TỪ THIỆN LÀ GÌ? THẾ NÀO LÀ THIỆN NGUYỆN? LÀM SAO ĐỂ GIEO THIỆN CĂN?
*****
Hôm nay, sư thầy và chú tiểu có việc phải xuống núi.
Dọc đường đi, nhờ hữu duyên nên hai thầy trò gặp được một người - một thiện nhân, người đó đã tùy duyên cho hai thầy trò một túi bánh bao.
Sau khi nhận và cảm tạ, sư thầy đưa túi bánh đó để chú tiểu tùy nghi hóa duyên.
Vào đến thôn làng, chú tiểu nhìn thấy một nhóm người chạy nạn rách rưới và đói khổ, có cả người già, phụ nữ và con nít nên chú tiểu đã tặng hết cả túi bánh bao đó cho nhóm người kia, dặn họ trước khi ăn bánh bao thì hãy cảm ơn Trời, Phật.
Sau khi xong việc, trên đường quay trở lại chùa, chú tiểu mới hỏi sư thầy của mình:
- Bạch thầy, con tặng bánh bao như vậy, có sai hay không?
Sư thầy đáp: "Không sai."
Chú tiểu cười vui, rồi hỏi tiếp:
- Bạch thầy, con tặng bánh bao như vậy, có đúng hay không?
Sư thầy đáp: "Có đúng."
Chú tiểu hớn hở hơn, rồi lại hỏi thầy thêm một câu nữa:
- Bạch thầy, con tặng bánh bao như vậy, có tốt hay không?
Sư thầy đi chậm lại, nhìn chú tiểu rồi nói: "Có tốt, nhưng chưa trọn vẹn."
Sau đó, sư thầy vừa đi vừa từ tốn kể cho chú tiểu nghe một câu chuyện.
*
"Xưa có một lão nghệ nhân hành nghề tạc tượng đá. Sau mấy chục năm tâm huyết với nghề thì tài sản – di sản mà ông ta tích lũy được, là một xưởng chế tác và hai người học trò chân truyền, một người tên là Trí, một người tên là Tâm.
Hai người học trò Tâm, Trí đều giỏi giang, siêng năng,và yêu nghề như nhau. Lão nghệ nhân vì muốn giữ gìn nghệ truyền của tổ nghiệp nên định chọn một trong hai người học trò để gửi gắm hết tất cả những gì mà mình đang có, nhưng lão lại không biết phải chọn ai. Thế nên tới một ngày kia lão nghệ nhân kêu hai người học trò lại và nói rằng:
"Bây giờ hai con hãy xuất sư, tự ra ngoài để hành nghiệp trong hai mươi năm. Sau hai mươi năm hãy quay lại đây, trò nào phát dương quang đại nghệ truyền của tổ nghiệp tốt hơn, tạo ra được nhiều danh tiếng, cống hiến hơn thì hãy thay ta kế thừa và phát huy chính mạch của tổ nghiệp."
Hai người học trò Tâm và Trí nghe theo lời thầy, sắp xếp mọi thứ xong xuôi thì khăn gói ra đi. Họ như nhau về mọi thứ khi bước ra khỏi cổng nhà thầy, thời gian học như nhau, kiến thức có được như nhau, kỹ năng luyện nghệ như nhau, và gói hành trang họ đem theo cũng như nhau.
Trí là người tự tin, thông minh, khôn khéo, vừa giỏi nghề vừa giỏi thu phục lòng người. Trí tìm đến một nơi non xanh nước biếc phong cảnh hữu tình, mở xưởng điêu khắc đá ở đó, chọn một phiến đá lớn để dựng trước cửa rồi tạc lên dòng chữ: "Tại đây trong 20 năm, sẽ tạc ra được một bức tượng khiến tất cả nhìn vào đều phải ngưỡng mộ."
Lời quảng cáo đó quả nhiên rất hiệu quả.
Sau 5 năm đầu, có rất nhiều khách hàng tìm tới để mua tượng của Trí, và cũng có rất nhiều người tới để xin học nghề.
Sau 10 năm, xưởng tượng của Trí đã là lớn nhất trong vùng, quy mô đã mở rộng ra gấp năm gấp sáu, đơn hàng nhộn nhịp, số lượng thợ, số lượng học trò đã lên đến con số hàng chục hàng trăm.
Sau 15 năm, việc làm ăn của Trí đã lan rộng khắp bốn phương, đâu đâu cũng có chi nhánh, gần như mọi nhà quyền quý hay nơi nghiêm trang đều có đặt trong đó ít nhất một pho tượng của Trí. Không ai bảo ai, mọi người đều nghiễm nhiên coi Trí là đệ nhất trong lĩnh vực tượng tạc.
Nhưng khi thời hạn 20 năm sắp tới thì bắt đầu nảy sinh vấn đề. Mọi người dần nhắc lại và bàn tán về cái lời tuyên cáo của Trí năm xưa, bọn họ đều trông mong được nhìn thấy cái gọi là 'pho tượng khiến tất cả cùng ngưỡng mộ' kia.
Thời hạn càng tới gần thì mọi người bàn tán càng xôn xao, có tò mò, có kích thích, có ngưỡng mộ, và có cả nghi ngờ. Lời quảng cáo đó chính là câu nói đầu môi mà tất cả thợ thầy, nhân viên, quản lý tiệm, người quen, bạn hàng, hay thậm chí là chính Trí dùng để khuếch trương việc làm ăn trong suốt 20 năm qua.
Chữ khắc vào đá, tiếng lọt vào tai, lời ghi nhớ vào đầu, vậy nên việc rút lại là không thể, chỉ có thể chứng minh.
Chứng minh mà không được, nhẹ là thất tín, nặng là phản bội lòng tin, nghiêm trọng hơn thì chính là lừa gạt, lừa đảo. Người với người giao kết - hợp tác với nhau, có thể chấp nhận chuyện tiểu nhân trục lợi, nhưng không thể chấp nhận chuyện ngụy quân tử buôn danh lừa gạt lòng người.
Đó là thường tình thế nhân, còn sống chung với người mà mất đi nhân hòa, thì không đâu chứa chấp, không chốn dung thân.
Bản thân Trí cũng rất cố gắng trong chuyện thực hiện lời hứa, 20 năm qua chỉ có 10 năm đầu là Trí lấy chuyện kinh doanh làm chính, còn 10 năm sau khi mọi thứ đã sắp xếp ổn thỏa, thì Trí luôn nghĩ về việc phải tạc ra pho tượng như thế nào cho xứng đáng với tuyên cáo của mình.
Nhưng tất cả đều không được, thậm chí Trí đã chi ra hơn phân nửa tài sản tích lũy được để săn lùng tìm mua về những tảng đá lớn nhất, những tảng thạch ngọc quý giá nhất, những nguyên liệu vật liệu tốt nhất trong việc tạc tượng.
Để rồi tất cả những sản phẩm Trí tạo ra đều không đạt, không đủ, không đến. Giỏi lắm thì cũng chỉ là 'nhiều người yêu thích', chứ đạt tới mức 'mọi người cùng ngưỡng mộ' thì không thể nào.
Chính Trí là thợ tạc ra mà còn nhận thấy điều đó, thì dĩ nhiên những người khác nhìn vào cũng sẽ nhận ra điều đó. Đến những người thân quen thân thuộc của Trí trong suốt 20 năm nay, cũng đã bắt đầu tỏ ra nghi ngờ Trí.
Lúc này, nếu kêu Trí đem hết gia sản ra để đổi lấy một tác phẩm xứng đáng, thì Trí cũng toại lòng. Thứ Trí lo lắng lúc này không chỉ là lợi ích của bản thân mình, mà còn là danh tiếng của tổ nghiệp bao năm qua, của lão sư phụ đã dành cả đời để gìn giữ và truyền dạy tận lực tận tình cho Trí.
Trí không phải là người xấu, cũng chưa từng muốn làm chuyện xấu, nếu được chọn lại thì chắc chắn Trí sẽ chọn một cách khác tốt hơn, chân chính hơn để làm. Nhưng hỏi chữ nếu kia một khi đã xuất hiện, thì có mấy khi được như ý nguyện đây?
Rồi ngày hẹn đã tới, xung quanh chỗ của Trí đã có rất nhiều người từ khắp nơi kéo đến, xa gần thân lạ đều có đủ, tò mò, mộ danh, háo hức, mong chờ, và hồ nghi.
Trước đây Trí từng nghĩ qua việc đem ra một pho tượng đắt giá nhất, ưng ý nhất để trưng ra với mọi người. Nhưng lúc này thì Trí không muốn tiếp tục sai nữa, không muốn từ vô ý mà thành cố ý gạt người, gạt chính mình.
Vậy nên Trí quyết định chờ đến khi mọi người đã tụ tập đông đủ, thì Trí sẽ bước ra để trực tiếp xin lỗi, để nhận lỗi, để mong mọi người bỏ qua, tha thứ, và Trí sẵn sàng chuộc lỗi, sửa lỗi. Chỉ cầu mong người phải gánh chịu là Trí, chứ đừng ảnh hưởng đến tổ nghiệp, đến lão sư.
Lúc mà Trí vừa mới bước ra đó, thì bỗng nhiên tất cả mọi người cùng nhìn về một hướng, rồi ồ lên kinh ngạc, rồi đắm đuối ngắm nhìn, rồi thành kính mà cúi đầu chắp tay cảm tạ, cùng ngưỡng mộ, cùng tri ân.
Là ở phía xa xa kia khi bóng chiều vừa đổ xuống, ánh nắng mặt trời phía sau đã gửi tia sáng chiếu rọi phát quang cho ngọn núi phía trước, một ngọn núi to lớn hùng vĩ có hình bóng của đức Phật bác ái, đại thiện, bao la, và vĩnh hằng.
Đó không chỉ là một pho tượng để ta nhìn bằng mắt rồi trầm trồ ngưỡng mộ. Đó là một tạo tác hòa hợp giữa nhân cảnh, thiên cảnh, và đạo cảnh, để ta cảm nhận và ghi khắc vào sâu trong tâm hồn thần thức. Từ đó mà lĩnh hội, mà nhận được sự cảm ngộ tâm linh kết nối với chỉ dẫn đại từ đại bi đến từ chốn chân thiện mỹ đại thừa.
Tượng, núi, cây cỏ, thái dương hay hình hài tạo tác... riêng lẻ là hữu lượng, nhưng khi hài hòa kết hợp lại và gửi toàn vẹn đến chúng sanh, để dẫn dắt, vỗ về, và bảo vệ từ sâu bên trong tâm thức của mỗi người, công đức đó là vô lượng.
Tượng thiên tòa đại năng được hình thành bởi nhân - tạo hóa đó, là do Tâm đã dùng suốt 20 năm qua để trồng cây, dời đá, và gõ núi để tạo thành. Búa là thân, mũi khắc là tâm, và hình hài là trọn vẹn tâm nguyện của mình.
Lời hứa hẹn mà Trí đưa ra kia nếu tính là một, thì thứ mà Tâm gửi đến chính là gấp ngàn vạn lần."
(Câu chuyện của Tâm và Trí trong hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời, trên con đường tạo ra di sản cho thế nhân xin được ngừng kể ở đây. Những chuyện tiếp theo nếu có, thì cũng là chuyện của nhân gian, vậy xin phép để đoạn kết, ý nghĩa hay bài học cho nhân gian kể tiếp, nhân gian phân định, và trình bày.)
*
Khi sư thầy kể xong chuyện thì vẫn bình thản từ tốn đi phía trước, tạo không gian thanh tĩnh cho chú tiểu đang chìm vào suy nghĩ phía sau.
Một lát sau thì chú tiểu mới chạy lên mà thưa với sư thầy:
- Bạch thầy, con hiểu rồi ạ! Là con nhờ có sự chỉ lối của đường tu mà có Trí, nên con mới biết việc tặng bánh bao là 'không sai', là 'có đúng' để làm.
Nhưng Tâm của con còn nhỏ, chưa trọn chưa vẹn, nên có làm mà không có 'đủ tốt' như việc đó có thể.
Nhẽ ra vừa rồi con chỉ nên tặng bánh bao, và không nên mượn danh Trời, Phật để đòi hỏi từ họ tiếng cảm ơn nào.
Nếu con có Tâm gửi đi, thì họ sẽ nhận được đến tận sâu trong Tâm của họ, lúc đó việc tốt hay sự biết ơn sẽ có ở tận sâu bên trong, chứ không phải biểu hiện bên ngoài bằng cửa miệng.
Là con đã làm mất đi một phần thiện, phúc, mà món quà túi bánh bao có thể tạo ra cho chúng sanh, cho thế gian.
.
Sư thầy không nói gì cả, chỉ xoa đầu mỉm cười hòa ái với chú tiểu rồi tiếp tục đi về chùa.
Khi về tới rồi, thì sư thầy mới dừng lại ở ngay một bước trước cổng chùa mà nói với chú tiểu rằng:
"Vừa rồi là con đã 'tự giác' về chuyện trong nhân gian, ta là thầy của con, với chuyện diễn ra trong nhân gian thì ta không thể đòi hỏi con có được nhiều hơn thế."
Sau đó sư thầy bước thêm một bước nữa vào trong cổng chùa, rồi nói tiếp với chú tiểu:
"Bây giờ ta đang ở trong lớp học của đấng đại năng, đấng từ bi tuệ huệ, là người thầy lớn nhất mà ta nguyện hướng theo.
Bản thân ta lúc này cũng là một người học trò, vậy nên ta phải có trách nhiệm chia sẻ thêm một bài học nữa với con, bài học mà ta học được trên con đường tu đạo của ta để giúp con 'đốn ngộ', để giúp chính ta toàn vẹn hơn trong sứ mệnh gìn - dưỡng và truyền thừa đại đạo.
Trí vô biên, Tâm vô lượng.
Đại đạo vô tận, nếu lấy Trí dẫn đường thì con sẽ lạc lối.
Phải có Tâm kề bên, bao bọc, che chở và bao dung thì mọi con đường con đi con chọn mới có thể thành hình, mới có thể đạt được ý nghĩa và toàn vẹn nhất.
.
Nhưng đó chỉ mới là con đường, là cách mà con dùng để bước đi. Vẫn còn một thứ khác cao hơn, lớn hơn, bao la hơn cả Trí và Tâm. Chính là Thiện.
Chân Thiện là điều ta đang học, đang ngộ, đang hướng tới, vậy nên ta chưa thể nói cho con nó là gì.
Nhưng Thiện trong thế gian thì ta có thể giảng lại cho con những gì ta đã học được từ người thầy lớn của ta.
.
Thiện không có giới hạn, không có mưu cầu sở hữu, đạt được, chiếm hữu được, hay ghi danh đóng dấu được.
Chỉ có Thiện Căn, hạt mầm của Thiện, là thứ có sẵn trong bao la trời đất, là thứ có sẵn trong ta, để ta nuôi dưỡng nó thành nhiều hạt mầm mới, rồi tự nguyện từ bi hỷ xả trao hết trọn vẹn cho người mà không cần hồi đáp.
Để người có thêm thiện, có thêm hạt mầm, rồi nuôi dưỡng, rồi lại trao tiếp đến mọi người.
Từ đó, Thiện được lan tỏa khắp thế gian, nảy mầm trong trời đất, để ta và mọi người không cần chủ tâm chiếm lấy, không cần giành giật gói gom, mà vẫn có thể có Thiện, sống trong Thiện, trọn vẹn trong Thiện nguyên lành.
.
Ví như vừa rồi, nhẽ ra con nên nói với những người khổ nạn kia thêm một câu rằng:
"Chỗ bánh bao này, là chú tiểu con nhận được từ một thiện nhân từ tâm. Nay con xin phép được gửi, xin phép được tiếp nối chỗ thiện căn này đến với mọi người, để tất cả chúng ta đều có thiện căn trong chính mình, được nhận, và được cho đi trong cõi bao la, bác ái, tình người."
Cách cho đó, câu nói đó, cách gieo thiện đó, không bao giờ là sai.
Bởi giả dụ như con không phải là một chú tiểu, không phải là người xuất gia thanh tịnh mà con là một người thế tục, có tài sản kế thừa, có tích lũy tự thân, rồi con dùng tài sản đó để làm từ thiện thì câu nói trên, cách gieo thiện căn trên vẫn đúng.
Con bỏ công sức, bỏ trí óc bỏ mồ hôi nước mắt ra để kiếm được tài sản, nhưng đó cũng chỉ là một con đường, một cánh cửa, một lực hút, một sự dắt lối để tài sản đến với con.
Còn ngọn nguồn của tất cả tài sản đó là từ mọi người, từ nhiều người nhiều đời, từ nhiều kiếp nhiều thế hệ cùng chung tay tạo ra để nó có trên thế gian này.
Họ từng có tài sản và họ đã mất đi, để bây giờ tài sản đó đến được tay của con và của những người khác trong hiện tại.
.
Nếu như con muốn dùng tài sản để thỏa thân con trong hiện tại, thì hãy biết trước rằng sẽ có một ngày tất cả chúng sẽ mất đi kể cả chính bản thân con.
Còn nếu như con muốn hành thiện, muốn gieo thiện căn, muốn tích đức tạo phúc cho tâm của mình trong vòng luân hồi nhân quả thì đầu tiên con phải biết tri ân đến những người dù vô danh, dù con chưa từng nghĩ đến hay biết đến, những người đã góp phần tạo ra con trong hiện tại.
Để con là trung gian lan tỏa Thiện Căn, đã và đang nhận được, sẽ mãi biết ơn, và luôn thiện nguyện trao đi.
Cho đi là từ thiện.
Cho đi không màng nhận lại là thiện nguyện.
Cho đi vì biết ơn, vì tri ân và thiện nguyện trao gửi, đó là Thiện Căn.
Từ thiện con có lợi cho thân con trong kiếp này.
Thiện nguyện con có lợi cho tâm con trong kiếp này.
Còn gieo Thiện Căn, thì mỗi lần con trở lại trong vòng nhân quả luân hồi, những hạt giống con gieo lúc này sẽ trở thành nhiều hạt giống mới có sẵn trong thế gian lúc đó, là điều thiện sẽ đầy ắp, sẽ nhiều hơn trong lần con trở lại.
Như vậy mọi thứ chẳng phải sẽ tốt hơn sao, cho cả con và mọi người, nghĩ được như vậy là đủ rồi.
Nhớ, trước biết tri ân, giữa biết vẹn tròn, sau biết hành thiện.
Như vậy sẽ tự nhiên có được một đời một kiếp một di sản một ý nghĩa bao la, vĩnh hằng, và đáng để thế hệ tiếp nối tri ân."
*
Sư thầy giảng xong thì thong thả đi vào trong nhóm bếp nấu cơm.
Chú tiểu cứ đứng ở đó, khi nào ngộ được thì vào trong ăn cơm với thầy.
Còn ngộ không được thì cũng vào ăn cơm tắm rửa ngủ nghỉ cho khỏe đặng có sức mai ngộ tiếp.
Đường đời bao la, đường tu rộng mở, hôm nay chú tiểu biết từ thiện, thì mai mốt sẽ biết thiện nguyện, rồi sau này cũng sẽ biết gieo Thiện Căn thôi.
Có Trí dẫn đường, có Tâm bảo vệ, thì sớm muộn gì cũng sẽ thấy được Chân Thiện tại cõi bao la, bác ái để vươn tới được một giá trị cao hơn cả sinh mạng hiện hành.
*
Trương Lang Vương.
*
Từ bi: bỏ xuống nỗi đau, bỏ qua lỗi lầm, đi qua khổ hạnh không oán trách. Đạo vị tha.
Bác ái: thương không so đo, yêu không xét nét, bảo bọc không hỏi đòi. Đạo yêu thương bao dung.
Từ thiện: cho đi thứ tốt mà không vướng bận trong lòng. Đạo buông bỏ. (Thiện: tốt; từ: bỏ xuống nhẹ nhàng).
Thiện nguyện: làm việc thiện với hạnh phúc và vui vẻ thật tâm. Đạo sẻ chia.(Nguyện: chân thành không tính toán, không mưu cầu).
Thiện Căn: Hạt giống, tinh túy khởi sinh đầu tiên của Thiện. (Căn: ban đầu, đơn lẻ. Căn nhà: một cái nhà. Căn nguyên: khởi nguyên duy nhất).
Thiện nhân: người có Thiện Căn bên trong và biết gieo ra.
Giác: nhìn thấy, nhận ra.
Ngộ: hiểu ra, hiểu rõ, hiểu thấu đáo.
(Còn những từ ngữ, điển tích, điển cố, điển pháp khác thì đã có chú giải giản lược dựa theo mạch nội dung ở những truyện trước, xin phép không ghi lại để tránh trùng lặp, lê thê hoặc kéo dài bài viết. Cảm ơn và xin lỗi vì đã làm mất thời gian đọc của mọi người. Thân ái!)
.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top