giống như Thúy Kiều và người con gái gảy đàn ở đất Long Thành, tài năng và nhan sắc của Tiểu Thanh chỉ đem đến cho nàng bất hạnh. Tài hoa, nhan sắc hơn người chỉ khiến cho người đời ghen ghét, đố kị, là nguyên nhân của bi thương. Bi kịch của những người tài năng, nhan sắc hơn người đã khiến người xưa phải than thở "Tài tử gian nan, hồng nhan bạc mệnh". Hai câu thực không chỉ tái hiện cuộc đời Tiểu Thanh mà qua cuộc đời Tiểu Thanh còn phơi bày và phê phán hiện thực xã hội đương thời. Trong xã hội ấy, con người không có quyền sống cá nhân. Đặc biệt là tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến người phụ nữ bị phân biệt đối xử, phải sống trong cảnh vợ lẽ nàng hầu. Xã hội ấy tồn tại biết bao trái ngang, bất công, phi lí khiến cái tài, cái đẹp bị chà đạp phũ phàng, gây bao đau thương, ai oán cho con người. Nàng Tiểu Thanh tài sắc đã phải chết trong oán hận.
Từ số phận nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã nhìn rộng hơn để nhận ra rằng bi kịch của những người tài sắc đã trở thành mối hờn oán của con người từ cổ chí kim, trở thành một quy luật, định lệ khó có thể thay đổi:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Số phận bất hạnh của Tiểu Thanh suy cho cùng nằm trong cái án chung cho những kẻ tài tử, phong nhã. "Hận sự" ấy của con người dẫu tồn tại từ bao đời, nhận thức được là thế nhưng đến khi nhắm mắt xuôi tay con người vẫn không thể lí giải, có đem hỏi trời thì trời cũng không trả lời. Vậy nên, dẫu có biết là oan ức thì cũng không làm gì được, phải chấp nhận mà thôi.
Ở đây, Nguyễn Du cũng đồng thời nhận ra mối "phong vận kì oan" của chính mình. Ông tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh, mắc phải nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã, cũng phải chịu cái án chung của những tài tử, giai nhân.
Ngoài ra, hai câu luận trong bài thơ đã thể hiện tầm vóc của một nhà thơ lớn, một nhà nhân đạo lớn. Nguyễn Du vốn xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, là một đấng nam nhi tài tử. Vậy mà, trong xã hội trọng nam khinh nữ, ông lại nhận mình cùng hội với một người con gái, lại dám nói lên tiếng nói đồng cảm, bênh vực người phụ nữ. Hẳn đó là vì Nguyễn Du đã vượt ra khỏi nhận thức của thời đại mình để thể hiện tiếng nói nhân đạo đầy mới mẻ, sâu sắc.Hai câu kết là một câu hỏi tu từ:
Bất tri...Tố Như
Dù hướng đến hậu thế ở mấy trăm năm sau nhưng hai câu thơ trước hết vẫn là những lời bộc bạch về nỗi niềm thầm kín của đại thi hào. Bằng trái tim biết yêu thương, Nguyễn Du đã "lắng nghe nỗi buồn của cành cây héo khô, của chim muông què quặt, của hành tinh lạnh ngắt", đã "lắng nghe nỗi buồn của con người" nhưng bản thân ông cũng cô đơn và khao khát được lắng nghe. Ông đã cô đơn và khát khao tìm kiếm một tấm lòng tri âm, tri kỉ. Quãng thời gian "Ba trăm năm lẻ" được nhắc đến trong hai câu thơ là quãng thời gian rất dài, tính từ thời đại của Tiểu Thanh đến thời đại Nguyễn Du. Dù quãng thời gian ấy khiến vạn vật đổi thay, mọi sự có thể bị nhấn chìm trong quên lãng nhưng Nguyễn Du vẫn tưởng nhớ và than khóc, đồng cảm, tri ân với Tiểu Thanh. Nguyễn Du cũng mang bi kịch của những kẻ phong lưu với bao nỗi đau đời, vậy liệu ba trăm năm nữa có ai đồng cảm, tri ân với ông như ông đã bày tỏ với Tiểu Thanh hay không?
"Độc Tiểu Thanh kí" tuân thủ những quy tắc nghiêm túc và chặt chẽ của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Ngôn ngữ trữ tình đậm chất triết lý, từ ngữ cô đọng, hàm súc, hình ảnh giàu tính biểu tượng, sử dụng tài tình phép đối, câu hỏi tu từ và khả năng thống nhất những mặt đối lập trong hình ảnh, ngôn từ. Và với giọng điệu xót thương, bi phẫn, ngậm ngùi, bài thơ thể hiện thái độ phê phán với xã hội đương thời và những cảm xúc, suy tư về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh. Tác phẩm bộc lộ tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du, đồng thời cũng thể hiện nỗi niềm cô đơn, khao khát có người tri âm, tri kỉ của đại thi hào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top