[58] Chiến tranh qua đi

Nửa đêm ngày 28 tháng Giêng năm Nguyên Phong thứ 8.

Từ nơi trú quân là Hoàng Giang, Trần Thái Tông ngự lâu thuyền ngược sông, bất ngờ đánh thẳng vào Thăng Long. Ngột Lương Hợp Thai cứ ngỡ lực lượng quân Trần đã kiệt quệ sau trận thua ở Bình Lệ Nguyên và Phù Lỗ nên rất chủ quan, lại thêm đói khát túng quẫn, do đó khi bị tập kích đã không kịp trở tay, bị thua to. Sau khi bị phá tan tại Đông Bộ Đầu, quân Mông Cổ không giữ nổi Thăng Long nữa.

Quân Thát đồng loạt tháo chạy thẳng về Vân Nam, cũng bằng con đường dọc theo sông Hồng. Quân Mông rút lui quá nhanh, ngoài cả dự tính khiến Trần Thái Tông chưa kịp bố trí lực lượng đón đánh.

Tuy nhiên khi đến trại Quy Hóa, quân Thát bị chủ trại là Hà Bổng tập kích kịch liệt. Trong số quân của Hà Bổng có những người Thái chạy từ nước Đại Lý vừa bị Mông Cổ diệt, muốn trả thù người Mông Cổ nên đã đánh rất hăng khiến quân Mông Cổ khốn đốn.

Trên đường rút về, do sợ bị quân Trần truy đuổi, quân Mông Cổ rút nhanh và không cướp phá dân chúng, do đó người An Nam mỉa mai gọi là "giặc Phật". Sử quan nhà Nguyên chép trên tư thế "thiên triều" nên không chịu nhận thất bại, ghi rằng:

"Quan quân chiếm được kinh thành nước Nam, ở lại 9 ngày, vì khí hậu nóng nực nên rút quân về. Lại sai sứ giả gọi Man vương Trần Cảnh về, trả lại nước cho. Quan quân tuần tiễu không cướp phá dân chúng, nên dân Man gọi là giặc Phật"

Thực tế, quân Mông Cổ đánh Đại Việt vào tháng 1, đúng vào giữa mùa đông, do vậy không thể có chuyện "khí hậu nóng nực nên rút quân về" như Nguyên sử chép được.


Với chiến thắng quá chóng vánh này, khi Trần Thái Tông trở về kinh thành, dân chúng đổ ra đường hò reo:

"Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong."

(Người lính già tóc bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong)

*Nguyên Phong là niên hiệu cuối cùng của Trần Thái Tông.





Sau trận chiến, Cảnh định công ban thưởng, Lê Tần đứng đầu, có công cứu giá vua.
Y đóng long ấn lên chiếu thư, nhìn Lê Tần đứng dưới vẫn chắp tay cung kính.

-Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau.

Sử chép thế nào thì mặc sử, sự thật cũng chỉ có bốn người họ biết mà thôi.

Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8.
Mùa xuân, Trần Thái Tông đem hoàng hậu cũ là Lý Thị gả cho Ngự sử Đại phu Lê Tần. Đồng thời ban tên Lê Phụ Trần, tức là họ Lê mà có công phò tá họ Trần.

Cảnh mỉm cười nhìn xuống bá quan văn võ đều đang trơ mắt nhìn vua, cả Trần Thủ Độ cũng như chết điếng. Chỉ có Lê Tần là đang cười.

Thiên Hinh với tư cách là Chiêu Thánh công chúa, đã chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt ấy, nhưng đặt ra 3 điều kiện.

Một là phải xóa bỏ lệnh truy sát tôn thất nhà Lý.

Điều này để người nhà Lý được yên, không cần phải cải sang họ khác để mất đi cái gốc gác nhà Lý nữa.

Hai là lăng miếu các vua chúa thời Lý phải được gìn giữ.

Điều này để đời sau vẫn có thể thắp nén hương cho những vị minh quân tài ba của triều đại hai thế kỉ này.

Cuối cùng là, nàng phải được sống cách xa kinh thành.

Điều này là để che giấu đi thân phận thật sự của Chiêu Thánh công chúa.


Hoàng đế đều chấp thuận. Chiêu Thánh theo Lê Tần về đất Bạch Hạc sống.

Nhờ tuổi hãy còn trẻ của Liên, dân gian ở đó không ngớt lời ca ngợi, Chiêu Thánh công chúa dẫu đã qua tuổi xuân nhưng vẫn mặn mà xuân sắc.
Nghe đến đó, Thiên Hinh chỉ bật cười.


Nhưng quyết định của Cảnh lại khiến y bị chỉ trích nặng nề. Dẫu không ai dám nói trước mặt y, nhưng đằng sau lưng y, cả thiên hạ buông lời oán trách:

"Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!"

Nhưng y lại chẳng thấy tức giận, y thấy xót xa.

Chẳng những dân chúng trách, vua quan đời sau cũng vô cùng chỉ trích Cảnh, làm vua khai lập triều đại lại nêu gương xấu cho con cháu nói theo.

"Chiêu Hoàng duyên trước làm sao?
Gả đi bán lại, coi vào khó nghe!
Bởi ai đầu mở hôn phong,
Khiến nên một đạo khuê phòng thẹn riêng!"


Gả Chiêu Thánh công chúa đi rồi, Cảnh cũng thẫn thờ ngồi một mình trên long ngai tối om, cô đơn nhìn xuống. Bảy năm sẽ trôi qua nhanh thôi mà. Đã đến lúc y thực hiện bước đi của mình.

Cũng năm đó, ngày 24 tháng 2, Trần Thái Tông truyền ngôi cho Hoàng Thái tử Trần Hoảng, lui về làm Thái Thượng hoàng, được tôn làm Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế. Trần Hoảng lên ngôi tức Trần Thánh Tông. Lệ Thái thượng hoàng của nhà Trần từ đây thành truyền thống, thứ nhất tránh việc tranh giành ngôi báu giữa các con do đã sớm được định đoạt, thứ nữa là rèn luyện cho vị Hoàng đế mới cai trị đất nước càng sớm càng tốt.





Cảnh nhìn con trai giương cặp mắt hồn nhiên nhìn mình, y choàng long bào lên cho con, rồi khuỵu xuống ôm lấy hai vai con thật chặt. Cậu bé đi từng bước lên long ngai rồi phất tay cao. Nhà Trần đến nay, đã được hai đời vua rồi đấy.

Cảnh chỉ mỉm cười rất khẽ, tự hào nhìn gương mặt sáng láng của con. Y chắp tay sau lưng, nhìn lên bầu trời qua cửa điện Thiên An, nơi bầu trời xanh yên bình, cờ nước Nam tung bay khảng khái.

-Thiên Thiên, bảy năm nàng nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top