THẬP BƯỚC THA NHÂN
*****
Hắn ta là ăn cướp, là sơn tặc, nhưng lại thờ Bồ Tát.
Ngày thường lúc bao vây hay đâm chém thì hắn luôn tụt lại phía sau, giết được ai thì giết còn không thì cứ lượn lờ như vậy. Đợi tới khi tàn cuộc, nếu như có ai dù địch hay ta hấp hối thì hắn sẽ đi tới mà nắm tay rồi nói với người đó rằng "có Bồ Tát phù hộ, có Bồ Tát phù hộ, Bồ Tát chắc chắn sẽ phù hộ...'', cứ như vậy cho tới khi họ chết thì hắn sẽ vuốt mắt rồi đem đi chôn.
Đồng bọn cũng không ưa gì hắn, bởi hắn trẻ khỏe không mà liều lĩnh cũng không, tướng tá mặt mũi nhìn giống nông dân hơn là phường đao kiếm, và quan trọng nhất là đôi lúc hành động của hắn khiến bọn họ cảm thấy thương tâm. Đó là đại kỵ của kẻ bất nhân, tâm động thì tim đập tay run, mà tay run thì sẽ không cầm nổi đao kiếm để giết người.
Nhưng họ vẫn giữ hắn lại trong băng, vẫn chia một phần tiền cướp bóc được cho hắn, thỉnh thoảng nếu an toàn thì đám đồng bọn còn đứng chờ cho hắn chôn cất xong các thi thể rồi mới trở về. Lý do có lẽ là vì họ nghĩ "nếu như tới một ngày nào đó mà người phải nằm kia là mình, thì mình cũng sẽ được nghe hai chữ Bồ Tát, cũng được nắm tay, được vuốt mắt, rồi được chôn cất sao cho đàng hoàng".
Trông người mà nghĩ đến ta, cái đạo đức múa trên lưỡi đao từ lâu đã bị chặt đôi cho trôi theo dòng máu, còn sót lại đâu đó là chút tư tâm mơ hồ của cái nội tâm nhỏ yếu luôn không ngừng hoảng loạn, tự ảo tưởng cho rằng mình vẫn còn có thể có một chỗ ở xa xôi nào đó thấp thoáng bình yên.
Tới quỷ sai dưới địa ngục kia, thỉnh thoảng khi thấy trong lòng chột dạ bất an cũng đâu có gọi tên Diêm chúa, bọn chúng những lúc đó chỉ toàn cầu Bồ Tát thôi, như cái đám cướp này thì cũng mới chỉ là nửa quỷ, ôm chút viển vông như vậy là thường tình.
Hắn có thành tâm hay không?
Không. Đây cũng chỉ là một cách để hắn sinh tồn thôi. Hắn vốn là nông dân, năm đó vì khổ cực mà cùng đường nên mới theo phong trào người người rủ nhau lập băng đi ăn cướp. Lần đầu hắn giết người là dùng cuốc bổ xuống chứ không phải dùng đao, phải sau này khi đã rủng rỉnh thì đầu lĩnh mới phát vũ khí cho cả băng để làm công cụ kiếm ăn.
Cái chuyện cầu Bồ Tát khởi nguồn là do hắn sợ hãi chứ không phải vì thiện tâm, sợ hãi vì đôi bàn tay nhuốm máu, sợ hãi vì oán nghiệp và địa ngục, sợ hãi vì không thể chối bỏ cái sự độc ác đang được dung dưỡng bởi dục vọng trong mình.
Người thiện mỗi hơi thở đều là chân kinh, kẻ ác tụng nam mô đến rã mồm thì nước miếng văng ra cũng chỉ toàn là chất độc. Hại người giết người rồi lẩm bẩm tụng niệm siêu độ cho người, mở mắt thấy ác rồi nhắm mắt quay lưng để cầu cực lạc bình an, tới loài yêu ma cũng không thể đạo đức giả đến như thế.
Rồi tiếp theo khi hắn thấy cái hành động đó của mình lại giúp nhận thêm được sự thương hại của đồng bọn, thì hắn tiếp tục nó như một cách để giữ phần chia chác ung dung. Ít lao ra phía trước hơn, ít mạo hiểm hơn, ít rủi ro hơn, nhưng vẫn được chia đồng đều, việc có lợi như vậy ngu gì mà không làm.
Hắn nhập tâm vào vai diễn đến mức mỗi đêm khi đồng bọn truy hoan trong rượu thịt và dục vọng, thì hắn lại kiếm một chỗ xa xa ngồi xếp bằng mà giả vờ tụng kinh, đợi đến khi những dân nữ nhà lành chiến lợi phẩm kia bị bọn cướp giết đi sau khi đã thỏa mãn xong phần thân dưới thì hắn mới mò tới để đem xác đi chôn. Rình rập như kền kền, theo đuôi như linh cẩu, bi ai như cá sấu, và tạp nham như lợn rừng, nhưng lại có tiếng trong băng là đạo đức.
Có lần trong đống của cải cướp được có một pho tượng Phật bằng vàng, thế là hắn một sống hai chết van xin, đem hết tích lũy ra đổi chác mong đầu lĩnh để lại pho tượng đó cho mình. Rồi từ khi có được pho tượng đó thì hắn lại càng chăm cúng bái, chăm tụng niệm, chăm quỳ lạy lễ lạc, thành tâm đến nỗi biến cái hốc núi của mình thành miếu nhỏ. Thậm chí, dịp lễ tiết này nọ hắn còn thả chim thả cá để phóng sanh, là cố làm thật cật lực để xây dựng thật vững chắc cái sự ngụy tạo trong lòng mình.
Một ngày kia, sau trận chiến gian nan với quan binh khiến hơn một nửa thành viên trong băng bị chết, đầu lĩnh đám cướp vì muốn tránh đợt truy sát tiếp theo nên mới chia chiến lợi phẩm ngay giữa chiến trường rồi tuyên bố giải tán băng cướp, ai đi đường nấy, sống chết mặc bây.
Lúc đám lâu la đã tan ra như ruồi thì hắn vẫn ở lại để thu dọn chiến trường đó, việc này như một chấp niệm, một vai diễn, một cái mặt nạ mà hắn không thể tháo bỏ, bởi nếu vậy thì hắn sẽ chẳng còn gì nữa. Hắn vừa chôn, vừa niệm, vừa gọi Bồ Tát, vừa xua đuổi tâm ma trong mình, nhưng Bồ Tát thì không đến, còn tâm ma thì đã vận vào thân.
Như những con quỷ đói khi bị ném vào dung nham biển lửa, chỉ cần cái miệng vẫn còn ló lên được thì răng lợi sẽ còn nhai nhồm nhoàm.
Rồi khi hắn đang chôn giữa chừng thì đội quan binh tiếp viện đã đuổi đến, hắn đủ khôn ngoan để tự nhận rằng mình chỉ là người qua đường bất chợt gặp chuyện thê lương nên thiện tâm đưa tay ra hóa giải. Quan binh dĩ nhiên tin hắn, phần vì ngoại hình bình dân, phần vì cái tác phong miệng nam mô tay chắp lạy thành tín, và phần nữa là vì hắn đã kịp tẩu tán chôn nhanh cái mớ tiền của được chia phần kia ngay khi vừa nghe thấy tiếng vó ngựa.
Trưởng quan đem hắn về như một nhân chứng, rồi tuyên dương hắn như một người tốt và tưởng thưởng cho hắn, người dân xung quanh theo đó mà cũng biết ơn và yêu quý hắn, khiến hắn lần nữa hòa nhập vào xã hội này như một thiện nhân, lăn thân trong ố ái nhưng trở về trong hoan hô.
Cuộc đời bỗng sang trang mới theo một cách bất ngờ đến mức vượt ra khỏi khả năng mơ tưởng của cái đầu hắn, khiến hắn nghĩ rằng tất cả là do lâu nay mình đã làm đúng, rằng mình là người tốt và đây chính là hồi báo. Việc đó khiến hắn càng chấp nhất, càng nhiệt tâm, càng tận tình, và càng xây đắp nhiều hơn cho cái bước chân u mê chấp ngộ mà mình chọn.
Hắn tìm được công việc tốt, nhờ sự yêu quý và giúp đỡ của mọi người nên dần dần hắn trở nên giàu có, tăng thêm tích lũy và tăng thêm chỗ dựa cho mình.
Hắn tìm được một người vợ tốt và sinh ra những đứa con ngoan, hắn dạy cho con cái của mình thói quen tụng niệm Bồ Tát, dạy rằng tụng nhiều thì sẽ có nhiều, tụng đủ thì Bồ Tát sẽ đến bên, rồi tụng miệt mài đến tận cùng thì mình sẽ thành Bồ Tát.
Mà trong hiện thực đời hắn thì mọi thứ cũng diễn ra như vậy, hắn nay đã trở thành một phú ông có của ăn của để, có trang viên rộng lớn với một mảnh sân lớn được dùng để xây nơi thờ tự Bồ Tát. Cách ngày hắn nấu cơm tế bần, cách tuần tặng gạo cho cô nhi quả phụ, cách tháng sửa đường dựng xá, cách năm thì xây cầu đắp đê, còn đêm đêm ngày ngày thì đều dâng hoa cúng Phật. Việc đó khiến mọi người khi nghe đến thì đều gọi hắn là Bồ Tát giữa nhân gian.
Đời người ngắn ngủi, nhanh thì một tức, chậm thì trăm năm, người lão niên được thất thập cũng tạm coi như đã đủ rồi. Thế gian là bao nhiêu vạn, thiên hạ này là bao nhiêu ức, hỏi thiên không này là bao nhiêu hằng hà sa số, cõi luân hồi là bao nhiêu lần trở lại, hỏi chốn vô vi có giới hạn đến tận cùng?
Thân làm người phàm lê bước trong cõi tục, thân đem theo da thịt này lặn lội trong cõi trần, thân nương nương nhờ nhờ tựa tựa ngày ngày trong đoạn đoạn trường trường tháng tháng thì có được bao nhiêu là tâm nguyện đây? Thôi thì chỉ đành chọn một cho kiếp này, cố xây cho xong đến tận chút hơi tàn thì coi là viên mãn. Thế gian này là vậy, hắn cũng là vậy, là tự cho mình cái quyền được viên mãn trong thế gian.
Năm bảy mươi tuổi, người xưa nay đã là một ông lão, vì muốn ăn mừng cuộc đời viên mãn của mình nên lão quyết định đại lượng tạo phúc, đi khắp nơi mở hầu bao để làm việc thiện. Dự định là trong chuyến hành hương này lão sẽ xây xong bảy bảy bốn chín cây cầu, dựng đủ trăm miếu, đúc xong nghìn tượng, chép xong vạn quyển kinh. Lược sử nhìn lại, tính cả trăm năm thì người làm được nhiều việc, tích được nhiều công đức đến thế cũng chẳng có bao nhiêu, như lão thì đã đủ để chúng sanh nhìn vô rồi coi là chân thiện
Ngày kia giữa đường, từ trong xe ngựa lão nhìn thấy một đám người ngựa đi ngược chiều có chút quen mắt, gọi đồng bọn không phải, gọi huynh đệ cũng không, gọi là vô lương nhân từng cùng núi thì sẽ đúng hơn.
Lòng tự thấu nhưng cũng chính lòng che đi, chuyện xưa nay đã thành ra dĩ vãng, vui tan mau buồn lau không sót lại, người sống trong thời này chỉ muốn im lặng khép mành để yên cho cỗ xe tiếp tục trôi. Họ không thấy mình, mình không nhận họ, chỉ cần đi xa thêm một chút thì sẽ thành người dưng nước lã trôi sông, để có muốn tát thì cũng dùng gàu chứ không nhuộm lại tay bằng những ký ức xa xưa của cái thời không đáng nhớ.
Chân đứng trên bờ tay khuấy nước chứ không quậy bùn, mắt thích nhìn sen nở cố giữ mũi xa lánh mùi tanh, tai nghe tiếng chim hót khi trong miệng ngậm tròng lòng tan trứng, ngẩng đầu để mơ ước, thấp đầu để cúi xin, nhưng nhìn ngang thì ngoảnh mặt, cứ như vậy cho đến khi qua hết một đời rồi gọi là xong kiếp.
Bể khổ do ai? Bể khổ do mình, vô biên là bởi chưa bao giờ thử một lần tự mình đi qua nó.
Con đường thoát khổ, con đường siêu thoát không phải là bay lên, bởi bay đi đâu đây khi cả đời đã lảng tránh, mất gốc gác, mất đoạn trường, mất kết giao với vô thường nhân thế, chỉ có bay loạn rồi lạc lầm mà thôi.
Giản đơn ngay từ thuở đầu khi có lời răn về con đường giác ngộ, chúng sanh là bể ta là thuyền, chúng sanh là thuyền ta là kẻ đẩy, chúng sanh đưa đẩy ta chống lái mũi thuyền, khi ta sang bến thì thuyền sang bến, để cả ta và chúng sanh không còn chìm trong vô biên nữa, để dẫu thấp thoáng trăm vạn lối nghìn trùng thì chỉ chính con đường ta chọn đi qua đó sẽ là con đường dẫn ta vượt bể, giản đơn và bình dị đến không ngờ.
Còn lảng tránh hay chối bỏ thì bất kỳ lúc nào hay bất cứ kiếp nào chợt nhìn lại sẽ đều thấy bể khổ đang chờ ta, đang vây quanh ta, đang nhấn chìm và đắm đuối ta, khiến ta luôn chực chờ trong muôn hướng nhưng lại chẳng có một hướng nào ta có thể.
Lão chọn chối bỏ, vậy thì dẫu xây xong bảy bảy bốn chín cây cầu thì nhịp cuối cùng cũng sẽ chỉ dẫn về chốn cũ, nếu từ đầu đã là mê tín rồi thì dẫu đi xa đến mấy đến lúc kết vẫn là lạc đường.
Đường trở về, từ xa trăm dặm đã thấy khói đen nghi ngút cao lên tới tận trời xanh, xa năm mươi dặm thấy lửa cháy sáng rực một vùng, xa mười dặm ngửi thoang thoảng trong gió mùi máu tanh nóng ẩm, xa năm dặm thấy sông suối đỏ ố nước đổi màu, xa một dặm thấy xác quen nằm la liệt và về đến nhà thì thấy tất cả thân thương nay đã đứt bóng lìa đời.
Tượng sơn son đổi qua màu máu,
Xác vợ con cuốn gọn bên lề,
Trâu bò chó phanh thây ngửa bụng,
Đứng khóc hề chết thuở bi ai.
Cả đời lão đã chôn xác cho trăm vạn người dưng, đã tụng thiên thiên trùng trùng câu Bồ Tát cho thập phương người lạ, nhưng lúc này thì lão đã phát điên rồi, chỉ có thể hét lên một tiếng rồi bỏ chạy như con thú con bị chặt đuôi đá đít, để lại sau lưng là ruồi nhặng xua, dòi bọ nhai thân nhân thành xương trắng, phơi khô dưới nắng phơi mềm dưới trăng, chơ vơ như đất đá xếp loạn thành đồi mà không ai nhung nhớ.
Tiền tài như sương khói, danh tiếng thành phù du, mộng đẹp tan đi cũng chỉ còn là ảo mộng, ôm lối bất chấp nay đã cụt mất đường, xây lên non cao nay thành hận cao như núi, nào thấy sông hồ chỉ chuốc biển nợ vào thân, ai tha ta đây khi tự mình không sao thứ, hạnh phúc nơi nào khi chân tâm không là thật, ác nghiệt là chi khi thiện đức không thành hình, đứng giữa hồng trần mong thấy chốn vô bi nhưng thử hỏi vô bi đó là gì?
Ta đưa tay với trời cao sao trời cao không thấu, ta đập đầu kêu địa phủ ôi địa phủ không thông, ta giãy giụa chốn cõi trần nhưng cõi trần trói buộc, chút thâm tâm này ôi nhỏ bé nhỏ bé làm sao, mất hết rồi mất hết thật rồi ta sống nữa sao đây?
Cả gia đình tự sát, kẻ khổ đau nhất là kẻ chết cuối cùng, nếu nâng thêm đau thương lên đến mức cao xa diệu vợi thì sẽ là kẻ đau khổ đến điên rồ mà quên chết.
Lão tâm thần bất ổn, tâm linh tan nát, tâm tưởng tiêu vong và tâm hồn vụn vỡ, tuổi bảy mươi mà đi thất thểu như đứa trẻ lạc đường, tiểu trong quần, đi ngoài ngay chỗ ngủ, thấy bụi lủi vào, thấy người lẩn tránh, nhai lá cây nghiến sỏi đá đến hộc cả máu mồm, đông lăn trong giá, hè dang giữa nắng, người hỏi thăm thì xua đuổi, kẻ xua đuổi thì nhào lăn, vui khóc buồn cười đau reo sướng nhạo, nhớ tha quên oán ố triền miên, có ghẻ thì cạo ghẻ cho vào xương, chảy máu thì vấy máu vào mặt mình, gãy xương uốn cho thành trẹo trệ, tóc tai chỗ lõm chỗ lồi, hai con mắt nuôi cho dày gân máu, ngũ quan méo mó tứ chi teo lệch, đến giọng nói cũng gầm gừ như thú dữ.
Nhưng dẫu khổ đau ngoài thân có chất chồng đến mức nào thì lão cũng không dám dù chỉ một chút chạm khẽ vào nỗi đau luôn giày xéo bên trong mình. Lão hận Bồ Tát, lão hận cả chúng sanh, lão hận chính bản thân mình, hận đến mức không sao không sao thoát được.
Bao nhiêu năm trôi qua rồi? Là năm năm, mười năm, hai mươi hay ba mươi năm? Tấm thân già khô héo vẫn lưu lạc trên đường dài, dài đến vô tận bởi không đâu là điểm đến và đã mất chốn để trở về. Tượng đất trăm năm sẽ hóa bùn, người còn chơi vơi còn đau khổ, người muốn sống cố níu kéo từng ngày còn kẻ đã chết rồi thì sao vẫn còn lê lết tha la? Hỏi thế gian những kẻ nói cười kia khi đã mất đi điểm tựa cuối cùng thì liệu có như ta, hỏi đâu là ranh giới cuối cùng mà con-nhân có thể?
Hỏi ranh giới nào là điểm cuối, để ta còn muốn tiếp tục cái số phận này?
Mỗi lần gặp tượng thờ thì lão tiểu tiện vào, gặp người cúng bái thì lão nhào tới để hất đổ lư hương, gặp hội lễ tụng đàn thì lão khóc la kêu hét, thấy trẻ hù cho khóc, thấy già dọa cho sân, cố quấy phá thật nhiều để họ đánh đập mình, cố chống trả thật nhiều để nhận đòn thêm thật đau, ai cho cơm thì hất ngay vào mặt, ai cho cháo thì tạt thẳng vào thân, chọc cả quan binh lẫn phường bất thiện, ăn thịt sống uống máu tươi cố biến bản thân thành một con quỷ giữa đời thường.
Và tất cả, tất cả cũng chẳng biết để làm chi. Là bởi vì lão vốn đã chẳng còn cái ranh giới nào nữa.
Ngày kia, có người vì không muốn tiếp tục chịu đựng sự quấy phá của lão nên đã đóng cọc rồi trói lão vào đó, cho lão cơm ăn và nước uống, rồi lại có người vì nhớ tới những chuyện tốt khi xưa lão từng làm nên đã bỏ tiền mời thầy thuốc, thầy cúng và thầy chùa tới để bốc thuốc tụng kinh lập đàn hòng chữa trị cho lão.
Nhưng cũng vô dụng thôi, dù có làm thế nào thì lão đều cả ngày chửi bới tru tréo, đến lúc mệt thì nửa mơ nửa tỉnh mà nguyền rủa, giống như con thú hoang bị dính bẫy đang cố giãy giụa tới tận cùng. Đến quan sai cũng không chịu chứa chấp lão vì sợ nếu nhốt lão vào ngục thì những phạm nhân khác sẽ vì thế mà phát điên theo.
Dần dần thì có người chịu không nổi nữa nên mới đưa ra ý muốn rằng liệu có nên hóa kiếp sớm cho lão hay không? Một người nói, một người nghĩ rồi hai ba người cùng nói, dần dần thì cái suy nghĩ ban đầu đó nó trở thành lựa chọn, thành mục tiêu để rồi sớm muộn sẽ được diễn ra như một kết quả.
Cũng đã có lời nói rằng làm như vậy là tốt cho lão, tốt cho mọi người, là đang làm việc thiện. Thế rồi cái chuyện chủ động hóa kiếp cho lão nó cũng giống như đa phần những việc mà số đông thường làm, đó là cái gì thấy dễ thấy tiện thì cứ làm thôi.
Ngày cuối cùng, khi tất cả đều đã thông qua cái cách giải thoát đó thì bọn họ cởi trói cho lão, để trước mặt lão là mấy đĩa thức ăn ngon và ngay bên cạnh là cái rọ dùng để thả trôi sông.
Lão như mọi khi, vừa được thả ra thì liền nhào tới người khác để chửi rủa, cái mâm đồ ăn kia lão cũng hất đi chứ không ăn. Nếu như đã chọn điên thì phải điên tới tận lực, bởi nếu bây giờ mà không điên nữa thì lão sẽ không cách nào chịu nổi, việc đó còn đáng sợ hơn cả việc nằm trong rọ giữa nước sông.
Rồi vài người bẻ tay chân lão, nhét vào rọ và khiêng đi. Hai người khỏe mạnh khiêng phía trước và đám đông già trẻ lớn bé theo sau, lẫn trong tiếng xôn xao là thanh âm nguyền rủa của một người sắp đi đến điểm cuối.
Khi họ đã đi đến mép sông, khi thao tác cuối sắp diễn ra, thì chợt có một giọng nói vang lên:
- Các vị ngày hôm nay muốn làm kẻ sát nhân, đó là lựa chọn của các vị. Trong ngày hôm nay ta chỉ có một mình, dẫu lòng muốn cản thì cũng không cản được. Ta chỉ muốn hỏi rằng, là thật lòng các vị đều muốn bắt đầu từ ngày hôm nay sẽ trở thành kẻ sát nhân sao?
Đám đông biện minh:
"Chúng tôi không giết người, lão ta đã không còn là người nữa rồi, chúng tôi đang hóa kiếp cho lão, là làm chuyện tốt cho lão."
- Vậy sao? Có thể cho ta xem thử một chút có được hay không? Nếu thật là vậy thì để ta thay mọi người làm việc này cho, ta là người ngoài, ta làm thì sẽ không gây thêm tội nghiệt hay lây nhiễm nhân quả gì đến các vị đâu.
Thế là người dân bỏ cái rọ xuống, rồi để yên cho lão già điên kia đối mặt với vị khách phương xa.
.
Phật không viết kinh, kinh là do người viết.
Phật không dựng đạo, đạo là do tạo hóa tự thành.
Phật không dạy tăng, tăng là do hồng trần tự chọn.
Thế gian đắc đạo, là đạo của thế gian.
Chân Phật chỉ dẫn đường.
Niệm Phật không biến ta thành Phật, con đường đại thừa cũng chỉ mới là bước nhỏ đầu tiên.
Con đường đại đạo đâu phải là con đường mòn, Phật nào đâu hẹp lượng, cõi niết bàn đâu chỉ là một nhúm trên đời, dẫu tự xưng duy ngã độc tôn thì cũng chỉ là kẻ thích nhón chân giữa đám người. Lòng còn cố chấp, tâm còn si tưởng, hồn còn trông mong, thì thân sẽ chính là cái lồng giam trói buộc.
Vị kia chính là Nhập Thế trong kiếp này của Phật Đạo.
Khi trăm vạn sư sãi tăng ni tiểu tử đang ngày đêm tụng niệm để kiếm cho mình chút Phật duyên, tìm cho mình chút Phật lý, cầu cho mình chút Phật căn, cố ngộ cho mình chút Phật tính để cầu mong trong tấm thân trần một kiếp này thấy được con đường Chánh Quả, thì vị Nhập Thế kia đã đi xong nửa bước chân đầu đó từ tiền kiếp rồi, đã có căn quả của nhân gian, đại đạo trong chân thân ngay khi vừa được gửi xuống hồng trần, để trong kiếp này mỗi bước đi thêm đều là bước tiếp.
Sinh ra đã hiểu sự đau đớn cùng tình mẫu tử bao la của người mẹ, lấy lời ru nụ cười nước mắt cùng giọt sữa đầu đời đó làm bước chân đầu tiên để hòa vào đại đạo nhân sinh trong đời.
Uống sữa mẹ mà lớn, ăn cơm cha mà ra da ra thịt, đi dưới bóng ông bà để trưởng ngộ an lành, quỳ dưới khói tổ tiên để tương thông được nguồn cội, lấy biết ơn và yêu kính trong hiếu đạo để làm hành trang lập thân cho đời này không lầm lạc.
Tướng tự tâm sinh, khi trưởng thành ngũ quan như tạc tượng, thân như ngọc trắng, mắt như sao đêm, lời nói hay cái nhìn đều bao la bác ái khiến lòng người ấm áp, để dẫu giữa đêm tối khi lạc đường trong lo sợ thì chỉ cần nhìn thấy thôi là tâm tưởng ta đã tự động an lành. Nhưng thấy họ rồi thì tâm ta chỉ có kính chứ lòng ta không có dục, Nhập Thế mang chân mỹ là để dìu dắt ta vượt qua được lục dục của bản ngã nhân thường.
Yêu nhiều thì hận nhiều, si mê càng lớn thì buông bỏ càng khó khăn, dựa vào bánh xe thì đôi chân yếu đuối, dựa vào thuốc thang thì ngũ tạng kiệt cùng, dựa vào vách : vách đổ ta vong, dựa vào người : người đi ta oán, xây bằng bao nhiêu thứ thì sẽ mất đi bấy nhiêu thứ, tới dựa vào thân xác thì xác thân cũng chẳng còn. Nhập Thế không diệt si, nhập thế chỉ cho ta thấy si là gì, si đến từ đâu, si dẫn ta đến chỗ nào, để rồi từ đó tự ta dặn cho mình cách nhẹ lòng buông bỏ.
Lồng giam nửa gang tay trong lồng ngực, mấy vạn trượng buộc giang sơn, có đi dọc ngang hết cả bước đường trần thì cũng chỉ là cái lồng đong đếm được. Thú trong lồng sẽ cựa quậy, vật trong lồng sẽ đung đưa, còn người trong lồng thì sẽ bí bách nên muốn tranh giành chỗ thông thoáng của nhau.
Sân sinh ra từ tăm tối trong bản ngã, nó lớn dần bằng cách đem sân của ta va chạm với sân của người, đấu đá lẫn nhau khiến đầy thương tích chai sần rồi cường mạnh, khiến tăm tối chiếm trọn tâm ta, khiến lòng không trong sáng. Nhập Thế không trừ đi sân của nhân gian, Nhập Thế chỉ đem chính mình, đem đại đạo vô biên không lồng ngăn then giữ đến trải rộng giữa nhân gian, để nhân gian khi đã bước đi trên đó được rồi thì còn sân với nhau chi nữa.
Thất tình và tham, Nhập Thế cũng không trừ, nhân gian cần bản ngã, bởi phải có bản ngã thì tấm thân phàm tục mới có thể nhận ra cái vô biên khổ ải trong đời mình, có thấy thì mới có chọn, có chọn mới có đi, có đi mới có ngộ, ngộ được rồi thì mới thức tỉnh để tự ta giải thoát chính ta.
Mỗi người sẽ lớn, muôn người sẽ trưởng thành, vạn vật đều đổi thay, có khởi đầu tất có kết thúc, lồng giam vừa là trói buộc vừa là bảo vệ, nhưng lồng giam sớm muộn cũng sẽ có lúc không còn. Nhập Thế không phá lồng giam, không tạo ra lồng giam mới, cũng không ảo tưởng rằng mình có thể trói buộc hay bảo vệ. Nhập Thế chỉ đem thân nối đường tới đại đạo, để thế gian không rơi vào tận cùng tận diệt, để còn đường để đi, để nhân gian còn trong đại đạo vĩnh hằng.
Từ Bi.
Bác Ái.
Nhập Thế mỗi đời cũng chỉ là một đoạn trường giác ngộ thôi, không có gì cao xa quá.
.
Khi ông lão được thả ra khỏi rọ, trước khi lão kịp phát tác sự tức giận thì đã nhìn thấy vị khách lạ kia.
Quần áo rách rưới cũ kỹ, tóc tai ngả nghiêng không chải chuốt, chân trần đứng ung dung trên đá sỏi, hành trang chỉ có hai bàn tay trắng khoan thai. Tất cả đều rất bình thường nhưng trong con mắt mờ đục của lão lại như đang được chìm trong quang mang, trong ánh sáng thiện lành khiến cái nội tâm mờ mịt kia của lão được thông tỏ, khiến ngọn lửa đang chực trào được nghỉ ngơi, khiến một lần nữa lão tìm lại được thần trí để đối diện với vết thương trong nội tâm mình.
Lão lẩm bẩm: "...người...người là Bồ Tát...?"
- Không. Ta không phải là Bồ Tát, ta cũng chưa từng gặp Bồ Tát.
"Vậy người là ai? Điều cao quý này trong mắt ta là gì?"
- Ta là con đường ở dưới chân chúng sanh, sự cao quý này là dành cho chúng sanh, để đến cây cỏ cũng cao quý hơn ta.
Lão im lặng, đứng run run thất thần trong cơn chực chờ hoảng loạn.
Vị kia tới gần hơn một chút, mỉm cười và nói với lão:
"Là ngươi cũng cao quý hơn ta."
Lão khóc, không phải khóc thét, khóc la hay khóc rống. Chỉ đơn giản là khóc thôi, nước mắt chảy dài lăn từ khóe mắt đến gò má, khóc vì thương tâm chứ không phải vì thương thân, là những giọt nước mắt đã bị phong bế từ cái ngày tang thương khi đó.
Tình không xưng là đại đạo, nhưng tình kết nối vạn đạo trên đời này với thế nhân, tình cho ta vui sướng, tình cho ta bi ai, tình giữ cho ta còn là người. Có những giọt nước mắt này thì con tim đã khai thông với tâm trí, tính người đã hòa vào chân tâm, thiện lương chìm sâu trong khổ đau và tội lỗi đã được vỗ về.
Rồi lão hỏi, là hỏi một câu mà đáp án sẽ quyết định hết cả cuộc đời này của lão, là câu hỏi mà vì không dám đối mặt với nó nên lão mới khùng điên, là câu hỏi mà đáp án của nó sẽ khiến cho tất cả mọi người tự tâm nguyện chết hay nguyện sống.
Lão hỏi: "Đó, tất cả những điều đó có phải là nhân quả hay không?"
Nhìn gương mặt đang ngóng trông đến tội nghiệp của ông lão, vị khách bật cười rồi trả lời với nét mặt cũng đáng thương không kém:
- Làm sao ta biết được, chân ta còn chạm đất, chính ta đây vẫn còn đang rảo bước trong nhân quả của chính mình. Ta vẫn đang Nhập Thế chứ chưa phải là Xuất Thế, đáp án dành cho ngươi có lẽ Thế Tôn sẽ có, còn ta thì không.
Nghe vậy thì gương mặt của ông lão liền xụ xuống đầy vẻ mất mát như đứa trẻ không nhận được quà, thậm chí tư thế bỗng có chút di chuyển như muốn xoay người để lần nữa chui lại vào trong rọ.
Vị khách kia thấy vậy thì nói tiếp: "Đừng vội, nhân quả của một người là sợi dây của riêng người đó, còn nhân quả của chúng sanh là dòng chảy cuộn tròn theo chúng sanh. Ngươi có muốn cùng ta nhìn thấy nó, trải qua nó, rồi từ đó mà tự giải đáp được cho chính mình hay không?"
Ông lão gật đầu.
Vị khách lạ lúc này mới quay lại để trao cái nhìn hiền từ của mình cho đám đông, bọn họ sau khi nhìn thấy ông lão kia đã khôi phục lại thần trí thì gánh nặng cố chấp trong lòng họ cũng đã tiêu tan, sát nghiệt cũng thôi không còn nữa, sự an yên đã trở về. Có người còn bắt đầu thấy mừng cho ông lão, hy vọng rằng từ nay trên đoạn cuối cuộc đời lão ta sẽ tìm thấy sự thanh thản cho mình.
Hai người rời đi, một trước một sau, một ung dung một chờ đợi, có nhanh có chậm, có vội vã có khoan thai, nhưng chắc chắn là sẽ không có lạc đường.
.
Rồi một ngày kia họ đi đến một vùng đất lạ, ngay khi nhìn thấy từ xa thì ông lão đã tỏ ra kinh sợ, bởi bao phủ nơi đó là một bầu trời tăm tối đến kỳ dị, oán khí nồng đậm mùi tà ác nhìn như thực thể, nó dày tới mức nay đã cuộn thành vòng xoáy và đang ngày một lớn dần, tối dần, nặng nề đến chim thú cũng thấy ghê rợn mà bay đi, mà tẩu thoát. Nhưng cũng chỉ là vô vọng, bởi sự tăm tối kia như cái lồng giam thấm độc, cho dù có thoát ra được thì thần hồn cũng sẽ nhanh chóng tiêu vong và thậm chí là còn lây độc cho những gì kế cận.
Nhập Thế là gì? Nhập Thế là hòa vào chúng sanh, trải qua bi thương hỉ nộ ái ố ân ban tội tình oán nghiệp của chúng sanh, thấy tất cả, hiểu tất cả, thấu tất cả nhưng vẫn giữ được chân tâm mình trong sáng, để từ đó mà đem yêu thương, đem từ bi, đem bác ái để giúp đỡ chúng sanh, để giữ cho thế gian này còn đạo.
Hôm nay, Nhập Thế sẽ dẫn lão già kia cùng đi trên con đường thấu hiểu và thức tỉnh, tự mình trải qua đáy khổ ải thê lương nhất của hồng trần để thấu được hồng trần và tự hiểu được mình. Rồi từ đó mà tự mình giác ngộ, tự mình đưa ra lựa chọn cho riêng mình.
Đó là hành trình mà mấy vạn chúng tăng từ hàng ngàn năm nay đã gọi tên là:
THẬP BƯỚC THA NHÂN.
Là hành trình thức tỉnh tâm linh đầu tiên mà Thế Tôn đã tự mình trải qua và đem thân xác phàm gửi làm bài học cho nhân thế. Là bước đầu giác ngộ để từ đó mở ra con đường vô biên của Phật đạo, con đường bắt đầu từ bàn chân trần chạm đất thế gian, trải qua chúng sanh và dẫn đến cõi vô vi nơi không còn nhân quả.
Ta sinh ra không phải là Phật, vậy trước khi thành Phật ta là ai?
Nếu chỉ thấy Phật mà không thấy ta, ngươi tất sẽ lạc đường.
Nếu chỉ thấy ta mà không thấy chính mình, ngươi làm sao đi được?
Nếu chỉ thấy chính ngươi mà không thấy chúng sanh luân hồi thì đường đâu để ngươi đi?
Nếu chỉ thấu luân hồi mà không thấu từ nguyên nhân quả, thì làm sao siêu thoát được đây?
Hôm nay trên hành trình này, ta là khách lạ, là kẻ đã nằm xuống để làm thảm trải bước chân ngươi. Chính ngươi, các ngươi mới là chủ trên hành trình.
THẬP BƯỚC THA NHÂN, mười phương Phật mở đường, hành trình ta dìu ta qua bể khổ, nơi vô biên khi chối bỏ và có tận cùng khi gửi lại hết thân tâm cho tha nhân.
**
Bước thứ nhất: Kiếp khổ
Sinh ra bình an nhưng lại lớn lên trong thời ly loạn, từ nhỏ đã mất kết nối với gia đình ông bà cha mẹ, mắt nhìn thấy thân nhân đang sống ở ngay bên cạnh đó nhưng tâm tính không thể tương thông. Từ đó mà gốc nhân tính đã thiếu đi một rễ do đạo hiếu giữ gìn.
Bước thứ hai: Trí khổ
Lớn lên khi đầu óc vừa mở mang thì không gặp được người thầy tốt khiến có lớn mà không có khôn, có biết nhưng không có hiểu, vạn vật trên đời có tính toán được nhưng chỉ quanh quẩn trong cái hẹp lượng của mình, không thể mở ra được trí tuệ, không thể minh thông liên kết được vạn đạo luôn có xung quanh mình.
Bước thứ ba: Nghiệp khổ
Vô trí vô thân, bước ra đời chỉ có thể trông mong vào thời vận, trước đổ cho người may, sau đổ cho mình rủi, cuối cùng thì chọn sinh tồn bằng cách cầu may, cướp đi cái lợi của người để làm thành cái lợi của mình mà lại không đủ tình tương thân để tự mình hồi báo.
Bước thứ tư: Vận khổ
Tài vật cướp đoạt kia vốn chỉ đem lại sung (có thêm), dẫu thêm tới bao nhiêu thì cũng không thể sướng (thỏa mãn), vì thế kiếm được càng nhiều thì tâm tình càng trầm trọng, lòng tin vào người càng nhạt nhòa, thiện lương càng lúc càng vắng bóng, tận sâu bên trong trống rỗng nên dẫu cố lấp bằng bao nhiêu hưởng thụ thì cũng không thể lấp đầy. Vạn đường để đi nay chỉ còn một, là cố hết sức để lấp liếm cái trống rỗng bên trong đó.
Bước thứ năm: Ái khổ.
Nồi nào úp vung đó, vật hợp thành loại, thú hợp cùng bầy, người như thế nào thì sẽ kết giao với người như thế đó. Bạn bè không thể tâm giao, người thân không thể tha thứ, nhân tình không nguyện đưa nhau về cuối, dẫu có kết thành đôi vợ chồng thì đồng sàng dị mộng, thân ở trong nhưng thâm tâm lại hướng ra ngoài. Đứng giữa chốn đông người trái phải tung hô, trước sau hoang hợp nhưng chỉ chơ vơ ở lại mãi bên thân mình.
Bước thứ sáu: Hậu khổ.
Con sinh ra nhưng lại không đủ tôn nghiêm để dạy dỗ, cháu thành bầy nhưng đức không đủ để vây quanh, họ hàng lấp ló nhưng không có phúc để giữ gìn. Mắt nhìn đời sau chỉ có thể nhắm lại thở dài chứ không thể vui cười mãn nguyện, tự biết rằng mai đây oan nghiệp gây trong đời sẽ trở về gieo phong ba nối tiếp.
Bước thứ bảy: Đạo khổ.
Tuổi đã cao thì mới biết mình lạc đường, dục vọng nay đã không còn đủ để tự ru cho u mê quên sầu khổ. Cố chối bỏ cố tín tâm để cầu sao vớt vát lại chút thân phận, để rồi cuối cùng giật mình nhìn lại hóa ra cũng chỉ là mê tín ngu si, tự gây thêm nghiệp, tự gây thêm oán hờn.
Bước thứ tám: Tâm khổ.
Thân thể suy kiệt, không còn sức để sửa chữa vẫy vùng. Gian ngoa bít lối chằng chéo lên mọi ngả khiến không thể quay đầu. Tự nhận thấy hóa ra đời này trôi mãi thì cũng chẳng phải của mình, chỉ là một thứ phỗng mặc cho nhân gian điều khiển. Nằm đó dù mắt nhắm hay mở thì cũng chẳng thể nghĩ thông, rằng sống để làm gì, hay liệu đã bao giờ được sống.
Bước thứ chín: Đức khổ.
Con người khi về già dù có muốn hay không thì cũng sẽ có một khoảnh khắc thông linh, người có đức thì là hồi quang phản chiếu để ghi nhận thu hợp hết công đức trong đời mình, từ đó mà hương linh có hiển hiện, hương hồn được linh thiêng soi xét, được chọn lựa bước chuyển mới cho mình. Còn kẻ vô đức thì không, xác thân kia nay đã dẫn về đường cụt, chẳng có gì đáng nữa để tài bồi.
Bước thứ mười: Triệt khổ.
Một kiếp người là chồng chéo biết bao nhiêu duyên vận nhân phận mới tạo thành, những mong sẽ kết tinh ra đạo quả trước giữ phúc cho nhân gian sau bước tiếp đạo của mình. Thế mà nay đã hóa thành hư vô tan biến, thật lãng phí biết bao.
Làm người tốt thì vạn đường để đi, vạn đạo để giữ, còn làm người xấu dẫu có loanh quanh đến bước nào thì cuối cùng cũng chỉ tự mình hành mình trong thập khổ mà thôi.
.
Mười bước một đời, trải trong nhân gian mỗi người mỗi bước, có ít không là may, có nhiều không là rủi, chỉ có thể trông mong tự thân ta hóa giải thế nào. Chúng sanh có to nhỏ nhiều ít nhưng không có cao thấp, còn trong luân hồi thì ta còn phải tự xây đạo cho mình. Dẫu có là đại năng mà lạc bước, thì vạn pháp cũng tiêu vong.
Nhưng đó chỉ là thập khổ tha nhân chứ chưa là bể khổ, thập khổ là tự mình đọa mình chứ nếu đã rơi vào bể khổ - nơi thập khổ của mỗi người giao nhau chằng chéo tự rước khổ cho nhau tự buộc khổ vào mình, thì muôn súc sẽ đọa nhau.
Ví như vùng đất ngay trước mắt kia, chính là địa ngục trần gian, là bể khổ thời mạt pháp, là nơi sinh linh đồ thán trong vô đạo, là đoạn đường cuối mà dẫu Nhập Thế có đi vào thì tất yếu cũng chỉ có tiêu đạo vong thân.
.
Thú hợp cùng bầy, tên đầu lĩnh băng cướp cùng đám tay sai thân tín trên con đường đào tẩu đã gặp và nhận một kẻ khôn ngoan nhưng gian xảo làm quân sư. Tên quân sư đó đã đề ra cho đám cướp một ý, đó là thay vì phải vất vả cả đời để đi khắp nơi trộm cướp, thì tại sao bọn chúng lại không chọn một nơi trù phú để chiếm cứ rồi ép người dân nơi đó phải làm nô lệ để hầu hạ phục dịch cho bọn chúng, như vậy mọi thứ chẳng phải nhàn nhã và sung sướng hơn nhiều hay sao?
Băng cướp nghe theo, chúng chọn một nơi giàu có xinh đẹp với những người dân hiền lành lương thiện và siêng năng để làm căn cứ.
Đầu tiên, chúng bao vây và giết chết người đứng đầu vùng đất để chúng có thể thâu tóm hết quyền lực về tay.
Thứ hai, chúng gom hết những người giàu có và những người có hiểu biết của vùng đất lại để giết, như vậy chúng đã chiếm được tiền tài và diệt đi trí tuệ của vùng đất.
Thứ ba, tàn độc nhất, chúng gom hết những người có chút tài sản và có chút chữ nghĩa lại một chỗ, rồi chúng đưa đao cho người dân, ép họ phải tự tay giết đồng loại thân nhân của mình. Bằng cách đó chúng đã truyền cái ác của chúng cho tất cả, và lấy đi cái tốt cái thiện lương của vùng đất này.
Kể từ đó, khi đã thâu tóm hết quyền lực và tiền bạc trong tay, khi nơi này đã không còn trí tuệ và đạo đức, khi cái ác gian dối trá đã trở thành thường tình, thì chúng bắt đầu tự mình lên ngôi, trở thành thần thành thánh, giả làm trời làm phật, và bắt tất cả người dân phải hầu hạ mình như cha như mẹ, như tổ như tiên, như ông chủ toàn quyền duy nhất.
Đó là lúc mà bể khổ bắt đầu, lúc mà oán nghiệp sinh sôi truyền từ đời này sang đời khác, nơi ai oán thấu tới tận trời xanh, che phủ hơn mây mù và tội nghiệt phủ dày hơn bóng tối.
Lúc này Nhập Thế cùng lão già đang tự mình bước vào bể khổ.
Bước thứ nhất: Kiếp khổ.
Sinh ra đã mang tội trên người do ông bà cha mẹ và chúng sanh vây quanh truyền lại khiến hạt giống thiện lương trời đất ban cho chưa kịp nở đã vội tàn. Tiếng đầu nôi đã tôn thờ quỷ dữ, bước đầu tiên đã lạc lối mất tình người. Cha mẹ thâm tâm tăm tối, ông bà lòng dạ tối đen, người người chơi vơi sắc xám, hỏi con nhỏ phải thức tỉnh sao đây? Vừa đẻ ra đã tự mang cái kết lạc loài rời xa nhân đạo.
Bước thứ hai: Trí khổ.
Bao nhiêu trí tuệ đúc kết từ tổ tiên nay đã không còn, trăm vạn bài học tốt đẹp từ muôn phương cũng không tới, kiếm ra một người thầy có đạo đức có lương tri thì lại càng là điều không thể, muốn thấy một người tốt để noi gương thì tìm trăm phương không có một. Thế là đành học những thứ mà bọn cướp ban cho, học để tôn thờ mụ mị cái ác gian tham tàn đó, để đời này sinh ra ta không được sống cho ta, chỉ biết vận hành theo cái phương châm của loài ác độc.
Bước thứ ba: Nghiệp khổ.
Như những con ốc nhốt trong chum, như bầy cua trong rọ, không lối thoát không đường về, chỉ có thể cố trèo lên đầu người khác để ngoi lên, tự coi cái hư vinh đó là đạo lý, để tới lúc đủ cao thì bị chính bầy đàn đạp đổ, kẻ từng dưới chân ta nay sẽ đạp lên đầu ta, hèn nhục cao sang trong cái rọ tội tình, tất cả cũng chỉ là một lũ co ro oán hận, nhưng vì hèn nên không dám gửi hận lên trên, chỉ có thể trút hết xuống bầy dưới thấp.
Bước thứ tư: Vận khổ.
Cách duy nhất để giàu có là lừa lọc cướp đoạt từ người khác, gom góp đủ rồi thì bản thân sẽ thành nồi kho cho lũ tà quyền, để mặc cho chúng phanh thây rỉa thịt.
Cách duy nhất để cao sang là cúi đầu nịnh bợ, chấp nhận le liếm cái độc ác dối lừa kia làm chân lý, biết sai vẫn làm, biết nguy vẫn hại, biết đau thương vẫn cứ tự vận vào người. Đến khi cao sang đã ổn, khi ghế đã đủ chắc, chòi đã đủ chống thì bọn tà quyền lại tước đoạt rồi đá văng đi để đưa cho người mới, những kẻ có sự thèm khát được le liếm nhiều hơn, còn bản thân thì rớt xuống vũng bùn nơi có bầy sâu ăn thịt cấp thấp đang chờ mong.
Chỉ có khôn ranh chứ không có trí tuệ. Chỉ có lọc lừa chứ không thể chân tâm. Chỉ có lưu manh chứ không thể nào chính trực. Chỉ có thể tạo ác chứ không thể để đức cho đời.
Bước thứ năm: Ái khổ.
Nơi đây không thể có ái, nơi đây không thể có tình yêu, không thể có ai tương thân với ai mà chân tâm thật dạ, không thể có người đối với người mà đúng đạo tình nhân. Là vì họ không biết đó là gì, không biết nhân bản là gì, hay phải đối với nhau như thế nào mới đúng, chỉ đơn giản vậy thôi.
Chỉ biết lấy dục vọng, lấy bản năng, lấy nhu cầu, lấy ham muốn, lấy lo sợ, lấy tư tâm, lấy thường tình, lấy mộng tưởng, lấy dối trá, lấy sĩ nhân, lấy chịu đựng và lấy cô đơn để hợp thành thứ ái mà mình chọn hay bị buộc phải chọn.
Chân ái có yêu thương và đau khổ, có hòa quyện và phân ly, có nụ cười và nước mắt, có vạn xúc cảm, có vạn hờn ghen, có sức mạnh để tự ta giúp chân ái thăng hoa trong đời mình.
Còn giả ái, thì đến cuối cùng chỉ còn lại tuyệt vọng chối bỏ thôi.
Bước thứ sáu: Hậu khổ.
Con cái bất hiếu, cha mẹ bất chính, ông bà bất minh, tiên tổ bất định, nguồn cội bất dung, vạn đời bất phục. Đẻ ra đã lạc loài, như gà ăn trứng, như chó con gặm xương chó cha, tuổi lên ba đã khinh cha thường mẹ, tuổi lên bảy mặc xác ông bà, tuổi đôi mươi thì đào mồ cuốc mả tới xương cốt cũng nghiền nát ra để bán ăn.
Chung một lỗ chui ra, chung một thằng gian để tôn thờ, tới con chó con heo cũng cùng một lò đó cả.
Vậy thì còn trông mong cái gì đây? Còn cố gắng cái gì đây? Cây độc sinh trái độc, vậy thì cây mất gốc sẽ đẻ ra thứ trái gì? Chỉ có mỗi đời mỗi lúc mỗi tệ hại hơn.
Bước thứ bảy: Đạo khổ.
Mất lòng tin vào nhân gian, thử buông thân vào cửa thoát tục, để rồi nhận ra nơi đó còn thô tục hơn nhân gian. Đứng giữa trời ngẩng mặt thở dài, tự hỏi còn đâu nơi chốn để quay đầu, hỏi đường trần này có còn đâu nữa là cửa thiện hay không?
Có biết đâu, chân tâm không có thì làm gì có đâu là chân thiện, có đâu là chân đạo chứ?
Bước thứ tám: Tâm khổ.
Không có cái khổ này, là vì bản thân không có tâm. Là chỉ có thân khổ rồi tự ảo tưởng rằng mình vì có tâm nên thành ra tâm khổ. Hãy nhớ rằng khi ngập chìm trong cái bể khổ này thì tất cả ngay từ đầu đã vô tâm.
Bước thứ chín: Đức khổ.
Cũng không có cái khổ này, vì vô đức. Chỉ có tạo nghiệt rồi vì nghiệt không thành, nghiệt không thông, nghiệt cắn trả nên mới tự ảo tưởng rằng đó là do đức khổ. Sinh trong ác, lớn bằng ác, cả đời gây ác, hỏi đức đâu ra?
Bước thứ mười: Triệt khổ.
Cũng không có. Cái bể khổ tại vùng đất này là một vũng lốc xoáy tự mình sinh ra tự mình vận hành cách ly với đại đạo đất trời, là một nơi mà đến trời cũng bỏ mặc. Chết cũng không thoát được nó, hồn oán cũng không thể thoát khỏi nó, bỏ trốn thì hồn cũng sẽ bị nó cuốn về như mặc định, sống và càng lớn khổ đau sẽ càng tăng, là một nhà ngục bị bỏ mặc để phạm nhân tự mình nhai nuốt nhau trong đó.
.
Nơi này đã sản sinh ra thất ác:
Tà nhân: dựng nên tà quyền, những kẻ không phân biệt trắng đen, làm mọi việc vì dục vọng lợi ích và luôn tự nhận mình là tốt đẹp.
Bạo nhân: gây ra bạo lực và thù hận, không biết phân biệt đúng sai tốt xấu, làm mọi thứ theo mệnh lệnh của tà quyền.
Xảo nhân: rêu rao dối trá, kẻ bẻ cong sự thật, biến đúng thành sai, biến sai thành đúng.
Ti tiện nhân: tha hóa nhân cách, kẻ bất chấp danh dự phẩm giá tiết hạnh để sinh tồn.
Hèn nhân: hủy hoại tính người, gió chiều nào theo chiều đó, lật tay tung hô lật tay chửi bới, cả đời không dám nói một tiếng thật lòng.
Ngu nhân: càng lúc càng nhiều, đông đúc nhất, nhưng chỉ là công cụ để mặc cho người khác điều khiển.
Bần cùng nhân: sống trong tuyệt vọng, sống dưới đáy thấp nhất, cả đời bị chà đạp, bị bóc lột.
Tất cả bọn họ, vừa là đồ tể vừa là tội nhân, đang cùng đày đọa nhau để biến vùng đất này trở thành nơi mà đến quỷ sai dưới địa ngục cũng phải kinh sợ không dám tới gần. Họ làm tất cả bằng cái đầu tăm tối, con tim khuyết tật, đôi mắt u mê, miệng vừa tung hô vừa nhỏ dãi, và xác thân thì từ đầu đã chẳng còn thuộc về mình.
.
Chìm trong tha nhân, lúc đã bước ngang qua vùng đất và thấu hiểu được tất cả, lão giả chợt đứng im như tượng suốt một ngày một đêm, mắt không động, môi không động, tâm tình cũng không động, tự mình bước vào trạng thái vô ngã khi ý thức không còn bị ảnh hưởng bởi ngoại lai.
Rồi lão chợt quỳ xuống và nói với vị dẫn đường qua tha nhân kia: "Xin người, xin người hãy cứu giúp cho bọn họ."
- Vậy còn khổ đau của ngươi, ngươi không muốn ta hóa giải cho sao?
"Không, con hiểu rồi. Sinh ra là mệnh, chết đi là mệnh, sướng vui buồn khổ cũng là mệnh, thân nhân của con có sinh mệnh vận mệnh của riêng họ, nhân quả con gây ra dẫu nhiều ít vẫn nằm trong tuần hoàn, cả họ và con vẫn sẽ còn con đường mới cho riêng mình. Là lâu nay tự con đang trói buộc mệnh của thân nhân vào mệnh mình, là khổ con và khổ họ.
Còn những người kia, những người đang chìm trong lốc xoáy của bể khổ kia, họ đã không còn vận mệnh gì nữa, tất cả, chỉ là đọa đày không lối thoát."
Nhập Thế thở ra, trong lòng ngoài dạ đều chân thành mà mỉm cười, hai chân còn chạm vào mặt đất, chút tâm cảnh rung rinh này của Nhập Thế cũng là thường tình cảm thông.
Hiểu mình trước rồi mới hiểu người, Nhập Thế tự biết đạo hạnh kiếp này của bản thân là không đủ để hóa giải cái vòng xoáy oan nghiệt kia, vậy nên Nhập Thế đã đi khắp nơi để tìm thêm sự giúp đỡ. Hành trình thập bước tha nhân này Nhập Thế đã cùng đi với rất nhiều người, có kẻ giàu có nhất, có kẻ quyền cao chức trọng nhất, có kẻ tài ba hay thông thái nhất, hay kể cả có là kẻ nhập đạo sâu nhất thì cũng nhiều rồi.
Nhưng tất cả khi trải qua bể khổ kia, thì năm phần sợ hãi ba phần xa lánh, một phần khinh bỉ và một nữa thì bất lực thương tâm. Phải đến tận hôm nay thì mới có một người như lão giả đây, là chân tâm muốn cứu vớt, chấp nhận bỏ qua mình vì người.
Đây chính là thứ quý giá nhất trong tình người, tình đồng loại, tình tha nhân: sự cảm thương đồng cảm.
- Ta không cứu được họ. – Nhập Thế nói.
"Vậy ai cứu được, là Bồ Tát, hay là Phật?"
- Đại Năng giữ đại đạo chứ không giữ nhân quả, càng không can thiệp.
"Vậy thì ai? Là ai có thể cứu được bọn họ?"
Nhập Thế đứng lên, đặt tay lên đầu của lão giả, quán đỉnh: "Là ngươi, chỉ mình ngươi thôi, kẻ biết yêu thương tha nhân. Thế gian này chỉ có thể dựa vào ngươi."
Lão giả tức ngộ, lúc này vẫn đang chìm trong hoang mang, 'Là ta sao? Tại sao lại là ta? Ta muốn giúp nhưng thử hỏi ta có thể giúp được gì? Phải bằng cách nào? Phải như thế nào đây? Ta cũng chỉ là kẻ yếu đuối nhỏ bé tầm thường như họ thôi mà..."
Nhập Thế để yên cho lão giả suy nghĩ, con đường này lão phải tự chọn và tự đi, là tự đi bằng chính trái tim và đôi chân của lão chứ không phải vì huyễn hoặc trông chờ.
Còn Nhập Thế, khi thời điểm đã tới rồi thì bản thân cũng phải đi thôi, là đi đến tận tâm nguyện trong sinh mệnh của mình.
**
Kinh tha nhân
"Nhập Thế bước đi, từ nay ta Xuất Thế, chuyện trần tục xưa xin buông, ân cha nghĩa mẹ nay xin trả lại cho vạn hiếu trong trời đất.
Lục dục kết thành duyên, thất tình đan thành sợi, xin đem duyên nợ trong đời này khâu lại nhân quả đưa chúng sanh vào bác ái.
Đạo nhận từ chân sư, tuệ xin từ trời đất, nay xin đưa hết vào chân tâm, đem chân tâm ra khỏi thân người để làm đuốc cháy, soi sáng cho con đường ta nhập ngã nhân sinh.
Tham lam rải thành đường, si mê dẫn thành lối, sân thiêu thân thành tro tan vỡ vụn, bỏ lại tất cả chỉ để khỏa chân tâm này bước lên, tự thiêu đốt tới tận cùng để sáng tỏ cho người một lối thoát.
Kiếp trước kiếp này kiếp sau nữa xin dồn lại thành một kiếp, công đức tích từ muôn đời xin trả lại cho một đời này không giữ lại, dẫu cho không còn gì nữa, dẫu cho cõi âm ty cũng không chịu chứa chấp thì ta vẫn xin trong một đời này mà trả hết lại cho nhân thế vây quanh.
Ác vây muôn người xin hãy lấy thân ta làm chỗ trú, nghiệp hại sinh linh xin hãy quấn lấy ta, bao nhiêu tội lỗi hãy cùng về đây với ta để cùng nhau tan biến.
Thiện căn góp nhặt trên đời này xin hãy lấy thân ta làm đất, lấy máu ta làm nước, lấy hơi thở ta làm gió trời để nở hoa, hãy rực rỡ trên bờ thành bỉ ngạn của bể khổ vô biên, để nhân gian thấy được lối quay đầu.
Tha nhân không sinh ta ra, nhưng tha nhân tạo ra ta, trăm vạn nẻo đường đều cùng đến từ một thôn xóm, nghìn kẻ tha hương có cùng một gốc tương thân, máu chảy ruột mềm ngươi là ta, ta với ngươi chung nguồn cội. Đại pháp nơi cao xa kia đều sẽ có cho nhau cõi nhân tình, đại đạo có muôn phương vẫn luôn bao la trên thế thái. Yêu thương tha nhân là yêu thương chính mình, kết nối với nhau trong đất trời, để cho thiên thu vẫn còn đường tiếp nối.
Bể khổ ta dắt nhau qua, là ta vô biên chứ không là bể khổ."
.
Mặt như ngọc, thân như gương, dung nhan phát sáng, chân tâm rực rỡ soi đến muôn người. Lời chia đạo, mắt phân tình, trong veo thắm thiết, chân thân như ngọn đuốc soi lòng người rời xa tăm tối. Là Ngài ấy, trong ngày hôm nay đã đem ra hết một thân muôn kiếp đạo hạnh tích lũy của mình để soi đường dẫn lối cho chúng sanh.
Là Ngài ấy đã cưỡng ép mình thành Đại Năng, rồi phá luật của Đại Năng, đem thứ không thuộc vào chúng sanh để can thiệp vào chúng sanh, hậu quả là chính bản thân Ngài ấy sẽ không còn nhân quả, không cả luân hồi, không còn gì nữa.
Như tia sáng chiếu xuyên qua vùng xoáy đen, trên mặt người nay đã có chút rực rỡ, nhiều dấu vết của tối tăm tà ác đang dần phai đi. Tất cả nạn dân lần đầu tiên trong nhiều năm qua, đã có chút ăn năn, đã có cho mình một con đường sám hối. Họ hướng về Ngài ấy, nhận ánh sáng như cơn mưa đang thanh lọc lương tâm của mình.
.
Nhưng, mọi thứ không dễ dàng như vậy, oán nghiệp trùng trùng tự bản thân nó sẽ có cách hủy hoại đi chân đạo.
Tà Nhân núp phía sau ra lệnh, Bạo Nhân chụp lấy một người đứng gần đó để cắt cổ rồi hất máu liệng xác vào Ngài ấy, Xảo Nhân ngay lập tức chạy tới rồi tuyên bố rằng Ngài ấy là hung thủ cướp của giết người với tang chứng vật chứng rõ rành rành ngay đó, Ti Tiện Nhân thì liền cởi hết quần áo ra rồi lõa lồ lăn lộn trên người NgàI, miệng rêu rao rằng Ngài là kẻ dâm loạn vừa hiếp dâm vừa loạn luân, Hèn Nhân đứng bên ngoài liền hùa vào, trăm mồm mười miệng lập tức kể ra vanh vách vô số tội lỗi bẩn thỉu và đê hèn nhất với đích danh hung thủ là ngài, Ngu Nhân thì chẳng biết gì nên cứ đứng ngơ ra đó thấy đám đông làm gì thì bắt chước làm theo, còn Bần Cùng Nhân thì ngay từ đầu đã cúi mặt cố rúc vào một chỗ chẳng dám làm gì.
Đám Tà quyền lúc này mới khệnh khạng đi tới, giả vờ chăm chú lắng nghe những lời báo án kia, cố gật gù cho thật chỉnh chu đúng quy củ, rồi mới lớn tiếng chỉ tay năm ngón mà phán:
- Vậy tức là tên này là một tên đại ma đầu cực kỳ hung hãn và độc ác, với vô số tội nghiệt đã được chứng minh không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng để công bằng thì ta cho phép chính hắn được tự biện hộ hay cho phép bất kỳ ai ở đây được biện minh cho hắn. Sao? Có ai muốn nói gì khác hay không?
Chúng cầm đao chĩa vào từng người đang ở đó, thử xem có ai khác dám lên tiếng hay không, để rồi giống như mọi khi thì tất cả đều im lặng, họ cam chịu mọi điều, chấp nhận mọi bản án mà chúng đưa ra, tới một cái nhìn lên họ cũng không dám.
Tà Nhân cười khẩy, chuyện vu vạ đấu tố và chụp mũ này chúng làm đã quá quen tay, bất kỳ một cái mầm mống tốt đẹp nào mà nảy nở ra trên vùng đất này thì chúng phải ngay lập tức loại bỏ, bởi đó là cách duy nhất để cái ác trường tồn, cách để chúng cai trị đám dân đen đê hèn ở đây bằng ngu dốt, tội lỗi và dối trá.
Rồi khi chúng đang xoa cằm để kiếm ra một bản án thích hợp thì bỗng nhiên có một giọng nói vang lên:
"Có. Có ta đây, ta có điều muốn nói."
Lúc đám tay sai đang định lao tới để tiếp tục chặn họng tiếng phản kháng như mọi khi thì tên đầu lĩnh đưa tay ra ngăn cản, bởi hắn đã nhận ra kẻ vừa lên tiếng kia là ai, chính là lão già nhát chết trong băng đảng năm xưa, đầu lĩnh tự hỏi thầm: 'lão kia lại muốn làm gì đây? Tính tụng kinh Bồ Tát tiếp hay sao? Cũng được, dù gì thì dân chúng ở đây cũng đã tôn thờ ta như thần như phật, chùa đặt tượng ta cũng nhiều, có thêm một tên tụng thuê như vậy càng tốt.'
Lão giả đi tới, trong tay lăm lăm dao nhọn, mặt mũi hung dữ tóc bù xù, mắt oán độc miệng méo lệch, bộ dáng già nua cay nghiệt không che giấu. Lão tới, quỳ lạy đám Tà quyền rồi quay lại chỉ tay vào Ngài và nói to với tất cả mọi người ở đó rằng:
"Tên này, tên đại ma đầu này, nếu như tất cả tội nghiệt mà mọi người nói về hắn đều đúng thì không còn cách nào để có thể tha thứ cho hắn được nữa. Vậy nên ngày hôm nay hắn phải đền tội, phải bị trừng phạt, phải chịu nỗi nhục hình đau đớn nhất, để lấy lại công lý cho chúng ta. Vậy nên ta muốn hắn phải bị tùng xẻo, với mỗi người trong chúng ta, mỗi nạn nhân của hắn, là người trực tiếp ra tay."
Đám đông giật mình, còn đám tà quyền thì cười như mở cờ trong bụng, đây là thứ mà bọn chúng thích nhất, là bắt người dân phải tự giết lẫn nhau, tự làm hại nhau, tự tiêu diệt đi cái tốt. Như vậy thì tội lỗi sẽ chia đều cho dân chúng, khiến bọn chúng phải tự im lặng tự chối bỏ, còn đám tà quyền thì tay chân sạch sẽ, vẫn giữ được hình tượng của mình.
Quỷ muốn sống giữa loài người, thì phải biến loài người thành quỷ, như vậy sẽ không còn ai ghét bỏ nó nữa, vì họ bận ghét bỏ lẫn nhau.
Nhận được cái gật đầu của đám cướp, lão giả lại làm hăng hơn, lão hét lên, thúc dục mọi người ra tay, vừa đe dọa vừa chửi bới dồn ép.
Nhưng mọi người không dám, đúng hơn là không muốn, vì tận sâu trong thâm tâm họ biết vị kia chính là chân nhân chân thiện, là cái thiện cái tốt duy nhất dám đến đây ở đây và chịu tội ở đây vì họ. Cho dù họ có ác đến mức nào, cho dù biết bản thân đã trở thành giả nhân, thì họ cũng không muốn tự tay diệt đi cái thiện cuối cùng này, cái thiện đã hy sinh tất cả vì họ. Bước chân giới hạn này, như một chút hy vọng cạn cùng của họ khi vẫn trông mong rằng mình vẫn còn là người.
Lão giả hét lên: "Các ngươi phải giết, phải tróc da tróc thịt tên đại ma đầu này, nếu ai không làm thì tức người đó là đồng lõa, là tội nhân, vậy nên cũng sẽ bị đem ra xét xử giống như tên ma đầu này."
Nhưng mọi người vẫn đứng yên ở đó, cúi mặt như bao lâu nay vẫn cúi mặt.
"Được thôi, các ngươi không dám thì cứ để ta mở đầu, nhưng hôm nay sẽ không ai thoát khỏi đâu, ta sẽ không cho phép tên đồng bọn nào của ma đầu lọt lưới."
Rồi lão cầm con dao đi tới gần chỗ của Ngài, lão hỏi trong đôi mắt ứa lệ:
"Thế gian này liệu có tha thứ cho ta hay không?"
Ngài lắc đầu.
"Ta có thể tha thứ cho chính mình hay không?"
Ngài gật đầu.
"Vậy Ngài, có tha thứ cho ta hay không?"
Ngài ấy mỉm cười, rồi nhắm mắt lại.
Rồi lão gạt đi nước mắt, vung dao lên bằng một câu nói: "Ta không vào địa ngục, thì ai vào địa ngục đây."
Rồi lão cắt ra một miếng da lớn của Ngài, đưa lên cho mọi người cùng thấy, rồi bỏ vào miệng để nhai và nuốt xuống trong ánh mắt kinh hãi của tất cả mọi người.
Sau đó, dưới sự đe dọa của đám Tà quyền và lũ tay sai, từng người từng người dân một đi tới để thực hiện cái hình phạt tùng xẻo phanh thây muôn mảnh đó. Người cắt mũi, kẻ cắt tai, người lọc da, kẻ thẻo thịt, cứ vậy mà từng chút từng chút một, cái hình hài ngọc tượng thanh khiết kia chỉ còn xương trắng trong vũng máu. Nhưng từ đầu tới cuối đều không có một tiếng kêu la đau đớn nào, mà hình như chỉ thấp thoáng vang ra những âm thanh từ bi hóa giải, giúp an tĩnh lại cái sợ hãi trong lòng người.
Mọi chuyện coi như đã xong, đám cướp Tà Quyền kéo nhau quay về dinh thự của mình để tiếp tục tiệc rượu truy hoan, tên thủ lĩnh còn tốt bụng ban chức tước cho lão giả, hứa hẹn rằng từ nay chỉ cần lão tiếp tục làm tay sai trung thành cho chúng thì chuyện hưởng thụ sẽ mỗi ngày mỗi nhiều hơn, dư để sống một cuộc đời sung sướng.
Đêm đó, khi trong dinh thự đám Tà Nhân kia đã no say, khi lũ tay sai thân tín đã lăn quay sau mê ly thỏa mãn, thì từ khắp nơi trong vùng đất, người dân âm thầm rời khỏi nhà trong bóng tối, nối tiếp nhau trên khắp các nẻo đường, dẫn nhau đi về nơi đặt di hài của Ngài ấy.
Từng người từng người một đem trả lại miếng thịt mình đã lóc ra lúc ban chiều, tất cả không sót một ai, không thiếu một mẩu thịt nào, giữ trong hai tay và trả lại trong thành kính.
Họ thắp lên ngọn lửa lớn, đặt thân xác Ngài vào trong rồi chắp tay cúi niệm tiễn đưa thân xác của chân nhân rời khỏi thế gian này trong ngọn lửa nóng rực nhưng tỏa ra ánh sáng sưởi ấm tới tận thấu lòng người.
Lão giả đứng đó, nhìn ngọn lửa nhìn mọi người, rồi nói ra câu nói cuối cùng mà Ngài nói với lão cho mọi người nghe: "Chỉ các ngươi thôi, chỉ các ngươi mới có thể tự cứu mình."
Rồi lão bước vào trong đống lửa, là để trả lại miếng thịt da cuối cùng cho chân nhân. Trong ánh sáng xuyên đêm soi thấu lòng người đó, đã vang ra câu niệm trọn đời của lão, niệm lần cuối cùng cho một lần chân tâm duy nhất:
"Bồ Tát phù hộ, Bồ Tát chắc chắn sẽ luôn phù hộ cho chúng ta."
.
Sáng hôm sau, bọn Tà quyền lại đi cướp bóc bằng cách sưu cao thuế nặng, biện pháp đơn giản nhất chính là lôi đám người bần cùng ra đánh đập sao cho thật tàn nhẫn, như vậy thì những kẻ khác khi nhìn vào sẽ sợ hãi mà tự giác nộp tiền ra, rồi bọn họ sẽ tự an ủi mình bằng cách cười khinh và góp sức chà đạp những kẻ bần cùng đó, để được tự thỏa mãn, được tự nhận tự ảo tưởng rằng mình vẫn còn may mắn hay sung sướng hơn nhiều người khác.
Chỉ là hôm nay khi roi đòn của Tà Quyền vừa vung lên thì có một bàn tay chặn lại, người đó mới hôm qua còn là Bạo Nhân nhưng hôm nay lại muốn làm việc thiện lành.
Rồi những người khác cũng vậy, Ti Tiện, Hèn Ngu hay Gian xảo, tất cả đều đã khác rồi, họ gom góp tiền của lại để đưa cho Bần Cùng, để Bần Cùng thoát được trận đòn ngày hôm nay của lũ cướp Tà Nhân.
Lần đầu tiên, tất cả đứng chung về một phía, để thương yêu nhau, để bảo vệ cho nhau, để nghĩ cho nhau và để cùng nhau tìm cho mình một lối thoát.
Dìu nhau cùng đi rời xa bể khổ,
Thương cận tương thân kiếm lại tính người,
Thân nhân bạn hữu tình duyên nguyện lại
Để có cho nhau một lối luân hồi.
Lúc biết yêu mến tha nhân, thì cũng sẽ là lúc mà câu chuyện thật sự của vùng đất này bắt đầu...
*
Trương Lang Vương
Thập bước tha nhân, đoạn đường đầu giác ngộ.
*
Phật tại tâm, lòng dạ Bồ Tát. Hãy để mọi thứ bắt đầu từ chính bên trong ta, trên con đường ta chọn.
Chỉ ta thôi, chỉ ta mới có thể tự cứu mình.
*"*"*
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top