Thái tử bày trò nghịch
Vì bổng lộc của cả ba đứa nhỏ tương đương với quan ngũ phẩm, Hoàng thượng cũng cho phép cả ba đứa nhỏ, đại diện là Khương Nhiên Thuân ngang hàng với các quan ngũ phẩm, như vậy xưng hô với Thái tử và Hoàng thượng có thể xưng hạ thần, xem như thần tử mà phụng sự cho Hoàng tộc, công việc nói là chơi cùng Thái tử, nhưng sâu xa chính là rèn luyện tâm phúc cho Thái tử. Thôi Phạm Khuê còn được gọi là Triệu Thiết Thái tử, trước là Triệu Thiết Hoàng tử, vốn là tên lấy từ họ và tên lót của mẫu thân Triệu Triết Quỳnh nói trại thành, ngôi Thái tử cũng là kế thừa từ đại huynh đã chết Thôi Khâm Lễ.
Triều nhà Thôi chỉ vừa trải qua hai đời, từ năm 1010 là đời vua đầu tiên sau khi kết thúc nhà Lê – Giao Tông Hoàng đế Thôi Tuấn, tại vị được bốn mươi ba năm đến năm 1053, tiếp theo đến Kiến Tôn Hoàng đế Thôi Hành là đời thứ hai, tại vị được ba mươi sáu năm đến năm 1089, băng hà khi còn trên ngai vàng. Đương kim Hoàng thượng Nghi Tôn Hoàng đế Thôi Giang Thành lên ngôi ngay sau đó một ngày là đời thứ ba, nếu Thôi Phạm Khuê lên ngôi sẽ là đời thứ tư, thế nước đương lúc khó khăn, nhưng chưa đến mức loạn lạc. Nhà Thôi lên ngôi sau khi vua Lê băng, là nhân lúc triều loạn mà cấu kết quan lại, đoạt ngôi từ các Hoàng tử, nhưng vẫn đối đãi rất tốt với hậu thế của tiền triều, ban cho đất đai, bổng lộc rất nhiều, rất được lòng hậu duệ tiền triều.
Nhưng trong triều còn lẫn lộn quan cũ quan mới, người vẫn còn nuôi mộng giành lại thiên hạ cho nhà Lê, người thì chưa hoàn toàn theo nhà Thôi, cái đạo trung thành với vua thì nặng nề lắm, nên dù đã qua chín mươi năm, vẫn có kẻ thờ nhà Lê lén lút trong triều.
Những đứa nhỏ thì không biết sâu xa, chỉ biết hiện giờ còn nhỏ thì chơi và học, như Khương Nhiên Thuân đã từng nói, trẻ con thì lo chuyện của trẻ con, chưa cần lo đến chuyện làm quan. Hoàng thượng thì lại nghĩ, bản thân Thái tử và Hoàng hậu không phải ruột thịt, để cháu họ của Hoàng hậu làm tâm phúc cho Thái tử chính là để quan hệ cả hai thêm gắn kết, sau này không lo đến chuyện vì đau buồn Thái tử Lễ chết yểu khi xưa mà Hoàng hậu trở nên bất hòa với Thái tử, Thái tử thì sẽ vì những đứa trẻ mà không quên công dưỡng dục của Hoàng hậu.
Cũng có người lo sợ vì việc này mà quyền lực của họ Khương trở nên lớn mạnh hơn. Họ Khương hiện nay, ngoài Thiên Tường Hoàng hậu Khương Hoa Đan, thì còn Khương Thừa làm quan phủ trông coi phía đông Kinh thành. Khương Giáp, nhị đệ của Khương Thừa là quan phủ trấn giữ phía tây phủ Quốc Oai, trước đây học đánh cờ thì học cùng thầy với Triệu Triết Quỳnh ở Thiên Trường kỳ quán, sau khi Quỳnh tiến cung thì được tiến cử đi Quốc Oai làm quan. Khương Lam, tam đệ của Khương Thừa, là tướng quân trấn giữ vùng biển phủ Thanh Hóa, năm năm trước được phong làm Đông Hải mãnh hổ tướng, có công dẹp loạn các hạm đội hải tặc, đem của cải xung vào quốc khố cho triều đình, còn bảo vệ vùng biển khỏi quấy nhiễu của Đại Tống. Chưa kể Khương Thừa Ân đang là Đệ nhất học sinh Quốc tử giám, trong tương lai ắt hẳn sẽ lại là quan lớn. Nhà Khương làm nhiều chức quan như thế, nay lại đưa một lúc cả ba con vào cung làm cận thần cho Thái tử, khiến bá quan văn võ trong triều cũng lo sợ đây là âm mưu lâu dài, mà không nghĩ đến rằng, các chức quan của nhà Khương cao nhất chỉ đến tam phẩm, mà từ xưa nay, phản quan thường là nhất phẩm.
Chính bởi cái lý từ xưa phản quan nhất phẩm mới làm loạn, chưa có tam phẩm làm loạn thần bao giờ, nên Hoàng thượng khi nghe báo lại từ Hoàng hậu cũng đồng tình với việc này, chấp thuận cho thái tử có bạn, cũng là cách gắn kết tình phụ tử vốn đã rất mỏng manh này. Chưa cần nghe bàn đến ba đứa trẻ, chỉ cần nghe danh đại ca của chúng là Khương Thừa Ân thì lập tức đồng ý.
Ngày đầu vào cung, những đứa trẻ chỉ biết Thái tử cũng là một đứa trẻ, bề ngoài đáng yêu, tính tình ngoan ngoãn lại biết điều, còn lại thì không rõ ràng.
Nhưng ngay ngày đầu tiên này, Khương Thái Hiền đã cảm thấy phần "bề ngoài đáng yêu" thì đúng. Thái tử bé người, bàn tay nhỏ nhắn, da trắng trẻo lại có mặt bầu bĩnh, so với Ái Hân thì vẻ đáng yêu cũng một chín một mười. Nhưng lời nhận xét "tính tình ngoan ngoãn lại biết điều" của thiên hạ có phần không đúng, nghe mười phần thì chín phần chính là cố tình nói tốt cho Thái tử. Bởi ngay ngày đầu, Thôi Phạm Khuê đã bày ra trò ngu dại.
Thôi Phạm Khuê ngày đầu tiên để chào đón ba người bạn của mình, liền bày trò đốt cầu. Trong cung có một con sông đào nhỏ, dùng để dẫn nước từ sông bên ngoài chảy vào vườn ngự uyển, dẫn nước chảy qua các cung điện để tưới tiêu cho cây cối và nuôi cá vàng. Sông dừng lại ở phía tây thành Đông cung, trên sông có vài cây cầu xây nhỏ bắc qua, trước cửa Đông cung cũng có một cây cầu, thường là nơi Phạm Khuê lên đứng để ngắm đàn cá dưới sông. Ngày thường nơi này là nơi Thái tử thường đến, còn xây bàn trà có mái che cạnh cầu để uống trà và ngồi cho cá ăn, ngày có lễ hội thì thường có kết hoa, từ trên cầu thả hoa đăng chảy dọc con sông nhỏ. Vào Tết nguyên tiêu sẽ thả cá phóng sinh xuống sông, cũng như mọi cây cầu lớn nhỏ trong thiên hạ, đều có cắm nhang trên một góc trụ cầu để thờ.
Nhưng cho dù có quan trọng đến thế, thì đương lúc Thái tử cao hứng, vẫn đưa ra quyết định hết sức dại.
- Từ xưa đến nay, để ăn mừng thì đều đốt lửa!
Thế là Thôi Phạm Khuê cho đốt luôn cây cầu.
- Cầu này là của ta, Đông cung là do Phụ hoàng cho ta, trước cửa Đông cung, phía sau Đông cung, bên trái, bên phải đều là của ta. Để ăn mừng thì đều đốt lửa, đốt một cây cầu thì chẳng làm sao cả.
Hoàng thượng từng nói "Không có Thái tử thì ta còn Hoàng tử, còn Hoàng tử là còn Thái tử, còn Thái tử là còn vua, không thì truyền ngôi cho Công chúa, như Trưng Vương ngày xưa cũng là phận đàn bà, nhưng vẫn cưỡi voi đi đánh trận đó sao?", ý chỉ việc mọi sự đều sẽ có cách bù trừ số lượng, không có cái này thì đắp cái khác vào, Thái tử trước đây chết yểu thì liền lập Thái tử khác, chỉ cần còn số lượng thay lắp là được. Phạm Khuê lấy lời đó làm lời dạy, ngày trước khi công công nhắc nhở bản thân đang là Hoàng nam duy nhất, thì liền bĩu môi đáp lại rằng Phụ hoàng còn trẻ, còn lắm phi tần, mỹ nữ, nay đây sẽ lại có thêm Hoàng tử, mà có Hoàng tử thì thay Thái tử có làm sao. Không thì gọi một công chúa, cho làm nữ đế.
Nên với cầu trong cung cũng vậy. Cháy cầu này, ta đi cầu khác. Cháy hết Đông cung, ta xây Đông cung khác.
Các cung nữ và công công ra sức can ngăn nhưng không thành, Khương Nhiên Thuân nghe lệnh Thái tử thì hoảng sợ ngăn lại, Khương Thái Hiền đang được Thái tử nắm tay, cũng theo phản xạ ôm lấy tay cậu, ngăn cản việc đốt cầu.
- Thái tử!
- Nếu Thái Hiền vẫn còn đau tay thì chỉ cần đứng xem với ta thôi!
- Không được thưa Thái tử!
Khương Thái Hiền mặc kệ bàn tay nhỏ còn đau của mình, tiến đến quỳ trước mặt Phạm Khuê để can ngăn.
- Thái tử, nước ta từ xưa được hình thành bên bờ Hồng Hà, làng mạc được xây nên từ phù sa mà đất trời ban cho các con sông, rồi từ làng mạc thành đất nước. Từ đó mà có thần sông trấn giữ, hàng năm đều thờ phụng thần sông, mỗi khi xây cầu bắc qua sông đều lập đàn tế lễ. Dù cầu trước cửa Đông cung chỉ là cầu nhỏ bắc qua sông đào nhỏ, so với Hồng Hà như thì nhỏ bé như hạt cát, nhưng sông có thần sông, cầu bắc qua sông là thần sông cho phép, mạo phạm đến cầu là đang mạo phạm đến thần linh. Chưa kể, kiến trúc Đông cung có từ nhiều đời trước, mạo phạm đến cầu cũng là đang mạo phạm đến các bậc Tiên đế!
Khương Thái Hiền vừa dứt lời, những người có mặt ở gần đó cũng đồng loạt quỳ xuống để can ngăn. Dẫu biết trong cung, chỉ tính riêng Đông cung đã có đến bảy cây cầu, nhưng như Thái Hiền có nói, sông ngòi là huyết mạch, cũng là cội nguồn của Đại Việt, xây cầu bắc ngang sông cũng như bước chân qua người tổ tiên, tổ tiên để yên cho bước chân qua thì phải biết mà liệu, đốt cầu, dù là cầu nhỏ cũng là đang mạo phạm đất trời, mạo phạm Tiên đế.
Thôi Phạm Khuê không hiểu sao nghe lời đồng niên nói cảm thấy rất thích, miệng nhỏ cười hì hì, ra lệnh cho tất cả cùng đứng dậy, còn mình thì tự cầm tay Thái Hiền.
- Nhiệm vụ của bổn Thái tử thế là thành công!
-----
Đêm tối hôm trước, Hoàng thượng cho gọi Thái tử sang cung Kim Long. Thái tử gặp vua cha thì mừng mừng tủi tủi, người như con chó nhỏ mắc mưa, chui vào long bào, ôm chặt Hoàng đế mà khóc. Hoàng thượng cho lui hết đám người xung quanh, ôm Thái tử mà nói, rằng bậc Đế vương phải cứng rắn từ khi còn là đứa trẻ, Thái tử sau này sẽ trở thành vua, nếu không thể thành vua vì chuyện bất trắc thì tên tuổi cũng sẽ được ghi chép lại, lưu hành nhiều đời, bởi thế nên khi nào quá lắm mới hẵng khóc, nam tử hán khóc là nhục lắm. Thái tử còn nhỏ, dùng long bào như khăn lau mũi, trách yêu Hoàng đế đã lâu không đến Đông cung, đến mức cá dưới sông, chim trên cành, hoa lá trong vườn đều quên mất Hoàng thượng, nếu Thái tử cũng vô tâm chắc chắn cũng sẽ không nhớ cả mặt của Phụ hoàng mình.
- Thế Thái tử đây có thấy ghét trẫm không?
- Hoàng nhi không dám!
- Ngoan lắm!
Hoàng đế thấy con trẻ đáng yêu trong tay mình, liền nhớ đến lý do mình cho gọi Phạm Khuê đến đây, chính là bàn đến chuyện cho ba đứa trẻ nhà Khương kia vào chơi.
- Trẫm nghe Thiên Tường Hoàng hậu nói, con muốn cho mời ba đứa trẻ nhà Khương vào cung, chuyện là thế nào, kể lại hết cho ta nghe!
- Là Tô công công nói với Hoàng nhi. Ông ấy nghe Hoàng nhi đòi bạn thì mách nước rằng Hoàng hậu có ba đứa cháu họ, một đứa mười một tuổi, một đứa chín tuổi, đứa nhỏ nhất cũng sáu tuổi, Hoàng nhi cho mời cả ba vào cung, bốn người là số chẵn, có thể cùng Hoàng nhi chia phe chơi thúc cúc.
- Là Tô công công à? Thế con đã ban thưởng cho khanh ấy hay chưa? Hay là... lại dùng cái chân nhỏ này, đá bóng trúng mặt khanh ấy như trước kia?
Hoàng thượng cầm chân phải của Phạm Khuê giơ lên, ý nói đến cái chân mà mấy tháng trước đá bóng trúng vào mặt của Tô công công, nhưng lại không biết lỗi mà lại còn trách công công cản đường. Hoàng thượng có việc đi ngang đó, thấy Thái tử còn nhỏ mà đã ngỗ nghịch, không dạy sớm sau này sẽ thành bạo quân, liền cho gọi Thái tử đến, mắng cho một trận, phạt không cho ra vườn chơi một tuần, cắt nửa năm bổng lộc đem chia ba phần cho Tô công công, bảy phần cho các cung nữ và công công khác, còn phạt cắt giảm một nửa số bánh kẹo, đến giờ vẫn chưa thi hành xong.
Thái tử nhỏ vừa nghe vua cha nhắc đến vụ đó thì ỉu xìu xụ mặt xuống, ôm lấy tay của Hoàng thượng mà nói:
- Hoàng nhi biết lỗi rồi, phạt cũng đã phạt, trách cũng đã trách, sao người lại nhắc lại làm gì?
- Sau này làm vua, mọi chuyện con làm, mọi điều con nói, đều sẽ có Sử quán ghi lại, làm thành tài liệu cho lưu truyền đến muôn đời sau. Nhắc để con biết lấy đó làm lời dạy, sau này mọi bước con đi, mọi việc con làm đều phải nghĩ đến có người biết được. Nghĩ thế mà liệu. Lúc nhỏ con chơi đùa làm bị thương đến cận thần, nếu không dạy, sau này lớn lên con sẽ sinh ra tật xem thường quan lại, không biết dùng người, dễ đánh mất thiên hạ. Nhưng chuyện đó sau hẵng bàn, còn bây giờ trẫm hỏi Thái tử, Thái tử cho mời người lạ vào cung chơi, thế đã có nghĩ ra cách thử xem mấy đứa nhỏ kia là người như thế nào hay chưa?
Hoàng thượng là người có thông minh, tư tưởng tiến bộ, nhưng với việc đưa trẻ con vào chơi với Thái tử, Hoàng thượng cũng là người suy nghĩ nhiều, sợ rằng nếu tâm phúc bên cạnh Thái tử là đứa ngu dốt thì có chút lo lắng. Vốn định sẽ tự mình hỏi thăm ba đứa nhóc kia, nhưng sợ thân Quân vương sẽ làm ba đứa nhóc kia hoảng sợ, nên chuyển sang việc bày kế cho Thái tử, để Thái tử tìm cách thử xem công tử và tiểu thư nhà Khương Thừa là người thế nào.
Nhưng Thái tử lại chưa nghĩ đến việc này, chỉ nghĩ đến việc có trẻ con vào chơi, như Khương Nhiên Thuân chưa nghĩ đến chuyện làm quan, thì Thôi Phạm Khuê cũng chưa bao giờ nghĩ đến cả việc phải thử xem làm gì. Trẻ nhỏ nghe vua nói đến việc này, liền bày ra vẻ mặt chó con, ôm tay phụ hoàng mình lắc lư.
- Con không biết... nhưng mà trẻ con trong thiên hạ, chẳng phải đều bé nhỏ, đáng yêu, ngoan ngoãn hay sao?
- Nhưng trẻ con làm tâm phúc cho Thái tử ít nhất phải là đứa biết điều... trẫm chỉ cho kế này, ngày mai chỉ cần con hỏi một câu, sẽ biết được nên trọng dụng đứa trẻ nào, sau này làm vua nên phong quan cho đứa trẻ nào đầu tiên.
- Hoàng nhi xin nghe lời!
Thái tử vâng lời Hoàng thượng dạy, sử dụng kế bày ra trò đốt cầu để thử xem phản xạ của ba đứa trẻ nhà Khương. Hoàng thượng căn dặn, để ý xem ba đứa, đứa nào phản xạ nhanh nhất, đứa nào nói nhiều lời nhất, lời nó nói là gì, và đứa nào không có phản xạ, sau khi mặt trời lặn thì về bẩm báo lại cho Hoàng thượng.
-----
- Nhiệm vụ của bổn Thái tử thế là thành công!
Thái tử vui đến cười thành tiếng, Khương Thái Hiền lấy làm lạ, lại nhìn bàn tay đang nằm trong tay Thái tử, nhẹ giọng hỏi lại.
- Thái tử, người có nhiệm vụ gì cần làm sao?
- Đúng là... ta có việc cần làm!
Thái tử nhớ lại lời của Hoàng thượng, không được hé răng nửa lời về vụ xét thử này, chỉ xua tay bảo rằng không đốt cầu nữa, nói rằng bổn Thái tử thấy Khương Thái Hiền nói có lý, nên dừng việc đốt cầu, xem như vừa rồi là còn non trẻ nên có chút hồ đồ.
- Ta chỉ giỡn thôi!
- Giỡn thôi sao?
- Thế Khương Thái Hiền muốn ta đốt thật à?
- Dạ... không dám...
Thái Hiền để ý Phạm Khuê rất hay nhìn mình, với Nhiên Thuân và Ái Hân thì hiếm khi đặt mắt tới, nhưng với Thái Hiền thì như đã gặp nhau từ lâu, cứ chốc chốc lại nhìn sang một lần.
- Thái tử... mặt thần có dính gì sao?
- Không, chẳng dính gì cả! Chỉ là chúng ta cùng là chín tuổi, nên với ngươi cảm thấy có chút thân quen... – Phạm Khuê ngưng lại một chút, một bàn tay đặt dưới cằm, nhíu mày nhìn kỹ gương mặt của Thái Hiền một chút. – Với cả... nhà ngươi cũng rất đẹp nữa, so với ta thậm chí còn đẹp hơn. Gương mặt, ánh mắt và cả cái mũi này nữa, trong cung có rất nhiều người đẹp, nhưng đẹp như ngươi thật ra rất hiếm.
Trước lời khen của Thái tử nhỏ, Thái Hiền không rõ vì sao lại đỏ bừng mặt mũi, ngại ngùng lắp bắp, bàn tay xoắn lại vào nhau, bối rối cảm ơn. Phạm Khuê hiếm khi khen ngợi ai, công công cùng cung nữ bên cạnh cũng cảm thấy ngạc nhiên. Còn Nhiên Thuân với Ái Hân cũng thấy lạ, nhưng là thấy lạ vì biểu hiện bối rối của Thái Hiền.
- Huynh ấy bị kiến bò lên tay à? Sao lại cứ xoắn lại vào nhau thế?
Ái Hân ngô nghê hỏi một câu, lập tức làm Thái Hiền đơ người.
- Chỉ... chỉ là trước giờ... hiếm... hiếm ai... hiếm ai khen ta đẹp thôi! Nên... nên là... nên là ngại!
Thôi Phạm Khuê nhìn đứa nhóc nữ nhân trước mắt đang chỉ tay vào huynh nó mà hỏi, còn Thái Hiền lại đỏ hết mặt mũi, trong mắt Thái tử lại trở nên rất dễ thương.
- Vậy thì sau này ta sẽ khen ngươi nhiều hơn! Được rồi, đi chơi thôi!
Thôi Phạm Khuê vui mừng ôm lấy cả cánh tay của Thái Hiền, kéo cậu đi một lần nữa, lần này là kéo vào bên trong cung để cho ba đứa nhỏ được xem phòng của Thái tử.
- Đi thôi đi thôi, Phụ hoàng vừa cho ta một giỏ trái cây, ta chia cho các ngươi, sau đó theo ta đi câu cá, hôm nay không học gì hết, chơi nốt hôm nay rồi ngày mai ta sẽ bảo Tô công công mang sách vào cho các ngươi cùng học!
Nói rồi, kéo theo Khương Thái Hiền đi liền một mạch không ngoảnh lại, làm Ái Hân lại lạch bạch chạy theo tam ca của nó.
-----
Mùa xuân năm 1100, năm Hội Phong thứ chín.
Tháng hai, tiết Vũ thủy.
Sử quán chép: "Nhà họ Khương đến đời này mới có ba người làm quan, Thiên Tường Hoàng hậu, húy là Khương Hoa Đan vốn chỉ là người bà con xa. Tính từ Khương Thừa thì có Khương Giáp trấn giữ tây Quốc Oai, Khương Lam được phong danh Đông Hải mãnh hổ tướng, nắm giữ biển của phủ Thanh Hóa. Còn có Khương Hoan là đàn bà nhưng cũng là tướng dưới trướng của Lam. Nhìn sang Đại Tống mà thấy, trước đây có Đường Cao Tổ Lý Uyên làm phản, xa hơn có Tùy Văn Đế Dương Kiên lấy quyền để đoạt ngôi; mà Lý Uyên là cháu của Độc Cô Hoàng hậu, Dương Kiên là Quốc trượng của Bắc Chu Tuyên Đế; suy ra muốn làm phản đoạt ngôi không là người nhà của Hoàng đế, thì cũng là quan đại thần.
Cái họ Khương có hai tri phủ, một tướng quân, một tiểu tướng đàn bà, vậy mà vẫn có người lo sợ làm phản, nghĩ đến là thấy khôi hài..."
_____
Bổng lộc (danh từ): tiền lương.
Ngũ phẩm: các chức quan trong thời kỳ phong kiến thường được định bằng 9 thứ hạng, từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Ngũ phẩm là thứ năm.
Giao Tông, Kiến Tôn và Nghi Tôn: chưa tìm thấy 3 cái tên này trong lịch sử, là mình tự nghĩ ra, nếu sau này tìm ra là có thật thì sẽ thay đổi sau.
Vua Lê băng: đang nói đến vua Lê Long Đĩnh. Trong lịch sử thật, sau khi vua Lê băng hà, Thái tử còn bé, hai người em của vua tranh cướp ngôi. Lý Công Uẩn là tướng dưới triều Lê dẹp loạn và được ủng hộ lên ngôi. Trong fic này mình dùng triều Lý làm mốc thời gian cho triều Thôi, tuy nhiên sẽ không đề cập đến các công lao của triều Lý vì đây là mạo phạm lịch sử. Triều Thôi trong fic không hẳn là được ủng hộ, mà là đã cấu kết lẫn nhau để giành ngôi, sau khi giành được thì đối đãi tốt để tránh nghiệp báo. Như vậy, vẫn không đụng chạm đến lịch sử thật.
Tâm phúc (tính từ): thân thiết, đáng tin cậy.
Vườn ngự uyển (danh từ): vườn trong cung Vua.
Trưng Vương: vua đang nói đến Hai Bà Trưng.
Việc vua suy nghĩ không có con trai thì nhường cho con gái là vua nói riêng với Khuê để tránh phản loạn lén giết Hoàng tử. Suy nghĩ này của Vua được mình nghĩ đến khi đọc Đại Việt sử ký toàn thư, hầu như mọi Công chúa, Hoàng hậu đều rất ít khi được nhắc đến, còn bị xem nhẹ, có người không có ghi chép tên thật mà chỉ ghi hiệu.
Hoàng nam (danh từ): con trai của Vua.
Hồng Hà: tên của sông Hồng. (hà: sông)
Tiên đế: các vị vua trước đây.
Văn hóa trước khi khởi công xây dựng phải làm lễ là văn hóa lâu đời của nước ta, có truyền thuyết rằng khi xây thành Cổ Loa, thành cứ xây lên là bị đổ, lập đàn cúng thì mới an ổn. Gọi là cúng động thổ.
Sử quán: cơ quan ghi chép lịch sử.
Đường Cao Tổ Lý Uyên: vua đầu tiên của triều Đường, phản Tùy, sau này ép vua Tùy nhường ngôi, là cháu ruột của Độc Cô Già La – Hoàng hậu đầu tiên của triều Tùy, vợ của Tùy Văn Đế Dương Kiên. Sau khi Tùy Dạng Đế Dương Quảng (con của Văn Đế) lên ngôi và nhà Tùy suy yếu, Lý Uyên phản Tùy, lập Tùy Cung Đế Dương Hựu (cháu nội của Dương Quảng) làm Hoàng đế, sau này ép Tùy Cung Đế nhường ngôi, lập ra triều Đường.
Tùy Văn Đế Dương Kiên: vua đầu tiên của triều Tùy, là cha vợ của Bắc Chu Tuyên Đế, sau khi Tuyên Đế mất, lấy quyền cha vợ để làm nhiếp chính, sau này dẹp phản quân, đoạt ngôi từ Vũ Văn Xiển, lập nên nhà Tùy ở phía Bắc, rồi cùng hai con và các tướng của mình chinh phạt triều Trần ở phía Nam, thống nhất Trung Hoa. (ông này là dượng của ông ở trên)
Ở đây Sử quán đang cho rằng chuyện các quan kia lo nhà Khương tạo phản là chuyện hoang đường, vì nước lớn như Trung Quốc đã có hai tấm gương làm phản là người quen của Vua, còn nhà Khương có quan hệ quen biết ít ỏi, Hoa Đan Hoàng hậu chỉ là em họ của Khương Thừa, sinh Thái tử còn chết yểu thì không đủ khả năng làm bệ đỡ cho nhà Khương.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top